1 hãng bay không còn máy bay nào; Ma trận lãi, phí thẻ tín dụng; Soi 'núi' tài sản của Trương Mỹ Lan; Nhà đất HN lại bị 'thổi' giá

MỘT HÃNG BAY VIỆT KHÔNG CÒN MÁY BAY NÀO VÌ GÁNH NẶNG NỢ NẦN

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết, hôm nay (18/3) hãng hàng không Pacific Airlines đã không còn tàu bay khai thác.

Trao đổi với PV. VietNamNet, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng, cho biết thêm, hãng hàng không này đã chuyển hành khách sang các chuyến bay của Vietnam Airlines. Hiện Vietnam Airlines đang thu xếp để Pacific Airlines thuê khô 3 tàu bay của hãng.

Trước đó, khảo sát, trên tất cả các trang bán vé máy bay trực tuyến cũng như trên trang website chính thức của Vietnam Airlines, tất cả các chuyến bay từ hôm nay (18/3) cũng đã không còn hiển thị các chặng bay của Pacific Airlines.

Được biết, do tình hình tài chính rất nghiêm trọng, dòng tiền thiếu hụt, nợ quá hạn lớn đe dọa mất khả năng thanh toán nên Vietnam Airlines cùng các cổ đông đã đi tới quyết định trả hết toàn bộ đội tàu bay của Pacific Airlines để giải quyết nợ. Hôm nay (18/3) cũng là ngày chiếc máy bay cuối cùng của hãng rời khỏi Việt Nam.

Phóng viên đã liên lạc với Vietnam Airlines nhưng chưa nhận được phản hồi chính thức về kế hoạch duy trì hoạt động của Pacific Airlines trong thời gian tới. Theo ước tính, việc trả lại toàn bộ đội tàu bay sẽ giúp Pacific Airlines xóa được khoản nợ "khủng" lên tới vài trăm triệu USD.

Pacific Airlines là hãng hàng không giá rẻ đầu tiên tại Việt Nam, từng được hãng hàng không Qantas Group của Úc rót tiền đầu tư. Tháng 10/2020, Qantas Group thực hiện các thủ tục rút khỏi Pacific Airlines và chuyển giao lại 30% cổ phần cho Vietnam Airlines theo hình thức tặng lại.

Đến quý I/2022, thương vụ hoàn tất, Vietnam Airlines nắm giữ gần 99% cổ phần tại Pacific Airlines kể từ đó đến nay.

MA TRẬN LÃI, PHÍ THẺ TÍN DỤNG

Các ngân hàng đều áp dụng hàng loạt phí khi khách hàng sử dụng dịch vụ, đặc biệt thẻ tín dụng quốc tế còn có thêm lãi suất cao ngất, với ma trận cách tính, có thể đẩy nhiều người "bỗng dưng thành con nợ".

Công thức tính lãi vô cùng phức tạp

Vụ việc nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng của ông P.H.A tại Eximbank, sau 11 năm lên hơn 8,8 tỉ đồng gây xôn xao những ngày qua không chỉ khiến người đang sử dụng thẻ giật mình mà cả giới tài chính, ngân hàng (NH) cũng bị sốc. PV Thanh Niên đã liên hệ phía Eximbank để tìm hiểu thông tin về cách tính lãi suất (LS) như thế nào nhưng nhiều ngày trôi qua vẫn chưa nhận được phản hồi. Để giải bài toán tính lãi này, các chuyên gia tài chính đã đưa ra nhiều cách tính mô phỏng, giả định. Chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển đã thử tính lãi số nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng nói trên và nhận xét là "như ma trận".

Với số nợ 8,5 triệu đồng, LS vay giả định 33%/năm (theo biểu phí công bố của chính Eximbank), lãi phạt trả trễ hạn 5%/tháng (tức theo năm là 60%), số tiền nợ và lãi trong 11 năm sẽ lên hơn 11,76 tỉ đồng, bình quân lãi mỗi năm là 93% (xem bảng 1). Trong trường hợp ra con số 8,8 tỉ đồng, bình quân lãi mỗi năm là 88% (bảng 2). Trong trường hợp vừa tính lãi vay vừa tính lãi phạt tính theo từng tháng thì số tiền lên gần 63 tỉ đồng (bảng 3). Theo TS Đinh Thế Hiển, mỗi NH có cách tính quy định chi tiết khác nhau nhưng nói chung lãi nhập vốn theo tháng kinh khủng hơn theo năm. Do vậy người đi vay tiêu dùng cần hỏi xem lãi theo năm hay theo tháng? Đối với lãi kép, những năm đầu chưa thấy nhiều nhưng từ năm thứ 8 trở đi sẽ tăng rất nhanh.

Là người hoạt động trong lĩnh vực tài chính - NH, ông Huỳnh Trung Minh thử tính toán con số này với giả định LS thẻ tín dụng từ 24%/năm nhưng làm sao cũng không ra được con số 8,8 tỉ đồng. "Công thức tính lãi của thẻ tín dụng rất phức tạp, các NH áp dụng phương trình tính lãi trên hệ thống. Ở đây, ngoài LS thẻ tín dụng còn có phí các loại. Nếu nợ phí cũng sẽ phát sinh thêm lãi chứ không riêng gì nợ gốc. Chẳng hạn phí phạt trễ hạn, mỗi NH sẽ có quy định mức cụ thể vài trăm ngàn mỗi tháng. Trong trường hợp này, còn phải xem phí phạt có tăng lên qua các tháng hay không và sinh lãi như thế nào nữa", ông Minh nói.

Chính vì sự phức tạp trong cách tính lãi, phí đối với thẻ tín dụng mà một số NH như HSBC, Techcombank… đều cung cấp ví dụ cụ thể. Techcombank đưa ra ví dụ tính lãi quá hạn như sau: khách nợ thẻ tín dụng 9 triệu đồng, khoản thanh toán tối thiểu là 5%, tức 450.000 đồng. Chủ thẻ trễ hạn thanh toán 45 ngày (tức trong giai đoạn 1 trễ hạn trong vòng 60 - 70 ngày), số tiền lãi, phí phạt là 682.945 đồng. Nếu khoản nợ trễ hạn hơn 60 - 70 ngày, tiền lãi và phí phạt sẽ lên 1,238 triệu đồng. Chính vì vậy, các NH đưa ra cảnh báo chủ thẻ các vấn đề sẽ gặp phải khi nợ thẻ tín dụng quá hạn. Đó là chịu phí phạt và LS cao, ảnh hưởng đến lịch sử tín dụng và uy tín tài chính cá nhân và khi thông tin lên hệ thống Trung tâm thông tin tín dụng Quốc gia (CIC) thì sẽ khó tiếp cận các khoản vay khác...

Hàng loạt chủ thẻ thành con nợ bất đắc dĩ

Ngay sau vụ khách hàng nợ từ 8,5 triệu đồng tại Eximbank sau 11 năm lên 8,8 tỉ đồng, nhiều khách hàng giật mình và kiểm tra lại thông tin với NH thì "tá hỏa" khi biết mình cũng là con nợ nhiều năm qua. Đơn cử trường hợp anh Duy Phương (TP.HCM) ngày 15.3 vừa qua vội gọi lên tổng đài Eximbank kiểm tra thì được báo là đang nợ phí quản lý tài khoản hơn 1,6 triệu đồng. Theo giải thích, nếu số dư tài khoản dưới 300.000 đồng thì sẽ bị trừ 11.000 đồng/tháng. Khoản phí này được trừ đều từ 2015 tới giờ. Đây là số tài khoản được mở giai đoạn 2012-2015 khi anh Phương còn làm ở công ty cũ và nhận lương qua Eximbank nhưng sau đó chuyển công ty thì không sử dụng nữa. Sau Eximbank, anh tiếp tục gọi điện qua tổng đài ở các NH từng mở tài khoản từ năm 2008 tới giờ để kiểm tra thì kết quả có thêm nợ tại NH Đông Á 600.000 đồng là phí thường niên thẻ từ năm 2012. Đây là tài khoản đã mở từ lúc còn sinh viên. Còn các NH Techcombank và HDBank đã hủy tài khoản của anh sau vài năm không phát sinh giao dịch; Tại ACB vẫn còn tài khoản nhưng không nợ (vì chính sách lúc mở là được miễn phí thường niên).

Sau chia sẻ của anh Duy Phương, nhiều người quen và đồng nghiệp từng làm công ty cũ của anh có nhận lương qua tài khoản Eximbank cũng vào cho biết đã kiểm tra lại thông tin và đa số đều mắc nợ NH dù tài khoản không sử dụng, với mức phổ biến từ 2 - 3 triệu đồng. Đáng nói, anh Duy Phương và nhiều đồng nghiệp cũ đều khẳng định chưa bao giờ nhận thông báo từ NH về việc thu phí hay đang nợ… dù hằng năm đều có tin nhắn chúc mừng sinh nhật.

"Các khoản nợ này là phí thường niên thẻ hay phí quản lý tài khoản và hiện tại không bị tính nợ xấu, khác nợ thẻ tín dụng. Tôi đã từng tự kiểm tra trên hệ thống CIC cách đây vài tháng thì điểm vẫn tốt nên không nhớ tới việc rà soát các tài khoản NH. Các tài khoản không sử dụng một thời gian thì NH đều tạm khóa tài khoản, khóa thẻ, ngừng giao dịch nhưng có NH vẫn trừ phí đều đều nên cứ để đó không đóng thì số nợ sẽ tăng. Tuần này mình sẽ đi trả và làm thủ tục khóa hết các tài khoản. Như vậy, tổng thiệt hại cho đợt rà soát này là hơn 2,2 triệu đồng, kèm thêm mấy chục nghìn tiền điện thoại. Ai không xài tài khoản nào nữa thì đi kiểm tra lại luôn nhé, bất kỳ NH nào, chứ không lại có phiền hà gì sau này thì mệt lắm vì các khoản nợ treo trên đầu", anh Duy Phương khuyến cáo.

Không chỉ có Eximbank, nhiều người gặp cảnh tương tự khi trở thành con nợ của một số NH khác. Chẳng hạn, chị Phan Lê cho hay sau khi kiểm tra ở một NH khác vì đã từng mở tài khoản thì được báo nợ hơn 2,4 triệu đồng (từ năm 2018 đến nay). Đây là nợ gồm phí duy trì thẻ tín dụng, phí SMS thông báo biến động số dư tài khoản…

Như vậy không chỉ bị nợ tiền sử dụng trong thẻ tín dụng mà nếu đã mở thẻ hay tài khoản thì khách hàng cũng có thể trở thành con nợ của các nhà băng.

Không sử dụng cũng nguy cơ thành con nợ

Ngoài việc không sử dụng thẻ, không sử dụng tài khoản nhưng vẫn trở thành con nợ, nhiều khách hàng đang sử dụng dịch vụ NH cũng sẽ rơi vào "ma trận" phí và lãi khi không để ý và cũng có thể từ nợ ít thành nợ nhiều. Trong đó, nhiều nhất là biểu phí áp dụng cho thẻ tín dụng quốc tế. Chẳng hạn, Eximbank công bố biểu phí phát hành và sử dụng thẻ tín dụng quốc tế hạng thẻ chuẩn (vàng) có gần 20 loại phí như phí phát hành, phí thường niên, phí thay thế thẻ theo yêu cầu, phí khiếu nại, phí rút tiền mặt 4% (tối thiểu 100.000 đồng), phí xác nhận sử dụng thẻ, phí sao kê, phí chấm dứt sử dụng thẻ; phí trễ hạn 5% số tiền thanh toán tối thiểu; phí sử dụng vượt hạn mức 15%, phí tài chính (lãi vay) 33%/năm… Tương tự, Vietcombank công bố có đến 21 loại phí và LS đối với thẻ tín dụng quốc tế. Trong đó lãi suất thẻ tín dụng của Vietcombank thấp hơn khi ở mức 17 - 18%/năm tùy hạn thẻ…

Hay thẻ ghi nợ nội địa của các NH hiện nay cũng cõng khá nhiều loại phí như phí phát hành thay thế thẻ theo yêu cầu, phí cấp lại số PIN, phí khiếu nại (tùy NH, từ 33.000 - 50.000 đồng/giao dịch); phí dịch vụ ATM như rút tiền mặt, chuyển khoản, truy vấn số dư, in sao kê…

Ngay cả với tài khoản thông thường, các NH cũng sẽ áp dụng một số loại phí như quản lý tài khoản và các khoản phí khi có giao dịch khác gồm xác nhận số dư tài khoản, sao kê tài khoản thanh toán, phong tỏa tài khoản tạm thời… Ngoài ra, trường hợp khách hàng đăng ký thông báo biến động số dư tài khoản (SMS Banking) thì hằng tháng còn phải đóng tiền từ 10.000 đồng - 100.000 đồng tùy NH.

TS Nguyễn Hữu Huân (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) kể về trải nghiệm không mấy vui khi sử dụng thẻ tín dụng Citibank. Trong một lần mua cà phê Starbucks, cửa hàng lúc này chạy chương trình quẹt thẻ Citibank thì ly nhỏ được nâng lên ly cỡ trung nên ông đã sử dụng và phát sinh dư nợ vài chục ngàn. Mặc dù được nhắc lịch thanh toán nhưng số tiền nhỏ nên ông quên mất. Hậu quả là sau đó chỉ riêng phí trả chậm phải trả lên đến 300.000 đồng, chưa kể nợ gốc vài chục ngàn đồng và tiền lãi. Do ít sử dụng thẻ này nên dễ bị quên và chỉ đến khi NH thông báo phí thường niên 1,2 triệu đồng thì ông mới quyết định đóng thẻ.

TS Nguyễn Hữu Huân chia sẻ: Nhiều NH hay chạy chương trình ưu đãi phí thường niên trong năm đầu phát hành thẻ nên nhiều người mở thẻ xong mà không dùng. Qua năm thứ hai, thẻ phát sinh phí thường niên. Điều vô lý ở đây mà đa số các NH hiện nay đang thực hiện đó là phí thường niên nếu khách hàng không đóng thì bị ghi nhận nợ. Ông đặt vấn đề nếu khách hàng không đóng phí thường niên để duy trì sử dụng thẻ thì NH có thể cắt dịch vụ, chứ sao lại tính lãi phí này? Vì thế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên có quy định về những khoản phí đối với thẻ nói chung và thẻ tín dụng nói riêng.

"Hiện nay các NH phát hành thẻ tín dụng cấp hạn mức tín dụng cho khách hàng khá cao, có nơi gấp 8 lần lương, lương 10 triệu đồng có khi hạn mức lên 80 triệu đồng. Đối với người không quản lý được chi tiêu sẽ rơi vào cảnh nợ nần thẻ tín dụng, mà LS thẻ tín dụng lúc nào cũng cao, có nơi lên đến 30%/năm. Chưa kể, chủ thẻ mà rút tiền mặt thì ngay lập tức bị tính phí 4% trên số tiền rút. Nếu cộng cả lãi và phí rút tiền thì rất cao", ông Huân lưu ý.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, phân tích: Theo bộ luật Dân sự, LS vay do các bên thỏa thuận, nhưng không được vượt quá 20%/năm, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Khi cộng thêm LS quá hạn thì cũng không được quá 30%/năm. Còn theo bộ luật Hình sự, trường hợp cho vay với lãi suất trên 100% thì phạm tội cho vay lãi nặng.

Tuy nhiên, mức trần LS cho vay 20% không áp dụng đối với ngành NH. Theo Quyết định số 1125 của NHNN năm 2023, các NH chỉ được phép thỏa thuận LS không quá 4%/năm khi cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên… Như vậy LS cho vay tiêu dùng có thể lên tới bất kỳ con số nào vì không được quy định. Điều này có thể hiểu là NH có thể cho vay với LS 100%, thu lãi quá hạn 150%/năm và đặc biệt tính lãi nhập gốc ra con số rất lớn. Việc khách hàng phải chịu LS, lãi phạt, và các loại phí như thế nào sẽ được thỏa thuận trong hợp đồng cho vay hay sử dụng thẻ. Tuy nhiên nhiều khi khách hàng không đọc, hoặc đọc cũng không hiểu. Do đó cần xem lại các quy định liên quan, trong đó có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về cách tính lãi chậm trả nợ, lãi phạt trả nợ quá hạn cũng như việc nhập gốc và lãi khi khách hàng chậm trả nợ… Đặc biệt, NHNN cần xem xét áp trần LS cho vay chung áp dụng đối với mọi thành phần kinh tế mà không nên để các NH tự quyết định.

NHÌN LẠI "NÚI" TÀI SẢN TRƯƠNG MỸ LAN SỞ HỮU: TỪ BIỆT THỰ CỔ TRĂM NĂM TUỔI ĐẾN NHỮNG TOÀ NHÀ TỪNG LÀ BIỂU TƯỢNG CỦA HÀ NỘI VÀ TP.HCM

Ngoài những bất động sản "khủng" được biết đến lâu nay, một số tòa nhà nổi tiếng khác cũng lộ diện là tài sản trong tay nữ đại gia Trương Mỹ Lan.

Báo Tuổi trẻ cho hay, theo kế hoạch, ngày mai (19/3), đại diện viện kiểm sát sẽ bắt đầu luận tội và đề nghị mức án đối với bà Trương Mỹ Lan cùng 85 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).

Quá trình điều tra, truy tố, cơ quan tiến hành tố tụng đã thu giữ, phong tỏa một lượng lớn tiền, tài khoản ngân hàng, sổ tiết kiệm của bà Trương Mỹ Lan, ngoài ra 1.237 bất động sản liên quan trực tiếp đến bà Trương Mỹ Lan cũng bị kê biên.

Theo kết luận điều tra, trong quá trình hoạt động, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã xây dựng hơn 1.000 doanh nghiệp thành viên được chia làm 4 nhóm chính có liên hệ chặt chẽ với nhau gồm:

- Nhóm định chế tài chính tại Việt Nam: SCB, Chứng khoán Tân Việt, đầu tư tài chính Việt Vĩnh Phú

- Nhóm các công ty có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam: phần lớn hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, nhà hàng, khách sạn... đều là những công ty có vốn điều lệ lớn, chi phối hoạt động của nhiều công ty thành viên như CTCP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula (18.000 tỷ), CTCP Tập đoàn Đầu tư An Đông (vốn 9.000 tỷ)...CTCP Tập đoàn Quản lý Bất động sản Windsor, CTCP Đầu tư Time Square Việt Nam, CTCP XNK Hàng tiểu thủ công nghiệp Sài Gòn...

- Nhóm các công ty ma tại Việt Nam: được thành lập để lấy các pháp nhân góp vốn vào dự án, vay vốn ngân hàng, đảo nợ, ký hợp đồng...

- Mạng lưới các công ty tại nước ngoài...

Tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX đã xét hỏi bà Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) về hướng giải quyết tài sản để khắc phục hậu quả trong vụ án. Bên cạnh đó, còn có không ít toà nhà nổi tiếng, từng là biểu tượng của Hà Nội và TP.HCM cũng thuộc sở hữu của bà Trương Mỹ Lan.

Tòa nhà Capital Place 29 Liễu Giai

Theo thông tin từ báo Tuổi Trẻ, toà nhà này đang vay 4 ngân hàng nước ngoài với số tiền 200 triệu USD, chủ sở hữu đã ủy quyền cho bà Chu Duyệt Phấn (con bà Trương Mỹ Lan), bà Lan cho rằng tòa nhà này được mua với giá 700 triệu USD chưa tính chi phí khác, hiện có một bên hỏi mua lại với giá 350 triệu USD là đang ép giá.

Bà Trương Mỹ Lan cho rằng tòa nhà trên có giá thấp nhất cũng phải hơn 400 triệu USD nhưng với điều kiện phải bán cho nhà đầu tư nước ngoài và không liên quan đến vụ án. Hội đồng xét xử nói nếu bà Lan biết ai mua với giá đó, thì có thể đề nghị lên để xem xét tạo điều kiện nhằm góp phần khắc phục hậu quả.

Bà Lan cũng cam kết nếu bán được tòa nhà sẽ tự nguyện dùng phần còn lại sau khi trả nợ để khắc phục.

Báo An ninh tiền tệ cũng thông tin thêm, tòa nhà Capital Place vốn là một phần của dự án Vinhomes Metropolis, sau đó được chuyển nhượng sang cho pháp nhân CTCP Twin-Peaks thuộc sở hữu của tập đoàn bất động sản Singapore Capitaland.

Tuy nhiên, vào đầu năm 2022, một thương hiệu bất động sản mới nổi thời gian đó là Viva Land đã công bố mua lại Capital Place với giá 751 triệu đô la Singapore (550 triệu USD), thấp hơn con số mà bà Lan đã khai tại tòa. Viva Land thành lập từ năm 2020, có trụ sở tại Singapore.

Viva Land từng được giới bất động sản nhắc đến là doanh nghiệp có mối liên hệ với Vạn Thịnh Phát. Trên website chính thức của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát trước đó cũng xuất hiện thông tin Viva Land là đối tác.

Khách sạn Daewoo Hà Nội

Trong phiên xét xử ngày 15/3, bà Trương Mỹ Lan đã đề nghị bán Khách sạn Daewoo và nhiều tài sản khác để khắc phục hậu quả trong vụ án Vạn Thịnh Phát. Theo bị cáo Trương Mỹ Lan, CTCP Bông Sen của gia đình bà chiếm 93,6% cổ phần tại Khách sạn Daewoo Hà Nội. Con gái đề nghị bà Lan bán khách sạn đó nhưng bà nói đang vướng cổ phiếu.

Đây là khách sạn 5 sao nổi tiếng ở Hà Nội. Khách sạn này được xây dựng vào năm 1996, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của cựu Chủ tịch Daewoo Kim Woo-choong. Sau khi hoàn thành, khách sạn Dewoo Hanoi đã trở thành một biểu tượng của Thủ đô bởi quy mô hoành tráng bậc nhất thời bấy giờ.

Tọa lạc tại "đất vàng" nơi trung tâm cửa ngõ phía tây TP.Hà Nội với 411 phòng, Dewoo Hanoi không chỉ là khách sạn lớn nhất tại Thủ đô mà còn thu hút giới doanh nhân và chính khách bởi một lối kiến trúc cổ điển mang nét đẹp sang trọng, tinh tế. Đây là địa điểm nổi tiếng từng đón tiếp các lãnh đạo hàng đầu thế giới như: cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, Tổng thống Nga Putin, cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào...

Toà nhà Times Square TP.HCM

Một mắt xích quan trọng trong vụ án Vạn Thịnh Phát là bị can Chu Lập Cơ - chồng bà Trương Mỹ Lan - người nắm vai trò là cổ đông chính sở hữu 99,26% cổ phần và Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Times Square - doanh nghiệp sở hữu Toà nhà Times Square toạ lạc ngay mặt tiền đường Nguyễn Huệ (P.Bến Nghé, Q.1).

Khai với cơ quan điều tra, ông Chu Lập Cơ thừa nhận đồng ý để vợ là Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát làm thủ tục đầu tư, cấp phép xây dựng, huy động vốn, vay vốn Ngân hàng SCB thực hiện công trình toà nhà Times Square - khu liên hợp văn phòng, khách sạn, căn hộ cao cấp, trung tâm thương mại.

Năm 2009-2012, hai vợ chồng thống nhất sử dụng tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản hình thành trong tương lai tại dự án Times Square để đảm bảo cho các khoản vay đứng tên các cá nhân, pháp nhân do Trương Mỹ Lan chỉ định. Chủ tịch HĐQT Công ty Times Square ký các biên bản họp Đại hội đồng cổ đông, Nghị quyết chấp thuận thế chấp để hợp thức hoá giấy tờ bảo lãnh khoản vay tại Ngân hàng SCB.

Times Square là cao ốc phức hợp nằm vị trí trung tâm đường Nguyễn Huệ. Toà nhà cũng được xem là trái tim của TP.HCM. Tổng thể kiến trúc của Times Square gồm tòa tháp cao 39 tầng (163.5m) có khối bệ 6 tầng và 3 tầng hầm với tổng diện tích xây dựng khoảng 90.000m2. Chiều cao của Times Square lên tới gần 165m và là tòa nhà thứ 2 của TP.HCM có sân đậu trực thăng trên sân thượng.

Toàn bộ mặt ngoài của Time Square là The Reverie Saigon - được giới thiệu là một trong số những khách sạn 6 sao đầu tiên ở Việt Nam, từng ở vị trí thứ 4 trong danh sách 50 khách sạn tốt nhất thế giới. Khách sạn có mặt tiền hướng ra đường Đồng Khởi và Nguyễn Huệ với thiết kế vương giả lộng lẫy, tinh xảo đến từng chi tiết, vừa phóng khoáng hiện đại lại vừa cổ điển quý phái.

Ngoài ra, Vạn Thịnh Phát còn sở hữu hàng loạt dự án đắc địa; tập trung tại cung đường Nguyễn Huệ (nơi đặt trụ sở chính Vạn Thịnh Phát), Đồng Khởi cùng các địa điểm xung quanh ở trung tâm Sài Gòn (quận 1, quận 3…). Cũng nằm trên đường Nguyễn Huệ còn có khách sạn Palace Hotel Saigon thuộc quản lý của CTCP Bông Sen. Hiện công ty này còn nắm cổ phần chi phối của CTCP Daeha - chủ sở hữu của khách sạn Daewoo Hanoi.

Union Square

Cách Time Square không xa là Union Square với 4 mặt tiền đường Đồng Khởi - Lê Lợi - Nguyễn Huệ - Lê Thánh Tôn, gần kề với trụ sở HĐND và UBND TP.HCM. Nơi này có tổng diện tích sàn lên đến 91.000 m2, quy mô 6 tầng hầm và 9 tầng nổi, trong đó có 5 tầng nổi là khách sạn 5 sao.

Công trình mang phong cách kiến trúc Pháp, vừa làm trung tâm thương mại vừa kinh doanh khách sạn được Vạn Thịnh Phát mua lại vào tháng 6/2013 với số tiền lên tới 10.000 tỷ đồng. Dù được giới thiệu là thiên đường mua sắm hàng hiệu, ẩm thực, giải trí hàng đầu nhưng Union Square vẫn đìu hiu suốt những năm qua.

An Đông Plaza và khách sạn 5 sao Windsor Plaza

Theo báo Sài Gòn giải phóng, Trung tâm mua sắm An Đông Plaza và khách sạn 5 sao Windsor Plaza (18 đường An Dương Vương, quận 5) cũng thuộc sở hữu của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. An Đông Plaza và khách sạn 5 sao Windsor Plaza có tổng vốn đầu tư hơn gần 1.300 tỷ đồng, với tòa nhà cao 25 tầng và trung tâm thương mại, hội nghị. Windsor Plaza là khách sạn đầu tiên do tư nhân Việt Nam đầu tư và quản lý, đạt tiêu chuẩn 5 sao của Tổng cục Du lịch Việt Nam (tên gọi trước đây).

Khách sạn Thương mại An Đông (Windsor Plaza Hotel) tọa lạc tại trung tâm quận 5 - là khách sạn tư nhân đầu tiên được xếp hạng 5 sao ở Việt Nam và được chọn làm nơi tổ chức nhiều sự kiện lớn như Hội nghị APEC năm 2006. Thời điểm hiện tại, An Đông Plaza - Winsor Hotel vẫn hoạt động bình thường nhưng lại rơi vào trạng thái khá vắng khách.

Thuận Kiều Plaza (The Garden Mall)

Thuận Kiều Plaza được Công ty cổ phần An Đông (công ty con của Vạn Thịnh Phát) mua lại vào năm 2015. Dự án là một khu cao ốc có tổng diện tích xây dựng 10ha, bao gồm 3 tòa tháp cao 33 tầng với 648 căn hộ. Sau khi về tay Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, dự án đã được đổi tên thành The Garden Mall và được đồn đoán sẽ bị đập bỏ toàn bộ để thay bằng một dự án khác.

Dự án là một khu cao ốc có tổng diện tích xây dựng 10ha, bao gồm 3 tòa tháp cao 33 tầng với 648 căn. Được xây dựng từ năm 1994 đến năm 1999, Thuận Kiều Plaza là một tổ hợp 3 tòa tháp án ngữ trên đường Hồng Bàng, ngay khu đất vàng của trung tâm quận 5. Nơi đây được xem là một trong những cao ốc phức hợp đầu tiên được xây dựng và từng được coi là biểu tượng phát triển của TPHCM.

IFC One Saigon (tên cũ Saigon One Tower)

Dự án Saigon One Tower nằm trên khu đất “vàng”, ngay trục đường lớn Hàm Nghi - Tôn Đức Thắng - Võ Văn Kiệt (quận 1, TP.HCM). Dự án trước đây do Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn M&C làm chủ đầu tư. Saigon One Tower được khởi công năm 2009 và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2011, với tổng vốn đầu tư khoảng 5.000 tỉ (238 triệu USD thời điểm bấy giờ). Thế nhưng khi công trình đã hoàn thiện khoảng 80% thì dự án bị ngưng thi công suốt nhiều năm.

Cuối năm 2021, dự án bất ngờ xuất hiện nhiều công nhân và phương tiện máy móc cùng với đó là thông tin dự án đã được Công ty Viva Land thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan mua lại khiến nhiều người kỳ vọng dự án này sẽ "hồi sinh". Tuy nhiên, Sở Xây dựng TP.HCM thông tin, dự án chỉ được thay lớp kính bên ngoài đảm bảo an toàn và mỹ quan đô thị. Các hạng mục bên trong toà nhà, chủ đầu tư vẫn chưa được thi công do dự án đang chờ kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Ngoài IFC One Saigon, Viva Land được quảng bá là đơn vị phát triển hàng loạt dự án bất động sản quy mô tại TP.HCM như Waterfront Saigon, Q.1; D4 DVD, Q.4; Sài Gòn Peninsula, Q.7; Diamante, TP. Thủ Đức…

Biệt thự cổ 110-112 Võ Văn Tần

Căn biệt thự cổ được xây dựng trên khu đất 2.819m2 theo kiến trúc Pháp cổ, là nhà cấp 2, 3 gồm 2 tầng, với tổng diện tích sàn xây dựng là hơn 2.000m2 cũng thuộc sở hữu của bà Trương Mỹ Lan.

Vào năm 2013, khi thị trường bất động sản diễn ra sôi động, căn biệt thự trên 100 tuổi này được rao bán với giá 47 triệu USD. Nhưng đến năm 2015, CTCP Minerva đã mua thành công với giá trị 35 triệu USD (khoảng hơn 700 tỷ đồng theo tỷ giá giai đoạn đó). Ngay sau khi mua lại căn biệt thự này, bà Trương Mỹ Lan đã cho trùng tu lại theo nguyên bản vào năm 2019.

Sở Xây dựng TPHCM đã cấp phép xây dựng cho Công ty Stonewest Limited của Singapore là nhà thầu của công trình. Do căn biệt thự cổ nằm trong danh sách được bảo tồn nên chủ công trình chỉ được trùng tu, sửa chữa nguyên trạng mà không được xây dựng mới. Bảo vệ ở đây cho biết, sau khi bà Trương Mỹ Lan bị bắt, lực lượng chức năng đã đến nơi này làm việc rồi nhà thầu đã thông báo đóng cửa công trình, ngưng thi công. Theo quan sát, bên trong đã không còn công nhân nhưng vật tư vật liệu, máy móc vẫn còn ngổn ngang. Tại đây có vài bảo vệ được giữ lại để bảo vệ công trình.

Liên quan việc Công ty Minerva sở hữu biệt thự cổ số 110 - 112 Võ Văn Tần (quận 3, TP.HCM), bà Trương Mỹ Lan khai là do mẹ bà mua với giá 700 tỉ đồng. Theo bà Lan, nhà này là di tích không thể mua bán nên đề nghị không kê biên, mà giao lại cho gia đình để bảo tồn.

MỚI CHỚM PHỤC HỒI, NHÀ ĐẤT HÀ NỘI ĐÃ BỊ 'THỔI' GIÁ

Nội đô là nơi quỹ đất không thể mở rộng thêm nhưng dân số vẫn ngày càng tăng cao, vì thế giá phân khúc nhà liền thổ gần như không bị biến động theo thị trường và gần đây có xu hướng tăng lên.

Thời gian gần đây, trên khắp các sàn môi giới bất động sản và mạng xã hội liên tục đưa tin rao bán nhà đất Hà Nội với giá tăng theo ngày thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Qua trao đổi, nhiều môi giới tại Hà Nội cho biết, giai đoạn 2021 – 2022, trong “cơn sốt” bất động sản, giá nhà, đất Thủ đô bị đẩy lên quá cao khiến cho từ cuối năm 2022 – 2023 thị trường bị “đóng băng”, nhiều nhà đầu tư “kẹt tài chính” buộc phải hạ giá 20 – 30% để thanh khoản .

Nhưng từ cuối năm 2023 đến nay, thị trường nhà liền thổ có dấu hiệu hồi phục rõ rệt khi lượng đăng tin và tìm kiếm tăng mạnh. Trong đó, các bất động sản có giá từ 2 – 3 tỷ đồng, diện tích dưới 30m2 được khá nhiều người quan tâm.

Trong khi đó, báo cáo cuối năm của Batdongsan.com.vn cho thấy, trong khi nhiều phân khúc của thị trường bất động sản vẫn trong đà giảm tốc thì phân khúc nhà liền thổ vẫn tiếp tục ghi nhận tăng trưởng .

Cụ thể, nhà riêng nằm trong các ngõ thuộc các quận nội thành Hà Nội, so với quý II/2023, giá bán và mức độ quan tâm tăng từ 2 - 9%. Riêng giá bán nhà riêng quận Tây Hồ tăng mạnh nhất là 9%, nhà riêng các quận còn lại là Đống Đa, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai có mức tăng giá 4 - 8%.

Không chỉ giá rao bán tăng mà mức độ quan tâm với phân khúc nhà riêng Hà Nội cũng tăng trung bình từ 2-3% so với quý II/2023.

Ông Đỗ Ngọc Thắng, Giám đốc Kinh doanh Vùng tại OneHousing nhận định, phân khúc nhà đất thổ cư tại khu vực nội thành Hà Nội trước nay gần như không ảnh hưởng nhiều bởi các xu thế thị trường tăng hoặc giảm.

Bởi nội đô là nơi quỹ đất không thể mở rộng thêm nhưng dân số vẫn ngày càng gia tăng và quan trọng nhất nhu cầu là nhu cầu thực để ở, đầu tư, kinh doanh, cho thuê...Vì thế giá bất động sản nội đô, trong đó có phân khúc nhà riêng gần như không bị biến động.

Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu, Savills Hà Nội thì cho rằng, nhà đất thổ cư vừa tiền, luôn trong tình trạng hàng không có sẵn và người bán hầu như ít sử dụng đòn bẩy tài chính.

Còn nhiều chuyên gia bất động sản chỉ ra, các khu vực trung tâm Hà Nội thường đối diện với sự khan hiếm về quỹ đất và giá trị bất động sản cao ngất ngưởng, nhu cầu về nhà ở liền thổ đang tăng ở nhiều khu vực đặc trưng như trường học, bệnh viện, chợ, công viên, ngã tư,…Do đó, việc giá nhà đất liền thổ tăng mạnh là chuyện đương nhiên. Tuy nhiên, người mua cần cân nhắc đến các yếu tố pháp lý, tiềm năng của khu vực và phù hợp với mức tài chính của mình,…

Nguồn: Vietnamnet; Thanh Niên; Kenh14; CafeF

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang