Động lực từ đầu tư công; Dự án tỷ đô từ ngoại giao kinh tế; Vành đai 4 sẽ cứu thủ đô; Sai phạm tại trung tâm đăng kiểm

ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG MẠNH MẼ TỪ ĐẦU TƯ CÔNG

(Ảnh minh hoạ).

Nếu không tích cực tháo gỡ điểm nghẽn, quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công, chúng ta sẽ lãng phí nguồn lực quan trọng và nền kinh tế bỏ lỡ cơ hội hồi phục, phát triển.

Đầu tư công là luồng vốn đầu tư rất quan trọng, tác động lớn đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội trong cả ngắn, trung và dài hạn. Tuy nhiên, giải ngân nguồn vốn này đang chậm do nhiều nguyên nhân.

4 nguyên nhân chính

Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là khâu chuẩn bị dự án đầu tư sơ sài, chất lượng kém nên khi triển khai phải liên tục điều chỉnh tổng vốn và các nội dung khác.

Mỗi lần điều chỉnh là một lần phải làm lại từ đầu, bao gồm cả xin lại chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư, với những thủ tục hành chính có thể kéo dài nhiều tháng, có khi đến hằng năm trời. Điều này không chỉ làm chậm tiến độ, đội vốn mà còn khiến dự án sau khi hoàn thành bước xin chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư mới thì không còn phù hợp thực tế.

Nguyên nhân thứ 2 là giá nguyên liệu đầu vào trong năm qua tăng rất cao. Các nhà thầu càng làm càng lỗ nên đa phần chần chừ, làm nhỏ giọt để chờ cơ hội điều chỉnh tổng vốn đầu tư.

Nguyên nhân thứ 3 là năng lực nhà thầu yếu kém dẫn đến dự án chậm trễ triển khai, thực hiện.

Nguyên nhân cuối cùng là bởi quy định của pháp luật hiện có nhiều nội dung chồng chéo, không rõ ràng, thực thi đúng theo luật này thì lại vi phạm luật khác nên nhà đầu tư, nhà thầu nản lòng, không quyết liệt triển khai dự án.

Vì những lẽ trên mà có những dự án rơi vào "điểm chết" của khâu ra quyết định, nghĩa là không rõ thẩm quyền, trách nhiệm thuộc về ai. Chưa kể, hiện nay còn tồn tại sự thiếu nhất quán về quan điểm kinh tế thị trường dẫn đến xảy ra câu chuyện một số người đứng đầu né tránh trách nhiệm để tránh rủi ro pháp lý, nhất là trong câu chuyện đấu giá đất.

Bỏ lỡ đầu tư công sẽ rất uổng

Trong ngắn hạn, đầu tư công được coi như một khoản cầu của nền kinh tế. Nền kinh tế đang thiếu cầu, muốn thúc đẩy tăng trưởng thì phải tăng cầu. Trong bối cảnh hiện nay, tăng cầu thông qua tăng đầu tư công là giải pháp dễ và hiệu quả nhất.

Trong trung và dài hạn, triển khai các dự án đầu tư công có ý nghĩa lan tỏa rất lớn. Không chỉ hình thành những công trình hạ tầng quan trọng để tăng kết nối trong nền kinh tế, đầu tư công còn tạo cơ hội đầu tư mới cho các khu vực kinh tế khác và tạo nhiều công ăn việc làm hơn... Nói cách khác, đầu tư công như một khoản đầu tư kéo theo và thúc đẩy các nguồn vốn đầu tư, từ đó huy động thêm nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng

Ngoài ra, trong thời điểm hiện nay, nếu giải ngân được vốn đầu tư công sẽ góp phần quan trọng giúp tăng thanh khoản của nền kinh tế. Chúng ta thường hay ví von nền kinh tế hiện nay một bên là một đập nước rất đầy còn một bên là cánh đồng khô cạn.

Nếu mở được van nước để tưới cho cánh đồng khô cạn đang thiếu tín dụng, thiếu thanh khoản thì nền kinh tế sẽ nảy nở, phát triển rất nhanh. Như vậy, giải ngân được vốn đầu tư công không chỉ tác động tích cực đến khu vực thực của nền kinh tế mà còn thúc đẩy dòng chảy về vốn trong nền kinh tế.

Năm 2022, chúng ta đạt tăng trưởng khả quan với 8%. Năm 2023, mục tiêu tăng trưởng 6,5% sẽ đầy thách thức bởi các động lực quan trọng của nền kinh tế như xuất khẩu, cầu trong nước, quy mô sản xuất... đều suy giảm. Trong khi đó, chính sách tiền tệ và tài khóa chắc chắn vẫn được điều hành theo hướng ưu tiên chống lạm phát. Như vậy, dư địa hỗ trợ tăng trưởng cho năm nay sẽ khó khăn hơn những năm trước.

Trong bối cảnh này, đầu tư công nổi lên như một động lực để duy trì tăng trưởng. Chúng ta đang có tiền, có dự án chờ đầu tư, nếu không làm sẽ rất uổng.

Cần làm gì?

Đầu tiên, phải chấp nhận thực tế giá nguyên liệu đầu vào đã tăng lên hàng chục phần trăm, thậm chí 100%. Nhà nước, các cơ quan liên quan phải quyết định ngay việc điều chỉnh tổng mức đầu tư cho dự án đã trúng thầu với mức ít nhất đủ để nhà thầu không thua lỗ. Có thể lấy ngân sách từ nguồn chưa chi tiêu để thực hiện nhiệm vụ này bởi nếu không rốt ráo triển khai thì dự án càng đội vốn lớn, gây lãng phí và phi kinh tế.

Tiếp theo, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để các nhà thầu được giải ngân đủ và kịp thời với khối lượng công việc đã thực hiện. Khắc phục ngay tình trạng "đầu năm thủng thẳng, cuối năm dồn dập" do thói quen chờ đến cuối năm mới triển khai công việc.

Có nhiều dự án đầu tư công rất quan trọng, không thể không đầu tư, ví dụ: dự án đường Vành đai 3, Vành đai 4 - TP HCM, dự án đường Vành đai 4 - TP Hà Nội, các dự án đường cao tốc từ TP HCM về các tỉnh, sân bay Long Thành...

Cần tập trung nguồn lực để giải quyết vướng mắc liên quan thủ tục đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Nếu làm được, các dự án sẽ tạo ra năng lực sản xuất rất lớn cho nền kinh tế. Qua đó, TP HCM sẽ thực sự trở thành vùng động lực mạnh mẽ của toàn vùng, là đầu tàu kinh tế của cả nước, không còn bị "xói mòn" như hiện nay.

(Nguồn: Soha)

NHỮNG DỰ ÁN TỶ ĐÔ TỪ NỖ LỰC NGOẠI GIAO KINH TẾ

Khi chuyển trọng tâm từ ngoại giao vắc xin sang ngoại giao kinh tế, Việt Nam đã đạt được những con số ấn tượng trong năm 2022, điển hình là tuyên bố chính trị với G7 và châu Âu về huy động nguồn vốn 15,5 tỷ USD; Lego khởi công nhà máy 1,3 tỷ USD tại Bình Dương; Samsung khánh thành trung tâm R&D trị giá 220 triệu USD tại Hà Nội...

Trong năm 2022, ngành ngoại giao đã chuyển trọng tâm từ ngoại giao vắc xin sang ngoại giao kinh tế phục vụ phục hồi và phát triển đất nước. Theo đó, công tác ngoại giao kinh tế đã được đẩy mạnh, trở thành nhiệm vụ trung tâm của toàn ngành cũng như của tất cả 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí nhân dịp Tết Quý Mão 2023.

Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ cho biết, hợp tác kinh tế trở thành nội dung trọng tâm trong tất cả các hoạt động đối ngoại cấp cao và các cấp. Trong gần 70 hoạt động đối ngoại của lãnh đạo chủ chốt trong năm 2022, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội đều chỉ đạo sát sao và trực tiếp thúc đẩy tối đa các nội dung kinh tế. Các chuyến công tác nước ngoài của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt cũng như các chuyến thăm Việt Nam của lãnh đạo các nước đều đạt những kết quả, thỏa thuận cụ thể, thiết thực về kinh tế. Công tác đối ngoại đã bám sát phương châm tranh thủ mọi cơ hội, mọi nguồn lực để phát triển đất nước.

Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ khẳng định, ngành ngoại giao đã có nhiều đóng góp nhằm đẩy mạnh hội nhập và liên kết kinh tế quốc tế; kịp thời, nhanh nhạy tranh thủ thu hút nguồn lực bên ngoài phục vụ các động lực mới cho phát triển, nhất là các nguồn tài chính xanh, đầu tư cho chuyển đổi năng lượng, đầu tư những ngành công nghệ cao…

Điển hình là việc Nhóm G7, châu Âu và Việt Nam đã có tuyên bố chính trị về quan hệ “ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng” (JETP) , huy động nguồn đầu tư ban đầu trị giá 15,5 tỷ USD; Tập đoàn Lego đã khởi công nhà máy trung hòa carbon đầu tiên trên thế giới với số vốn đầu tư 1,3 tỷ USD tại Bình Dương; Samsung khánh thành Trung tâm Nghiên cứu Phát triển trị giá 220 triệu USD tại Hà Nội.

Bộ Ngoại giao cũng hỗ trợ, thúc đẩy triển khai hiệu quả 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết; tham mưu, kiến nghị để nước ta kịp thời tham gia các sáng kiến liên kết kinh tế quốc tế nhằm tranh thủ các nguồn lực cho phát triển.

Nỗ lực lớn, cơ hội nhiều

Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong số các nước đang phát triển có cam kết mạnh mẽ về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 năm 2021, một mặt đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của chính chúng ta, song mặt khác cũng mở ra rất nhiều cơ hội hợp tác với các đối tác quốc tế vì đây đang là những vấn đề quan tâm chung của toàn cầu.

Chủ trương phát triển kinh tế xanh, kinh tế số giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh bền vững. Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Lego khẳng định một trong những lý do chọn Việt Nam để đầu tư là việc Việt Nam có những cam kết mạnh mẽ về phát triển bền vững, đặc biệt là sau khi được trực tiếp gặp Thủ tướng Chính phủ tại COP26.

(Nguồn: CafeF)

VÀNH ĐAI 4 SẼ “CỨU” THỦ ĐÔ?

(Ảnh minh hoạ).

Vành đai 3: Ùn tắc triền miên. Vành đai 2: Kỳ vọng giải quyết ùn tắc, nhưng vừa thông xe, ùn tắc càng nghiêm trọng. Vành đai 4 sẽ cứu được Thủ đô. Tất nhiên là phải kể đến một chữ “nếu”.

Đường vành đai 2 vừa thông xe xong thì ùn tắc càng trở nên nghiêm trọng là một sự mỉa mai, nhưng đó là sự mỉa mai đã biết trước. Khi mà lưu lượng xe quá lớn, tốc độ phát triển hạ tầng không theo kịp tốc độ gia tăng phương tiện…

Hãy để ý: Sau khi Vành đai 4 được quyết thì Vành đai 2 còn chưa khép kín, chưa thông xe. Vấn đề, dường như còn ở tầm nhìn quy hoạch giao thông thủ đô.

Trên báo Tuổi trẻ, Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng kể lại: Tại cuộc làm việc cuối nhiệm kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Hà Nội, ông tham gia với tư cách Bộ trưởng Bộ Tài chính đã chỉ “nói rất đơn giản”: Nếu muốn Hà Nội có cơ đồ phát triển, khắc phục những tồn tại hiện nay thì nên ủng hộ Hà Nội làm Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Và ngay sau khi Quốc hội quyết nghị Dự án Vành đai 4, Hà Nội đã lập tức thành lập ban chỉ đạo, riêng Bí thư thì “tự thấy phải đích thân vào cuộc”.

Đặt mục tiêu đưa dự án Vành đai 4 vào khai thác năm 2027, Hà Nội đang thể hiện tinh thần “không vội không được”.

Chẳng hạn việc xác định giải phóng mặt bằng là khâu “trọng điểm của trọng điểm”, với các “giờ G”: 30.6.2023 cơ bản giải phóng mặt bằng được 70%. Cuối 2023 giải phóng mặt bằng xong 100%.

Vành đai 4 đoạn Hà Nội dài 58,2km, đi qua tới 7 quận, huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai, Thường Tín. Khối lượng công việc liên quan giải phóng mặt bằng, thu hồi đất phục vụ thi công dự án rất lớn... với hơn 1.000 hộ dân phải tái định cư và 14.000 ngôi mộ phải di dời.

Để đảm bảo “trọng điểm của trọng điểm” này có thể “đúng giờ”, Thành uỷ Hà Nội thậm chí ban hành một chỉ thị riêng, yêu cầu gắn xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu không hoàn thành đúng tiến độ giải phóng mặt bằng để ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn dự án.

Vành đai 4 sẽ cứu Thủ đô bớt cảnh ùn tắc, nếu Hà Nội thật sự “không vội không được” trong quyết tâm thực hiện Dự án đúng tiến độ. Nếu song song với Vành đai 4 là thúc đẩy các dự án đường sắt đô thị. Và nếu kìm hãm được nhà cao tầng.

Vành đai 3: chung cư san sát như tường đồng vách sắt hai bên, với những “điểm nhấn” 50 tầng. Vành đai 2, riêng trên trục Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở đã có tới hàng chục dự án chung cư với hàng chục nghìn căn hộ đã và đang xây dựng.

Vành đai bị biến thành đường nội khu thì vành đai bao nhiêu cũng không thể hết ùn tắc được.

(Nguồn: Lao Động)

TOÀN CẢNH SAI PHẠM TẠI CÁC TRUNG TÂM ĐĂNG KIỂM TRÊN CẢ NƯỚC

Công an các địa phương khởi tố nhiều vụ án, bắt tạm giam hàng chục bị can là lãnh đạo, nhân viên các trung tâm đăng kiểm để điều tra sai phạm trong đăng kiểm.

33 trung tâm đăng kiểm tạm dừng hoạt động

Tính đến ngày 11/1, cả nước có 33 trung tâm đăng kiểm tạm dừng hoạt động, phân bố tại 13 tỉnh, thành phố gồm Phú Thọ, Hòa Bình, TP Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Đồng Tháp, Bến Tre, Sóc Trăng, Tiền Giang, Bắc Giang, Bắc Ninh.

Trong đó, 30 trung tâm đăng kiểm phải đóng cửa để phục vụ công tác điều tra của cơ quan công an, 1 trung tâm đăng kiểm do vấn đề về nhân sự, 1 trung tâm đăng kiểm do không đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy, 1 trung tâm đăng kiểm do đăng kiểm viên bị tạm đình chỉ và 1 trung tâm đăng kiểm do thu hồi đất.

Tại khu vực miền Bắc có 15 trung tâm đăng kiểm bị tạm dừng hoạt động, trong đó Hà Nội nhiều nhất với 11 trung tâm dừng hoạt động. Các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang, mỗi địa phương có 1 trung tâm đăng kiểm tạm dừng hoạt động.

Khu vực miền Nam có 18 trung tâm đăng kiểm phải tạm dừng hoạt động, trong đó TP.HCM nhiều nhất với 10 trung tâm đăng kiểm bị đóng cửa, tỉnh Đồng Nai có 2 trung tâm. Các tỉnh Sóc Trăng, Bến Tre, Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An, Bình Dương, mỗi địa phương có 1 trung tâm đăng kiểm tạm dừng hoạt động.

Cục trưởng Cục Đăng kiểm nhận tiền chung chi hàng tháng

Liên quan những sai phạm trong quản lý ngành đăng kiểm Việt Nam, tối 11/1, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Đặng Việt Hà (Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam) về tội "Nhận hối lộ". Các quyết định và lệnh trên đã được Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM phê chuẩn để thực hiện.

Tại buổi họp báo công bố sai phạm của Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Đặng Việt Hà và các trung tâm đăng kiểm (trạm đăng kiểm) ở TP.HCM, Thiếu tá Nguyễn Thành Hưng - Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM - cho biết, đến nay cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã đủ căn cứ xác định các hành vi vi phạm pháp luật có hệ thống, được chỉ đạo xuyên suốt từ trên xuống dưới, kéo dài trong một thời gian rất dài gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Cụ thể, trong đội ngũ nhân viên, ban giám đốc, lãnh đạo phòng ban... và đặc biệt là Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam.

"Ngay từ đầu, để thành lập các trạm đăng kiểm, các đối tượng đã chung chi tiền hàng trăm triệu đồng cho các cán bộ phòng ban, lãnh đạo phòng ban cho chỗ Cục trưởng để cấp giấy phép thành lập các trạm đăng kiểm. Hàng tháng, hàng quý các trạm đăng kiểm đều chung chi tiền cho đối tượng Hà, Cục trưởng Cục Đăng kiểm", Thiếu tá Nguyễn Thành Hưng nói và cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đang tiếp tục điều tra làm rõ các nội dung còn lại trên nguyên tắc và tinh thần tất cả các hành vi vi phạm đều được điều tra xử lý nghiêm theo quy định.

Mới đây nhất, ngày 17/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã khởi tố bị can đối với ông Trần Kỳ Hình (62 tuổi, ngụ TP Hà Nội, nguyên Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam) để điều tra tội "Nhận hối lộ" theo Điều 354 Bộ luật Hình sự.

Cơ quan điều tra xác định trong giai đoạn từ 2014 đến tháng 8/2021, ông Trần Kỳ Hình với vai trò là Cục trưởng Cục Đăng kiểm đã trực tiếp hoặc thông qua bị can Trần Anh Quân (quyền Trưởng phòng Kiểm định phương tiện cơ giới) nhận tiền hối lộ của một số giám đốc trung tâm đăng kiểm để ký duyệt cấp mã số đăng kiểm và giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động đăng kiểm dù các trung tâm này chưa đủ các điều kiện theo quy định.

Trong thời gian đảm nhận chức vụ Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, ông Trần Kỳ Hình đã buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra giám sát, trực tiếp nhận tiền hối lộ định kỳ hàng tháng, quý của các giám đốc trung tâm đăng kiểm nhằm bỏ qua sai phạm của các trung tâm này trong việc nhận tiền hối lộ của chủ xe, đối tượng môi giới để cấp giấy chứng nhận đăng kiểm đối với các xe không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Tại Hòa Bình, ngày 17/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 10 bị can, trong đó có Trịnh Thành Công (SN 1985, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 28-01S) cùng Phó Giám đốc, Trưởng phòng Đăng kiểm, Phó trưởng phòng Kiểm định và 6 đăng kiểm viên.

Kết quả điều tra đến nay đã khởi tố vụ án, khởi tố và ra lệnh khám xét nơi làm việc và chỗ ở của 94 bị can về các tội: Đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ và giả mạo trong công tác. Trong đó có 90 bị can là giám đốc, phó giám đốc, nhân viên các trung tâm đăng kiểm và các đối tượng môi giới; 3 bị can là cán bộ thuộc Phòng kiểm định xe cơ giới thuộc Cục Đăng kiểm bị khởi tố về tội "Nhận hối lộ" gồm Trần Anh Quân (quyền Trưởng phòng kiểm định xe cơ giới), Đặng Trần Khanh (Phó trưởng phòng kiểm định xe cơ giới), Phạm Đức Ngọc (chuyên viên Phòng kiểm định xe cơ giới).

Cho đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khám xét Cục Đăng kiểm Việt Nam và 13 trung tâm đăng kiểm bao gồm: 5 trung tâm đăng kiểm tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Sóc Trăng; 8 trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TP.HCM, thu giữ nhiều đồ vật, tài liệu, dữ liệu điện tử có liên quan.

Theo cáo buộc, sai phạm chủ yếu là bỏ qua lỗi vi phạm trong công đoạn kiểm tra thủ công hoặc cho thuê phụ tùng không đảm bảo kỹ thuật. Đơn cử, xe mòn lốp thì nộp tiền thay lốp; sử dụng phần mềm can thiệp vào hệ thống đăng kiểm để thay đổi thông số kiểm định khí thải...

Sáng 12/1, tại phiên họp thứ 23, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiêu cực đã quyết định đưa vụ án "Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Môi giới hối lộ; Giả mạo trong công tác" xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số Trung tâm Đăng kiểm vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

(Nguồn: Kenh14)

(Xem thêm:

=> Tổng mức giải ngân 94.161 tỉ; Năng lượng tái tạo VN; Chạy đà loạt dự án cao tốc lớn; 'Lịch biểu' quan chức xộ khám 2022 ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang