Bệ phóng từ đại lộ; Những dự án thi công xuyên Tết; Thách thức chờ giao thông HN; Kỷ luật chủ tịch tỉnh Đồng Tháp

BỆ PHÓNG TỪ ĐẠI LỘ…

(Ảnh minh hoạ).

Giao thông là mạch máu của nền kinh tế và thực tế cũng đã chứng minh, ở đâu hạ tầng giao thông đi trước ở đó kinh tế sẽ phát triển. Chính vì vậy, với hàng loạt dự án hạ tầng giao thông lớn đang được triển khai, mục tiêu “đại lộ sinh đại phú” của Đồng Nai đang dần được hiện thực hóa.

Những “bệ phóng” phát triển

Những ngày đầu tháng 12-2022, không khí của một mùa Xuân mới đang đến gần hơn thì trên công trường dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây vẫn hết sức rộn ràng và sôi động. Bước vào giai đoạn thi công “nước rút”, các nhà thầu thi công dự án đang tập trung tối đa phương tiện máy móc cũng như nhân lực thi công nhằm đảm bảo cho dự án được thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2022 như yêu cầu Chính phủ đặt ra.

Sau hơn 2 năm triển khai xây dựng, diện mạo của một tuyến cao tốc mới, hiện đại đang dần rõ “hình hài”. đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có chiều dài 99km, trong đó đoạn đi qua địa bàn tỉnh dài khoảng 52km. Dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là công trình trọng điểm quốc gia, hiện đại nhất Việt Nam, có vai trò quan trọng trong kết nối giao thông giữa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng kinh tế phát triển năng động nhất cả nước.

Cuối tháng 11-2022, trong chuyến kiểm tra thực tế tiến độ dự án, Bộ trưởng GT-VT Nguyễn Văn Thắng đã yêu cầu các nhà thầu phải tập trung tối đa cho công tác thi công. “Dự án phải đảm bảo thông xe kỹ thuật trong năm 2022 và hoàn thành xây dựng, đưa vào khai thác trước ngày 30-4-2023” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.

Là dự án thành phần của dự án Đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây khi hoàn thành xây dựng, đưa vào khai thác sẽ giúp rút ngắn hành trình từ TP.HCM đến các trung tâm kinh tế, du lịch, mở ra cơ hội đầu tư vào khu vực Nam Trung bộ. Đồng thời, khắc phục tình trạng ách tắc giao thông và giảm tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra trong khu vực, giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa giữa khu vực đầu mối trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với khu vực Đông Nam bộ và Nam Trung bộ, cũng như từ Bắc vào Nam.

Cùng với dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, một dự án đường cao tốc khác có vai trò kết nối vùng và liên vùng cũng đã được triển khai xây dựng trên địa bàn tỉnh là dự án Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành. Sau nhiều khó khăn về nguồn vốn cũng như mặt bằng thi công, hiện nay các cơ quan chức năng đang triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn để “tái” khởi động dự án. Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành khi hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác sẽ đóng vai trò kết nối nội vùng Đông Nam bộ cũng như kết nối liên vùng Đông Nam bộ và Tây Nam bộ.

Trong năm 2022, “bệ phóng” phát triển của Đồng Nai từ hệ thống hạ tầng giao thông còn được tiếp sức khi Quốc hội chính thức thông qua chủ trương đầu tư dự án Đường vành đai 3 - TP.HCM và Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1.

Đối với vùng Đông Nam bộ nói chung và Đồng Nai nói riêng, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường vành đai 3 - TP.HCM là những dự án hạ tầng giao thông được mong mỏi bấy lâu nay để khơi thông các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ nối 2 địa phương phát triển năng động của vùng Đông Nam bộ là Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong tương lai, đây cũng sẽ là trục kết nối chính giữa cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành với cụm cảng biển Cái Mép - Thị Vải.

Trong khi đó, đường vành đai 3 - TP.HCM lại là tuyến giao thông mang tính kết nối cho vùng Đông Nam bộ nói riêng và liên vùng giữa vùng Đông Nam bộ và Tây Nam bộ. Tuyến đường này cũng mang trên mình “sứ mệnh” kết nối hàng loạt địa phương có nền công nghiệp phát triển như: Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Long An.

Khơi thông các nguồn lực

Tháng 9-2022, phát biểu tại lễ khởi công dự án thành phần 1A, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1 thuộc dự án Đường vành đai 3 - TP.HCM, Thứ trưởng Bộ GT-VT Lê Anh Tuấn cho rằng, đường vành đai 3 - TP.HCM khi được đầu tư xây dựng hoàn thiện sẽ nâng cao tính kết nối giữa TP.HCM và các tỉnh lân cận, kết nối các đô thị vệ tinh. Đồng thời, mở rộng không gian phát triển quỹ đất, thương mại, dịch vụ, công nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và góp phần giải quyết hiệu quả tình trạng ùn tắc giao thông tại trung tâm TP.HCM.

Lâu nay, hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ, xuống cấp chính là điểm nghẽn lớn nhất kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Nai nói riêng và các tỉnh vùng Đông Nam bộ nói chung. Chính vì vậy, với hàng loạt dự án hạ tầng giao thông lớn đã và đang được triển khai thực hiện, Đồng Nai và cả vùng Đông Nam bộ được kỳ vọng rất lớn trong việc tạo ra sự đột phá để phát triển.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, với các dự án hạ tầng giao thông lớn như sân bay Long Thành và các tuyến đường cao tốc do Trung ương triển khai trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, Đồng Nai sẽ có một môi trường hết sức thuận lợi để phát triển.

Với tầm quan trọng đó, các dự án hạ tầng giao thông quan trọng đang được triển khai hoàn thành sớm ngày nào, những điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển sẽ được tháo gỡ sớm ngày đó. Từ đó, những thời cơ và cơ hội phát triển mới cũng sẽ đến sớm hơn. Chính vì vậy, Đồng Nai đang tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm quốc gia, đặc biệt là 2 dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư là đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 và đường vành đai 3 - TP.HCM.

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Ngô Thế Ân cho biết, tính đến tháng 11-2022, tiến độ của cả 2 dự án này đang bị chậm khoảng 1 tháng. Chính vì vậy, các cơ quan liên quan sẽ phải thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ để bù đắp cho khoảng thời gian đã bị chậm trễ.

(Nguồn: Báo Đồng Nai)

NHIỀU DỰ ÁN GIAO THÔNG THI CÔNG XUYÊN TẾT

Khắp công trường thi công các công trình trọng điểm, đội ngũ kỹ sư, công nhân nhiều đơn vị sẽ xuyên Tết lao động, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ.

Tăng tốc kết nối cao tốc Bắc - Nam

Không khí làm việc hăng say đang diễn ra tại nhiều công trình trọng điểm . Mục tiêu là để hoàn thành những mốc tiến độ quan trọng của các dự án trên cả nước, phấn đấu tất cả đều về đích đảm bảo chất lượng đề ra.

Năm nay, dự kiến có 7 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 hoàn thành gồm các cao tốc: Mai Sơn - Quốc lộ 45; Quốc lộ 45 - Nghi Sơn; Nghi Sơn - Diễn Châu; Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Nha Trang - Cam Lâm; Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây; Cầu Mỹ Thuận 2 cùng đường dẫn hai đầu và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Trong những ngày đầu năm, 12 đoạn tuyến thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 với hơn 723km cũng đã được khởi công.

Theo kế hoạch đến hết năm 2025, toàn bộ các dự án này sẽ hoàn thành nối liền một dải cao tốc từ Lạng Sơn tới Cà Mau.

Nhiều dự án thi công xuyên Tết

Tại nhiều công trường, nhiều cán bộ, kỹ sư, người lao động tạm gác niềm vui đón Tết, tập trung sức lực để sớm hoàn thành các chỉ tiêu đề ra.

Vào cuối năm nay, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục có thêm 2 đoạn dự án nằm trong dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 được đưa vào khai thác. Đây là tuyến kết nối xuyên suốt cao tốc từ TP Hồ Chí Minh đến Cần Thơ.

Cho đến thời điểm này, những khó khăn do khách quan không còn nhiều. Vì vậy, các nhà thầu, đơn vị giám sát và ban quản lý sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ. Đặc biệt, tất cả các đơn vị đều đã lên phương án thi công xuyên Tết với phương châm thuận lợi đến đâu, thi công đến đó.

Những bản mặt sàn cầu cuối cùng của đoạn dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ cũng đã được lắp đặt ngay trong những ngày giáp Tết Nguyên đán. Theo các đơn vị thi công, hiện tất cả các hạng mục kiên cố như cầu, cống đã cơ bản hoàn thành nhưng vẫn sẽ bố trí thi công liên tục, xuyên Tết để bám sát tiến độ dự án.

Nối tiếp đồng thời với dự án cao tốc đường bộ Mỹ Thuận - Cần Thơ, các nhà thầu dự án Cầu Mỹ Thuận 2 cũng đã xây dựng kế hoạch thi công xuyên Tết nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án.

Trong các buổi làm việc tại hiện trường, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải khẳng định thời gian thi công của các đoạn dự án thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 không còn nhiều. Chính vì thế, các bên phải huy động tối đa nhân lực, máy móc, không được để gián đoạn thi công nhằm hoàn thành dự án ngay trong năm nay.

Sau khi hoàn thành đoạn cao tốc đường bộ Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ rút ngắn thời gian lưu thông khoảng 30% so với trước. Cùng với dự án Cần Thơ - Cà Mau, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có một trục cao tốc xuyên suốt, mở rộng không gian phát triển, tạo động lực bứt phá mới cho khu vực nhiều tiềm năng này

Thi công trên các công trình trọng điểm những ngày cận Tết

Tại Hà Nội, công trường công trình Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 ở Thủ đô Hà Nội cũng chung nhịp thi đua đó. Tuy nhiên, đan xen trong sự hối hả đó là cảm xúc của người công nhân nhớ nhà, nhớ người thân khi Tết đang đến rất gần.

Với tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đang đẩy nhanh tiến độ để hợp long trong tháng 6. Thành phố cũng đang chuẩn bị khởi công Vành đai 4 - Vùng Thủ đô vào tháng 6 - dự án trọng điểm quốc gia không chỉ đem lại lợi ích phát triển kinh tế thủ đô, mà còn kết nối liên thông các tỉnh, thành trong vùng.

Mạng lưới giao thông thủ đô đang mỗi ngày được hoàn thiện một phần rất lớn từ công sức của những cán bộ, kỹ sư, công nhân. Thêm một cái Tết xa nhà và mỗi người đều gác lại nỗi niềm riêng, thầm lặng góp sức xây nên những công trình trọng điểm của thủ đô, của đất nước trong những ngày Tết.

Thủ tướng Chính phủ từng nhấn mạnh đầu tư hạ tầng giao thông không chỉ là nhiệm vụ của Bộ Giao thông vận tải mà còn là nhiệm vụ của các địa phương, các bộ, ngành vì chính lợi ích thiết thực của các địa phương, vì sự phát triển của đất nước. Chính phủ luôn dành sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành dự án đúng tiến độ, chất lượng; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

(Nguồn: CafeF)

NHỮNG ĐIỂM NÓNG VÀ THÁCH THỨC CHỜ NGÀNH GIAO THÔNG HÀ NỘI TRONG 2023

(Ảnh minh hoạ).

Trong năm 2022, nhiều điểm ùn tắc tại Thủ đô được xử lý, cải thiện. Tuy vậy, vẫn còn nhiều tuyến đường với tình trạng ùn tắc vẫn thường xuyên diễn ra cần được xử lý trong năm 2023.

Ba chỉ tiêu chủ yếu của ngành Giao thông trong 2023

Sau hơn 10 năm mở rộng địa giới hành chính, giao thông Hà Nội đã có những đổi thay cơ bản, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nhưng cũng còn không ít khó khăn, thách thức.

Trong thời gian qua, UBND TP.Hà Nội đặc biệt quan tâm đến công tác giải quyết ùn tắc giao thông và đã có nhiều chương trình, nghị quyết và kế hoạch tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp lâu dài. Tuy nhiên, tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố ngày càng phức tạp và diễn ra trên phạm vi rộng với thời gian kéo dài.

Trong năm 2022, thành phố xử lý được 8 điểm ùn tắc giao thông, nhưng lại phát sinh thêm 10 điểm mới. Việc này cho thấy Hà Nội đang gặp khó khăn trong việc xử lý các điểm ùn tắc giao thông.

Nguyên nhân ùn tắc giao thông trên địa bàn là do quá tải hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khi số lượng phương tiện giao thông tăng hàng năm. Mật độ phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường quá cao, tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ không theo kịp dẫn đến quá tải hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.

Để giải quyết, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội đưa ra những biện pháp trước mắt và lâu dài với từng điểm như tổ chức lại giao thông, tuyên truyền nâng cao ý thức người dân và đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh các dự án thi công.

Trong năm 2023, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn đã đề ra 3 chỉ tiêu chủ yếu cho ngành Giao thông.

Thứ nhất, vận tải hành khách công cộng bảo đảm chất lượng phục vụ hiệu quả; phấn đấu phục vụ 21,5 - 23% nhu cầu đi lại của người dân.

Thứ hai, phấn đấu tiếp tục kiềm chế, giảm từ 5-10% tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương) so với năm 2022; phấn đấu không để xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trong năm 2023.

Thứ ba, tập trung giải quyết từ 8 đến 10 điểm ùn tắc giao thông; hạn chế xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút; kịp thời xử lý những điểm có nguy cơ phát sinh ùn tắc giao thông mới và các "điểm đen" về tai nạn giao thông.

Đây được xem là 3 nhiệm vụ và chỉ tiêu rất quan trọng của ngành Giao thông, góp phần giảm ùn tắc tại Hà Nội.

Còn nhiều thách thức

Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy nhìn nhận, tình trạng ùn tắc giao thông ở Hà Nội ngày càng nghiêm trọng. Đây là thách thức rất lớn với thành phố nói chung và ngành giao thông nói riêng, đặc biệt là Giám đốc Sở GTVT Hà Nội.

Thời gian qua, Hà Nội đã có nỗ lực lớn để từng bước giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, song đây là vấn đề không đơn giản, đòi hỏi nhiều giải pháp đồng bộ.

Mặc dù xử lý được khoảng 8 điểm ùn tắc nhưng tổng số điểm ùn tắc mới cũng không ngừng gia tăng. Chưa nói đến số kinh phí hàng nghìn tỉ đồng ngân sách bỏ ra cho chống ùn tắc hàng năm, việc chống và kiểm soát số điểm ùn tắc trong mấy năm qua đang có biểu hiện không hiệu quả, nhất là vào các khung giờ cao điểm, trời mưa rét.

Theo ông Thủy, chủ trương phát triển cơ sở hạ tầng là một trong những biện pháp có ý nghĩa quyết định. Tuy nhiên, phát triển cơ sở hạ tầng cần đặt trong một quy hoạch giao thông đô thị.

Còn ông Khương Kim Tạo - nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia - nêu rõ, cần gắn trách nhiệm người đứng đầu trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông vận tải; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành giao thông, từng bước xây dựng giao thông thông minh.

Có thể xén mở rộng mặt đường tăng khả năng lưu thông và xén mở rộng các nút giao, tạo nhánh rẽ phải liên tục, giảm bớt lưu lượng phương tiện dừng chờ tại nút. Rà soát bất cập trong tổ chức giao thông, nghiên cứu tổ chức lại giao thông hợp lý nhằm hạn chế xung đột.

Theo Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường, để kéo giảm ùn tắc, trước mắt, đơn vị phối hợp với các sở, ngành, chính quyền các địa phương triển khai một số giải pháp cấp bách.

Cụ thể, rà soát các vị trí giao cắt gây xung đột giao thông để bố trí lực lượng chốt trực; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, đặc biệt là các phương tiện cố tình đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, đi xe lên vỉa hè.

(Nguồn: Lao Động)

CHÍNH PHỦ KỶ LUẬT CHỦ TỊCH, PHÓ CHỦ TỊCH TỈNH ĐỒNG THÁP

Phó thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký các quyết định thi hành kỷ luật đối với chủ tịch và phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp.

Theo quyết định số 25/QĐ-TTg, Chính phủ thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nhiệm kỳ 2021- 2026 do đã có vi phạm, khuyết điểm trong công tác.

Ông Nghĩa trước đó cũng đã bị Ủy ban Kiểm tra T.Ư thi hành kỷ luật về Đảng, thời gian thi hành kỷ luật tính từ ngày công bố Quyết định số 787-QĐ/UBKTTW ngày 9.11.2022 của Ủy ban Kiểm tra T.Ư về thi hành kỷ luật Đảng.

Theo Quyết định số 26/QĐ-TTg, Chính phủ kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Đoàn Tấn Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nhiệm kỳ 2021-2026 do đã có vi phạm, khuyết điểm trong công tác và Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã thi hành kỷ luật về Đảng.

Trước đó, giữa tháng 11.2022, Ủy ban Kiểm tra T.Ư cũng đã xem xét, kết luận kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Đồng Tháp.

Theo đó, trong lãnh đạo, chỉ đạo, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Đồng Tháp đã vi phạm quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để UBND tỉnh và một số tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong đấu thầu, mua sắm vật tư, sinh phẩm xét nghiệm phục vụ công tác phòng, chống dịch; để xảy ra vụ án tại trung tâm kiểm soát bệnh tật của tỉnh.

Trách nhiệm đối với những vi phạm, khuyết điểm nêu trên thuộc về Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Đồng Tháp nhiệm kỳ 2021 - 2026 và các ông: Phạm Thiện Nghĩa, Phó bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh; Đoàn Tấn Bửu, Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Phó chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Lâm Thái Thuận, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế; Ngô Hồng Chiều, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Tài chính. Liên quan đến vấn đề này còn có trách nhiệm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và một số tổ chức Đảng, đảng viên.

Từ đó, Ủy ban kiểm tra T.Ư quyết định kỷ luật khiển trách đối với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Đồng Tháp nhiệm kỳ 2021 - 2026 và các ông Phạm Thiện Nghĩa, Ngô Hồng Chiều.

(Nguồn: Thanh Niên)

(Xem thêm:

=> Nghịch lý năng lượng VN; Dừng dự án điện rác nghìn tỷ; Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Bê bối tại Cục Đăng kiểm ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang