Đức: Các hãng sản xuất phụ tùng ô tô điêu đứng bởi cạnh tranh, chuyển đổi sang xe điện; Nạn tin tặc, hơn 6000 cuộc họp quân đội bị lộ trên mạng

Các hãng sản xuất phụ tùng ô tô điêu đứng bởi cạnh tranh và chuyển đổi sang xe điện

Các hãng thi nhau đóng cửa, chuyển ra nước ngoài, cắt giảm nhân sự

Ngành công nghiệp ô tô lâu nay là một trong những trụ cột kinh tế của Đức, theo đó, sản xuất các mặt hàng phụ tùng ô tô như ống xả, đèn pha, hộp số hoặc phanh đem lại công việc có thu nhập ổn định cho một bộ phận người dân nước này.

Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh về giá đang đặt ra sức ép đối với không ít nhà cung cấp phụ tùng ở Đức. Trong thông báo mới đây, Continental - nhà máy cung cấp giải pháp phụ tùng nằm trên địa bàn thị trấn Gifhorn, phía Bắc nước Đức, cho biết sẽ đóng cửa nhà máy vào năm 2027.

Continental sẽ chuyển dây chuyền sản xuất đến Croatia, Cộng hòa Séc và xứ Wales của Vương quốc Anh, nhằm đảm bảo chi phí sản xuất ở mức cạnh tranh. Continental cũng sẽ cắt giảm khoảng 7.000 nhân sự trên toàn cầu.

Việc chuyển đổi vị trí sản xuất đồng nghĩa khoảng 800 công nhân của Continental sẽ phải học nghề lại từ đầu để có thể làm công việc mới.

Không chỉ riêng Continental, các công ty công nghệ toàn cầu khác chuyên cung cấp giải pháp phụ tùng như Bosch, ZF và Webasto mới đây cũng đã thông báo cắt giảm nhân sự.

Cụ thể, tập đoàn ZF - nhà cung cấp phụ tùng ôtô lớn thứ hai ở Đức - đã thông báo đóng cửa hai cơ sở ở thị trường trong nước, cùng với việc cắt giảm khoảng 12.000 vị trí việc làm.

Yếu tố Trung Quốc và chính sách chuyển từ chạy dầu sang điện

Một trong những nguyên nhân chính là cạnh tranh ngày càng gia tăng từ các nhà sản xuất đối thủ ở Trung Quốc. Ngoài ra, Nghị viện châu Âu hồi tháng Hai năm ngoái thông qua luật cấm bán ôtô chạy bằng xăng và dầu diesel ở EU từ năm 2035 nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang xe điện và chống biến đổi khí hậu. Biện pháp này đã đánh dấu sự kết thúc đối với kỷ nguyên ôtô chạy bằng động cơ đốt trong.

Theo nghiên cứu của Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Đức (VDA), cứ 3 công ty trong ngành sản xuất ôtô ở Đức thì có 1 công ty đang lập kế hoạch chuyển một phần dây chuyển sản xuất ra bên ngoài trong những năm tới nhằm cắt giảm chi phí sản xuất.

Sự chuyển đổi này không chỉ dẫn đến sự cắt giảm nhân lực địa phương mà còn dẫn đến tác động dây chuyền khiến một loạt nhà cung cấp phụ tùng cũng phải cắt giảm lao động.

Một minh chứng nữa là trường hợp tập đoàn sản xuất ôtô Ford của Mỹ thông báo đóng cửa nhà máy tại thị trấn Saarlouis, miền Tây nước Đức, kéo theo một loạt công ty cung cấp phụ tùng cũng phải cắt giảm nhân sự.

Nạn tin tặc, hơn 6000 cuộc họp quân đội bị lộ trên mạng

Điều tra của cơ quan thiết kế mạng Netzbegruendung Đức

Theo đó, dữ liệu về khoảng 6.000 cuộc họp của quân đội Đức có thể được tìm thấy dễ dàng trên mạng do lỗ hổng bảo mật của phần mềm họp trực tuyến. Nguyên nhân của sự việc là do lỗ hổng bảo mật của phần mềm họp trực tuyến Webex được quân đội Đức sử dụng. Liên kết URL dẫn tới các cuộc họp bao gồm một chuỗi số liên tiếp đơn giản, có thể bị tin tặc dễ dàng phát hiện.

Nhóm điều tra không tiếp cận được các bản ghi âm cuộc họp, nhưng các tin tặc có ý đồ xấu có thể tìm cách thu thập chúng dựa vào các thông tin đã bị lộ.

Trong số các phiên họp bị lộ có những cuộc được dán mác "nhạy cảm", như các cuộc trao đổi về tên lửa hành trình tầm xa Taurus, tên lửa không đối không Meteor hay "chiến trường kỹ thuật số".

Tin tặc còn tiếp cận được những cuộc họp trực tuyến của các quan chức chính phủ Đức, bao gồm Thủ tướng Olaf Scholz, Phó thủ tướng Robert Habeck và Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner. Một số phiên họp, bao gồm các cuộc mà tư lệnh quân không quân Đức Ingo Gerhartz tham gia, có thể được truy cập mà không cần mật khẩu.

Một trong số đó thực tế đã bị rò rỉ từ trước. Đài RT của Nga ngày 1/3 công bố bản ghi âm cuộc trao đổi dài 40 phút giữa tư lệnh Gerhartz và các chỉ huy dưới quyền hôm 19/2, sau khi nội dung phiên họp bị tình báo Nga chặn thu. Trong cuộc thảo luận, tướng Gerhartz đề cập các phương án hỗ trợ Ukraine tập kích cầu Kerch, mục tiêu chiến lược nối giữa lục địa Nga và bán đảo Crimea.

Ông cũng nói về cách thức Anh, Pháp chuyển tên lửa cho Ukraine và việc hai nước này cùng Mỹ đang triển khai quân nhân giúp Kiev vận hành các hệ thống vũ khí phức tạp, điều mà phương Tây từng bác bỏ. Nguyên nhân khiến nội dung cuộc họp bị chặn thu cũng xuất phát từ lỗ hổng bảo mật của nền tảng Webex.

Bộ Quốc phòng đang có vấn đề nghiêm trọng về an ninh.

Quân đội Đức không xác nhận liệu lỗ hổng bảo mật trong sự cố mới nhất có tương tự vụ rò rỉ hồi tháng 3 hay không, song thừa nhận lực lượng này đang có nhiều lỗ hổng về an ninh mạng và đã tiến hành các biện pháp cải thiện.

Phát ngôn viên quân đội Đức cho biết, về nguyên tắc không thể truy cập các phiên họp trực tuyến mà những người tham gia không biết hoặc không cho phép. Không có nội dung mật nào trong các cuộc thảo luận bị rò rỉ.

Đức Việt Online

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Luật Pháp

Nhập cư

Người Việt ở Đức

Chính trị - Xã hội

Lên đầu trang