Hàng TQ dồn dập biên giới VN; Dở khóc dở cười mua chung đất; Môi giới BĐS phía Nam tăng tốc 'ca đêm'; Đất 'cõi âm' tăng chóng mặt

HÀNG HÓA TRUNG QUỐC 'DỒN DẬP' BIÊN GIỚI VIỆT NAM

Những biến động lớn dồn dập về địa chính trị lẫn kinh tế toàn cầu đã khiến Trung Quốc định vị lại “sân chơi” thương mại của mình.

Giờ đây, cách tiếp cận thị trường thế giới của Trung Quốc cũng đang dần thay đổi, nhằm phù hợp với tình hình mới khi thu mình “trở về” thị trường châu Á. Các nước láng giềng vừa là thị trường, vừa là các điểm trung chuyển của hàng hóa Trung Quốc, trong đó có Việt Nam.

Tổng kho GIGA được kích hoạt: giá rẻ, giao hàng nhanh

Hàng hóa Trung Quốc được rao bán trên các sàn thương mại điện tử như Taobao, Shopee, Lazada đã không còn quá xa lạ với người tiêu dùng Việt Nam. Nhiều công ty chuyên nhận đặt hàng và chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam thừa nhận, ngoài việc giá rẻ hơn so với hàng hóa trong nước hoặc những nơi khác, một ưu điểm nổi trội của việc mua hàng Trung Quốc qua sàn thương mại điện tử là thời gian từ đặt đến giao nhận hàng rất nhanh.

Chủ một shop chuyên bán đồ Trung Quốc ở Hà Nội cho biết, khi đặt đơn hàng trên sàn thương mại điện tử, chủ hàng sẽ gửi đơn hàng về kho tập kết, phân loại tại Trung Quốc với thời gian rất nhanh, chỉ trong 24 giờ. Từ kho, hàng lên xe di chuyển về Quảng Ninh rồi Hà Nội và các tỉnh thành trong cả nước. Từ khi khách đặt đơn đến nhận hàng từ Trung Quốc - Hà Nội mất khoảng 3 ngày. Trong khi đó, chuyển hàng từ TPHCM - Hà Nội, dùng dịch vụ thông thường phải mất khoảng 4-7 ngày.

Sở dĩ hàng hóa Trung Quốc chiếm ưu thế giá rẻ, thời gian quá trình giao nhận được rút ngắn như trên, nhờ chính sách hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc trong việc thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới của các doanh nghiệp nước này.

Chỉ một thời gian ngắn sau khi thương chiến Mỹ - Trung diễn ra (2018), đặc biệt là kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Trung Quốc đã có sự thay đổi về chính sách đối với cách tiếp cận thị trường, cũng như đẩy mạnh hình thức thương mại điện tử.

Theo đó, kể từ khi việc xuất khẩu hàng hóa Trung Quốc sang nhiều khu vực khác trên thế giới như Âu, Mỹ gặp khó khăn do căng thẳng Mỹ - Trung, Chính phủ Trung Quốc đã triển khai chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu sang khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Mỗi vận đơn của các doanh nghiệp Trung Quốc xuất đi đều được chính phủ hỗ trợ chi phí. Chi phí này thậm chí còn đủ bù đắp để doanh nghiệp Trung Quốc miễn phí vận chuyển hàng về Việt Nam. Bên cạnh đó, từ lâu các doanh nghiệp Trung Quốc đã triển khai xây dựng các tổng kho gần biên giới với Việt Nam. Do đó khi có đơn hàng từ Việt Nam, họ có thể xuất kho đưa hàng về Việt Nam chỉ trong vòng 8 giờ.

Theo tìm hiểu của ĐTTC, hiện tại, ở 3 thành phố biên giới của Trung Quốc là Hà Khẩu (giáp Lào Cai), Bằng Tường (giáp Lạng Sơn), Đông Hưng (giáp Quảng Ninh), hàng loạt các kho hàng khổng lồ - chủ yếu là đồ tiêu dùng (còn gọi là kho GIGA), đã và đang được xây dựng. Các nhà máy sản xuất của Trung Quốc sẽ đến đây thuê kho hàng, thuê nhân viên người Việt hàng ngày livestreams và sẽ giao hàng về Việt Nam ngay lập tức khi có đơn hàng.

Không chỉ xây dựng các kho hàng kiểu này sát biên giới Việt Nam, mà Nội Mông, Tân Cương, Tây Tạng hay các khu vực biên giới khác họ cũng đã xây các hệ thống kho hàng tương tự. Tất cả đều nằm trong chiến lược dài hơi của Chính phủ nước này nhằm “bao phủ” và “lấp đầy” thị trường cận biên nói riêng và thị trường châu Á nói chung.

Tập trung vào chất lượng và AI

Theo đánh giá của một chủ shop ở Đống Đa (Hà Nội) chuyên nhập hàng Trung Quốc về bán ở trong nước, so với hàng hóa trong nước, chất lượng hàng Trung Quốc không thua kém gì, thậm chí còn rẻ hơn nhờ tiết giảm chi phí vận chuyển.

Trên thực tế, trong những năm gần đây Trung Quốc đã có sự chuyển đổi mạnh mẽ về quan điểm sản xuất hàng hóa. “Công xưởng” lớn nhất thế giới giờ đây không còn là chuyện “bắt chước, gia công” mà chuyển đổi dần sang “chất lượng”. Điều này cũng nằm trong mục tiêu xuyên suốt của Chính phủ Trung Quốc. Đơn cử, tại cuộc trả lời báo chí bên lề kỳ họp thứ nhất Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc khóa 14 hồi năm ngoái, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã khẳng định: mục tiêu và trọng tâm công tác của chính phủ mới là tập trung thúc đẩy phát triển chất lượng cao.

Theo người đứng đầu Chính phủ Trung Quốc, hiện nay sự phát triển của Trung Quốc không còn là giải quyết vấn đề “có hay không”, mà là giải quyết vấn đề “tốt hay không”, đặc biệt là năng lực sáng tạo công nghệ cao, xây dựng hệ thống sản xuất hiện đại, thúc đẩy chuyển đổi phát triển xanh, tập trung thúc đẩy phát triển chất lượng cao. Hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc cũng không ngoại lệ, không còn là “nhiều, nhanh, rẻ” mà là “nhiều, nhanh, tốt, rẻ”.

Nếu như cách đây chỉ khoảng 3 năm, việc mua bán hàng nội địa Trung vẫn còn khó khăn với người tiêu dùng Việt Nam do hàng hóa khó thông quan, thời gian chờ lâu. Do đó, doanh nghiệp Trung Quốc cần đến những nhà bán hàng trung gian (đến từ Việt Nam) gom đơn, tiến hành mua hàng nội địa Trung rồi vận chuyển về Việt Nam và giao đến tay người mua.

Mặc dù mẫu mã đa dạng, giá cả phải chăng, nhưng do thời gian chờ lâu nên người tiêu dùng Việt vẫn ưu tiên chọn mua thương hiệu trong nước để nhận được hàng nhanh chóng. Nhưng giờ đây mọi chuyện đã thay đổi. Không chỉ chú trọng vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm, các doanh nghiệp Trung Quốc còn sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào trong khâu bán hàng.

Theo CNBC, sử dụng công nghệ AI để livestream (dùng người ảo để quảng cáo bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội), đang bùng nổ mạnh mẽ tại Trung Quốc trong thời gian qua. Việc ứng dụng AI để livestream bán hàng, cũng cho phép các doanh nghiệp dùng công cụ ảo với nhiều thứ ngôn ngữ khác nhau để tiếp cận khách hàng ở nhiều thị trường khác nhau.

Tencent, công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc, mới đây đã ra mắt dịch vụ AI livestream với video dài 3 phút cùng 100 câu thoại để hỗ trợ bán hàng trực tuyến. Công ty còn ra mắt nền tảng Zen Video, cho phép nhà bán hàng xây dựng video quảng cáo đơn giản với streamer ảo. Thậm chí, để gia tăng tương tác, nhiều hãng công nghệ còn kết hợp AI livestream với các ứng dụng có khả năng tương tự chatbot GPT của OpenAI, nhằm tự động trả lời khách hàng trong các buổi livestream.

Theo một chuyên gia về thương mại điện tử của Việt Nam, việc các doanh nghiệp Trung Quốc đưa AI vào bán hàng cũng đồng nghĩa có thể khiến các nhà bán hàng trung gian người Việt đứng trước nguy cơ mất việc, còn doanh nghiệp Trung Quốc tiết kiệm được thời gian, công sức, chi phí và tăng lợi nhuận.

“Rất có thể trong thời gian tới, hàng hóa Trung Quốc sẽ đến tay người tiêu dùng Việt Nam qua các kênh AI livestream bán hàng, ở đó, “người ảo” sẽ tiếp thị, quảng bá hàng hóa bằng tiếng Việt mà không cần người Việt. Điều này cũng có nghĩa hàng ngàn lao động tự do ở Việt Nam đang livestream bán hàng Trung Quốc hiện nay có nguy cơ sẽ thất nghiệp”- vị chuyên gia này cảnh báo.

Doanh nghiệp Việt phải tự nâng cấp

Việc xây dựng các kho hàng này gây bất lợi cho hàng hóa Việt trong việc cạnh tranh với hàng hóa Trung Quốc tại thị trường Việt Nam là điều không phải bàn cãi. Xét trên nhiều bình diện, hàng hóa Trung Quốc chiếm thế “thượng phong” so với hàng hóa do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất trong nước, khi hội tụ đủ các yếu tố: đa dạng mẫu mã, loại hình, giá cả rẻ hơn, quá trình bán hàng nhanh hơn và chất lượng cũng không hề thua kém, thậm chí nhỉnh hơn.

Điều này cũng đặt ra những thách thức lớn cho các nhà sản xuất và nhà bán lẻ Việt Nam trong thời gian tới khi buộc phải cạnh tranh khốc liệt ngay trên chính “sân nhà”, nhất là khi tiềm lực của doanh nghiệp trong nước khó có thể bằng các doanh nghiệp Trung Quốc.

Tuy nhiên, ở góc nhìn tích cực, nếu doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng hệ thống kho hàng này để đưa hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc cũng là lợi thế lớn, giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường tỷ dân. Không những vậy, việc các kho hàng đó dù muốn dù không cũng giúp ích khá nhiều cho người tiêu dùng Việt Nam. Bởi lâu nay thị trường Việt Nam luôn sử dụng hàng hóa Trung Quốc, có những kho hàng này sẽ giúp cho người Việt Nam mua được hàng hóa Trung Quốc với chất lượng tốt hơn và với giá thành rẻ hơn.

Bên cạnh đó, cuộc “tấn công” của hàng hóa Trung Quốc vào chính “sân chơi nội địa Việt”, buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi và hoàn thiện mình để có thể đương đầu với “cuộc chơi” mới như cắt giảm chi phí, nâng cao chất lượng, tập trung đổi mới sáng tạo, lựa chọn phân khúc riêng…

Cuộc chơi mới của những doanh nghiệp Trung Quốc cũng mang hàm ý kích thích hệ thống logistics trong nội địa Việt Nam phải có sự thay đổi. Phải nhìn nhận thực tế rằng, hệ thống logistics Việt Nam hãy còn khá nhiều bất cập. Đó là sự phiền hà trong các khâu hải quan cửa khẩu cũng như trên lưu thông của lực lượng bảo đảm an toàn giao thông.

Cùng với đó, có quá nhiều trạm thu phí, phát sinh quá nhiều chi phí không tên, không chính thức… Tất cả điều đó chính là một lực cản cực kỳ lớn, làm tăng cao giá thành sản phẩm, khiến các sản phẩm Việt Nam sản xuất khó cạnh tranh trên trường quốc tế, thậm chí chính ở thị trường trong nước. Bởi vậy, chỉ khi các vấn đề này được giải quyết sớm mới mong hàng Việt đứng vẫn trên “sân Việt” và phát triển kinh tế bền vững.

DỞ KHÓC DỞ CƯỜI MUA CHUNG ĐẤT, BẠN ‘ĐI ĐÊM’ ĂN CHÊNH NỬA TỶ ĐỒNG

Mảnh đất bán giá 1 tỷ đồng cho hai người bạn thân góp vốn mua chung, nhưng tài khoản của môi giới lại nhận được 1,5 tỷ. Môi giới báo khách chuyển dư 500 triệu thì khách nói nhỏ: “Thu giúp tôi, chút gửi lại tôi 500 triệu”.

Không đủ tài chính để sở hữu riêng bất động sản hoặc muốn chia vốn đầu tư nhiều nơi, không ít người chọn phương án rủ bạn bè, người quen hùn vốn mua chung nhà, đất. Việc góp vốn đầu tư là hoàn toàn bình thường và được pháp luật cho phép.

Thế nhưng, thực tế có không ít vụ việc mất tiền, sứt mẻ tình cảm sau khi đầu tư chung. Thậm chí, có vụ góp vốn chứa đựng những góc khuất mà ngay cả người trong cuộc cũng không hề hay biết.

Là một môi giới nhà đất nhiều năm, chị Lan Hương (Hà Nội) từng môi giới cho nhiều vụ chung vốn đầu tư. Trong đó, có một sự việc đáng nhớ.

Chị Hương kể, chị môi giới cho khách mảnh đất gần 10.000m2 ở Gia Lai, giá bán 1 tỷ. Khách nói rằng mua chung mảnh đất này với một người bạn rất thân, như anh em ruột thịt, chơi với nhau hàng chục năm. Đến ngày công chứng sang tên, tài khoản chị hiện lên con số 1,5 tỷ.

“Tôi báo khách chuyển dư 500 triệu thì khách nháy mắt kéo tôi ra và nhờ: “Thu giúp tôi phần đó, tôi báo bạn tôi mảnh này 1,5 tỷ. Chút gửi lại tôi 500 triệu” - chị Hương chia sẻ.

Dù đã lâu năm trong nghề, nhưng lần đầu tiên chứng kiến trường hợp éo le này, chị Hương vội kéo người em phụ trách pháp lý khu đó ra một góc nói chuyện, không biết nên xử lý ra sao. Người em nghe xong cũng kinh ngạc bảo rằng bạn thân mà sao họ lại lừa nhau số tiền lớn vậy?

Hai chị em đứng suy nghĩ hồi lâu, không biết có nên nói cho người bạn kia biết hay là mặc kệ, vì trong công việc này đôi khi việc thu hộ chủ, hộ khách cũng là luật bất thành văn rất khó nói đúng sai.

Cuối cùng, người em phụ trách pháp lý bảo: “Thôi mình thu giúp họ, vì họ có sự đồng thuận giá 1,5 tỷ này với nhau rồi chứ chị em mình không lừa ai. Giờ mà nói với người kia giá lô đất này có 1 tỷ thôi cũng rất dở”. Chị Hương chốt giá nhưng bày tỏ "trong lòng vẫn rất lấn cấn chuyện bạn thân ăn chênh 500 triệu của nhau".

Chị Thanh Hằng (Hà Nội) cũng có trải nghiệm không vui khi góp vốn mua chung đất với bạn.

Mấy năm trước, vợ chồng chị có 600 triệu đồng tiền nhàn rỗi. Gửi ngân hàng thì lãi suất không cao, chị muốn đầu tư đất nền ở ngoại thành Hà Nội nhưng vốn lại quá ít.

Kể chuyện này với người bạn thân, chị được bạn rủ góp vốn mua chung đất. Bạn nói rằng đất ở Hà Nam quê bạn đang sốt, mua nhanh bán nhanh chỉ trong vài tháng cũng lời cả trăm triệu đồng. Chị gái bạn ở quê vừa mới sang tay một mảnh 800 triệu, trong một tháng lãi hơn 100 triệu đồng.

Sau một hồi trò chuyện, thấy bạn am hiểu về đất quê, lại là chỗ bạn bè thân thiết nên chị đồng ý góp 700 triệu đồng để mua chung với bạn mảnh đất 2 tỷ. Sau 2 tháng, mảnh đất có người trả chênh 300 triệu. Chị Hằng muốn bán nhưng bạn không đồng ý vì nghĩ còn tăng giá nữa.

Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn, giá đất đã rớt, thanh khoản lèo tèo, mảnh đất kia phải bán vội với giá chỉ 1,7 tỷ.

“Bị thua lỗ, tôi cũng tiếc của, có nói vài câu trách bạn. Bạn bảo ai muốn thế, bạn còn tổn thất nhiều hơn. Sau đợt ấy, tình cảm của chúng tôi xa cách, không còn được như xưa”, chị Hằng kể.

Cần lưu ý gì khi mua chung đất?

Góp vốn mua chung đất với bạn bè, người quen có thể giảm bớt gánh nặng tài chính, mang về lợi nhuận cao, song cũng kèm theo những rủi ro có thể dẫn đến mất tiền, mất bạn.

Theo chuyên gia pháp lý, khi góp vốn, nhà đất sẽ thuộc sở hữu chung nên không ai có toàn quyền đưa ra quyết định. Nếu một bên muốn chuyển quyền sử dụng hoặc sử dụng vào các mục đích khác thì phải được sự đồng ý của những người góp vốn còn lại.

Việc phát sinh mâu thuẫn, kiện tụng giữa những người đồng sở hữu mảnh đất rất dễ xảy ra khi các bên không tìm được tiếng nói chung.

Bên cạnh đó, những người góp vốn mua chung đất thường có mối quan hệ quen biết hoặc thân tình. Không hiếm trường hợp không có sự rõ ràng về pháp lý khi đầu tư chung, ví dụ không có giấy tờ chứng minh tỷ lệ góp vốn, chỉ để một người đứng tên sổ đỏ... dẫn đến phát sinh tranh chấp.

Vì vậy, khi đầu tư đất chung, không chỉ cần tin tưởng nhau, các bên cần có sự thỏa thuận rõ ràng thể hiện trên giấy tờ về tỷ lệ góp vốn, đứng tên trên sổ đỏ... Pháp luật không có quy định về việc bắt buộc lập thành văn bản hay công chứng, chứng thực hợp đồng (thỏa thuận) góp tiền mua bất động sản. Tuy nhiên, những người góp vốn vẫn nên làm văn bản thỏa thuận rồi công chứng, chứng thực, tránh giao kèo miệng.

Trường hợp các bên phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp, các giấy tờ liên quan đến giao dịch sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mỗi bên đối với phần vốn đã đóng góp.

MÔI GIỚI NHÀ ĐẤT PHÍA NAM TĂNG TỐC "CA ĐÊM"

Thị trường có tín hiệu, môi giới bất động sản cũng “tranh thủ” ra quân cả ngày lẫn đêm nhằm đón “sóng”. Các giao dịch đất nền, nhà riêng lẻ đang có dấu hiệu tăng nhiệt trở lại khiến tinh thần các môi giới cũng trở nên “phấn chấn”.

3 tuần nay, anh V, môi giới tự do khu Đông Tp.HCM chốt được 2 giao dịch đất nền. So với năm 2023, những giao dịch hiện tại đã khiến tinh thần anh V phấn chấn. Có thời điểm anh đã tính đến việc bỏ nghề môi giới và về quê. Hiện nay, ngoài năng nổ đăng tin rao bán trên các kênh, trang cá nhân để tìm khách, anh V còn cùng nhóm anh em môi giới vay ngân hàng và tham gia đầu tư ở các nền đất giá tốt được bán ra ở thời điểm này.

Theo chia sẻ của anh V, hiện lượng khách quan tâm đến nhà đất đã có dấu hiệu tăng nhưng chưa bùng nổ. Những môi giới lâu năm với nghề đã có giao dịch khả quan trở lại. Tuy nhiên, sức cầu thị trường hiện cũng chỉ mới tập trung ở một vài nơi nhất định chưa lan tỏa hết các khu vực phía Nam.

Ghi nhận tại một số điểm trực của môi giới bất động sản nhận thấy, nhiều nhóm môi giới làm việc từ sáng đến tối muộn. Có hôm hơn 10 giờ đêm một số khu trực vẫn còn môi giới ngồi đón khách. Theo các môi giới, khách vãng lai tuy chưa nhiều nhưng đã ghé lại ngồi nghe môi giới tư vấn. Đây cũng là điểm khác so với thời điểm trước đây.

Tại thị trường đất tỉnh lân cận Tp.HCM hoạt động mua bán nhà đất cũng chỉ diễn ra ở một số khu vực nhất định. Sức cầu so với đầu năm 2023 tăng nhiệt nhưng nhìn chung thị trường vẫn chậm nhịp. Các nền đất sau thời gian cắt lỗ chưa bán được, nhà đầu tư có hiện tượng giữ hàng chờ thị trường phục hồi. Một số khác đã bán lỗ so với giá mua vào từ thời điểm giữa năm 2023.

Theo nhận định của một số chuyên gia, giá đất có thể tiếp tục tăng lên và giao dịch sẽ quay trở lại. Dẫu vậy, phải đến quý 2 và quý 3/2024 thị trường đất nền mới thực sự có chuyển biến rõ nét. Hiện tại vẫn đang là giai đoạn thăm dò và chờ đợi. Với nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính chưa nên tham gia phân khúc đất nền ở thời điểm này. Còn đối với những nhà đầu tư lớn, có dòng tiền khỏe thì thời gian này là lúc thích hợp để tìm kiếm cơ hội.

Ngoài ra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sẽ chặt chẽ hơn sau khi Luật Đất đai (sửa đổi) đi vào hiệu lực từ đầu năm 2025. Do vậy, nhà đầu tư đất nền nên tìm đến những khu vực có quy hoạch 1/500 đã hoàn thiện, có đủ hạ tầng và sổ đỏ, hoặc xây dựng theo mẫu đã được hoàn công.

Khi các Luật sửa đổi cùng được áp dụng từ ngày 1.1.2025, nguồn cung đất nền sẽ ít hơn bởi các chủ đầu tư bị hạn chế phân lô bán nền. Lúc này, giá đất nền có thể sẽ sang một chu kỳ tăng giá mới. Trong các lần điều chỉnh luật trước đây, đất chỉ tăng chứ không giảm. Năm 2024-2025 có thể là cơ hội cho người dùng cuối cùng, đặc biệt là những người có nhu cầu thực nhưng vẫn là giai đoạn khó khăn cho chủ đầu tư.

ĐẤT 'CÕI ÂM' TĂNG CHÓNG MẶT, CHUYÊN GIA CẢNH BÁO VỀ TÍNH PHÁP LÝ

Mặc dù là phân khúc ngách, còn mới và có tỉ suất sinh lời cao nhưng đất nghĩa trang, đất "cõi âm" vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro liên quan đến tính pháp lý.

Giá đất nghĩa trang tăng vù vù

“Công viên…mở bán khuôn viên 15m2”, “Bán đất nghĩa trang…giá ưu đãi từ chủ đầu tư”, “Bán khuôn viên mộ gia tộc giá rẻ”,… là những tiêu đề rao bán đất nghĩa trang hay còn gọi là đất sinh phần, đất an táng, đất tâm linh đang xuất hiện nhiều mạng xã hội và các sàn môi giới bất động sản những ngày gần đây.

Một loạt dự án đang được chào bán trên thị trường như dự án Lạc Hồng Viên (Hòa Bình), Thiên Đức Vĩnh Hằng Viên (Phú Thọ), Nghĩa trang An Lạc Viên (Thái Nguyên); Nghĩa trang An Lạc (Quảng Ninh); Công viên Vĩnh Hằng giai đoạn 2 (Ba Vì, Hà Nội), Khu công viên nghĩa trang sinh thái xã Đông Hưng (Bắc Giang),...

Theo tìm hiểu, các dự án được xây dựng theo mô hình công viên nghĩa trang sinh thái bao gồm hồ nước, hệ thống đèn chiếu sáng, các khu mộ được quy hoạch và thiết kế theo hình thức phân chia gồm: Mộ đơn với diện tích từ mộ ghép 6 ngôi là 17m² (trung bình mỗi ngôi 2,83m²); Mộ đôi có diện tích 10 – 14m²; Mộ gia đình, mộ gia tộc có diện tích từ hàng chục đến hàng nghìn m2,…

Qua khảo sát, kể từ năm 2015 đến nay, đất nghĩa trang có sự tăng giá khá chóng mặt. Điển hình là trên Batdongsan.com.vn, năm 2015 một lô đất mộ rộng 17m2 có giá 12,5 triệu đồng (hơn 735 nghìn đồng/m2) nhưng đến thời điểm hiện tại thì một lô đất mộ rộng 18m2 có giá 468 triệu đồng (26 triệu đồng/m2). Những lô đất mộ có vị trí phong thủy đẹp và view nhìn ra hồ thì giá sẽ cao hơn, rơi vào khoảng 30 – 40 triệu đồng/m2. Như vậy, chỉ trong vòng gần 10 năm mà giá đất mộ đã tăng gấp 50 lần, một tỉ suất sinh lợi lí tưởng với thị trường bất động sản (PV).

Chia sẻ về đất nghĩa trang, nhiều môi giới cho rằng mặc dù đây là phân khúc ngách nhưng tiềm năng sinh lời khá cao, nhất là ở các TP lớn như Hà Nội, TP HCM,…Bởi bên cạnh lượng cầu lớn thì quỹ đất nghĩa trang ở Hà Nội hay TP HCM hầu như đã hết, chỉ còn lại là đất chuyển nhượng,…

“Hiện nay thị trường đất nghĩa trang bao gồm hai nhóm là người có nhu cầu thực và nhóm nhà đầu. Đối với nhóm khách hàng có nhu cầu thực thì việc họ bỏ tiền ra để mua đất chôn cất người thân, dòng tộc thì mức giá sẽ phụ thuộc vào tâm lý. Còn nhóm nhà đầu tư thì do phân khúc này có mức giá khá “êm” nên họ thường mua gom để chờ tăng giá, nhưng phần lớn là người có nguồn tiền nhàn rỗi mới làm vậy vì phân khúc này không dễ sang nhượng ngay như đất nền hay chung cư,…”, một môi giới đất nghĩa trang tiết lộ.

Cần xem xét kĩ tính pháp lý

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, nhu cầu về chỗ an táng không ngừng tăng lên nhưng quy hoạch càng hạn chế nên giá đất nghĩa trang sẽ tăng. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng nhà đầu tư nên phân tích kĩ càng trước khi tham gia thị trường này. Ví dụ như có vị trí giao thông thuận lợi, không ảnh hưởng đến môi trường và dân cư xung quanh, diện tích đất rộng và không phải di dời về sau.

Đồng thời, mặc dù tỉ suất sinh lời cao nhưng đất nghĩa trang vẫn là loại hình mới, mang đặc thù nên rất khó định giá. Bên cạnh đó, pháp lý của loại hình này còn chưa đầy đủ nên có rất nhiều kẽ hở, khó bảo vệ được nhà đầu tư khi cần ra hàng ngay hay có nhu cầu vay vốn ngân hàng. Bởi lẽ, các dự án phải đảm bảo tính pháp lý chắc chắn như có giấy phép xây dựng, sổ đỏ quyền sở hữu phần mộ và hợp đồng mua bán mộ mới có thể gia tăng tính an toàn và giúp bất động sản thanh khoản dễ hơn trong đầu tư.

Nhưng phần lớn môi giới khi được hỏi về tính pháp lý của đất nghĩa trang đều nói rằng pháp lý rõ ràng, hình thức sở hữu lâu dài, vĩnh viễn nhưng lại chỉ đưa ra được hợp đồng góp vốn hợp tác đầu tư với chủ đầu tư. Nghĩa là, khi mua đất mộ tại dự án, khách hàng sẽ kí hợp đồng góp vốn hợp tác đầu tư với chủ đầu tư, hợp đồng này sẽ cho phép người sở hữu sử dụng hoặc chuyển nhượng phần đất mộ. Tuy nhiên, ở góc độ pháp lý, không ít luật sư cho rằng việc này tiềm ẩn khá nhiều rủi ro.

Bên cạnh đó, khi khách hàng mua mộ phần sẽ phải chi trả nhiều loại phí như phí đất, phí xây dựng và phí dịch vụ vĩnh viễn theo giá thị trường. Do đó, không ít người cho rằng bất động sản tâm linh là phân khúc mới lạ, hấp dẫn nhưng tính an toàn trên thực tế cần phải xem xét…

Nguồn: Sài Gòn Giải Phóng; Vietnamnet; CafeF; Tiền Phong

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang