Luật Đất đai xin ý kiến về nội dung gì; Sức bật cho Đông Nam Bộ; Góc nhìn sự ùn tắc cục bộ; Vụ sai phạm ở chùa Tam Chúc

LUẬT ĐẤT ĐAI SỬA ĐỔI ĐANG XIN Ý KIẾN NHÂN DÂN NHỮNG NỘI DUNG GÌ?

(Ảnh minh hoạ).

Luật Đất đai sửa đổi đang được lấy ý kiến nhân dân đến ngày 15/3/2023, trong đó có 12 vấn đề trọng tâm.

Ngoài việc lấy ý kiến toàn diện dự thảo luật, từ tổng kết đánh giá thực tiễn, tổng hợp ý kiến quan tâm của cử tri, nhân dân những năm qua, Chính phủ đã đề xuất 12 nhóm vấn đề trọng tâm, trọng điểm xin ý kiến báo cáo Thường vụ Quốc hội xem xét. Đây đều là vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp, cũng như thực hiện vai trò của chủ sở hữu đối với đất đai.

Cụ thể như quy định về lấy ý kiến và công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất; quyền của người sử dụng đất trong khu vực quy hoạch, trách nhiệm tổ chức rà soát, xử lý và công bố công khai việc hủy bỏ thu hồi đất, chuyển mục đích đối với đất đã được ghi trong kế hoạch sử dụng đất mà sau ba năm không thực hiện.

Về thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch đất đai cho phát triển đất nước.

Về giao đất cho thuê đất thông qua đấu giá, đấu thầu dự án có sử dụng đất đảm bảo công khai minh bạch, phát huy được nguồn lực đất đai.

Các trường hợp Nhà nước cho thuê trả tiền một lần cho cả thời gian thuê. Các trường hợp thỏa thuận quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư. Về cơ chế, chính sách tài chính, giá đất.

Hay những vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân như thủ tục hành chính, nhất là đăng ký, cấp giấy chứng nhận, thực hiện các quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất; giao dịch điện tử về đất đai, chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất.

Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, hạn mức sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa. Về cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm.

Chế độ quản lý, sử dụng các loại đất, tập trung, tích tụ đất nông nghiệp, đất sử dụng đa mục đích, sử dụng đất kết hợp.

Phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực và giải quyết tranh chấp đất đai; trách nhiệm của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu đối với đất đai và nguyên tắc để đảm bảo sự thống nhất trong áp dụng và thi hành luật.

Việc tổ chức lấy ý kiến sẽ được tổ chức bằng nhiều hình thức phù hợp. Trong đó góp ý trực tiếp bằng văn bản, tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, thông qua Cổng thông tin điện tử Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan thông tấn báo chí.

Thông qua điều tra xã hội học về nội dung chính sách, tác động các chính sách trong dự thảo luật và các hình thức khác phù hợp.

Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương về việc tổ chức lấy ý kiến về dự thảo luật. Theo kế hoạch thời gian lấy ý kiến từ ngày 3/1/2023 đến hết ngày 28/2/2023.

Tuy nhiên do thời gian trên trùng dịp Tết Nguyên đán, do đó Chính phủ và Ủy ban Kinh tế báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định kéo dài thời gian lấy ý kiến, tổng hợp ý kiến đến 15/3/2023.

Việc này là để có thêm thời gian lấy ý kiến nhân dân.

(Nguồn: CafeF)

SỨC BẬT MỚI CHO “ĐẦU TÀU” ĐÔNG NAM BỘ

Kinh tế phục hồi nhanh, hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm hình thành như sân bay quốc tế Long Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Phan Thiết - Dầu Giây, Vành đai 3 - TP.HCM… Đặc biệt, Bộ Chính trị đề ra Nghị quyết số 24-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm tạo đột phá mới cho vùng đất năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới, phát triển của cả nước.

Tăng trưởng cao, dồn lực đầu tư hạ tầng

Bước qua cao điểm đại dịch Covid-19 với nhiều thách thức chưa từng thấy, năm 2022 kinh tế vùng Đông Nam Bộ phục hồi nhanh chóng, giữ vững vị trí chiến lược “đầu tàu” kinh tế của cả nước. Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 của TP.HCM và 5 địa phương trong vùng cho thấy, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) rất cao. Cao nhất là Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 10,97%, kế đến là Tây Ninh 9,56%, Đồng Nai 9,22%, Bình Phước 9,1%, TP.HCM 9,03% và Bình Dương đạt 8,01%. Các chỉ tiêu kinh tế lớn đều phục hồi tích cực và có mức tăng rõ nét so với năm trước, góp phần quan trọng cho tăng trưởng chung cả nước. Dù còn đó những nỗi lo âu, nhưng trên khuôn mặt người dân đã rạng ngời niềm vui khi đời sống vơi bớt khó khăn sau đại dịch.

Một điểm sáng đáng chú ý là hàng loạt dự án giao thông kết nối liên vùng đặc biệt quan trọng bắt đầu được triển khai xây dựng. Trong 4 năm tới đây, khoảng hơn 100 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công sẽ được rót vào hệ thống hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ với các dự án sân bay quốc tế, đường cao tốc, đường vành đai... Cuối năm 2022, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đã khởi công xây dựng phần thân nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đây là nhà ga hiện đại, mang tầm quốc tế với mức đầu tư 40 nghìn tỷ đồng, mang theo nhiều hy vọng tiếp thêm sức xuân, tạo động lực cho sự đột phá kinh tế. Dịp này, chính quyền TP.HCM và 4 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng hối hả triển khai các dự án đường Vành đai 3 - TP.HCM, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Đây là các tuyến giao thông giữ vai trò đặc biệt quan trọng, giúp kết nối tốt hơn các khu công nghiệp vùng lõi tới cảng biển TP.HCM và mở toang không gian phát triển liên vùng, khai phóng nguồn lực, tạo thêm sức xuân giúp Đông Nam Bộ bật chồi, vươn dậy.

Bên cạnh những tuyến cao tốc mới hoàn thành, nhiều dự án hạ tầng giao thông khác cũng đang được nghiên cứu đầu tư như TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, Dầu Giây - Liên Khương, Chơn Thành - Đức Hòa, Chơn Thành - Gia Nghĩa… Những dự án này sẽ giúp các tỉnh, thành Đông Nam Bộ đẩy mạnh hợp tác, liên kết nội vùng, liên vùng trong quy hoạch, quản lý đầu tư để tạo không gian kinh tế thống nhất.

Xuân mới, tư duy, cách làm mới

Nghị quyết số 24-NQ/TW xác định Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển, có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm đầu của khu vực và thế giới; kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ… TP.HCM là hạt nhân, cực tăng trưởng; nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, trí thức trẻ; nơi tập trung các định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới…

Tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, các tỉnh, thành Đông Nam Bộ phải phát triển kinh tế nhanh, bền vững, tạo đột phá, lan tỏa; tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng; phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị.

Thủ tướng nhấn mạnh, quá trình thực hiện phải chú ý 3 điểm mới là tư duy mới, đột phá mới và giá trị mới. Theo đó, "tư duy mới" là tư duy tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển của mình, không trông chờ, ỷ lại, dựa vào nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài… Phải có “đột phá mới" trong cách thức, phương thức huy động nguồn lực. Do đó, phải có cơ chế chính sách đột phá, đây cũng chính là nguồn lực. Còn “giá trị mới" là mang lại tốc độ tăng trưởng nhanh hơn, giá trị đóng góp cho GDP cao hơn. Giá trị mới lớn nhất của vùng là góp phần quan trọng, đắc lực, hiệu quả vào xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực hội nhập quốc tế, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc.

Khí thế hành động mới

Để thực hiện thành công mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 24-NQ/TW, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương Đông Nam Bộ và bộ, ngành để giải quyết hiệu quả những điểm nghẽn trong phát triển vùng. Trước mắt, TP.HCM sẽ tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm chuyển đổi mô hình phát triển trong bối cảnh mới, gắn kết với phát triển vùng. Theo đó, tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và năng suất lao động cao, phát triển các ngành dịch vụ mới có giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng các trung tâm tài chính, thương mại - du lịch - logistics quốc tế, trung tâm đổi mới sáng tạo… Hiện thực hóa tầm nhìn về vị trí của TP.HCM trong Vùng, đóng vai trò là cực tăng trưởng, một đô thị hiện đại, thông minh, năng động, sáng tạo…

Năm 2023, nhiệm vụ ưu tiên là lập Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2025, tầm nhìn 2050 để làm công cụ điều phối quan trọng trong quá trình phát triển Vùng. Ngoài ra, theo ông Mãi, TP.HCM sẽ xây dựng cơ chế chính sách tạo động lực phát triển, tiếp tục kiến nghị xin thí điểm mở rộng cơ chế phân quyền trong một số lĩnh vực đầu tư, tài chính, ngân sách. Thành phố cũng làm tốt vai trò đầu mối phối hợp triển khai các dự án Vành đai 3, Vành đai 4.

Bên cạnh TP.HCM với quyết tâm lớn, bước vào năm 2023, các địa phương vùng Đông Nam Bộ đặt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cao và toàn diện. Trong đó, Đồng Nai tập trung xây dựng thành phố sân bay cửa ngõ quốc tế, trung tâm logistics hàng không gắn với Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Bình Dương ưu tiên phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp có giá trị gia tăng cao, đô thị, dịch vụ, logistics gắn với hành lang Vành đai 3, 4 và các tuyến cao tốc. Bà Rịa - Vũng Tàu tập trung đầu tư hình thành khu thương mại tự do Cái Mép Hạ và phát triển trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế. Trong khi đó, với đặc thù của mình, Bình Phước đẩy mạnh cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiệu quả cao, sinh thái, bền vững. Còn Tây Ninh sẽ tập trung phát triển chuỗi công nghiệp - đô thị Mộc Bài - TP.HCM gắn với hành lang kinh tế xuyên Á.

Ngày đầu xuân mới, chia sẻ với Báo Đấu thầu, lãnh đạo các địa phương bày tỏ sự tin tưởng, hứng khởi rằng, với sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và quyết tâm, nỗ lực của chính quyền và người dân, Đông Nam Bộ sẽ biến khó khăn, thách thức thành cơ hội mới, biến những tiềm năng, lợi thế thành động lực phát triển đột phá, khẳng định vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước và người dân được hạnh phúc với một cuộc sống tốt đẹp hơn.

(Nguồn: Báo Đầu Tư)

BÀI 1: TỪ GÓC NHÌN SỰ ÙN TẮC CỤC BỘ

(Ảnh minh hoạ).

LTS: Hà Nội là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của cả nước. Hơn bất kỳ đâu, vai trò của giao thông đặc biệt quan trọng với Hà Nội. Thẳng thắn nhìn nhận, Hà Nội đã và đang có những bước đi vững chắc, bài bản trong xây dựng và phát triển hạ tầng giao thông. Nhưng bên cạnh những tư duy mới, cách triển khai táo bạo thì vẫn còn những bất cập, tồn tại cần phải khắc phục để kết cấu hạ tầng giao thông ngày càng phát triển đồng bộ, hiện đại. Hơn hết, “bứt tốc” phát triển hạ tầng giao thông sẽ giúp Hà Nội phát triển, thoát khỏi những ràng buộc chật hẹp để vươn tầm, phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Hà Nội đang phải đối diện với tình trạng quá tải, ùn tắc giao thông do nhiều năm qua hệ thống hạ tầng giao thông phát triển chưa bắt kịp tốc đô thị hóa, gia tăng dân số cũng như lượng phương tiện cá nhân. Để giảm ùn tắc cho Hà Nội, bên cạnh hoàn thiện mạng lưới giao thông vận tải, việc đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại là một trong những nhiệm vụ quan trọng.

Ùn tắc - câu chuyện nan giải

Hà Nội là một đại đô thị về quy mô dân số và phương tiện cá nhân. Theo ước tính, Hà Nội hiện có khoảng hơn 8 triệu người, gần 7,5 triệu phương tiện. Điểm đáng lo ngại là, tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội đang diễn biến phức tạp, ô nhiễm môi trường ngày càng đáng lo ngại hơn. Trong bối cảnh đó, mạng lưới vận tải hành khách công cộng của Thủ đô mới đáp ứng dưới 15% nhu cầu đi lại. Sức hút của vận tải hành khách công cộng chưa thực sự lan toả được đến đại bộ phận nhân dân.

Chỉ ra những bất cập này, Giáo sư, Tiến sĩ Từ Sỹ Sùa - Giảng viên Đại học Giao thông vận tải cho biết, hiện có 5 vấn đề lớn của đô thị hiện đại cần phải quan tâm là: Nhà ở, việc làm, giao thông đô thị, môi trường và nước sạch. Ở Hà Nội, tình trạng ách tắc giao thông đang ngày càng trầm trọng. Nguyên nhân của tình trạng trên là do hạ tầng giao thông không theo kịp sự phát triển của phương tiện giao thông.

Theo ghi nhận thực tế, Hà Nội có tốc độ đô thị hóa tương đối nhanh. Tuy nhiên, hệ lụy mặt trái của đô thị hóa là ùn tắc giao thông ngày một nan giải. Ùn tắc giao thông là một trong những căn nguyên gây tổn thất rất lớn cho cả kinh tế và xã hội. Theo Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, thiệt hại do ùn tắc giao thông đối với Hà Nội khoảng 1 tỷ USD/năm.

Vào khung giờ cao điểm, không khó để chứng kiến những cung đường ken đặc xe cộ, nối đuôi nhau di chuyển từng chút một. Khu vực đường Vành đai 3 là ví dụ. Tại cung đường này, hình ảnh hàng dài ô tô nối đuôi nhau chờ lên Vành đai 3 đã không còn quá xa lạ.

Theo những tài xế thường xuyên lưu thông trên cung đường này, một va chạm nhẹ hoặc một phương tiện gặp sự cố cũng đủ khiến tuyến đường ùn ứ. Thứ nữa, khi xe lên được đường trên cao thì việc di chuyển cũng hết sức hạn chế. Phương tiện chỉ đi được khoảng 10-30km/h thay vì tốc độ cho phép tối đa theo thiết kế chuẩn cao tốc.

Không chỉ có trục giao thông này phải đối mặt với tình cảnh “gánh” công năng quá mức lưu lượng thiết kế và ùn ứ. Nhiều công trình hạ tầng giao thông khác, trong đó điển hình như cầu Thanh Trì, Vĩnh Tuy… cũng đang phải chịu áp lực giao thông rất lớn.

Cụ thể, theo ước tính, hiện cầu Thanh Trì có lưu lượng 122.606 xe/ngày đêm, gấp 8,1 lần lưu lượng thiết kế; cầu Vĩnh Tuy 75.596 xe/ngày đêm, gấp 6,3 lần... Một số tuyến giao thông hướng tâm như đường Tố Hữu, Hoàng Quốc Việt, Huỳnh Thúc Kháng... vào các giờ cao điểm lưu lượng phương tiện cũng vượt 1,1 - 1,8 lần so với lưu lượng thiết kế.

Tắc đường ở góc độ nào đó cũng cho thấy, công tác quản lý giao thông và quy hoạch đô thị chưa tốt. Minh chứng cho điều này có thể thấy ngay tại khu vực quận Hà Đông. Theo đó, Hà Đông có tốc độ phát triển tương đối mạnh, hiện đã xây dựng nhiều khu đô thị mới. Một lượng lớn người hàng ngày, buổi sáng từ các khu đô thị này đi vào trung tâm Thành phố và buổi chiều lại đi từ trung tâm Thành phố về nhà đã tạo nên dòng giao thông “con lắc” trên 2 tuyến đường Nguyễn Trãi và Tố Hữu - Lê Văn Lương. Nếu nhẩm tính đơn giản, riêng cư dân khu đô thị đã nhồi nhét gần chục vạn người… số lượng này đều đổ ra đường thì áp lực giao thông và ùn tắc là hiển nhiên.

“Bài toán” chưa được giải

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định, tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường là một trong những tồn tại cần tập trung khắc phục trong thời gian tới. Vì vậy, việc tiếp tục triển khai thực hiện chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc, đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn Hà Nội, giai đoạn 2021 - 2025 là hết sức cần thiết.

Đáng chú ý, mục tiêu tổng quát của chương trình là “Huy động mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ đảm bảo giao thông vận tải thủ đô Hà Nội thuận lợi, an toàn, chất lượng, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, văn minh, hiện đại”. Hướng đến mục tiêu mỗi năm giảm tối thiểu 8 - 10 điểm ùn tắc giao thông; giảm tai nạn giao thông từ 5 - 10% hàng năm trên cả ba tiêu chí; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt từ 30 - 35%; tỷ lệ đất dành cho giao thông đạt 12 - 15% quỹ đất xây dựng đô thị...

Cùng với đó tiếp tục duy trì, thực hiện quyết liệt 6 nhóm giải pháp gồm: Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông - đây là nhóm giải pháp căn cơ có tính bền vững và lâu dài; Tăng cường công tác duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông hợp lý; Phát triển đồng bộ các loại hình vận tải hành khách công cộng, tập trung triển khai và sớm đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị; Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành giao thông; Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, nâng cao ý thức cho người tham gia giao thông và xây dựng văn hóa giao thông; Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Dẫn như vậy để thấy, ở tầm nhìn chiến lược, Hà Nội đã xác định rõ những ảnh hưởng do ùn tắc giao thông mang lại; đồng thời đề ra những giải pháp để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông.

Trở lại câu chuyện khắc phục ùn tắc giao thông trong thời điểm hiện tại. Được biết, để giảm ùn tắc giao thông, Hà Nội đã chủ động nhiều giải pháp để can thiệp. Chẳng hạn, với Thanh tra Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội, đơn vị đã bố trí lực lượng phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng Công an đảm bảo trật tự an toàn giao thông phục vụ công tác tổ chức giao thông trên tuyến phố Quang Trung (quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng) và tuyến phố Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Đông).

Phối hợp tổ chức giao thông, phân luồng, hướng dẫn, đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại khu vực các dự án thi công công trình trọng điểm của Thành phố. Cùng đó, Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã bố trí lực lượng phối hợp thực hiện nhiệm vụ phân luồng chống ùn tắc giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội tại 51 vị trí, huy động 176 lượt cán bộ, công chức, thanh tra viên, nhân viên/ngày.

Ở góc độ tổng thể, thời gian qua, Sở GTVT Hà Nội đã phối hợp với Công an Thành phố, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan thực hiện nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an toàn giao thông, giảm thiểu ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố. Tính riêng trong năm 2022, Sở GTVT Hà Nội đã phối hợp với các ngành giải quyết được 8 điểm ùn tắc giao thông; không để tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài; xử lý kịp thời những điểm có nguy cơ phát sinh ùn tắc mới; giải quyết các điểm đen về tai nạn giao thông.

Một số dự án trọng điểm được hoàn thành và đưa vào khai thác như hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3, tuyến đường Vành đai 2 trên cao… đã góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông của Thủ đô.

Ở góc độ chuyên gia nghiên cứu, ông Bùi Danh Liên - Chuyên gia giao thông cho rằng, giảm ùn tắc và hạn chế phương tiện giao thông cá nhân không chỉ riêng trách nhiệm của Sở GTVT Hà Nội. Nói cách khác, để làm và giải quyết “bài toán” này cần toàn xã hội vào cuộc. Trước mắt, Hà Nội và các đơn vị liên quan cần tập trung tối đa mọi nguồn lực để đầu tư hình thành một cách hoàn chỉnh mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông khung.

Đồng quan điểm với Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên, nhiều ý kiến cho rằng, muốn giảm được ùn tắc, Hà Nội cần cho thấy quyết tâm mạnh mẽ đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông kết nối liên vùng cũng như nội vùng; cùng đó, để phát triển hạ tầng giao thông quy mô lớn, Hà Nội cần đầu tư toàn diện cả về tài chính, cơ chế, chính sách và con người. Cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng hướng, sát sao, quyết liệt của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố với những địa bàn, công trình quan trọng.

(Nguồn: Lao Động Thủ Đô)

ĐẠI DIỆN ‘SIÊU CHÙA’ TAM CHÚC LÊN TIẾNG VỀ KẾT LUẬN THANH TRA ĐẤT ĐAI, ĐẦU TƯ

Đại diện Ban quản lý chùa Tam Chúc cho biết dự án hạ tầng kỹ thuật Khu du lịch Tam Chúc vừa bị Thanh tra Chính phủ yêu cầu giảm chi phí đầu tư hơn 460 tỉ đồng không liên quan gì tới dự án đầu tư Khu du lịch Tam Chúc.

Trao đổi với Tuổi trẻ Online ngày 23-1, đại diện Ban quản lý chùa Tam Chúc (Hà Nam) giải thích rằng những ngày qua đang có sự hiểu nhầm giữa dự án hạ tầng kỹ thuật Khu du lịch Tam Chúc vừa bị Thanh tra Chính phủ yêu cầu rà soát, giảm trừ 446,71 tỉ đồng chi phí xây dựng, không để thất thoát ngân sách nhà nước với dự án Khu du lịch Tam Chúc.

Trên thực tế thì dự án hạ tầng kỹ thuật Khu du lịch Tam Chúc không liên quan gì đến dự án đầu tư xây dựng Khu du lịch Tam Chúc, đại diện Ban quản lý chùa Tam Chúc khẳng định.

Trước đó, Thanh tra Chính phủ có văn bản 161/TB-TTCP ngày 17-1 thông báo kết luận thanh tra số 2211/KL-TTCP về việc chấp hành quy định pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản tại tỉnh Hà Nam giai đoạn 2012 - 2018.

Kết luận này đã chỉ ra loạt sai phạm tại dự án hạ tầng kỹ thuật Khu du lịch Tam Chúc do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Hà Nam (thuộc UBND tỉnh Hà Nam) thực hiện như: chưa có quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết theo quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc gia được Thủ tướng phê duyệt năm 2018.

Dự án này cũng không có ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về nguồn vốn và mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương; phê duyệt đơn giá vật liệu, vật tư cao hơn thông báo giá vật liệu xây dựng của tỉnh; xác định khối lượng đào, đắp đất bằng thủ công thiếu cơ sở; áp dụng đơn giá vật tư, thiết bị chưa đúng quy định, chưa phù hợp, làm tăng tổng vốn đầu tư, dự toán công trình, làm sai nguyên tắc quản lý chi phí của Chính phủ.

Để xử lý các sai phạm tại dự án hạ tầng kỹ thuật Khu du lịch Tam Chúc, Thanh tra Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh và chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam phải giảm trừ thanh toán 446,71 tỉ đồng tại dự án hạ tầng kỹ thuật Khu du lịch Tam Chúc (đối với các hạng mục được đầu tư bằng ngân sách nhà nước).

Trong đó, giảm trừ chi phí giai đoạn 1 dự án 428,51 tỉ đồng, giai đoạn 2 giảm 12,33 tỉ đồng và tuyến đường T3 giảm 5,86 tỉ đồng.

Kết luận thanh tra số 2211/KL-TTCP đã được Phó thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo thực hiện tại văn bản số 249/VPCP-V.I ngày 13-1 của Văn phòng Chính phủ.

Theo Ban quản lý chùa Tam Chúc, dự án hạ tầng kỹ thuật Khu du lịch Tam Chúc do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Hà Nam làm chủ đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, chủ yếu để xây dựng tuyến đường kết nối 4 tỉnh Ninh Bình - Hòa Bình - Hà Nam - Hà Nội.

Trong khi dự án đầu tư xây dựng Khu du lịch Tam Chúc do Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường và Giáo hội Phật giáo Việt Nam làm chủ đầu tư. Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 25.000 tỉ đồng, nguồn vốn đầu tư do Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường và tăng ni phật tử cả nước đóng góp, thời gian thực hiện dự án 50 năm.

Hiện nay, quần thể "siêu chùa" Tam Chúc nằm trong Khu du lịch Tam Chúc do Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, phó chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì. Và quần thể "siêu chùa" này được coi là tài sản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

(Nguồn: Soha)

(Xem thêm:

=> Động lực từ đầu tư công; Dự án tỷ đô từ ngoại giao kinh tế; Vành đai 4 sẽ cứu thủ đô; Sai phạm tại trung tâm đăng kiểm ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang