Đức: Deutsche Bank tính mua Credit Suisse; Vụ phá hoại Nord Stream; Hợp tác an ninh với Nhật; Chưa gửi máy bay cho Ukraine

Ngân hàng lớn nhất nước Đức tính chuyện mua tài sản của Credit Suisse

(Ảnh minh họa).

Nguồn tin riêng của Bloomberg cho biết Deutsche Bank – ngân hàng lớn nhất nước Đức – đang xem xét tình hình của Credit Suisse và có thể sẽ mua một phần tài sản của ngân hàng Thụy Sỹ đang chìm trong khủng hoảng này.

Theo Bloomberg, nội bộ Deutsche Bank đã thảo luận về việc bộ phận nào của Credit Suisse – ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sỹ - có vẻ hấp dẫn và nên định giá bao nhiêu nếu được rao bán.

Financial Times cho biết ngân hàng lớn nhất Thụy Sỹ về cả tài sản lẫn vốn hóa là UBS đang xem xét mua lại toàn bộ hoặc một phần Credit Suisse. Thương vụ này được ngân hàng trung ương và cơ quan quản lý tài chính Thụy Sỹ ủng hộ nhằm ổn định hệ thống tài chính, tránh khủng hoảng ngân hàng.

Nếu UBS chỉ mua lại một phần Credit Suisse, Deutsche Bank có thể sẽ mua một số tài sản còn lại.

Nguồn tin của Bloomberg cho biết Deutsche Bank mới chỉ thảo luận nội bộ và chưa đưa ra đề xuất cụ thể nào tới Credit Suisse. Các cuộc thảo luận mà Deutsche Bank đang thực hiện liên quan tới việc mua lại tài sản là một phần của hoạt động đánh giá các hệ lụy phát sinh khi Credit Suisse sụp đổ.

Mảng quản lý tài sản (asset management) và quản lý của cải (wealth management) của Credit Suisse có thể sẽ khiến Deutsche Bank hứng thú vì ngân hàng lớn nhất nước Đức đang muốn mở rộng hoạt động trong các lĩnh vực kể trên.

Từ khi Credit Suisse chuẩn bị kế hoạch cải cách toàn diện vào cuối tháng 10/2022, Deutsche Bank đã tỏ ra quan tâm tới mảng quản lý của cải và quản lý tài sản của Credit Suisse, Bloomberg cho hay.

Tháng 2 vừa qua, nhà phân tích Kian Abouhossein của JPMorgan Chase định giá mảng quản lý tài sản của Credit Suisse khoảng 1,4 tỷ CHF (tức 1,5 tỷ USD), và mảng quản lý của cải khoảng 10 tỷ CHF (gần 11 tỷ USD).

Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ ngày 16/3 đã đồng ý cho Credit Suisse vay khẩn cấp gần 54 tỷ USD để hỗ trợ thanh khoản nhưng giá cổ phiếu nhà băng này vẫn sụt giảm 8% trong phiên 17/3.

Deutsche Bank hiện có vốn hóa hơn 18 tỷ USD, Credit Suisse khoảng 8 tỷ USD.

(Nguồn: VietnamBiz)

Chi tiết mới về cuộc điều tra vụ phá hoại đường ống Dòng chảy phương Bắc

Các nhà điều tra Đức hồi đầu năm đã tìm thấy quần áo và tóc trên một chiếc con tàu nghi đã được sử dụng vào ngày xảy ra vụ phá hoại đường ống Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream).

“Cơ quan điều tra đang có trong tay một số quần áo, gồm áo phông giữ nhiệt Icebreaker và mũ lưỡi trai Von Lamezan màu đen, trên đó phát hiện một số sợi tóc. Chúng được gửi đến phòng thí nghiệm để tìm ADN”, tờ Bild hôm 18/3 dẫn lệnh khám xét cùng danh sách đồ vật được tìm thấy trên tàu.

Hiện vẫn chưa rõ liệu số quần áo được tìm thấy có thuộc về 1 trong 6 người đã thuê con tàu này hồi tháng 9 năm ngoái hay không. Theo các nhà điều tra, trên tàu còn tìm được thiết bị định vị GPS. Con tàu hiện bị giữ tại căn cứ hải quân cũ trên đảo Rugen của Đức.

Vào cuối tháng 9 năm ngoái, cả hai đường ống khí đốt của Nga dưới Biển Baltic là Nord Stream và Nord Stream 2 đều hư hỏng do bị phá hoại. Thụy Điển, Đan Mạch và Đức đang tiến hành điều tra nhưng chưa có kết quả cụ thể. Kremlin gọi vụ phá hoại là “hành động khủng bố quốc tế”.

Các bên liên quan chưa đưa ra bình luận về thông tin trên.

(Nguồn: Vietnamnet)

Đức - Nhật tăng hợp tác an ninh do chiến sự Ukraine

(Ảnh minh họa).

Lãnh đạo Nhật Bản và Đức thảo luận về an ninh kinh tế và tăng cường quan hệ quốc phòng, giữa lo ngại về chiến sự tại Ukraine.

"Trong các cuộc trao đổi về an ninh kinh tế, chúng tôi đã thảo luận về củng cố chuỗi cung ứng", Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nói tại họp báo ngày 18/3, sau cuộc gặp người đồng cấp Đức Olaf Scholz ở thủ đô Tokyo.

Hai lãnh đạo không công bố nhiều kết quả cụ thể sau cuộc gặp, nhưng nhấn mạnh nhu cầu chung về củng cố và đa dạng hóa chuỗi cung ứng, giảm tác động từ biến cố như đại dịch Covid-19 hay chiến sự Ukraine.

Ông Kishida nhận định chiến sự Nga - Ukraine đã thúc đẩy Nhật Bản và Đức cùng đẩy mạnh hợp tác an ninh. Trong khi đó, ông Olaf khẳng định quân đội Đức sẽ tiến hành các hoạt động thăm viếng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong vài năm tới.

Nhật Bản và Đức đều muốn tăng cường "ảnh hưởng của hai nước trong những khu vực chiến lược, trong đó có tài nguyên khoáng sản, vật liệu bán dẫn và công nghệ pin, chia sẻ phương pháp hiệu quả nhất để giải quyết rủi ro".

Berlin đang nỗ lực tăng cường hiện diện trong các vấn đề khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đây là chuyến thăm thứ hai của ông Scholz đến Nhật Bản trong chưa đầy một năm qua.

Thủ tướng Scholz nói quan hệ Đức - Nhật Bản đã được nâng lên cấp độ mới sau các cuộc đối thoại giữa hai chính phủ hôm nay.

Theo ông, hai nước cần đúc kết "những bài học phù hợp" về phụ thuộc kinh tế từ Covid-19 và chiến sự Ukraine. Berlin chủ trương đa dạng hóa hợp tác kinh tế về nguồn cung lẫn xuất khẩu ở khu vực, hướng đến các nền kinh tế lớn như Nhật Bản, Indonesia, Ấn Độ và Trung Quốc.

Thông cáo chung của Bộ Quốc phòng Nhật Bản và Bộ Quốc phòng Đức sau chuyến thăm của ông Scholz cho biết hai nước sẽ tiếp tục thảo luận về hiện diện quân sự Đức tại khu vực, cùng khả năng tổ chức tập trận chung. Đức và Nhật Bản dự kiến xây dựng "khung pháp lý về hoạt động chung" của quân đội hai nước.

(Nguồn: Vnexpress)

Mỹ, Đức chưa có kế hoạch gửi máy bay chiến đấu cho Ukraine

Giới chức Mỹ và Đức cho biết chưa có kế hoạch gửi máy bay chiến đấu cho Ukraine, bất chấp việc Ba Lan đã tuyên bố sẽ làm như vậy trong những ngày tới.

Trong tuyên bố đưa ra hôm 16/3, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda gây bất ngờ khi thông báo sẽ cung cấp cho Ukraine 4 máy bay chiến đấu MiG-29 "trong vòng vài ngày tới".

Nhà lãnh đạo này còn khẳng định, số máy bay chiến đấu còn lại cần được bảo dưỡng và sẽ được chuyển đến sau cho Kiev. Theo Tổng thống Duda, các chiếc máy bay chiến đấu MiG-29 này được sản xuất từ thời Liên Xô và hiện vẫn hoạt động bình thường.

Với quyết định này, Ba Lan sẽ trở thành quốc gia NATO đầu tiên gửi máy bay chiến đấu hỗ trợ theo yêu cầu cho Ukraine. Chính Ba Lan cũng là quốc gia NATO đầu tiên cung cấp cho Ukraine xe tăng Leopard 2 do Đức sản xuất.

Hôm 15/3, phát ngôn viên chính phủ Ba Lan Piotr Mueller cho biết, một số quốc gia khác cũng đã cam kết cung cấp máy bay chiến đấu MiG cho Kiev, nhưng không nêu cụ thể loại nào.

Đức dường như bất ngờ trước thông báo của Tổng thống Duda. "Cho đến nay, tất cả các nước trong liên minh đều đã nhất trí rằng chưa phải thời điểm để gửi máy bay chiến đấu", Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius nói với các phóng viên. "Tôi chưa có bất kỳ xác nhận nào từ Ba Lan về điều này".

Mỹ đánh giá việc Ba Lan cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine là một quyết định có chủ quyền và ca ngợi nước này đã tiếp tục nỗ lực hết mình trong việc hỗ trợ cho Kiev.

Nhưng chính quyền Mỹ nhấn mạnh, động thái của Ba Lan sẽ không ảnh hưởng gì đến tuyên bố lâu nay của Tổng thống Joe Biden, người đã liên tục từ chối lời kêu gọi cung cấp máy bay chiến đấu F-16 của Ukraine.

"Chúng tôi không thay đổi quan điểm về việc cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine vào thời điểm này. Đó là quyết định có chủ quyền của chúng tôi", Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho hay.

(Nguồn: Dân Trí)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Luật Pháp

Nhập cư

Người Việt ở Đức

Chính trị - Xã hội

Lên đầu trang