Đức: Điều đang ngáng đường kinh tế; Loại trừ khủng hoảng tài chính; Thiếu khí đốt mùa đông tới; Bộ trưởng thăm Đài Loan

Điều gì đang ngáng đường tăng tốc của kinh tế Đức?

(Ảnh minh họa).

Thủ tướng Olaf Scholz muốn nền kinh tế lớn nhất châu Âu bứt phá, trong bối cảnh thách thức về năng lượng, dân số già và chậm chuyển đổi số.

"Chúng ta đang ở thời điểm có nhiều biến động lớn", Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói vào ngày 6/3 khi đứng trước lâu đài Schloss Meseberg ở Brandenburg. Ông giải thích rằng điều này không chỉ vì chiến sự Ukraine mà còn bởi đòi hỏi chuyển đổi trước các áp lực môi trường.

Gần đây, ông Scholz thường xuyên nhắc đến "Tốc độ mới của Đức". Tham vọng của người đứng đầu nội các là đưa Đức tăng tốc, thành một nền kinh tế mạnh mẽ hơn và trung hòa được lượng khí thải carbon. Nhưng liệu ông có thể hiện thực hóa điều này hay không?

"Đức vốn đã có nhiều điểm yếu lớn trước khủng hoảng", Clemens Fuest, người đứng đầu IFO - một tổ chức tư vấn chính sách kinh tế có trụ sở tại Munich, nhận xét. Theo ông, xung đột Ukraine đã phơi bày sự phụ thuộc của Đức vào nguồn năng lượng giá rẻ của Nga.

Mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc cũng là một rủi ro tiềm ẩn. Năm ngoái, Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Đức lần thứ 7 liên tiếp. Tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu lên hơn 298 tỷ euro (320 tỷ USD), tăng khoảng 21% so với 2021.

Đức phụ thuộc vào Trung Quốc để nhập khẩu đất hiếm (nguyên liệu sản xuất pin và chất bán dẫn) cũng như các khoáng chất quan trọng khác. Tập đoàn hóa chất BASF đang đầu tư 10 tỷ euro vào một nhà máy mới ở miền nam Trung Quốc. 40% doanh số bán hàng của Volkswagen, nhà sản xuất ôtô lớn nhất châu Âu, cũng đến từ nước này.

Theo The Economist, Đức cũng chậm chân trong việc giảm khí thải carbon và số hóa nền kinh tế. Họ còn chưa giải quyết được các vấn đề về nhân khẩu học và tình trạng thiếu hụt công nhân lành nghề, đặc biệt ở các công ty cỡ trung bình.

Hầu hết nhà kinh tế cho rằng điều này không đồng nghĩa toàn bộ mô hình kinh doanh của Đức bất ổn. Dù vậy, quốc gia này cần thay đổi cấu trúc một cách sâu rộng.

Năm ngoái, khi giá năng lượng leo thang, lo ngại về tương lai ngành sản xuất công nghiệp Đức bắt đầu nổi lên, đặc biệt là trong lĩnh vực hóa chất. Một số ngành khác cũng bị đề cập đến, như sản xuất giấy, gốm sứ và các hàng hóa sử dụng nhiều năng lượng.

Chỉ số chứng khoán DAX (Đức) giảm 27% trong 9 tháng đầu năm 2022, gần gấp đôi mức giảm của FTSE 100 (Anh) hoặc S&P 500 (Mỹ). Một số chuyên gia đã dự đoán Đức sẽ suy thoái sâu năm 2023.

Tuy nhiên, triển vọng giờ đã tươi sáng hơn. Nhờ mùa đông ấm hơn bình thường, Đức chưa phải phân bổ sử dụng khí đốt như lo ngại ban đầu. Theo dự báo của chính phủ, nước này có khả năng tránh được suy thoái trong năm nay. "Nền kinh tế đã phục hồi tốt hơn dự kiến", Klaus Günter Deutsch - lãnh đạo Liên đoàn Công nghiệp Đức nhận định.

Lo ngại với ngành công nghiệp cũng dịu lại. Tiêu thụ năng lượng hiện giảm 13% so với tháng 1/2022, nhưng sản lượng công nghiệp tổng thể vẫn tăng. Điều này cho thấy các chuỗi cung ứng đã được sắp xếp lại và quá trình phi công nghiệp hóa đã không diễn ra.

Ví dụ, BASF đang tái cấu trúc sản xuất, loại bỏ các sản phẩm có tỷ suất lợi nhuận thấp. Các nhà sản xuất thép cũng làm như vậy. "Nhu cầu với thép hàng hóa tại thị trường Đức đã giảm đáng kể trong những thập kỷ gần đây", Markus Grolms, Phó Ban giám sát ThyssenKrupp cho biết. Công ty này đang tập trung vào các sản phẩm thép chuyên dụng cao mà rất ít công ty có thể sản xuất được.

Rüdiger Bachmann, nhà kinh tế tại Đại học Notre Dame ở Indiana (Mỹ), dự báo bức tranh ngành sản xuất Đức sẽ thay đổi vĩnh viễn. Một tỷ lệ nhỏ các công ty sử dụng nhiều năng lượng, với quy trình đơn giản, như sản xuất amoniac, kẽm hoặc nhôm, sẽ chuyển ra nước ngoài. Những công ty khác, với quy trình sản xuất phức tạp hơn, có thể sẽ thay thế họ.

Tuy nhiên, ngay cả khi có ít doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng, Đức vẫn cần thêm năng lượng xanh nếu muốn trở thành một nền kinh tế trung hòa khí thải vào năm 2045. Những nỗ lực giảm phát thải của nước này đang bị chậm lại. Lượng khí thải carbon năm 2020 là 9 tấn mỗi người, cao hơn khoảng 50% so với Pháp, Italy hoặc Tây Ban Nha.

Theo The Economist, với Đức - một nước tham vọng đi đầu về ứng phó biến đổi khí hậu, thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng năng lượng tái tạo là một chặng đường dài.

Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos (Thụy Sĩ) vào tháng 1, ông Scholz cũng nói về "tốc độ mới của Đức" trong việc đạt các mục tiêu về khí hậu. Gần đây, nước này thông qua đạo luật ưu tiên mở rộng năng lượng gió, mặt trời, và hydro.

Theo chính sách mới này, thời gian phê duyệt dự án đã nhanh hơn hai năm so với trước đây. Năm nay, chính phủ Scholz tăng hơn gấp đôi số dự án điện gió trên bờ cần đấu thầu. Mục tiêu đầy tham vọng của ông là đến năm 2030, họ sẽ xây dựng bốn hoặc năm tuabin gió mới mỗi ngày. Ông Scholz hứa hẹn đến khi đó, 80% sản lượng điện của Đức sẽ đến từ năng lượng tái tạo.

Còn trong lĩnh vực số hóa, Đức chỉ xếp hạng trung bình trong các thành viên EU về việc tích hợp công nghệ trong doanh nghiệp. Hành chính công cũng có thứ hạng thấp tương tự. Nhiều bang và thành phố đã trễ hạn cung cấp gần 600 dịch vụ công trực tuyến vào năm ngoái.

Dù vậy, nước này cũng đã có tiến bộ trong một số lĩnh vực, đặc biệt là khu vực tư nhân. Theo chiến lược Gigabit của chính phủ, ít nhất 50% hộ gia đình và doanh nghiệp Đức sẽ được kết nối với mạng cáp quang năm 2025. Tỷ lệ này sẽ đạt 100% năm 2030. Một số doanh nghiệp đang có tiến triển, đặc biệt là các công ty trong lĩnh vực kỹ thuật và máy móc.

Tuy nhiên, việc thay đổi văn hóa để đón nhận nền kinh tế kỹ thuật số cần có thời gian. Matthias Knecht (41 tuổi) - đồng sáng lập Billie - một công ty khởi nghiệp chuyên về thanh toán ở Berlin cho biết điều này còn phụ thuộc vào độ tuổi của giám đốc.

Thách thức cuối cùng là thay thế lao động nghỉ hưu. Những người trong độ tuổi lao động của Đức chiếm khoảng 64% tổng dân số, tương tự như của Mỹ. Tuy nhiên, nhóm tuổi đông đảo nhất trong lực lượng lao động lại là cuối 50 - đầu 60.

Các công ty đang phải vật lộn để lấp đầy số vị trí tuyển dụng. Viện Nghiên cứu Việc làm nước này dự báo nếu không có thêm người nhập cư hoặc thay đổi chính sách, thị trường lao động sẽ mất 7 triệu người năm 2035.

Một giải pháp là khuyến khích lao động lớn tuổi và những người làm việc bán thời gian làm thêm giờ. Đào tạo lại cũng có thể giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động có kỹ năng.

"Chúng tôi đang lên kế hoạch một chương trình đào tạo ít nhất 12 ngày cho mỗi công nhân, chủ yếu do có kỹ thuật sản xuất mới", René Wolf, Giám đốc sản xuất tại châu Âu của Ford cho biết. Trả lương cao hơn sẽ giúp thu hút người lao động. Tuy nhiên, Đức lại khá hạn chế trong việc tăng trưởng tiền lương.

Đức cần một chính sách kinh tế Zeitenwende (bước ngoặt mang tính thời đại). Nhưng đó là một yêu cầu khó khăn, nếu xét đến những vấn đề mà các chính phủ trước đây để lại. Ông Scholz phải ổn định được nội các, tránh các tranh cãi hiện có. Ông cũng cần đạt được một điều thậm chí còn khó khăn hơn - khiến người Đức hào hứng với tương lai.

(Nguồn: Vnexpress)

Đức loại trừ một cuộc khủng hoảng tài chính mới

Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định không có nguy hiểm đối với thị trường tài chính vì hiện tại, hệ thống tài chính và ngân hàng ổn định hơn nhiều so với trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Trong bối cảnh thị trường tài chính quốc tế biến động mạnh, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng sẽ không xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính mới.
Phát biểu trên truyền thông nước này, Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định không có nguy hiểm đối với thị trường tài chính vì hiện tại, hệ thống tài chính và ngân hàng ổn định hơn nhiều so với trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Theo nhà lãnh đạo Đức, thời điểm hiện tại hoàn toàn khác thời điểm nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Các nhà lập pháp và giám sát ngân hàng đã rút ra bài học từ vụ phá sản của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers của Mỹ. Các quy định đối với hệ thống ngân hàng ngày nay chặt chẽ hơn nhiều so với trước cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Ngoài ra, các nhà chức trách ở Mỹ, Anh và Thụy Sỹ đã "hành động một cách nhanh chóng và dứt khoát".
Vì vậy, người đứng đầu Chính phủ Đức khẳng định những người dân gửi tiết kiệm không cần lo lắng, các khoản tiền gửi được an toàn. Điều này không chỉ vì khả năng phục hồi tốt hơn của hệ thống ngân hàng và các quy định chặt chẽ hơn, mà còn vì sức mạnh của nền kinh tế Đức.
Đề cập đến sự phát triển của Đức trong thời gian tới, Thủ tướng Scholz cho rằng nước Đức có thể sẽ bước vào một giai đoạn đầu tư và tăng trưởng rất mạnh. Trong vòng 22 năm nữa (đến năm 1945), Đức sẽ đạt mục tiêu trung hòa carbon, điều có thể tạo nên một sự bùng nổ thực sự. Quốc hội Đức sẽ ban hành các luật cần thiết cho quá trình này. Điều quan trọng là các doanh nghiệp nhận ra các cơ hội phát triển.
Do đó, theo nhà lãnh đạo Đức, các nhà đầu tư tư nhân cần tăng cường đầu tư hơn nữa vào mạng lưới năng lượng tái tạo, các nhà máy điện gió, điện Mặt Trời, kỹ thuật và quy trình sản xuất mới, công nghệ mới, ô tô điện, vật liệu cách nhiệt và xây dựng cơ sở hạ tầng mới...

(Nguồn: Bnews)

Cảnh báo về khả năng thiếu khí đốt tại Đức trong mùa Đông năm 2023-2024

(Ảnh minh họa).

Cơ quan quản lý năng lượng Đức cảnh báo không thể loại trừ nguy cơ thiếu khí đốt trong mùa Đông năm 2023-2024 vì có nhiều yếu tố rủi ro tiềm ẩn.

Ông Klaus Mueller - Chủ tịch Cơ quan quản lý năng lượng Đức đã đưa ra ý kiến trên trong cuộc phỏng vấn của tờ Rheinische Post. Ông nêu rõ "không thể loại trừ khả năng thiếu khí đốt trong mùa Đông năm tới, vì có những yếu tố rủi ro tiềm ẩn như thời tiết giá rét khắc nghiệt, các hộ gia đình và các công ty không tiết kiệm nhiên liệu đủ mức cần thiết".

Những yếu tố rủi ro khác cũng có thể xuất hiện trong trường hợp cơ sở hạ tầng nhập khẩu khí đốt theo kế hoạch của nước này không hiệu quả và các nước trong khu vực đề nghị sự hỗ trợ từ nền kinh tế "đầu tàu" châu Âu này.

Dù có nhiều dự báo khả năng Đức thiếu khí đốt trong mùa Đông năm 2022-2023 do hạn chế nguồn cung từ Nga, song trên thực tế, nguồn cung khí đốt của nước này đến nay vẫn ổn định nhờ thời tiết ấm hơn dự báo, nhu cầu tiêu thụ thấp hơn và có nhiều nguồn cung năng lượng thay thế bù đắp cho sự thiếu hụt.

Lưu trữ khí đốt của Đức hiện ở mức 63,89%, trên ngưỡng cấp bách để nước này phải thực hiện cắt giảm tiêu thụ khí đốt, chủ yếu do thời tiết trong vài tháng qua ấm hơn. Tuy nhiên, giới chức nước này vẫn kêu gọi các hộ gia đình và công ty sử dụng tiết kiệm năng lượng.

Ông Mueller nhấn mạnh yếu tố rủi ro lớn nhất là thời tiết vì khi thời tiết lạnh, nhiều hộ gia đình sẽ không tiết kiệm tiêu thụ năng lượng. Theo ông, vào tháng 10/2022, Đức tiết kiệm được hơn 20% lượng khí đốt tiêu thụ, song đến tháng 12 chỉ tiết kiệm được 7%.

Không chỉ Đức, các nước khác, như Anh và Australia, dù không bị ảnh hưởng liên quan nguồn cung năng lượng từ Nga, song tình trạng giá điện tăng cao cũng khiến nhà chức trách "loay hoay" với bài toán khí đốt chuẩn bị cho mùa Đông 2023-2024. Anh đang xem xét duy trì các nhà máy điện than để đảm bảo nguồn cung của mạng lưới điện quốc gia, trong khi Australia yêu cầu các nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở bờ biển phía Đông có thể phải chuyển nguồn cung khí đốt dư thừa cho khách hàng trong nước để đảm bảo nguồn cung.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

Bộ trưởng Đức đầu tiên thăm Đài Loan sau 26 năm

Bộ trưởng Giáo dục Đức Bettina Stark-Watzinger sắp thăm Đài Loan và là thành viên nội các đầu tiên của Đức đến thăm hòn đảo sau 26 năm.

"Bộ trưởng sẽ có chuyến thăm hai ngày tới Đài Loan. Mục đích của chuyến thăm là tăng cường và mở rộng hợp tác với Đài Loan về khoa học, nghiên cứu và giáo dục", một người phát ngôn của Bộ Giáo dục Đức nói với các phóng viên hôm 18/3.

Một nguồn tin cho biết bà Stark-Watzinger sẽ không gặp lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn theo yêu cầu của chính phủ Đức để tránh leo thang căng thẳng với Trung Quốc.

Chuyến thăm của Bộ trưởng Giáo dục Đức diễn ra hai tháng sau khi một phái đoàn cấp cao của Quốc hội Đức tới Đài Bắc trong một động thái bị Bắc Kinh chỉ trích mạnh mẽ.

Một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Đức nhấn mạnh, Berlin tuân thủ nguyên tắc "Một Trung Quốc", nhưng vẫn duy trì "mối quan hệ chặt chẽ và tốt đẹp với Đài Loan".

"Đài Loan là một nền dân chủ, một đối tác thương mại và đầu tư quan trọng của Đức, đó là lý do việc trao đổi thường xuyên và các chuyến thăm lẫn nhau của các bộ trưởng là hoàn toàn bình thường", người phát ngôn nhấn mạnh.

Quân đội Trung Quốc thường xuyên điều máy bay và tàu quân sự tới gần Đài Loan sau khi cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi có chuyến thăm tới hòn đảo vào năm ngoái. Trung Quốc chỉ trích những chuyến thăm này là hành động khiêu khích và can thiệp vào công việc nội bộ của Bắc Kinh.

Trung Quốc cho đến nay vẫn coi Đài Loan là vùng lãnh thổ không thể tách rời và sẵn sàng sáp nhập bằng mọi cách, kể cả vũ lực.

(Nguồn: Dân Trí)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Luật Pháp

Nhập cư

Người Việt ở Đức

Chính trị - Xã hội

Lên đầu trang