Đức: Ngân hàng khủng hoảng; Thủ tướng trấn an; Cải cách quy định về tị nạn; Bị EU chỉ trích

(Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) Christine Lagarde).

Khủng hoảng đang lan đến ngân hàng Đức?

Thị trường tài chính vẫn tiếp tục rung lắc bởi tình trạng hỗn loạn dai dẳng kể từ sự sụp đổ của ngân hàng Mỹ SVB và việc Credit Suisse của Thụy Sĩ bị thâu tóm.

Các ngân hàng trên toàn khu vực đồng Euro (Eurozone) kiên cường, ổn định và mạnh mẽ, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) nhấn mạnh hôm 24/3 khi kết thúc một hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày tại trụ sở ở Brussels, Bỉ.

Lời trấn an của các quan chức EU được đưa ra trong bối cảnh cổ phiếu của Deutsche Bank, ngân hàng thương mại lớn nhất nước Đức, đang rớt giá nghiêm trọng trong khi chỉ số CDS (hoán vị rủi ro tín dụng - phản ánh chi phí bảo hiểm để bảo vệ cho trường hợp vỡ nợ) tăng đột biến.

Cổ phiếu của ngân hàng Đức, niêm yết tại Frankfurt, có thời điểm giảm 14% trong phiên nhưng đã giảm đà rơi, đóng cửa ở mức giảm 8,6% vào chiều hôm 24/3.

Đáng chú ý, ngày 24/3 là ngày thứ 3 liên tiếp cổ phiếu của Deutsche Bank giảm giá, và đã mất hơn 20% thị giá trong tháng qua. Trong khi đó, chỉ số CDS tăng lên mức 200 điểm - mức cao nhất kể từ khi ngân hàng này gặp khó khăn vào năm 2019.

Ngoài ra, cổ phiếu của các ngân hàng châu Âu khác, như UBS, Commerzbank, Société Générale và BNP Paribas, cũng giảm giá nhưng ở mức nhẹ hơn.

Tác động lây lan

Thị trường tài chính vẫn tiếp tục rung lắc bởi tình trạng hỗn loạn dai dẳng kể từ sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) - ngân hàng lớn nhất của Mỹ sụp đổ kể từ năm 2008, và việc UBS tiếp quản Credit Suisse do chính phủ Thụy Sĩ làm trung gian vào đầu tháng này.

Bất chấp những đảm bảo lặp đi lặp lại từ các nhà hoạch định chính sách, các nhà đầu tư vẫn tiếp tục cho thấy những dấu hiệu lo lắng và bất an rõ ràng, đẩy cổ phiếu vào những thăng trầm khó lường.

Mối lo ngại càng lây lan giữa các nhà đầu tư khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa ra tay thắt chặt chính sách tiền tệ hôm 22/3.

Deutsche Bank đã báo lãi 10 quý liên tiếp, sau khi hoàn tất quá trình tái cơ cấu trị giá hàng tỷ Euro bắt đầu vào năm 2019, với mục đích giảm chi phí và cải thiện khả năng sinh lời. Ngân hàng Đức ghi nhận thu nhập ròng hàng năm là 5 tỷ Euro (5,4 tỷ USD) vào năm 2022, tăng 159% so với năm 2021.

Tỉ lệ vốn cổ phần cấp 1 (CET1) của Deutsche Bank - thước đo khả năng thanh toán của ngân hàng - ở mức 13,4% vào cuối năm 2022, trong khi tỉ lệ dự trữ thanh khoản là 142% và tỉ lệ quỹ bình ổn ròng là 119%. Những số liệu này cho thấy sẽ không có bất kỳ lo ngại nào về khả năng thanh toán hoặc vị thế thanh khoản của ngân hàng Đức.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz, phát biểu trong một cuộc họp báo ở Brussels hôm 24/3, cho biết Deutsche Bank đã “tái cơ cấu và hiện đại hóa mô hình kinh doanh của mình một cách triệt để, và là một ngân hàng có lợi nhuận cao”, đồng thời nói thêm rằng không có cơ sở để nghi ngờ về tương lai của nó.

Lời nhắc nhở

Các thị trường đã giảm nhẹ mức thua lỗ sau khi Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) Christine Lagarde nói với các nhà lãnh đạo EU rằng ngành ngân hàng Eurozone có khả năng phục hồi nhờ nguồn vốn mạnh, vị thế thanh khoản và các cuộc cải cách sau năm 2008. Bà cũng cho biết, ECB được trang bị bộ công cụ để cung cấp thanh khoản cho hệ thống tài chính nếu cần.

Tuy nhiên, Moody’s cho biết trong một lưu ý hôm 22/3 rằng, trong một môi trường kinh tế không chắc chắn và niềm tin của nhà đầu tư vẫn còn mong manh, có nguy cơ các nhà hoạch định chính sách sẽ không thể ngăn chặn tình trạng hỗn loạn hiện tại mà không gây ra những hậu quả nghiêm trọng và lâu dài hơn trong và ngoài lĩnh vực ngân hàng.

“Ngay cả trước khi căng thẳng ngành ngân hàng trở nên rõ ràng, chúng tôi đã dự đoán các điều kiện tín dụng toàn cầu sẽ tiếp tục suy yếu vào năm 2023 do lãi suất cao hơn đáng kể và tăng trưởng thấp hơn, bao gồm cả suy thoái kinh tế ở một số quốc gia”, tổ chức xếp hạng tín nhiệm này cho biết.

Moody’s gợi ý rằng, khi các ngân hàng trung ương tiếp tục nỗ lực kiềm chế lạm phát, các điều kiện tài chính còn thắt chặt càng lâu thì nguy cơ “căng thẳng lan rộng ra ngoài lĩnh vực ngân hàng, gây ra thiệt hại kinh tế và tài chính sẽ càng lớn”.

Còn theo JPMorgan, khi nói về trường hợp của Deutsche Bank, nhà tư vấn tài chính Phố Wall cho rằng đây chưa phải là một cuộc khủng hoảng ngân hàng vì CDS của Deutsche thấp hơn nhiều so với mức 1.000 điểm do vụ việc của Credit Suisse tạo ra vào tuần trước. Tuy nhiên, đó là một lời nhắc nhở rằng lãi suất tăng có ý nghĩa thực sự đối với các ngân hàng

(Nguồn: Người Đưa Tin)

Thủ tướng Đức trấn an khi giá cổ phiếu ngân hàng lớn nhất nước trượt dốc

Phát biểu với phóng viên ngày 24/3, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đảm bảo rằng Deutsche Bank – ngân hàng lớn nhất của Đức – khó có khả năng chịu chung số phận với Credit Suisse của Thụy Sĩ.

Theo đài RT, trong một cuộc họp báo ở Brussels (Bỉ) sau khi cổ phiếu của ngân hàng này giảm 15% chỉ trong một ngày, ông Scholz nói: “Deutsche Bank về cơ bản đã hiện đại hóa và tổ chức lại mô hình kinh doanh, là một ngân hàng rất có lợi nhuận. Không có lý do gì để lo lắng về bất cứ điều gì”.

Thủ tướng Đức đưa ra phát biểu trên sau cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) và Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) Christine Lagarde.

Những lo ngại trêm thị trường không suy giảm cho dù ngân hàng UBS lớn nhất Thụy Sĩ đã giải cứu khẩn cấp ngân hàng Credit Suisse.

Giá cổ phiếu của UBS cũng giảm 6% vào ngày 24/3. Cổ phiếu của Commerzbank (Đức) và Societe Generale (Pháp) cũng giảm lần lượt 9% và 7% giá trị.

Tuy nhiên, bất chấp các diễn biến trên, Thủ tướng Scholz khẳng định rằng hoạt động giám sát ngân hàng của EU vẫn mạnh mẽ và ổn định. Ông nói: “Trong nhiều năm nay, chúng tôi đã đưa ra những quyết định rất đúng đắn liên quan đến sự ổn định của các ngân hàng của chúng tôi ở châu Âu”.

Theo một quan chức EU, bà Lagarde cũng đã phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh khu vực đồng euro là lĩnh vực ngân hàng của khối này mạnh và đảm bảo với họ rằng ECB sẽ cung cấp thanh khoản cho các ngân hàng khu vực đồng euro nếu cần.

Trước đó, giá cổ phiếu của Deutsche Bank đã trượt dốc ngày 24/3 trong khi chi phí bảo hiểm vỡ nợ của ngân hàng này tăng vọt. Theo CNBC, rắc rối của Deutsche Bank xảy ra trong bối cảnh ngân hàng này bị cuốn vào cơn hoảng loạn của thị trường liên quan tới sự ổn định của khu vực ngân hàng châu Âu.

Dù giá cổ phiếu giảm mạnh nhưng các nhà phân tích cho rằng Deutsche Bank sẽ không trở thành một Credit Suisse thứ hai.

Deutsche Bank đã trải qua một đợt tái cơ cấu trị giá hàng tỷ euro trong những năm gần đây nhằm giảm chi phí và cải thiện khả năng sinh lời. Ngân hàng này đã ghi nhận thu nhập ròng hàng năm là 5 tỷ euro vào năm 2022, tăng 159% so với năm trước.

Tỷ lệ vốn cấp 1 (CET1 - thước đo khả năng thanh toán của ngân hàng) của Deutsche Bank ở mức 13,4% vào cuối năm 2022, trong khi tỉ lệ đảm bảo khả năng thanh khoản là 142% và tỷ lệ vốn lưu động ròng ổn định là 119%. Những số liệu này cho thấy không có bất kỳ nguyên nhân nào gây lo ngại về khả năng thanh toán hoặc vị thế thanh khoản của Deutsche Bank.

Trong một diễn biến liên quan, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Đức Joachim Nagel cho rằng trong cuộc chiến chống lạm phát, ECB không nên sớm từ bỏ tăng lãi suất.

Phát biểu tại Viện Chính sách Kinh tế và Tiền tệ OMFIF ở Scotland, Chủ tịch Nagel cho biết, thời gian qua, ban lãnh đạo ECB đã thực hiện một bước ngoặt chưa từng có trong chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát tỷ lệ lạm phát. Chỉ trong vòng 9 tháng (từ tháng 7/2022), ECB đã 6 lần tăng lãi suất với tổng mức tăng là 350 điểm cơ bản. Tuy nhiên, hiện tại, tỷ lệ lạm phát ở Khu vực đồng euro vẫn ở mức 8,5% trong tháng 2 vừa qua, còn cách rất xa mục tiêu 2% của ECB. Do đó, cần phải giữ mức lãi suất đủ cao trong thời gian cần thiết để đảm bảo ổn định giá cả lâu dài.

Chủ tịch Nagel cho rằng nếu tình hình lạm phát của khu vực đồng euro diễn biến theo đúng dự báo (ở mức 5,3% trong năm nay), ECB không nên chấm dứt chuỗi thắt chặt chính sách tiền tệ, vì khu vực đồng euro vẫn chưa giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lạm phát.

Đối với nền kinh tế Đức, Chủ tịch Nagel cho biết dựa trên các dữ liệu mới nhất, tỷ lệ tăng giá tiêu dùng năm 2023 có thể sẽ ở mức gần 6%.

Về tăng trưởng kinh tế, trong dự báo mới đây, Ngân hàng Trung ương Đức cho rằng do lạm phát kéo dài, nền kinh tế Đức sẽ tiếp tục đà suy giảm trong quý đầu tiên của năm 2023, nhưng với mức độ thấp hơn so với quý cuối cùng của năm 2022. Dự báo tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế Đức sẽ giảm đáng kể trong tháng 3 này. Trước đó trong tháng 2, chỉ số giá tiêu dùng tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã tăng 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

Chính phủ Đức thúc đẩy cải cách quy định về tị nạn tại châu Âu

Ngày 24/3, tại Berlin, Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser đã có cuộc họp với những người đồng cấp từ 5 quốc gia khác trong Liên minh châu Âu nhằm thảo luận vấn đề cải cách chính sách di cư và tị nạn.

Ngày 24/3, tại Berlin, Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser đã có cuộc họp với những người đồng cấp từ 5 quốc gia khác trong Liên minh châu Âu (EU) gồm Thụy Điển, Italy, Pháp, Tây Ban Nha và Bỉ, nhằm thảo luận vấn đề cải cách chính sách di cư và tị nạn của EU.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, phát biểu sau cuộc họp, Bộ trưởng Nancy Faeser nhấn mạnh rằng mục tiêu của Chính phủ Đức là đạt được thỏa thuận về cải cách chính sách di cư và tị nạn của châu Âu trước khi kết thúc nhiệm kỳ lập pháp hiện tại. Việc cải cách này chỉ có thể thành công nếu tất cả các quốc gia EU sẵn sàng thỏa hiệp.

Bộ trưởng Faeser cho rằng đoàn kết và trách nhiệm phải là trọng tâm của chính sách di cư chung. Các quốc gia EU đang chịu áp lực lớn về người di cư và tị nạn cần phải được hỗ trợ thông qua việc phân bổ công bằng hơn những người di cư.

Đồng thời, tất cả các quốc gia thành viên EU phải nỗ lực để giúp giảm tình trạng di cư bất hợp pháp, ví dụ thông qua sàng lọc và tiếp nhận người di cư ngay từ biên giới.

Bộ trưởng Faeser kêu gọi các nước sớm đạt được thỏa thuận về cải cách Hệ thống Tị nạn chung châu Âu, đồng thời cảnh báo rằng trong trường hợp ngược lại, quyền tự do đi lại trong khu vực Schengen sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Cơ sở thỏa thuận là các đề xuất của Ủy ban châu Âu về cải cách chính sách tị nạn và di cư từ tháng 9/2020.

Vấn đề người di cư và tị nạn vẫn gây tranh cãi quyết liệt giữa các quốc gia EU những năm qua và đến nay các nước vẫn chưa thống nhất được giải pháp chung.

Là điểm đến mong muốn hàng đầu của số lượng lớn người di cư và tị nạn, nước Đức đặc biệt quan tâm đến vấn đề này, đặc biệt là việc giảm thiểu tình trạng "di cư thứ cấp" trong nội bộ EU.

Các quốc gia có biên giới bên ngoài như Italy, muốn có thêm sự đoàn kết từ các quốc gia thành viên khác. Tuy nhiên, nhiều quốc gia không muốn tiếp nhận thêm người tị nạn./.

(Nguồn: VietnamPlus)

Lý do Đức bị EU chỉ trích nặng nề

Chính quyền Thủ tướng Olaf Scholz bị chỉ trích nặng nề sau khi Berlin từ chối thông qua kế hoạch cấm sản xuất ôtô sử dụng động cơ đốt trong của EU.

Chính quyền Thủ tướng Olaf Scholz đang đối mặt sức ép từ cả trong và ngoài nước trước kế hoạch cấm sản xuất ôtô sử dụng động cơ đốt trong của EU.

Trong nội bộ, đảng Dân chủ Tự do được sự ủng hộ mạnh mẽ của các doanh nghiệp xe hơi Đức quyết thay đổi kế hoạch của EU cấm ôtô chạy bằng xăng và dầu diesel vào năm 2035.

Trong khi đó, các nước EU chỉ trích việc Đức thay đổi quyết định chỉ vài ngày trước khi thỏa thuận đạt được từ tháng 10/2022 được thông qua và trở thành luật áp dụng trên toàn khối.

Đức quyết giữ lại động cơ đốt trong?

Đức là nền kinh tế lớn và quan trọng nhất của EU, cũng là quốc gia có uy tín và tiếng nói mạnh mẽ nhất trong mọi quyết sách của khối.

Nhưng lúc này, 6 tháng sau khi các nhà lãnh đạo châu Âu đạt thỏa thuận loại bỏ động cơ đốt trong, Berlin lại đưa ra yêu cầu mọi lệnh cấm của EU cần có ngoại lệ dành cho động cơ sử dụng nhiên liệu CO2 trung tính.

Porsche, nhãn hiệu xe thuộc sở hữu của tập đoàn Volkswagen, từ lâu đã vận động chính giới EU cho phép các loại ôtô sử dụng nhiên liệu CO2 trung tính tiếp tục được bán tại lục địa già. Đồng minh của Porsche là Ferrari của Italy, theo Financial Times.

Borsch, nhà sản xuất hệ thống động cơ cho nhiều hãng xe hơi khắp thế giới nhưng bị coi là chậm chân trong công nghệ pin, tham gia vận động quyết liệt nhằm thuyết phục giới chức châu Âu coi nhiên liệu CO2 trung tính là công nghệ "sạch".

Trước sức ép chính trị từ các nhóm ủng hộ công nghiệp trong nước, Đức và trước đó là Italy đã nhiều lần đề nghị bổ sung điều khoản ngoại lệ dành cho ôtô sử dụng động cơ vận hành bằng nhiên liệu CO2 trung tính.

Nhiên liệu CO2 trung tính được sản xuất từ điện được tạo ra nhờ hydrogen tái tạo, CO2 và các loại khí khác. Việc đốt nhiện liệu này vẫn thải ra CO2, nhưng bởi quá trình sản xuất tiêu thụ một lượng CO2 bằng hoặc nhiều hơn lượng thải ra khi vận hành, các công ty lập luận rằng loại nhiên liệu này nên được coi là "sạch".

Nhiên liệu CO2 trung tính có thể được sử dụng trên các động cơ đốt trong thông thường. Điều này đồng nghĩa nếu được EU bật đèn xanh, nhiên liệu này có thể kéo dài tuổi thọ các dây chuyên sản xuất ôtô truyền thống vốn đóng góp 20% doanh thu ngành công nghiệp Đức.

"Chúng ta cần nhiên liệu trung tính bởi không có giải pháp thay thế nào giúp vận hành bộ máy công nghiệp hiện có trong chính sách thân thiện môi trường", Volker Wissing, Bộ trưởng Giao thông Đức, nói với ARD.

Theo Viện nghiên cứu tác động khí hậu Postdam, nhiên liệu trung tính hiện chưa được sản xuất ở quy mô thương mại và vẫn còn khan hiếm. Ước tính đến 2035, các dự án nhiên liệu trung tính sẽ chỉ có thể cung cấp 10% nhu cầu của riêng nước Đức.

Sức ép từ cả trong và ngoài nước

Ban đầu, Đức đồng ý với thỏa thuận cấm xe đốt trong với điều kiện trong vòng 2 năm, Ủy ban châu Âu sẽ tổ chức đánh giá khả năng cho phép ôtô chạy bằng nhiên liệu trung tính được phép lưu hành sau năm 2035.

Tuy nhiên theo Guardian, các cuộc thảo luận về ảnh hưởng của lệnh cấm với triển vọng ngành công nghiệp ôtô đã tạo ra chia rẽ sâu sắc trong nội bộ chính phủ liên minh 3 đảng cầm quyền của Thủ tướng Scholz.

Đảng của Dân chủ Xã hội (SPD) của ông Scholz phải liên minh với đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh để có thể cầm quyền.

Bộ trưởng Giao thông Volker Wissing là thành viên đảng FDP ủng hộ mạnh mẽ ngành công nghiệp ôtô và đang dẫn đầu sự chống đối với kế hoạch cấm động cơ đốt trong của EU.

Phản đối vào phút chót của FDP cho thấy sự lo lắng của ngành ôtô Đức, đặc biệt là các công ty chuyên sản xuất các cấu phần của động cơ đốt trong. Dù nhiều nhà sản xuất xe hơi Đức cam kết chuyển sang xe điện, các nhà sản xuất phụ tùng vẫn lo ngại kế hoạch của EU sẽ triệt tiêu nguồn thu từ những sản phẩm có lợi nhuận cao nhất.

Phát biểu hôm 24/3, Thủ tướng Scholz nói sẽ "tìm ra một thỏa thuận", đây là dấu hiệu cho thấy Berlin đang đứng trước sức ép của các đối tác phải thỏa hiệp với EU. Tuy vậy, Bộ trưởng Wissing tiếp tục khẳng định vẫn còn nhiều câu hỏi bỏ ngỏ và các bên chưa đạt được thỏa thuận toàn diện.

Giới chức EU chỉ trích Thủ tướng Scholz, đảng SPD và đảng Xanh, hai đảng nhiều ghế nhất trong liên minh cầm quyền, vì không có lập trường cứng rắn hơn để giải quyết bất đồng trong nội bộ chính phủ.

EU lo ngại cú "trở mặt" của Đức có thể tạo ra tiền lệ xấu trong tương lai, bởi mọi quyết sách của EU cần có sự đồng thuận của 27 nước thành viên với những lợi ích rất khác biệt.

"Nếu một nước thành viên làm được, điều gì có thể ngăn nước khác làm theo? Toàn bộ cấu trúc và cơ chế ra quyết định của EU sẽ đổ vỡ nếu chúng ta cho phép họ làm như vậy", Thủ tướng Latvia Krisjanis Karins nói, miêu tả quyết định của Đức là hành động "gây rối".

Pascal Canfin, chủ tịch Ủy ban Môi trường châu Âu, cảnh báo việc mở lại đàm phán 6 tháng sau khi đã đạt được thỏa thuận là "lằn ranh đỏ", đồng thời kêu gọi Đức hành động như một thành viên đáng tin cậy.

(Nguồn: Zing News)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Luật Pháp

Nhập cư

Người Việt ở Đức

Chính trị - Xã hội

Lên đầu trang