Loạt đại dự án vào tầm ngắm; TP.HCM khởi công loạt dự án; Đấu giá hàng trăm lô đất; Chậm tiến độ cải tạo chung cư cũ HN

LOẠT ĐẠI DỰ ÁN GIAO THÔNG NÀO VÀO TẦM NGẮM KIỂM TOÁN?

Các dự án như Tuyến đường Vành đai 3, TPHCM; Dự án Tuyến đường Vành đai 4 - Hà Nội... nằm trong kế hoạch kiểm toán giai đoạn 2023-2025.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn mới đây đã ký và ban hành Kế hoạch kiểm toán trung hạn giai đoạn 2023-2025.

Theo đó, Kiểm toán Nhà nước sẽ thực hiện kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư dự án quan trọng quốc gia, dự án có tính chất liên vùng.

Cụ thể như các dự án: Đường bộ cao tốc Bắc - Nam tuyến phía Đông (giai đoạn 1); Đường bộ cao tốc Bắc - Nam tuyến phía Đông giai đoạn 2021-2025; Dự án Tuyến đường Vành đai 3, TPHCM; Tuyến đường Vành đai 4 - Hà Nội; Tuyến đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1; Tuyến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; Tuyến đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1.

Các dự án như Hồ chứa nước Ka Pét, Bình Thuận; các đường ven biển; Cảng Hàng không quốc tế Long Thành cũng nằm trong danh sách kiểm toán.

Kiểm toán Nhà nước cũng xác định nhiệm vụ kiểm toán Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), các dự án quan trọng quốc gia và một số nhiệm vụ kiểm toán có quy mô toàn ngành, nhiều đơn vị cùng tham gia thực hiện. Trong đó có Chương trình MTQG Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Về kiểm toán chuyên đề, Kiểm toán Nhà nước cho biết sẽ thực hiện kiểm toán công tác lập, phân bổ vốn đầu tư Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; việc thực hiện các chính sách đầu tư phát triển theo Nghị quyết số 43/2022/QH15; việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm theo Nghị quyết số 43/2022/QH15.

Việc đầu tư mua sắm, ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin, các hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông giai đoạn 2020-2022; việc quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư cho lĩnh vực khoa học công nghệ giai đoạn 2020-2022 tại các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương cũng sẽ được kiểm toán…

Về kiểm toán nợ công gồm, sẽ kiểm toán báo cáo nợ công hàng năm; Chuyên đề Công tác quản lý, sử dụng nợ công.

Về kiểm toán các dự án nhóm A, Bệnh viện Bạch Mai - cơ sở 2; Bệnh viện Việt Đức - cơ sở 2; Trung tâm Vũ trụ Việt Nam; Nâng cấp Trường Đại Học Cần Thơ có trong danh sách kiểm toán giai đoạn này.

KTNN cho biết sẽ điều chỉnh kiểm toán chuyên đề "Việc quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan Nhà nước tại các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương", chuyển sang thực hiện kiểm toán chuyên đề "Việc đầu tư mua sắm, ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin, các hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông giai đoạn 2020-2022" theo Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Ngoài ra không kiểm toán chuyên đề việc thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2016-2020 do Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 phê duyệt đề án "Cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước trọng tâm là Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2021-2025 (trên cơ sở đã đánh giá việc cơ cấu lại DNNN giai đoạn 20162-2020).

Trước đó, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn đã ký Quyết định số 1482 về việc ban hành Kế hoạch kiểm toán năm 2023 của Kiểm toán Nhà nước.

Theo đó, năm 2023, Kiểm toán Nhà nước sẽ thực hiện 129 nhiệm vụ kiểm toán, giảm 49 nhiệm vụ so với năm trước, tập trung kiểm toán các chủ đề lớn gắn với việc quản lý, điều hành ngân sách Nhà nước. Những vấn đề, lĩnh vực trọng yếu dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí cũng sẽ nằm trong diện kiểm toán năm tới.

Riêng ở lĩnh vực xây dựng và việc quản lý vốn đầu tư công, Kiểm toán Nhà nước sẽ thực hiện 28 cuộc kiểm toán dự án đầu tư, trong đó, có nhiều dự án lớn, được dư luận quan tâm.

(Nguồn: Dân Trí)

KHỞI ĐỘNG LOẠT DỰ ÁN GIAO THÔNG TRỌNG ĐIỂM GIẢM KẸT XE Ở TP.HCM

Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, đường nối Trần Quốc Hoàn- Cộng Hòa, Quốc lộ 50, Nút giao thông An Phú là những dự án giao thông trọng điểm vừa được khởi công giúp giảm kẹt xe ở TP.HCM.

Dự án nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất có tổng mức đầu tư 11.000 tỷ đồng được khởi công ngày 24/12/2022 do Tổng công ty hàng không (ACV) làm chủ đầu tư.

Dự án có 3 hạng mục chính gồm nhà ga hành khách, nhà xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không và hệ thống cầu cạn trước nhà ga.

Trong đó, nhà ga có một tầng hầm, 4 tầng nổi, xây trên diện tích 11,25ha, thiết kế theo tiêu chuẩn sân bay quốc tế, đảm bảo khách đi thuận tiện cũng như được tiếp cận nhiều tiện nghi, khu mua sắm... Khu vực nhà xe cũng được thiết kế hiện đại, gồm hai tầng hầm, 4 tầng nổi, xây trên tổng diện tích 13ha.

Trước đó, dự án được Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư ngày 19/5/2020 với công suất 20 triệu khách/năm. Sau khi hoàn thành nhà ga T3, sân bay Tân Sơn Nhất được nâng công suất khai thác đạt 50 triệu khách/năm.

Đến dự và chỉ đạo tại buổi lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá việc hoàn thành ga T3 sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội, du lịch, an ninh quốc phòng chung cho cả nước.

Với mục tiêu dự án hoàn thành năm 2024, Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư, TP.HCM cùng các bộ ngành liên quan phải bám sát tiến độ, không đội vốn bất hợp lý và tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực.

Dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa: Khởi công chiều 24/12/2022 do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban giao thông) làm chủ đầu tư.

Dự án có diện tích đất sử dụng khoảng 15,5ha, là công trình giao thông nhóm A với tổng mức đầu tư hơn 4.848 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư ngân sách thành phố.

Theo thiết kế, dự án này có tổng chiều dài hơn 4km, mặt cắt ngang 6 làn xe, vận tốc thiết kế 50 km/h, điểm đầu tại vị trí giao đường Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện và điểm cuối tại vị trí giao đường C12 - Cộng Hòa - Trường Chinh.

Trên tuyến có hạng mục cầu vượt tại khu vực trước nhà ga T3 với tổng chiều dài 988m, mặt cắt ngang 17m (4 làn xe); 2 hầm chui tại nút giao đường Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn có tổng chiều dài 400m, mặt cắt ngang 9m (2 làn xe); tại nút giao đường Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý có tổng chiều dài 350m, mặt cắt ngang 9m (2 làn xe).

Mục tiêu dự án giúp kết nối trực tiếp với nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất. Đồng thời tạo ra một tuyến đường mới song hành và giảm tải cho các tuyến đường Cộng Hòa, Trường Chinh hiện hữu, góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông và kéo giảm tình trạng ùn tắc trong khu vực Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Tại cửa ngõ phía Nam, dự án mở rộng quốc lộ 50, huyện Bình Chánh được Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban giao thông) tổ chức lễ khởi công vào sáng 27/12/2022.

Dự án này được Sở GTVT phê duyệt hồi cuối tháng 3/2022 với tổng mức đầu tư 1.498 tỷ đồng từ nguồn vốn trung ương và địa phương.

Điểm đầu dự án này giao với đường Nguyễn Văn Linh, điểm cuối tiếp giáp tỉnh Long An với tổng chiều dài toàn tuyến 6,92km. Mặt cắt ngang đường rộng 34m (tương đương 6 làn xe) cùng hệ thống thoát nước, vỉa hè, cây xanh, chiếu sáng và hào kỹ thuật theo quy định.

Trong 6,92km chiều dài tuyến có 4,36km xây dựng mới (từ vị trí giao với đường Nguyễn Văn Linh đến vị trí giao với quốc lộ 50 hiện hữu), 2,56km mở rộng quốc lộ 50 hiện hữu.

Trên tuyến có 1 nút giao với cao tốc Bến Lức - Long Thành (thuộc dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành) và cầu Bà Lớn xây mới dài 40m, rộng 34m, cầu Ông Thìn với 1 nhánh cầu xây mới và 1 nhánh cải tạo cầu hiện hữu với tổng mặt cắt ngang 6 làn xe.

Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban giao thông cho biết, dự án có 6 gói thầu xây lắp, trong đó 4 gói làm các đoạn đường song hành quốc lộ 50 và cầu Bà Lớn đã đủ điều kiện thi công. Mục tiêu hoàn thành toàn bộ công trình vào tháng 12/2024.

Quốc lộ 50 là trục đường huyết mạch nối TP.HCM qua Long An đến Tiền Giang. Hiện nay, đoạn tuyến qua địa bàn TP.HCM chật hẹp lại "cõng" thêm hàng ngàn xe chở rác chạy về Khu liên hợp xử lý rác thải Đa Phước mỗi ngày. Vì thế, trục đường huyết mạch này luôn rình rập nguy cơ xảy ra tai nạn và ùn tắc giao thông.

Dự án mở rộng quốc lộ 50 sẽ tăng cường năng lực khai thác liên kết TP.HCM với tỉnh Long An và các tỉnh miền Tây; tăng cường kết nối khu vực cửa ngõ phía Nam thành phố với tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, tuyến Vành đai 3 TP.HCM trong thời gian tới.

Nút giao An Phú ở phía Đông TP.HCM được khởi công vào sáng 29/12/2022 với tổng mức đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng.

Đây là dự án đầu tư xây dựng một nút giao thông khác mức hoàn chỉnh gồm 3 tầng. Cụ thể, xây hầm chui hai chiều nối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ (phía hầm Thủ Thiêm), kéo dài qua nút giao Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống.

Dự án xây dựng các đảo, tiểu đảo, tháp biểu tượng, cùng các hạng mục như đài phun nước, chiếu sáng mỹ thuật... Ở trên cao, xây hai cầu vượt gồm một cầu dạng chữ Y nối đường Mai Chí Thọ (phía xa lộ Hà Nội) và Lương Định Của qua đường dẫn cao tốc, một cầu vượt rẽ phải từ đường dẫn cao tốc qua Mai Chí Thọ.

Riêng tại nút giao Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống, dự án xây hai cầu vượt kết nối đường Mai Chí Thọ (phía Xa lộ Hà Nội) với đường Đồng Văn Cống và ngược lại. Xây dựng thêm nhánh cầu tại cầu Giồng Ông Tố, cầu Bà Hạt để đồng bộ với quy mô nút giao.

Nút giao An Phú dự kiến hoàn thành năm 2025, góp phần giảm ùn tắc cho khu vực và đồng bộ với công trình mở rộng cao tốc Long Thành - Dầu Giây.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường, việc triển khai dự án nút giao An Phú là bước đầu giúp nơi này trở thành một trong đầu mối giao thông lớn nhất TP HCM. Bởi nơi này còn nhiều dự án, loại hình giao thông khác cũng triển khai như cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, Vành đai 3, đường sắt nhẹ TP.HCM - Nha Trang, TP.HCM - Long Thành...

(Nguồn: Vietnamnet)

HÀNG TRĂM LÔ ĐẤT TẠI NHIỀU TỈNH THÀNH ĐƯỢC MANG RA ĐẤU GIÁ ĐẦU NĂM

146 lô đất thuộc 4 tỉnh Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Quảng Ngãi được mang ra đấu ra trong tháng 2/2023.

Công ty đấu giá hợp danh Thăng Long vừa ra thông báo đấu giá quyền sử dụng đất của UBND huyện Thạch Thành . Cụ thể, quyền sử dụng đất gồm 57 lô đất tại mặt bằng quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu dân cư mới thôn Quảng Thắng, Quảng Cộng, xã Thạch Quảng, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa. Các lô đất có diện tích từ 141 - 335,28 m2/lô. 57 lô đất có giá khởi điểm từ 794,88 triệu đồng/lô đến hơn 2,11 tỷ đồng/lô. Tổng giá khởi điểm các lô đất là hơn 50,36 tỷ đồng.

Thời gian xem tài sản đấu giá trong giờ hành chính từ ngày 30/1 đến ngày 1/2. Thời gian, địa điểm bán và tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá tại Công ty Đấu giá hợp danh Thăng Long trong giờ hành chính từ ngày 28/1 đến ngày 8/2; hoặc tại UBND xã Thạch Quảng trong giờ hành chính từ ngày 30/1 đến 11h ngày 7/2.

Khách hàng nộp tiền đặt trước vào tài khoản ngân hàng của Công ty Đấu giá hợp danh Thăng Long trong thời hạn từ ngày 8/2 đến ngày 10/2.

Cuộc đấu giá được tổ chức lúc 8h ngày 13/2 tại hội trường UBND xã Thạch Quảng. Hình thức, phương thức đấu giá, đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tối đa hai vòng tại cuộc đấu giá theo phương thức trả giá lên.

Tiếp theo, Công ty đấu giá hợp danh Vĩnh Yên vừa ra thông báo đấu giá tài sản của UBND huyện Tam Dương . Cụ thể, quyền sử dụng 28 thửa đất ở với tổng diện tích 3.008 m2 khu Đồng Gò Xoan, thôn Nhân Mỹ, xã Thanh Vân, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Các thửa đất có diện tích từ 100 - 108 m2/thửa. 28 thửa đất có mức giá khởi điểm từ 8 đến 15 triệu đồng/m2. Tổng giá khởi điểm các thửa đất là 36,56 tỷ đồng.

Thời gian, địa điểm bán hồ sơ và đăng ký tham gia đấu giá từ ngày 27/1 đến hết 16h30 ngày 16/2 tại UBND xã Thanh Vân, huyện Tam Dương và trụ sở Công ty đấu giá hợp danh Vĩnh Yên. Khách hàng xem tài sản trong giờ hành chính các ngày 9/2 và ngày 10/2 tại khu vực Gò Xoan thôn Nhân Mỹ; nộp tiền đặt trước và nhận phiếu giá trong ba ngày liên tục trước ngày mở cuộc đấu giá (trước 16h30 ngày 17/2). Cách thức nộp tiền đặt trước là nộp trực tiếp vào tài khoản ngân hàng của Công ty đấu giá hợp danh Vĩnh Yên.

Thời gian nhận phiếu trả giá vào ngày 16/2 và ngày 17/2 tại UBND xã Thanh Vân. Về thời gian, địa điểm Công ty nhận phong bì phiếu trả giá, phong bì phiếu trả giá được gửi đến trụ sở Công ty trước 9h ngày 20/2 hoặc trụ sở UBND xã Thanh Vân trước 9h ngày 20/2.

Hình thức, phương thức đấu giá, đấu giá bằng bỏ phiếu trả giá gián tiếp, gửi qua đường bưu điện, một vòng duy nhất, theo phương thức trả giá lên. Thời gian, địa điểm tổ chức cuộc đấu giá (công bố kết quả đấu giá) vào 14h30 ngày 20/2 tại hội trường UBND xã Thanh Vân.

Tại Thái Bình, Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp vừa ra thông báo đấu giá tài sản của Trung tâm Phát triển quỹ đất và Cụm công nghiệp huyện Đông Hưng. Cụ thể, quyền sử dụng 17 lô đất tại khu quy hoạch dân cư tại thôn Quả Quyết, xã Đông Động, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Diện tích các lô đất từ 104,2 - 263 m2/lô. 17 lô đất có mức giá khởi điểm từ 8,5 - 9,9 triệu đồng/m2.

Mục đích sử dụng của các lô đất là đất ở nông thôn với thời hạn sử dụng lâu dài. Người tham gia đấu giá có thể tự xem, tìm hiểu thực địa lô đất hoặc liên hệ với UBND xã để được hướng dẫn xem thực địa lô đất vào ngày 16/2 và ngày 17/2.

Thời gian, địa điểm bán, tiếp nhận hồ sơ từ ngày 17/1 đến ngày 20/2 tại Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thái Bình; từ 13h30 đến 16h30 ngày 16/2 tại UBND xã Đông Động; và từ 13h30 đến 16h30 ngày 17/2 tại Trung tâm Phát triển Quỹ đất và Cụm công nghiệp huyện Đông Hưng.

Khách hàng nộp tiền đặt trước từ ngày 20/2 đến 9h ngày 22/2 vào tài khoản của Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thái Bình. Cuộc đấu giá được tổ chức lúc 14h ngày 23/2 tại UBND xã Đông Động, huyện Đông Hưng.

Tại Quảng Ngãi, Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh vừa ra thông báo đấu giá tài sản của Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Bình Sơn. Cụ thể, quyền sử dụng đất đối với 44 lô đất thuộc Khu dân cư Rộc Đình, xã Bình Long, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Diện tích các lô đất từ 100 - 177,83 m2/lô.

44 lô đất có mức giá khởi điểm từ 777,25 triệu đồng/lô đến 2,43 tỷ đồng/lô. Tổng giá khởi điểm của các lô đất là hơn 54,22 tỷ đồng.

Thời hạn, địa điểm xem thực tế, thực địa các lô đất từ ngày niêm yết việc đấu giá tài sản đến ngày 21/2 (trong giờ hành chính) tại thực địa 44 lô đất thuộc Khu dân cư Rộc Đình.

Thời gian, địa điểm bán hồ sơ tham gia đấu giá tại Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Quảng Ngãi từ ngày niêm yết việc đấu giá tài sản đến 8h ngày 21/2 (trong giờ hành chính); tại Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Bình Sơn từ ngày niêm yết việc đấu giá tài sản đến 8h ngày 21/2 (trong giờ hành chính).

Thời gian, địa điểm nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá tại Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Quảng Ngãi từ ngày niêm yết việc đấu giá tài sản đến 9h ngày 21/2 (trong giờ hành chính); tại Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Bình Sơn từ ngày niêm yết việc đấu giá tài sản đến 10h ngày 21/2 (trong giờ hành chính).

Khách hàng nộp tiền đặt trước từ ngày 21/2 đến 11h, ngày 22/2 (trong giờ hành chính) vào tài khoản của Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Quảng Ngãi.

Thời gian, địa điểm tổ chức cuộc đấu giá vào 7h30, ngày 24/2 tại UBND xã Bình Long. Hình thức, phương thức đấu giá, đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá theo phương thức trả giá lên.

(Nguồn: CafeF)

CẢI TẠO CHUNG CƯ CŨ Ở HÀ NỘI CHẬM TIẾN ĐỘ

Theo Ban chỉ đạo chương trình chỉnh trang đô thị Hà Nội, năm 2022 thành phố đã hoàn thành một số nội dung cải tạo chung cư cũ nhưng tiến độ còn chậm.d

Ban chỉ đạo Chương trình số 03 của Thành ủy Hà Nội vừa có báo cáo về Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025, trong đó nêu việc kiểm định, quy hoạch các khu chung cư, nhà chung cư chưa đạt tiến độ. Hội đồng thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, bố trí chỗ ở tạm thời chưa được thành lập. Quy định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn thành phố cũng chưa được ban hành.

Thành phố lý giải, việc ban hành quy định chậm do Nghị định số 69/2021 và các quy định liên quan chưa nêu cụ thể phương pháp xác định hệ số k (hệ số bồi thường), quy đổi tính giá trị căn hộ tái định cư, căn cứ xác định lợi nhuận định mức mà chủ đầu tư được hưởng khi thực hiện dự án, xây dựng các tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư.

Do đó, giữa tháng 12/2022 thành phố đã lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân cho dự thảo quy định hệ số k. Trong năm 2022, Hà Nội đã hoàn thành chính sách đặc thù để thúc đẩy tiến độ cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ. Thành phố cũng rà soát 11 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Trong đó, 10 chung cư cũ đã lựa chọn được chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại và một chung cư đang trình UBND thành phố chấp thuận chủ đầu tư.

Cũng trong năm 2022, hai dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ hoàn thành thi công xây dựng, chuẩn bị đưa vào vận hành, khai thác gồm: Nhà 3A Quang Trung, quận Hoàn Kiếm; khu chung cư cũ L1, L2 Nam Thành Công, quận Đống Đa.

Bảy dự án đang tiếp tục triển khai thực hiện gồm: Nhà A&B Khu tập thể Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy; khu tập thể Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà Trưng; khu tập thể X1-26 Liễu Giai, quận Ba Đình; khu tập thể dịch vụ vận tải Đường sắt, quận Hoàng Mai; chung cư số 148-150 Sơn Tây, quận Ba Đình; khu tập thể Viện tư liệu phim Việt Nam, quận Ba Đình; chung cư số 23 Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm.

Thành phố cũng đã kiểm định xong 126 nhà chung cư cũ; đánh giá, phân loại cụ thể 19 ý tưởng quy hoạch do các nhà đầu tư đề xuất; 14/15 quận, huyện có chung cư cũ thành lập Ban chỉ đạo cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, ban hành kế hoạch để triển khai...

Thống kê đến năm 2020, TP Hà Nội có hơn 1.500 nhà chung cư cũ, bao gồm gần 1.300 nhà thuộc 76 khu chung cư. Ngoài ra, 306 chung cư cũ độc lập, được xây dựng từ những năm 1960-1994 và trước năm 1954.

Từ năm 2005, Hà Nội bắt đầu cải tạo các khu chung cư cũ. Tuy nhiên, do một số bất cập và sự thay đổi chính sách nên đến nay mới có 19 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ hoàn thành, đưa vào sử dụng (chiếm 1,2% tổng số nhà ở chung cư cũ) và 14 dự án đang triển khai.

Trong giai đoạn 2021-2025, thành phố lên kế hoạch cải tạo 10 khu chung cư cũ, bao gồm bốn khu chung cư có nhà cấp D - cấp độ nguy hiểm, nguy cơ sụp đổ, phải di dời khẩn cấp người dân, gồm: Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, nhà của Bộ Tư pháp; và sáu khu có tính khả thi để cải tạo là Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân.

(Nguồn: Vnexpress)

(Xem thêm:

=> Lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai; Giá trị của các đường vành đai; Để Huế không chỉ có trầm tư; Kế hoạch lớn của Thủ Đức ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang