Cứu 2 cháu bé bị bắt cóc; Làm rõ bé 1 tuổi chấn thương sọ não; 'Bà trùm' lừa người mua điện thoại; Báo án cướp giả để trốn nợ

42 GIỜ GIẢI CỨU 2 CHÁU BÉ BỊ BẮT CÓC

Lực lượng Công an TP.HCM vừa giải cứu thành công 2 bé gái bị bắt cóc ở phố đi bộ Nguyễn Huệ sau 42 giờ truy xét khẩn trương.

Ngày 8/4, Công an TP.HCM cho biết, Công an phường Bến Nghé (quận 1) vừa giải cứu thành công 2 bé gái mất tích tại phố đi bộ Nguyễn Huệ sau 42 giờ truy xét khẩn trương.

Trước đó, chiều 6/4, Công an phường Bến Nghé tiếp nhận thông tin từ chị Nguyễn Thị Chi (27 tuổi; ngụ Quận 7) về việc bị thất lạc hai con ruột là cháu N.K.T.M. (7 tuổi) và cháu L. H.T.L (3 tuổi) tại khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ từ tối ngày 3/4. Mặc dù đã tự đi tìm và liên hệ tại nhiều nơi nhưng gia đình chị vẫn không tìm thấy 2 cháu bé.

Ngay sau khi tiếp nhận nguồn tin, Công an quận 1 đã chỉ đạo Đội Cảnh sát hình sự phối hợp Công an phường Bến Nghé khẩn trương xác minh thông tin ban đầu, tổ chức lực lượng truy tìm trên địa bàn. Lãnh đạo Bộ Công an và Thường trực Thành ủy TP.HCM cũng đã chỉ đạo Công an TP khẩn trương truy tìm tung tích nạn nhân.

Giám đốc và Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP trực tiếp chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự và các đơn vị nghiệp vụ khác phối hợp với Công an quận 1 huy động toàn bộ lực lượng, áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ truy tìm tung tích 2 cháu bé để trao trả cho gia đình, đảm bảo tuyệt đối an toàn trong thời gian nhanh nhất.

Lực lượng phối hợp thuộc Công an TP đã phát động phong trào quần chúng nhân dân tố giác tội phạm, cung cấp nhiều thông tin quan trọng, có giá trị liên quan.

Kết hợp với nhiều biện pháp nghiệp vụ sắc bén, nhiều tổ công tác đã được triển khai để nhanh chóng xác minh thông tin, rà dựng quá trình di chuyển, tung tích nạn nhân và đối tượng có liên quan.

Qua đó, cơ quan công an xác định, khoảng 20h30 ngày 3/4, một đối tượng nữ đã lợi dụng lúc 2 đứa bé không có người trông coi, tiếp cận, dẫn dụ 2 bé gái đi theo mình qua nhiều tuyến đường từ quận 1 sang quận 8. Sau đó, đối tượng đặt xe taxi công nghệ đưa 2 cháu bé về chung cư Saigon Pearl (thuộc phường 22, quận Bình Thạnh).

Phòng Cảnh sát hình sự chủ trì phối hợp Công an quận 1, Bình Thạnh rà soát, phát hiện đối tượng Phạm Huỳnh Nhật Vi (21 tuổi, trú huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) đang khống chế 2 đứa bé con chị Nguyễn Thị Chi tại căn hộ 10.05 tháp Ruby, chung cư Saigon Pearl.

Lực lượng phối hợp đã nhanh chóng khống chế đối tượng, giải cứu 2 cháu bé an toàn, khỏe mạnh chỉ chưa đầy 42 giờ sau khi tiếp nhận thông tin về việc 2 cháu bé bị mất tích.

Phòng Cảnh sát hình sự đã hiệp đồng với Công an quận 1 và các đơn vị nghiệp vụ, địa phương có liên quan trao trả 2 cháu bé cho gia đình, đồng thời tiếp tục củng cố, tài liệu chứng cứ để xử lý nghiêm đối tượng Phạm Huỳnh Nhật Vi theo đúng quy định.

LÀM RÕ VỤ CHÁU BÉ BỊ CHẤN THƯƠNG SỌ NÃO KHI GỬI Ở TRƯỜNG MẦM NON

Cơ quan chức năng đang xác minh, làm rõ nguyên nhân cháu bé 1 tuổi bị chấn thương não ở trường mầm non.

Sáng 8-4, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch UBND TP Sơn La, tỉnh Sơn La, cho biết hiện cơ quan công an đang xác minh, làm rõ nguyên nhân một cháu bé bị chấn thương não. "Khi nào có kết luận chúng tôi sẽ thông tin"- ông Trụ nói.

Trước đó, theo thông tin ban đầu, vào ngày 3-4, gia đình gửi cháu bé P.H.Đ. (1 tuổi, trú phường Chiềng Sinh, TP Sơn La) tại Trường Mầm non Sơn Ca. Đến chiều cùng ngày, gia đình nhận được thông tin về tình trạng sức khỏe của con.

Theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La chiều 3-4, đơn vị tiếp nhận cấp cứu cháu P.H.Đ. trong tình trạng bất tỉnh. Qua chụp chiếu phát hiện cháu bị tụ máu dưới màng cứng (chấn thương vùng não).

Ngay sau đó, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cấp cứu để cháu bé thoát khỏi cơn nguy kịch.

Được biết, Trường mầm non Sơn Ca là trường dân lập đóng tại địa bàn phường Chiềng Sinh. Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng xác minh, làm rõ.

BẮT ĐƯỜNG DÂY LỪA ĐẢO NGƯỜI MUA ĐIỆN THOẠI, LỘ DIỆN "BÀ TRÙM"

Đăng tải hình ảnh bán điện thoại thông minh chính hãng với giá rẻ, các đối tượng đã lừa đảo khoảng 7.000 bị hại với số tiền hơn 90 tỉ đồng.

Trưa 8-4, tin từ Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết đơn vị vừa triệt phá đường dây bán điện thoại giả mạo trên các nên tảng mạng xã hội Facebook, Shopee, Lazada, TikTok, Tiki, khởi tố vụ án, khởi tố 22 bị can về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thu giữ 20 máy tính các loại, khoảng 3000 điện thoại chất lượng kém, hàng giả là công cụ các đối tượng sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội, cùng nhiều đồ vật tài liệu có liên quan.

Cầm đầu đường dây này là "bà trùm" Bùi Thị Hương (SN 1981, ngụ tại khu biệt thự thuộc xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội) và 2 cộng sự đắc lực là vợ chồng Đặng Thị Thêm (SN 1995, ngụ tại địa chỉ Phòng 204, số 55 Huỳnh Thúc Kháng, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, TP.Hà Nội) và Lê Quang Vinh (SN 1993, trú tại số 10 Lý Tự Trọng, phường Ba Đình, TP.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa).

Trước đó, cơ quan điều tra nhận được thông tin do bị hại cung cấp với nội dung: "Khi đặt hàng chiếc máy tính bảng Dell XPS chính hãng trên Shopee, tôi đã được cam kết được kiểm tra hàng trước khi thanh toán. Tuy nhiên khi nhận hàng, người giao hàng nói chỉ được phép mở hộp bìa cát-tông bên ngoài, còn hộp điện thoại được bọc một lớp ni lông không được phép mở. Nếu mở hộp, sẽ không được hoàn trả hàng. Vì sản phẩm chỉ có giá trị chỉ hơn 2 triệu đồng và bên bán hàng có ghi cho đổi trả trong vòng 3 ngày, nên tôi đã thanh toán trước khi có cơ hội kiểm tra. Sau khi thanh toán, tôi mở hộp, chỉ thấy nhiều dây sạc, sạc dự phòng và một chiếc điện thoại 'cục gạch' giá rẻ. Khi gọi lại cho người bán, số điện thoại đã bị chặn. Lúc đó tôi mới nhận ra mình đã bị lừa đảo."

Vào cuộc điều tra, xác minh, đến tháng 1-2024, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã phát hiện đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản này.

Lực lượng phá án xác định đây là đường dây hoạt động lừa đảo có tổ chức trên quy mô toàn quốc, với thủ đoạn hoạt động tinh vi và chuyên nghiệp, nhất là sự chỉ đạo chặt chẽ từ các đối tượng cầm đầu.

Các đối tượng tuyển dụng và đào tạo nhân viên để thực hiện các bước như lập các gian hàng trên sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, TikTok, Tiki, chạy quảng cáo và tư vấn sản phẩm cho khách hàng.

Phương thức lừa đảo của các đối tượng là đăng tải hình ảnh của điện thoại thông minh chính hãng với giá rẻ hơn rất nhiều so với thực tế, chỉ dao động từ 1,5 triệu đồng-2,5 triệu đồng, sau đó giao hàng là sản phẩm giả (gồm các cuộn dây sạc, sạc dự phòng, điện thoại có phím giá rẻ). Sau khi tiếp cận được khách hàng, chúng sẽ nhắn tin để tư vấn sản phẩm và thuyết phục khách hàng mua hàng. Khi khách nhận hàng và thanh toán các đối tượng sẽ chặn liên lạc.

Quyết định "cất vó", ngày 26-1-2024, Công an Hà Tĩnh đã huy động 50 cán bộ chiến sĩ, chia thành 9 tổ công tác tiến hành phá một phần chuyên án, tại địa bàn TP Hà Nội và TP Thanh Hoá, bắt giữ vợ chồng Thêm, Vinh cùng 7 đối tượng khác.

Tiến hành khám xét các địa điểm do Thêm và Vinh làm chủ, lực lượng chức năng thu giữ nhiều thiết bị điện tử, hàng chục điện thoại di động, máy in vận đơn, máy khò nhiệt, máy ép nhiệt, thẻ bảo hành giả, hơn 100 điện thoại di động chất lượng kém phục vụ hoạt động phạm tội.

Mở rộng vụ án, ngày 25-3-2024, lực lượng chức năng đã tổ chức 3 mũi trinh sát gồm 50 cán bộ chiến sĩ đồng loạt khám xét 3 địa điểm quan trọng:

Tổng kho hàng của "bà trùm" Bùi Thị Hương tại khu đô thị Vân Canh, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội;

Tòa nhà A3, nơi "trưởng nhóm" Nguyễn Minh Đức (SN 1987, ngụ tại xã Quảng Lãng, Hưng Yên) và cấp dưới làm việc, đặt tại đường Hàm Nghi, Phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm;

Căn hộ của nhóm kế toán Trần Thị Hiền, phụ trách cho Bùi Thị Hương, đặt tại đường Nguyễn Đổng Chi, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm.

Trong quá trình khám xét tại kho hàng của Hương, lực lượng chức năng phát hiện có hàng ngàn hộp điện thoại được để kín từ tầng 1 đến tầng 3 của tòa nhà, hàng trăm bộ dây sạc, sạc dự phòng và các thiết bị di động giả mạo các thương hiệu nổi tiếng như IPHONE, SAMSUNG, DELL, VIVO... góc phát trực tiếp (livestream) để bán hàng qua mạng.

"Nữ quái" này khai nhận từ tháng 6-2022, bắt đầu kinh doanh điện thoại di động trên Shopee nhưng không thành công. Để giải quyết tình hình, Hương đã bàn với Nguyễn Minh Đức về việc thực hiện hành vi lừa đảo để chiếm đoạt tài sản của khách hàng. Hương đã sử dụng nền tảng Taobao.com để đặt mua các sản phẩm là dây sạc, sạc dự phòng và các loại điện thoại giả từ Trung Quốc và chỉ đạo Đức mua hộp đựng và túi ni lông bọc ngoài hộp đựng (gọi là seal) để ghép lại với nhau thành các sản phẩm giả, có trọng lượng tương đương với hàng thật nhằm lừa đảo người mua tin rằng đó là hàng chính hãng.

Bước đầu, lực lượng chức năng xác định đường dây này hoạt động từ năm 2019 đến nay, ước tính lừa đảo khoảng 7.000 bị hại tại địa bàn nhiều tỉnh thành trên cả nước, chiếm đoạt khoảng hơn 90 tỉ đồng.

NỞ RỘ TÌNH TRẠNG PHỤ NỮ GIẢ BỊ CƯỚP, BẮT CÓC ĐỂ TRỐN NỢ

Thời gian qua, trên địa bàn Quảng Ngãi xảy ra nhiều vụ báo tin giả bị cướp, bắt cóc, tống tiền... nhằm trốn tránh nợ nần.

Vì nợ tiền, đầu tháng 4/2024, bà Trần Thị Hoa, ở xã Bình Dương, huyện Bình Sơn đến Công an xã Bình Dương trình báo việc con gái 6 tuổi bị nhóm người (khả nghi chồng cũ) đến bắt cóc và yêu cầu 15 triệu đồng tiền chuộc con, nếu không sẽ giết cả 2 mẹ con.

Trần Thị Hoa đã đi vay mượn 10 triệu đồng bỏ vào túi xách rồi đến tuyến bờ kè phía Bắc sông Trà Bồng bỏ túi xách lại theo hướng dẫn có nhóm người bắt cóc. Nhận thông tin, Công an xã Bình Dương khẩn trương vào cuộc.

Tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, truy xét, trích xuất camera, tìm nhân chứng... nhưng lực lượng Công an không phát hiện dấu hiệu khả nghi. Làm việc đấu tranh lại Trần Thị Hoa thì đối tượng bắt đầu khai nhận việc báo tin bắt cóc, tống tiền giả.

Trần Thị Hoa giãi bày: "Do thiếu nợ tiền của nhiều người, không có tiền trả và gần đây nhất Hoa có lấy tiền của người bạn cùng công ty. Sợ gia đình phát hiện nên đã “dựng” lên chuyện bắt cóc, tống tiền để mượn tiền người thân trong gia đình trả cho nợ".

Còn trường hợp bà Nguyễn Thị Thuyết, ở xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa đến Công an xã Nghĩa Thương trình báo bị kẻ lạ đến nhà dùng bình xịt thuốc mê vào mặt, khiến bà Thuyết đưa hết tài sản tiền, vàng, điện thoại cho đối tượng.

Trước tính chất nghiêm trọng của vụ án, ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Công an xã Nghĩa Thương lập tức báo cáo tình hình với lãnh đạo Công an huyện Tư Nghĩa, khẩn trương chỉ đạo các Đội nghiệp vụ cử trinh sát, cán bộ điều tra xuống hiện trường phối hợp điều tra, thu thập dấu vết, lấy lời khai của bị hại và những người biết vụ việc, nhanh chóng truy bắt các đối tượng manh động gây ra vụ cướp.

Làm việc với các điều tra viên, bà Thuyết cho biết thời điểm trên bà bị tấn công bất ngờ nên không biết hình dáng, các đối tượng đi phương tiện gì... Mặc dù lời khai của "bị hại" nghe khá logic, bài bản, song đối chiếu với hiện trường bị lục lạo lấy tài sản, các điều tra viên và trinh sát dày dặn kinh nghiệm đã phát hiện "có vấn đề”.

Thêm vào đó, nguồn tin thu thập được từ người dân khu vực cũng như camera an ninh thì trong khoảng thời gian trên, khu vực này không ghi nhận có vụ cướp nào. Tổng hợp những bằng chứng thông tin thu thập được, các điều tra viên đã chất vấn, đấu tranh với Thuyết. Biết không thể qua mặt được Công an, cuối cùng bà Thuyết khai nhận không có vụ cướp như tin báo. Bản thân do nợ nần nên báo tin giả mất tiền để che giấu nợ của mình.

Thời gian qua có nhiều người dân đến cơ quan công an báo tin giả bị cướp tài sản. Thậm chí những người này còn dựng nên những tình huống táo tợn khiến cho người dân lo lắng, hoang mang.

Tuy nhiên, thông thường các vụ báo tin giả kiểu này không thể qua được nghiệp vụ của lực lượng công an. Cuối cùng chân tướng của sự thật được phơi bày và người tung tin giả bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Trung tá Võ Hữu Vi, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an Thị xã Đức Phổ cho biết: "Sau khi tiếp nhận một số vụ việc báo án, quá trình điều tra, chúng tôi đã làm rõ các tin báo này là giả. Người dân xuất phát từ việc bị "dí" nợ nần, để nhằm đánh lạc hướng con nợ để không bị áp lực đòi nợ nên nên đến công an báo án giả. Công an thị xã Đức Phổ cũng đã gọi hỏi, răn đe, giáo dục người báo tin giả".

Việc báo án giả là vi phạm pháp luật, vì trình báo không đúng sự thật, gây hoang mang trong nhân dân, tạo dư luận không tốt về tình hình ANTT địa phương. Ngoài ra, người cố ý tố giác, báo tin giả về tội phạm mà xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người bị tố giác, báo tin giả có thể phải bồi thường nếu người bị thiệt hại có yêu cầu theo luật định.

Nếu đối tượng báo tin giả gây ảnh hưởng nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Mọi hành vi báo tin giả, sai sự thật đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đây còn là hành động làm nhiễu loạn thông tin, gây ảnh hưởng xấu tới hoạt động của cơ quan chức năng cũng như người thi hành công vụ

Nguồn: Vietnamnet; Soha; Kenh14; Người Đưa Tin

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang