Dọn phim 'rác' chiếu mạng; Nhạc chế phản cảm trên TikTok; Những ông chồng kỳ lạ của showbiz; Hàng chục tấn cá chết

Mạnh tay dọn phim 'rác' chiếu mạng

(Ảnh minh họa).

Sự nở rộ của những bộ phim chiếu mạng kém chất lượng, nội dung nhảm nhí, độc hại kéo theo những hệ luỵ về nhận thức. Đứng trước thực trạng này, các nhà quản lý bắt tay dọn sạch môi trường phim chiếu mạng.

Tràn lan nội dung xấu, độc

Với sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng mạng xã hội, phim chiếu mạng trở thành mảnh đất màu mỡ của nhiều nhà sáng tạo nội dung. Sức hút của các bộ phim chiếu mạng đến từ những chất liệu trong cuộc sống, kịch bản hài hước, dí dỏm. Những sê-ri của nhóm làm phim nghiệp dư như FapTV, BB&BG, Thích Ăn Phở... luôn nhận được nhiều sự yêu thích từ khán giả. Chưa kể, một số nhà sản xuất chuyên nghiệp như NSND Hồng Vân, diễn viên Trấn Thành, Thu Trang... cũng đầu tư nghiêm túc cho thị trường phim chiếu mạng.

Tuy nhiên, chất lượng lại không phải ưu tiên của nhiều nhà sản xuất phim chiếu mạng hiện nay. Những bộ phim chiếu mạng kém chất lượng với nội dung độc hại ngày càng nở rộ.

Nhiều chuyên gia tâm lý nhận định, tiếp xúc thường xuyên với một nội dung nào đó, con người dễ có hành vi bắt chước, dẫn đến những hành vi lệch lạc trong xã hội. “Nhiều video đề cập vấn đề mại dâm, tình dục..., nếu người xem thật sự coi những điều trong phim đang diễn ra ngoài đời sống thực, họ sẽ không có niềm tin vào xã hội", PGS.TS Trần Thành Nam (Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội), nhận định.

Việc sản xuất các phim chiếu mạng mang đến nguồn thu không nhỏ từ số lượng người xem, lượt tương tác. Chính vì thế, nhiều nhà sản xuất sẵn sàng dùng những chiêu thức gây tò mò, lôi kéo người xem một cách phản cảm như bạo lực và tình dục.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được một số chuyên gia lý giải là do giới trẻ quá chú trọng đến khởi nghiệp, làm giàu từ khi còn trẻ. Để giàu lên thì có nhiều cách nhưng giàu lên một cách nhanh chóng, dễ dàng có thể kể đến việc xây dựng thương hiệu cá nhân, đặc biệt là trên mạng. Việc đầu tiên cần làm khi xây dựng thương hiệu là phải nổi tiếng và muốn nổi tiếng chỉ có hai con đường: tài năng và chiêu trò. Thực tế, nhiều người sản xuất phim chiếu mạng chọn chiêu trò. Từ đó, thị trường phim chiếu mạng ngày càng sinh ra những sản phẩm phản cảm, độc hại.

Dọn phim “rác” online

Trước thực trạng phim chiếu mạng tràn ngập sự phản cảm, độc hại gây ảnh hưởng lớn đến khán giả, đặc biệt là giới trẻ vốn là những người dùng mạng xã hội chưa có ý thức bảo vệ mình, Bộ VHTTDL quyết định thành lập Tổ công tác quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng.

Tổ công tác gồm 10 thành viên. Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành làm Tổ trưởng. Phó Cục trưởng Đỗ Quốc Việt là Tổ phó thường trực, Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Thu Hà đảm nhận vị trí Tổ phó. Tổ công tác chịu trách nhiệm cấp, thu hồi giấy phép phân loại phim đối với phim của doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chưa đủ điều kiện.

Phim chiếu mạng vi phạm Luật Điện ảnh sẽ bị xử lý theo quy định. Cụ thể, Tổ công tác quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, trả lời bằng văn bản đối với đề nghị công nhận đủ điều kiện phân loại phim phổ biến trên không gian mạng, đồng thời đăng tải công khai tên doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức đủ điều kiện phân loại phim phổ biến trên không gian mạng.

Tổ công tác thực hiện cấp, thu hồi giấy phép phân loại phim đối với phim của doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chưa đủ điều kiện phân loại phim phổ biến trên không gian mạng. Việc xây dựng và quản lý hệ thống dữ liệu về phân loại phim trên không gian mạng cũng do Tổ công tác phụ trách. Cục Điện ảnh phối hợp với Thanh tra Bộ VHTTDL xử lý vi phạm khi phát hiện những nội dung “rác”, độc hại.

Liên quan đến việc quản lý các nội dung trực tuyến khác, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng với các cơ quan liên quan cũng sẽ kiểm tra toàn diện TikTok tại Việt Nam và xử lý nghiêm sai phạm. Cụ thể, từ ngày 15/5, Đoàn kiểm tra liên ngành sẽ bắt đầu kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam, dự kiến việc kiểm tra sẽ kéo dài hết tháng 5.

Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Cục PTTH&TTĐT), cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông gửi công văn cho các bộ, ngành liên quan cử cán bộ tham gia đoàn kiểm tra, đến nay danh sách đoàn kiểm tra sắp hoàn thiện.

Những sai phạm của TikTok để lại hệ lụy nghiêm trọng như tạo môi trường thuận lợi cho tin giả phát tán, gây thiệt hại về kinh tế và bất ổn cho xã hội. Mạng xã hội lan truyền những nội dung khuyến khích giới trẻ bắt chước, học theo những trào lưu xấu, phản cảm, làm lệch lạc nhận thức, lối sống của giới trẻ, làm băng hoại giá trị văn hóa của dân tộc, khuyến khích, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh bất hợp pháp. Nội dung vi phạm bản quyền tràn lan.

Ông Lê Quang Tự Do cho biết, trong thời gian tới, Cục PTTH&TTĐT sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật, ngoại giao, truyền thông để yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới như TikTok phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan quản lý, mỗi người dùng mạng xã hội cần tự tạo sức đề kháng trước các nội dung xấu độc. Những nội dung “rác” được lan truyền mạnh mẽ là do đánh vào sự tò mò của người dùng, vì thế người dùng nên tỏ thái độ với nội dung kém chất lượng, để chúng “hết đất sống”.

(Nguồn: Tiền Phong)

Nhạc chế phản cảm trên TikTok: Đến lúc cần quét rác

Về phần mình, đã đến lúc người chơi TikTok cần "chậm” hơn. Mỗi khi thưởng thức hoặc “đồng sáng tạo” một đoạn nhạc, nên suy nghĩ về nội dung, cái hay cái đẹp và sự tử tế mà nó mang lại cho cộng đồng.

Trên TikTok, nền tảng chia sẻ video ngắn phổ biến nhất toàn cầu hiện nay - nơi mà “nhạc không ra nhạc” cũng dễ dàng xuất hiện nhưng lại được giới trẻ hưởng ứng một cách nhiệt tình.

Nhạc trend là những bản nhạc thịnh hành với giới trẻ trong một khoảng thời gian nào đó. Ở mỗi thời điểm khác nhau lại xuất hiện những xu hướng nhạc khác nhau. Điều này diễn ra bình thường như lẽ tất yếu, cho đến khi những bản nhạc nhảm, nhạc chế trở thành nhạc trend, được hỗ trợ phát tán một cách quá dễ dàng trên các nền tảng như TikTok, Facebook…

Mới đây nhất, đoạn nhạc chế được biến tấu từ bài thơ Lượm , ghép với những video phản cảm đã thành trend với những clip triệu view, xuất hiện tràn lan trên TikTok, nhưng lại được các bạn trẻ thi nhau sử dụng, chia sẻ.

Hình ảnh "chú bé loắt choắt" hồn nhiên, gan dạ, dũng cảm trong thơ Tố Hữu đã trở nên quen thuộc với nhiều thế hệ. Đây là hình ảnh mang tính biểu tượng cho sự hy sinh cao cả, thiêng liêng của những anh hùng nhỏ tuổi vì quê hương, đất nước.

Vậy nhưng qua đoạn nhạc chế, mọi thứ đã trở nên tầm thường, cợt nhả. Những video được ghép vào trend này cũng rất phản cảm, với hình ảnh những nữ sinh áo dài trắng đứng trên bàn, khoe thân cùng hàng loạt hình ảnh hở hang, phản cảm khác.

Thiếu hụt nền tảng thẩm mỹ

Thời đại các nền tảng mạng xã hội phát triển, những công cụ làm nhạc, thu âm cũng dễ dàng được sử dụng. Việc một cá nhân tự tạo ra một bài nhạc và đăng tải lên mạng xã hội trở nên rất dễ dàng mà không cần kiểm duyệt.

Chỉ cần làm “lạ” một chút, bắt tai một chút là bài nhạc có thể nhanh chóng được nhiều người hưởng ứng, đu theo, bất chấp nội dung bài hát, thuần phong mỹ tục.

Còn nhớ cách đây không lâu, bài nhạc chế Doraemon của Lê Dương Bảo Lâm cũng gây nên nhiều tranh cãi. Lời lẽ sáo rỗng, sai lệch với tác phẩm gốc, nhưng lại được nhiều người cho là vui nhộn, giải trí.

Họ lên tiếng bênh vực “thần tượng”, và biện hộ rằng “đây chẳng qua chỉ là tác phẩm hài, miễn là vui thôi, không ảnh hưởng đến ai là được”. Nhưng thực tế một dạo đi đâu cũng nghe nhiều người lẩm nhẩm theo bản nhạc chế này, cả những em bé ở độ tuổi mẫu giáo, cấp 1. Nghe lời bài hát phát ra từ đôi môi nhỏ xinh của các em mà bỗng thấy “sợ”. Điều gì sẽ xảy ra trong tâm lý và hành động của các em?

Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Huy, giảng viên Cao đẳng VHNT Đà Nẵng cho rằng việc chế lại bài hát với lời nhảm không những xúc phạm đến tác giả mà còn ảnh hưởng đến thế hệ trẻ.

Có những người chế nhạc đôi khi chỉ xuất phát từ ý muốn “vui vui” nảy sinh trong một phút chốc nào đó. Nhưng nhiều người ngay từ đầu đã có chủ đích dùng sự nhảm nhí, "khác người" để tạo sự chú ý, câu view, câu like. Với thành phần này tư tưởng thật sự có vấn đề và cần được lên án.

Thạc sĩ Lê Thị Kiều Yến, Phó Trưởng Phòng Đào tạo (Cao đẳng VHNT Đà Nẵng) cho rằng: “Để nhân cách một con người phát triển toàn diện cần phải chú trọng vào giáo dục 3 nội dung: Trí thức, đạo đức và thẩm mỹ. Cả 3 nội dung này phải được phát triển cân bằng như nhau. Nhưng thực tế, giáo dục thẩm mỹ chưa thật sự được coi trọng. Trước năm 2000 chỉ chú trọng vào giáo dục trí thức và đạo đức. Điều này dẫn đến giới trẻ có thị hiếu thẩm mỹ dễ dãi, vì thiếu kiến thức thẩm mỹ nền tảng. Đó cũng là nguyên nhân mà khi các trào lưu âm nhạc bên ngoài tràn vào, chúng ta không có đủ kháng thể để sàng lọc, chống lại”.

Cần sự tử tế của người làm nhạc

Không chỉ nhạc chế, những bản remix lại nhạc xưa, hay thậm chí là remix Chú Đại Bi cũng từng gây nên nhiều tranh cãi.

Mỗi người một ý kiến và quan điểm riêng, nhưng chắc chắn rằng nếu không có những giải pháp để quản lý, chọn lọc, thì nhạc chế, nhạc vô tri, nhạc rác…sẽ tiếp tục lan tràn . Không chỉ đòi hỏi tiêu chuẩn mới, quy định mới cho sáng tạo âm nhạc và những người làm nhạc, mà còn cần hơn nữa sự mạnh tay “quét rác” của các cơ quan quản lý.

Nhạc chế xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1965, nhưng đến những năm gần đây, khi các nền tảng như Youtube, TikTok… phát triển thì loại hình này mới thật sự thịnh hành. Tất nhiên, không phải bài nhạc chế nào cũng có nội dung sai lệch, sáo rỗng. Nhiều người chế nhạc bằng cái tâm, bằng khát khao muốn thể hiện cảm xúc, suy nghĩ của bản thân.

Nhiều bài nhạc chế thật sự mang lại giá trị giải trí, nhưng vẫn đảm bảo được tiêu chuẩn cộng đồng. Nhiều bài nhạc chế còn mang nhiều ý nghĩa hơn cả bản gốc, cảm xúc hơn và lấy được sự đồng cảm, nước mắt của nhiều người.

Nói về vấn đề này, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Huy cho rằng: “Khi muốn viết một bài hát mới, người viết phải chọn lựa ngôn từ, giai điệu, điệu thức sao cho phù hợp để truyền tải hết ý nghĩa bài hát, còn chế lại một bài nhạc thì dễ hơn. Người viết chỉ cần dựa vào những cái đã có sẵn để chế lại nhạc hoặc lời. Nhạc chế cũng thường được chèn thêm những câu nói trend, vui nhộn nên dễ lan tỏa hơn. Chính vì điều này mà tình trạng nhạc chế, nhạc nhảm xuất hiện ngày càng nhiều”.

“Trong quá trình giảng dạy các bạn sinh viên nghệ thuật, chúng tôi luôn nhấn mạnh phải thường xuyên rèn luyện cảm xúc, thị hiếu, lý tưởng thẩm mỹ. Đồng thời cũng gửi gắm và đặt nhiều niềm tin vào sự tử tế của sinh viên khi tham gia các hoạt động sáng tác, biểu diễn nghệ thuật”, Thạc sĩ Lê Thị Kiều Yến nói.

Một thông tin làm yên lòng những người yêu âm nhạc cũng như loại hình nghệ thuật tử tế, đó là từ ngày 15/5, Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam . Hàng loạt sai phạm trong hoạt động của nền tảng này tại Việt Nam đã được chỉ rõ, để mạnh tay xử lý.

Theo ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, những sai phạm của TikTok để lại hệ lụy nghiêm trọng như tạo môi trường thuận lợi cho tin giả phát tán, gây thiệt hại về kinh tế và bất ổn cho xã hội. Khuyến khích giới trẻ bắt chước, học theo những trào lưu xấu, phản cảm, làm lệch lạc nhận thức, lối sống của giới trẻ, làm băng hoại giá trị văn hóa của dân tộc...

Theo ông Tự Do, cùng với việc kiểm tra toàn diện, trong thời gian tới, sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật, ngoại giao, truyền thông để yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới như TikTok phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Về phần mình, đã đến lúc người chơi TikTok cần "chậm” hơn. Mỗi khi thưởng thức hoặc “đồng sáng tạo” một đoạn nhạc, nên suy nghĩ về nội dung, cái hay cái đẹp và sự tử tế mà nó đem đến cho cộng đồng.

(Nguồn: Soha)

Những ông chồng kỳ lạ của showbiz Việt

(Ảnh minh họa).

Có những ông chồng chẳng theo 1 hình mẫu nào, rất nhiều khuyết điểm, hình thức lại như mấy ông chú có tuổi nhưng vẫn làm cho các bà vợ 1 lòng yêu thương.

Chắc hẳn cô gái nào cũng phải “đổ gục” trước hình tượng soái ca, đẹp trai 6 múi, ra ngoài kiếm tiền giỏi về nhà làm việc chăm, lúc nào cũng ôn nhu, ngoài lạnh trong ấm. Thế nhưng những anh chàng “hư cấu” đó chỉ có trên phim thôi bởi hôn nhân cần thực tế hơn thế rất nhiều.

Có những ông chồng chẳng theo 1 hình mẫu nào, rất nhiều khuyết điểm, hình thức lại như mấy ông chú có tuổi nhưng vẫn làm cho các bà vợ 1 lòng yêu thương.

Lý Hải – Ông chồng không chút lãng mạn liên tục có lỗi với vợ

Lý Hải – Minh Hà là cặp vợ chồng không còn xa lạ trong showbiz Việt. Người ta nói trong giới nghệ sĩ ít ai như Lý Hải. Anh luôn hài lòng với những gì mình có, âm thầm làm nghề và sống như nông dân bên vợ con, không sân si với đời lại càng không quan tâm ai nói sai về mình.

Trong 1 bài phỏng vấn Lý Hải thẳng thắn chia sẻ: “Mặc dù là nghệ sĩ nhưng tính tôi không lãng mạn, cho nên lúc yêu, đến khi kết hôn rồi có con cũng không có thay đổi gì. Trong showbiz Việt, tôi nổi tiếng là người khô khan, chưa bao giờ tặng hoa cho vợ. Chỉ có đi hát, người ta tặng hoa mình mình mới mang về cho vợ chứ chưa bao giờ tự mua. Lúc mới quen, vợ hiểu tính, chấp nhận rồi mới yêu”.

Trải qua 1 chặng đường đồng hành bên vợ trẻ anh cũng bộc bạch: “Bản thân tôi không phải thánh thần, có lỗi liên tục với vợ và con. Điều quan trọng là phải biết bù đắp lại cho bớt hối hận”.

Tiến Luật – Ông chồng từng đòi chia tay vợ vì lòng tự ái

Thu Trang – Tiến Luật là cặp nghệ sĩ có hôn nhân hạnh phúc khiến nhiều người ngưỡng mộ trong showbiz Việt. Trải qua hơn 1 thập kỷ song hành, gắn bó cùng nhau từ thời khó khăn, giờ đây cặp đôi viên mãn cả trong hôn nhân lẫn sự nghiệp.

Tiến Luật không phải là mẫu đàn ông Thu Trang theo đuổi nhưng cuối cùng, tình yêu của anh khiến chị cảm động. Có xuất phát điểm kém vợ, Tiến Luật từng chạnh lòng: “Khi Thu Trang nổi tiếng, tôi vẫn 'cù bất cù bơ'. Cô ấy muốn tôi gặp gỡ, giao lưu nhiều để có mối quan hệ nhưng tôi cảm thấy nhờ vả là chạm tới lòng tự ái của mình. Tôi nổi giận, thậm chí cãi nhau và đòi chia tay".

Anh cũng tâm sự bản thân từng ham chơi, ham nhậu, lúc yêu nhau cũng cãi vã rất nhiều nhưng rồi tình yêu, gia đình nhỏ đã khiến anh thay đổi.

“Trên phim trường Thu Trang là giám đốc sản xuất, tôi chỉ làm tròn vai trò diễn viên… Vợ giỏi hơn thì về nhà vẫn phải chăm sóc tôi”, ông chồng “sợ vợ nhất showbiz” khẳng định.

Bởi thế trong 1 lần giao lưu cùng khán giả Thu Trang “bóc phốt” Tiến Luật: "Trang nói cho mọi người nghe, đừng có nghe anh Luật. Anh ấy lần nào lên mạng xã hội hay truyền hình đều nói xấu Trang. Ví dụ như nói Trang giữ hết tiền để không có tiền xài, nói Trang ở nhà hung dữ, nói rất sợ vợ nhưng thực sự không có đâu nha mọi người. Ổng là quỷ, ổng hổng phải người đâu. Không hề sợ vợ chút nào".

Vì đâu mà 1 ông chồng khô khan, liên tục mắc lỗi với vợ lại được vợ chăm lo chu đáo, hỗ trợ hết lòng? Vì đâu mà 1 ông chồng khác xa hình mẫu lý tưởng nhưng cuối cùng lại được vợ yêu thương, tôn trọng?

Hôn nhân cần người đàn ông làm nhiều hơn nói

Không vòng vo, Lý Hải thể hiện những yếu điểm của mình ngay từ khi yêu, rằng “điểm yếu của tôi là ăn nói không hay, sợ lỡ lời ảnh hưởng người khác nên tốt nhất khỏi nói gì hết”. Và anh bù đắp bằng hành động.

Minh Hà cũng từng chia sẻ được chồng hỗ trợ, chăm sóc con cái nên cô mới “dám” sinh đến 4 con. Và sau tất cả Lý Hải cũng công nhận “Tài sản lớn nhất của tôi là 4 con”.

Sau giờ các con đi học về, bận đến mấy anh cũng chơi cùng, học cùng các con cho đến khi chúng đi ngủ anh mới ngồi làm việc tiếp. Bởi với Lý Hải: “Con nít sẽ học hỏi những gì gần nhất. Nếu ba mẹ gần gũi, con sẽ học lời ăn tiếng nói, cử chỉ của ba mẹ. Còn nếu ba mẹ tiếp xúc ít quá, thì con sẽ học từ vú em hay những thứ xung quanh. Ở nhà, bất cứ lúc nào rảnh, tôi đều chơi với con”.

Còn Tiến Luật, dù đồng cam cộng khổ cùng vợ, đi lên từ 2 bàn tay trắng nhưng anh vẫn hết mình hỗ trợ vợ được tỏa sáng. Anh tình nguyện “mang tiếng” 1 ông chồng sợ vợ để gia đình vui vẻ, hạnh phúc. Anh lăn xả, hỗ trợ vợ trong mỗi dự án mà không cần người ta biết đến mình với vai trò gì. Sĩ diện của người đàn ông có quan trọng hơn tiếng cười và sự bình yên của vợ con?

Hôn nhân cần sự hy sinh nhưng phải từ cả 2 phía

Ít ai biết để cưới một cô gái kém 17 tuổi làm vợ, Lý Hải đã mất thời gian dài để chờ đợi Minh Hà sang Anh học Thạc sĩ. Cô từng theo học Đại học Leicester nổi tiếng nhưng cuối cùng vẫn quyết định làm hậu phương cho chồng.

Lý Hải cũng từng kể về vợ: “Minh Hà hỗ trợ tôi rất nhiều, một mình cô ấy có thể làm công việc của 3, 4 người nên tôi rất an tâm làm nghệ thuật. Bà xã không chỉ chu toàn việc nhà, mà còn hỗ trợ tôi trong công việc: giúp tôi sửa kịch bản, casting, góp ý tôi chỉnh sửa âm nhạc, tiếng động…”.

Có lẽ vì thế nên người đàn ông này cũng đáp lại vợ rất chân tình và khéo léo. Anh để tên vợ là nhà sản xuất chính trong những bộ phim bom tấn. Vì nó có sự góp sức rất lớn của bà xã. Anh không muốn người ta gọi vợ mình là “vợ Lý Hải” nên anh luôn đặt tên vợ bên cạnh tên anh như 1 thương hiệu riêng của gia đình Lý Hải – Minh Hà. Đó là sự tôn trọng rất đáng kính nể của anh dành cho vợ.

Tiến Luật cũng không ngại lùi sau hào quang của Thu Trang. Nhưng đến một giai đoạn mọi thứ đã ổn định, Thu Trang tự nguyện lui dần thúc đẩy chồng mình tiến lên trước.

Thế nên đừng quan trọng hình mẫu hay những tiêu chuẩn mơ mộng xa vời. Bởi có rất nhiều những ông chồng chọn “kì lạ” theo 1 cách riêng. Điều đó mới giúp bạn có được hạnh phúc lâu bền.

(Nguồn: Afamily)

Đắk Lắk: Hàng chục tấn cá nuôi lồng, bè chết trắng trên sông Sêrêpốk

Những ngày gần đây, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nắng nóng gay gắt kéo dài, khiến hàng chục tấn cá nuôi trong lồng, bè trên sông Sêrêpốk chết trắng trên mặt nước, gây thiệt hại nặng nề cho các hộ chăn nuôi.

Trang trại nuôi cá của anh Nguyễn Ngọc Hà trên sông Sêrêpốk đoạn chảy qua địa bàn xã Ea Na, huyện Krông Ana có 29 lồng, bè nuôi cá Diêu hồng với sản lượng hàng năm đạt từ 250 đến 300 tấn cá thương phẩm. Tuy nhiên, trong 4 ngày qua cá nuôi ở các lồng, bè của gia đình anh, mỗi ngày chết hơn 1 tấn.

Anh Nguyễn Ngọc Hà cho biết: “Nguyên nhân dẫn đến cá chết đột ngột và tăng đột biến là do thời tiết quá nóng. Nhiệt độ đo hàng ngày vào lúc 15h luôn ở mức 37 độ C. Bên cạnh đó, nước sông Sêrêpốk không chảy do các thủy điện ở đầu nguồn không xả nước khiến cá thiếu ôxy rồi chết.

“Lúc mới phát hiện, chúng tôi đã kiểm tra cá và sát trùng nhưng vẫn không ngăn được lượng cá chết. Để xử lý số lượng cá chết nhiều trong ngày, trang trại đã phải huy động hết nguồn nhân lực vớt cá chết để xử lý theo quy định tránh gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, tiến hành lắp đặt hệ thống quạt nước trong các lồng, bè để tăng lượng oxy cho cá, tuy nhiên vẫn không cứu được”, anh Hà buồn rầu.

Để ngăn chặn tình trạng cá nuôi trong lồng, bè chết trong thời điểm nắng nóng gay gắt này, các hộ nuôi cá lồng bè tại đây cũng đã đề nghị các đơn vị vận hành thủy điện trên sông Sêrêpốk điều tiết nguồn nước trong mùa khô phù hợp để vừa bảo đảm lưu lượng trên dòng sông cũng như sinh kế người dân nuôi cá lồng bè trên sông.

Quan sát trên đoạn sông Sêrêpốk dài khoảng 5 km chảy qua địa bàn xã Ea Na và xã Buôn Chóa giữa 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, hiện có gần 20 hộ gia đình và trang trại nuôi cá trên lồng, bè. Mỗi ngày có hàng chục tấn cá chết, các chủ trại nuôi cá đang nỗ lực vớt số cá chết để tiêu hủy hoặc ủ làm phân đạm cá. Tuy nhiên, một lượng lớn cá chết vẫn trôi nổi trên sông Sêrêpốk.

Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ea Na, huyện Krông Ana Nay H’úy cho biết: Sau khi nắm thông tin cá nuôi ở các lồng, bè trên sông Sêrêpốk chết, chính quyền địa phương đã trực tiếp trao đổi với các hộ nuôi cá phải vớt lên ủ làm phân hoặc chôn vào gốc cây để tránh tình trạng gây ô nhiễm nguồn nước sông cũng như gây ô nhiễm môi trường.

Địa phương đã báo cáo các cơ quan chức năng để kiểm tra, xác định nguyên nhân và hỗ trợ người nuôi cá triển khai các biện pháp nhằm giảm thiệt hại. Với tình hình thời tiết nắng nóng gay gắt như hiện nay, trong những ngày tới, hiện tượng cá chết sẽ tiếp tục diễn ra. Do đó, các hộ nuôi cá nên tiếp tục theo dõi tình hình và có các biện pháp như; lắp quạt nước để tăng oxy trong các lồng bè nhằm hạn chế cá chết; xử lý số lượng cá trên sông để đảm vệ sinh môi trường…

Trước tình trạng cá chết bất thường, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Ana đã có văn bản thông báo kết quả quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường nguồn nước đầu dòng trong khu vực nuôi trồng thủy sản lồng, bè trên sông Krông Ana đợt 1 năm 2023 của Chi cục Thủy sản tỉnh Đắk Lắk đến các hộ chăn nuôi cá trên địa bàn thị trấn Buôn Trấp và xã Ea Na biết để triển khai các biện pháp phòng tránh.

(Nguồn: Đại Đoàn Kết)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang