'Phố vàng' tại Hà Nội; Sức mua chưa hồi phục; BĐS sau Tết nhiều khác lạ; Chủ đất ngộp thở trong đống nợ

“PHỐ VÀNG” TẠI HÀ NỘI: NƠI NHỘN NHỊP, CHỖ IM LÌM SÁT NGÀY VÍA THẦN TÀI

(Ảnh minh họa).

Một ngày trước ngày vía Thần Tài 2023, trên phố Trần Nhân Tông - con phố bán vàng bạc đá quý sầm uất bậc nhất tại Hà Nội, PV ghi nhận nhiều hình ảnh trái chiều tại các cửa hàng.

Theo truyền thống dân gian, ngày vía Thần Tài, mọi người thường đi mua vàng để cầu mong cả năm may mắn, giàu sang, phú quý.

Dù ngày mai (10 tháng Giêng, tức 31/1) mới đến ngày vía Thần Tài, song tại những cửa hàng vàng bạc đá quý lớn tại Hà Nội đã tấp nập các hoạt động để chào đón khách hàng tham quan, mua sắm.

Từ xa, khách hàng đã bị thu hút bởi tiếng trống, tiếng nhạc rộn rã. Nhiều cửa tiệm lớn đã trưng bày hình ảnh các ông Thần Tài "khổng lồ" bằng thú nhồi bông, bóng bay trước cửa hàng, trên vỉa hè để đón khách. Cũng có không ít cửa hàng cử nhân viên trong trang phục Thần Tài để phát tờ rơi, tặng đồ ăn hay tư vấn cho khách hàng.

Con phố được mệnh danh là "phố vàng" tại Hà Nội - phố Trần Nhân Tông - quy tụ các cửa hàng vàng bạc đá quý lớn, nhỏ, các thương hiệu vàng uy tín đã bắt đầu nhộn nhịp ngay từ sáng ngày 30/1 (mùng 9). Dù chưa đến ngày vía Thần Tài nhưng lượng người đổ về đây tham quan, mua bán các sản phẩm vàng đã tấp nập.

Ghi nhận của phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam, khách hàng tập trung chủ yếu tại cửa hàng của một số thương hiệu như Bảo Tín Minh Châu, Bảo Tín Mạnh Hải, Doji… Bên cạnh đó, nhiều cửa hàng khác cũng trên con phố này khá im lìm, vắng khách.

Chia sẻ nhanh cùng PV, chị Nguyễn Thị Hà (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, chị đến cửa hàng từ sớm để tham khảo giá cả và đặt mua sản phẩm trước, để tránh tình trạng đông đúc trong ngày mai - ngày vía Thần Tài. Sản phẩm vàng thì chị sẽ nhận đúng ngày để lấy lộc, may mắn.

Giá vàng có xu hướng giảm sát ngày vía Thần Tài

Ghi nhận trên thị trường, sau chuỗi ngày tăng giá liên tiếp, tại phiên giao dịch sáng ngày 30/1, giá vàng SJC trong nước đang có xu hướng giảm.

Cụ thể, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC mua vào bán ra ở mức 67,2 - 68,22 triệu đồng/lượng. So với phiên giao dịch ngày 29/1, vàng SJC điều chỉnh giảm 100.000 đồng/lượng mỗi chiều. Biên độ mua vào - bán ra ở mức 1 triệu đồng/lượng.

Phú Quý SJC niêm yết giá vàng ở mức 67,1-68,1 triệu đồng/lượng, giảm 300.000 đồng/lượng cả 2 chiều so với phiên liền trước.

Giá vàng 24K Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá 2 chiều 54,57 - 55,52 triệu đồng/lượng, giảm 500.000 đồng/lượng so sáng qua.

Giá vàng DOJI ở khu vực Hà Nội đang niêm yết ở mức 67,3 triệu đồng/lượng mua vào và 68,3 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng thương hiệu này đang mua vào và bán ra mức tương tự như ở khu vực Hà Nội.

Để chào đón ngày vía Thần Tài 2023, hầu hết các thương hiệu vàng bạc đều có những sản phẩm vàng miếng, vàng nhẫn, vàng trang sức, vàng phong thủy... với các mệnh giá từ 0,5 chỉ trở lên để khách hàng lựa chọn.

(Nguồn: Soha)

SỨC MUA CHƯA HỒI PHỤC

Ngày 29-1 (mùng 8 Tết), gần như toàn bộ siêu thị, cửa hàng trên địa bàn TP HCM đã mở cửa hoạt động bình thường trở lại; tất cả quầy, kệ đều đầy ắp hàng hóa các loại để phục vụ nhu cầu mua sắm của khách hàng trong ngày nghỉ cuối cùng của kỳ nghỉ Tết.

Tại các chợ lẻ và chợ đầu mối, vẫn còn một số quầy sạp đóng cửa nghỉ Tết; lượng hàng về chợ chỉ bằng khoảng 60%-70% so với ngày thường. Lượng khách mua sắm tại chợ lẫn siêu thị đều không đông. Người tiêu dùng chủ yếu mua thực phẩm tươi sống phục vụ bữa ăn hằng ngày, đặc biệt là các loại rau xanh để chống ngấy sau Tết.

Thống kê của các chợ, siêu thị, đến nay giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu tương đối ổn định, nguồn cung dồi dào và đa dạng. Một số mặt hàng bán Tết như xoài cát Hòa Lộc, bưởi, mãng cầu, quýt… đã giảm giá 5.000 - 10.000 đồng/kg so với cao điểm 29, 30 Tết. Tương tự, mặt hàng rau, củ như cà chua, khổ qua, bông cải, dưa leo, cà rốt cũng giảm từ 1.000 - 10.000 đồng/kg. Theo ban quản lý các chợ đầu mối, dự kiến từ ngày 30-1, lượng hàng về chợ sẽ tăng mạnh do các bếp ăn công nghiệp hoạt động trở lại, kéo nhu cầu tiêu thụ tăng.

Giải thích lý do sức mua sau Tết giảm mạnh, ông Đinh Quang Khôi, Giám đốc marketing MM Mega Market, cho biết khả năng người dân đã mua sắm nhiều trong những ngày cận Tết nên vẫn đang trong giai đoạn "dọn tủ lạnh". Ngoài ra, năm nay nghỉ Tết dài ngày, nhiều gia đình đi du lịch, về quê chưa trở lại TP HCM cũng ảnh hưởng đến sức mua chung.

Để kích cầu, các hệ thống bán lẻ đã đồng loạt triển khai chương trình khuyến mãi lớn. Trong đó, Co.opmart có chương trình khuyến mãi đầu xuân với các mặt hàng bánh kẹo, sữa và các chế phẩm từ sữa, rau củ quả, trái cây, đồ dùng, hóa phẩm, thời trang may mặc…

Đặc biệt, nhóm hàng chay được siêu thị tăng nguồn hàng gấp đôi so với ngày thường, giá được khuyến mãi mạnh để phục vụ khách hàng cần chế độ ăn cân bằng, thanh lọc cơ thể sau Tết. Emart giảm giá đến 50% cho hơn 500 sản phẩm thiết yếu và đồ chơi trẻ em. Hệ thống MM Mega Market thì giảm giá từ 30%-50% cho gần 1.000 mặt hàng thực phẩm tươi sống, trong đó tập trung cho nhóm hàng rau củ quả.

Đánh giá thị trường Tết Nguyên đán 2023, các đơn vị kinh doanh, phân phối cho biết Tết năm nay, người tiêu dùng sắm Tết khá muộn nên sức mua tập trung mạnh trong 3 ngày sát Tết. Tại các hệ thống siêu thị lớn như Co.opmart, Co.opXtra, MM Mega Market, Big C, GO!, Aeon, LOTTE Mart, Emart… những ngày này lượng khách và sức mua tăng gấp 2-3 lần so với ngày thường. Siêu thị phải mở cửa đến gần nửa đêm để khách hàng có thêm nhiều thời gian mua sắm…, đồng thời tung nhiều chương trình khuyến mãi khủng với 12.000 mặt hàng Tết với giá giảm chạm đáy để dọn sạch kệ hàng trước giờ giao thừa.

Bà Vũ Kim Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (DN - BSA), phụ trách tổ chức Phiên chợ Tết Xanh - Quà Việt (quận 1, TP HCM), đánh giá sức mua Tết vừa qua không bằng năm ngoái do người dân chi tiêu chặt chẽ hơn.

"Tuy vậy, một số DN khởi nghiệp đã chủ động, sáng tạo trong bán hàng như: tạo combo tiện lợi cho người tiêu dùng, sản phẩm đặc sản vùng miền phù hợp thị hiếu người tiêu dùng nên vẫn "cháy hàng". Nhiều thương hiệu nông sản sạch trong những ngày cận Tết bán rất chạy" - bà Kim Anh cho hay.

(Nguồn: Người Lao Động)

BẤT ĐỘNG SẢN SAU TẾT 2023 NHIỀU KHÁC LẠ

(Ảnh minh họa).

Thông thường thời điểm cận và sau Tết Nguyên đán, thị trường bất động sản luôn đón những cơn “sốt đất”. Song, ở năm nay, chuyên gia cho rằng, các cơn sốt đất sẽ quay trở lại ở thời điểm muộn hơn.

Những năm qua, thời điểm cận và sau Tết Nguyên đán thị trường bất động sản luôn diễn biến sôi động, đặc biệt là phân khúc đất nền. Còn nhớ, chỉ hơn 1 năm trước, cơn sốt đất đã bùng lên tại nhiều địa phương. Bắt nguồn từ thời điểm cuối năm 2021, Chính phủ thúc đẩy đầu tư công, hàng loạt công trình hạ tầng trọng điểm tại các địa phương được phê duyệt và đẩy mạnh đầu tư.

Tâm lý dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, kinh tế phục hồi, cùng với mức lãi suất hấp dẫn là lý do khiến các đợt sốt đất âm ỉ cuối năm 2021 dần lan rộng vào đầu năm 2022. Các đợt sốt đất thời điểm đầu năm diễn ra tại nhiều địa phương trên khắp cả nước, từ khu vực như Bắc Giang, Bắc Ninh, vùng ven Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Thanh Hoá đến Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng, Quảng Bình, Quảng Trị, Khánh Hòa…

Và đến thời điểm hiện tại, sự kỳ vọng của nhà đầu tư khi thị trường ấm lên vào thời điểm đầu năm sẽ không là quá lạ, bởi năm 2023 dòng vốn đầu tư công được dự báo giải ngân mạnh mẽ, hạ tầng được hoàn thiện ở một số khu vực sẽ tạo cơ hội cho giá đất ở khu vực đó có thể tăng mạnh. Một số cơn sốt đất nhỏ lẻ, cục bộ có thể diễn ra trong thời gian ngắn, nhà đầu tư có thể chọn lựa thông tin tích cực để xuống tiền đầu tư đất nền. Các chuyên gia cũng cho rằng, về dài hạn, đất nền vẫn là kênh đầu tư cho tỷ suất lợi nhuận tốt.

Ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc công ty đầu tư Bất Động Sản Việt An Hòa cho rằng, các phân khúc nhà liền thổ và đất nền vẫn là sản phẩm ưu tiên số 1 ở giai đoạn hiện nay. Bởi, đây là những sản phẩm cơ bản của bất động sản, dễ đầu tư và không bị lỗi thời. Do đó, có thể giữ lâu dài mà không bị ảnh hưởng nhiều.

“Tín hiệu về chính sách, mở room tín dụng, ổn định lãi suất sẽ được rõ ràng hơn sau Tết, do vậy, giao dịch bất động sản sẽ tăng dần. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần có tầm nhìn dài hạn, không thể kỳ vọng lướt sóng kiếm lời như trước”, ông Quang nói.

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cũng cho rằng, thời điểm hiện tại đất nền nhiều khu vực đang có mức thanh khoản giảm sau một thời gian tăng nóng nhưng về dài hạn nhà đầu tư vẫn sẽ dành sự quan tâm đặc biệt đối với dòng sản phẩm này.

Theo ông Điệp, năm 2023, phân khúc đất nền vẫn được đánh giá là phân khúc lợi nhuận lớn và dễ đầu tư hơn so với phân khúc khác. Phân khúc đất nền mang tính hấp dẫn đến từ các tín hiệu như mở room tín dụng, ổn định lãi suất sẽ được rõ ràng hơn sau Tết Nguyên đán. Do đó, giao dịch bất động sản nói chung, trong đó đặc biệt là đất nền sẽ tăng dần. Với những người mua bất động sản trước Tết mà bán sau Tết có thể đã có lợi nhuận.

“Tôi tin rằng, với những định hướng sắp tới từ phía Chính phủ, thị trường đất nền sẽ có những chuyển biến mới và phục hồi nhanh hơn các phân khúc khác. Các nhà đầu tư sẽ quên đi những khó khăn của năm 2022 và đặt nhiều kỳ vọng hơn vào năm 2023”, ông Điệp cho hay.

Nhìn nhận về câu chuyện này, ông Nguyễn Văn Đính nhấn mạnh: “Thông thường, trong một năm sẽ có một đợt sốt đất đầu năm và cuối năm. Tương tự, bước sang năm 2023, các cơn sốt đất sẽ quay trở lại nhưng xảy ra ở thời điểm muộn hơn, có thể trong quý II, quý III hoặc ở giai đoạn cuối năm sẽ có những đợt tìm kiếm đất nền nhiều hơn. Bởi khi đó, những khó khăn đã được tháo gỡ, thị trường đã phục hồi trở lại, lãi suất giảm, các kênh huy động vốn được khơi thông.

Còn ngay từ thời điểm đầu năm 2023, sẽ khó bùng nổ các cơn sốt đất giống như thời điểm những năm trước. Bên cạnh đó, trong dài hạn, tôi nghĩ giá đất nền khó có khả năng sụt giảm mạnh. Mức giá có thể đi ngang so với giá năm 2022 nhưng sau đó sẽ nhanh chóng tăng lại nhờ những kỳ vọng mới”.

(Nguồn: CafeF)

HAM LÃI CAO KHÔNG BÁN SỚM, CHỦ ĐẤT NGỘP THỞ TRONG ĐỐNG NỢ

Thị trường bất động sản trầm lắng kéo dài nhiều tháng qua, khiến không ít nhà đầu tư không bán được đất, rơi vào cảnh "đứng ngồi không yên" do áp lực từ các khoản vay mượn.

Liên tục hạ giá bán nhưng vẫn ế

Thực tế, từ khoảng đầu quý II/2022, thị trường bất động sản đã rơi vào tình trạng trầm lắng, ít thanh khoản, đặc biệt như ở nhiều phân khúc đất nền. Không ít phân khúc bất động sản đã xuất hiện tình trạng giảm giá, cá biệt có không ít nhà đầu tư phải rao bán giá cắt lỗ, giảm sâu.

Anh Nguyễn Văn Huy (đang sống ở Hà Nội) chia sẻ, cuối năm 2021, anh cùng nhóm bạn tham gia đầu tư đất nền ở một số tỉnh phía Bắc. Đến đầu năm 2022, các lô đất nền đã mua được trả giá cao tới 20-30%, cá biệt có lô tới 50% do có vị trí đẹp.

"Thời điểm đó, thị trường rất "nóng", cả nhóm tính chưa bán vội mà chờ giá tăng thêm. Tuy nhiên, chỉ đến khoảng tháng 4/2022, thị trường đột ngột trầm lắng do các chính sách kiểm soát tín dụng. Số nhà đầu tư, môi giới quan tâm tới các lô đất của chúng tôi cũng ít dần", anh Huy kể.

Cũng theo anh Huy, do chưa có kinh nghiệm trong đầu tư bất động sản, cả nhóm chỉ tìm cách giữ được các lô đất với hi vọng thị trường sẽ tăng trở lại. Tuy nhiên, sau khi cầm cự nhiều tháng, thấy giá đất nền ở khắp nơi giảm mạnh, các thành viên trong nhóm đều cảm thấy lo lắng.

"Chúng tôi khảo sát và nhận thấy, những lô đất xung quanh có đặc điểm tương đối giống của mình đã rao bán giảm giá sâu, thấp hơn giá chúng tôi mua vào. Thêm nữa, các khoản lãi tiền vay hàng tháng đều tạo ra áp lực cho các thành viên của nhóm", anh Huy chia sẻ.

Kể về hành trình bán đất chưa có hồi kết của mình, anh Huy chia sẻ, anh và các thành viên nhóm đã tìm đủ mọi cách, qua nhiều kênh rao bán để cố gắng bán được sớm nhất, nhưng tới nay đã qua nhiều tháng, vẫn chưa thể bán. Đáng chú ý, giá các lô đất được rao bán thấp hơn và thực sự cắt lỗ tới 20-40% so với giá mua vào.

"Có 2 lô đất nền ở Nam Định, diện tích khoảng 1.000m2/lô. Giá lúc đầu chúng tôi mua vào là khoảng 3,5 triệu đồng/m2, với mục đích tách thửa để bán. Đến giờ, mỗi lô đất trên đều được rao bán giảm tới mức 2-2,5 triệu đồng/m2, nhưng không có người hỏi mua", anh Huy kể và cho biết, cả nhóm đang cố gắng gồng gánh trả lãi vay và khoản nợ đầu tư này, trong khi đó, việc bán các lô đất càng lúc càng khó.

Cùng chung cảnh ngộ như nhóm đầu tư của anh Huy, anh Vũ Đăng Linh ở Nam Định cho biết, khi thị trường bất động sản sôi động vào đầu năm 2022, anh cũng dồn hết số tiền tích cóp và vay mượn thêm người thân để đầu tư một lô đất nông nghiệp tại huyện Giao Thủy (Nam Định) với kỳ vọng sẽ chuyển đổi sang đất ở để bán.

"Khi được môi giới tư vấn và tìm hiểu qua nhiều kênh, tôi quyết định mua lô đất nông nghiệp rộng hơn 700m2, có vị trí tiếp giáp với mặt đường lớn của xã, với giá 1,5 tỷ đồng. Lúc đó, tôi dự kiến sẽ chuyển đổi một phần diện tích sang đất thổ cư để tách thành 3 lô. Tuy nhiên, chưa kịp thực hiện thì thị trường chững lại, việc tách thửa cũng không còn đơn giản và phải xếp hồ sơ chờ", anh Linh chia sẻ.

Hiện tại, theo anh Linh, việc mua bán đất thổ cư ở địa phương vẫn có, nhưng số lượng rất ít. Bên cạnh đó, giá đất thổ cư giảm mạnh, còn đất nông nghiệp thì không có người mua.

"Tiền của tôi bị giữ trong đất, trong khi số nợ vẫn treo trên đầu. Tháng 4 này là tới thời hạn nhiều khoản vay phải trả, tôi chưa biết làm cách nào", anh Linh buồn bã nói.

Mọi giao dịch bị trì hoãn

Theo báo cáo thị trường bất động sản 2022 mới đây của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), thị trường địa ốc năm qua khá ngưng trệ, trầm lắng, yếu giao dịch. Nguồn cung ra thị trường đạt khoảng 48.500 sản phẩm, tương đương 90% tổng lượng sản phẩm chào bán mới năm 2021 - thời điểm thị trường chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 và chỉ bằng 28% so với năm 2018 (180.000 sản phẩm). Cơ cấu nguồn cung chủ yếu là các sản phẩm cao cấp, đầu tư; thiếu vắng hẳn các sản phẩm nhà ở phù hợp với "túi tiền" của số đông người dân.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, từ cuối quý II/2022, thị trường bất động sản bắt đầu ghi nhận những dấu hiệu trầm lắng. Hàng loạt chính sách thắt chặt về tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp... khiến tâm lý chung trên thị trường e ngại, mọi giao dịch bị trì hoãn.

Ông Hà cho biết, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động. Các công ty còn hoạt động trong lĩnh vực này phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, cắt giảm bộ máy nhân sự.

Ngoài ra, theo ông Hà, do tắc nguồn vốn tín dụng, tắc nguồn vốn trái phiếu, tắc cả nguồn vốn huy động từ khách hàng, nên nhiều doanh nghiệp bất động sản "đói vốn", phải tạm dừng triển khai dự án, thanh toán hoa hồng cho các sàn giao dịch bằng sản phẩm bán hoặc bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu sâu, lên đến hơn 30% giá hợp đồng nếu thanh toán ngay.

Tuy nhiên, thị trường ngưng trệ, trầm lắng, yếu giao dịch không phải do thực chất thị trường xấu mà do có quá nhiều điểm đã tạo ra sự cưỡng bức, buộc thị trường phải rơi vào trạng thái khó khăn.

"Nhìn chung, thị trường bất động sản đang trong trạng thái bình thường, nhưng bị bắt phải "giảm ăn, giảm oxy để thở và giảm bơm máu" nên rất dễ bị rơi vào tình trạng "đột quỵ". Thời gian tới, Nhà nước sẽ tiếp tục có những giải pháp điều chỉnh, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, thị trường sẽ dần ấm lên và hoạt động ổn định", ông Hà đánh giá.

(Nguồn: Dân Trí)

(Xem thêm:

=> Hơn 500 lao động bị nợ lương; Giá hàng hóa vẫn cao sau Tết; Mở cửa XK hàng sang TQ; Bao giờ đất vườn lại 'sốt' ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang