Đức: Cảnh báo nguy cơ bạo loạn trong đêm giao thừa; Tâm lý người tiêu dùng cải thiện, nhưng vẫn bi quan về tăng trưởng

Tâm lý người tiêu dùng cải thiện, trong khi vẫn bi quan về tăng trưởng

Thị trường tiêu dùng Đức phát triển bất ngờ

Theo nghiên cứu tiêu dùng được công ty nghiên cứu thị trường Đức GfK công bố hàng tháng, cả ba trụ cột của môi trường tiêu dùng Đức là (1) kỳ vọng thu nhập, (2) xu hướng mua hàng và (3) kỳ vọng về kinh tế, đều ghi nhận sự cải thiện trong tháng này so với tháng trước đó.

Nghiên cứu này được phối thực hiện giữa GfK và Viện Nghiên cứu Quyết định Thị trường Nürnberg (NIM). Kết quả nghiên cứu cho thấy tâm lý người tiêu dùng Đức bất ngờ được cải thiện vào cuối năm, chủ yếu nhờ kỳ vọng thu nhập từ tiền lương hay lương hưu tăng lên trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát trên toàn quốc gần như đã trở lại bình thường ở mức 3,2% so với năm trước, khiến sức mua có thể sẽ tăng trở lại.

Mới giảm bi quan chứ chưa lạc quan bi quan

Tuy nhiên, chuyên gia tiêu dùng Rolf Bürkl của NIM nhận định: “Vẫn còn phải xem liệu mức tăng hiện tại có phải là khởi đầu cho sự phục hồi bền vững trong tâm lý người tiêu dùng hay không vì mối lo ngại của người tiêu dùng vẫn còn rất lớn. Các cuộc khủng hoảng và xung đột địa chính trị, giá lương thực tăng mạnh và các cuộc thảo luận về ngân sách quốc gia năm 2024 tiếp tục gây nhiều bất ổn. Do đó, mức độ tâm lý của người tiêu dùng hiện vẫn cực kỳ thấp". Nghiên cứu của GfK ít nói về "sự lạc quan" mà chủ yếu là “giảm bi quan“ về tình hình kinh tế.

Triển vọng tăng trưởng trong năm 2024 vẫn bi quan

Mặc dù tình hình cải thiện nhưng người tiêu dùng vẫn rất thận trọng trước những diễn biến kinh tế tiếp theo ở Đức. Điều này phù hợp với những ý kiến chuyên gia ngày càng bi quan về triển vọng tăng trưởng trong năm 2024. Trong dự báo kinh tế cho năm tới, Viện Kinh tế Đức (IW) dự báo Tổng sản phẩm quốc nội sẽ giảm 0,5%.

Cảnh báo nguy cơ bạo loạn trong đêm giao thừa

Lo ngại tái diễn như năm 2023

Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser bày tỏ lo ngại tình trạng bạo lực cực đoan có thể tái diễn ở một số thành phố trên cả nước, như các hành động chống đối cảnh sát hoặc cản trở dịch vụ khẩn cấp trong đêm giao thừa 2024 sắp tới. Hồi đầu năm 2023, chỉ riêng Thủ đô Berlin đã xảy ra hàng chục vụ tấn công nhằm vào lực lượng khẩn cấp trong khi ít nhất 41 cảnh sát bị thương trong các vụ chống đối. Theo cảnh sát Berlin, có 145 người đã bị bắt vì liên quan đến vụ bạo lực đêm giao thừa ở thủ đô, trong đó có 38 người bị giam giữ đặc biệt vì dính líu đến các vụ tấn công cảnh sát và nhân viên dịch vụ khẩn cấp. Trong số này, 2/3 là công dân Đức và phần lớn dưới 21 tuổi.

Các biện pháp đối phó

Về khả năng cấm bán pháo hoa để tránh cảnh tượng hỗn loạn có thể xảy ra đêm giao thừa, Bộ trưởng Faeser cho biết năm nay, pháo hoa vẫn sẽ được bán tại các cửa hàng từ ngày 28/12. Chính quyền sẽ chuẩn bị kỹ hơn, tăng cường nhiều cảnh sát hơn các năm trước để đối phó với nguy cơ bạo lực tiềm ẩn trong năm nay, dựa trên những đánh giá rủi ro cập nhật thường xuyên.

Hiệp hội cảnh sát Đức đã khuyến nghị áp dụng các hình phạt nghiêm khắc hơn đối với những hành vi bạo lực chống lại nhân viên dịch vụ khẩn cấp, đồng thời lực lượng cứu hỏa cũng đề xuất tăng cường trang bị camera gắn trên người để có bằng chứng cho các hành vi bạo lực khi cần.

Bộ trưởng Faeser cho rằng nhìn chung, tình trạng bạo lực gia tăng trong những thời điểm như đêm giao thừa nên cần phải giám sát chặt chẽ nguy cơ bạo lực và tình trạng cực đoan hóa gia tăng do tác động của cuộc xung đột ở Trung Đông.

Đức Việt Online

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Luật Pháp

Nhập cư

Người Việt ở Đức

Chính trị - Xã hội

Lên đầu trang