Khổ sở tìm shipper cận Tết; Trái cây ngoại đổ bộ; Trái chiều thị trường căn hộ 3 miền; Làn sóng bán cắt lỗ nhà đất

KHỔ SỞ TÌM SHIPPER GIAO HÀNG NGÀY CẬN TẾT

(Ảnh minh hoạ).

Dịch vụ vận chuyển hàng hóa cuối năm với đơn hàng tăng đột biến nên thời gian giao hàng cũng bị kéo dài.

Tết là thời điểm nhu cầu giao hàng tăng gấp đôi so với bình thường nhưng lực lượng shipper lại giảm đáng kể nên dịch vụ này trở nên quá tải. Nguyên do là nhiều shipper nghỉ Tết sớm để về quê.

Chị Mai Yến Vân, chủ shop quần áo ở quận 3, TP.HCM, cho biết nhiều hãng vận chuyển thông báo ngừng nhận hàng khá sớm, có nơi ngưng tiếp nhận từ 23 Tết nên chị phải rất vất vả để tìm kiếm người bên ngoài giao hàng với phí tăng thêm đáng kể.

Tương tự, anh Từ Hiếu Trung, chủ cửa hàng ăn uống ở quận 5, TP.HCM cũng thừa nhận giao hàng cho khách hiện gặp nhiều khó khăn, các shipper thường xuyên hủy chuyến nên nhờ cả người thân để ship hàng kể cả "bắt" xe ôm với giá tăng 30%-50%.

Theo Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post), hàng hóa gửi qua bưu cục dịp Tết tăng đến 40%. Do lượng hàng tăng nên bưu cục chỉ nhận hàng đến ngày 20-1 và ngày 25-1 sẽ hoạt động trở lại. Khách gửi hàng cận Tết sẽ chuyển hàng đến người nhận sau Tết. Các dịch vụ giao hàng nhanh, giao hàng tiết kiệm cũng cho biết là đang quá tải trong dịp Tết, trường hợp khách giao hàng trong nội thành là còn đáp được trước Tết, còn hàng giao đi tỉnh thì phải chờ qua Tết.

Đại diện Công ty TNHH Best Express Việt Nam, cho biết nhu cầu vận chuyển hàng hóa ngày cuối tăng mạnh so với những tháng trước đó. Công ty nhận hàng đến 27 Tết và vận chuyển hàng giao cho khách trong ngày 28 Tết ở các quận nội thành như TP HCM, còn ngoại thành ở những khu vực không thuận lợi sẽ không kịp giao mà phải chuyển qua sau Tết. Còn hàng vận chuyển đi tỉnh khác cũng phải chờ qua Tết mới giao kịp.

Còn công ty J&T Express sẽ hoạt động xuyên Tết để đáp ứng đơn hàng tăng quá cao như hiện nay. Đại diện Be, Gojek, Grab cũng cho biết dịch vụ giao hàng tăng mạnh trong tuần trước do nhu cầu tặng quà Tết trong tuần này quá lớn nên dịch vụ này có phần quá tải dẫn đến thời gian giao hàng có phần chậm hơn so với bình thường. Tuy nhiên, sang tuần này nhu cầu tặng quà có phần giảm đi nên áp lực về thời gian cũng sẽ được cải thiện.

(Nguồn: Kenh14)

TRÁI CÂY NGOẠI ĐỔ BỘ CHỢ TẾT, NHIỀU LOẠI GIÁ TĂNG GẤP ĐÔI

Thời điểm này, một số loại trái cây nhập khẩu đổ bộ chợ Tết bán với giá rẻ, song cũng rất nhiều loại giá tăng dựng đứng, gấp đôi so với ngày thường.

Ghi nhận trên thị trường, các loại trái cây nhập khẩu như nho, táo, cam, quýt, cherry, lê, na,... nhập khẩu được bày bán la liệt trong các siêu thị, đổ bộ chợ với số lượng lớn. Nhiều thời điểm, trái cây nhập khẩu có giá rẻ hơn cả trái cây nội địa.

Đáng chú ý, ngoài trái cây Trung Quốc, một số loại trái cây nhập khẩu từ các nước khác cũng về ồ ạt nên giá giảm mạnh. Đơn cử, trên “chợ mạng” các loại cherry Mỹ, New Zealand, Chile rao bán tràn ngập. Song, thay vì có mức giá lên tới 600.000-800.000 đồng/kg như trước, nay loại trái cây sang chảnh này giá giảm chỉ còn 300.000-550.000 đồng/kg tuỳ loại.

Hay như quýt Úc ngày thường có giá dao động trong khoảng 110.000-150.000 đồng/kg, nhưng ở chợ Tết Quý Mão một số cửa hàng trái cây nhập khẩu rao bán với giá 60.000-70.000 đồng/kg. Mức giá này còn rẻ hơn cả cam đường canh, quýt sim của Việt Nam.

Tương tự, cam Úc cũng được bày bán trong nhiều hệ thống siêu thị lớn giá 40.000-75.000 đồng/kg; hồng giòn Hàn Quốc giá 79.000 đồng/kg; nho sữa Hàn 400.000-60.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, bên cạnh những loại trái cây có giá rẻ, trên thị trường Tết Quý Mão có rất nhiều loại trái cây nhập khẩu tăng giá mạnh, thậm chí có loại giá được điều chỉnh tăng gấp đôi.

Cụ thể, các dòng táo nhập khẩu ngày thường có giá dao động từ 55.000-100.000 đồng/kg thì nay loại rẻ nhất có giá 75.000 đồng/kg, còn lại dao động từ 90.000-350.000 đồng/kg; các loại táo nhập khẩu từ Nhật Bản giữ giá ở mức 1-1,3 triệu đồng/kg tuỳ loại.

Đáng chú ý, táo fuji Nam Phi tăng giá gấp đôi, lên mức 235.000 đồng/túi 3kg; táo envy có thời điểm chỉ 80.000-120.000 đồng/kg nay tăng lên 250.000-350.000 đồng/kg; lê nâu Hàn Quốc cũng tăng mạnh, hiện có giá 150.000 đồng/kg...

Các loại nho xanh, nho đen nhập khẩu dịp này giá cũng lên mức 220.000-320.000 đồng/kg tuỳ loại, tăng thêm từ 70.000-100.000 đồng/kg; dâu Hàn Quốc giá dao động từ 600.000-900.000 đồng/kg...

Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Đặc Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội trái cây Việt Nam, cho biết, khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại, thuế nhập khẩu nhiều loại trái cây về mức rất thấp, thậm chí 0% nên hàng về ồ ạt. Cùng với đó là chất lượng tốt, chủng loại đa dạng, lạ mắt,... nên được người tiêu dùng ưa chuộng.

“Ở các thành phố lớn, trái cây ngoại chiếm thị phần áp đảo, bày bán ngày càng nhiều ở siêu thị và chợ”, ông cho hay.

Anh Lương Thế Đoàn - quản lý chuỗi cửa hàng trái cây nhập khẩu lớn tại Hà Nội - nhận xét, giá bán trái cây ngoại phụ thuộc theo mùa. Khi trái cây vào chính vụ, giá nhập về và bán tại thị trường Việt Nam rất rẻ. Ví như, thời điểm giữa năm kiwi New Zealand vào chính vụ thu hoạch, hàng nhập về giá chỉ trên dưới 100.000 đồng/kg, rẻ bằng nửa hiện nay. Các loại quả khác cũng tương tự.

“Dịp này trái cây nhập khẩu vào cao điểm tiêu thụ Tết. Hiện mỗi ngày chuỗi cửa hàng làm vài trăm giỏ trái cây để trả đơn hàng khách đặt”, anh Đoàn nói và cho biết thêm, trái cây được nhiều người chọn làm quà biếu tặng Tết vì giá không quá đắt đỏ lại sang trọng.

Đây là một trong những lý do nhiều loại trái cây nhập khẩu không phải chính vụ giá tăng mạnh, thậm chí tăng gấp đôi, anh chia sẻ.

Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong năm 2022, Việt Nam chi ra gần 2,08 tỷ USD để nhập khẩu các loại rau quả. Đây là năm có giá trị kim ngạch nhập khẩu rau quả cao nhất từ trước đến nay, gấp 3,3 lần so với năm 2015, gấp hơn 2 lần so với năm 2016, còn so với năm 2021 thì tăng 40,3%.

Trong năm 2022, Trung Quốc là thị trường cung cấp rau quả nhiều nhất cho Việt Nam với giá trị lên tới hơn 858 triệu USD, tăng 85,8% so với năm 2021. Thứ hai là thị trường Mỹ có giá trị nhập khẩu 356,3 triệu USD. Nhập khẩu từ các thị trường Úc, New Zealand, Myanmar giá trị lần lượt là 158,2 triệu USD, 124,5 triệu USD và 109,4 triệu USD.

Theo Báo cáo xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản của Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông thôn, tính đến tháng 10/2022, táo, nho là hai loại trái cây đứng đầu trong danh sách, chiếm 23% giá trị nhập khẩu rau quả về Việt Nam.

(Nguồn: Vietnamnet)

DIỄN BIẾN TRÁI CHIỀU THỊ TRƯỜNG CĂN HỘ 3 MIỀN BẮC, TRUNG, NAM

(Ảnh minh hoạ).

Ở cả hai thị trường căn hộ Hà Nội và Tp.HCM nhìn chung mức độ quan tâm không mấy tích cực trong quý 4/2022 vì người mua vẫn kỳ vọng mức giá tốt hơn.

Tại báo cáo thị trường quý cuối năm 2022, Colliers Việt Nam đã chỉ ra diễn biến của thị trường căn hộ Hà Nội, Tp.HCM và Đà Nẵng.

Theo đơn vị này, “vẫy vùng” giữa những thách thức chồng chất, thị trường căn hộ chung cư ghi nhận giá bán giảm, thanh khoản kém và nguồn cung mới hạn chế. Thị trường sơ cấp và thứ cấp chứng kiến hai diễn biến giá khác nhau trong quý 4/2022, phản ánh tâm lý thị trường từ phía người bán và người mua.

Cụ thể, tại Tp.HCM, giá bán sơ cấp căn hộ hạng sang tiếp tục neo ở mức cao và giảm dần ở các phân khúc thấp hơn. Giá bán căn hộ thứ cấp sụt giảm, cho thấy nhiều nhà đầu tư tìm cách “thoát hàng” khi lãi vay tăng cao.

Nhìn chung, thị trường căn hộ ở Tp.HCM cuối năm khá trầm lắng, mức tiêu thụ được cho là thấp nhất trong ba năm và thanh khoản thị trường kém do tác động từ việc siết tín dụng, lãi suất tăng. Dù vậy, giá sơ cấp phân khúc căn hộ hạng sang vẫn ổn định, trong quý này, những dự án căn hộ hạng sang mở bán tại khu vực Thủ Thiêm có mức giá bán khá cao từ 7.000 - 18.000 USD/m2. Tuy nhiên, ở những phân khúc thấp hơn, giá bán sơ cấp bình quân giảm nhẹ do một số các dự án áp dụng chính sách chiết khấu. Giá bán thứ cấp có phần giảm mạnh do nhiều nhà đầu tư thứ cấp gặp khó khăn về tài chính như khoản vay đến hạn bị nâng lãi suất và lo lắng về những biến động khó lường của thị trường trong năm tới, dẫn đến bán tháo sản phẩm để cắt lỗ.

Trong quý 4/2022, có những dự án được mở bán đáng chú ý như Thủ Thiêm Zeit Xi River, The Opusk – Metropole giai đoạn 4, Salto Residence, và dự án De La Sol đã được mở bán lại sau nhiều năm đình trệ. Ngoài ra, nguồn cung mới chủ yếu vẫn đến từ các giai đoạn mở bán tiếp theo hoặc giỏ hàng cũ của các dự án như Horizon Phú Mỹ Hưng, MT East Mark, Flora Panorama, West Gate Park... Một thương vụ M&A nổi bật là việc dự án Hausnima Tp.Thủ Đức của EZ Land đã chuyển sang cho Gamuda Land với tên mới là Elysian, dự kiến được mở bán vào quý 2/2023. Nhu cầu sở hữu căn hộ đang sụt giảm do rào cản tín dụng, và nhiều khách hàng hoãn kế hoạch mua nhà với kỳ vọng mức giá tốt hơn trong thời gian tới.

Tại Hà Nội ghi nhận giá bán giảm ở cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Một số dự án dự kiến mở bán trong quý 4/2022 đã bị hoãn lại, cho thấy tâm lý chờ đợi của chủ đầu tư.

Mức giá bán căn hộ sơ cấp và thứ cấp ở Hà Nội có phần hạ nhiệt tuy nhiên mặt bằng giá bán vẫn ở mức cao đối với khách hàng có thu nhập trung bình. Các dự án mới được mở bán trong quý 4 có mức giá từ 2.300 – 4.200 USD/m2, ngoài ra, có một số dự án dự kiến được ra mắt trong thời gian này đã được các chủ đầu tư hoãn lại do ảnh hưởng từ những tác động không thuận lợi của thị trường, các chủ dự án đang chờ đợi thời điểm thích hợp hơn để tung sản phẩm ra thị trường.

Đáng chú ý là việc Hà Nội đang đầu tư mạnh về cơ sở hạ tầng đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận đến quận trung tâm từ các huyện của Thủ Đô, đây được xem là đòn bẩy cho sự tăng trưởng bất động sản căn hộ ở khu vực này.

Trong khi Đà Nẵng, trong quý 4/2022 nguồn cung đón nhận bốn dự án mới được mở bán là dự án căn hộ hàng hiệu Shizen Nami, dự án căn hộ cao cấp ven sông Hàn The Filmore, dự án The Sang Residence giai đoạn 2, và dự án nhà ở xã hội The Ori Garden – Sea View Tower. Dự kiến sẽ có 6 dự án mới được mở bán trong năm 2023 sẽ cung cấp thêm cho thị trường khoảng gần 4.000 căn hộ cao cấp đến từ các chủ đầu tư như Sun Frontier, Sun Group, Alphanam... Đa số khách mua căn hộ ở Đà Nẵng chủ yếu để đầu tư và đến từ địa phương khác.

Theo Colliers Việt Nam, trong quý 4/2022, mức độ quan tâm và lượng giao dịch bất động sản có xu hướng giảm rõ rệt. Hầu hết các dự án mở bán đều công bố những ưu đãi và phương án thanh toán với nhiều hỗ trợ nhằm thu hút được người mua trong giai đoạn khó khăn hiện tại.

Ông Tín Nguyễn, Trưởng phòng Nghiên cứu Thị trường Colliers cho biết, phân khúc BĐS nhà ở tiếp tục đối diện với khó khăn về pháp lý, thanh khoản, nguồn vốn và dự kiến sẽ kéo dài đến ít nhất quý 3 năm 2023. Các động thái mới nhất của Chính phủ, từ Ngân hàng Nhà nước đến tổ công tác các Bộ ngành, cho thấy quyết tâm phục hồi thị trường theo hướng bền vững. Việc hoãn triển khai các đợt mở bán mới làm thu hẹp nguồn cung, góp phần thúc đẩy giao dịch.

Sang năm 2023, thị trường căn hộ tiếp tục đối diện với một số khó khăn đến từ sự suy giảm niềm tin với các chủ đầu tư có hoạt động kinh doanh chưa minh bạch, pháp lý dự án chưa rõ ràng đang bị xử lý trong thời gian qua. Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư cũng đang trì hoãn việc chào bán sáng phẩm, nên nguồn cung mới căn hộ năm 2023 dự đoán sẽ giảm, riêng tại Tp.HCM chỉ khoảng dưới 20.000 căn được mở bán mới, và lượng tiêu thụ ước tính chỉ rơi vào khoảng trên dưới 20%.

Tương tự các phân khúc khác, sự khôi phục của thị trường căn hộ đang cần những điều chỉnh vĩ mô từ chính phủ. Theo chuyên gia Colliers, một trong những thông tin lạc quan cho thị trường căn hộ nói riêng, thị trường bất động sản nói chung là trong giữa tháng 12, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành và địa phương phải phối hợp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Kết hợp với những biện pháp điều chỉnh của Chính phủ, các doanh nghiệp bất động sản cũng cơ cấu lại doanh nghiệp, điều chỉnh cơ cấu sản phẩm và dòng tiền để phục hồi và phát triển lành mạnh, minh bạch hơn.

Với sự hỗ trợ từ Chính phủ và nỗ lực từ doanh nghiệp, thị trường hy vọng sẽ có những khởi sắc vào hồi phục từ giữa năm 2023 khi mà các biện pháp đã được thực hiện và niềm tin của người mua và các nhà đầu tư được củng cố.

(Nguồn: CafeF)

LAN RỘNG LÀN SÓNG BÁN CẮT LỖ NHÀ ĐẤT

Những ngày sát Tết Nguyên đán, từ Bắc tới Nam tràn ngập các thông tin rao bán cắt lỗ các phân khúc bất động sản từ đất nền đến liền kề, biệt thự. Lãi suất cho vay tăng cao, nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính nhiều cũng như khó khăn trong kinh doanh cuối năm khiến họ ồ ạt rao bán tài sản, nhả đất. Trong số đất nền liền kề được rao bán, rất nhiều nhà đang trong diện cầm cố sắp đến thời điểm ngân hàng “siết nợ”.

“Hết chịu nổi” khó khăn

Bước sang năm 2023, nhiều nhóm nhà đầu tư cá nhân đang phải đối mặt với khó khăn như: lãi suất tăng cao, dòng tiền đầu tư sụt giảm... Khi không thể gồng gánh nợ gốc và lãi, rất nhiều trong số họ buộc phải rao bán tài sản hoặc bán cắt lỗ tài sản lấy tiền để bù đắp cho chỗ khác.

Trên nhiều trang rao bán nhà đất, mạng xã hội hay những group môi giới địa ốc, hai tuần nay liên tục xuất hiện các thông tin rao bán gấp bất động sản với giá thấp. Các cụm từ “kẹt tiền bán lỗ”, “bán cắt lỗ nhà đất”, “cắt lỗ cần bán gấp”, “nợ ngân hàng cần bán gấp”… Làn sóng này lan rộng ra các loại hình bất động sản như: đất nền, liền kề, biệt thự…

Mới đây, một dự án xây nhà rộng gần 100 m2, cao 4 tầng 1 tum thuộc dòng cao cấp ở vùng ven Hà Nội vừa rao bán với mức cắt lỗ 2 tỷ đồng. Được biết, giá gốc của các căn biệt thự trước đó là gần 14,5 tỷ đồng. Nếu thanh toán trước 30% thì ngân hàng hỗ trợ vay 70% không lãi suất đến tháng 6/2023.

Cũng tại dự án này, căn liền kề hơn 50m2 chuẩn bị bàn giao, nhà đầu tư rao bán cắt lỗ hơn 1 tỷ đồng. Giá gốc căn liền kề hơn 6 tỷ đồng. Chị Minh Ngọc, một nhà đầu tư liền kề tại vùng ven Hà Nội chia sẻ, căn liền kề của chị được vay ưu đãi từ mức 10,5%/năm trong năm 2022. Vừa bước sang những ngày đầu năm 2023, nhân viên ngân hàng đã thông báo lãi suất hơn 14%/năm.

Theo tính toán của chị Ngọc, với 2 tỷ đồng vay ngân hàng, lãi suất cho năm 2023 sẽ ở mức trên 300 triệu đồng hoặc có thể cao hơn nữa. Trong tình hình khách mua nhà ngày càng ít, tồn kho sẽ tăng lên trong năm 2023 nên càng giữ lâu, chi phí càng nhiều. Do vậy, chị quyết định bán căn liền kề bằng đúng giá vốn mua của chủ đầu tư, giảm thêm cho khách mua các khoản thuế, phí…

Tính trên tổng số tiền đầu tư, chị Ngọc đang chịu lỗ gần 13% còn nếu tính cả lãi suất ngân hàng cho khoản tiền đã bỏ vào căn hộ, chị lỗ khoảng 25%. Chị Ngọc than thở: “Chưa bao giờ đầu tư liền kề mà lỗ như thế, nhưng thời điểm này, cắt được lỗ xem như là may mắn”.

Phân khúc đất nền từ Bắc tới Nam bị rao bán cắt lỗ nhiều nhất. Anh Nguyễn Minh (nhà đầu tư cá nhân ở Hà Nội) tâm sự: “Đầu năm 2022, tôi đầu tư lướt sóng quanh khu Hòa Lạc (Hoài Đức). Hầu như miếng nào cũng mua đi bán lại trong vòng 2-3 tháng là đã có lời. Đến tháng 5 thấy thị trường có những thông tin bất lợi nhưng tôi cũng không dừng đầu tư vì cho rằng đất ở Hoài Đức vẫn có nhiều tiềm năng. Thế nhưng, khi những tin xấu liên tục xuất hiện đã khiến thị trường rơi vào trạng thái trầm lắng”.

Anh Minh kể, để có tiền đầu tư, anh đã sử dụng đòn bẩy tài chính, vay thêm ngân hàng 1 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi trong nửa năm. Hiện nay, mức lãi suất của anh đã nâng lên 14%. Hằng tháng, anh phải dùng phần lớn thu nhập của mình để trả lãi. “Hạ giá kỳ vọng, rao bán ở mức giá gốc đầu tư vào và ký gửi nhiều môi giới với mong muốn sớm đẩy được hàng của mình đi. Giờ tôi chỉ mong muốn có thể thu tiền về để trả khoản vay của ngân hàng, phần còn lại gửi tiết kiệm”, anh Minh chia sẻ.

Theo ghi nhận thực tế thị trường hiện nay, tình trạng người ôm đất nền giảm giá để có thể đẩy hàng đi ngày càng phổ biến. Tại những điểm diễn ra sốt đất hồi cuối năm 2021-2022 ở Bắc Ninh, Bắc Giang, khu vực ven Hà Nội (Hoài Đức, Đông Anh,...), có nhà đầu tư chào bán giảm giá từ 300-500 triệu đồng/lô đất do cần xử lý vấn đề về tài chính.

Bên cạnh đó, do làm ăn thua lỗ, tài chính không đảm bảo, cũng xuất hiện la liệt thông tin rao bán nhà mặt phố, ngõ ô tô có thể vào. Đa số người rao bán đều mong muốn giao dịch trước Tết và không giấu giếm, sổ đỏ đã “cắm” ngân hàng.

Chủ đầu tư: giảm giá 45 - 50% để tự cứu mình

Theo quan sát của chúng tôi, cho đến thời điểm hiện tại, với áp lực từ trái phiếu đến kỳ đáo hạn, rồi áp lực trả lãi ngân hàng, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã chọn cách “tự cứu mình” bằng việc giảm “hết nấc” có thể sản phẩm nhà của mình.

Cách xử lý tối ưu nhất mà các doanh nghiệp đã thực hiện thời gian qua, đó là: giảm giá bán từ 45% tới 50%, chiết khấu sâu tới 1-12% cho người mua có tiền thanh toán ngay hay thực hiện chuyển đổi trái phiếu trên chiết khấu. Thậm chí, rất nhiều doanh nghiệp đã “âm thầm” chuyển nhượng những dự án ngàn tỷ khi tự lượng thấy không đủ sức đầu tư tiếp để có thể tái cấu trúc, tái cơ cấu đầu tư.

Tại họp báo thường kỳ do Bộ Xây dựng tổ chức cuối tháng 12, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cũng cho rằng, doanh nghiệp bất động sản nên bán bớt các dự án chưa triển khai, tập trung hoàn thành sớm những dự án đang làm. Thông qua đó tạo ra dòng tiền thực hiện những dự án tiếp theo.

Theo ông Sinh, về lâu dài, khi triển khai thực hiện dự án, các doanh nghiệp phải dùng vốn vay cho dự án nào thì thực hiện dự án đó, tránh mất cân bằng tài chính.

Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc bộ phận nghiên cứu và tư vấn Savills cũng nhận định: tính thanh khoản của thị trường hiện là bài toán vô cùng quan trọng cần "giải vây" gấp. “Giá phân khúc nhà liền kề, biệt thự đã có xu hướng giảm nhẹ trong quý cuối của năm 2022 nhưng việc điều chỉnh giá vẫn là bài toán thách thức với chủ đầu tư và nhà đầu tư.

Với chủ đầu tư, chi phí đầu vào tăng cao ảnh hưởng đến giá thành đầu ra. Còn với nhà đầu tư, họ đã phải trải qua nhiều lần mua qua, mua lại nên không dễ để đưa ra quyết định điều chỉnh giá”, bà Hằng nói.

Ông Trần Minh Hoàng, Phó Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) nhận định, năm 2023 sẽ tiếp tục khó khăn, do lãi suất chưa giảm. Tuy nhiên, bất động sản có giá trị ở thực và cho thuê, đặc biệt là những sản phẩm đã hình thành, sẽ không giảm giá. Bởi lẽ, nguồn cung đang rất khan hiếm trong khi nhu cầu vẫn ở mức cao.

“Thống kê không chỉ của VARS mà của nhiều đơn vị khác cũng đang chỉ ra rằng, dù thanh khoản thấp nhưng giá chỉ chững lại hoặc tăng chút ít chứ không giảm. Do đó, nhà đầu tư có nên chờ bắt đáy hay không phụ thuộc vào tình hình tài chính của mình. Nếu đang có lượng tiền mặt tốt, không phải vay mượn hoặc vay không nhiều, thì đây là cơ hội để so sánh và chọn lựa sản phẩm tốt”, ông Hoàng nói.

Báo cáo tổng quan thị trường bất động sản Hà Nội do Savills vừa công bố, cho thấy lượng giao dịch những tháng này thấp nhất trong các năm. Tính riêng quý 4/2022, chỉ có 196 giao dịch được thực hiện, giảm 34% theo quý và 52% theo năm.

Trong năm 2022, có 1.458 giao dịch được thực hiện, mức thấp nhất tính từ năm 2015, giảm 44% theo năm. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, hiện một số chủ đầu tư đã có sự điều chỉnh trong giá bán, giá sơ cấp đối với sản phẩm biệt thự trong quý 4 đã giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 130 triệu đồng/m2. Giá liền kề giảm nhẹ 1% xuống còn 172 triệu đồng/m2, shophouse giảm 10% còn 189 triệu đồng/m2.

(Nguồn: Soha)

(Xem thêm:

=> Pháo hoa Z121 loạn giá; 'Miếng bánh' thị trường may mặc; Ngân hàng lãi đậm mừng hay lo; Đua sthanh lý căn hộ cận Tết ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang