Đức: Giao thông tê liệt; Cổ phiếu Deutsche Bank mất giá; Đột kích toàn quốc; Đạt thoả thuận khí thải ô tô với EU

Giao thông Đức tê liệt vì đình công lớn nhất trong nhiều thập kỷ

(Ảnh minh họa).

Các sân bay, nhà ga xe buýt và tàu hỏa trên khắp nước Đức đã ngừng hoạt động sáng nay (27/3) vì một trong những cuộc đình công lớn nhất trong nhiều thập kỷ tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Các cuộc đình công kéo dài 24 giờ, do công đoàn Verdi và liên đoàn đường sắt - vận tải EVG kêu gọi là hành động mới nhất ảnh hưởng đến các nền kinh tế lớn của châu Âu trong nhiều tháng qua, trong bối cảnh giá lương thực và năng lượng leo thang, làm giảm mức sống của người lao động. Sự cố đã làm gián đoạn việc đi lại của hàng triệu khách đi xe tuyến và khách du lịch ở Đức vào ngày đầu tuần.

Theo Reuters, hai trong số các sân bay lớn nhất Đức ở Munich và Frankfurt đã đình chỉ các chuyến bay, trong khi các dịch vụ đường sắt đường dài đã bị nhà điều hành Deutsche Bahn cho hủy bỏ.

Công đoàn Verdi đang thay mặt đàm phán cho khoảng 2,5 triệu lao động trong khu vực công, bao gồm cả giao thông công cộng và tại các sân bay. Trong khi liên đoàn vận tải và đường sắt EVG đàm phán cho khoảng 230.000 nhân viên thuộc Deutsche Bahn và các công ty xe buýt.

Tờ Bild am Sonntag dẫn lời Frank Werneke, lãnh đạo công đoàn Verdi tuyên bố, đình công là vấn đề sống còn của hàng triệu lao động trong tình hình lạm phát cao. Giá tiêu dùng ở Đức đã tăng hơn dự đoán trong tháng 2, tới 9,3% so với một năm trước vì áp lực chi phí vẫn còn ngay cả khi Ngân hàng Trung ương châu Âu đang cố gắng chế ngự lạm phát bằng một loạt đợt tăng lãi suất.

Chủ tịch EVG Martin Burkert chia sẻ trên tờ Augsburger Allgemeine rằng các nhà tuyển dụng vẫn chưa đưa ra một đề nghị khả thi nào. Ông cảnh báo có thể sẽ xảy ra thêm các cuộc đình công, kể cả trong thời gian nghỉ lễ Phục sinh sắp tới.

Ngược lại, công ty Deutsche Bahn hôm 26/3 gọi đình công là "hoàn toàn quá mức, vô căn cứ và không cần thiết". Các chủ thuê lao động khuyến cáo, lương cao hơn cho nhân viên vận tải sẽ dẫn đến giá vé và thuế cao hơn để bù đắp.

(Nguồn: Vietnamnet)

Cổ phiếu Deutsche Bank mất giá làm các nhà đầu tư thêm lo ngại

Sự sụt giảm mạnh của cổ phiếu ngân hàng ở châu Âu làm tăng lo ngại rằng sự hoảng loạn gây ra bởi sự sụp đổ của hai ngân hàng Mỹ và việc mua lại tập đoàn khổng lồ Thụy Sĩ Credit Suisse có thể không dễ dàng được kiểm soát.

Cổ phiếu của Deutsche Bank của Đức đã giảm 14% vào một thời điểm vào thứ Sáu, với những các ngân hàng khác cũng bị thua lỗ nặng.

FTSE 100 của London kết thúc ngày giảm 1,3%, trong khi thị trường chứng khoán ở Đức và Pháp còn giảm mạnh hơn.

Nhưng nỗi sợ hãi của Hoa Kỳ đã không diễn ra trên thực tế. Sau khi giảm vào đầu ngày, Chỉ số Dow Jones tăng 0,4% và S&P 500 tăng gần 0,6%, trong khi Nasdaq kết thúc cao hơn 0,3%.

Sự gia tăng diễn ra bất chấp sự sụt giảm giá cổ phiếu của các ngân hàng lớn như JPMorgan Chase và Morgan Stanley.

Tại châu Âu, các ngân hàng bị bán tháo do các nhà đầu tư lo lắng bao gồm ngân hàng Commerzbank của Đức với cổ phiếu giảm khoảng 5%. Societe Generale của Pháp giảm khoảng 6% trong khi ở Anh, Standard Chartered là cổ phiếu giảm mạnh nhất, hơn 6%.

Deutsche đã phục hồi sau khoản lỗ nặng nhất nhưng vẫn đóng cửa ở mức thấp hơn 8%.

Russ Mould, giám đốc đầu tư tại AJ Bell, nói với BBC rằng giá cổ phiếu của Deutsche Bank giảm và chi phí bảo hiểm tăng vọt trong trường hợp ngân hàng có thể vỡ nợ, là "dấu hiệu cho thấy sự mất niềm tin ngày càng lớn vào lĩnh vực ngân hàng".

"Có một nỗi lo sợ rằng các ngân hàng trung ương có thể đã quá lạm dụng việc tăng lãi suất, để ở mức quá thấp trong một thời gian quá dài," ông nói.

Các ngân hàng trung ương đã cắt giảm lãi suất trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và một lần nữa khi đại dịch xảy ra vào năm 2020 như một phần trong nỗ lực khuyến khích tăng trưởng kinh tế.

Nhưng trong hơn một năm qua, nhà chức trách các nước đã tăng lãi suất mạnh để cố gắng kiểm soát mức tăng giá chóng mặt.

Những đợt tăng lãi suất này đã ảnh hưởng đến giá trị của các khoản đầu tư mà các ngân hàng giữ một phần tiền của họ và góp phần vào sự thất bại của các ngân hàng ở Mỹ.

Giá cổ phiếu đã giảm trong toàn ngành ngân hàng, khi các nhà đầu tư có tiếng cảnh báo sự sụp đổ là triệu chứng của những vấn đề sâu sắc hơn trong hệ thống, với những khó khăn khác vẫn chưa xuất hiện.

Ông Mold cho biết lãi suất cao hơn cũng làm tăng khả năng xảy ra suy thoái kinh tế, và nếu điều đó xảy ra, "các ngân hàng nhìn chung sẽ thấy khá khó khăn".

Các ngân hàng trung ương và chính phủ đã cố gắng xoa dịu những lo lắng của thị trường.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã bảo vệ Deutsche Bank tại một cuộc họp báo vào thứ Sáu, và nói rằng ngân hàng này đã "tổ chức lại và hiện đại hóa mô hình kinh doanh của mình" và "rất có lãi".

Thống đốc Ngân hàng Anh Andrew Bailey cũng nói với BBC rằng hệ thống ngân hàng của Anh "an toàn và lành mạnh".

Nhưng các thông điệp lẫn lộn từ nhà chức trách Hoa Kỳ về việc liệu họ có sẵn sàng đảm bảo tất cả các khoản tiền gửi ngân hàng hay không đã dẫn đến sự nhầm lẫn và hy vọng rằng khu vực này đã ổn định trở lại dường như là quá sớm.

Cục Dự trữ Liên bang báo cáo rằng Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen đã triệu tập một cuộc họp đột xuất vào thứ Sáu với các nhà quản lý về ổn định tài chính, trong khi việc sử dụng chương trình cho vay khẩn cấp đối với các ngân hàng mà ngân hàng trung ương Hoa Kỳ tạo ra trong tháng này đã tăng lên trong tuần qua.

Bloomberg News cũng đưa tin rằng UBS và Credit Suisse đang bị Bộ Tư pháp Hoa Kỳ điều tra về việc liệu họ có giúp đỡ các nhà tài phiệt Nga tránh lệnh trừng phạt hay không.

Trong khi đó, tình trạng hỗn loạn tài chính do những thất bại gây ra đã làm gia tăng sự không chắc chắn về việc lãi suất có thể tăng cao hơn bao nhiêu nữa.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell cho biết trong tuần này, ngân hàng có thể không tăng chi phí đi vay nhiều hơn nữa, nếu sự hoảng loạn ngân hàng tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động cho vay và làm chậm tăng trưởng kinh tế.

(Nguồn: BBC)

Đột kích toàn quốc ở Đức vì âm mưu đảo chính do một 'hoàng tử' cầm đầu

(Ảnh minh họa).

Một mạng lưới cực đoan chưa từng thấy ở Đức đang bị phơi bày ra ánh sáng khi cảnh sát thực hiện các cuộc đột kích toàn quốc nhắm vào những kẻ âm mưu đảo chính lật đổ chính phủ.

Phong trào Reichsbürger, hay “công dân đế chế”, được tạo nên từ các nhóm nhỏ và cá nhân trải rộng trên khắp nước Đức. Họ có những quan điểm kỳ lạ, phủ nhận tính hợp pháp của nhà nước Đức hiện đại, theo CNN.

Tháng 12/2022, 25 người đã bị bắt giữ vì âm mưu tấn công tòa nhà quốc hội Đức và lật đổ trật tự hiến pháp. Họ muốn đưa vị quý tộc hoàng thân Heinrich XIII Prinz Reuss lên vị trí lãnh đạo đất nước.

Các cuộc đột kích liên quan đến phong trào Reichsbürger vẫn được tiếp tục. Quan chức Đức ngày 23/3 cho biết một người nghi ngờ là thành viên tổ chức đã bị bắt giữ sau khi một cảnh sát bị bắn vào ngày 22/3.

“Vụ nổ súng cho thấy các nhiệm vụ nguy hiểm như thế nào. Nhiệm vụ của chính quyền là giải tán Reichsbürger”, Bộ trưởng Tư pháp Đức Marco Buschmann nói.

Phong trào Reichsbürger là gì?

Những người ủng hộ phong trào có một loạt niềm tin kỳ lạ, bao gồm cả việc cho rằng Cộng hòa Liên bang Đức là quốc gia bất hợp pháp, không thể tồn tại theo luật pháp quốc tế.

Một số người tin rằng Đế quốc Đức năm 1871 vẫn tồn tại. Những người khác lại muốn khôi phục Đệ tam Đế chế phát xít của Adolf Hitler.

Thành viên của phong trào thường có hệ tư tưởng cánh hữu, dân túy, bài Do Thái và phát xít.

“Công dân đế chế” mơ rằng hiến pháp Đế chế Đức xưa còn giá trị. Vì vậy, họ yêu cầu chắt của Wilhelm II, người đã thoái vị vào năm 1918, lên ngôi.

Werner Patzelt, một nhà khoa học chính trị và cựu giáo sư tại Đại học Công nghệ Dresden, cho rằng Reichsbürger không phải là một “phong trào”. Nó trên thực tế là “một mạng lưới lỏng lẻo kết hợp những người kém hiểu biết về chính trị, tin rằng hoặc hành xử như thể Cộng hòa Liên bang Đức không tồn tại”.

“Họ tuyên bố rằng Đức vẫn là một quốc gia bị chiếm đóng dưới sự kiểm soát của Mỹ, hoặc một doanh nghiệp đăng ký tại Frankfurt. Từ những điều hư cấu như vậy, họ cho mình “quyền” không phải nộp thuế, tiền phạt, hoặc tự thiết lập các cơ quan chính trị lâm thời”, ông nói với CNN.

“Phần lớn những người ủng hộ phong trào này giống như diễn viên kịch hài. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, sự kém cỏi về chính trị có thể đi đôi với khả năng phạm tội. Nó dẫn đến các cuộc tấn công nhắm vào viên chức hoặc cảnh sát”, ông nhận xét thêm.

Nhiều người ủng hộ phong trào từ chối hợp tác với nhà nước Đức bằng cách không nộp thuế, tự in tiền và chứng minh thư.

“Bạn gặp người theo phong trào này ở mọi tầng lớp xã hội. Tôi đã gặp nhiều kiểu người, có nha sĩ, có người làm tại cơ quan thuế. Một số người không biết họ đang bước vào điều gì”, Tobias Ginsburg, một nhà báo người Đức bí mật đưa tin về Reichsbürger, cho biết.

Ông cho rằng chính quyền can thiệp âm mưu đảo chính năm ngoái chỉ là một bước rất nhỏ trong quá trình giải quyết chủ nghĩa cực đoan cực hữu ở Đức.

“Phần lớn dân số Đức nhận thức rằng Reichsbürger là những kẻ xấu xa hoặc những người già, hoặc một hoàng tử kỳ quặc. Ai cũng thắc mắc rằng liệu họ có chút khả năng thành công nào không”, ông Ginsburg nói.

Thành viên hoàng gia liên quan đến phong trào là hoàng thân Heinrich XIII, năm nay 71 tuổi. Ông bị cáo buộc là một trong những kẻ cầm đầu phong trào.

Hoàng tử Heinrich XIII của nhà Reuss là hậu duệ của gia đình quý tộc 700 năm tuổi từng trị vì một khu vực phía đông nước Đức. Ông từng làm việc với tư cách là một nhà môi giới bất động sản cao cấp.

“Chúng ta cần hiểu vấn đề không phải cái gọi là Reichsbürger, mà là hệ tư tưởng cực hữu khiến người dân tự hành động theo niềm tin của mình”, ông Ginsburg nói.

Sự nguy hiểm khôn lường

Chính phủ Đức ghi nhận khoảng 23.000 cá nhân ít nhiều có cảm tình, ủng hộ thụ động hoặc tích cực tham gia phong trào Reichsbürger, tăng từ con số 19.000 vào năm 2019.

Trong số này, ước tính 1.250 người có liên quan đến lực lượng cực đoan cánh hữu. Ông Ginsburg nhận định rằng số liệu chính thức là chưa chính xác, bởi nhiều thành viên không công khai quan điểm.

Nhóm này trở nên nổi tiếng trong đại dịch Covid-19, khi các thuyết âm mưu ở Đức gia tăng đáng kể.

Nghiên cứu được công bố bởi Mạng lưới toàn cầu về Chủ nghĩa cực đoan và Khủng bố cho biết nhiều thuyết âm mưu có liên quan đến các nhóm Reichsbürger và QAnon.

Các hệ tư tưởng của phong trào Reichsbürger cũng phổ biến trong những người không tin Covid-19 có thật và phản đối phong tỏa.

Phong trào “Querdenker” của những người phản đối biện pháp chống dịch đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình quá khích chống lại chính phủ. Khi ấy, biểu tượng của Reichsbürger và QAnon luôn xuất hiện.

Bộ Nội vụ Đức đã đưa ra một đánh giá về phong trào Reichsbürger, khẳng định những người ủng hộ “không hề vô hại”, mà là “những kẻ cực đoan nguy hiểm, bị thúc đẩy bởi những suy tưởng bạo lực và sở hữu nhiều vũ khí”.

Kho dự trữ vũ khí của phong trào này khiến các nhà chức trách đặc biệt lo ngại. Số liệu mới nhất cho thấy khoảng 400 thành viên sở hữu vũ khí. Kể từ năm 2016, 1.100 người đã bị thu hồi giấy phép sử dụng vũ khí.

Khoảng 2.300 thành viên bị đánh giá là có khả năng bạo lực cao, tăng 200 người so với năm 2021. Viện Đối thoại Chiến lược (ISD) nhận định phong trào có số lượng thành viên đáng kể là cựu binh, bao gồm nhiều người xuất ngũ từ những đơn vị tinh nhuệ.

Ông Ginsburg gọi nhóm này là “cực kỳ nguy hiểm” và lo ngại rằng ý thức hệ cực đoan có thể lan rộng.

“Nếu xem xét kỹ đảng cánh hữu AfD, chúng ta sẽ tìm thấy những liên kết với thuyết âm mưu của Reichsbürger. Nhiều đảng viên AfD ngồi trong quốc hội có tư tưởng cực hữu và có thể là thành viên của Reichsbürger”, ông Ginsburg nhận xét.

Để chống lại mối đe dọa này, ông cho rằng chính quyền Đức cần giải quyết thông qua quá trình giáo dục về chủ đề cực hữu tại các trường học.

“Chúng ta nói nhiều về cuộc chiến chống cực hữu và cái bóng của lịch sử. Nhưng giáo dục về tư tưởng phát xít, cách chúng lan rộng và cách ngăn chặn vẫn rất mơ hồ”, ông nói.

Chính phủ Đức khẳng định sẽ tiếp tục hành động cho đến khi đất nước thoát khỏi chủ nghĩa cực đoan.

“Chúng tôi bảo vệ nền dân chủ bằng cách chống lại các mối đe dọa cực đoan. Chúng tôi sẽ tiếp tục với cách giải quyết cứng rắn cho đến khi hoàn toàn phơi bày và tiêu diệt hệ tư tưởng kiểu này”, Bộ Nội vụ Đức tuyên bố.

(Nguồn: Zing News)

Đức và EU đạt thoả thuận về khí thải ô tô sau năm 2035

Đức và Liên minh châu Âu (EU) ngày hôm qua thông báo đã đạt được thỏa thuận về tương lai của ô tô sử dụng động cơ đốt trong sau năm 2035 nhằm chống biến đổi khí hậu.

Ngày 26/3, Liên minh Châu Âu và Đức đã đạt được thỏa thuận về việc sử dụng động cơ đốt trong trong tương lai, một vấn đề luôn được ngành công nghiệp ô tô theo sát.

Hai bên nhất trí vẫn cho phép đăng ký xe mới sử dụng động cơ đốt trong sau năm 2035 với điều kiện các xe này chỉ sử dụng nhiên liệu đạt mức trung hòa về khí thải.

Bộ trưởng Giao thông - Vận tải Đức Volker Wissing cũng thông báo thoả thuận đạt được tối 24/3 đã mở cánh cửa đối với các phương tiện sử dụng động cơ đốt trong chỉ sử dụng nhiên liệu thân thiện với khí hậu, từ đó các phương tiện này vẫn có thể đăng ký hoạt động sau năm 2035.

Chính trị gia thuộc đảng Dân chủ Tự do (FDP) cũng cho biết các bước đi cụ thể về mặt thủ tục đã được ấn định và tiến trình có thể hoàn tất vào mùa Thu năm 2024.

Hồi tháng 10/2022, Nghị viện châu Âu và các quốc gia EU đã nhất trí từ năm 2035 sẽ chỉ cho phép đăng ký mới những ô tô mới không phát thải. Tuy nhiên, Đức bất ngờ lại muốn cả những ô tô mới có động cơ đốt trong sử dụng nhiên liệu tổng hợp có thể được đăng ký sau thời điểm này.

Theo lập luận của Berlin, các ô tô này tuy sử dụng động cơ đốt trong nhưng lại dùng nhiên liệu tổng hợp được sản xuất bằng năng lượng tái tạo và trung hòa về khí thải. Do vậy, kế hoạch phê chuẩn của các nước EU đầu tháng Ba vừa qua đã bị trì hoãn do vấp phải sự phản đối của Đức. Bộ Giao thông - Vận tải liên bang Đức và Ủy ban châu Âu sau đó đã đàm phán về một thỏa hiệp và đạt được thống nhất như trên.

Thụy Điển, quốc gia giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU cho biết, các nhà ngoại giao EU sẽ bỏ phiếu vào thứ Hai (27/3) để chính thức thông qua luật loại bỏ dần ô tô động cơ đốt trong vào năm 2035.

(Nguồn: Môi trường & Đô thị)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Luật Pháp

Nhập cư

Người Việt ở Đức

Chính trị - Xã hội

Lên đầu trang