Lằn ranh giữa cưng nựng trẻ & lạm dụng; Ngại yêu sau đổ vỡ của cha mẹ; Vụ cô gái bị anh chồng đâm gục

CƯNG NỰNG TRẺ VÀ LẠM DỤNG CHỈ LÀ LẰN RANH MỎNG MANH

Chị dắt con vào thang máy, cô bé khá xinh xắn. Trong thang máy có một người đàn ông thuộc tầng khác, tóc hoa râm. Ông bắt chuyện rồi khen 'cháu mấy tuổi rồi, trông xinh thế'.

Nói rồi người đàn ông xoa đầu, bẹo má, rồi lại khen với vẻ mặt âu yếm khiến cô bé hơi sợ. Chị thì hơi ngại, chỉ kéo con sát vào mình.

Biểu hiện được xem là cưng nựng trẻ ấy không hiếm gặp ở ta. Với một số người (không ít) nghĩ rằng đó là biểu hiện của sự mến trẻ, hoặc cho rằng "làm vậy cũng đâu có gì quá lắm đâu".

Nhưng thực tế, có những trường hợp, kẻ xấu đã lợi dụng biểu hiện được cho là cưng trẻ đó để làm bậy.

Không ít người, kể cả phụ huynh vẫn chưa phân biệt được giữa yêu thương trẻ và lợi dụng việc yêu thương, thân thiện với trẻ để đụng chạm nhạy cảm, rồi dần dà dụ dỗ trẻ, xâm hại, lạm dụng tình dục trẻ.

Và có khi, khi nghe trẻ kể về việc bị xâm hại, phụ huynh còn không tin, gạt đi, cho rằng trẻ nói bậy.

Theo Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), giai đoạn 2020 - 2022 phát hiện 5.693 vụ, 6.514 đối tượng, xâm hại 5.904 trẻ em, trong đó trẻ em là nạn nhân dưới 6 tuổi chiếm tỉ lệ 7,02% (năm 2020), 6,54% (năm 2021), 6,65% (năm 2022); hiếp dâm trẻ em tăng cả về số vụ, số đối tượng và nạn nhân.

Đánh giá của cơ quan này, trong giai đoạn 2020 - 2021, số vụ việc xâm hại trẻ em so với giai đoạn 2019 - 2020 tăng lên cả về số vụ, số đối tượng và số trẻ em bị xâm hại.

Điều đáng nói là, ở Việt Nam có tới 17 cơ quan liên quan đến bảo vệ trẻ em nhưng những vụ việc xâm hại trẻ em vẫn đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ.

Làm sao để bảo vệ trẻ và để trẻ tự bảo vệ? ThS tâm lý LÊ MINH HUÂN, sáng lập trung tâm ứng dụng tâm lý - giáo dục An Nhiên, chuyên trẻ đặc biệt, cũng là người có hàng chục cuộc nói chuyện chuyên đề về xâm hại tình dục trẻ em đã trao đổi với Tổ ấm về vấn đề thiết yếu này:

Thế nào là lạm dụng tình dục, thưa anh?

- Lạm dụng tình dục là việc lợi dụng vị thế, quyền hạn hoặc sức mạnh nhằm dụ dỗ, bắt ép, lôi kéo người khác thực hiện hành vi tình dục mà không có sự đồng thuận của họ.

Có ranh giới hay sự phân biệt nào giữa cưng nựng trẻ với lạm dụng?

- Khi hành vi cưng nựng vượt quá giới hạn của tình yêu thương, gây khó chịu, lo lắng, sợ hãi, thậm chí tổn thương đến người khác sẽ trở thành lạm dụng.

Chẳng hạn, việc ôm hôn, ghì sát, sờ soạng, nhìn lén các bộ phận riêng tư của người khác khi tiếp xúc hoặc lợi dụng lúc người khác thiếu cảnh giác hoặc thiếu khả năng chống trả để thỏa mãn nhu cầu bản thân, đặc biệt là khả năng phán đoán kém và sự nhẹ dạ, cả tin ở trẻ nhỏ.

Phụ huynh và trẻ nên ứng xử ra sao khi có người cố ý đụng chạm trẻ?

- Phụ huynh cần có động thái can thiệp liền ngay lập tức như kéo trẻ về phía mình, ngăn cản trẻ tiếp xúc, phân tích, giải thích và ra sức bảo vệ sự an toàn của trẻ. Đồng thời, cảnh báo đối tượng về đụng chạm có nguy cơ thiếu an toàn này.

Thậm chí, trình báo cơ quan chức năng nếu hành động gây tổn thương, sợ hãi hoặc diễn tiến nghiêm trọng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ.

Trẻ tuyệt đối tránh xa và không đồng tình với hành vi đụng chạm, trêu chọc, chỉ trỏ của người khác đối với các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể. Bên cạnh đó, cần thông báo với người lớn để được trợ giúp.

Trẻ tự bảo vệ mình ra sao khi gặp tình huống bị lạm dụng, xâm hại tình dục?

- Hét lớn nhằm thu hút chú ý của người lớn/người xung quanh và thông báo vấn đề đang gặp phải là gì. Bỏ chạy đến nơi an toàn như đám đông, nơi có người lớn, nhà ở hoặc trường học...

Trường hợp bất khả kháng có thể tấn công vào những điểm yếu, chỗ hiểm của kẻ xấu để phòng vệ, thoát thân.

NGẠI YÊU SAU ĐỔ VỠ CỦA CHA MẸ

Nếu đặt niềm tin vào tình yêu, hạnh phúc thì vẫn có cơ hội để yêu thương và được yêu thương

Ngọc Quý (27 tuổi, ngụ quận 10, TP HCM) nhớ như in hình ảnh giận dữ của ba, tiếng quát tháo của mẹ vào một buổi chiều của 18 năm trước. Đó cũng là lý do khiến chị chủ động chia tay người yêu sau 3 năm gắn bó.

Vết thương vẫn đau nhói

"Anh ấy giục kết hôn nhưng hình ảnh ngày xưa của ba mẹ khiến tôi luôn mang cảm giác sợ bị bỏ rơi, sợ lấy chồng, sợ làm khổ con… nên quyết định chia tay" - chị Ngọc Quý kể.

Ba mẹ chị đến với nhau bằng tình yêu. Dù ông bà ngoại kịch liệt phản đối khi biết ba chị có máu bài bạc, mẹ chị vẫn tin sẽ thay đổi được người yêu nên bỏ qua mọi lời khuyên răn lẫn ngăn cản.

Năm Ngọc Quý 7 tuổi, ba chị bị cho nghỉ việc tạm thời. Không kiếm được công việc mới, bị bạn bè rủ rê, ông sa vào bài bạc, rượu chè, nhiều lần trộm tiền của vợ. Từ dạo đó, ba mẹ Quý thường xuyên cãi vã. Đỉnh điểm là lần giang hồ đến nhà hăm dọa, đòi nợ, mẹ con chị run rẩy, sợ hãi. Buồn chồng, mang nỗi lo trả nợ, mẹ chị suy sụp tinh thần, nằm viện nhưng ba chị vẫn chứng nào tật nấy.

"Đến một ngày không chịu đựng nổi nữa, mẹ quyết định ly hôn. Một năm sau, mẹ qua đời, tôi về sống với bà ngoại còn ba biệt tích đến tận bây giờ. Tôi nhớ lúc đó đã rất sốc, thỉnh thoảng lại mơ thấy những lần ba mẹ cãi nhau, những lúc ba say vì thua bạc… Thức giấc, người tôi đẫm mồ hôi, thấy lòng trống trải" - Ngọc Quý chia sẻ.

Cũng bị ám ảnh vì sự đổ vỡ hôn nhân của ba mẹ, Hoàng Minh (30 tuổi, TP Thủ Đức, TP HCM) vừa chia tay mối tình nhiều năm gắn bó mà nguyên nhân vì anh luôn nghi ngờ, ghen tuông.

Năm Minh 10 tuổi, ba mẹ ly hôn vì mẹ anh ngoại tình, anh sống với ba. Được 2 năm, gia đình Minh có thêm mẹ kế và những đứa em, anh cảm thấy mình trở nên thừa thãi vì thiếu vắng sự quan tâm của mẹ kế lẫn ba ruột. Lễ hoặc Tết, cả nhà về bên gia đình mẹ kế, anh được gửi cho ông bà nội. Lâu lâu anh lại đau khi nghe bà chì chiết: "Làm gì thì làm, đừng có mất dạy như mẹ mày!".

"Giờ tôi sống một mình trong căn hộ tự thuê. Tôi yêu bạn gái nhưng trong tiềm thức, câu chuyện của mẹ khiến tôi mất niềm tin vào sự chung thủy của phụ nữ, thường suy nghĩ vẩn vơ, cứ sợ biết đâu sau này vợ trở thành phiên bản của mẹ mình. Vậy nên tôi thường ghen tuông vô cớ, lâu dần khiến cô ấy không chịu đựng được…" - anh Minh tâm sự.

Với Nguyễn Kim Tuyền (35 tuổi, tỉnh Trà Vinh), trải qua 2 mối tình, ai cũng yêu thương Tuyền và có công việc ổn định nhưng vì mặc cảm về gia đình, mỗi khi bạn trai đặt vấn đề cưới hỏi, Tuyền lại né tránh. "Ba tôi là tài xế chạy xe đường dài, mẹ đi xuất khẩu lao động Đài Loan, hiếm khi về thăm con, thỉnh thoảng mới gọi điện một lần. Xa nhau lâu, tình cảm không còn, ba mẹ ly hôn. Ít lâu sau, khi tôi chừng 10-11 tuổi, ba rồi mẹ lần lượt thông báo cưới người khác, tôi chết lặng, thấy mình không khác trẻ mồ côi. Nghĩ lấy chồng chẳng may chia tay, con lại đau khổ như mình, tôi ngại" - chị Tuyền bày tỏ.

Đừng sợ yêu!

Chuyên gia tâm lý Trần Trung Kiên nhìn nhận những đứa trẻ lớn lên trong cảnh cha mẹ ly hôn thường gặp khó khăn với các mối quan hệ tình cảm vì luôn lo sợ, thành kiến với hôn nhân, tỉ lệ ly hôn cũng cao hơn.

Tuy nhiên, thực tế có rất nhiều gia đình ấm êm, hạnh phúc. Vì vậy, hãy nhìn những gia đình hạnh phúc để thay đổi nhận thức, phá bỏ thành kiến.

Đừng nghĩ cha mẹ ly hôn thì mình cũng sẽ đi vào vết xe đổ của họ, vì thực tế có những gia đình cha mẹ êm ấm, yêu thương nhau nhưng con cái vẫn ly hôn.

Nếu đặt niềm tin vào tình yêu, hạnh phúc thì vẫn có cơ hội để yêu thương và được yêu thương. Ngược lại, sợ yêu, sợ đổ vỡ thì chắc chắn không thể có hạnh phúc.

"Hôn nhân xuất phát từ tình cảm lứa đôi. Kết hôn, thứ ràng buộc giữa hai người là sự cam kết về tình cảm, pháp luật, con cái, tài sản…

Hạnh phúc gia đình bền vững hay không phụ thuộc vào sự lựa chọn đúng người, sự tôn trọng, yêu thương, chăm sóc, thấu hiểu, sẻ chia của bản thân và đối phương, không phụ thuộc vào cuộc hôn nhân của cha mẹ" - chuyên gia tâm lý Trần Trung Kiên nhấn mạnh.

Chuyên gia tư vấn tâm lý Phạm Thị Thanh Thúy (TP HCM) cũng cho rằng hôn nhân tan vỡ gây ra nhiều tổn thương tâm lý cho con cái.

Nhiều người bị ám ảnh bởi hình ảnh đổ vỡ của cha mẹ, mang vết thương lòng đến lúc trưởng thành. Nếu là người ít trải nghiệm, họ sẽ có cái nhìn thiếu thiện cảm, tiêu cực về tình yêu.

Vì vậy, cần học cách xây dựng niềm tin vào bản thân và tình yêu. Niềm tin vào bản thân là yếu tố quan trọng giúp bạn trở nên mạnh mẽ, tự tin đưa ra những quyết định một cách nhanh chóng và chính xác trong những hoàn cảnh nhất định.

Niềm tin vào tình yêu giúp bạn chữa lành những thương tổn trong quá khứ, giải phóng bạn khỏi những rào cản tự tạo và có dũng khí mở lòng cho tình yêu.

VỤ CÔ GÁI BỊ ANH CHỒNG DÙNG DAO ĐÂM GỤC Ở HẢI PHÒNG: XÁC ĐỊNH NGUYÊN NHÂN

Kết quả điều tra ban đầu, do người anh chồng bị ảo giác tưởng tưởng em dâu là trộm nên mới lao ra dùng dao đâm nạn nhân.

Ngày 16/3, báo Dân trí dẫn thông tin từ Công an Hải Phòng cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện An Lão đã tạm giữ hình sự đối với Bùi Văn Huy (33 tuổi, ở An Lão, Hải Phòng) để điều tra tội Giết người.

Nạn nhân được xác định là Vũ Thị Thu T. (27 tuổi, em dâu sống cùng nhà với Huy).

Thông tin ban đầu, khoảng 20h ngày 11/3, tại nhà ông Bùi Văn H. (52 tuổi, bố đẻ Huy), Huy chuẩn bị một con dao dài 35cm, ngồi tại hiên nhà.

Lúc này chị Vũ Thị Thu T. đi làm về, đang đứng đóng cổng, Huy lao ra đâm nhiều nhát vào lưng khiến chị T. gục xuống.

Sau đó Huy lôi chị T. ra ngoài cổng, dùng nước rửa sạch vết máu ở khu vực cổng và trên con dao gây án.

Ngay sau khi nhận được tin báo, Cơ quan CSĐT Công an huyện An Lão đã phối hợp với VKSND huyện An Lão, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP Hải Phòng, khám nghiệm hiện trường, thu giữ vật chứng là con dao gây án và bắt giữ Bùi Văn Huy để điều tra, xử lý theo quy định.

Kết quả điều tra ban đầu, do Huy bị ảo giác tưởng chị T. là trộm nên mới lao ra dùng dao đâm nạn nhân.

Liên quan đến sự việc, báo Pháp luật TP.HCM cho hay, sau khi phát hiện sự việc, chị T. được người dân nhanh chóng đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp.

Đại diện chính quyền xã Trường Thọ, huyện An Lão thông tin thêm đến thời điểm này, chị T. đã qua cơn nguy kịch.

Hiện, vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật.

Nguồn: Tuổi Trẻ; Người Lao Động; Đời sống & Pháp luật

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang