Cách 'Lật mặt 6' ăn khách; Vì sao không cấm sóng nghệ sĩ lệch chuẩn; Nắng nóng kỷ lục hơn 44 độ C

Cách 'Lật mặt 6' ăn khách

(Ảnh minh họa).

“Lật mặt 6” chứng kiến sự đổi thay trong cách xây dựng kịch bản của Lý Hải. Anh cẩn thận phẫu thuật tâm lý, đặt chúng trong thử thách để lột tả sự trưởng thành của nhân vật.

Khởi chiếu từ ngày 28/4, Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả. Điều này một phần tới từ sức hút của cái tên Lý Hải. Mặt khác, đây lại là dự án thuộc loạt phim ăn khách nhất lịch sử rạp Việt.

Không phải ngẫu nhiên, Lật mặt trở thành thương hiệu của nam đạo diễn suốt gần một thập kỷ qua. Dù chất lượng còn gây tranh luận, song, không phủ nhận series này ngày càng có chỗ đứng trên thị trường điện ảnh.

"Lật mặt 6" hút khách và kịch tính nhờ câu chuyện về nhóm bạn "rất đời"

Trở lại với Lật mặt 6, Lý Hải khéo léo phát huy thế mạnh sẵn có, lại ý thức được việc phát triển chiều sâu câu chuyện. Không khó để nhận ra kịch bản phim còn nhiều lỗ hổng. Song, xét trên tổng thể, nó vẫn cho thấy sức nặng hơn hẳn những phần trước.

Nhìn qua bảng tổng sắp phim Việt ăn khách nhất lịch sử, dễ thấy hài, hành động và tâm lý là những đề tài dễ thu hút khán giả nhất. Lật mặt 6 vẫn có hành động và hài, nhưng lại được đạo diễn tiết chế. Thay vào đó, anh lựa chọn đào sâu yếu tố tâm lý trong phim.

Nội dung phần này xoay quanh câu chuyện về nhóm bạn thân 6 thành viên. Trong một dịp tụ họp, nhân vật Phương khoe với mọi người tấm vé số mới mua, được ghép từ ngày sinh của cả 6 người. Anh đưa nó cho người cẩn thận nhất nhóm là An nắm giữ và tuyên bố nếu trúng giải, phần thưởng sẽ chia đều cho tất cả.

Tờ vé số trúng thật, với tiền thưởng hơn trăm tỷ đồng. Song, An gặp nạn, tấm vé cũng vô tình bị chôn cùng anh dưới mồ. Viễn cảnh cả nhóm 6 người cùng nhau “phất lên” theo đó mà tan vỡ. Những thành viên còn lại lao vào xâu xé cơ hội đổi đời, sẵn sàng trở mặt với người mình từng gọi là bạn.

Thực chất, việc phát triển song song nhiều nhân vật dễ khiến tình tiết bị rối. Trong phim, đạo diễn nhiều phen hụt hơi do không đủ sức theo sát mỗi nhân vật. Tuy nhiên, sự liều lĩnh của Lý Hải không phải không có hiệu quả. Anh sử dụng đồng tiền như một phép thử nhóm bạn, đẩy họ tới ranh giới thay đổi về mặt bản ngã.

Cách xây dựng nhóm bạn dễ chạm đến sự đồng cảm của khán giả. Thực tế đời sống cho thấy gần như ai cũng có nhóm bạn của riêng mình. Những nhóm bạn có thể lớn lên cùng nhau, đi qua thuở hàn vi, gian khó, có thể cùng nhau chịu nhiều đắng cay, cùng nhau trưởng thành. Nhưng không phải ai trong số họ cũng thành đạt, không phải ai cũng tốt bụng, ai cũng sẵn sàng hy sinh vì người khác. Tình bạn khi bị đặt trong thử thách của ái tình, nhục dục, của vật chất quyền lợi, của giàu sang phú quý rất dễ sói mòn, sụp đổ, thậm chí phản bội, hãm hại, đố kỵ, tranh giành lẫn nhau.

Nhiều khán giả, do đó, chia sẻ rằng họ đã thấy được một phần của người xung quanh, một phần của chính mình trong nhóm bạn Lật mặt 6, dù đương nhiên những bộ phim sẽ được làm điển hình hóa và kịch tích hóa để tạo những nút thắt và biến cố cho câu chuyện.

Nhóm bạn được khai thác như thế nào trên phim?

Tình bạn vốn là một chất liệu phổ biến trong nhiều bộ phim điện ảnh, đơn cử như Stand by me, Forrest Gump, The Wolf of Wall Street hay The Perks of Being a Wallflower,... Nó thường được các nhà làm phim khai thác thông qua thử thách, biến cố. Để rồi qua đó, mỗi nhân vật được bộc lộ cá tính, suy nghĩ và bản chất của mình. Tình bạn giữa các nhân vật sau khi trải qua nhiều phép thử hoặc sẽ thêm bền chặt, hoặc tan rã, đổ vỡ. Dựa trên kết quả “thí nghiệm”, đạo diễn có thể đưa ra thông điệp phù hợp tới người xem.

Trong phim của Lý Hải, bài toán đặt ra là khoản tiền thưởng từ tấm vé số sẽ được “chia phần” ra sao. Nó khiến nhóm bạn thân lao cuộc đấu "sứt đầu mẻ trán", còn khán giả cũng phải hồi hộp chờ đợi kết quả. Từ đó, nhiều cú “lật mặt” xảy ra, đánh lạc hướng suy luận trước khi lời giải thực xuất hiện ở cuối phim.

Điều thú vị mà Lý Hải làm được là không chủ đích xác định bản chất nhân vật. Ngay từ đầu, thiện ác đã khó phân biệt, chỉ sau khi trải qua phép thử thì sự thật mới dần hé lộ. Kế đến, mỗi người trong số họ đều có đủ động cơ để dấn thân vào cuộc tranh đoạt tàn khốc này. Tuy hoàn cảnh, tính cách khác biệt, họ ít nhiều đều cần tiền để trang trải cuộc sống cá nhân. Thậm chí, có người còn bị đẩy tới cảnh bí bách, cùng quẫn.

Càng về cuối phim, tiết tấu lại càng được đẩy nhanh. Chỉ có điều, đây cũng là thời điểm đạo diễn mắc phải nhiều lỗi logic khi phát triển tâm lý nhân vật, nhất là sau mỗi cú plot-twist. Có cảm giác, anh chấp nhận đánh đổi để tạo ra bước ngoặt mới cho câu chuyện. Điều này khiến tình tiết dẫu gây sốc nhưng cũng rất chênh vênh. Chính vì vậy, pha “lật mặt” cuối cùng tỏ ra chưa thuyết phục.

Và vẫn là một Lý Hải với cái kết sến đặc trưng. Dẫu kết phim có hậu, đó lại chưa phải lời giải thích đáng cho bài toán phát sinh ban đầu. Câu chuyện thiếu thuyết phục ở chỗ các nhân vật dành cả thời lượng phim trước đó để xâu xé nhau, nhưng ngay phút sau lại có thể khoác vai thắm thiết và hòa ca một bài tình bạn.

Cũng khai thác chủ đề này, The Social Network của David Fincher lại có cách diễn giải chặt chẽ và cuốn hút hơn. Sử dụng cùng công thức, đạo diễn kể câu chuyện xoay quanh nhân vật Mark Zuckerberg, với từng sự kiện và biến cố khiến tính cách nhân vật dần được bộc lộ.

Sự khéo léo của kịch bản nằm ở chỗ không chỉ làm khán giả tò mò về kết quả, mà còn là cả quá trình dẫn đến hai vụ kiện khiến tình bạn đổ vỡ. Từng mẩu chuyện nhỏ được lồng ghép qua những đoạn hồi tưởng về quá khứ một cách khéo léo, giúp quá trình trưởng thành của nhân vật hiện lên một cách tự nhiên, không khiên cưỡng.

Từ đó, thông điệp về tình bạn cũng được truyền tải thuyết phục, mang sắc thái đa chiều hơn: chính thứ cho phép hàng triệu người kết bạn lại làm cho mối quan hệ khăng khít giữa các nhà sáng lập đổ vỡ.

Trở lại với bộ phim của Lý Hải, nếu anh không gấp rút "lật mặt" quá nhiều lần, quá trình giải mã tâm lý nhân vật có lẽ sẽ logic hơn. Song, dù đạo diễn chưa xây dựng được một kịch bản hoàn hảo, việc anh cố gắng thay đổi phong cách làm phim của mình vẫn là một tín hiệu tích cực, đáng khen.

(Nguồn: Zing News)

Vì sao không cấm sóng nghệ sĩ Việt lệch chuẩn?

Xoay quanh câu chuyện “phong sát”, “cấm sóng” các nghệ sĩ vi phạm pháp luật, đạo đức lối sống hay thuần phong mỹ tục, nhiều chuyên gia ủng hộ việc có biện pháp xử phạt bằng việc hạn chế hình ảnh, sự xuất hiện của các nghệ sĩ vi phạm trên các phương tiện truyền thông cũng như các sự kiện, hoạt động biểu diễn.

Không dùng cụm từ "phong sát", "cấm sóng"

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) ngày 5/5, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử (PTTH&TTĐT) Lê Quang Tự Do cho biết tại một số nước như Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp như “phong sát”, "cấm sóng" nghệ sĩ có vi phạm về pháp luật, đạo đức lối sống hay thuần phong mỹ tục. Tuy nhiên, Việt Nam không áp dụng các biện pháp này.

Lãnh đạo Cục PTTH&TTĐT khẳng định việc thực hiện "cấm sóng" hay “phong sát” được thực hiện theo căn cứ pháp lý. Tại Việt Nam, các hoạt động bị cấm của công dân được quy định cụ thể trong văn bản pháp luật. Vì vậy, cơ quan quản lý hướng tới biện pháp “mềm” bằng việc hạn chế hình ảnh, sự xuất hiện của các nghệ sĩ vi phạm trên các phương tiện truyền thông cũng như các sự kiện, hoạt động biểu diễn.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) đã soạn dự thảo quy trình xử lý (hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo) đối với nghệ sĩ, KOLs (người có tầm ảnh hưởng) có hành vi vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục. Dự thảo được gửi xin ý kiến các bộ, ngành liên quan và đang chỉnh sửa hoàn thiện.

Trước đó, tại tọa đàm Thực trạng văn hóa ứng xử trên không gian mạng của nghệ sĩ và giới trẻ - Likeday tổ chức ngày 19/4, ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) cho biết Cục Nghệ thuật biểu diễn làm việc với các bộ, ngành như Bộ Công an, Bộ TT&TT để đưa ra quy chế phối hợp nhằm giảm tác động tiêu cực của các nghệ sĩ vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục.

Ông Trần Hướng Dương cho rằng không nên dùng "phong sát", "cấm sóng" vì những từ ngữ này chưa phù hợp với văn hóa Việt Nam.

“Nếu ứng xử của cá nhân gây tác động lớn, biện pháp áp dụng có thể là hạn chế hoạt động, thậm chí mạnh tay nữa. Cơ quan quản lý đang đề xuất các giải pháp, cân nhắc việc giảm sức ảnh hưởng nếu nghệ sĩ vi phạm pháp luật, thuần phong mỹ tục…”, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn chia sẻ.

Lãnh đạo Cục NTBD khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ bộ quy tắc ứng xử dành cho nghệ sĩ, với một mục yêu cầu riêng về cách hành xử trên không gian mạng.

Không cấm nhưng hạn chế hình ảnh

Xoay quanh câu chuyện xử phạt các nghệ sĩ vi phạm pháp luật, đạo đức lối sống hay thuần phong mỹ tục, nhiều chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật đồng tình với việc xử nghiêm những người có hành vi vi phạm.

" Nếu không đưa ra những điều bị cấm đoán, đôi khi nghệ sĩ sẽ trượt dài trên những sai phạm của mình ", PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật T.Ư nói.

Nghệ sĩ, người của công chúng luôn có lượng lớn người hâm mộ, vì vậy khi họ biểu diễn trên khấu, ứng xử ngoài đời, mọi hành vi, lời nói của họ đều ảnh hưởng đến xã hội, đặc biệt là giới trẻ.

Tuy nhiên, một số nghệ sĩ chưa nhận thức được sứ mệnh của mình mà lợi dụng sự yêu thích, thần tượng của giới trẻ để phát ngôn thiếu cân nhắc, thậm chí có những hành vi lệch chuẩn, vi phạm đạo đức, trái thuần phong mỹ tục.

"Thực tế, mỗi người đều có sự điều chỉnh để phù hợp với thực tế xã hội, tuy nhiên nếu nghệ sĩ không thể tự ý thức, điều chỉnh, lúc này cần đến sự điều chỉnh đến từ những quy định, quy ước. Nếu không đưa ra những điều bị cấm đoán, đôi khi nghệ sĩ sẽ trượt dài trên những sai phạm của mình", PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật T.Ư chia sẻ với Tiền Phong .

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định phải xem xét kỹ lưỡng để đưa ra những hình phạt hợp lý tránh những hệ lụy không mong muốn, đồng thời đảm bảo tính nhân văn trong quản lý.

Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội PGS.TS. Bùi Hoài Sơn đề xuất xây dựng các chương trình đào tạo, hỗ trợ nghệ sĩ để họ hiểu rõ hơn về trách nhiệm của mình trong việc truyền tải thông tin đến khán giả và cộng đồng.

Công chúng thực tế cũng đóng vai trò quan trọng trong điều chỉnh hành vi của nghệ sĩ. Bởi những hành vi như không chia sẻ, thích, tẩy chay những sản phẩm độc hại, những hành vi vi phạm pháp luật, đi ngược lại với giá trị đạo đức cộng đồng trở thành áp lực rất lớn đối với các nghệ sĩ, buộc họ phải thay đổi hành vi của mình.

Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn NSƯT Trần Ly Ly trước đó khẳng định với Tiền Phong rằng quy trình xử lý được xây dựng theo hướng đảm bảo sự công khai, khách quan.

“Đây là sự phối hợp liên bộ, của nhiều cơ quan liên quan để thẩm định về nội dung, tư tưởng… nhằm xác định sai phạm. Tổ chuyên trách quyết định thời gian hạn chế xuất hiện trên truyền thông hay hạn chế tham gia các hoạt động biểu diễn theo mức độ vi phạm, mức độ ảnh hưởng với cộng đồng”, bà Trần Ly Ly chia sẻ.

Sau khi quy trình trình xử lý (hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo) đối với nghệ sĩ, KOLs có hành vi vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục được ban hành, Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan, chủ động kiểm tra, giám sát các đơn vị, địa bàn về công tác hoạt động nghệ thuật biểu diễn.

(Nguồn: Soha)

Cơ quan khí tượng nói gì về nắng nóng kỷ lục hơn 44 độ C vừa thiết lập?

(Ảnh minh họa).

Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết nắng nóng tại Hồi Xuân (tỉnh Thanh Hóa) với mức nhiệt 44,1 độ C đo được là cao kỷ lục trên toàn lãnh thổ Việt Nam

Nói về diễn biến đợt nắng nóng diện rộng ở Bắc Bộ và các tỉnh miền Trung, Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết do chịu ảnh hưởng của hoàn lưu vùng thấp nóng phía Tây cộng thêm tác động của hiệu ứng gió phơn khô nóng, từ ngày 4-5 ở khu vực Tây Bắc Bộ, các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ xảy ra nắng nóng trên diện rộng.

Từ ngày 5-6 đến nay, cả Bắc Bộ, các tỉnh miền Trung đều xảy ra nắng nóng trên diện rộng, trong đó khu vực Tây Bắc Bộ, các tỉnh miền Trung từ Thanh Hóa đến Phú Yên xảy ra nắng nóng gay gắt, nhiều nơi xảy ra nắng nóng đặc biệt gay gắt.

Trong đó ngày hôm nay 6-5 là ngày nắng nóng gay gắt đỉnh điểm của đợt nắng nóng diện rộng này với nền nhiệt cao nhất trong ngày ở khu vực Bắc Bộ, các tỉnh Trung Bộ phổ biến từ 37-40 độ C, rất nhiều nơi có nhiệt độ cao trên 40 độ C, một số nơi có nhiệt độ cao trên 43 độ C như: Lạc Sơn (Hòa Bình) 43,4 độ C; Hồi Xuân (Thanh Hóa) 44,1 độ C; Tương Dương (Nghệ An) 43,5 độ C.

Đặc biệt tại Hồi Xuân (Thanh Hóa) với mức nhiệt là 44,1 độ thì đây là mức nhiệt cao kỷ lục trên toàn lãnh thổ Việt Nam vượt qua mức kỷ lục 43,3 độ C xuất hiện vào ngày 20-4-2019.

Nói về dự báo xu thế nắng nóng trong những ngày tới, Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết hiện nay ở phía Bắc có một khối không khí lạnh đang di chuyển xuống nước ta, dưới tác động của khối không khí lạnh này, trong ngày mai 7-5, vùng thấp nóng phía Tây sẽ bị suy yếu đi, vì thế nắng nóng ở các tỉnh Bắc Bộ, Trung Bộ sẽ có xu hướng giảm dần, với khu vực phía Đông Bắc Bộ nhiệt độ giảm từ 3-5 độ C, nắng nóng thu hẹp lại chỉ còn xảy ra ở khu vực đồng bằng với mức nhiệt cao 35-37 độ C.

Khu vực Tây Bắc Bộ, các tỉnh Trung Bộ vẫn xảy ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên diện rộng, nhưng nhiệt độ giảm khoảng 2-3 độ C, cao nhất trong ngày mai phổ biến từ 36-39 độ C, một số nơi vẫn có nhiệt độ cao trên 41 độ C.

Đến ngày 8-5 khi có tác động của không khí lạnh nhiều hơn, Bắc Bộ, miền Trung chuyển mưa, nắng nóng cơ bản chấm dứt.

Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia đánh giá đây là đợt nắng nóng gay gắt diện rộng có khả năng mạnh nhất của tháng 5-2023. Sau đợt nắng nóng diện rộng này, Bắc Bộ, miền Trung liên tục có mưa dông nên tuần tới trời mát mẻ.

Nắng nóng ở Thừa Thiên - Huế phá mốc lịch sử trong 47 năm

Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết địa phương này đã xảy ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên diện rộng trong ngày 6-5. Riêng huyện miền núi Nam Đông có nắng nóng đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất đạt 41,3 độ C, vượt mức 41 độ C vào ngày 22-5-1983 và vượt mức cao nhất lịch sử là 41,1 độ C vào ngày 5-4-2013.

Còn tại huyện miền núi A Lưới, hôm qua, ngày 5-5, nhiệt độ cao nhất đạt 36,8 độ C, vượt mức 36,6 độ C vào ngày 19-5-2019. Tuy nhiên, hôm nay, nhiệt độ tại đây tăng tiếp lên 37,7 độ C. Nhiệt độ cao nhất lịch sử tại A Lưới là 38,1 độ C vào ngày 10-4-1983.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong ngày mai 7-5, tại địa phương này tiếp tục có nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên diện rộng, có nơi đặc biệt gay gắt. Từ ngày 8-5, nắng nóng sẽ giảm dần, xuất hiện cục bộ một vài nơi và sau đó kết thúc.

Tại miền Nam, tối 6-5, ông Lê Đình Quyết, Phó Trưởng Phòng Dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết trong ngày 6-5, Nam Bộ đạt mức nhiệt cao nhất từ đầu năm đến nay. Cụ thể, nhiệt độ cao nhất trong ngày hôm nay đo được tại Biên Hoà (Đồng Nai) là 39,4 độ C. Một số khu vực khác cũng có nhiệt độ gần 39 độ C như: Đồng Phú (Bình Phước) với 38,6 độ C, Trị An (Đồng Nai) 38,7 độ C, Sở Sao (Bình Dương) 38,3 độ C.

(Nguồn: Người Lao Động)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang