Hàng loạt tai nạn thảm khốc trên cao tốc; Cá chết nổi trắng hồ Thủy Sứ; Nam Em đang trả giá đắt?

HÀNG LOẠT TAI NẠN THẢM KHỐC TRÊN CAO TỐC: CỤC CSGT CHỈ ĐIỂM “CỐT TỬ”

Theo Cục CSGT, một số tuyến cao tốc liên tục xảy ra tai nạn nghiêm trọng do chưa bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn ngay từ khi xây dựng.

Thông tin trên được Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, Cục CSGT (Bộ Công an) nêu tại Hội thảo "Công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến cao tốc - Thực trạng và giải pháp" , sáng 19/3.

Theo Đại tá Nhật, hiện nay còn tồn tại nhiều vấn đề, bất cập trong quy hoạch, xây dựng, quản lý, bảo trì đường cao tốc gây ảnh hưởng trực tiếp đến công tác bảo đảm an toàn giao thông.

Các tuyến cao tốc liên tục xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng do chưa bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn đường cao tốc ngay từ khi xây dựng như: chưa có trạm dừng nghỉ cho lái xe, không có dải phân cách cứng, không có làn dừng xe khẩn cấp hoặc có nhưng chưa bảo đảm bề rộng tiêu chuẩn, không đảm bảo hệ thống chiếu sáng ban đêm, tầm nhìn hạn chế…

132 bất hợp lý trong tổ chức giao thông cao tốc

Đại tá Nguyễn Quang Nhật thông tin, năm 2023, Cục CSGT phát hiện 132 mục bất hợp lý về tổ chức giao thông trên các tuyến đường bộ cao tốc, trong đó nổi lên những bất hợp lý chưa được khắc phục.

Sau khi xảy ra một số vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng trên tuyến Cam Lộ - La Sơn, Nội Bài - Lào Cai, Cục CSGT tham mưu Bộ Công an chỉ đạo rà soát lại toàn bộ các kiến nghị chưa được khắc phục và các bất hợp lý phát sinh mới.

Đại diện Cục CSGT chỉ ra những kiến nghị cần khắc phục như: Tổ chức giao thông trên các tuyến còn nhiều tồn tại, xuất hiện tình trạng mở nhiều điểm mở cho phương tiện đi thẳng vào tuyến cao tốc (Hà Nội - Lào Cai).

Hệ thống hàng rào lưới thép còn nhiều vị trí chưa khép kín, thiếu người trực chốt, gác nên người dân vẫn có thể tự ý đi bộ, điều khiển xe máy, xe ba gác vào tuyến cao tốc, súc vật đi trên cao tốc. Tồn tại này xuất hiện trên các tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, Trung Lương - Mỹ Thuận, Hạ Long - Vân Đồn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết - Dầu Giây.

Tại tuyến Pháp Vân - Mai Sơn, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên xảy ra tình trạng cắt rào, trèo lên đường cao tốc để đón xe khách.

Một số tuyến vừa khai thác hoạt động giao thông vừa thi công, thậm chí còn tháo dỡ hộ lan để phương tiện chở vật liệu đi từ cao tốc xuống đường gom, thi công đường gom gây bụi làm cản trở, che khuất tầm nhìn của lái xe, như tuyến Nha Trang - Cam Lâm.

Cá biệt, ông Nhật còn dẫn ra ví dụ tuyến cao tốc bị ngập sâu do mưa, làm phương tiện không lưu thông được, gây ùn tắc giao thông kéo dài.

Một số tuyến đường trong quá trình khai thác, sử dụng chất lượng bị xuống cấp, mặt đường hằn lún, sập lún tại các mối của hầm, cầu, lưu thông không êm thuận, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông nhưng chậm trễ trong việc khắc phục, sửa chữa. Tình trạng này xảy ra trên các tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Thái Nguyên.

Ngoài ra, một số tuyến cao tốc thiếu hệ thống chiếu sáng, sóng điện thoại...

Riêng tuyến Hà Nội – Lào Cai, sau thời gian dài khai thác, thu phí (từ năm 2014), mặc dù lưu lượng tăng cao, xảy ra nhiều vụ tai nạn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông nhưng tuyến này vẫn chưa được đầu tư mở rộng lên 4 - 6 làn xe theo đúng phê duyệt.

"Đối với những đoạn, tuyến không có dải phân cách cứng ở giữa, không có làn dừng khẩn cấp luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Khi xảy tai nạn thường đặc biệt nghiêm trọng (tuyến Cam Lộ - La Sơn, đoạn tuyến Yên Bái – Lào Cai).

Những tuyến không có làn dừng khẩn cấp khi xảy ra sự cố, tai nạn giao thông thì lực lượng chức năng khó tiếp cận điểm xảy ra vụ việc để xử lý ngay, nguy cơ cao gây tai nạn liên hoàn và ùn tắc kéo dài", Đại tá Nhật cho hay.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật chỉ ra thêm, hiện nay các tuyến cao tốc đều chưa hoàn thiện hệ thống đường gom, cầu, hầm dân sinh (Nội Bài – Lào Cai, Hà Nội – Bắc Giang – Lạng Sơn, Hà Nội – Thái Nguyên, Hà Nội – Móng Cái). Đặc biệt đối với tất cả các tuyến trong giai đoạn phân kỳ còn lại chưa thực hiện, dẫn đến người dân sinh sống sát cao tốc không đi lại được bắt buộc cắt hàng rào để đi vào cao tốc.

Riêng đối với một số tuyến cao tốc do Phòng CSGT địa phương đang quản lý cũng tồn tại một số những bất cập, khó khăn do điều kiện về hạ tầng và tổ chức giao thông chưa hoàn thiện.

Tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang có 24 điểm mở đầu nối vào cao tốc, hệ thống đường gom chưa đảm bảo, không có rào chắn, dẫn đến nhiều mô tô, xe máy, người đi bộ… đi vào đường cao tốc; một số đoạn vẫn cho xe mô tô đi vào cao tốc, đi chung với làn xe ô tô và không có làn dừng khẩn cấp…

Ngoài ra, trên một số tuyến cao tốc chưa bố trí được trụ sở làm việc, bãi tạm giữ phương tiện, nơi tiếp dân, xử lý vi phạm theo quy định... gây khó khăn cho hoạt động của lực lượng làm nhiệm vụ.

CSGT mỏng, thiếu camera giám sát

Theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật, quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng CSGT gặp một số khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể, biên chế hiện nay của lực lượng CSGT làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông chỉ đáp ứng được một phần công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên các tuyến cao tốc.

Việc bố trí lực lượng CSGT làm nhiệm vụ trên các tuyến cao tốc hiện nay còn mỏng, phương tiện thiết bị kỹ thuật hỗ trợ công tác còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa phát huy hết hiệu quả, chưa kết nối đồng bộ và khai thác tối đa hiệu quả hệ thống dữ liệu phục vụ công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị phục vụ lực lượng CSGT làm nhiệm vụ còn hạn chế. Đa số các tuyến cao tốc không quy hoạch, bố trí địa điểm xây dựng trụ sở làm việc, nơi ăn, nghỉ cho lực lượng CSGT làm nhiệm vụ, chỉ bố trí trụ sở các đơn vị quản lý đường cao tốc, vì vậy không đáp ứng được yêu cầu công tác của CSGT hiện nay.

Tại một số đoạn trên tuyến đường cao tốc do Phòng CSGT địa phương quản lý, nhất là khu vực đường Vành đai 3 trên cao từ Cầu Thanh Trì đến Cầu vượt Mai Dịch (Hà Nội), không có vị trí đứng để dừng xe kiểm soát và xử lý các trường hợp vi phạm.

Bên cạnh đó, việc bố trí lực lượng tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến đường nối vào các tuyến cao tốc chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục. Hệ thống camera giám sát giao thông còn ít, chưa được lắp đặt hệ thống camera xử phạt.

"Do vậy, tại một số thời điểm vẫn để các hành vi vi phạm như xe khách đón, trả khách không đúng nơi quy định, xe ô tô đi vào làn khẩn cấp, xe mô tô đi vào đường vành đai 3 trên cao, đi vào đường cao tốc; xe ôm dừng đón trả khách tại các điểm lên, xuống, ra, vào đường Vành đai 3 trên cao và các tuyến đường nối vào cao tốc khác…", Đại tá Nhật nhấn mạnh.

LÝ GIẢI NGUYÊN NHÂN CÁ CHẾT NỔI TRẮNG HỒ THỦY SỨ

Lãnh đạo quận Tây Hồ xác nhận có hiện tượng cá chết hàng loạt ở hồ Thủy Sứ, đồng thời lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.

Ngày 19.3, mạng xã hội xuất hiện hình ảnh loạt cá chết trên hồ Thủy Sứ (phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội). Nhiều người cho biết, khu vực bốc mùi hôi thối ảnh hưởng đến môi trường.

Tối 19.3, ông Nguyễn Đình Khuyến, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ xác nhận có tình trạng trên, đồng thời đưa ra lý giải: Nguyên do, những ngày qua khu vực lòng hồ được tát cạn nước để trồng sen - quá trình tát cạn nước trong hồ và xử lý nền đất bằng vôi khiến một số lượng nhỏ cá, tôm bị chết chứ không phải do ô nhiễm môi trường hay tác nhân nào khác.

"Số cá chết đã được xử lý, vớt đi để trả lại môi trường, mỹ quan cho hồ" - Chủ tịch UBND quận Tây Hồ nói.

Trước đó, UBND quận Tây Hồ quyết định phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả và Trung tâm Khuyến nông TP Hà Nội thực hiện dự án xây dựng mô hình mẫu sản xuất sen gắn với phát triển du lịch sinh thái theo chuỗi giá trị tại Tây Hồ, Hà Nội.

Theo đó, ba đơn vị sẽ phối hợp trồng sen chất lượng cao trên diện tích 7,5ha tại hồ Đầu Đồng, Thủy Sứ (phường Quảng An) và các hồ Ao Sen 1, Ao Sen 2 (phường Nhật Tân).

Các sản phẩm từ sen là hoa để ướp chè, hoa để trang trí và hạt để làm thực phẩm gắn với phát triển du lịch.

Sen hồ Tây (còn gọi là sen Bách Diệp) đã được công nhận sở hữu trí tuệ, đây là loại sen đặc biệt, có tới 100 cánh.

NAM EM ĐANG TRẢ GIÁ ĐẮT?

Sau loạt lùm xùm đời tư, Nam Em chính thức phát hành MV mới nhưng chẳng có nhiều người quan tâm.

Ngày 18/3, Nam Em ra mắt MV mới mang tên The Wow. Không rầm rộ tổ chức họp báo như mọi lần, lần này Nam Em âm thầm đăng tải lên kênh YouTube cá nhân, sau đó dùng tài khoản mạng xã hội để giới thiệu sản phẩm mới.

Tuy nhiên, không có quá nhiều người quan tâm đến MV của Nam Em. Sau 16 giờ phát hành, MV mới chỉ đạt hơn 20 ngàn lượt nghe. Trước đó, bạn trai Nam Em - Bùi Hữu Cường cũng mở phiên livestream trên TikTok rồi bật MV Nam Em liên tục, song cách làm này cho thấy khán giả chẳng hào hứng gì. Sau rất nhiều lùm xùm, Nam Em đang dần đánh mất sự yêu thương của khán giả.

Ở một diễn biến khác, Bùi Hữu Cường khẳng định thời điểm hiện tại hủy hết hợp đồng quảng cáo. Bạn trai Nam Em nói trên livestream rằng sẽ trả cọc, hủy hợp đồng có giá trị 300 - 400 triệu. Lý do mà người này đưa ra là vì hiện tại Nam Em đang chuẩn bị kinh doanh nước hoa nên không nhận quảng cáo cho đơn vị khác.

Tuy nhiên, nhiều khán giả vẫn cho rằng cách giải thích trên không hợp lý, nếu có kế hoạch kinh doanh từ đầu thì lý do gì lại nhận hợp đồng 300 - 400 triệu, đến sát ngày thực hiện lại hủy? Thêm nữa, việc đột ngột trả cọc, hủy hợp đồng có thể khiến Nam Em phải đền số tiền lớn vì vi phạm hợp đồng.

Nam Em sinh năm 1996, từng nhận danh hiệu Hoa khôi Đồng bằng sông Cửu Long. Nam Em cũng từng đại diện Việt Nam thi Miss Earth và lọt vào Top 8 chung cuộc. Gần đây, Nam Em không đóng phim, ít xuất hiện trên sàn diễn, cô chủ yếu livestream ca hát trên mạng xã hội.

Các show diễn phòng trà Nam Em cũng không hát, lý do mà cô đưa ra là cát xê thấp, trừ đi các chi phí đi lại, trang phục, make up thì chẳng còn bao nhiêu tiền. Đồng thời, Nam Em cũng thẳng thắn nói để mời cô đi show phải có giá trên 100 triệu đồng, thấp hơn giá này Nam Em không nhận.

Công bằng mà nói, trước đây Nam Em được khá nhiều khán giả yêu thương, bảo vệ. Vì thấy cô ốm yếu, sức khỏe thường xuyên gặp vấn đề nên khán giả chẳng tiếc tiền mua vé xem Nam Em hát. Tuy nhiên, từ sau khi hẹn hò Bùi Hữu Cường và có những phát ngôn thiếu kiểm soát, động chạm đồng nghiệp, Nam Em đã trượt dài.

Hiện tại, không ít khán giả tuyên bố quay xe, ngừng theo dõi Nam Em. Các buổi livestream của cô cũng chẳng còn được quan tâm nhiều như trước. Khán giả yêu cầu Nam Em ít xuất hiện trên mạng xã hội, đừng bày thêm trò này trò kia làm phiền người khác. Nếu cứ tiếp tục đánh bóng tên tuổi bằng thị phi và chẳng nhận ra sai lầm của mình, Nam Em sẽ trượt dài và trả giá bằng cả sự nghiệp.

Nguồn: Kenh14; Lao Động; Soha

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang