Cố thủ trên trụ đèn cao áp; Sự thật 2 nữ sinh quỵt tiền trọ; Những đứa trẻ ngủ trên vỉa hè; Vụ người nhà tố bệnh viện tắc trách

GIẢI CỨU THANH NIÊN CỐ THỦ TRÊN TRỤ ĐÈN CAO ÁP Ở CỬA NGÕ TP.HCM

Nam thanh niên cố thủ trên trụ đèn cao áp suốt 2 giờ đã được lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH TP.HCM áp sát khống chế, đưa xuống mặt đất an toàn.

Đến 10h30 ngày 22/3, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an của huyện Hóc Môn và quận 12 (TP.HCM) đã phối hợp giải cứu thành công thanh niên với biểu hiện bất thường về tâm lý leo lên cột đèn chiếu sáng nằm trên Quốc lộ 22.

Trước đó, hơn 8h sáng cùng ngày, tại đoạn giao lộ với đường Nguyễn Ảnh Thủ, giáp ranh giữa phường Trung Mỹ Tây (quận 12) và xã Bà Điểm (huyện Hóc Môn), người dân hoảng hốt phát hiện thanh niên leo và cố thủ trên trụ đèn cao áp nằm giữa Quốc lộ 22.

Bất chấp lời khuyên của mọi người, thanh niên vẫn cố thủ trên trụ đèn ở độ cao gần 20m, rất nguy hiểm.

Tiếp nhận tin báo, lực lượng Cảnh sát PCC&CNCH, lực lượng công an thuộc huyện Hóc Môn và quận 12 đã điều xe thang cùng hàng chục cán bộ chiến sĩ đến hiện trường để phối hợp tìm cách giải cứu người này.

Theo ghi nhận, ngoài vận động, thuyết phục thanh niên trèo xuống đất, các lực lượng đã dùng phương tiện chuyên dụng để đón bắt, phòng trường hợp người này rơi xuống.

Hơn 2 giờ sau, cảnh sát đã kịp thời áp sát khống chế nam thanh niên, đưa xuống mặt đất an toàn.

Người này được bàn giao cho Công an phường Trung Mỹ Tây để kiểm tra, lập hồ sơ, xử lý.

SỰ THẬT SAU CÂU CHUYỆN HAI NỮ SINH QUỴT TIỀN TRỌ 4 THÁNG VÀ ĐỂ LẠI BỨC THƯ: "TẠM BIỆT ANH CHỦ VUI TÍNH, BỌN EM TRỐN ĐÂY"

Câu chuyện về hai nữ sinh quỵt tiền phòng thu hút nhiều sự chú ý thời gian qua.

Những ngày gần đây, trên mạng xã hội không ngừng chia sẻ bài viết về vụ việc quỵt tiền phòng bỏ trốn của hai bạn nữ đã thu hút sự chú ý của nhiều người . Theo nội dung bài viết, chủ trọ chia sẻ bản thân là người dễ tính, nghĩ các bạn là sinh viên khó khăn nên đã cho khất 4 tháng tiền thuê căn phòng tại Hà Nội.

Càng đáng chú ý hơn khi người này quay lại thu tiền phòng thì thấy chỉ còn lại bức thư với dòng chữ: "Tạm biệt anh chủ vui tính. Bọn em trốn đây, cảm ơn anh vì đã cho bọn em ở miễn phí 4 tháng. Cảm ơn anh... Cảm ơn anh vì đã chờ bọn em". Cùng với đó, những bức hình phòng trọ bừa bộn đăng kèm càng khiến nhiều người thêm bức xúc.

Bài viết ngay sau khi chia sẻ đã nhận về nhiều luồng ý kiến khác nhau. Bên cạnh những bình luận phê phán hai nữ sinh được nhắc tới trong bài thì có người cho rằng người chủ này đã quá dễ tính và tin người. Cũng có không ít người nghi ngờ về tính xác thực của bài viết.

"Cho thuê nhà cũng không ít người gặp cảnh này. Các bác cẩn thận."

"Đã không trả tiền nhà thì thôi còn để lại mấy dòng chọc tức người ta như kia."

"Mình nghĩ cái này chắc là tự biên tự diễn thôi á. Bình thường thuê trọ, chủ nào cũng phải lấy photo căn cước với ảnh thẻ, cả cọc nữa á."

Liên hệ với anh V.Q. - người đăng tải bài viết, anh cho biết, thực chất đây chỉ là một cách để anh thu hút sự chú ý nhằm mục đích cho thuê phòng:

"Thật ra bài đó chỉ là Trôn (Troll: trò đùa - PV) Việt Nam, mục đích là content (nội dung) để mình đẩy phòng đó thôi, chứ không có 2 bạn nữ nào cả. Mình cũng không ngờ bài viết của mình lại thu hút dư luận nhiều đến mức vậy."

NHỮNG ĐỨA TRẺ NẰM NGỦ LAY LẮT NGAY VỈA HÈ TRUNG TÂM TPHCM ĐỂ XIN TIỀN: "EM MUỐN ĐI HỌC LẮM"

Giữa Sài Gòn phồn hoa đô hội, vẫn có những đứa trẻ đã sớm phải trải qua khó khăn của cuộc sống mưu sinh nhọc nhằn.

Mới bắt đầu chập tối, trên đoạn đường Đồng Khởi ngay trung tâm quận 1, TP.HCM, không khó để bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ nằm ngủ lay lắt ngay vỉa hè, phía trước đặt 1 thùng giấy để xin tiền. Ai đi qua cũng không khỏi thắc mắc tại sao đứa bé này lại ngủ ở đây. Thậm chí có người còn gọi em bé dậy hoặc bỏ vào thùng giấy vài đồng lẻ. Cứ thể một buổi tối có hàng trăm người qua lại, người cho tiền, người cho bánh cho đồ ăn.

Vào vai một người qua đường, chúng tôi tiếp cận em bé bằng cách cho bánh rồi hỏi chuyện. Có lẽ đã quá quen với việc người lạ tiếp xúc, em không hề sợ sệt mà trả lời rành mạch từng câu hỏi. Khi được hỏi nằm trên vỉa hè đông người qua lại như vậy có sợ không, em nói: "Có ngoại mà, có ngoại ở đây không sợ."

Và ngoại của em, chính là người ngồi phía đường đối diện cách đó không xa. Bà sẽ có nhiệm vụ chính là trông nom, canh chừng đứa trẻ và cả thùng tiền. Bé trai này không được rời khỏi vị trí "làm ăn" vì nếu không sẽ bị la.

"Bà ngoại không cho con đi ra khỏi đây, bà ngoại, cô Hiếu la con, cô Hằng la con không được ra, con buồn". Đứa trẻ đáng nhẽ đang ở tuổi hồn nhiên vô tư, có thể chơi đùa như bao bạn đồng trang lứa ngoài kia, lại ngày ngày buộc phải nằm lay lắt trên vỉa hè đến tận khuya chỉ để "đưa tiền cho ngoại".

Cách đó vài trăm mét, ngay tại con phố đi bộ Nguyễn Huệ, 6 chị em nhà M. cũng phải vất vả mưu sinh bán bánh tráng nướng kiếm tiền. Đứa lớn nhất 14 tuổi, đứa nhỏ nhất vẫn chưa biết đi và không một đứa nào được đi học tử tế.

Vừa lật bánh tráng nướng, M. vừa ngây ngô nói về quãng thời gian vui vẻ mà tiếc nuối của mình ở trường học: "Em không đi học, bữa em có đi học mà bị nghỉ á. Em muốn đi học lắm. Hồi đó em học giỏi lắm, toàn 10 điểm..."

Những câu nói của M. ngây ngô nhưng lại khiến người ta không khỏi chua xót. Bởi điều tưởng chừng tối thiểu nhất với một đứa trẻ, nhưng với M. và những đứa em lại trở nên xa xỉ vì phải nhọc nhằn mưu sinh chốn Sài Gòn hoa lệ.

Vậy nhưng, khi hỏi về ước mơ, ánh mắt M. vẫn lấp lánh nụ cười, nói em muốn trở thành ca sĩ. Thật hy vọng ước mơ của những trẻ em nơi đây, vẫn sẽ mãi được trân trọng, ấp ôm và trở thành động lực để các em có một tương lai tốt đẹp hơn.

Gọi cho ai khi thấy người lang thang xin ăn ở TP.HCM?

Theo Sở LĐ-TB-XH TPHCM, năm 2023, các trung tâm bảo trợ xã hội trực thuộc đã tiếp nhận hơn 1.000 trường hợp trẻ em, người lang thang, xin ăn từ các quận, huyện và TP.Thủ Đức.

Nếu người dân thấy trường hợp người lang thang xin ăn, được người đi đường cho tiền thì có thể liên hệ qua đường dây nóng 02838292491 (theo giờ hành chính) hoặc số điện thoại 02835533258 (hoạt động 24/24) của Trung tâm hỗ trợ xã hội TP.HCM để cung cấp thông tin.

Theo Thanh Niên, Sở LĐ-TB-XH cũng cho biết, hiện nay UBND TP.HCM đang giao Sở TT-TT phối hợp các bên liên quan tích hợp kênh thông tin tiếp nhận tin báo phản ánh về trẻ em, người lang thang xin ăn trên địa bàn thành phố từ tổng đài 1022, công bố cho người dân biết và báo tin khi phát hiện trẻ em, người lang thang, xin ăn.

UBND TPHCM cũng kêu gọi người dân thay vì trực tiếp cho tiền người xin ăn, phát quà từ thiện ngoài đường, người dân có lòng hảo tâm thì có thể gửi tiền hoặc hiện vật đến các quỹ từ thiện của các tổ chức, hội, đoàn thể có chức năng hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng, người yếu thế, nhằm đảm bảo hỗ trợ, giúp đỡ đúng người thụ hưởng.

VỤ NGƯỜI NHÀ TỐ BỆNH VIỆN TẮC TRÁCH KHIẾN SẢN PHỤ TỬ VONG, BỘ Y TẾ CHỈ ĐẠO KHẨN

Bộ Y tế đề nghị xử lý tập thể, cá nhân nếu phát hiện có sai phạm về chuyên môn, tinh thần, thái độ phục vụ và đạo đức nghề nghiệp.

Trong văn bản gửi Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp, Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em (Bộ Y tế) đề nghị Sở kiểm tra, xác minh sự cố y khoa xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp vừa được báo chí phản ánh. Sở báo cáo nhanh về Bộ trước 27/3/2024.

Sở Y tế chỉ đạo bệnh viện khẩn trương họp hội đồng chuyên môn (nếu bệnh viện không đủ điều kiện, thì Sở Y tế thành lập hội đồng chuyên môn) theo quy định để đánh giá quá trình tiếp đón, chăm sóc, xử trí đối với trường hợp sản phụ tử vong.

Bệnh viện có trách nhiệm thông báo kết luận của Hội đồng chuyên môn tới gia đình sản phụ và các cơ quan truyền thông đại chúng, gặp gỡ chia sẻ, động viên tới gia đình sản phụ.

Bộ đề nghị ngành y tế địa phương xử lý nghiêm các tập thể và cá nhân nếu phát hiện có sai phạm về chuyên môn, tinh thần, thái độ phục vụ và đạo đức nghề nghiệp theo quy định hiện hành, báo cáo kết quả về Bộ trước 30/4.

Trước đó, báo chí phản ánh về trường hợp sản phụ 33 tuổi vào Bệnh viện Đa khoa khu vực Tháp Mười, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp chuẩn bị sinh. Gia đình báo cho nhân viên y tế việc sản phụ thuộc nhóm máu hiếm nhưng không nhận được lời tư vấn hay cảnh báo từ bác sĩ và ca trực. Khi trẻ chào đời thì sản phụ bị băng huyết sau sinh, cấp cứu không thành.

Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, Giám đốc bệnh viện, đơn vị đã mời chuyên gia họp rút kinh nghiệm cùng hội đồng chuyên môn.

Theo báo cáo của bệnh viện, hội đồng chuyên môn và cán bộ chuyên khoa sâu thuộc lĩnh vực sản, truyền máu huyết học và hồi sức cấp cứu của bệnh viện đã họp phân tích, đánh giá rút kinh nghiệm về trường hợp tai biến sản khoa của sản phụ.

Hội đồng chuyên môn xác định nguyên nhân tử vong do băng huyết sau sinh vì đờ tử cung (con lần 3 sinh thường) mất máu mức độ nặng, nhóm máu hiếm Rh. Khi sản phụ có diễn biến nặng, bệnh viện đã huy động toàn lực cấp cứu bệnh nhân và nhân viên y tế có kinh nghiệm để hộ tống chuyển viện.

Cũng theo hội đồng chuyên môn, ê-kíp trực chưa giải thích cho sản phụ và gia đình trường hợp bệnh nhân có nhóm máu hiếm để hợp tác trong quá trình điều trị nên gây ra phản ứng. Bệnh diễn biến quá nhanh, lần đầu tiên cấp cứu bệnh nhân nhóm máu hiếm nên thiếu kinh nghiệm xử lý.

Nguồn: Vietnamnet; Soha; CafeF; Kenh14

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang