Chính sách mới cho du lịch; Xin cấp lại sổ đỏ khi bị mất; Quy hoạch tuần qua; Tháo 'điểm nghẽn' hạ tầng cho TP.HCM

CHÍNH SÁCH MỚI CHO DU LỊCH

(Ảnh minh họa).

Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phải đi trước một bước để ngành du lịch phát triển xứng với tiềm năng và đúng hướng

Nghị quyết 01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 vừa được ban hành với nhiều kỳ vọng. Với riêng ngành du lịch, để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, rất cần động lực mới từ việc kiến tạo cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN).

Không thể chậm chân hơn

Sự thành công của du lịch nội địa trong năm 2022 với trên 101 triệu lượt khách, vượt mức trước dịch COVID-19, cho thấy nhận định về xu hướng phục hồi là đúng. Từ dự báo nhu cầu tăng trở lại cao cùng sức nén lớn, ngành du lịch đã mở cửa sớm từ tháng 3-2022 trong bối cảnh Việt Nam chuyển từ chống dịch sang thích ứng linh hoạt. Tuy nhiên, đa phần khách du lịch nội địa có nhu cầu tự phát, nếu không được "nắn dòng" sẽ phát sinh nhiều mặt tiêu cực như: ô nhiễm môi trường, chi tiêu ít, chất lượng chuyến đi không cao, tính bền vững thấp...

Với thị trường khách quốc tế, năm 2022, ngành du lịch đón 3,66 triệu lượt khách đến, đạt khoảng 70% chỉ tiêu đề ra. Con số thể hiện sự nỗ lực rất lớn nhưng nếu so sánh với một số nước bạn như Thái Lan, Singapore... đều đạt chỉ tiêu đón khách quốc tế thì rõ ràng chúng ta mở cửa sớm nhưng không về đích. Ngay cả khách outbound (du lịch nước ngoài) cũng vẫn khó khai thác dù nhu cầu rất lớn sau mấy năm bị kìm hãm bởi dịch COVID-19, mà đôi khi chỉ bởi câu chuyện trục trặc hộ chiếu.

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp nên chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách chung của nhà nước. Nếu chính sách lạc hậu thì ngành du lịch sẽ tụt hậu. Sự thay đổi chính sách hiện rất chậm dù DN liên tục kiến nghị. Chính sách visa vẫn giữ nguyên từ thời điểm Việt Nam mở cửa du lịch hồi tháng 3-2022 đến nay trong khi diễn biến thị trường, nhu cầu của khách thay đổi rất nhanh. Tại sao cứ giữ quy định khách chỉ được lưu trú 15 ngày cho một lần nhập cảnh trong khi các nước trong khu vực đã cho phép lưu trú 60-90 ngày, thậm chí đến 6 tháng, để thu hút khách đến và ở lại lâu hơn? Đây thật sự là điều đáng tiếc! Việc đón khách quốc tế năm 2022 chậm dẫn tới ngành du lịch trong năm 2023 mất lợi thế, cơ hội và tốc độ tiếp cận bởi nhiều nước xung quanh đã chiếm lĩnh thị trường. Cần nghiêm túc, thẳng thắn rút kinh nghiệm cho năm nay cũng như thời gian tới.

Không riêng khó khăn trong thủ tục visa, hoạt động xúc tiến du lịch của Việt Nam ở nước ngoài cũng rất chậm và ít. Năm ngoái, Việt Nam chỉ có một đợt xúc tiến quảng bá du lịch ở nước ngoài, cụ thể là tại Anh. Xúc tiến du lịch bao gồm rất nhiều nội dung, trong đó có "chuyến đi kỹ thuật" - những chuyến đi thường xuyên, liên tục để "nhắc" du khách nhớ tới du lịch Việt Nam và cung cấp thông tin về tình hình thị trường, những điều chỉnh chính sách. Sự kiện truyền thông được ví như con sóng, sóng sau đè sóng trước. Vì vậy, nếu không thường gợi nhớ, nhắc nhớ, khách sẽ quên. Đáng buồn là chúng ta đang rất thiếu những hoạt động này. Về phía DN, vai trò tự quảng bá cũng hạn chế bởi khó khăn về tài chính cùng nhiều vấn đề khác. Chúng ta dự hội chợ quốc tế quá ít, làm sao cạnh tranh với các điểm đến khác?

Một vấn đề khác là cơ quan ngoại giao ở nước ngoài kiêm nhiệm nhiều công việc, trong khi chưa có tham tán du lịch. Mô hình Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp có thể được xem như cơ quan xúc tiến du lịch với điều kiện được đầu tư xứng tầm.

Đổi mới chính sách

Như đã nói trên, cả 3 thị trường du lịch nội địa, quốc tế và du lịch nước ngoài đều đang tồn tại nhiều điểm nghẽn cần giải quyết.

Về nút thắt visa, hiện rất cần một công văn liên tịch giữa Bộ Công an, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Bộ Ngoại giao để tháo gỡ. Chính sách về visa điện tử cũng cần đột phá hơn nữa. Bộ Công an thông tin hiện mỗi ngày có khoảng 2.000 hồ sơ xin cấp visa điện tử được giải quyết. Như vậy, một năm tối đa giải quyết 730.000 - 750.000 lượt cấp visa điện tử, chưa đạt 1/10 mục tiêu khách quốc tế đến. Cần đẩy mạnh cấp visa cửa khẩu; miễn visa có thời hạn cho từng thị trường trọng điểm cụ thể, trong từng thời gian cụ thể - chẳng hạn trong 3 tháng, để tạo cú hích mạnh mẽ cho hoạt động đón khách quốc tế. Thương trường như "chiến trường", khách không đứng ở cửa để chờ mình mở. Cần quyết liệt đổi mới thể chế, cơ chế, chính sách thu hút khách du lịch cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt đi du lịch nước ngoài bằng hộ chiếu mới.

Bộ Công an, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Bộ Ngoại giao cũng cần phối hợp giải quyết điểm nghẽn xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài. Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, chúng ta không thể không có cơ quan xúc tiến du lịch ở nước ngoài. Trong khi chờ đợi thay đổi ở Luật Ngoại giao, có thể đẩy mạnh mô hình trung tâm văn hóa ở nước bạn để khai thác tiềm năng quảng bá, xúc tiến du lịch.

Nhiều ý kiến cho rằng DN cần đóng góp kinh phí tham gia quảng bá, xúc tiến du lịch. Đề xuất này có phần hợp lý song mức độ đóng góp của DN chỉ có hạn. Mục tiêu xúc tiến du lịch quốc gia không thể thực hiện bằng ngân sách của mỗi DN mà cần được chi trả bằng ngân sách nhà nước. Quốc gia có mục tiêu chung và mỗi DN có mục tiêu riêng trong hoạt động xúc tiến du lịch.

Củng cố "sức khỏe" doanh nghiệp

Du lịch Việt Nam đã chậm chân so với các điểm đến trong khu vực Đông Nam Á và hiện chỉ còn kỳ vọng vào thị trường Đông Bắc Á. Trong đó, Trung Quốc là thị trường khách tiềm năng của Việt Nam trong khoảng tháng 3 đến hết tháng 10-2023. Chính phủ và cơ quan quản lý ngay từ bây giờ cần chủ động xây dựng chiến lược, chính sách để đón dòng khách này. Đừng thấy một vài DN đón được vài chục khách Trung Quốc đến mà nghĩ khách sẽ tự vào! Thể chế, cơ chế và chính sách phải đi trước; hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch phải quyết liệt song song với chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu.

Rất nhiều DN, nhiều khách sạn đã mở cửa hoạt động nhưng công suất chỉ đạt 60%-65%. Không ít khách sạn vẫn đóng cửa trong dịp Tết này vì nhiều nguyên nhân, mà một nguyên nhân quan trọng là thiếu nguồn nhân lực. Do đó, cần tổ chức lại nguồn nhân lực của khối sản xuất, du lịch và dịch vụ bởi nếu không tổ chức sớm sẽ không thể điều tiết dòng khách, thị trường theo một dòng chảy đúng hướng.

Quan trọng hơn cả trong lúc này là củng cố sức khỏe của DN, nhất là về tài chính và lực lượng lao động. DN du lịch cần vốn rất lớn mới có thể hoạt động sau 2 năm kiệt quệ vì dịch COVID-19. Họ cần vốn để giữ được thị trường, lượng khách; tái tạo hoạt động và có nguồn thu trở lại. Trong năm 2022, nhà nước đã đưa ra một số chính sách hỗ trợ nhưng hầu như DN không tiếp cận được. Năm nay, chính sách hỗ trợ về vốn tín dụng, lãi suất, thuế, phí... cần được thay đổi theo hướng dễ tiếp cận hơn, nếu không muốn DN mất động lực.

Du lịch và hàng không giống như 2 cánh của chiếc máy bay, nhất là trong thu hút khách du lịch quốc tế. Nếu du lịch không phục hồi sẽ rất khó để hàng không bứt phá và ngược lại. Thực tế là 5 hãng hàng không của Việt Nam đều đang lỗ và sức khỏe tài chính rất yếu. Dòng tiền hiện tại chỉ đủ duy trì hoạt động kinh doanh, rất khó để tính tới việc chiếm lĩnh đường bay. Đây là vấn đề rất lớn, có tính hệ quả. Nếu có cơ chế hỗ trợ hàng không phục hồi thì cũng góp phần thúc đẩy du lịch phát triển. Theo tôi, có thể nghiên cứu cơ chế hoàn thuế GTGT cho lĩnh vực hàng không, du lịch để tạo trợ lực mạnh mẽ, giống như chính sách hoàn thuế GTGT cho lĩnh vực thương mại vẫn được áp dụng lâu nay.

(Nguồn: Người Lao Động)

QUY ĐỊNH VỀ VIỆC XIN CẤP LẠI "SỔ ĐỎ" KHI BỊ MẤT

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị mất có được cấp lại không? Trình tự việc cấp lại được thực hiện như thế nào?

Khoản 1, 2 Điều 77 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai quy định về cấp lại Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng do bị mất như sau:

Với hộ gia đình và cá nhân, cộng đồng dân cư phải khai báo với UBND xã, phường nơi có đất về việc bị mất Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm niêm yết thông báo mất Giấy chứng nhận tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, trừ trường hợp mất giấy do thiên tai, hỏa hoạn.

Đối với các tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải đăng tin mất Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương.

Sau 30 ngày, kể từ ngày niêm yết thông báo mất Giấy chứng nhận tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã đối với trường hợp của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hoặc kể từ ngày đăng tin lần đầu trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương đối với trường hợp của tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người bị mất Giấy chứng nhận nộp 1 bộ hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận.

Như vậy theo quy định quy trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ kéo dài hơn 1 tháng (30 ngày niêm yết công khai) sau khi không có những tranh chấp phát sinh, người mất giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ được cấp lại theo quy định.

(Nguồn: CafeF)

THÔNG TIN QUY HOẠCH NỔI BẬT TUẦN QUA (23-29/1): HOÀN THÀNH CAO TỐC MAI SƠN - QUỐC LỘ 45 VÀO CUỐI THÁNG 4; NÂNG CẤP ĐƯỜNG SẮT NHA TRANG – SÀI GÒN

(Ảnh minh họa).

Hoàn thành cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 vào cuối tháng 4/2023; triển khai nâng cấp đường sắt Nha Trang – Sài Gòn; Hải Phòng sắp khởi công đường Đỗ Mười... là những thông tin quy hoạch, hạ tầng giao thông nổi bật trong tuần.

Hoàn thành cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 vào cuối tháng 4/2023

Ngày 28/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đi kiểm tra các dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Diễn Châu - Bãi Vọt thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 1.

Dự án gồm 5 gói thầu xây lắp; lũy kế sản lượng đến nay là 6.058,76/7.237,13 tỷ đồng (83,7% giá trị hợp đồng). Giải ngân xây lắp lũy kế đạt 6.159/7.237 tỷ đồng (85% giá trị hợp đồng).

Theo Bộ GTVT, để bảo đảm hoàn thành dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 trước ngày 30/4, yêu cầu các nhà thầu duy trì tiến độ, 3 ca, 4 kíp thi công như thời gian vừa qua, không được rút bớt máy móc, thiết bị để triển khai các dự án mới; khẩn trương xây dựng kế hoạch cung cấp và duy trì nguồn tài chính phục vụ thi công dự án đáp ứng tiến độ yêu cầu.

Triển khai nâng cấp đường sắt Nha Trang – Sài Gòn

Chiều ngày 26/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự lễ ra quân dự án nâng cấp tuyến đường sắt Nha Trang - Sài Gòn.

Dự án cải tạo, nâng cấp đoạn Nha Trang – Sài Gòn sẽ cải tạo, nâng cấp đường sắt quốc gia khổ 1.000 mm với các hạng mục: Cải tạo 4 cầu yếu trên tuyến; cải tạo kiến trúc tầng trên khoảng 87 km; cải tạo, sửa chữa ga hàng Sóng Thần và ga khách Dĩ An nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải; cải tạo hệ thống thông tin tín hiệu đồng bộ. Đến nay, đã ký hợp đồng 2 gói thầu xây lắp và đủ điều kiện để khởi công; 1 gói thầu đang hoàn thiện hồ sơ thiết kế.

