Chợ, siêu thị đông khách kỷ lục; Thực phẩm tăng giá mạnh; Loạt DN BĐS thua lỗ; 29 tết chợ mạng vẫn rao bán BĐS

CHỢ, SIÊU THỊ ĐÔNG KHÁCH KỶ LỤC

(Ảnh minh hoạ).

Ngày 19-1 (28 tháng Chạp), một bộ phận người dân đã được nghỉ Tết, tập trung mua sắm cho những ngày Tết sắp tới. Từ sáng sớm, nhiều chợ, siêu thị đã đón lượng khách tăng đến 30%-40% so với những ngày trước.

8 giờ sáng, đường Hoàng Minh Đạo dẫn vào chợ Nhị Thiên Đường (quận 8) chật ních người và xe máy. Hai bên đường, các sạp hàng bán rau củ, thịt cá, trái cây, quần áo, vật dụng trang trí… chất đầy hàng hoá; một số đoạn, người bán bày hàng ra giữa tim đường. Một số khách dừng đậu xe ngay sát "sạp", vô tư lựa mua hàng khiến giao thông càng khó khăn hơn.

Bên trong nhà lồng chợ, lượng khách ra vào mua sắm cũng đông hơn hẵn những ngày trước. Dù bận rộn liên tục báo giá, cân hàng, tính tiền… cho khách nhưng gương mặt các tiểu thương đều rạng rỡ vì bán được hàng.

Ghi nhận tại các chợ Phạm Thế Hiển (quận 8), Tân Mỹ (quận 7), Hoà Bình (quận 5), Tân Định (quận 1), không khí mua sắm cũng sôi nổi hơn những ngày trước.

Ông Lê Quang Thiện, Trưởng ban quản lý chợ Tân Định, cho biết sức mua tăng tốt ở những mặt hàng đặc trưng Tết như quần áo may sẵn, củ kiệu, thịt heo, trái cây, rau củ... "Chợ truyền thống có lượng khách hàng riêng, tiểu thương tuỳ phân khúc khách hàng mà chọn hàng hoá để đáp ứng đúng nhu cầu" – ông Thiện giải thích.

Ghi nhận của phóng viên, giá các mặt hàng trái cây chưng tết, như: bưởi, xoài, thanh long, chuối cùng một số loại trái cây chưng phụ trợ khác bán tại các chợ tăng 10.000 đồng - 15.000 đồng/kg; một số chủng loại tăng 35.000 đồng - 40.000 đồng so với trước đó hai ngày.

Cụ thể, tại chợ Phạm Thế Hiển, xoài cát Hòa Lộc loại 1 giá 120.000 đồng/kg; bưởi da xanh giá từ 45.000 đồng - 65.000 đồng/kg; mãng cầu giá từ 50.000 đến 70.000 đồng/kg, tăng hơn 20.000 đồng/kg... Không chỉ trái cây chưng mâm ngũ quả mà dưa hấu chưng tết giá cũng tăng. Dưa hấu tròn không hạt giá từ 30.000 đến 40.000 đồng/kg…

Không khí mua sắm tất bật cũng diễn ra tương tự tại các siêu thị. Hầu hết các siêu thị đều thực hiện chương trình bình ổn giá nên các mặt hàng đều có giá phải chăng, phù hợp nhiều đối tượng khách hàng.

Tại hệ thống Co.opmart, Co.opXtra, ngoài hàng loạt sản phẩm hàng nhãn riêng giảm giá "sốc", các mặt hàng thịt heo, thịt bò đang giảm giá 5%-30%; rau củ quả như cà rốt Đà Lạt, bắp cải trái tim, củ cải trắng… cũng được giảm giá 32 - 47%.

Bà Phạm Thị Thu Hiền, Giám đốc siêu thị Coo.opXtra Linh Trung (TP Thủ Đức), cho hay từ tối 18-1, lượng khách mua sắm lẫn doanh thu bán hàng của siêu thị đã tăng cao kỷ lục trong vòng nhiều tháng nay, dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh trong ngày 19 và 20-1 (28, 29 tháng Chạp).

"Hiện đang là cao điểm mua sắm thực phẩm và đồ dùng đãi khách trong những ngày Tết. Các mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt gia súc, gia cầm, rau củ quả, trái cây … được siêu thị bổ sung liên tục lên kệ hàng nhằm bảo đảm luôn đủ hàng và có hàng cho khách lựa chọn" – bà Hiền thông tin.

Cũng theo bà Hiền, rút kinh nghiệm Tết 2022, mặt hàng hoa tươi Dalat Hasfarm tại siêu thị "cháy" hàng trong ngày 29 Tết, Co.opXtra Linh Trung đã phối hợp nhà cung cấp chuẩn bị lượng hoa tăng gấp 3 lần ngày thường.

Theo báo cáo nhanh của Ban Quản lý chợ đầu mối Hóc Môn, trong khuya ngày 18-1 và rạng sáng 19-1 có khoảng gần 3.150 tấn hàng hóa rau củ qua, trái cây, thịt các loại tập kết về chợ để điều phối đi các địa phương. Giá một số mặt hàng đã biến động nhẹ. Trong đó, giá heo mảnh loại 1 là 80.000 đồng/kg, loại 2 là 70.000 đồng/kg (tăng 5.000 đồng/kg so với 2 tuần trước).

Giá các loại thịt heo pha lóc cũng tăng tương ứng: đùi rọ 75.000 đồng/kg, sườn non 180.000 đồng/kg, cốt lết 75.000 đồng/kg, nạc dăm 90.000 đồng/kg, giò trước 67.000 đồng/kg, giò sau 53.000 đồng/kg, ba rọi: 160.000 đồng/kg.

Còn tại chợ đầu mối Bình Điền cùng thời điểm trên, sản lượng hàng về chợ trên 4.200 tấn, tăng hơn 10% so với đêm trước và 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy tổng lượng hàng nhập chợ tăng, sức bán ra ngành hàng hoa, rau, củ, quả ở mức ổn định so với đêm trước. Sức bán ngành hàng thủy hải sản tươi và lượng vào chợ giảm mạnh vì tàu bè đánh bắt ngừng đánh bắt cập bờ cho kỳ nghỉ Tết Nguyên đán khá nhiều. Các mặt hàng thủy hải sản khô phục vụ cho mùa Tết tăng, như mực khô tôm khô, các thực phẩm chế biến ăn liền.

Tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, lượng hàng về trong ngày đạt trên 4.500 tấn. Một số mặt hàng rau củ quả, gia vị sức mua tăng do cận Tết, giá tăng từ 1.000 đồng-5.000 đồng/kg.

Hàng trái cây, trong đó có mãng cầu tròn và quýt đường cầu vượt cung, giá tăng 15.000 đồng-20.000 đồng/kg. Giá quýt tiều, thanh long, bưởi da xanh cành cũng tăng 5.000 đồng-7.000 đồng/kg.

(Nguồn: Người Lao Động)

THỰC PHẨM, RAU XANH TĂNG GIÁ MẠNH

Hai ngày trước Tết, giá thực phẩm tươi sống tại các chợ truyền thống tăng 20-30% so với ngày thường, riêng rau xanh và hoa tươi tăng giá mạnh 40-50%, sức mua tăng.

Chị Hoài, nhân viên một công ty truyền thông ở Cầu Giấy, Hà Nội cho biết giật mình đi chợ sáng 29 Tết, nhiều loại thực phẩm ngày Tết, nhất là rau xanh tăng giá gấp rưỡi, gấp đôi vài ngày trước.

Khảo sát của VnExpress tại nhiều chợ nội thành Hà Nội, TP HCM hôm nay cho thấy, hầu hết thực phẩm Tết đều tăng giá. Riêng tại khu vực phía Bắc, Hà Nội, giá rau xanh tăng nhiều do thời tiết rét đậm, nguồn cung ít.

Hạnh, một tiểu thương tại chợ Hà Đông (Hà Nội), đi chợ đầu mối từ 1h sáng 29 Tết để mua hàng nhưng chị kể "nhiều loại rau đắt quá, lấy được rất ít". Chị cho biết, giá lấy buôn rau xanh hôm nay tăng 30-40%, có loại đắt thêm 50% so với ngày thường.

Các loại rau củ tăng giá nhiều nhất là su hào, súp lơ xanh, trắng, rau cần, cà chua... Su hào 13.000-15.000 đồng một củ; súp lơ xanh, súp lơ trắng 15.000-20.000 đồng một cây, trong khi ngày thường các loại rau củ này chỉ 7.000-10.000 đồng. Cà chua 30.000-35.000 đồng một kg; bắp cải 10.000-15.000 đồng một kg, tăng 2.000-5.000 đồng mỗi kg tuỳ chợ. Rau thơm cũng tăng giá khoảng 10-15%.

Hàng ngày mua thực phẩm nhiều, chị Hoài nhận thấy mặt bằng giá rau củ đã tăng gấp rưỡi, gấp đôi ngày cận Tết. "Trời rét, nhu cầu tiêu thụ nhiều nên giá đẩy lên cao. Tôi chỉ mua vừa đủ chứ không tích quá nhiều, vì mùng 2 chợ lại bán bình thường", chị Hoài chia sẻ.

Giá cao nên bà Đặng, tiểu thương tại chợ Láng Hạ cũng chỉ dám nhập số lượng vừa phải để bán những ngày này. "Giá cao, nhập nhiều bán không hết, rau nhanh hỏng lại lỗ vốn", bà nói.

Trong khi rau xanh tăng giá mạnh, mặt hàng thực phẩm tươi sống (thịt heo, thịt bò, cá, thịt gà...) cũng đắt hơn 10-20% so với tuần trước.

Bán hàng ở chợ Hà Đông gần chục năm, anh Thông và vợ hôm nay tất bật bán không ngơi tay cho khách từ sáng tới gần trưa. Anh cho biết, từ hôm qua lượng người đi mua sắm thực phẩm Tết tăng vọt so với những ngày trước đó.

"Năm nào cũng vậy, ngày 28, 29 Tết người dân sẽ mua nhiều thực phẩm, tranh thủ trước khi về quê, chứ 30 Tết lại vắng. Hôm nay tôi lấy hàng tăng gấp rưỡi, mai chỉ lấy bằng hoặc ít hơn ngày thường vì chỉ bán tới trưa là nghỉ", anh chia sẻ.

Thịt bò tại các chợ truyền thống hôm nay tăng 10-20% lên 330.000-350.000 đồng mỗi kg thăn bò; bắp bò 350.000 đồng một kg, bắp hoa là 400.000 đồng...

Thịt thăn heo 120.000-130.000 đồng; ba rọi 110.000-120.000 đồng; sườn thăn heo, thịt chân giò dao động 130.000 đồng một kg, tăng 10.000-15.000 đồng so với thường ngày. Riêng thịt gà hôm nay đắt lên 150.000 đồng một kg. Gà lễ làm sạch, luộc chín giá 200.000-220.000 đồng một kg.

Tại TP HCM, giá thực phẩm, rau xanh, hoa tươi tại các chợ truyền thống cũng tăng giá, chủ yếu rơi vào nhóm hàng hóa người dân mua cúng rước ông bà.

Đi chợ truyền thống trên đường Tôn Thất Thuyết (quận 4, TP HCM), cô Thu Hương (60 tuổi) cho biết rau xanh tại chợ giá đang cao hơn ở siêu thị. Khổ qua mua để nấu mâm cúng rước ông bà tăng giá lên 40.000 đồng một kg, so với giá ngày thường là 25.000 đồng. Trong khi đó, thịt các loại tăng giá 30-40%.

Đậu que được các tiểu thương tại chợ Xóm Mới (TP Thủ Đức, TP HCM) bán lên 50.000 đồng một kg, khổ qua 40.000 đồng một kg, đắt gấp đôi so với ngày thường nhưng không có nhiều hàng đẹp để lựa chọn.

Thanh long cỡ lớn có giá bán 60.000 đồng một kg, tăng 25% so với trước Tết. Bưởi còn cuống để trưng Tết sáng nay cũng tăng giá gấp đôi so với ngày thường do khan hàng, 30.000-60.000 đồng một trái. Chuối xanh bày mâm ngũ quả dao động 50.000-70.000 đồng một nải chẵn quả; và khoảng 150.000-200.000 đồng một nải lẻ 15 hoặc 21 quả.

Bà Mỹ, tiểu thương tại chợ Xóm Mới cho hay, hôm 27 Tết, hoa ly 200.000 đồng một bó tại chợ đầu mối nhưng sáng nay đã tăng lên 250.000 đồng. Do giá hoa quá đắt đỏ, bà không dám lấy về vì sợ khách chê, giá cao khó bán.

Bà Trọng mua bình bông cúc lưới sáng nay vọt lên giá 100.000 đồng, tăng giá gấp đôi so với trước Tết, nhưng không có nhiều hàng để chọn lựa.

Thịt heo cũng tăng giá mạnh. Bà Trọng kể mua nửa kg thịt ba rọi rút sườn sáng nay có giá 120.000 đồng, trong khi ngày thường chỉ 60.000 đồng. Thịt vụn xay dùng để nấu canh sáng nay tăng giá 30% so với ngày thường.

Các tiểu thương lý giải, do chợ đầu mối đều tăng giá hàng hóa đầu nguồn, nhiều nhà cung cấp sẽ nghỉ Tết từ trưa mai, nguồn cung hàng hoá tươi sống, trái cây, rau xanh về các chợ những ngày giáp Tết ít hơn, vì vậy giá tăng mạnh.

Khác với các thành phố lớn với giá rau đắt đỏ, các địa phương có thế mạnh nông nghiệp giá lại ổn định. Anh Minh Thiện (35 tuổi) đi chợ Cao Lãnh (Đồng Tháp) sáng 29 Tết cho hay rau xanh giá gần như ngày thường, chỉ có hoa và thịt là tăng giá.

"Giá ba rọi heo ngày thường 160.000 đồng mỗi kg thì sáng nay tôi mua 220.000-250.000 đồng mỗi kg. Riêng hoa tăng giá rất cao, với giá hoa ly tăng 200%", anh Thiện nói.

Ở kênh siêu thị giá bình ổn không tăng, thậm chí nhiều loại thực phẩm, trái cây, rau củ còn được khuyến mãi, giảm giá.

Ghi nhận tại một siêu thị Coopmart tại quận Hà Đông (Hà Nội) giá thực phẩm và rau xanh, trái cây thắp hương ngày Tết đều bình ổn, thậm chí giảm giá theo chính sách kích cầu tiêu dùng dịp Tết. Dưa lưới giống Nhật 67.500 đồng, giảm 8.000 đồng mỗi kg, dưa hoàng kim cũng giảm 7.500 đồng mỗi kg về còn 57.500 đồng.

Các loại trái cây bày mâm ngũ quả giá cũng bình ổn, 30.000 - 32.000 đồng một trái bưởi diễn vàng, chuối xanh 32.000 đồng một kg, dưa hấu 28.000 đồng một kg...

Còn tại siêu thị Winmart trên đường Đồng Văn Cống (Quận 2, TP HCM) hàng hóa bình ổn, không tăng giá so với ngày thường. Thậm chí, các mặt hàng rau củ tại cửa hàng Winmart tại khu vực này giảm giá 50% theo chính sách kích cầu của nhà bán lẻ này.

"Tôi nghĩ người có điều kiện nên mua thực phẩm sớm một tuần, đồ tươi sống thì sớm 2-3 hôm trước sẽ đỡ hơn chứ có lương trễ mà hôm nay mới mua thì tốn thêm nhiều chi phí", cô Hương (quận 4, TP HCM) nói.

Các siêu thị sẽ mở cửa hết ngày hôm nay (29 Tết) và nửa ngày mai, tức là 30 Tết, rồi đóng cửa nghỉ Tết. Mùng 2 đến mùng 4 Tết sẽ bán hàng trở lại.

(Nguồn: Vnexpress)

LOẠT DOANH NGHIỆP BẤT ĐỘNG SẢN THUA LỖ NẶNG NỀ

(Ảnh minh hoạ).

Thị trường bất động sản thoái trào, bị siết tín dụng… khiến hàng loạt doanh nghiệp địa ốc thua lỗ nặng nề trong năm 2022.

Lỗ nặng

Công ty CP Đầu tư Năm Bảy Bảy (mã chứng khoán: NBB) công bố báo cáo tài chính quý IV/2022 với doanh thu đạt 176 tỷ đồng, cao gấp hơn 24 lần so với cùng kỳ. Trong kỳ doanh thu tài chính đạt 43 tỷ đồng nhưng chi phí tài chính lên tới 66,7 tỷ đồng, hoạt động khác lỗ 14,5 tỷ đồng nên kết quả lợi nhuận sau thuế chỉ còn 15,6 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2022, Năm Bảy Bảy ghi nhận doanh thu đạt 466 tỷ đồng, giảm 17,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 17,7 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 313 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế của năm 2021.

Trong năm 2022, NBB đặt mục tiêu tổng doanh thu 800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 102 tỷ đồng. Như vậy kết thúc năm, công ty mới hoàn thành được 58% kế hoạch doanh thu và vỏn vẹn 17% kế hoạch lợi nhuận.

Ngoài việc nhuận lao dốc, dòng tiền kinh doanh Năm Bảy Bảy cũng âm. Trong năm 2022, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm hơn 953 tỷ đồng. Dòng tiền đầu tư cũng âm 1.007 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 1.942 tỷ đồng, chủ yếu do tăng vay nợ. Như vậy, trong năm 2022, công ty đã tăng vay nợ để bù đắp dòng tiền kinh doanh thâm hụt và phục vụ mở rộng đầu tư.

Tính tới 31/12/2022, Năm Bảy Bảy tăng mạnh tồn kho và các khoản phải thu lần lượt thêm 45,5% và hơn 80% lên 1.355 tỷ đồng và 1.407 tỷ đồng, điều này đã góp phần dẫn tới dòng tiền kinh doanh chính âm kỷ lục từ khi niêm yết tới nay. Tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 163,7% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 1.943 tỷ đồng lên 3.130 tỷ đồng và chiếm 49% tổng nguồn vốn.

Tương tự, báo cáo tài chính quý IV/2022 của Công ty CP Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (mã chứng khoán: NDN) chỉ đạt doanh thu vỏn vẹn hơn 3 tỷ đồng, trong khi năm 2021 là hơn 509 tỷ đồng. Đáng chú ý là doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản của công ty còn ghi âm gần 126 triệu đồng do khách hàng trả lại nhà. Doanh thu tài chính của NDN cũng ghi nhận mức giảm mạnh khi giảm đến 74%, còn gần 55 tỷ đồng.

Trong năm 2022, NDN tập trung chủ yếu vào hoạt động đầu tư chứng khoán nhưng khoản lãi từ hoạt động này cả năm chỉ đạt xấp xỉ 14 tỷ đồng, giảm hơn 89% so với năm 2021. Mặt khác, khoản lỗ đầu tư chứng khoán được ghi nhận lên tới gần 115 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty đã phải lập dự phòng gần 126 tỷ đồng cho việc giảm giá chứng khoán kinh doanh. Kết thúc năm 2022, NDN lỗ sau thuế gần 137 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 252 tỷ đồng.

Trong năm 2022, NDN tập trung chủ yếu vào hoạt động đầu tư chứng khoán nhưng khoản lãi từ hoạt động này cả năm chỉ đạt xấp xỉ 14 tỷ đồng, giảm hơn 89% so với năm 2021.

Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của NDN tại thời điểm 31/12/2022 là hơn 1.379 tỷ đồng, giảm 16% so với đầu năm. Trong đó, giá trị tiền mặt và chứng khoán kinh doanh lần lượt giảm 14% và 36%, còn 545 tỷ đồng và 311 tỷ đồng. Ngược lại, nợ phải trả của công ty lại tăng 3%, lên 595 tỷ đồng. Nguyên nhân tăng chủ yếu do công ty phát sinh gần 34 tỷ đồng chi phí phải trả liên quan đến dự án Monarchy B.

Hồi cuối năm 2021, nguyên Tổng Giám đốc của NDN là ông Nguyễn Quang Trung đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý tài sản gây thất thoát lãng phí”.

Sau đó, nguyên Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng Giám đốc của NDN Bùi Lê Duy và nguyên Kế toán trưởng Lâm Phụng Tiên đều bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an Thành phố Đà Nẵng ra quyết định khởi tố với cùng tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Trong đó, ông Duy bị bắt tạm giam, còn bà Tiên thì bị cấm đi khỏi nơi cư trú.

Bất động sản công nghiệp cũng khó khăn

Một doanh nghiệp khác, chuyên về bất động sản công nghiệp là Công ty CP Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên (mã chứng khoán: NTC) cũng cho thấy kết quả kinh doanh không mấy khả quan trong năm 2022.

Cụ thể, doanh thu thuần năm 2022 của NTC hơn 268 tỷ đồng, gần như đi ngang so với mức 271 tỷ đồng năm 2021. Tuy nhiên, doanh thu từ hoạt động tài chính lại giảm mạnh 24%, còn gần 156 tỷ đồng. Theo NTC, nguyên nhân khiến doanh thu tài chính giảm do cổ tức nhận được từ các công ty đầu tư bên ngoài thấp hơn năm trước.

Năm 2022, doanh thu thuần năm 2022 của NTC hơn 268 tỷ đồng, gần như đi ngang so với mức 271 tỷ đồng năm 2021.

Hệ quả, NTC ghi nhận lãi sau thuế năm 2022 giảm 13% so với năm trước, còn hơn 256 tỷ đồng. Với kết quả này, NTC lần lượt thực hiện được 65% mục tiêu doanh thu và 97% mục tiêu lãi sau thuế theo kế hoạch đề ra hồi đầu năm.

Riêng quý IV, kết quả kinh doanh của NTC sụt giảm đáng kể khi doanh thu thuần và lãi sau thuế lần lượt giảm 25% và 44% so với cùng kỳ, còn 80 tỷ đồng và 46 tỷ đồng. Nguyên nhân khiến lợi nhuận quý IV của NTC giảm mạnh vẫn chủ yếu đến từ cổ tức mà Công ty nhận được từ các công ty đầu tư bên ngoài thấp hơn cùng kỳ.

Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của NTC tại thời điểm 31/12/2022 đạt 4,061 tỷ đồng, giảm 4% so với đầu năm. Trong đó, tiền mặt giảm đến 16%, còn 1,125 tỷ đồng. Nợ phải trả cũng giảm 6%, còn 3,347 tỷ đồng.

(Nguồn: CafeF)

29 TẾT, CHỢ MẠNG VẪN RỘN RÀNG TIN RAO BÁN BẤT ĐỘNG SẢN

Các trang đăng tin rao bán bất động sản vẫn nhộn nhịp người đăng bài dù đã là 29 Tết. Nhiều môi giới cho biết sẽ làm việc xuyên kỳ nghỉ lễ.

Theo ghi nhận của Dân trí, đến ngày 20/1 (29 Tết), khi kỳ nghỉ Tết dài chỉ còn hơn một ngày nữa sẽ bắt đầu, các mặt hàng phục vụ cho dịp Tết vẫn nhộn nhịp, trong đó có cả... bất động sản.

Cụ thể, nhiều trang, nhóm mua bán bất động sản hay cả những nhóm hoạt động ở lĩnh vực khác cũng đăng tải rao bán bất động sản sôi động, bất chấp những tháng cuối năm thị trường tương đối trầm lắng. Các phân khúc bất động sản từ giá rẻ đến cao cấp đều được rao bán mạnh.

Sáng 29 Tết, tài khoản T.V rao trên một hội nhóm mua bán bất động sản trên facebook căn nhà 4 tầng, hộ khẩu quận Hai Bà Trưng đi vào trong ngõ 4m. Giá của căn nhà hơn 4 tỷ đồng. "Inbox nhanh để có thêm thông tin", tài khoản này đăng kèm hình ảnh nhà được rao bán.

Thậm chí, nhiều chủ tài khoản còn rao bán bất động sản "ngộp" (đất không vướng quy hoạch, pháp lý minh bạch nhưng vì lý do nào đó mà chủ đất phải bán gấp với giá rẻ, giá bán thấp hơn nhiều so với giá trị thực). Hiện nay, theo ghi nhận của Dân trí, hầu như ở các phân khúc bất động sản từ đất nền, biệt thự, nhà liền kề, chung cư đều xuất hiện tình trạng bán hàng "ngộp".

Chủ tài khoản L.N hôm nay đăng bài: "Đang có 2 lô đất trong khu công nghệ cao Hòa Lạc, view hồ. Giờ tôi cần tiền nên muốn bán đi 1 lô". Theo giới thiệu của người này, đây là đất thổ cư, gần các địa điểm như Đại học FPT, Viettel, Vinsmart…, sổ đỏ chính chủ, diện tích 340m2, mặt tiền tới 9m. Lô đất cũng được giới thiệu là do khu đất cạnh nhà đang ở, đông dân cư, gần trường học, chợ, đi lại cũng thuận tiện.

"Gia đình cần tiền gấp nên mới phải bán", người này nêu. Tuy nhiên, thông tin giá đất lại không được nêu trong bài đăng, khách nào có nhu cầu phải nhắn tin riêng để nhận thông tin.

Chủ tài khoản H.N cũng đăng bán gấp một căn nhà 5 tầng, diện tích 30m2 trên phố Đội Cấn với giá 4,5 tỷ đồng. Chủ tài khoản này cho biết nhà gần chợ, trường học, vị trí đẹp, cách mặt phố 20m. "Do cần gấp nên em mới bán lỗ, bình thường không có giá này, miễn trung gian, miễn môi giới", chủ tài khoản thông tin thêm cho các khách hàng online kèm 5 hình ảnh căn nhà.

Tuy nhiên, người rao bán nhiều nhưng người chốt lời chưa thấy đâu. Một môi giới bất động sản nói với Dân trí: "Nhà, đất không thể tự di chuyển, người mua phải đến xem thực tế vị trí, diện mạo ra sao… Những điểm này giao dịch online chưa đáp ứng được trong khi giờ là cận Tết người dân còn tất bật nhiều công việc".

Theo vị môi giới này, những người đăng bài trên mạng thực chất chỉ để quảng cáo có vị trí đất, nếu khách hàng quan tâm sẽ lưu lại thông tin chứ thực chất không hy vọng có thể "chốt lời" được bất động sản trong thời gian nghỉ Tết.

Ngoài ra, theo một môi giới bất động sản có kinh nghiệm gần 7 năm tại Hà Nội, bán bất động sản trên mạng xã hội chỉ là một công cụ hỗ trợ tạm thời, mang yếu tố truyền thông là chính chứ không thể đóng vai trò quyết định chốt giao dịch thành công.

"Tôi nghỉ làm từ 25 Tết do biết chắc chắn sẽ không thể buôn bán trong giai đoạn gấp rút này", môi giới nói và cho biết phải đến sau Tết Nguyên đán, nhiều nhà đầu tư mới rục rịch "ra quân".

"Phải tới 90% người tiếp cận các kênh bán bất động sản trên mạng chỉ xem đây là bước tham khảo ban đầu để tiếp nhận thông tin cơ bản. Đa số giới đầu tư địa ốc chọn phương án chờ qua Tết mới thăm đất, thăm nhà, dự án thực địa và tính toán nhiều yếu tố khác rồi mới ra quyết định xuống tiền", môi giới bất động sản nhận định.

(Nguồn: Dân Trí)

(Xem thêm:

=> Siêu thị tung khuyến mại sâu; 'Thắt chặt hầu bao' sắm Tết; Môi giới nhà đất quyết bám trụ; Rao bán BĐS ngộp sôi động ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang