Siêu thị tung khuyến mại sâu; 'Thắt chặt hầu bao' sắm Tết; Môi giới nhà đất quyết bám trụ; Rao bán BĐS ngộp sôi động

SIÊU THỊ TUNG KHUYẾN MẠI SÂU CẬN TẾT

(Ảnh minh hoạ).

Tết Nguyên đán cận kề, nhiều cửa hàng, siêu thị đang rầm rộ căng bảng quảng cáo giảm giá sâu, giảm giá cho cả sản phẩm mới ra mắt.

Các chương trình khuyến mại đa dạng kéo dài đến tận ngày 30 Tết để kích cầu tiêu dùng dịp này.

Theo ghi nhận của phóng viên VTV, hàng loạt các quầy giảm giá được các siêu thị bày sẵn ở cửa ra vào các nhiều nội dung như: Mua 1 tặng 1, giảm giá trực tiếp trên giá bán, mua thực phẩm tặng đồ đựng…

Với nhiều hình thức giảm giá khác nhau, tuy nhiên mức giảm vẫn từ 20% đến hơn 50% để kích cầu tiêu dùng. Các mặt hàng giảm giá chủ yếu vẫn là hàng thiết yếu vì thế khá hút khách.

Theo các siêu thị, do Tết năm nay đến khá sớm nên các chương trình ưu đãi được xây dựng từ sớm, càng sát Tết càng đa dạng mặt hàng.

Với nhiều chương trình khuyến mại đến nay sức mua tại nhiều siêu thị đã tăng 20% so với năm trước. Các doanh nghiệp cũng cho biết càng gần Tết sẽ càng khuyến mại sâu, hỗ trợ người tiêu dùng.

(Nguồn: Soha)

'THẮT CHẶT HẦU BAO' SẮM TẾT

Khác với mọi năm, nhiều chủ cửa hàng cho biết người mua sắm năm nay "rén" hơn, "thắt chặt hầu bao" khiến hàng hóa ế ẩm dù đã sát Tết.

Chị Hà, chuyên bán hàng xách tay, chia sẻ, lượng đơn hàng giảm một nửa so với năm ngoái. "Hàng năm, sau 23 tháng Chạp, hàng bán rất được, tôi chốt đơn, giao hàng liên tục. Nay thì ế ẩm", chị kể. Theo chị, khách hàng cũng tính toán, chi li hơn trong mua sắm Tết dù tệp khách hàng quen chủ yếu làm cho công ty nước ngoài, công ty nhà nước quy mô lớn, thu nhập ở mức ổn định.

Ví dụ, khác với các năm, giỏ quà giá rẻ dao động 550.000-800.000 đồng năm nay được ưa chuộng hơn. Khách hàng thay vì chọn mua các loại đùi heo muối trọng lượng 5 kg như năm ngoái, nay chuyển xuống loại 1 kg.

Điều này cũng tương tự với đồ phụ kiện, trang sức. Như với đồng hồ, chị Hà cho biết, cận Tết các năm đều chốt đơn "loại mười mấy triệu một cái" thì nay không bán được. "Túi xách từ các loại có giá trên 5 triệu giờ cũng ít có người mua, họ chỉ chọn quanh mức giá 1 triệu đồng. Trang sức cũng chỉ quanh quẩn những bộ có giá 2 triệu đồng", chị nói.

Chị Minh, chủ một cửa hàng bán trái cây online tại Hà Nội, cho biết sức mua giảm. "Khách giờ không mua rộng rãi như trước, họ tập trung vào những hoa quả thiết yếu", chị nói. Không chỉ khách mua online giảm, chị Minh kể, cơ sở bán buôn hoa quả của gia đình ở chợ Long Biên cũng ế khách.

"Chưa năm nào những ngày cận Tết bán lại chán như bây giờ. Mọi năm là hàng chục xe hàng, năm nay lẹt đẹt 1-2 xe mà còn không mấy người mua", chị chia sẻ. Tương tự, An Linh, chủ cửa hàng bán hoa ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) kể, khác với mọi năm "ngập việc" thì nay "người mua rén lắm, chỉ hỏi chứ không thấy mua".

Khảo sát tại các chuỗi cửa hàng điện máy, nội thất cũng cho thấy tình trạng "ế ẩm" dù có khuyến mãi khủng. Một nhân viên cửa hàng điện tử trên phố Nguyễn Trãi (Hà Nội), cho biết, khách chỉ xem và so sánh giá chứ không mua. "Tư vấn cho khách đủ thứ, họ gật đầu có vẻ ưng nhưng rồi lại hẹn hôm sau quay lại", người này kể.

Tương tự, tại siêu thị điện máy trên đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh, TP HCM), quản lý cửa hàng cho biết, nếu các năm trước khách xếp thành hàng dài để thanh toán thì nay sức mua không mấy khả quan. "Người dân thắt chặt chi tiêu nên hàng điện máy ế ẩm. Chúng tôi vẫn cố đợi khách từ nay đến hết 30 Tết", quản lý cửa hàng nói.

Ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện hệ thống CellphoneS (chuỗi cửa hàng chính hãng điện thoại, máy tính và smarthome) thông tin, sức mua cận Tết chỉ tăng khoảng 35% và đạt đỉnh 50% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 50% và 100% của những năm trước. Giai đoạn cao điểm mua sắm cũng tương đối ngắn, khoảng một tuần, trong khi thông thường lên đến hai tuần.

"Đây cũng là kịch bản đã được dự báo trước khi tình hình kinh tế, đặc biệt trong nửa cuối năm 2022, có nhiều tin tức kém lạc quan như người lao động bị chậm hoặc giảm thưởng Tết khiến việc mua sắm có phần kém sôi động", ông Huy nói.

Nhóm hàng mang lại doanh số lớn và tăng trưởng tốt vẫn đến từ Apple. Ngoài ra, sức mua cũng được ghi nhận tăng mạnh ở các sản phẩm tivi, máy lọc không khí, robot hút bụi và camera an ninh. Trong khi đó, các sản phẩm IT, laptop và điện thoại ở phân khúc giá rẻ trầm lắng hơn nhiều so với mọi năm. Nguyên nhân là nhu cầu sản phẩm IT khá bão hoà trong tình cảnh dư thừa nguồn cung và khách hàng chính của điện thoại phân khúc giá rẻ là người lao động phổ thông bị ảnh hưởng mạnh về thu nhập.

So với Tết năm ngoái, dữ liệu của nền tảng chuyên bán đồ cũ Chợ Tốt cũng ghi nhận hiện tượng đông người bán, ít khách mua. Cụ thể, lượng đăng bán điện thoại cũ tăng 23%, điện thoại mới tăng 0,04%, trong khi lượt liên hệ mua điện thoại mới giảm 33%, điện thoại cũ giảm 10%. Không chỉ điện thoại, hoạt động mua bán hầu hết ngành hàng, đặc biệt là các sản phẩm có giá trị cao như đồ gia dụng, thiết bị điện tử và không thiết yếu đều giảm 4-14% so với trung bình sức mua của cả năm. Riêng sức tiêu cho nhóm giá trị cao giảm 8-21%.

Điểm sáng của mua sắm năm nay hiện tập trung vào các mặt hàng thực phẩm tươi, nhưng chủ yếu vào các ngày sát Tết. Tại TP HCM, so với năm ngoái sức mua tại các chợ và siêu thị đang tăng từng ngày. Ghi nhận tại một số chợ truyền thống như Tân Định (quận 1), Phạm Văn Hai (Tân Bình), Bà Chiểu (Bình Thạnh), Hòa Bình (quận 5), Xóm Mới (Gò Vấp) hàng hóa dồi dào. Giá rau quả, thịt gia súc, gia cầm không tăng. Theo các tiểu thương, thời điểm này, hàng khô, chuối xanh, trái cây để bày mâm ngũ quả được nhiều người chọn mua. Các hàng thịt heo tại các chợ nhanh hết hơn so với những ngày trước đó. Sức mua tăng nhưng giá thịt heo vẫn như ngày thường, như thịt ba chỉ, thịt thăn 100.000-130.000 đồng một kg, sườn non 130.000-170.000 đồng, móng giò 90.000-120.000 đồng một kg.

Bên cạnh các chợ, tại hệ thống siêu thị BigC, Co.opmart, WinMart... lượng người tới mua sắm tăng gấp đôi so với các ngày trước. Tại WinMart/WinMart+, hệ thống này đang tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện, hầu hết hệ thống siêu thị đều thực hiện các chương trình giảm giá 5-50% với nhiều nhóm hàng và đều được áp dụng đến 30 Tết. Các nhà bán lẻ và tiểu thương tại các chợ truyền thống đều kỳ vọng vào sức mua bật tăng từng ngày từ nay đến ngày 30 Tết.

Sức mua cũng tăng tại các trang thương mại điện tử, hàng hoá bán online với mức tăng 20-50% so với cùng kỳ năm ngoái. Chị Huyền ở Gò Vấp, chuyên bán thực phẩm online, cho biết vẫn đang phải tuyển thêm nhân sự để phục vụ khách.

"Tôi đang có khoảng 1.000 đơn bánh chưng và 2.000 đơn các loại thực phẩm tươi sống phải giao từ nay đến 30 Tết", chị Huyền nói và cho biết chưa có thời gian để mua sắm cá nhân. Tương tự, chị Lan chuyên bán mâm cúng Tết cũng cho biết đang tất bật chuẩn bị nguyên liệu vì lượng đơn đặt mâm cúng Tết tăng 30% so với năm ngoái.

(Nguồn: Vnexpress)

MÔI GIỚI NHÀ ĐẤT QUYẾT BÁM TRỤ, HY VỌNG CHỐT ĐƯỢC KHÁCH NGÀY TẾT

(Ảnh minh hoạ).

Nhiều môi giới bất động sản vẫn quyết bám trụ tại dự án, với hy vọng chốt được khách những ngày sát Tết nguyên đán.

Ngày 23 tháng Chạp, Nguyễn Minh Tuấn (một môi giới bất động sản, quê Hà Nam) vẫn ngồi tại dự án tại quận Hoàng Mai, với hy vọng có thể kiếm được khách. Tuấn cho hay: “Giờ về nhà cũng không biết làm gì, ngồi ở đây cho đỡ buồn. Biết đâu có khách nào qua chốt căn luôn”.

Làm môi giới bất động sản được 3 năm nhưng đây là cái Tết buồn với Tuấn. Năm ngoái, thời điểm này, Tuấn đã nghỉ Tết nhưng với số tiền hoa hồng lên tới hàng trăm triệu đồng. Năm nay, văn phòng bất động sản cắt giảm nhân sự, Tuấn tham gia với vai trò cộng tác viên không lương, thu nhập theo hoa hồng giá trị căn hộ bán được. Tết này, Tuấn không có lương, không có thưởng nhưng quyết tâm bám trụ với nghề qua giai đoạn khó khăn.

“Từ 20 người trong nhóm, giờ chỉ còn 2-3 anh em vẫn làm môi giới, giờ nghỉ chẳng biết làm gì”, Tuấn cho hay. Tuấn về quê từ 25 tháng Chạp và hẹn quay trở lại làm việc từ đầu tháng Hai âm lịch.

Mặc dù sàn bất động sản nghỉ làm từ giữa tháng 12 dương lịch, nhưng Nguyễn Thị Thảo (một môi giới nhà đất tại Gia Lâm) vẫn có mặt tại dự án để quay clip, review biệt thự, liền kề để đăng trên các nền tảng mạng xã hội như Tikok, Facebook,... Trung bình mỗi ngày, Thảo đăng hàng chục video clip bán nhà, chia sẻ trên các cộng đồng bất động sản.

“Thời điểm này không bán được hàng nhưng mình vẫn đăng video clip để cho mọi người tham khảo. Đây là cách để quảng cáo, giới thiệu cho nhiều người biết tới mà chi phí không tốn kém.

Thảo cho hay, thị trường gặp khó khăn, nhiều môi giới phải cắt giảm chi phí chạy quảng cáo, chưa kể phải chịu âm do chi phí phát sinh. Họ phải tận dụng các nền tảng xã hội để tìm khách. Thảo hy vọng, nhiều khách hàng vẫn nhớ tới mình và liên hệ nếu có nhu cầu mua bất động sản trong thời gian tới.

Theo khảo sát, các sàn bất động sản đồng loạt nghỉ Tết từ 23 tháng Chạp. Một số sàn thông báo mở cửa trở lại sau Rằm. Một số đơn vị nhỏ lẻ cho nhân viên nghỉ hết tháng Giêng.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, cho biết, khoảng 10.000 nhân viên môi giới phải nghỉ việc, hoặc chuyển sang công việc khác để kiếm sống.

Theo thống kê của Hội, thị trường bất động sản năm qua khá ngưng trệ, trầm lắng, yếu giao dịch. Nguồn cung ra thị trường đạt khoảng 48.500 sản phẩm, tương đương 90% tổng lượng sản phẩm chào bán mới năm 2021 - thời điểm thị trường chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 và chỉ bằng 28% so với năm 2018 (180.000 sản phẩm).

Về tỷ lệ tiêu thụ, toàn thị trường năm 2022 chỉ đạt khoảng 39%, tương đương với 19.000 giao dịch thành công, bằng 69% lượng tiêu thụ năm 2021 và chỉ bằng 17% lượng giao dịch của năm 2018. Riêng quý IV, tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt mức 14%. Số lượng môi giới còn hoạt động hiện chỉ bằng khoảng 30-40% so với hồi đầu năm.

Tận dụng thời gian nghỉ sớm, Nguyễn Văn Hoàng (môi giới nhà đất ở Hà Đông) cung với nhóm bàn bạc, lên chiến lược, phương án, kế hoạch phối hợp bán hàng. “Môi giới cần đào tạo và có chiến lược bài bản bám trụ với nghề. Ở thời điểm nào cũng có khách giao dịch nếu chọn đúng phân khúc người mua cần”, Hoàng nói.

(Nguồn: Vietnamnet)

CẬN TẾT NGUYÊN ĐÁN, RAO BÁN BẤT ĐỘNG SẢN NGỘP SÔI ĐỘNG

Thực tế hiện nay, trên nhiều trang, nhóm mua bán bất động sản hay cả những nhóm hoạt động ở lĩnh vực khác cũng đăng tải rao bán bất động sản ngộp khá sôi động. Thế nhưng, người đang bán thì nhiều nhưng người tìm hiểu, hỏi mua thì không thấy đâu.

Chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc năm cũ bước sang năm Quý Mão 2023 (theo Âm lịch), kỳ nghỉ Tết dài cũng chuẩn bị bắt đầu. Do đó, những ngày cuối năm, mọi người tập trung hoàn thành những công việc còn dang dở và gấp rút lo sắm Tết. Mọi mặt hàng thiết yếu phục vụ cho dịp Tết vô cùng nhộn nhịp. Bên cạnh đó, cũng có một mặt hàng cũng được rao bán nhộn nhịp vào những ngày sát Tết bất chấp những tháng qua thị trường của mặt hàng này trầm lắng. Đó là bất động sản ngộp.

Thực tế hiện nay, trên nhiều trang, nhóm mua bán bất động sản hay cả những nhóm hoạt động ngoài lĩnh vực này cũng đăng tải rao bán bất động sản ngộp sôi động.

Một tài khoản tên T.N rao: “Hàng ngộp đây nhưng không phải ngộp theo kiểu bị mua đỉnh rồi cắt giảm 50-70% mà ngộp của mình là mua giá siêu rẻ nên có quyền tự quyết. Giá ngộp chỉ bằng 50% so với giá các hộ dân bán hiện tại. Lô đất 2 mặt thoáng, xe ô tô vào tận đất. Cách dự án Green Valley 200m, cách cao tốc 500m. Lô đất nằm gần trục đường liên kết cao tốc Hòa Bình - Hà Nội, đất Mông Hóa đã thuộc TP Hoà Bình. Diện tích tổng 9.000m2. Giá 1.5tr/1m2. Xem đất xong ưng chỉ cần cọc, 2 tháng sau cấp sổ mới sang tên. Hoặc mua 1/2 đất mình cũng bán, miễn có tiền mua đào Tết cho gia đình và trả nợ”.

Hay một tài khoản khác đăng tải: “Nhà em cũng có nhà cắt lỗ, nhà tại khu đô thị Duyên Thái, Thường Tín. Diện tích 65,4m2 x 4 tầng, 4 phòng ngủ. Đất ở đô thị, cách bến xe nước ngầm 6,5km, cách Quốc lộ 1A cũ 100m, đường trước cửa nhà 2 ô tô tránh nhau. Nội thất thực sự chất lượng chỉ thiếu giường, tủ là về ở được. Nhà có thể buôn bán hoặc làm công ty mở văn phòng được. Ngôi nhà này thật sự rất lý tưởng với tôi, nhưng có một số lý do kinh tế tôi cần có giao dịch để có tiền mặt ở thời điểm này. Tôi sang nhượng lại cho các anh chị có nhu cầu ở - đầu tư. Nếu anh chị nào thiện chí, tôi xin nhượng lại giá 4,8 tỷ. Tôi đã giảm so với giá trên hợp đồng cũ mua rất nhiều. Anh chị có nhu cầu thực tôi minh bạch cả hợp đồng mua trước”.

Chủ của những bất động sản này còn mạnh tay trích 1% hay 50-100 triệu đồng/giao dịch thành công cho nhóm để làm quỹ duy trì. Tuy nhiên, người rao bán hàng ngộp rất nhiều nhưng phía người mua thì không có mấy ai quan tâm, tìm hiểu ở thời điểm này.

Hiện nay, hầu như ở các phân khúc bất động sản từ đất nền, biệt thự, nhà liền kề, chung cư đều xuất hiện tình trạng bán hàng “ngộp”.

Theo nhận định chuyên gia của DKRA, gần đây, ở phân khúc căn hộ, chủ đầu tư áp dụng chính sách chiết khấu thanh toán nhanh lên đến trên 40% giá niêm yết nhằm kích cầu thị trường cũng như nhanh chóng thu hồi dòng tiền, đảm bảo hoạt động vận hành doanh nghiệp. Tuy nhiên, tỷ lệ hấp thụ vẫn thấp. Ở phân khúc nhà phố, biệt thự, sức mua rất khiêm tốn. Ở thị trường thứ cấp, các nhà đầu tư bị áp lực về tài chính chấp nhận hạ giá bán, cắt giảm lợi nhuận, sẵn sàng chiết khấu thêm cho khách hàng giao dịch nhanh chóng, mức giảm phổ biến 10% - 18% so với cùng kỳ năm 2021, tuy nhiên rất khan hiếm giao dịch thành công.

Theo thống kê của chuyên trang Chợ Tốt Nhà, đang có khoảng 3 - 8% lượng nhà, đất ở TP.HCM được bán giảm giá mạnh do chủ gặp khó khăn về tài chính. So với đầu năm 2022, lượng tin đăng bán nhà, đất “ngộp” tăng lên gần gấp đôi, nhiều nhất là ở huyện Củ Chi và quận Bình Thạnh, chiếm khoảng trên 10% lượng cung nhà, đất ở TP.HCM. Tuy nhiên, dù được gắn mác là nhà “ngộp” nhưng giá bán trung bình theo vẫn rất cao, bình quân trên 90 triệu đồng/m2. Do đó, mức độ quan tâm của khách hàng vẫn rất thấp.

Mặc dù thông tin rao bán bất động sản “ngộp” tràn lan khắp nơi, nhưng thực chất bất động sản đó có “ngộp” hay không thì nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ. Gợi ý về cách xác thực bất động sản có “ngộp” hay không, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho hay, khi chưa đến thực địa, nhà đầu tư có thể tìm hiểu giá thông qua các báo cáo dữ liệu về thị trường, xem lịch sử thông tin giá bất động sản ở khu vực định đầu tư. Tham khảo giá giai đoạn 3-6 tháng trước xem mặt bằng giá là bao nhiêu và hiện giá bao nhiêu.

Vị này chia sẻ thêm, cách khác là xuống thực địa tìm hiểu từ người dân xung quanh khu đất đang bán, tìm hiểu qua phòng công chứng để xem giá trước đây và bây giờ.

Theo ông, bất động sản “ngộp” là phải cắt giá khoảng 10-20%, thậm chí là 30% so với giá trị giao dịch trung bình trong khoảng thời gian 3-6 tháng trước. Đó cũng là tín hiệu để người mua có thể tham khảo.

Có nhiều năm kinh nghiệm đầu tư bất động sản, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty đầu tư Bất Động Sản Việt An Hòa cũng đưa ra lời khuyên cho nhà đầu tư để nắm bắt tình trạng bất động sản.

“Khi đã xác định được sản phẩm muốn mua hãy dành 2 tuần để quan sát. Bên cạnh việc khảo sát mặt bằng giá ở khu vực, hay chú ý đến mức giảm giá của sản phẩm. Nếu thấy mức điều chỉnh giá từ 3-7% trong thời gian này thì khả năng cao chủ đang đang “ngộp” có nhu cầu thoát hàng nhanh”, ông Quang cho biết.

Ngoài ra, ông Quang cũng khuyến cáo nhà đầu tư không nên tìm kiếm dàn trải mà tập trung vào các loại bất động sản sát trung tâm nhằm hạn chế rủi ro. Pháp lý của sản phẩm cũng là một yếu tố nhà đầu tư nên tìm hiểu trước khi đưa ra quyết định.

(Nguồn: CafeF)

(Xem thêm:

=> Mua sắm Tết tăng nhiệt; 'Xả lỗ' pháo hoa Z121; 'Hết cửa' lướt sóng BĐS; Sốt đất khắp nơi, người nghèo khó mua nhà ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang