Đức: Ngân hàng gây lo lắng; Berlin ăn mừng; Nổ súng ở Hamburg; Căng thẳng với Anh; Điều kiện chấm dứt xung đột Ukraine

Ngân hàng Đức gây lo lắng, lãnh đạo châu Âu trấn an

(Ảnh minh họa).

Giới lãnh đạo châu Âu nhấn mạnh lĩnh vực ngân hàng ở khu vực vẫn ổn định và lành mạnh sau khi giá cổ phiếu của Ngân hàng Deutsche Bank (lớn nhất Đức) lao dốc.

Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) ở thủ đô Brussels - Bỉ hôm 24-3, Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định Deutsche Bank là một tập đoàn có lợi nhuận nên không có lý do gì phải lo lắng.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng khẳng định hệ thống ngân hàng châu Âu rất vững chắc. Riêng Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde nhấn mạnh khu vực đồng euro có khả năng phục hồi tốt vì có vốn mạnh và vị thế thanh khoản vững chắc.

Những lời trấn an trên được đưa ra sau khi cổ phiếu của Deutsche Bank tiếp tục sụt giảm hôm 24-3. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp cổ phiếu ngân hàng này lao dốc. Trước đó một ngày, các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) của ngân hàng này tăng mạnh do những lo ngại về sự bất ổn của lĩnh vực ngân hàng ở châu Âu. CDS là một hình thức bảo hiểm cho trái chủ của doanh nghiệp trong trường hợp công ty này vỡ nợ.

Theo đài CNBC, nhiều nhà phân tích thấy khó hiểu khi một ngân hàng có lãi 10 quý liên tiếp, luôn tự hào về nguồn vốn vững chắc và khả năng thanh khoản tốt như Deutsche Bank lại lâm vào tình cảnh như trên.

Thu nhập ròng của ngân hàng này năm 2022 đạt 5 tỉ euro, tăng 159% so với năm trước đó. Một số lo ngại về việc Deutsche Bank hiện tập trung vào các khoản đầu tư bất động sản thương mại ở Mỹ.

Tuy nhiên, Công ty Nghiên cứu Autonomous (Anh) tin rằng Deutsche Bank "không phải là một Credit Suisse tiếp theo". Credit Suisse là ngân hàng Thụy Sĩ vừa buộc phải sáp nhập sau khi rơi vào khủng hoảng.

(Nguồn: Soha)

Berlin ăn mừng việc phụ nữ được thoải mái bơi ngực trần

Các nhà vận động bình đẳng giới ăn mừng sau những thay đổi trong quy tắc cho phép phụ nữ ở Berlin (Đức) có thể để ngực trần như đàn ông khi bơi trong các bể bơi công cộng.

Khi một nhân viên cứu hộ yêu cầu cảnh sát đưa Lotte Mies ra ngoài vì ​​cô bơi ngực trần tại bể bơi trong nhà ở Berlin, hành động này đã vô tình dẫn đến sự thay đổi quy tắc cho phép tất cả phụ nữ, kể cả khách du lịch, được tự do để ngực trần khi bơi trong thành phố, theo Guardian.

Bình đẳng

Quyết định thay đổi các quy định về trang phục khi bơi lội ở thủ đô nước Đức được đưa ra sau khi hai phụ nữ, trong đó có Lotte Mies, đệ đơn khiếu nại về việc bị đuổi ra ngoài hoặc bị cấm vào bể bơi của thành phố vì không chịu che ngực.

Họ yêu cầu các quyền giống như nam giới khi tắm -“oben-ohne” (để ngực trần) - tại bể bơi công cộng của thành phố.

Chính quyền thủ đô Đức sau đó thông báo quy tắc hiện hành, áp dụng cho tất cả du khách và bất cứ ai cũng có thể chọn mặc đồ bơi toàn thân hay chỉ mặc quần lót tại bể bơi.

“Quy định được chính thức thiết lập này áp dụng theo nguyên tắc đối xử bình đẳng giữa các giới”, người điều hành bể bơi Berlin, Berliner Bäderbetriebe, nói. “Không còn những cách hiểu khác nhau về thông lệ chung, giờ đây mọi khách đến bể bơi của chúng tôi đều có khả năng tự quyết định loại đồ bơi nào họ muốn mặc”.

Trước đó, Mies (33 tuổi), cư dân Berlin, đã đệ đơn khiếu nại về sự phân biệt đối xử vào tháng 12/2022 ở một bể bơi trong nhà tại Kaulsdorf sau khi cô bị cấm để ngực trần vào.

Người phụ nữ 33 tuổi cho biết cô đã gửi email trước và được phép bơi ngực trần. Tuy nhiên, khi Mies để ngực trần tại hồ bơi, nhân viên đã yêu cầu cô rời đi.

Mies cho biết cô phản đối các quy tắc chỉ quy định việc mặc "bộ đồ tắm thương mại" và cô đã được phép để ngực trần.

Nhưng sau đó, cảnh sát được gọi tới và nhân viên cứu hộ, người ban đầu “bật đèn xanh” cho Mies, đã cấm cô vào bể bơi.

Mies mô tả cảm giác nhục nhã khi rời đi và đã gửi đơn khiếu nại tới văn phòng thanh tra của thành phố tại Ủy ban Tư pháp, Đa dạng và Chống phân biệt đối xử của Thượng viện Đức.

Khiếu nại của Mies đã thúc đẩy sự thay đổi quy tắc. Quyết định mới được đưa ra để bổ sung rõ ràng rằng bất cứ ai, không phân biệt giới tính, đều có thể để ngực trần tại các bể bơi công cộng ở Berlin.

“Tôi cảm thấy bị sỉ nhục và phẩm giá bị phân biệt đối xử chỉ vì là phụ nữ. Sự phủ nhận đối với tôi trong một vài điều và ở một vài nơi do những quy tắc đạo đức bất thành văn mà đàn ông áp đặt lên phụ nữ vẫn còn hiệu lực cho đến ngày nay”, Mies nói với Guardian.

“Điều quan trọng là phải hiểu việc không cho phép mọi người có quyền như nhau vì giới tính của họ không chỉ là vấn đề quan điểm, đó là hành động phân biệt giới tính đã ăn sâu vào khuôn khổ xã hội. Mọi người nên có cơ hội như nhau và trên hết là có quyền tự do lựa chọn, đặc biệt khi nói đến cơ thể của chính họ”, Mies nhấn mạnh.

Chống lại tiêu chuẩn kép

Động thái này diễn ra sau một vụ việc tương tự ở Berlin vào năm 2021. Một phụ nữ Pháp sống ở thành phố, Gabrielle Lebreton, được yêu cầu rời khỏi công viên nước khi cô từ chối che ngực khi tắm nắng.

Sự việc đã châm ngòi cho một cuộc biểu tình, trong đó phụ nữ để ngực trần đạp xe và đàn ông mặc áo lót để phản đối, chống lại tiêu chuẩn kép.

Mies ăn mừng vì sự thay đổi quy tắc nhưng cho biết vẫn còn nhiều việc phải làm để đảm bảo quyền bình đẳng cho mọi giới tính.

Việc Đức có thái độ thoải mái với việc khỏa thân đôi khi gây sốc cho khách du lịch, nhưng đối với người dân địa phương, chính sách mới này không gây ngạc nhiên.

Arnd Bauerkämper, phó giáo sư lịch sử hiện đại tại Đại học Tự do Berlin, nói với BBC rằng vào đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa khỏa thân (FKK) là một phần của phong trào gần gũi hơn với thiên nhiên.

Bà Bauerkämper cho biết thêm đối với những người Đức sống ở Đông Đức, chủ nghĩa này hoạt động một phần như “chiếc van an toàn” - cách để giải tỏa căng thẳng trong tình trạng hạn chế thông qua tạo cơ hội cho một số “hành động tự do”.

Người điều hành bể bơi Berlin, Berliner Bäderbetriebe, nói rằng họ chào đón khách du lịch đến thành phố và các bể bơi công cộng, đồng thời yêu cầu khách thực hiện “sự tôn trọng và khoan dung lẫn nhau” khi đến thăm.

Chính trị gia cánh tả kỳ cựu của Đức, Gregor Gysi, cách đây vài năm đã bày tỏ sự thất vọng của ông về sự suy tàn của FKK, nói rằng chính “ánh mắt khiêu dâm” của người phương Tây phá hủy thú vui bơi khỏa thân.

Ông kêu gọi các chính quyền địa phương của Đức làm nhiều hơn nữa để bảo vệ các khu vực bãi biển và spa của FKK.

Berlin không phải là thành phố duy nhất của Đức cho phép bơi ngực trần. Vào tháng 5/2022, Göttingen ở Lower Saxony, miền Trung nước Đức, trở thành thành phố đầu tiên của Đức cho phép phụ nữ để ngực trần bơi trong các bể bơi trong nhà và ngoài trời.

(Nguồn: Zing News)

Lại xảy ra nổ súng ở Hamburg khiến 2 người thiệt mạng

(Ảnh minh họa).

Ngày 26/3, cảnh sát địa phương xác nhận 2 người đã thiệt mạng trong một vụ nổ súng ở thành phố Hamburg (Đức). Đây là vụ nổ súng gây thương vong thứ 2 xảy ra ở Hamburg chỉ riêng trong tháng này.

Cảnh sát cho biết đã hoàn tất chiến dịch lập lại trật tự tại khu vực xảy ra vụ việc và đang tiến hành điều tra. Tuy nhiên, nhà chức trách từ chối thông tin thêm về thủ phạm.

Trong khi đó, truyền thông đưa tin cảnh sát đã tới hiện trường, với 28 phương tiện được huy động ngay sau khi giới chức nhận được thông báo về vụ việc ngay trong đêm.

Trước đó, một vụ xả súng kinh hoàng cũng xảy ra ở thành phố Hamburg tối 9/3 khiến 8 người thiệt mạng, trong đó có cả thủ phạm là Philipp F. (một công dân Đức, 35 tuổi). Đối tượng đã dùng súng lục bán tự động Heckler & Koch P30 sở hữu hợp pháp bắn vào một nhóm người thuộc cộng đồng giáo phái Nhân chứng Jehovas (Jehovah’s Witnesses) khi những người này vừa kết thúc một buổi lễ. Sau khi bắn các nạn nhân, hung thủ đã dùng súng tự sát.

Ngoài 7 người thiệt mạng còn có 8 người bị thương, trong đó có 4 người trong tình trạng nguy kịch.

Philipp F. có nhiều dấu hiệu mắc bệnh hoang tưởng và sống khép kín.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

Đức, Anh căng thẳng về năng lượng, thực phẩm

Trong cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times hôm 24-3, ông Klaus Müller, người đứng đầu Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức, cho biết cuộc khủng hoảng điện ở nước này chưa kết thúc.

Theo ông, phần lớn kết quả phụ thuộc vào việc liệu mùa đông tới có lạnh hơn mùa đông trước hay không, kêu gọi các doanh nghiệp và hộ gia đình nỗ lực cắt giảm tiêu thụ khí đốt hơn nữa.

Mùa đông năm 2023-2024 cũng sẽ là mùa đông đầu tiên nước Đức phải trải qua mà hoàn toàn không có bất kỳ lượng khí đốt nào được cung cấp từ Nga, trong khi nguồn cung khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) toàn cầu dự kiến sẽ không tăng đáng kể trong năm nay hoặc năm tới.

Sự phục hồi của Trung Quốc cũng có thể dẫn đến nhu cầu khí đốt cao hơn, ảnh hưởng đến giá. Ngành công nghiệp Đức đã sử dụng khí đốt ít hơn 20% vào mùa đông vừa qua nhưng cần phải cắt giảm hơn nữa.

Giá thực phẩm và năng lượng tăng vọt cũng đã đẩy chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 của Anh lên tới 10,4%, cao hơn cả mức 10,1% của tháng 1, theo Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) công bố hôm 23-3. Trong đó, lạm phát chung đối với thực phẩm và đồ uống không cồn tăng tới 18%.

The Guardian dẫn lời nhà kinh tế trưởng của ONS Grant Fitzner cho biết đó là mức tăng cao nhất trong hơn 54 năm qua, đặc biệt tăng cao đối với các mặt hàng salad và rau củ do chi phí năng lượng cao và thời tiết xấu dẫn đến thiếu hụt.

Như vậy lạm phát ở Anh đã tăng lại bất ngờ sau 3 tháng chậm liên tiếp. Dữ liệu được đưa ra ngay trước khi Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) công bố tăng lãi suất lần thứ 11 liên tiếp hôm 24-3, lên thêm 0,25 điểm %.

(Nguồn: CafeF)

Đức nêu điều kiện chấm dứt xung đột Nga - Ukraine

(Ảnh minh họa).

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng Nga hiện chưa sẵn sàng chấp nhận điều kiện để chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine.

"Chúng ta phải sẵn sàng đảm bảo hỗ trợ (Ukraine) trong thời gian dài", Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói hôm 25/3.

"Cơ sở duy nhất cho mọi vấn đề là Nga phải nhận ra rằng họ không thể sáp nhập một phần lớn lãnh thổ Ukraine như họ đang làm bây giờ", ông Scholz nói thêm.

Theo Thủ tướng Đức, chỉ khi Nga nhận thức được điều trên thì mới có thể giải quyết được cuộc xung đột hiện nay.

"Tuy nhiên, tổng thống Nga vẫn chưa sẵn sàng thực hiện bước đi này", ông Scholz nói thêm.

Nhà lãnh đạo Đức khẳng định cuộc chiến ở Ukraine phải kết thúc với sự rút quân của Nga.

Cùng ngày, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhấn mạnh, điều quan trọng là giải quyết xung đột giữa Nga và Ukraine thông qua đàm phán trong thời gian sớm nhất.

"Tổng thống Erdogan cho biết ông rất coi trọng nỗ lực hướng tới chấm dứt cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine thông qua đàm phán càng sớm càng tốt", văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ.

Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần đưa ra ý tưởng làm trung gian đàm phán giữa Nga và Ukraine. Thổ Nhĩ Kỳ cũng tổ chức các cuộc hội đàm giữa các phái đoàn Nga và Ukraine.

Zhao Huirong, lãnh đạo phòng nghiên cứu Ukraine tại Viện nghiên cứu Nga, Đông Âu và Trung Á thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng việc giải quyết chính trị cuộc khủng hoảng Ukraine đòi hỏi nỗ lực từ nhiều quốc gia, đặc biệt là Mỹ, vì khả năng chiến đấu của Kiev phụ thuộc vào hỗ trợ quân sự từ Washington.

"Trong chuyến thăm Moscow, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trao đổi quan điểm về vấn đề Ukraine và hai bên đã đạt được sự đồng thuận", bà Zhao nói.

Nhà lãnh đạo Nga hoan nghênh thái độ của Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề và đảm bảo rằng Nga sẵn sàng nối lại đàm phán. "Đó là một tín hiệu tích cực trong bối cảnh giải quyết chính trị cuộc khủng hoảng ở Ukraine", chuyên gia Trung Quốc nhận định.

"Tất nhiên, giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ đòi hỏi nỗ lực từ nhiều phía, đặc biệt là Mỹ, vì Ukraine phụ thuộc nhiều vào hỗ trợ quân sự từ Mỹ và các đồng minh phương Tây để đạt được hiệu quả chiến đấu. Chỉ bằng cách bắt đầu đàm phán hòa bình và chấm dứt xung đột, một thảm họa nhân đạo lớn hơn mới có thể được ngăn chặn", bà Zhao nói thêm.

Trung Quốc đang nỗ lực thể hiện vai trò trung gian hòa giải xung đột Nga - Ukraine. Bắc Kinh đã công bố kế hoạch hòa bình 12 điểm vào thời điểm đánh dấu tròn một năm xung đột. Kế hoạch của Bắc Kinh gồm kêu gọi tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ cũng như đề xuất đảm bảo an ninh cho các cơ sở hạt nhân, cấm sử dụng vũ khí hóa học, sinh học. Ngoài ra, đề xuất còn bao gồm kêu gọi các bên ngừng bắn, phương Tây dừng viện trợ vũ khí cho Ukraine.

Cả Nga và Ukraine đều tuyên bố xem xét kế hoạch hòa bình của Trung Quốc. Chính quyền của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng nhấn mạnh ưu tiên công thức hòa bình 10 điểm do Kiev đưa ra.

(Nguồn: Dân Trí)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Luật Pháp

Nhập cư

Người Việt ở Đức

Chính trị - Xã hội

Lên đầu trang