Đức: Người Ukraine được tiếp tục cư trú ở Đức; Thông cáo về Ukraine về gia nhập Nato; Ủng hộ thiết lập vùng cấm bay ở Tây Ukraine

Người Ukraine có giấy phép cư trú và làm việc được tiếp tục cư trú ở Đức

Ngày 11/5, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết những người Ukraine có giấy phép cư trú và làm việc ở Đức có thể ở lại nước này ngay cả khi chính quyền Ukraine tìm cách huy động các công dân sống ở nước ngoài về nước tham gia quân đội trong cuộc xung đột với Nga.

Phát biểu tại một sự kiện, ông Scholz nhấn mạnh: Có việc làm sẽ đảm bảo việc cư trú. Đức khuyến khích người Ukraine ở lại nước này làm việc.

Quy định của chính phủ Ukraine

Tháng 4 vừa qua, Chính phủ Ukraine đã đưa ra các quy định tạm thời cấm nam giới trong độ tuổi nhập ngũ cư trú ở nước ngoài, qua đó thắt chặt hơn nữa các quy định khi nước này tìm cách giải quyết tình trạng thiếu binh sĩ trong cuộc xung đột với Nga.

Nỗ lực của Đức

Theo thống kê, chỉ có 25,2% người di cư từ Ukraine ở Đức có việc làm. Trong khi đó, tỷ lệ người Ukraine có việc làm ở các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) khác cao hơn rất nhiều 65% ở Ba Lan, 56% ở Thụy Điển và 50% ở Hà Lan.

Chính phủ Đức đã và đang nỗ lực đẩy nhanh kế hoạch tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn người di cư Ukraine, kêu gọi các công ty trong nước nới lỏng yêu cầu về tiếng Đức và đào tạo thêm về tay nghề cho người di cư Ukraine.

Thông cáo của Đại sứ Đức tại Ukraine về gia nhập Nato

Đại sứ Đức tại Ukraine Martin Jäger cho biết trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Ukraine rằng, chính quyền Kiev không thể hy vọng vào việc gia nhập NATO ở thời điểm hiện nay, bất kể các nước trong liên minh đã có sự đồng thuận về việc nước này gia nhập khối.

Ông cho biết, việc Kiev trở thành thành viên NATO là không thực tế khi đang xảy ra chiến tranh, điều này chỉ được xét đến khi xung đột vũ trang kết thúc, còn ở thời điểm hiện nay, nỗ lực của các nước thuộc khối chỉ nhằm mục đích hỗ trợ tối đa cho lực lượng vũ trang Ukraine trên chiến trường.

Quyết định hiện nay của Nato

Hội nghị thượng đỉnh của NATO tại Washington vào tháng 7 năm nay, chương trình nghị sự của khối đã được công bố cũng không có phần thảo luận về tư cách thành viên của Ukraine.

Người đứng đầu Ủy ban Quân sự NATO là Đô đốc Rob Bauer trước đây cũng đã tiết lộ rằng, 3 vấn đề cơ bản về tư cách thành viên của Ukraine trong liên minh đã được quyết định, nhưng các cuộc thảo luận vẫn đang diễn ra về “thời điểm NATO có thể kết nạp Ukraine” và thời điểm đó sẽ đến khi xung đột kết thúc.

Được biết, vào cuối tháng 9 năm 2022, Tổng thống Vladimir Zelensky tuyên bố Kiev đã nộp đơn xin gia nhập NATO trên cơ sở rút ngắn các thủ tục, nhưng ngay tại thời điểm đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã chỉ rõ rằng, việc Ukraine trở thành thành viên đầy đủ của liên minh là không thể khi nước này đang trong tình trạng có xung đột vũ trang.

Bối cảnh chiến tranh hiện nay

Tuyên bố mới nhất của giới chức NATO diễn ra trong bối cảnh vào rạng sáng ngày 11/5, Lực lượng Vũ trang Nga đã mở chiến dịch tấn công lớn trên khắp đường biên giới giữa hai nước, ở khu vực tỉnh Kharkov của Ukraine.

Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Nga ngày 12/5, Lực lượng Vũ trang Nga đã chiếm được hàng loạt khu định cư ở vùng Kharkov, trong khi Quân đội Ukraine mất tới 170 binh sĩ, 34 binh sĩ khác bị bắt, 3 xe chiến đấu bọc thép và 4 ô tô đã bị quân Nga phá huỷ.

Ngoài ra, quân nhân Nga còn phá hủy một xe chiến đấu chở hệ thống tên lửa phóng loạt Vampire do Cộng hòa Séc sản xuất, một pháo tự hành Caesar 155 mm của Pháp, một pháo tự hành Bogdan 155 mm, bốn pháo D-20 152 mm, pháo phản lực D-30 122 mm và hai phương tiện tự hành của hệ thống tên lửa phòng không Buk-M1.

Kết quả sau 1 ngày tấn công mãnh liệt, các đơn vị thuộc nhóm quân “phía Bắc” của Nga đã chiếm được hàng loạt điểm dân cư Borisovka, Ogurtsovo, Pletenevka, Pylnaya, Strelechya và hiện đang tập trung đánh chiếm thị trấn chiến lược Volchansk, cách thành phố Kharkov chưa đầy 50km.

Ngoài ra, các đơn vị này còn đánh thiệt hại nặng nhân lực và trang thiết bị của các lữ đoàn cơ giới số 23, 43 của Lực lượng vũ trang Ukraine, các lữ đoàn phòng thủ lãnh thổ số 120, 125 và phân đội biên giới số 15 của lực lượng biên phòng Ukraine ở các khu vực Volchansk, Vesely, Glubokoe, Neskuchny và Krasny.

Ủng hộ thiết lập vùng cấm bay ở Tây Ukraine

Đề xuất của Bộ Quốc phòng và giới nghị sỹ

Chánh văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Nico Lange đã đề xuất các lực lượng NATO ở Ba Lan và Romania có thể bắn hạ tên lửa và UAV của Nga nhắm vào cơ sở hạ tầng năng lượng và các cơ sở quân sự của Ukraine.

Ông Lange cho rằng, điều này sẽ dẫn đến việc tạo ra một vùng an toàn rộng 70km ở biên giới giữa Liên minh châu Âu (EU) và Ukraine, đồng thời cho phép Kiev tái triển khai các hệ thống phòng không, vốn đang thiếu hụt, từ phía tây đất nước ra tiền tuyến.

Anton Hofreiter, nghị sĩ thuộc Đảng Xanh của Đức nói: Không nên loại trừ việc bảo vệ không phận phía trên Ukraine từ Ba Lan và Romania trong dài hạn. Nhà lập pháp này lưu ý, động thái như vậy không phải là điều cần bàn cãi lúc này vì ưu tiên hiện tại của phương Tây là cung cấp cho Kiev vũ khí và đạn dược nhiều hơn đáng kể.

Roderich Kiesewetter, nghị sĩ thuộc đảng CDU của Đức cũng tán thành việc các nước phương Tây ủng hộ Kiev có thể bắn hạ UAV của Nga ở tây Ukraine. Ông Kiesewetter nhắc lại việc Mỹ, Anh và Pháp đã hỗ trợ Israel chống lại cuộc bắn phá quy mô lớn của Iran hồi tháng 4. Quan chức này nhấn mạnh, động thái này cho phép NATO có thể giúp đỡ các đồng minh mà không thực sự trở thành một bên tham gia xung đột.

Cảnh báo từ Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 3 từng cảnh báo, các máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất mà phương Tây dự định chuyển giao cho Ukraine sẽ bị nhắm tấn công ngay tại sân bay đồn trú ở các nước NATO.

Tuần trước, Nga cũng tuyên bố sẽ tiến hành tập trận vũ khí hạt nhân chiến thuật như lời cảnh báo Mỹ và các đồng minh không làm leo thang xung đột ở Ukraine.

Đức Việt Online

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Luật Pháp

Nhập cư

Người Việt ở Đức

Chính trị - Xã hội

Lên đầu trang