Thanh Hóa khởi công tuyến đường hơn 1.400 tỷ đồng

Ngày 27/1, tại xã Hoằng Xuân (Hoằng Hóa), UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức khởi công tuyến đường nối quốc lộ 1A với quốc lộ 45, từ xã Hoằng Kim (Hoằng Hóa) đến xã Thiệu Long (Thiệu Hóa). Dự án có tổng kinh phí trên 1.400 tỷ đồng.

Tuyến đường nối quốc lộ 1A với quốc lộ 45, từ xã Hoằng Kim (Hoằng Hóa) đến xã Thiệu Long (Thiệu Hóa), với tổng chiều dài 14,6 km. Quy mô thiết kế đường cấp III đồng bằng, hai làn xe cơ giới + hai làn xe thô sơ theo TCVN 4054:2005, vận tốc thiết kế 80 km/h, chiều rộng nền đường 12 m, chiều rộng mặt đường 11 m. Theo tiến độ thực hiện dự án sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng trong năm 2024.

Chậm nhất 2030 thông tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang

Ngày 25/1, sau khi kiểm tra, đôn đốc dự án cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc với tỉnh Tuyên Quang, tỉnh Phú Thọ và các bộ, ngành, liên quan về dự án này.

Đến nay, theo báo cáo của các địa phương, về công tác giải phóng mặt bằng, tỉnh Phú Thọ đã bàn giao được 11/11 km, đạt 100%; xây dựng 3/3 khu tái định cư; di dời hạ tầng kỹ thuật (đường điện, nước, viễn thông), đạt 100% khối lượng.

Tỉnh Tuyên Quang đã bàn giao mặt bằng được 28,6/28,9 km, đạt 99%; xây dựng hoàn thành 24/24 khu tái định cư; di dời hạ tầng kỹ thuật (đường điện, viễn thông...) đạt 90% khối lượng; phấn đấu hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng trong tháng 2/2023.

Các địa phương đề nghị bố trí thêm từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương cho cả 2 giai đoạn của dự án. Trên cơ sở ý kiến đồng thuận của các bộ ngành, Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc việc bổ sung một phần vốn Trung ương cho giai đoạn 2. Hai tỉnh cân đối phần còn lại từ ngân sách địa phương. Thủ tướng cũng đồng ý ngân sách Trung ương hỗ trợ thêm cho giai đoạn 1.

Thủ tướng yêu cầu giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 phải xong trong tháng 2/2023, hoàn thành giai đoạn 1 vào tháng 12/2023, thông tuyến lên tới Hà Giang chậm nhất năm 2030.

Hải Phòng sắp khởi công đường Đỗ Mười

Lãnh đạo TP Hải Phòng vừa có buổi kiểm tra công tác chuẩn bị để khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Đỗ Mười kéo dài đến đường trục VSIP và phát triển đô thị vùng phụ cận.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo thành phố đã yêu cầu bố trí phương tiện, đảm bảo công tác phòng chống cháy nổl; bố trí lực lượng công binh rà phá bom mìn, vật nổ và bàn giao địa điểm dự án trước 11 giờ ngày 27/1 để khởi công.

Theo phê duyệt, đường Đỗ Mười kéo dài được thực hiện trên địa bàn 2 xã Tân Dương và Dương Quan, huyện Thủy Nguyên với tổng mức đầu tư dự kiến là 1.066 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách. Trong đó, chi phí GPMB ước tính khoảng gần 700 tỷ đồng, còn lại là chi phí xây lắp và các chi phí khác.

Bình Định duyệt quy hoạch xã đảo Nhơn Châu quy mô 352 ha

UBND tỉnh đã có Quyết định 118/QĐ-UBND phê duyệt đồ án Quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/5.000 xã Nhơn Châu, TP Quy Nhơn đến năm 2035.

Theo đó, phạm vi ranh giới quy hoạch gồm toàn bộ diện tích tự nhiên xã Nhơn Châu, các mặt tiếp giáp biển Đông, tổng quy mô quy hoạch khoảng 352 ha.

Tính chất, mục tiêu quy hoạch xác định quy hoạch phát triển xã đảo Nhơn Châu gắn liền công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển đảo, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân, trong đó trọng tâm là phát triển kinh tế biển, phát triển du lịch sinh thái biển trên cơ sở bảo tồn, phát huy và tôn tạo các giá trị thiên nhiên, văn hóa vốn có của đảo.

Sắp triển khai thi công mở rộng Cảng hàng không Điện Biên

Dự kiến cuối tháng 3/2023, ACV sẽ đóng cửa sân bay trong khoảng thời gian từ 6 - 7 tháng để triển khai thi công Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên.

Cụ thể, tháng 6/2023, hoàn thành thi công giai đoạn 2 công trình hàng rào an ninh. Tháng 12/2023 sẽ hoàn thành công trình đường cất hạ cánh (CHC), đường lăn, sân đỗ máy bay.

Đối với công trình nhà ga hành khách và các công trình phụ trợ, lãnh đạo ACV cho biết: Tháng 3/2023 hoàn thành lựa chọn nhà thầu và ký hợp đồng gói thầu số 30 “Thi công xây dựng nhà ga hành khách và các công trình phụ trợ” và gói thầu 34 “Giám sát thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách và các công trình phụ trợ”. Tháng 4/2023, tiến hành khởi công trước khi hoàn thành vào tháng 12/2023.

(Nguồn: Vietnammoi)

CẦN CÓ CƠ CHẾ THÁO “ĐIỂM NGHẼN” HẠ TẦNG CHO TPHCM

TPHCM đang khẩn trương triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm như đường Vành đai 2, 3, 4; tuyến metro số 1, 2 và cao tốc TPHCM - Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh), cao tốc TPHCM - Chơn Thành, cầu Cần Giờ... Tuy nhiên, hàng loạt vấn đề liên quan đến cơ chế pháp lý đầu tư, nguồn vốn chưa thật sự cụ thể nên rất khó triển khai như kỳ vọng.

Hàng loạt dự án trọng điểm

Tỉnh Tây Ninh đã có nghị quyết đồng thuận triển khai thực hiện dự án cao tốc TPHCM - Mộc Bài, tuy nhiên TPHCM vẫn chưa xác định được thời điểm khởi công dự án. Theo quy định của Luật Đầu tư đối với phương thức đầu tư đối tác công tư (PPP), UBND các tỉnh phải có báo cáo trình HĐND để xem xét, chấp thuận về đề xuất thực hiện dự án. Sau đó, các đơn vị chức năng mới thực hiện các bước tiếp theo.

Thời gian qua, Sở GTVT TPHCM đã có nhiều văn bản đề nghị Sở KH-ĐT khẩn trương rà soát, tham mưu UBND TPHCM các nội dung về cao tốc TPHCM - Mộc Bài. Nhưng đến nay Sở KH-ĐT vẫn trong giai đoạn nghiên cứu do vướng nhiều thủ tục, cần kiến nghị cấp Trung ương giải quyết.

Việc chậm trễ thực hiện các thủ tục thông qua chủ trương đầu tư sẽ làm tăng chi phí giải phóng mặt bằng của dự án và có nguy cơ đội vốn bởi giá vật liệu cũng đang ở mức rất cao. Theo Sở GTVT TPHCM, hiện nay, chi phí giải phóng mặt bằng đã chiếm khoảng 47% tổng mức đầu tư dự án.

Trong khi đó, TPHCM đã ban hành danh mục 28 dự án giao thông trọng điểm phải tập trung đầu tư xây dựng từ nay đến năm 2025. Trong đó, có nhiều dự án giao thông trọng điểm như đường Vành đai 2, 3, 4 và cao tốc TPHCM - Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh), cao tốc TPHCM - Chơn Thành, cầu Cần Giờ... Cụ thể, mục tiêu trong năm 2023, hoàn thành tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Về tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), năm 2023 sẽ khởi công các gói di dời về hạ tầng kỹ thuật chuẩn bị mặt bằng để đến năm 2025 khởi công xây dựng. Đối với tuyến đường Vành đai 2, hiện cơ bản hoàn thiện hồ sơ để báo cáo. Tuy nhiên, hai đoạn khép kín đường Vành đai 2 này theo dự tính có vốn lớn, phải cân đối nguồn. Dự kiến sẽ hoàn thành báo cáo thông qua chủ trương đầu tư trong năm 2023 để khởi công sớm.

Bên cạnh đó, TP phấn đấu sẽ khép kín đường Vành đai 2 cùng thời điểm với đường Vành đai 3 vào cuối năm 2025. Đồng thời, TP cũng đang khẩn trương hoàn tất hồ sơ tiền khả thi dự án đường Vành đai 4. Dự kiến tháng 5-2023 sẽ báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.

Song song đó, TP sẽ khởi động triển khai cao tốc TPHCM - Mộc Bài, phối hợp với tỉnh Bình Dương để triển khai cao tốc TPHCM - Chơn Thành. TP cũng đang gấp rút chuẩn bị đầu tư một số công trình, nghiên cứu hồ sơ các cầu Thủ Thiêm 3, Thủ Thiêm 4...

Hiện tại, dự án đường Vành đai 3, 4 đang chờ lập tổ công tác để rà soát phạm vi, quy mô đầu tư, phương án kỹ thuật, công nghệ, môi trường, tổng mức đầu tư dự án cũng như phân chia dự án thành phần trong tổng thể 2 tuyến vành đai.

Trước đó, dự án Vành đai 3, TPHCM được giao là cơ quan chủ trì chuẩn bị, trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định chủ trương đầu tư. TP đã thành lập hội đồng thẩm định nội bộ để rà soát, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án này, nhằm đẩy nhanh tiến độ kịp trình Quốc hội vào tháng 3 năm nay.

Kiến nghị giải pháp đột phá

Liên quan về cơ chế chính sách cũng như nguồn vốn để triển khai các dự án trên, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM Lương Minh Phúc cho biết, các dự án khi trình trong năm 2023 UBND TPHCM yêu cầu các cơ quan liên quan phải đảm bảo đã hoàn thành hồ sơ.

Trong quý 1-2023, TP sẽ tập trung hoàn thiện phần việc này để xác định dự án, công trình nào sẽ triển khai, dự án nào có nguy cơ không hoàn thành sẽ điều chỉnh. Đối với tuyến đường Vành đai 3, 4, TP lập tổ công tác gồm các tỉnh thành có dự án đi qua và đại diện bộ ngành liên quan sẽ rà soát quy mô đầu tư, nguồn vốn, cơ chế... để sớm triển khai thực hiện, khép kín 2 tuyến này.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, TP đã kiến nghị trung ương cho phép TP xem xét, quyết định việc thực hiện đầu tư các dự án đầu tư công độc lập để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng dọc theo các tuyến giao thông trong phạm vi theo quy định (đường sắt đô thị, vành đai, cao tốc) và các vị trí tiềm năng trên địa bàn TP để thực hiện dự án tái định cư tại chỗ hoặc tạo quỹ đất để tổ chức đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (TOD).

Các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trước đây, TP xin tiếp tục được áp dụng hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) đối với các dự án đầu tư công trình cải tạo, nâng cấp, mở rộng đường bộ hiện hữu.

Riêng các dự án xây dựng chuyển giao Nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất hoặc quỹ đất kết hợp ngân sách trên địa bàn TP, TP được sử dụng quỹ đất do Nhà nước trực tiếp quản lý để kết hợp thực hiện đồng bộ dự án chỉnh trang đô thị, dự án xây dựng chung cư mới thay chung cư cũ, dự án cải tạo, di dời nhà trên và ven kênh rạch, làm cơ sở thu hút nguồn lực đầu tư của xã hội và tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy hoạch.

Phải bảo đảm nguồn vốn ngay từ đầu

Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TPHCM Trần Quang Thắng nhìn nhận, việc thực hiện đồng loạt dự án liên quan nhiều cơ chế chính sách, đặc biệt là nguồn vốn phải đảm bảo ngay từ đầu mới mong nhanh chóng triển khai, nếu không các dự án này nhiều khả năng “nằm trên giấy”.

Với hàng loạt dự án nhưng quỹ thời gian ngắn như vậy liệu có khả thi, ông Trần Quang Thắng đề nghị cần có giải pháp đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng vì đây là nguyên nhân chính làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.

Còn TS Phạm Ngọc Công, chuyên ngành cầu đường của Đại học Bách khoa Đà Nẵng, đánh giá, chắc chắn chi phí làm đường ở đô thị có chi phí cao hơn khu vực nông thôn, bởi giá đền bù, giải phóng mặt bằng cao và thường chiếm khoảng 50% vốn đầu tư công trình.

Do vậy, cần đảm bảo nguồn kinh phí để dự án triển khai đúng kế hoạch chứ không thể “có tiền đến đâu làm đến đó” như nhiều dự án trước đây. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống người dân trong vùng dự án mà còn đội vốn lên gấp nhiều lần so với kinh phí ban đầu.

(Nguồn: Sài Gòn Giải Phóng)

(Xem thêm:

=> Loạt đại dự án vào tầm ngắm; TP.HCM khởi công loạt dự án; Đấu giá hàng trăm lô đất; Chậm tiến độ cải tạo chung cư cũ HN ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang