Đức: Dự báo tăng trưởng bằng 0, bị Pháp, Anh, Mỹ vượt qua; Đánh thuế xe điện nhập khẩu Trung Quốc bị các hãng xe Đức phản đối

Dự báo tăng trưởng năm 2024 bằng 0, bị Pháp, Anh, Mỹ vượt qua;

Nền kinh tế trì trệ trong năm 2024

Theo Viện nghiên cứu kinh tế Đức (IW), nền kinh tế Đức sẽ đối diện với tình trạng trì trệ trong năm nay 2024 và có khả năng tiếp tục tụt hậu so với các quốc gia châu Âu khác. Theo dự báo mới nhất của IW, lĩnh vực sản xuất và xây dựng của nước này vẫn đang mắc kẹt trong suy thoái. Sản xuất công nghiệp ở Đức giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái do sự sụt giảm trong lĩnh vực năng lượng, hóa chất và thép. Nhìn chung, ngành sản xuất giảm 0,4% so với cùng kỳ.

Ngược lại, khu vực dịch vụ có mức tăng trưởng 1,8% so với cùng kỳ, nhưng yếu hơn so với giai đoạn 2021-2022 và không thể bù đắp cho sự sụt giảm chung của GDP. Trong khi đó tiêu dùng sẽ là điểm sáng duy nhất nhưng không đủ để vực dậy cả nền kinh tế.

Không mấy triển vọng

IW dự báo nền kinh tế lớn nhất châu Âu này sẽ tăng trưởng 0% trong năm nay - tụt lại phía sau trong khi Pháp, Ý, Anh và Mỹ đều dự kiến tăng trưởng.

Vào đầu năm nay, Đức đã vượt qua suy thoái kinh tế, tăng trưởng 0,2% trong quý đầu tiên so với giai đoạn ba tháng trước đó. Trong quý cuối cùng của năm 2023, GDP đã giảm 0,3%. Và Chính phủ Đức hiện dự báo tăng trưởng GDP năm nay là 0,3%.

Chuyên gia Groemling nhận định: Điều cần thiết là tăng cường chính sách nhằm cải thiện điều kiện kinh doanh. Nếu không có gì thay đổi, chúng ta sẽ tiếp tục lãng phí tiềm năng của mình.

Theo ước tính của IW, ngoại thương sẽ vẫn yếu và hầu như không mang lại bất kỳ kích thích kinh tế nào trong năm nay. Tỷ lệ thất nghiệp của Đức có thể tăng lên mức trung bình 6% trong năm từ mức 5,7% hồi năm 2023.

Ông Groemling nói thêm: Bất chấp con số kỷ lục là 46 triệu người có việc làm vào năm 2024, tác động của sự suy yếu kinh tế đối với thị trường lao động ở Đức đang trở nên rõ ràng hơn.

Đánh thuế xe điện nhập khẩu Trung Quốc bị các hãng xe Đức phản đối

Hôm 08.05, những người đứng đầu của hai hãng Đức lên tiếng cảnh báo, phản đối việc áp thuế nhập khẩu của châu Âu với xe điện từ các hãng Trung Quốc, với lý do việc áp thuế có thể lật ngược Thỏa thuận Xanh và gây thiệt hại đối với những hãng xe nhập khẩu ôtô sản xuất ở Trung Quốc.

Chủ trương của Ủy ban châu Âu (EC)

Theo Chủ tịch EC, Ursula von der Leyen, thị trường toàn cầu hiện tràn ngập ô tô điện giá rẻ của Trung Quốc. Giá của chúng thấp nhờ các khoản trợ cấp khổng lồ từ nhà nước. Điều đó đang bóp méo thị trường châu Âu.

Ngày 8/5, bà Von de Leyen nói tại Berlin, rằng châu Âu cần thực hiện các bước nhằm ngăn ngừa Trung Quốc ồ ạt đưa xe điện được trợ giá vào thị trường.

Cuộc điều tra của EC dự kiến có kết luận vào tháng 11, nhưng Liên minh châu Âu (EU) có thể đưa ra các mức thuế tạm thời trong tháng 7 tới. Brussels có thể công bố bản tóm tắt về biểu thuế này vào 5/6 trước khi áp dụng từ 4/7.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Von der Leyen đề nghị Chủ tịch Tập Cận Bình đảm bảo cân bằng thương mại hơn nữa với châu Âu, tại cuộc hội đàm ba bên diễn ra hôm 6/5 tại Paris.

Phản đối từ các nước thành viên và các hãng xe

Nhưng động thái trên vấp phải sự phản đối không chỉ từ Trung Quốc. Tháng 09.2023, Bộ trưởng Giao thông Đức, Volker Wissing, cho rằng các hãng xe cần tập trung vào sản xuất xe điện mang tính cạnh tranh thay vì lập hàng rào với xe Trung Quốc. Những chính sách cô lập như vậy có thể gây ra chuỗi phản ứng khiến nền kinh tế Đức chịu thiệt hại.

Lúc này, những nhân vật cao nhất của BMW và Mercedes đều chia sẻ cùng quan điểm. CEO của BMW, Oliver Zipser, nói với báo chí sau khi hãng Đức công bố kết quả kinh doanh theo quý: Bạn có thể rất nhanh tự bắn vào chính chân mình.

BMW nhập khẩu các mẫu xe điện là Mini EV và iX3 từ Trung Quốc về bán ở châu Âu. Cũng giống hai đối thủ đồng hương là Volkswagen và Mercedes, BMW trông cậy rất nhiều vào thu nhập từ việc kinh doanh ở Trung Quốc. Quốc gia Đông Á là thị trường lớn thứ hai của hãng sau châu Âu, chiếm gần 32% doanh số trong quý I.

Zipser phát biểu hôm 8/5: Chúng tôi không nghĩ rằng ngành công nghiệp của chúng ta cần sự bảo vệ. Hoạt động trên cơ sở toàn cầu mang lại cho các hãng xe lớn một lợi thế. Sẽ dễ dàng gây nguy hại tới lợi thế này, nếu đưa ra thuế nhập khẩu.

Volkswagen - hãng xe lớn nhất châu Âu và hoạt động rất tích cực ở Trung Quốc - cũng cảnh báo rằng các mức thuế tiềm năng về cơ bản ẩn chứa một số nguy cơ. Thomas Shaefer, CEO của Volkswagen, nói: Luôn có một dạng trả đũa.

CEO của BMW nói rằng hãng Đức và các hãng xe khác có sự phụ thuộc song phương không chỉ về thành phẩm cuối cùng, mà còn về mặt linh kiện và vật liệu thô.

Việc áp thuế với xe điện Trung Quốc có thể mang đến kết quả ngược với mong đợi khi các tiêu chuẩn khí thải mới của châu Âu sẽ áp dụng từ 2025. Trong khi đó, các tiêu chuẩn mới được áp dụng có nghĩa sẽ cần đến nhiều xe điện hơn - dòng xe vẫn dựa chủ yếu vào nguồn pin Trung Quốc. Sẽ không có chiếc xe nào ở EU không dùng linh kiện từ Trung Quốc.

Việc áp thuế có thể phá hủy kế hoạch công nghiệp của EU vốn có mục tiêu đảm bảo khối này đi trước trong việc cắt giảm khí thải carbon và phát triển công nghệ tương ứng.

Đức Việt Online

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Luật Pháp

Nhập cư

Người Việt ở Đức

Chính trị - Xã hội

Lên đầu trang