Nghị quyết 33; Dự án điện rác HN chậm tiến độ; Đổ nát ở Hãng phim truyện VN; Chưa rõ ngày ấn 'Hoàng đế chi bảo' về nước

Nghị quyết 33 - “Khơi thông” thị trường bất động sản

Với Nghị quyết 33 được ban hành, hai nút thắt chính của thị trường bất động sản là vướng mắc pháp lý và nghẽn dòng tiền sẽ dần được tháo gỡ.

Thị trường bất động sản có tín hiệu hồi phục

Vào nửa đầu tháng 3, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33, về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Theo đánh giá của giới quan sát, hai nút thắt chính của thị trường là vướng mắc pháp lý và nghẽn dòng tiền sẽ dần được tháo gỡ từ Nghị quyết quan trọng này.

Đặc biệt khi Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xem xét điều chỉnh phù hợp hệ số rủi ro với các phân khúc bất động sản. Các ngân hàng thương mại có biện pháp giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ thị trường. Chỉ vài tuần sau khi Nghị quyết 33 được ban hành, ghi nhận trên thị trường cho thấy, bất động sản đã có những tín hiệu hồi phục.

Hơn 1 tuần qua, anh Hoàng Đình Khiêm - chủ một sàn giao dịch bất động sản, đã bắt đầu bận rộn trở lại. Dù bận, nhưng anh không giấu được sự vui mừng, khi chỉ trong vòng 1 tuần qua, sàn của anh đã bán được hơn chục căn hộ chung cư.

Anh Hoàng Đình Khiêm - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Kinh doanh và Phát triển địa ốc Vietstar Land cho hay: "Với Nghị quyết 33 của Chính phủ tôi thấy thị trường có dấu hiệu hồi phục hơn. Những sản phẩm ở như là chung cư có giá trị thật sự về ở luôn luôn có lượng khách quan tâm rất nhiều".

Khảo sát từ một số sàn giao dịch tại khu vực Hà Nội cho thấy, nhà chung cư, nhà thổ cư trong ngõ có thể ở ngay đã giảm trung bình 200 - 400 triệu đồng/1 căn so với cuối năm ngoái. Còn giá nhà tại các dự án giảm trung bình từ 15 - 30%, cộng thêm nhiều chương trình ưu đãi, tặng quà.

Một số dự án mới cũng đã rục rịch mở lại các hoạt động bán hàng, đẩy nhanh tiến độ. Vì vậy, những người có sẵn tiền đã quyết định mua.

Mặt khác, gói vay mua nhà hay bất động sản của một số ngân đều đã hạ nhiệt, dù chưa thật sự lớn, với mức giảm từ 0,2 - 0,5%/năm.

"Nghị quyết 33 của Chính phủ ban hành đúng thời điểm và rất hữu ích cho thị trường. Chúng tôi vẫn duy trì đánh giá tích cực về tiềm năng của thị trường Việt Nam. Các yếu tố nền tảng rất tốt, đặc biệt về nhân khẩu học, tốc độ đô thị hóa cũng như tăng trưởng thu nhập bình quân. Các yếu tố ấy vô hình chung sẽ tạo ra lượng cầu lớn trong lĩnh vực nhà ở. Khả năng hồi phục của thị trường phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố bao gồm việc tháo gỡ về pháp lý, nguồn vốn, sản phẩm phù hợp", ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội đánh giá.

Còn tại các địa phương như tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, có vị trí kề cận ngay Hà Nội, là điểm nóng của giới đầu tư bất động sản thời gian qua, với hơn 50 dự án đang triển khai, hiện đang tập trung tháo gỡ vướng mắc về giải phóng mặt bằng, về pháp lý cho các dự án dở dang, theo đúng tinh thần của Nghị quyết 33.

Ông Nguyễn Văn Thược - Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh cho biết: "Đối với các doanh nghiệp, chúng tôi tạo điều kiện hết mức về công tác tiếp nhận hồ sơ, xử lý hồ sơ, gắn với việc cải cách hành chính....".

Trong các tháng qua, để tự vượt qua khó khăn, một số doanh nghiệp đã tìm đến giải pháp tìm kiếm đối tác để tiến hành các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A), bằng cách bán lại một phần hoặc toàn bộ dự án, để thu tiền về, xử lý các khó khăn.

Theo đánh giá của Savills Việt Nam, thị trường bất động sản sẽ hồi phục mạnh hơn từ cuối năm nay, khi các vấn đề pháp lý quan trọng được tháo gỡ và lãi suất cho vay ở mức hợp lý hơn.

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng khơi thông vốn cho thị trường bất động sản

Trong Nghị quyết 33, vấn đề vốn để phát triển nhà ở xã hội đặc biệt được quan tâm, với đề xuất triển khai chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng. Theo dự kiến, gói này ban đầu sẽ thực hiện từ nguồn vốn của 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, với mức lãi suất thấp hơn từ 1,5 - 2% so với cho vay thông thường. Nếu triển khai thành công, gói này được kỳ vọng sẽ là cú hích, giúp cung và cầu bất động sản gặp nhau.

Gói 120.000 tỷ đồng theo tính toán sẽ tương đương khoảng 12% nhu cầu vốn cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Nguồn vốn này sẽ dành cho vay cả người xây dựng và người mua nhà. Ngoài 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước, một số ngân hàng thương mại khác cũng tỏ ý quan tâm nếu có những hướng dẫn rõ ràng về đối tượng, cách thức triển khai.

Ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc TPBank cho biết: "Tôi nghĩ các điều kiện không cần khác biệt nhiều. Chúng ta cần xác định cụ thể đối tượng nào được tiếp cận, nguồn thu nhập định kỳ của họ, mức lãi suất ưu đãi thế nào để thu nhập của họ có thể trang trải được".

"Trước mắt do 4 ngân hàng thương mại sở hữu nhà nước triển khai và sau này có thể mở rộng thêm. Ngân hàng Nhà nước cũng cần phối hợp với Bộ Xây dựng để hướng dẫn triển khai thực hiện càng sớm càng tốt", ông Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính tiền tệ Quốc gia nói.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng muốn giải ngân được gói tín dụng này cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án nhà ở xã hội. Bởi hiện nay, theo Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, nguồn cung nhà ở bình dân 2 năm gần đây không có dự án mới được mở bán, căn hộ có mức giá dưới 20 triệu đồng một m2 cũng khan hiếm.

Ông Trần Đức Anh - Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược thị trường của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam thông tin: "Dự án cho nhà ở xã hội rất ít, vì vậy tác động thực tế của gói 120.000 tỷ đồng đến lĩnh vực bất động sản nói chung liệu có lớn hay không chúng ta cần nghiên cứu và cân nhắc. Thậm chí, cần cân nhắc bên cạnh nhà ở xã hội nên hỗ trợ nhà ở trung và thấp cấp nữa".

Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhận định cần hạ thêm mặt bằng lãi suất hơn nữa mới kích thích được những người có nhu cầu ở thực vay mua nhà. Vì mức lãi suất cho vay các ngân hàng thương mại đang áp dụng trên dưới 13%/năm, nên dù có được giảm 1,5 - 2% vẫn tương đối cao với thu nhập của nhiều công nhân, người lao động.

Hiện nay, thị trường đang rất mong chờ những thông tin mới nhất về gói vay ưu đãi 120.000 tỷ đồng. Bởi nếu các dự án nhà ở xã hội được triển khai, tạo ra các sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực tiễn của người dân, theo đúng chỉ đạo của Nghị quyết 33, sức nóng của phân khúc này sẽ lan toả khắp thị trường chung. Điều này giúp thị trường nhà ở phát triển bền vững, hướng tới nhu cầu ở thực.

(Nguồn: CafeF)

Lý do khiến các dự án điện rác tại Hà Nội chậm tiến độ?

Giai đoạn 2016-2020 tại Hà Nội tỷ lệ đầu tư xây dựng công trình điện theo quy hoạch chưa cao, đặc biệt là các công trình xây dựng mới lưới điện 110kV (mới chỉ đạt dưới 30%). Hiện có 59 dự án, cụm dự án chậm tiến độ trong đó có 2 dự án điện rác quan trọng.

Mới đây, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021” tại Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) và Sở Công Thương Hà Nội.

Tại buổi làm việc, thành viên Đoàn giám sát đã đề nghị các đơn vị làm rõ nguyên nhân và những khó khăn, vướng mắc khiến một số dự án điện chậm tiến độ.

59 dự án, cụm dự án chậm tiến độ

Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết, đến năm 2021 toàn TP lắp đặt được 2.102 hệ thống điện mặt trời mái nhà, công suất 33,82MW; 1 nhà máy điện rác Nam Sơn, công suất 1,93MW đã đi vào vận hành; 2 dự án nguồn điện gồm Dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn, công suất 75MW (đã vận hành 2/3 tổ máy phát công suất 60MW) và dự án Nhà máy điện rác Seraphin, công suất 37MW (khởi công xây dựng ngày 30/3/2022).

Tuy nhiên, tỷ lệ thực hiện đầu tư xây dựng công trình điện theo Quy hoạch phát triển điện lực chưa cao, đặc biệt là các công trình xây dựng mới lưới điện 110kV (mới chỉ đạt dưới 30%). Hiện có 59 dự án, cụm dự án thuộc danh mục chậm tiến độ, trong đó có Dự án nhà máy điện rác Sóc Sơn và Dự án nhà máy điện rác Xuân Sơn.

Về những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân khiến các dự án trong giai đoạn 2016-2021 chậm tiến độ, đại diện Sở Công Thương cho biết trong năm 2021 và 2022 do ảnh hưởng của Covid-19, hạn chế tiếp xúc đông người, tạm dừng thi công tuân thủ giãn cách xã hội; việc nhập cảnh của chuyên gia và nhập khẩu trang thiết bị điện phục vụ lắp đặt bị ngưng trệ.

Vì vậy, trong thời điểm quý III/2021 đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công, hoàn thành một số công trình cấp điện mới. Trong cả năm đóng điện 1 đường dây 500kV, cải tạo 1 trạm biến áp 220kV; 6 trạm biến áp và 8 đường dây 110kV; Trong năm 2022, tiến độ khởi công và hoàn thành xây dựng mới các công trình 110kV, 220kV, 500kV trong năm 2022 đã cải thiện hơn so với các năm trước chưa nhưng vẫn chưa đạt được kỳ vọng Kế hoạch (tỷ lệ khởi công đạt 46,67% và tỷ lệ hoàn thành đạt 60,7%).

Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà máy điện rác có Dự án nhà máy điện rác Sóc Sơn bị chậm tiến độ hoàn thành, ngoài nguyên nhân do ảnh hưởng dịch Covid-19 thì do dự án được điều chỉnh thông số tua bin máy phát dẫn đến phải điều chỉnh bổ sung công suất dự án từ 75MW lên 90MW vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Bộ Công thương đã thẩm định, cập nhật dự án vào Dự thảo quy hoạch điện VIII và trình Thủ tướng và chờ phê duyệt nên chưa thể nghiệm thu, vận hành tổ máy thứ 3. Sở Công Thương đã tham mưu UBND TP thực hiện xem xét điều chỉnh tiến độ.

Với Dự án nhà máy điện rác Xuân Sơn do Liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T và Hitachi Zosen Corporation làm Chủ đầu tư bị chậm tiến độ triển khai thực hiện do nhà đầu tư Hitachi Zosen Corporation đã rút khỏi dự án. Đến nay TP đã có Quyết định chấm dứt đầu tư dự án.

Đại diện Sở Công Thương cho rằng nguyên nhân chủ yếu dẫn đến trễ tiến độ hoàn thành các công trình điện, ảnh hưởng đến việc đảm bảo tin cậy cung cấp điện vẫn do khó khăn chủ yếu trong công tác giải phóng mặt bằng.

Nhiều vướng mắc trong giải phóng mặt bằng

Làm rõ hơn một số vướng mắc trong triển khai dự án điện, Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực Hà Nội Nguyễn Danh Duyên cho biết, trong giai đoạn 2016-2021, một số dự án của EVNHANOI gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ đầu tư do một số nguyên nhân chủ yếu như: Luật Quy hoạch đã có hiệu lực, tuy nhiên văn bản hướng dẫn chưa đầy đủ dẫn đến việc áp dụng có những cách hiểu khác nhau, do vậy việc triển khai còn lúng túng, chưa kịp thời; Chưa có sự đồng bộ trong thực hiện quy hoạch điện và quy hoạch xây dựng. Công trình điện cần làm trước một bước nhưng công trình đường giao thông chưa có kế hoạch xây dựng nên không thoả thuận được vị trí, đất đai.

Theo đại diện Sở Công Thương Hà Nội, sau khi Luật Đầu tư số 61/2021/QH13 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2021, các Chủ đầu tư phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án trong trường hợp đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu hoặc nhận chuyển nhượng, dự án đầu tư có đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất. Theo quy định mới này, hầu hết các công trình điện 500kV, 220kV và 110kV bao gồm cả xây dựng mới và cải tạo mở rộng đều thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật làm phát sinh thêm thủ tục thực hiện kéo dài thời gian cho công tác chuẩn bị đầu tư hơn so với trước đây.

Bên cạnh đó, công tác thỏa thuận vị trí trạm và hướng tuyến đường dây gặp nhiều khó khăn, phải thỏa thuận với nhiều cấp, mất rất nhiều thời gian, không nhận được sự đồng thuận của một số tổ chức, cá nhân dẫn đến phải thay đổi vị trí, phải thỏa thuận nhiều lần và điều chỉnh quy hoạch cục bộ; Công tác xác định nguồn gốc đất, kiểm đếm tài sản, thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, kéo dài nhiều năm.

Các dự án đầu tư xây dựng lưới điện, đặc biệt là đối với vị trí móng cột điện thuộc các dự án theo tuyến, trải dài qua nhiều địa bản, nhiều chủ sử dụng đất, khi thực hiện giải phóng mặt bằng diện tích đất xây dựng các vị trí móng cột tạo ra các diện tích chéo méo khó canh tác, các chủ sử dụng đề nghị Nhà nước thu hồi hết phần diện tích chéo méo này, dẫn đến công tác đền bù giải phóng mặt bằng bị vướng mắc, kéo dài...

EVN Hà Nội kiến nghị, đối với các công trình lưới điện trung áp không nằm trong quy hoạch hoặc cần điều chỉnh quy hoạch (các công trình trạm biến áp trung áp không phân biệt dung lượng trạm biến áp và đường dây trung áp) thì cho phép EVN Hà Nội tổ chức thực hiện đấu nối vào lưới điện và báo cáo cơ quan quản lý quy hoạch có thẩm quyền theo quy định; Đối với các công trình lưới điện đã có trong quy hoạch, kiến nghị bố trí quỹ đất cho công trình điện vào quy hoạch phân khu đặc biệt đối với các quận nội thành có quỹ đất hạn chế.

(Nguồn: Kinh tế & Đô thị)

Lùm xùm đổ nát ở Hãng phim truyện Việt Nam: Chưa có giải pháp

Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) sáng 24/3, đại diện Bộ VHTTDL khẳng định “chưa có giải pháp tích cực”.

Thực trạng ngổn ngang ở Hãng phim truyện Việt Nam được hâm nóng trong cuộc họp thường kỳ quý I của Bộ VHTTDL.

Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính Phan Linh Chi nói rằng, nguyên nhân chính dẫn đến “thảm cảnh” ở Hãng phim truyện Việt Nam đến từ sự bất hợp tác của cổ đông chiến lược là Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso). Thêm vào đó, mâu thuẫn giữa đơn vị này và người lao động ở Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) chưa được giải quyết.

“Tổng công ty Vận tải thủy chưa đưa ra văn bản tính toán chi phí hợp lệ, tiến hành các thủ tục liên quan đến cổ phần hóa và đề xuất số tiền nhận lại khi hoàn trả cổ phần cho Nhà nước”, bà Chi nói.

Bộ VHTTDL không thể đơn phương thu hồi cổ phần và hoàn trả lại tiền cổ phần hóa nếu không có sự hợp tác từ Vivaso. Ngày 22/3, Bộ VHTTDL và Thanh tra Chính phủ có báo cáo chi tiết với Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về lộ trình cổ phần hóa VFS. Bà Chi cho biết Bộ VHTTDL đang chờ hướng dẫn cụ thể từ Phó Thủ tướng.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính, những bộ phim kinh điển do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất vẫn thuộc quyền sở hữu của Bộ VHTTDL. Bộ VHTTDL thúc đẩy tìm nhà đầu tư chiến lược mới song chưa có kết quả.

Mối quan tâm hàng đầu của cán bộ, nhân viên hãng phim là thu nhập và quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Bộ VHTTDL đã gửi văn bản kiến nghị, xin chỉ đạo của Thủ tướng để có phương án giải quyết.

Năm 2018, Bộ Tài chính đã có phương án trích Quỹ Hỗ trợ sản xuất và phát triển doanh nghiệp để Nhà nước mua lại số cổ phần của Vivaso tại VFS. Nếu nhà đầu tư đưa ra con số cụ thể trong năm 2021, số tiền chi trả có thể được trích từ quỹ. Tuy nhiên, từ đầu năm 2022, Nghị định 148/NĐ-CP có hiệu lực không cho phép thực hiện phương án này.

“Chúng tôi đã có lộ trình thực hiện, đảm bảo thực hiện theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng vào thời điểm đó. Mấu chốt là đề xuất của nhà đầu tư đến nay chưa có”, bà Chi giải thích.

Trong khuôn khổ cuộc họp, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa Trần Đình Thành khẳng định chuyến hồi hương của ấn vàng Hoàng đế chi bảo sẽ sớm có kết quả trong giai đoạn tháng 4-6/2023.

Khi được hỏi về thông tin một nhà sưu tập người Việt mua thành công ấn vàng Hoàng đế chi bảo, ông Thành cho biết, Cục Di sản Văn hóa chưa thể công bố thông tin chính thức bởi quá trình đàm phán, thương lượng và tiến hành thủ tục hồi hương vẫn đang diễn ra.

Lãnh đạo Cục Di sản Văn hóa khẳng định, dù ấn vàng Hoàng đế chi bảo thuộc sở hữu cá nhân cũng không có chuyện cổ vật quý giá này lại bị bán ra nước ngoài một lần nữa.

“Di vật, cổ vật thuộc sở hữu tư nhân do Bộ trưởng Bộ VHTTDL cho phép, theo đề nghị bằng văn bản của Giám đốc Sở VHTTDL trên cơ sở đơn xin phép của chủ sở hữu di vật, cổ vật đó”, ông Thành nói.

(Nguồn: 2Sao)

Bộ VH-TT-DL: Chưa rõ ngày ấn “Hoàng đế chi bảo” về VN, sẽ không bị bán cho nước ngoài nữa

Hiện chưa thể xác định cụ thể khi nào ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” sẽ từ Pháp trở về Việt Nam nhưng mọi chuyện có thể sẽ rõ ràng hơn trong vòng 3 tháng tới, một quan chức Bộ Văn hóa-Thông tin-Du lịch Việt Nam nói với báo giới hôm 24/3.

Ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, cho biết trong một cuộc họp báo thường kỳ của bộ rằng từ tháng 4 đến tháng 6 tới sẽ có kết quả về chuyến hồi hương mang tính lịch sử của ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”.

Như VOA đã đưa tin, hồi giữa tháng 11/2022, Việt Nam loan báo đã đàm phán thành công với nhà đấu giá Millon của Pháp để ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”, con dấu truyền đời của các vua Nguyễn thế kỷ 19, được chuyển giao cho Việt Nam. Trước đó, Millon đã có kế hoạch bán đấu giá chiếc ấn tại Paris.

Ấn vàng này được các chuyên gia xác định là hiện vật nguyên gốc, chuẩn xác, được đúc vào năm Minh Mạng thứ tư tức năm 1823. Quai ấn đúc hình một con rồng uốn khúc, đầu ngẩng cao, mắt nhìn về phía trước, tư thế vững vàng; trán rồng có khắc chữ “vương” (vua). Ấn đúc bằng vàng, nặng xấp xỉ 10,8 kg.

Nói với các phóng viên hôm 24/3 về thông tin là một nhà sưu tập người Việt đã mua thành công ấn vàng "Hoàng đế chi bảo", Phó Cục trưởng Trần Đình Thành cho hay rằng cục của ông chưa thể công bố thông tin chính thức bởi quá trình đàm phán, thương lượng về thủ tục hồi hương vẫn đang diễn ra, và phải tuân thủ một số cam kết giữa các bên liên quan.

Vẫn ông Thành khẳng định rằng dù ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" có thuộc sở hữu cá nhân, sẽ không có chuyện cổ vật quý giá này lại bị bán ra nước ngoài một lần nữa, căn cứ vào một thông tư hồi năm 2012 của Bộ VH-TT-DL quy định về danh mục di vật, cổ vật không được đưa ra nước ngoài bao gồm di vật, cổ vật bằng các chất liệu có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học.

Những cổ vật thuộc diện đó chỉ có thể đưa ra nước ngoài để trưng bày, triển lãm để quảng bá văn hóa Việt Nam hoặc nghiên cứu, bảo quản, phục chế do điều kiện công nghệ trong nước chưa đáp ứng được, ông Thành nói.

(Nguồn: VOA)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang