Môi giới gả chồng; Đánh ghen phụ cũng vào tù; Những đứa trẻ phiêu bạt chợ đầu mối; Bi kịch trầm cảm sau sinh

Ngày trả giá của nhóm đối tượng môi giới gả chồng, kiếm tiền bất chính

(Ảnh minh họa).

Qua móc nối với nhau, nhóm 8 đối tượng đã môi giới, tổ chức cho nhiều phụ nữ vượt biên sang Trung Quốc lấy chống để kiếm tiền bất chính và kết cục lần lượt lãnh án.

Đường dây tổ chức đưa phụ nữ sang nước ngoài lấy chồng bị triệt phá

TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa đưa ra xét xử vụ án "Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép" và tuyên án đối với 8 bị cáo trong đường dây đưa nhiều phụ nữ Việt Nam sang Trung Quốc lấy chồng bằng đường tiểu ngạch, nhằm thu lợi bất chính.

Các bị cáo gồm: Nguyễn Văn Tuấn 40 tuổi, trú tỉnh Hậu Giang; Lê Thị Thúy An 36 tuổi, trú tỉnh Cà Mau; Nguyễn Thị Thu Ba 56 tuổi, trú Tp.Cần Thơ; Đặng Ngọc Diện 42 tuổi, trú tỉnh Bình Phước; Tô Kim Sang 65 tuổi, trú tỉnh Đồng Tháp; Lê Thị Huệ 63 tuổi, trú tỉnh Vĩnh Long bị truy tố về tội Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép.

Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Linh 23 tuổi, trú tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Hà Thanh Long 36 tuổi, trú tỉnh Vĩnh Long bị truy tố về tội Môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép.

Theo hồ sơ vụ án, ngày 20/4/2020, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhận được đơn tố giác về tội phạm từ gia đình một bị hại về việc con gái họ bị đưa sang Trung Quốc lấy chồng, không thể về lại Việt Nam.

Quá trình điều tra, xác minh, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xác định được 8 đối tượng liên quan trên đã có hành vi tổ chức, môi giới cho nhiều người trốn đi Trung Quốc nên tổ chức truy bắt.

Sau khi bị bắt giữ, các đối tượng Đặng Ngọc Diện, Lê Thị Thuý An, Nguyễn Thị Thanh Linh khai nhận trước đó đã nhiều lần trốn qua Trung Quốc và có chồng, con đang sinh sống tại đây nên đã móc nối với Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Thị Thu Ba, Tô Kim Sang, Lê Thị Huệ, Hà Thanh Long và các đối tượng khác ở Trung Quốc (gọi là “mối”) để tuyển mộ, môi giới, tổ chức cho người khác trốn qua Trung Quốc gả chồng.

Thủ đoạn của các đối tượng là tuyển mộ những phụ nữ có độ tuổi từ 18 - 30 tuổi, gọi là “đào” hoặc “dâu” có nhu cầu qua Trung Quốc lấy chồng, kiếm tiền từ nhà chồng, rồi tổ chức cho họ trốn qua Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch.

Mỗi trường hợp được gả chồng thì “đào", "dâu” sẽ nhận được từ 40 đến 50 triệu đồng, những người tham gia tuyển mộ, môi giới, tổ chức được “mối” trả tiền công từ 5 đến 10 triệu đồng.

Trong trường hợp “dâu” hay “đào” không muốn sống lâu dài với chồng thì sau khi nhận được tiền, “dâu” tìm cách trốn khỏi nhà chồng, các đối tượng sẽ đón và tổ chức cho nhập cảnh về lại Việt Nam hoặc được gả cho những người đàn ông Trung Quốc khác.

Lần lượt lãnh án tù

Quá trình điều tra, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác định, từ giữa tháng 3 đến tháng 5/2020, các đối tượng đã tổ chức 5 lần cho 12 người khác trốn đi Trung Quốc để lấy chồng, bằng đường tiểu ngạch. Cụ thể:

Nguyễn Thị Thanh Linh đã tham gia môi giới, tổ chức 1 lần cho 1 người trốn qua Trung Quốc, Linh nhận được 34 triệu đồng tiền công môi giới.

Nguyễn Văn Tuấn, Lê Thị Thuý An tham gia 2 lần cho 5 người nhưng chưa nhận được tiền công môi giới.

Nguyễn Thị Thu Ba tham gia 2 lần cho 6 người, nhận được 18 triệu tiền công môi giới.

Tô Kim Sang tham gia 4 lần cho 7 người, nhận được hơn 16 triệu đồng tiền công môi giới.

Đặng Ngọc Diện tham gia 2 lần cho 5 người, nhận được 10 triệu đồng tiền công môi giới.

Lê Thị Huệ tham gia 2 lần cho 5 người và Hà Thanh Long tham gia 1 lần cho 4 người, nhưng cả hai chưa nhận được tiền công môi giới.

Tại toà, các bị cáo đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội và mong muốn HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt do hoàn cảnh khó khăn, đang nuôi con nhỏ. HĐXX nhận định, hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, trái với đạo lý nên cần có bản án nghiêm khắc để phòng ngừa, giáo dục chung.

Căn cứ vào toàn bộ hồ sơ vụ án, lời khai của các bị cáo tại phiên toà và đề nghị của đại diện Viện kiểm sát, HĐXX đã quyết định tuyên phạt bị cáo Tô Kim Sang 5 năm 6 tháng tù; các bị cáo Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Thị Thu Ba, Đặng Ngọc Diện, Lê Thị Huệ cùng 5 năm tù và bị cáo Lê Thị Thuý An 4 năm tù về tội Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép.

Bị cáo Hà Thanh Long và Nguyễn Thị Thanh Linh lần lượt bị tuyên phạt 1 năm 6 tháng tù và 2 năm 6 tháng tù về tội Môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép.

(Nguồn: Người Đưa Tin)

Đánh ghen phụ cũng vào tù

Bị cáo thường khai tham gia vì “bức xúc, vì thương và muốn đòi công bằng cho người bị phản bội”. Và họ ngồi tù vì trận đánh mà họ… không ghen.

Đầu tháng Hai, chuyện mẹ chồng nàng dâu "song kiếm hợp bích" đi đánh ghen ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam gây rúng động. Dư luận sục sôi về sự mù quáng đáng sợ của cơn ghen, khiến một người tỉnh táo có thể rưới xăng đốt “tình địch”. Thế nhưng, khi quan sát câu chuyện, tôi thấy hiểm họa đáng kể không chỉ từ ghen tuông mà từ sự ghen tuông được cổ vũ, đồng hành.

Đánh ghen có sự giúp sức của người khác thường gây hậu quả nghiêm trọng và kết thúc bằng việc kẻ thương vong, người tù tội. Từ thành phố đến nông thôn, cứ vài hôm lại đọc báo, thấy clip các vụ đánh ghen ì xèo. Vụ nào hầu như cũng có người bị thương tích trầm trọng, tử vong, kẻ vào tù.

Ngày 18/4/2022, Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang, tuyên phạt Võ Văn Huy (sinh năm 1999, ngụ xã Tân Thạnh, huyện An Minh) 12 năm tù và Võ Văn Thẳng (sinh năm 2004, ngụ xã Vân Khánh Đông, huyện An Minh) 6 năm tù về tội giết người.

Trước đó, Huy và vợ có xích mích nên cô vợ bỏ về nhà ngoại. Khi gọi điện cho vợ, Huy nghe có giọng đàn ông nói xen vào nên rủ Thẳng cầm dao đi đánh ghen. Sang đến nơi, thấy đối tượng nghi là “tình địch", Huy và Thẳng xông vào đâm chém, rồi bỏ chạy.

Nạn nhân được nhanh chóng đưa vào bệnh viện nên thoát chết, nhưng chịu thương tật 63%. Còn 2 kẻ đánh ghen thì chịu tổng cộng 18 năm tù.

Tháng 12/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Cái Bè (Tiền Giang) cũng ra lệnh tạm giữ hình sự 4 đối tượng trong vụ việc tương tự. Trước đó, Phạm Quốc Trương (sinh năm 1995), Phạm Trọng Nhân (sinh năm 2006), Nguyễn Ngọc Lân (sinh năm 2004, đều ngụ xã An Hữu, huyện Cái Bè) và Lê Thanh Nhựt (sinh năm 2005, ngụ xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè) rủ nhau đi đánh ghen, khiến nạn nhân trọng thương. Người ghen là Phạm Quốc Trương. 3 thanh niên còn lại thì không ghen, nhưng “đi đánh ghen phụ”.

Trước đó, Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long tổ chức phiên tòa phúc thẩm, giữ y án sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Hồ Thị Loan 1 năm tù, bị cáo Hồ Quang Vinh (cùng ở thị xã Bình Minh) 9 tháng tù, cùng về tội “Cố ý gây thương tích”. Trong đó, Loan là người vợ ghen tuông đã rủ con trai, cha, anh và cháu ruột đi đánh ghen, gây thương tích 12% cho nạn nhân. Vinh là một trong số những người “đi đánh ghen phụ".

Điểm sơ những vụ án trên đã thấy đầy rẫy bi kịch tù tội xuất phát từ việc rủ nhau đi đánh ghen. Những người trong cuộc ghen tuông mù quáng đã đành. Nhưng trớ trêu nhất, sau mỗi trận đánh ghen, những kẻ “đi theo giúp sức” thường khai rằng mình tham gia vì “bức xúc, vì thương và muốn đòi công bằng cho người bị phản bội”. Và họ ngồi tù vì trận đánh mà họ… không ghen.

Tôi nhớ mãi một phiên xử ở Tòa án nhân dân TPHCM cách đây vài năm, xét xử cô vợ cùng nhiều hàng xóm đã rủ nhau đi đánh ghen. Theo cáo trạng, cô vợ này được cho hay chồng mình ngoại tình nên đã tâm sự rồi được hàng xóm khích lệ sang “dạy cho nhỏ kia một bài học”.

Qua đến nơi, nhóm đánh ghen đã thi nhau hành hung người phụ nữ bị nghi là “con giáp thứ 13”. Đến lúc cô vợ tạm hả dạ và đang chuẩn bị ra về thì một người hàng xóm nhìn khắp phòng trọ của nạn nhân, hô lên: “Ê, mấy đồ này là của chồng mày sắm cho nó nè!”. “Mấy đồ” đó là ti vi, tủ lạnh... và cả nhóm hè nhau khiêng vác chúng ra khỏi nhà cô kia, đem “trả” lại cho chị vợ.

Đến khi đối diện với pháp luật, cả nhóm đánh ghen “bật ngửa” khi bị truy tố vì hành vi “Cố ý gây thương tích” và “Cướp tài sản”. Lúc này, cả nhóm bị cáo gồm người làm móng, người uốn tóc, người bán hột vịt lộn mới ngơ ngác tự bào chữa: “Tôi đâu có cướp, tôi chỉ khiêng về dùm cô vợ thôi”...

Phiên tòa hôm ấy có cả xóm lao động của người vợ kia tham dự. Cả những người đứng trước vành móng ngựa lẫn những người ngồi dự khán đều ngơ ngác khi nghe cách mà pháp luật gọi tên hành vi của những người hàng xóm “nhiệt tình”. Theo hiểu biết đơn giản của những người không rành luật pháp, đánh ghen là “đòi công bằng”, “đứng về phe người bị phản bội”.

Nhưng khi đã cấu thành hành vi bạo lực, pháp luật sẽ gọi tên hành động của họ bằng những tội trạng rạch ròi và bước tiếp theo chắc chắn là truy cứu trách nhiệm hình sự.

Kẻ ngoại tình, người dan díu chưa biết đã “đền tội” đến đâu, nhưng chính những người chẳng liên quan gì đến ngã ba tình ái kia đã phải “đền tội lãng xẹt” bằng những năm tháng trong tù. Đoạn trường đáo tụng đình này, hiếm có một người giúp sức đánh ghen nào nghĩ đến khi “nóng máu”, hăng hái đi theo phong trào đánh ghen của người thân, hàng xóm, bạn bè.

Quay lại câu chuyện của mẹ chồng nàng dâu ở tỉnh Quảng Nam, hành vi châm xăng đốt tình địch của cô con dâu (người vợ có chồng ngoại tình) vẫn khiến người ta hốt hoảng. Kẻ ghen tuông thì thường mù quáng. Nhưng sự mù quáng sẽ được tăng theo cấp số nhân khi có người đồng hành.

Trong trường hợp của cô vợ này, người đồng hành chính là mẹ chồng thì càng “có uy tín”. Khi có người đồng hành đánh ghen thì trong sâu xa, người trong cuộc sẽ được củng cố niềm tin rằng cơn bạo lực của mình là đúng, là đáng được ủng hộ.

Hiệu ứng đám đông đã châm dầu vào rất nhiều ngọn lửa giận dữ, ghen tuông. Cũng có người đi theo đánh ghen vì thương người bị phản bội, nhưng số đông hơn là đi vì phong trào, vì cảm giác được thực thi công lý. Không ai hình dung mình đang đi làm việc phạm pháp.

Những kẻ ngoài cuộc nhiệt tình đó là những người đầu tiên cần thức tỉnh trước một cuộc đánh ghen. Họ không bị cơn ghen chi phối, họ không thể mù quáng, giận dữ vì bị phản bội. Hơn ai hết, họ cần tỉnh táo trước mọi lời rủ rê để tránh ngồi tù lãng xẹt; đồng thời, tránh gây cho bản thân, cho xã hội những vết sẹo của bạo lực.

(Nguồn: Phụ Nữ Online)

Những đứa trẻ phiêu dạt ở chợ đầu mối

(Ảnh minh họa).

Chúng là những đứa trẻ từ 9-15 tuổi, vì hoàn cảnh éo le nên phải tha phương cầu thực, dãi dầu sương gió ở chợ đầu mối Bình điền, huyện Bình chánh, TPHCM để kiếm sống…

…Có đứa bằng lòng với hiện tại vì cha mẹ là dân cờ bạc, rượu chè, hút xách, nhưng cũng có đứa vẫn tranh thủ đi học, cóp nhặt từng cái chữ để mong sau này được đi làm ở công ty, nhà máy…

Mỗi mảnh đời một nỗi truân chuyên

24h đêm, chợ đầu mối Bình Điền với hàng ngàn sạp hàng cửa đóng then cài im lìm nép mình dưới những khu nhà lồng rộng hàng chục ngàn mét vuông như muốn "né" cái se lạnh của gió mùa Đông Bắc bất ngờ tỉnh giấc khi những đoàn xe vận tải hàng hóa các loại nối đuôi nhau kéo về.

Thùng cá tươi sống vừa được mấy anh chị bốc xếp đặt xuống đất, lập tức 3-4 đứa trẻ 12-13 tuổi không biết từ đâu phóng ra vây quanh. Định đưa máy lên chụp ảnh thì đám trẻ dường như đã có sự cảnh giác từ trước lập tức lấy tay che mặt rồi quay lưng lại. Biết tôi là nhà báo, một chủ hàng đã hào phóng cho mượn chiếc xe ba gác thùng dùng để chở cá bảo ngồi trong đó, chĩa ống kính qua lỗ thủng và sau gần một giờ "tắm" vị tanh của cá, tôi đã có được mấy tấm ảnh ưng ý. Ảnh thì đã có nhưng để hỏi han về hoàn cảnh gia đình, tâm tư, tình cảm của các cháu lại là vấn đề nan giải. Chỉ đến khi được các anh bảo vệ trợ giúp, lựa lời năn nỉ, chúng mới chịu cho gặp mặt, nhưng chúng đồng loạt yêu cầu nếu đăng báo thì chỉ viết tắt họ tên cũng như không chụp hình vì sợ bị ảnh hưởng không tốt đến tương lai sau này.

Tuấn năm nay 11 tuổi nhưng nhìn bé như những đứa 8-9 tuổi. "Mẹ con kể năm 2012, ba mẹ bị vỡ hụi. Bỏ lại đống nợ cho mẹ, ba đi lấy vợ khác, nhà cửa thì cầm cố sạch nên mẹ đành bỏ quê, từ ngoài Bắc vào TP Hồ Chí Minh đi mua bán ve chai kiếm tiền trả nợ", Tuấn kể.

Vào TPHCM một thời gian, mẹ Tuấn đi bước nữa và có thêm em bé, nhưng bố dượng thuộc diện nát rượu, không phụ giúp gì cho gia đình. Gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền buộc mẹ phải nghỉ mua bán ve chai, xin ở tạm căn chòi trên hồ cá của một người tốt bụng cạnh chợ đầu mối Bình Điền để hằng ngày vừa mua cá trong chợ đem ra vệ đường bán kiếm tiền mua gạo, vừa có thời gian trông giữ em... và cả lấy tiền cho bố dượng uống rượu.

Đến tuổi đi học, thấy các bạn cùng trang lứa tung tăng cắp sách đến trường, Tuấn thèm lắm. Nhưng, vừa nói ra mong ước ấy, ngay lập tức bị ông bố dượng cho một trận đòn rồi dắt đến khu sạp hàng cá ở chợ đầu mối Bình Điền, chỉ cho cách nhặt cá rơi vãi, cá chết, lựa rau củ trong đống hàng dạt của các chủ vựa mang bán kiếm tiền. Hướng dẫn được vài đêm thì bố dượng không đi theo nữa mà để cho Tuấn phải tự bươn chải.

Tuấn kể, công việc nhặt cá, lựa rau củ không phải lúc nào cũng thuận lợi. Có hôm xe hàng về nhiều, những người nhà sạp hàng mải lo giao nhận nên không bắt lại đám cá nhảy ra ngoài, đám rau rơi vãi thì còn kiếm được trên dưới trăm ngàn, còn không thì mỗi đêm từ 24 giờ cho đến sáng cũng chỉ thu hoạch được dăm ba chục ngàn. Đặc biệt, có thời điểm hàng tăng giá, chủ hàng bảo quản kỹ thì thất thu và những lần như vậy, khi tan chợ, Tuấn không dám về căn lều của gia đình vì sợ bị cha dượng cho ăn đòn, mà đành nhịn ăn uống rồi tìm một xó nào đó xung quanh chợ ngủ vùi.

Đang nói chuyện, Tuấn giật mình, đánh mắt ra khu vực xuống hàng cá rồi bảo: "Chú ơi, tìm bạn khác hỏi tiếp đi để con tranh thủ đi nhặt ít rau, cá mang về cho mẹ bán, chứ không ngày hôm nay anh em con nhịn đói mất...". Tôi định dúi vào tay Tuấn mấy đồng để cháu phụ giúp gia đình nhưng cu cậu từ chối rồi nhanh chóng mất hút trong dòng người tấp nập.

Tôi tiếp tục đi tìm kiếm trong khu hàng cá và nhanh chóng phát hiện hai đứa trẻ lom khom chui từ ra gầm ô tô tải vồ lấy con cá vừa phóng từ trong thùng ra, nhưng thấy tôi đưa máy lên chụp hình thì cả hai vội vàng chui ngược lại. Nhờ anh bảo vệ, sau khoảng 15-20 phút thuyết phục, hai đứa trẻ mới chịu ra nói chuyện nhưng khá rụt rè. Ngập ngừng hồi lâu, bé trai mở lời: "Con tên Thanh, còn kia là em gái con tên Thảo. Từ Tết đến giờ, trời về đêm lạnh quá, mà chúng con không có áo ấm nên lúc nào không chịu nổi thì chui vào gầm xe tải sưởi hơi nóng của máy xe cho ấm cơ thể mới có sức tiếp tục đi nhặt cá...".

Thanh, 10 tuổi, đứa em gái mới lên 9, nhưng đã có "thâm niên" hơn 2 năm ra chợ kiếm sống. Cha của Thanh và Thảo trước đây từng làm bốc vác thuê cho những chủ hàng trong chợ, nhưng vì nghiện ma túy khiến sức khỏe giảm sút nghiêm trọng nên không được thuê mướn nữa; còn mẹ thì suốt ngày lê la từ chiếu bạc này đến bàn nhậu khác mà không quan tâm gì đến lũ trẻ.

Trước đây, anh trai của Thanh và Thảo cũng từng có thời gian dài nhặt cá, rau củ để nuôi cả gia đình, nhưng nay đã trưởng thành nên bỏ khu chợ, tìm đến tận Bình Phước làm thuê cho một chủ trại cưa và rất ít khi về nhà vì giận cha mẹ. Từ khi anh trai đi, để có tiền mua gạo, cha mẹ đã khước từ lời van nài của Thanh và Thảo là được cho đi học cái chữ rồi "ném" chúng vào khu chợ để mưu sinh.

Không cần biết nắng hay mưa, hằng ngày, cứ 23 giờ đêm Thanh và Thảo phải xách túi nylon ra khu sạp hàng cá, hàng rau để kiếm ăn, đến khi tan chợ (4-5 giờ sáng hôm sau), chúng mang tất cả những gì thu hoạch được ném vào gánh hàng bán dạo của một người được cha mẹ chỉ định từ trước rồi đi xin củ khoai lang, cái bắp ngô lót dạ trước khi chui vào một căn chòi bỏ hoang nào đó ngủ vùi cho đến tận tối mịt. Năm 2022, mẹ của Thanh và Thảo còn sinh thêm em bé nên hai đứa trẻ ngoài việc nhặt cá, rau củ, còn phải trông giữ em để cha mẹ đi tụ tập cờ bạc, ăn nhậu.

Ước mơ đổi đời

Nói chuyện với tôi, Tuấn bảo rằng "con chỉ mong ngày nào cũng "mót" được nhiều cá, rau củ mang về cho mẹ bán để có tiền mua gạo, thức ăn cho cả nhà được bữa cơm tươm tất, chứ như bây giờ ăn mắm quẹt, cá khô hoài ngán lắm chú ơi. Mai mốt, khi lớn hơn thì mong xin được một chân bốc vác trong khu chợ để không phải chạy ăn từng bữa… Còn chuyện học hành để tìm kiếm công việc tốt hơn chắc khó lắm vì một mình mẹ không thể vừa trông em, vừa kiếm tiền nuôi cả nhà và cho con đi học được".

Đối với Thanh, Thảo, do bị ném ra xã hội để lo chuyện kiếm cơm quá sớm nên cả hai không có điều kiện tiếp xúc với bên ngoài, chỉ quanh quẩn với mớ rau, con cá, hơn nữa hai đứa chưa đủ khôn lớn để nghĩ về tương lai nên ước mơ cũng thật xa vời: "Xem hoạt hình trên ti vi, thấy mấy bạn lái máy bay lên bầu trời nên sau này con muốn trở thành phi công, còn em Thảo thì mơ sau này trở thành ca sĩ để kiếm được nhiều tiền..."

Khác với 3 trường hợp trên, Hùng lại có mơ ước rất thực tế. Hùng sinh ra ở một tỉnh miền Tây Nam bộ, nhà không có ruộng đất trồng cấy nên cha mẹ đã xin lại chiếc ghe cũ vừa làm nơi tá túc, vừa hành nghề chài lưới kiếm sống. Cuộc sống lênh đênh sông nước nay đây, mai đó, không nhìn thấy tương lai nên năm lên 6 tuổi, cha mẹ đã gửi Hùng cho một người quen ở trên bờ để được đi học. Vừa học hết lớp 5 thì cha mất, mẹ ốm yếu không thể kham nổi nghề chài lưới nên đã rời quê lên chợ đầu mối Bình Điền kiếm sống. Hùng nghỉ học, hằng đêm vào chợ nhặt nhạnh những con cá rơi vãi để cùng chia sẻ bớt nỗi cơ cực. 13 tuổi, Hùng đã cao gần 1m7, lại thật thà, chịu khó nên cu cậu được nhiều thương lái quý mến giao cho việc xếp dỡ cá từ xe lớn xuống xe nhỏ.

Có được nguồn thu nhập tạm ổn, Hùng xin mẹ cho đi học bổ túc cho biết cái chữ, phép tính, sau này có cơ hội thì đi học nghề để tương lai tươi sáng hơn. Tuy rất vất vả, nhưng hằng ngày, sau giờ tan chợ, Hùng về phòng trọ ngủ một giấc lấy sức cho đến đầu giờ chiều thì ôm tập vở đến lớp học nghe thầy cô giảng bài. Nhờ sáng dạ, tiếp thu bài tốt mà cho đến nay, khi chuẩn bị sinh nhật lần thứ 16, Hùng đã sắp hoàn tất chương trình bổ túc cấp 2. "Con sẽ cố gắng học hết cấp 3 rồi đi học nghề để sau này được làm ở công ty, xí nghiệp cho ổn định gia đình và cho mẹ được nghỉ ngơi không còn vất vả sớm khuya như bây giờ nữa...", Hùng tâm sự.

Ông Thương, chủ một sạp hàng cá chia sẻ: "Nhìn mấy đứa trẻ nhỏ giống như con mình mà đêm nào cũng dầm sương gió lạnh nhặt cá, rau rơi vãi thấy thắt hết cả ruột gan. Chính quyền địa phương cũng nhiều lần vận động cho đám trẻ được nghỉ ngơi, đi học cái chữ và được cho ăn, tặng sách vở... nhưng bị cha mẹ chúng phản đối kịch liệt và cho rằng họ lo được mà không cần đến bất cứ sự giúp đỡ nào... Thương lắm thì cũng chỉ cho chúng hộp cơm, túi bánh, vài con cá ngon chứ không thể khác được vì chúng đều ở với cha mẹ, kiếm tiền cho cha mẹ tiêu xài nên đụng vào là cha mẹ chúng lập tức tìm đến mình la mắng phiền hà lắm".

Nhìn những bước đi xiêu vẹo của mấy đứa trẻ lẩn khuất dần vào dòng người lúc tan chợ mà tôi thấy nghẹn lòng. Không biết rồi đây tương lai của chúng sẽ đi về đâu.

(Nguồn: Việt Báo)

Sẽ còn những bi kịch xót lòng do trầm cảm sau sinh nếu không được hóa giải

Trầm cảm sau sinh không phải là vấn đề mới nhưng những hậu quả đau lòng vẫn liên tiếp xảy ra. Điều này đặt ra câu hỏi chúng ta đã thực sự nhận thức được những ảnh hưởng tiêu cực của trầm cảm sau sinh hay chưa để từ đó có những biện pháp chủ động phòng ngừa, phát hiện và can thiệp sớm tình trạng này.

Trầm cảm sau sinh và những thảm kịch đau lòng

Tâm trạng chợt vui, chợt buồn, lo lắng… là cảm giác thường xảy ra đối với nhiều bà mẹ sau sinh và nó thường không kéo dài hay gây hậu quả nghiêm trọng. Nhưng có một số người rơi vào trầm cảm, nếu không được phát hiện can thiệp kịp thời có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng đối với chính bản thân bà mẹ và đứa trẻ.

Rất nhiều thảm kịch đau lòng đã xảy ra mà nguyên nhân do bà mẹ bị trầm cảm sau sinh. Những vụ việc gần đây như: người mẹ ở Nam Định dìm 2 con xuống sông tử vong; một sản phụ ở Phú Thọ nhảy từ tầng 7 xuống từ vong nghi mắc chứng trầm cảm sau sinh…

Vụ án người mẹ trẻ ở Nam Định dìm 2 con nhỏ của mình xuống sông khiến cả hai cháu tử vong vừa mới đây đã khiến dư luận bàng hoàng, xót xa. Cụ thể, khoảng 10h sáng ngày 8/3, một số người dân địa phương phát hiện tại khu vực mép sông Ninh Cơ chảy qua địa bàn thôn Quần Khu (xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định), có một người phụ nữ trẻ đang có hành động dìm 2 cháu nhỏ xuống nước.

Kết quả điều tra ban đầu xác định, người mẹ là Vũ Thị L. (sinh năm 1991, trú xã Trực Thái, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) là giáo viên tiểu học. Tháng 9/2022, chị L. có biểu hiện trầm cảm, không muốn tiếp xúc với mọi người xung quanh. Tháng 12/2022, L. có đơn và được trường giải quyết cho nghỉ việc.

Sau đó, L. được chồng đưa đến Bệnh viện Bạch Mai khám và được chẩn đoán mắc bệnh "Rối loạn thần cấp và nhất thời" và yêu cầu nhập viện để theo dõi, điều trị nhưng L. không đồng ý. Bệnh viện kê đơn thuốc điều trị tại nhà, hẹn sau 10 ngày đến khám lại. Nhưng sau 10 ngày điều trị, L. thấy biểu hiện bệnh giảm dần nên không đi khám lại.

Đến ngày 6/3, L. nảy sinh ý định tự tử nhưng lo sợ sau khi mình chết, không có ai chăm sóc 2 con gái (1 cháu sinh năm 2018, 1 cháu sinh năm 2021).

Sáng ngày 8/3, Loan đi xe máy chở theo 2 con đi từ nhà đến khu vực bờ đê sông Ninh Cơ, thuộc xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định và bế 2 cháu đi xuống sông cách bờ khoảng 3-4m thì nước ngập đầu cả 3 mẹ con. Do bị sóng đẩy vào trong, Loan bế 2 cháu đi lên bờ, tuy nhiên lúc này 2 cháu đã tử vong.

Gần đây nhất, chiều 10/3, tại Bệnh viện Sản nhi Phú Thọ đã xảy một trường hợp tử vong do rơi từ tầng 7 tòa nhà chính của bệnh viện. Nạn nhân là chị N.T.M.P (SN 1989, trú tại phường Vân Cơ, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ).

Nạn nhân là sản phụ mới sinh được khoảng 2 tháng, nhưng không phải sinh tại Bệnh viện Sản nhi Phú Thọ. Cách đây vài ngày, nạn nhân có đến bệnh viện khám. Nguyên nhân vụ việc phải chờ kết luận từ cơ quan chức năng. Theo một số nguồn thông tin từ bệnh viện, nạn nhân nghi mắc chứng trầm cảm sau sinh, đã ngồi rất lâu trước khi để lại áo, điện thoại di động và nhảy từ tầng 7 xuống…

Và có thể sẽ có nhiều vụ việc đau lòng khác nếu như mỗi gia đình, người thân và bản thân người phụ nữ chưa nhận thức rõ được những ảnh hưởng tiêu cực của trầm cảm sau sinh để có biện pháp phòng ngừa, phát hiện và can thiệp kịp thời.

Hậu quả nghiêm trọng của trầm cảm sau sinh

Trầm cảm sau sinh gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Nhiều trường hợp người mẹ rơi vào trầm cảm nhưng không được phát hiện và can thiệp kịp thời, đã tự hủy hoại cuộc đời và tước đi mạng sống của con mình.

Các triệu chứng trầm cảm thậm chí có thể bắt đầu ngay trong thời kỳ mang thai. Ở một số người có biểu hiện sau sinh và ở một số khác có thể không biểu hiện trong nhiều tuần sau khi sinh.

Người mẹ bị trầm cảm có thể phải trải qua nhiều trạng thái tâm lý tiêu cực như: tuyệt vọng, hoảng sợ, cảm giác xấu hổ, tội lỗi, có ý định tự tử, thậm chí có ý nghĩ giết con mình. Trầm cảm sau sinh còn cản trở khả năng tương tác và gắn kết người mẹ với đứa con của mình.

Theo BSCKI Hoàng Hường, chuyên gia Sản phụ khoa, sau khi sinh, nhất là với người sinh con lần đầu, nhiều sản phụ dễ rơi vào tâm trạng chợt vui, chợt buồn, lo âu, dễ bị kích thích, khó tập trung, ăn không ngon, khó ngủ, mất ngủ…

Những biểu hiện này được xem là một phản ứng bình thường và thường không kéo dài. Tuy nhiên, nếu tình trạng đó kéo dài vài tuần với các biểu hiện ngày càng nghiêm trọng như: luôn cảm thấy buồn, thờ ơ với những sự việc xung quanh, ăn không ngon, sụt cân, khó ngủ, luôn cảm thấy mệt mỏi, thường khóc không lý do; cảm thấy bồn chồn, lo âu, dễ tức giận, bi quan về tương lai, cảm thấy bản thân vô giá trị hoặc bị tội lỗi gì ghê gớm, thậm chí có ý nghĩ về cái chết... thì sản phụ đã bị rối loạn trầm cảm sau sinh.

Tình trạng trầm cảm ở người mẹ có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ. Những bà mẹ bị trầm cảm có thể đôi khi yêu thương và quan tâm con, nhưng những lúc khác có thể phản ứng tiêu cực hoặc không phản ứng gì cả. Thậm chí không muốn chăm sóc con hoặc vô thức làm hại em bé...

Cần phát hiện các yếu tố nguy cơ để có biện pháp can thiệp kịp thời

Theo ThS.BS Nguyễn Minh Mẫn - Trưởng đơn vị Tâm lý lâm sàng Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh: có nhiều triệu chứng về rối loạn trầm cảm sau sinh, trong đó triệu chứng đầu tiên liên quan về thể chất. Khi đó, người phụ nữ không muốn chăm sóc bản thân, họ chán mọi thứ, chán ăn, chán uống dẫn đến sụt cân. Họ không muốn giao tiếp với xã hội, thu mình lại và cảm thấy cuộc đời bế tắc, không có hy vọng và bất cứ năng lượng để làm việc gì...

ThS. BS Mẫn khuyến cáo: "Khi có dấu hiệu bất ổn kéo dài trên 2 tuần thì sản phụ nên đi gặp chuyên gia tâm lý lâm sàng hoặc bác sĩ về tâm thần để ngăn chặn những bất ổn hay những xung đột để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra cho người mẹ đồng thời tránh luôn những việc gây hại cho các em bé".

Mặc dù chưa xác định nguyên nhân chính xác nhất gây trầm cảm sau sinh nhưng các nhà nghiên cứu tin rằng trầm cảm sau sinh chủ yếu do nhiều yếu tố kết hợp như thể chất, tinh thần, tâm lý, xã hội. Trong đó, sự thay đổi nồng độ hormon trong cơ thể người phụ nữ sau sinh; Thay đổi thể chất và cảm xúc; Sự căng thẳng, mệt mỏi, thiếu ngủ; tiền sử người phụ nữ có mắc bệnh trầm cảm... là những yếu tố góp phần dẫn đến chứng trầm cảm sau sinh.

Đặc biệt, sự chia sẻ về tâm lý, hỗ trợ của người chồng có vai trò rất quan trọng. Trên thực tế, ở những sản phụ thiếu sự quan tâm, giúp đỡ của chồng và người thân trong cuộc sống và chăm sóc con cái, có mâu thuẫn gia đình, bạo lực gia đình… thường dễ bị trầm cảm hơn.

Vì vậy để tránh những hậu quả đau lòng do trầm cảm sau sinh, các bác sĩ khuyên người phụ nữ khi mang thai cần chú ý chăm sóc tốt bản thân về tâm lý và sức khỏe. Đặc biệt, cần tránh căng thẳng và những cảm xúc tiêu cực không cần thiết.

Gia đình, nhất là người chồng cần quan tâm đến tình trạng sức khỏe và những nhu cầu tâm lý của người vợ trong suốt thời gian mang thai, sau sinh và có biện pháp giúp đỡ công việc chăm sóc em bé để người mẹ có thể giảm bớt mệt mỏi và được nghỉ ngơi hồi phục sức khỏe tốt nhất.

Trường hợp người mẹ cảm thấy mình (hoặc người thân phát hiện sản phụ) có dấu hiệu luôn mệt mỏi, suy nhược, lo lắng, dễ kích động, có suy nghĩ tiêu cực… cần đi khám sớm để có biện pháp hỗ trợ về tâm lý và điều trị kịp thời.

(Nguồn: Eva)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang