CĐV đánh nhau đổ máu; Lái ô tô đâm bạn; 'Siêu trộm' sa lưới; Lừa đảo trực tuyến qua email; Vụ 4 tiếp viên vận chuyển ma túy

CĐV ĐÁNH NHAU ĐỔ MÁU TRÊN SÂN MỸ ĐÌNH TRONG NGÀY ĐỘI TUYỂN VIỆT NAM THUA ĐAU INDONESIA

Đã xảy ra ẩu đả giữa cổ động viên (CĐV) trên khán đài sân Mỹ Đình tối 26/3.

Tối 26/3 đội tuyển Việt Nam đã để thua đậm 0-3 trước đội tuyển Indonesia tại vòng loại thứ 2 World Cup 2026. Càng buồn hơn khi giữa trận đấu đã xảy ra tình trạng ẩu đả giữa các CĐV Việt Nam trên khán đài.

Theo đó ở khu vực khán đài B xảy ra tình huống xô xát giữa một nhóm cổ động viên. Theo ghi nhận, một người đàn ông áo trắng có hành động hung hãn khi đánh vào đầu người phụ nữ mặc áo đỏ, khiến cô bị tổn thương vùng đầu, chảy nhiều máu.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, lực lượng an ninh đã có mặt để giải tán đám đông và mời những người liên quan ra làm việc.

Đây có thể xem là hình ảnh xấu ảnh hưởng đến hình ảnh của CĐV Việt Nam với bạn bè quốc tế. Đồng thời, trên khu vực khán đài B còn xuất hiện pháo sáng. Trong khoảng 4-5 năm trở lại đây, sân Mỹ Đình rất hiếm khi xảy ra tình trạng xô xát của người hâm mộ. Dẫu vậy, sự việc đáng buồn đã xảy khi chúng ta thua cả trên sân và trên khán đài.

Liên quan đến trận thua của đội tuyển Việt Nam, sau 20 năm tuyển Việt Nam mới thua Indonesia trên sân Mỹ Đình.

MÂU THUẪN LÚC CHƠI BIDA, THANH NIÊN LÁI Ô TÔ ĐÂM BẠN

Thấy người bạn đang đứng bên hông xe, thanh niên lái ô tô lùi lại rồi đánh lái ủi thẳng vào nạn nhân.

Ngày 27/3, Công an TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương cho biết đang tạm giữ hình sự đối tượng Hồ Đình Quyết (SN 1990, ngụ Bình Dương) để tiếp tục điều tra, xử lý về hành vi lái ô tô tông người rồi bỏ chạy.

Theo điều tra ban đầu, trưa 22/3, Quyết cùng với anh B. (SN 1985, ngụ tỉnh Hà Tĩnh) đi ô tô đến một quán bida thuộc khu phố Khánh Lộc (phường Khánh Bình, TP Tân Uyên) để chơi bida.

Đến khoảng 16h10 cùng ngày, hai bên có xảy ra mẫu thuẫn dẫn đến cãi nhau. Sau khi được mọi người can ngăn, cả hai đi ra về.

Lúc này Quyết ra điều khiển ô tô (BKS: 61G-001.75) của mình đâm vào người và xe ô tô của anh B. đang đậu trên đường. Lúc phát hiện bị ô tô đâm, anh B. nhảy lên để tránh nên thoát nạn. Tuy nhiên anh B. vẫn bị thương nặng ở chân, được người dân hỗ trợ đưa đi bệnh viện.

Sau cú đâm, ô tô của anh B. cũng bị hư hỏng, còn Quyết nhanh chóng lái ô tô rời khỏi hiện trường.

Diễn biến vụ việc đã được camera an ninh ghi lại.

ĐÀ NẴNG: "SIÊU TRỘM" BẢO NHÂN LẠI SA LƯỚI

Mặc dù có 3 tiền án về tội Trộm cắp tài sản nhưng Bảo Nhân vẫn chưa chịu tu tâm dưỡng tính. Lần này, Bảo Nhân tiếp tục sa lưới.

Ngày 27/3, thông tin từ Công an quận Sơn Trà (thành phố Đà Nẵng), cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận này vừa tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Võ Thành Bảo Nhân (27 tuổi, trú địa phương) để phục vụ điều tra về hành vi Trộm cắp tài sản.

Thông tin Bảo Nhân bị bắt lần này khiến người dân địa phương một lần nữa ngao ngán. Bởi, trước đó, đối tượng đã có 3 tiền án về tội Trộm cắp tài sản.

Hơn nữa, xưa nay, "bần cùng" thì mới "sinh đạo tặc", nhưng ở đây thì khác, Nhân không có áp lực về cuộc sống, về kinh tế. Sau khi thụ án tù ra, Nhân được người thân, gia đình khuyên bảo, đùm bọc. Để tránh Nhân "ngựa quen đường cũ", người thân đã tạo luôn công ăn việc làm cho Nhân.

Thậm chí, ngoài mức lương từ công việc quản lý kho xưởng, người thân của Nhân còn thường xuyên hỗ trợ, chu cấp chi phí cho Nhân. Ai cũng mong ngóng Nhân hướng về nẻo thiện, trở thành người tốt. Thế nhưng, đáp lại sự kỳ vọng ấy, thanh niên này tiếp tục sa ngã.

Theo đó, chiều ngày 24/3, cơ quan chức năng nhận được tin báo của một người dân sinh sống tại khu biệt thự ven sông Hàn, phường An Hải Tây (quận Sơn Trà) về việc bị kẻ gian đột nhập lấy đi vàng bạc và tiền mặt. Tổng giá trị thiệt hại khoảng 150 triệu đồng.

Theo lời khổ chủ, gia đình nghi kẻ gian gây án vào đêm ngày 23/3 khi họ rời khỏi nhà đi chơi. Sự việc khiến họ rất lo lắng, mong ngóng cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ, thu hồi tài sản bị mất.

Tiếp nhận thông tin trình báo, Công an quận Sơn Trà tung trinh sát, điều tra viên dày dặn kinh nghiệm vào cuộc. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, khoảng hơn 1 ngày sau đó, cảnh sát đã xác định Nhân chính là kẻ gây án.

Bí mật theo dõi, cơ quan chức năng bắt giữ Nhân khi xuất hiện tại địa phương. Tiến hành khám xét, công an phát hiện số vàng và tiền mặt mà Nhân đã trộm cắp.

Sa lưới lần này, Nhân bình thản khai báo thực sự hoàn cảnh gia đình không khó khăn. Sau khi ra tù, Nhân lấy vợ. May mắn cho "siêu trộm" này chính là lấy được vợ hiền, được gia đình vợ yêu mến, hỗ trợ nhiều về kinh tế. Thế nhưng, Nhân vẫn "quen đường cũ".

Hiện, vụ việc đang được điều tra tiếp tục theo quy định pháp luật.

CẢNH BÁO NGƯỜI DÙNG VIỆT VỀ LỪA ĐẢO TRỰC TUYẾN QUA EMAIL

Bên cạnh thông tin 6 hình thức lừa đảo phổ biến trên không gian mạng Việt Nam tuần qua, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng lưu ý người dùng Việt về chiến dịch lừa đảo trực tuyến qua email mới có quy mô quốc tế.

Chiến dịch lừa đảo trực tuyến mới qua email

Theo Cục An toàn thông tin, một chiến dịch lừa đảo quy mô quốc tế đang diễn ra. Cuộc tấn công bắt đầu từ email lừa đảo chủ đề “tiền lương” để lừa người nhận mở tài liệu Microsoft Word đính kèm.

Tệp word khi được mở sẽ yêu cầu nạn nhân nhập mật khẩu được cung cấp trong email và cho phép chỉnh sửa, sau đó nhấp đúp vào biểu tượng máy in trong tài liệu để xem biểu đồ lương. Từ đó, đối tượng tấn công và chiếm đoạt tài sản trên thiết bị nạn nhân.

Trước thông tin về chiến dịch lừa đảo trên, Cục An toàn thông tin đề nghị người dân cẩn trọng trước các tệp được gửi từ nguồn không tin cậy hoặc nội dung email đáng ngờ.

Người dân cần kiểm tra kỹ địa chỉ người gửi email và nội dung email, không tùy tiện bấm vào tệp đính kèm, đường dẫn có trong email khi thấy nghi ngờ.

Người dùng cũng nên sử dụng phần mềm diệt virus quét các tệp đính kèm email; thường xuyên thay đổi mật khẩu email; cài đặt bảo mật 2 lớp cho email.

Lừa đảo tuyển người “Đọc sách mỗi ngày để nhận lương”

Gần đây, một số đối tượng đã dùng tên, hình ảnh, văn bản, công văn giả mạo Công ty 1980Books để quảng cáo tuyển dụng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân. Nhóm đối tượng lập ra hệ thống website/landing page, Facebook hiển thị thông tin của 1980Books nhưng thay đổi địa chỉ, số điện thoại; và dùng hình ảnh con dấu, chữ ký giả để đăng tuyển dụng người đọc sách.

“Đọc sách mỗi ngày để nhận lương” được nhận định là hình thức lừa đảo online nổi bật gần đây, biến tướng từ hình thức “thực hiện nhiệm vụ”, “nhận thưởng”. Các tài khoản giả mạo đều được chạy quảng cáo, có thể tiếp cận số lượng lớn người dùng mạng xã hội.

Cục An toàn thông tin khuyến nghị người dân cảnh giác khi gặp các trường hợp, hành vi bất thường, không minh bạch trên mạng xã hội. Người dân không làm theo yêu cầu tạm ứng trước tiền; không nên tin tưởng vào những đề nghị công việc dễ dàng, không quan trọng trình độ hay kỹ năng. Đặc biệt là không cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng hay mã OTP cho bất kỳ ai.

Chiếm đoạt tiền tỷ của phụ huynh đăng ký khóa “Tu sinh mùa hè”

Thời điểm năm học sắp kết thúc cũng là lúc nhiều phụ huynh đi tìm các khóa học hè cho con. Những năm gần đây, các khóa học dịp hè ngày càng đa dạng hơn, trong đó có các khóa “Tu sinh mùa hè”. Lợi dụng nhu cầu này, một số đối tượng đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của phụ huynh muốn tìm khóa tu mùa hè cho con.

Cụ thể, với chiêu thức tạo niềm tin bằng cung cấp số, ảnh căn cước công dân của “Trưởng ban tu sinh”, sau đó thêm nạn nhân vào nhóm Telegram và yêu cầu mua vật phẩm phong thủy để tăng tương tác cho đơn vị tài trợ khóa học, đối tượng lập trang “Tu sinh mùa hè” đã lừa của một phụ huynh tại Hà Nội tới 2,8 tỷ đồng.

Trước chiêu trò lừa đảo bằng các khóa tu mùa hè đang rộ lên trên mạng, Cục An toàn thông tin khuyên người dân cẩn trọng khi tìm hiểu thông tin về các khóa học trên mạng xã hội; không tham gia các hội, nhóm không có thông tin rõ ràng, minh bạch. Người dân cũng cần lưu ý không làm theo hướng dẫn của đối tượng lạ, nhất là những việc liên quan đến giao dịch chuyển tiền, cung cấp thông tin cá nhân.

Ứng dụng lừa đảo tiền điện tử

Cục An toàn thông tin cho biết, Leather mới đây đã đưa ra cảnh báo về ứng dụng giả mạo ví tiền điện tử của họ trên App Store. Đơn vị này cho biết, họ chưa cung cấp dịch vụ tương tự trên nền tảng iOS.

Một số người dùng đã báo cáo việc bị đánh cắp tiền điện tử sau khi sử dụng ví điện tử giả mạo.

Theo Cục An toàn thông tin, trường hợp đã lỡ đăng nhập thông tin vào ứng dụng giả mạo, người dùng cần nhanh chóng chuyển tiền điện tử sang một ví điện tử khác an toàn. Người dân không nên truy cập vào các đường link nhận được qua tin nhắn, cảnh giác với các yêu cầu cài đặt phần mềm.

Lừa đảo “việc nhẹ, lương cao” trên sàn tiền ảo

Một phụ nữ tên H sống tại Ba Vì (Hà Nội) vừa bị lừa đảo, chiếm đoạt 750 triệu đồng qua mạng xã hội. Cụ thể, giữa tháng 3/2024, có nhu cầu tìm việc, người phụ nữ này đã liên hệ trao đổi với tài khoản Facebook đăng bài viết có nội dung "việc nhẹ, lương cao". Sau đó, chị H. được hướng dẫn đăng ký tài khoản tham gia đầu tư sàn giao dịch tiền ảo có thể kiếm nhiều lợi nhuận. Thực hiện theo những dụ dỗ, lôi kéo của các đối tượng, chị H. đã chuyển 750 triệu đồng cho các đối tượng lừa đảo.

Cục An toàn thông tin khuyến nghị người dân không tham gia đầu tư, mua bán trên các sàn giao dịch tiền ảo, tiền kỹ thuật số hay website, app đầu tư tiền ảo. Bởi lẽ, việc đầu tư này tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho nhà đầu tư do các sàn tiền ảo chưa có đại diện pháp luật tại Việt Nam và tiền ảo cũng chưa được pháp luật Việt Nam công nhận.

Trường hợp phát hiện lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm.

Lừa đảo bằng chiêu "cần người giữ hộ tiền"

Thủ đoạn của các đối tượng là đăng hình ảnh, bài viết giả danh là bác sĩ, doanh nhân, kỹ sư người nước ngoài trên mạng xã hội và kết bạn với nạn nhân. Đối tượng tự nhận đang làm việc tại nước có chiến tranh, hiện có nhiều ngoại tệ cần người tin tưởng giữ hộ.

Khi nạn nhân tin, đối tượng lại giả danh nhân viên chuyển hàng quốc tế, nhân viên sân bay để liên lạc yêu cầu gửi các loại phí, thuế... thì mới nhận được gói hàng chứa ngoại tệ.

Bằng thủ đoạn này, nhóm đối tượng đã lừa đảo xuyên quốc gia, chiếm đoạt số tiền gần 100 tỉ đồng của nhiều nạn nhân trên cả nước.

Cục An toàn thông tin đề nghị người dân nâng cao cảnh giác khi có người lạ làm quen trên mạng, không cung cấp thông tin cá nhân, không làm theo hướng dẫn của đối tượng lạ đặc biệt là yêu cầu chuyển tiền. Người dân cũng cần xác minh lý lịch của đối tượng để tránh sập bẫy lừa đảo.

Mất tiền vì cài phần mềm dịch vụ công giả mạo

Dù không phải là hình thức lừa đảo mới, song gần đây nhiều người dân bị dính bẫy lừa cài phần mềm dịch vụ công giả mạo, tạo cơ hội để đối tượng chiếm điều khiển điện thoại và từ đó lấy cắp tài sản. Đơn cử, một người dân sống tại Gia Lâm (Hà Nội) vừa bị đối tượng lừa chiếm đoạt hơn 800 triệu đồng bằng hình thức này.

Để phòng tránh chiêu lừa trên, người dân được khuyến nghị cảnh giác với những cuộc gọi, tin nhắn lạ, nhất là cuộc gọi, tin nhắn xưng là cán bộ cơ quan nhà nước; không làm việc, không cung cấp thông tin cá nhân và cũng không làm theo các yêu cầu qua điện thoại. Người dân lưu ý không bấm vào các đường link nhận được qua tin nhắn, không cài ứng dụng không rõ nguồn gốc qua link hoặc tệp Apk; Không lưu thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng trên các ứng dụng của điện thoại./.

VỤ 4 TIẾP VIÊN HÀNG KHÔNG VẬN CHUYỂN MA TÚY: GIAO DỊCH LÊN ĐẾN 25 NGHÌN TỶ ĐỒNG

Liên quan đến vụ tiếp viên hàng không bị lợi dụng vận chuyển ma túy, cơ quan Công an đã khởi tố 543 người và bước đầu chứng minh các đối tượng giao dịch mua bán ma túy với số tiền trên 25 nghìn tỷ đồng.

Sáng 27/3, thông tin trên được Thiếu tướng Mai Hoàng, Phó Giám đốc Công an TP.HCM báo cáo tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM lần thứ 28.

Theo Thiếu tướng Mai Hoàng, trong quý 1/2024, Công an thành phố đã khám phá 813 vụ với 2.019 đối tượng phạm tội ma túy, tăng gấp đôi cả số vụ và số đối tượng bắt giữ trong cùng kỳ.

“Chỉ tính riêng vụ án liên quan đến 4 tiếp viên bị lợi dụng vận chuyển ma túy tổng hợp từ châu Âu về TP.HCM, đến nay Công an TP.HCM đã triệt phá hơn 180 đường dây, khởi tố 543 bị can, thu giữ hơn 212kg ma túy các loại, thu giữ 10 khẩu súng. Bước đầu chứng minh, các đối tượng bị bắt giữ đã giao dịch mua bán ma túy với số tiền trên 25 nghìn tỷ đồng”, Thiếu tướng Mai Hoàng thông tin.

Về “đại án đăng kiểm”, Thiếu tướng Mai Hoàng cho biết, vụ án đã được kết luận điều tra, chuyển hồ sơ đề nghị truy tố 254 bị can theo đúng quy định, tiến độ của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng của Trung ương và thành phố đặt ra.

“Mới đây Cơ quan Cảnh sát điều tra và VKSND, Tòa án đã họp liên ngành và thống nhất chuyển hồ sơ đề nghị truy tố đối với 254 bị can, hoàn tất quá trình điều tra đại án đăng kiểm”, Thiếu tướng Mai Hoàng nói.

Tội phạm cướp giật giảm mạnh

Về tình hình an ninh trật tự, theo Thiếu tướng Mai Hoàng, thời gian qua, Công an TP.HCM đã tập trung triển khai cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm.

Trong dịp Tết Nguyên đán, các đợt tấn công thực sự quyết liệt, đúng tính chất là cao điểm… đã tạo ra khí thế trấn áp tội phạm liên tục, góp phần kiềm chế, kéo giảm tội phạm.

Qua đó, nhiều đường dây tội phạm về hình sự, kinh tế, ma túy, hoạt động quy mô lớn, xuyên quốc gia bị triệt phá.

Bên cạnh đó, Công an TP.HCM cũng thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 25 của Thành ủy về phòng, chống tội phạm đường phố. Cụ thể, số vụ cướp giật tài sản đã giảm 21,69%, hầu hết được khám phá nhanh sau khi các đối tượng gây án.

“Theo thống kê, mỗi một tuần diễn ra cướp giật rất nhiều, nhưng đáng mừng trong tuần qua, lần đầu tiên trên địa bàn TP.HCM không có cướp giật”, Thiếu tướng Mai Hoàng thông tin.

Nguồn: Soha; Kenh14; Người Đưa Tin; Đảng Cộng Sản; Vietnamnet

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang