Đức: Nghìn hành khách mắc kẹt; Thiếu LNG trầm trọng; Thủ tướng đến Nhật; Đẩy nhanh cấp vũ khí cho Ukraine

Đình công tại nhiều sân bay ở Đức, hàng chục nghìn hành khách mắc kẹt

(Ảnh minh họa).

Bốn sân bay ở Đức đã xảy ra đình công trong cả ngày 17/3 dẫn đến hậu quả là có tổng cộng 681 chuyến bay bị hủy và khoảng 89.000 hành khách bị ảnh hưởng do các cuộc đình công này.

Hưởng ứng lời kêu gọi của nghiệp đoàn Ver.di, ngày 17/3, nhân viên tại 4 sân bay lớn ở Đức đã tham gia cuộc đình công nhằm gây sức ép với giới chủ trong quá trình đàm phán tăng lương và đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, 4 sân bay ở Đức xảy ra đình công trong cả ngày 17/3 gồm các sân bay Düsseldorf, Köln/Bonn, Stuttgart và Karlsruhe/Baden-Baden.

Lực lượng được kêu gọi tham gia đình công gồm nhân viên an ninh hàng không làm nhiệm vụ kiểm soát hành khách, nhân sự và hàng hóa cũng như bộ phận dịch vụ công.

Theo kế hoạch, các cuộc đình công bắt đầu vào sáng 17/3 và kết thúc vào rạng sáng 18/3.

Riêng tại sân bay Köln/Bonn, do làm việc theo ca, cuộc đình công tại sân bay này đã bắt đầu từ đêm 16/3.

Hành khách đã đặt vé đi lại ở 4 sân bay trên sẽ phải đối mặt với nguy cơ chậm chuyến, thời gian chờ đợi lâu hơn hoặc bị hủy chuyến.

Hiệp hội sân bay ADV cho biết có tổng cộng 681 chuyến bay bị hủy và khoảng 89.000 hành khách bị ảnh hưởng do các cuộc đình công này.

Tại sân bay Düsseldorf, có 361 chuyến bay bị hủy, ảnh hưởng tới 43.500 hành khách, trong khi tại sân bay Köln/Bonn, có ít nhất 100 trong tổng số 148 chuyến bay chở khách bị hủy, trong đó có 60 chuyến cất cánh và 40 chuyến hạ cánh.

Số chuyến bay bị hủy ở sân bay này có thể còn cao hơn nữa và việc chuyển hướng các chuyến bay cũng có thể được thực hiện. Hành khách được khuyến cáo cần kiểm tra ngay lập tức với hãng hàng không hoặc công ty lữ hành xem chuyến bay của mình có bị ảnh hưởng hay không.

Nguyên nhân dẫn tới các cuộc đình công là do nghiệp đoàn Ver.di kêu gọi giới chủ đáp ứng điều kiện làm việc tốt hơn cho người lao động, đáp ứng yêu cầu trong các cuộc thương lượng tập thể ở khu vực công cũng như cho lực lượng nhân viên mặt đất và an ninh hàng không.

Giới chủ gần đây đã đề nghị tăng lương tuyến tính 3% trong năm nay và thêm 2% vào năm tới, cũng như các khoản thanh toán một lần miễn thuế với tổng trị giá 2.500 euro (2.660 USD) trải đều trong 2 năm.

Tuy nhiên, Ver.di đã bác đề nghị này, yêu cầu tăng thêm 10,5%/tháng và tối thiểu thêm 500 euro/tháng cho khoảng 2,5 triệu nhân viên. Dự kiến, vòng thương lượng tập thể thứ ba sẽ diễn ra từ ngày 27-29/3 tới.

(Nguồn: VietnamPlus)

Hết khí đốt Nga, Đức đối mặt thiếu LNG trầm trọng

Đức, nền kinh tế lớn nhất EU, chưa thể một sớm một chiều thay thế được khí đốt Nga.

Đức có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) vào mùa đông tới do khối lượng được đảm bảo theo các hợp đồng hiện tại đang giảm so với nhu cầu trong nước - tờ Bild am Sonntag đưa tin, dẫn lời Mark Helfrich, thành viên của Ủy ban Quốc hội Đức về các vấn đề năng lượng.

Trong một bức thư gửi Ủy ban Ngân sách, Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck đã đề cập đến số liệu thống kê cho thấy các thỏa thuận khí đốt hiện tại cung cấp 75 tỉ mét khối LNG, trong khi nước này cần 86 tỉ mét khối để duy trì hoạt động của nền kinh tế lớn nhất EU. Do đó, Đức đang phải đối mặt thiếu hụt 11 tỉ mét khối LNG.

Nhận xét về dữ liệu, ông Helfrich bày tỏ lo ngại về việc đất nước sẽ sống sót như thế nào trong sưởi ấm tiếp theo vì “vẫn chưa rõ ràng về cách thức nhập khẩu LNG có thể được tăng lên thế nào”.

Năm ngoái, Đức cố gắng giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga bằng cách nhập khẩu LNG qua các nước láng giềng châu Âu và thúc đẩy dòng khí đốt từ Na Uy và Hà Lan. Tuy nhiên, dự trữ khí đốt của Đức được lấp đầy trong mùa hè, khi khí đốt Nga vẫn chảy trực tiếp vào nước này.

Các cơ sở lưu trữ khí đốt của Đức hiện đang được lấp đầy và không có nguy cơ thiếu hụt ngay lập tức. Tuy nhiên, một khi các cơ sở dự trữ này cạn kiệt vào cuối năm nay và đến lúc phải bổ sung dự trữ cho mùa sưởi ấm tiếp theo, Đức có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt và một lần nữa sẽ buộc phải đưa ra các biện pháp tiết kiệm năng lượng.

Phó Thủ tướng Helfrich cảnh báo: “Đối với nền kinh tế, điều đó có nghĩa là giảm sản lượng".

Các ước tính cho thấy Đức vẫn còn một chặng đường dài để thay thế hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt Nga qua đường ống bằng LNG. Ngay cả khi có thêm nhiều nhà ga nhập khẩu LNG đi vào hoạt động, cuộc khủng hoảng năng lượng được cho là sẽ chỉ nới lỏng vào năm 2026, khi có thêm nguồn cung LNG từ Mỹ hoặc Qatar.

(Nguồn: Lao Động)

Thủ tướng Đức đến Nhật để tăng cường quan hệ kinh tế

(Ảnh minh họa).

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cùng với sáu bộ trưởng sẽ đến thăm Nhật Bản vào ngày 18/3 với mục tiêu tăng cường quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn, trong lúc ông tìm cách giảm sự phụ thuộc của Đức vào nguyên liệu thô của Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thủ tướng Scholz và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đang lên kế hoạch ‘tham vấn chính phủ’ với sự tham gia của nhiều thành viên nội các của chính phủ hai nước để thảo luận về các phương cách đảm bảo an ninh kinh tế.

“Là các nền dân chủ và là nền kinh tế công nghiệp hóa cao, định hướng xuất khẩu, Nhật và Đức đối mặt với những thách thức giống nhau trong việc định hình chuyển đổi kỹ thuật số và sinh thái, đồng thời củng cố khả năng chống chịu của nền kinh tế trong thời kỳ địa chính trị khó khăn,” Franziska Brantner, quốc vụ khanh thuộc Bộ Kinh tế Đức, nói với Reuters.

Với việc Nhật Bản thông qua dự luật về an ninh kinh tế, Berlin hy vọng sẽ học được chiến lược nguyên liệu thô của Nhật và chấp nhận gợi ý của Tokyo về cách giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, một quan chức chính phủ Đức nói về chuyến công du của ông Scholz.

Trong một động thái chủ yếu tập trung vào Trung Quốc, quốc hội Nhật Bản đã thông qua dự luật an ninh kinh tế hồi năm ngoái nhằm bảo vệ công nghệ và củng cố các chuỗi cung ứng quan trọng.
Thương mại giữa Đức và Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục vào năm ngoái, khiến quốc gia châu Á này trở thành đối tác thương mại quan trọng nhất của Đức trong năm thứ bảy liên tiếp bất chấp những cảnh báo chính trị ở Berlin về sự phụ thuộc quá mức vào Bắc Kinh.
Khối lượng hàng hóa trị giá khoảng 298 tỷ euro đã được giao thương giữa hai nước vào năm 2022, tăng khoảng 21% so với một năm trước đó, theo dữ liệu từ cục thống kê Đức.

Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ hai của Đức ở châu Á sau Trung Quốc, với kim ngạch đạt khoảng 46 tỷ euro vào năm 2022.
Lo lắng về sự phụ thuộc của Đức, chính phủ trung tả hiện đang có lập trường cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh so với chính phủ trung hữu tiền nhiệm và đang tìm hiểu các cách để từ từ bãi bỏ sự lệ thuộc vào Trung Quốc.

(Nguồn: VOA)

Đức đẩy nhanh cung cấp vũ khí cho Ukraine

Theo tuyên bố được Thủ tướng Đức Olaf Scholz đưa ra hôm 16/3, việc cung cấp vũ khí cho Ukraine cần được thực hiện càng sớm càng tốt.

Phát biểu trước Hạ viện Đư, ông Olaf Scholz nhấn mạnh, việc nhanh chóng cung cấp đạn dược cho Ukraine là hết sức quan trọng.

Hiện các nước EU đang thảo luận một kế hoạch trị giá 2 tỷ Euro để cung cấp đạn pháo cho Ukraine. Nước này cho biết cần khoảng 350.000 đạn pháo mỗi tháng.

Trong khi đó, Nga nhiều lần phản đối các động thái viện trợ vũ khí cho Ukraine của phương Tây, cho rằng các hành động này làm gia tăng căng thẳng.

Khi cuộc chiến tại Ukraine đã bước sang tháng 11 và Ukraine đã đẩy lùi lực lượng Nga khỏi Kiev, Kharkov và Kherson, Mỹ cùng đồng minh đã đẩy mạnh cung cấp các loại vũ khí ngày càng tiên tiến và có tính sát thương cao hơn, đáp ứng yêu cầu từ lâu của Kiev.

Các quan chức Nhà Trắng cho biết, Ukraine đang có những thứ họ cần vào lúc này. Mỹ đưa ra quyết định cung cấp vũ khí dựa trên những gì họ tin lực lượng Ukraine có thể được huấn luyện cách sử dụng và bảo dưỡng chúng. Khi Kiev chứng minh được năng lực này, Washington có xu hướng chuyển giao nhiều vũ khí hơn, theo giới chức Mỹ.

Khi Mỹ quyết định gửi thêm những khí tài mới, nhiều đồng minh châu Âu đã có động thái tương tự. Sau khi Mỹ tuyên bố gửi lựu pháo cho Ukraine, Đức cũng gửi lựu pháo. Khi Washington chuyển tên lửa phòng không, Berlin cũng làm vậy. Đức cho biết họ sẽ gửi hệ thống tên lửa Patriot sau thông báo của Mỹ vào tháng 12/2022.

Đức thậm chí đã chuẩn bị xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard để có thể cung cấp cho Ukraine, nhưng đang chờ quyết định của ông Biden về việc có gửi xe tăng Abram mà Mỹ sản xuất tới Kiev hay không.

Giới phân tích quân sự cho rằng các phương tiện chiến đấu mới có thể đóng vai trò quan trọng trong các cuộc tấn công của Ukraine trong tương lai hoặc bảo vệ họ trước các đợt tấn công mới của Nga.

(Nguồn: VTV)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Luật Pháp

Nhập cư

Người Việt ở Đức

Chính trị - Xã hội

Lên đầu trang