Đức: Giao thông tê liệt; Deutsche Bank gặp rắc rối; Mua thêm lựu pháo; Gửi Leopard 2 cho Ukraine; Đảo ngược quyết định veto

Đình công 24 giờ làm tê liệt giao thông nội địa Đức và ảnh hưởng đến các chuyến bay quốc tế

(Ảnh minh họa).

Tại hai phi trường lớn nhất Đức là Munich và Frankfurt, nhiều nghìn chuyến bay đã bị hủy từ đêm Chủ Nhật, khi các nghiệp đoàn ngành giao thông tuyên bố đình công 24 giờ từ nửa đêm Chủ Nhật sang sáng thứ Hai 27/03.

Các sân bay nhỏ hơn cũng đóng cửa, khiến ít nhất 380 nghìn hành khách bị ảnh hưởng.

Một số sân bay khác cũng hủy chuyến, gây bức xúc cho người dân đã mua vé đi nghỉ.

Tập đoàn Lufthansa ngưng mọi chuyến bay quốc tế và khuyến nghị để hành khách đã mua vé, "tìm giải pháp khác".

Nghiệp đoàn Verdi đại diện cho khoảng 2,5 triệu công nhân viên trong khu vực công, bao gồm nhân viên sân bay yêu cầu tăng lương 10,5% cho thành viên của họ.

Các báo châu Âu gọi đây là "siêu đình công" - Mega strike - ở nền kinh tế lớn nhất EU.

Còn nghiệp đoàn EVG đại diện cho khoảng 230.000 nhân viên tại công ty hỏa xa Deutsche Bahn và các công ty xe bus muốn tăng lương 12%.

Các lãnh đạo nghiệp đoàn nói rằng với lạm phát cao, khoản tăng lương họ đòi chỉ để công nhân viên "tồn tại".

Không chỉ đình công, công nhân viên tại Đức còn xuống đường biểu tình.

Trước đó, ngành bưu điện đã thành công trong việc đòi tăng lương 10,5% tại Đức.

Được biết các nghiệp đoàn và đại diện chính phủ liên bang và các tiểu bang đã có cuộc gặp mặt đầu tiên để đàm phán về lương trong ngày 27/03.

Tuy thế, các báo Đức nói quan điểm của hai bên "còn rất xa nhau".

Ngưng trệ khắp nơi

Nhưng không chỉ các phi trường quốc tế ngưng trệ mà mạng xe lửa nổi tiếng là tiện lợi trong nội địa Đức cũng ngừng chạy.

Theo đài Deutche Welle (DW) hôm 27/03 thì tại bảy bang của Đức - Baden-Württemberg, Hesse, Lower Saxony, Bắc Rhine-Westphalia, Rhineland-Palatinate, Saxony và Bavaria, xe bus, tàu điện và mạng xe điện ngầm cũng bị đình trệ.

Đài này cảnh báo trong ngày thứ Hai các tuyến xa lộ và đường bộ "sẽ có vấn đề" vì người đi làm chỉ có sự lựa chọn...giữa ô tô và xe đạp.

Ông Klaus Wohlrabe, chuyên gia từ Viện nghiên cứu kinh tế Ifo được trích lời nêu ra ước tích thiệt hại cho kinh tế Đức 181 triệu euro vì "cảng hàng không bị đóng, sân bay hủy chuyến, tàu xe trống vắng".

Bên cạnh Đức, láng giềng là Pháp đã và đang có làn sóng đình công, biểu tình, thậm chí đốt phá để phản đối cải cách tuổi hưu.

Anh Quốc thì liên tục có đình công biểu tình của khu vực công từ vài năm nay.

(Nguồn: BBC)

Rắc rối tiếp tục “gõ cửa” ngân hàng Đức Deutsche Bank

Thay vì về nhà, CEO của Deutsche Bank đã chọn ở lại trụ sở nhà băng ở Frankfurt để phòng khi có bất kỳ sự cố nào xảy ra với ngân hàng thương mại lớn nhất nước Đức.

Là ngân hàng thương mại lớn nhất của Đức, Deutsche Bank có tổng tài sản khoảng 1.337 tỷ Euro (1.448 tỷ USD) và nắm giữ 621 tỷ Euro (671 tỷ USD) tiền gửi khách hàng, tính đến cuối năm 2022.

Sử dụng gần 85.000 nhân viên trên 58 quốc gia, Deutsche Bank là một trong 30 ngân hàng quan trọng có hệ thống toàn cầu mà các cơ quan quản lý giám sát chặt chẽ hơn, nhằm bảo vệ sự ổn định tài chính.

Giống như JPMorgan hay Citigroup, Deutsche Bank là một ngân hàng đa năng hoạt động trong nhiều lĩnh vực, từ cho vay hộ gia đình và doanh nghiệp, đến tư vấn về sáp nhập doanh nghiệp và giao dịch chứng khoán cho các nhà đầu tư lớn.

Dù từng là gã khổng lồ trong ngành ngân hàng sánh ngang với những “ông lớn” trên Phố Wall, nhưng Deutsche Bank chưa bao giờ thực sự hồi phục sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

“Quả ngọt” tái cấu trúc

Năm 2018, Deutsche Bank có CEO mới là ông Christian Sewing. Khi bắt đầu nắm quyền điều hành ngân hàng vào tháng 4/2018, ông Sewing đưa ra một lời hứa rất đơn giản: Làm cho ngân hàng thương mại lớn nhất nước Đức trở nên vững chắc hơn.

Trong bối cảnh Deutsche Bank phải đối mặt với những khoản tiền phạt nặng nề, hoạt động trì trệ, chi phí tái cấu trúc tốn kém và sự cạnh tranh từ các đối thủ nhanh nhẹn hơn của Mỹ, sau 4 tháng nhận nhiệm, vị CEO mới đã mạnh tay thực hiện tái cơ cấu.

Theo đó, Deutsche Bank đã cắt giảm khoảng 20% nhân sự toàn cầu của mình chỉ trong một ngày vào năm 2018, đóng cửa phần lớn bộ phận ngân hàng đầu tư – bao gồm cả giao dịch cổ phiếu, và thành lập một “bad bank” (ngân hàng thu nợ xấu) với 74 tỷ Euro tài sản rủi ro.

“Chúng tôi sẽ xây dựng lại Deutsche Bank một cách cơ bản, từ đó mở ra một kỷ nguyên mới cho ngân hàng”, ông Sewing cho biết vào thời điểm đó.

Sau nhiều năm tái cơ cấu đau đớn, dưới sự dẫn dắt của ông Sewing, một người có kiến thức chuyên sâu về kiểm toán, kiểm soát rủi ro và ngân hàng bán lẻ, cuối cùng Deutsche Bank dường như đã có thể thu “quả ngọt”.

Sau 5 năm thua lỗ liên tiếp từ 2015 đến 2019, Deutsche Bank đã có lãi trở lại từ năm 2020. Năm 2022, ngân hàng Đức thu lãi ròng 5,7 tỷ Euro (6,2 tỷ USD) – kết quả tốt nhất trong 15 năm (kể từ năm 2007).

Nhà băng này đạt tỉ suất lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROTE), thước đo chính về khả năng sinh lời, là 9,4%, và cũng đã xây dựng được bộ đệm vốn khổng lồ, với tỉ lệ vốn cổ phần cấp 1 (CET1) ở mức 13,4%.

Ngoài ra, tỉ lệ dự trữ thanh khoản (LCR) và tỉ lệ quỹ bình ổn ròng (NSFR) của Deutsche Bank lần lượt là 142% và 119%.

Những số liệu này cho thấy sẽ không có bất kỳ lo ngại nào về khả năng thanh toán hoặc vị thế thanh khoản của ngân hàng Đức.

Không phảiCredit Suisse tiếp theo

Các nhà đầu tư đang lo lắng về sức khỏe của ngành ngân hàng sau sự sụp đổ đột ngột của Silicon Valley Bank (SVB), Silvergate và Signature Bank ở Mỹ, và việc Credit Suisse của Thụy Sĩ bị đối thủ trong nước thâu tóm.

Trong bối cảnh đó, tổ chức cho vay hàng đầu của Đức trở thành “điểm nóng” mới nhất trong cuộc khủng hoảng ngân hàng ở châu Âu sau khi chỉ số CDS (một thước đo về rủi ro vỡ nợ) tăng đột biến, trong khi giá cổ phiếu của nhà băng này có lúc giảm tới 14% hôm 24/3.

Các nhà phân tích vẫn đang tìm cách giải thích lý do cho sự tháo chạy đột ngột của các nhà đầu tư.

“Rõ ràng, Deutsche Bank phải là Credit Suisse tiếp theo”, các nhà phân tích tại Autonomous Research khẳng định, đồng thời lập luận rằng ngân hàng Đức có lợi nhuận ổn định, có tỉ lệ vốn cao nhất kể từ cuối những năm 1990, và có rủi ro lãi suất thấp hơn so với một số ngân hàng khu vực của Mỹ.

Nhà phân tích Andrew Coombs tại Citigroup cho biết, những lo ngại về danh mục bất động sản thương mại của Deutsche Bank và cuộc điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ đối với các ngân hàng bị tình nghi giúp Nga né các lệnh trừng phạt dường như không đủ để giải thích cho việc cổ phiếu của nhà băng Đức bị các nhà đầu tư bán tháo ồ ạt.

Thay vào đó, ông Coombs đổ lỗi cho tâm lý thị trường, và trường hợp của Credit Suisse đã làm nổi bật mức độ dễ bị tổn thương của các ngân hàng đối với sự thay đổi niềm tin đột ngột.

Các quan chức Đức hôm 24/3 đã nhanh chóng bác bỏ những so sánh giữa Deutsche Bank và Credit Suisse. Khi được hỏi liệu ngân hàng Đức có phải là Credit Suisse tiếp theo hay không, Thủ tướng Olaf Scholz cho biết: “Deutsche Bank đã cơ bản hiện đại hóa và tổ chức lại hoạt động kinh doanh của mình, và là một ngân hàng rất có lãi. Không có lý do gì để nghi ngờ về tương lai của nó”.

Rắc rối nối tiếp rắc rối

Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường tài chính vẫn tiếp tục rung lắc bởi tình trạng hỗn loạn dai dẳng kể từ sự sụp đổ của SVB và việc Credit Suisse bị sáp nhập, Deutsche Bank trở thành ngân hàng tiếp theo bị gọi tên một phần vì hàng loạt vụ bê bối của nhà băng này trong những năm gần đây.

Trong thập kỷ qua, ngân hàng Đức đã buộc phải trả hàng tỷ USD tiền phạt vì các cáo buộc rửa tiền, nhầm lẫn trong việc bán trái phiếu, thao túng lãi suất, gian lận thế chấp và vi phạm lệnh các trừng phạt, với việc trụ sở của nhà băng ở Frankfurt đã bị lục soát 2 lần trong 5 năm qua.

Deutsche Bank đã trả 630 triệu USD cho các cơ quan quản lý của Vương quốc Anh và Mỹ vào năm 2017 vì “vô tình” chuyển khoảng 10 tỷ USD tiền mặt ra khỏi Nga từ năm 2012 đến 2015, sau khi nhân viên ngân hàng bỏ lỡ nhiều dấu hiệu cảnh báo về “mirror trading” (mô phỏng các giao dịch của một nhà giao dịch thành công).

Năm 2020, Deutsche Bank cũng đã đồng ý trả cho các nhà quản lý của Mỹ 150 triệu USD tiền phạt vì “những thất bại” trong việc ngăn chặn các giao dịch đáng ngờ của nhà tài chính tai tiếng quá cố Jeffrey Epstein, và vì giao dịch với Danske Bank – ngân hàng Đan Mạch có liên quan đến một trong những vụ bê bối rửa tiền lớn nhất từ trước đến nay.

Giống như nhiều tổ chức khác của Đức, Deutsche Bank cũng phải hứng chịu hậu quả khi bộ phận quản lý tài sản của họ bị lỗ 600 triệu Euro khi vướng vào vụ bê bối tài chính trị giá hàng tỷ USD của gã khổng lồ thanh toán Wirecard vào năm 2020.

Và năm 2022, ngân hàng Đức đã chi 26 triệu USD để giải quyết một vụ kiện tập thể do các nhà đầu tư Mỹ đưa ra.

Vào cuối tuần qua, khi rắc rối tiếp tục “gõ cửa” Deutsche Bank, ông Sewing đã chọn không trở về nhà ở Osnabrueck, thành phố nông thôn phía Tây Bắc nước Đức. Thay vào đó, vị CEO 52 tuổi đã ở lại trụ sở của Deutsche Bank ở Frankfurt, cách nhà 475 dặm (764 km), để phòng khi có bất kỳ sự cố nào xảy ra với nhà băng lớn nhất của đất nước

(Nguồn: Người Đưa Tin)

Đức tính mua thêm 28 pháo mạnh hàng đầu thế giới

(Ảnh minh họa).

Quân đội Đức dự kiến nhanh chóng mua bổ sung tối đa 28 khẩu PzH 2000 để thay thế số lựu pháo đã chuyển cho Ukraine.

Theo dự thảo ngân sách công bố ngày 27/3, Bộ Quốc phòng Đức đặt mục tiêu mua ít nhất 10 lựu pháo tự hành Panzerhaubitze 2000 (PzH 2000) với tổng giá trị khoảng 180 triệu USD. Cơ quan này cũng đưa ra tùy chọn mua thêm 18 khẩu PzH 2000 ngoài 10 tổ hợp nói trên.

Giới chức Đức ban đầu dự định đề xuất quốc hội duyệt mua thêm PzH 2000 vào mùa hè để bù 14 khẩu lựu pháo đã viện trợ cho Ukraine. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Đức đưa ra dự thảo ngân sách sớm hơn sau khi nhiều người chỉ trích quân đội nước này bù đắp thiếu hụt vũ khí quá chậm.

Quân đội Đức đang sở hữu 105 lựu pháo tự hành PzH 2000. Bộ Quốc phòng Đức tháng 12/2022 thừa nhận chỉ có thể triển khai 36 khẩu PzH 2000, tương đương 1/3 tổng số trong biên chế.

Đức phát triển lựu pháo tự hành PzH 2000 155 mm năm 1987-1996, sau đó đưa vào sản xuất hàng loạt và biên chế trong quân đội. PzH 2000 được đánh giá là một trong những tổ hợp lựu pháo mạnh nhất thế giới, với khả năng bắn nhanh 9 phát/phút.

PzH 2000 có tầm bắn 30-47 km với đạn thường và 67 km với đạn tăng tầm. Pháo tự hành này có tầm hoạt động 420 km, đạt tốc độ tối đa 67 km/h trên đường nhựa và 45 km/h trên địa hình gồ ghề. Kíp lái của PzH 2000 gồm 5 người, pháo có thể mang theo 60 viên đạn.

Đức đã chuyển cho Ukraine 22 pháo PzH 2000 sau khi xung đột giữa nước này với Nga bùng phát. Nghị sĩ Đức Marcus Faber tháng 8/2022 cho biết 10 trong 15 khẩu PzH 2000 đầu tiên mà Ukraine nhận bị hỏng vì sử dụng quá nhiều.

(Nguồn: Vnexpress)

Thủ tướng Đức xác nhận đã gửi xe tăng Leopard 2 cho Ukraine

Phát biểu tối ngày 27/3, Thủ tướng Đức Olaf Scholz xác nhận thông tin chính phủ Đức đã gửi các xe tăng Leopard 2 cho Ukraine, đồng thời cho biết sẽ tiếp tục trợ giúp các khí tài hiện đại cho quân đội Ukraine trong thời gian tới.

Thông tin về việc Đức đã gửi xe tăng Leopard 2 cho quân đội Ukraine được Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định trong buổi họp báo chung với Thủ tướng Hà Lan, Mark Rutte chiều tối ngày 27/3, nhân chuyến thăm chính thức của ông Olaf Scholz cùng nhiều Bộ trưởng Đức đến Hà Lan. Theo người đứng đầu chính phủ Đức, bên cạnh xe tăng Leopard 2, Đức sẽ tiếp tục viện trợ nhiều loại vũ khí khác cho Ukraine.

Ông Olaf Scholz cho biết: “Đức và Hà Lan đã cùng gửi các xe chiến đấu bộ binh cùng đạn pháo cho Ukraine và hiện nay, cùng với Đan Mạch, chúng tôi đang chuẩn bị chuyển giao các xe tăng Leopard 1 cho quân đội Ukraine, để bổ sung cho các loại xe tăng khác, bao gồm cả những thế hệ xe tăng hiện đại nhất, mà chúng tôi vừa chuyển giao”.

Trước khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz xác nhận thông tin, báo chí châu Âu đầu tuần này đã nhiều lần đưa tin về việc những chiếc xe tăng Leopard 2 đầu tiên trong gói viện trợ của Đức đã được chuyển đến Ukraine. Theo cam kết của chính phủ Đức vào đầu năm nay, quân đội Đức sẽ cung cấp 18 xe tăng Leopard 2 A6 cho quân đội Ukraine. Các nước khác tại châu Âu như Tây Ban Nha, Ba Lan, Thuỵ Điển cũng đã hứa hẹn sẽ cung cấp loại xe tăng này cho Ukraine. Ngoài ra, Đức cùng Hà Lan và Đan Mạch cũng đang tài trợ kinh phí để sửa chữa các xe tăng Leopard 1 lạc hậu hơn, với mục tiêu sẽ chuyển giao cho Ukraine 25 xe tăng Leopard 1 trong mùa Hè này, nâng lên 80 chiếc vào cuối năm 2023 và trên 100 chiếc trong năm 2024.

Ngoài các xe tăng Leopard do Đức sản xuất và đang được quân đội nhiều nước châu Âu vận hành, một số nguồn tin báo chí châu Âu ngày 27/3 cũng cho biết những xe tăng Challenger 2 đầu tiên của Anh cũng đã được đưa tới Ukraine. Đến mùa Thu năm nay, quân đội Mỹ cũng dự tính sẽ chuyển giao xe tăng Abrams cho quân đội Ukraine.

Tổng cộng, các nước phương Tây có thể cung cấp cho quân đội Ukraine từ 200-400 xe tăng các loại. Bên cạnh xe tăng, đang có dấu hiệu các nước phương Tây cũng sẽ dần bật đèn xanh cho việc cung cấp máy bay chiến đấu hiện đại cho quân đội Ukraine, một động thái chắc chắn sẽ làm leo thang và kéo dài xung đột tại Ukraine.

(Nguồn: VOV)

Đức đảo ngược quyết định veto, EU thông qua thỏa thuận lịch sử

(Ảnh minh họa).

27 quốc gia thành viên EU ngày 27/3 đã thông qua thỏa thuận cấm bán xe hơi chạy bằng nhiên liệu hóa thạch từ 2035.

Thụy Điển, chủ tịch luân phiên của EU, cho biết thỏa thuận đã nhận được phiếu ủng hộ của đại sứ tất cả quốc gia thành viên. Trong ngày 28/3, bộ trưởng Năng lượng các nước EU sẽ nhóm họp để đưa ra quyết định với văn bản cuối cùng, AFP đưa tin.

Thỏa thuận được thông qua sau khi Đức rút lại quyền phủ quyết. Trước đó, Berlin kêu gọi EU đưa vào thỏa thuận ngoại lệ dành cho xe động cơ đốt trong sử dụng nhiên liệu CO2 trung tính.

Nhiên liệu CO2 trung tính hiện vẫn trong quá trình phát triển và chưa được sản xuất trên quy mô thương mại. Loại nhiên liệu này được sản xuất một phần từ khí CO2, do đó tổng hợp việc sản xuất và sử dụng nhiên liệu này không gây phát thải thêm khí CO2 ra môi trường.

Đức là nước sản xuất xe động cơ đốt trong lớn nhất EU. Ngoại lệ dành cho xe động cơ đốt trong sử dụng nhiên liệu CO2 trung tính sẽ giúp kéo dài tuổi thọ các dây chuyền sản xuất ôtô của Đức.

Sau nhiều tuần đàm phán, EU và Đức cuối tuần qua đã đi đến một thỏa thuận. Bộ trưởng Giao thông Đức Volker Wissing cho biết xe động cơ đốt trong sẽ tiếp tục được đăng ký mới từ 2035 chỉ khi chúng hoạt động bằng nhiên liệu CO2 trung tính.

(Nguồn: Zing News)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Luật Pháp

Nhập cư

Người Việt ở Đức

Chính trị - Xã hội

Lên đầu trang