Hơn 500 lao động bị nợ lương; Giá hàng hóa vẫn cao sau Tết; Mở cửa XK hàng sang TQ; Bao giờ đất vườn lại 'sốt'

HƠN 500 LAO ĐỘNG Ở THANH HÓA BỊ NỢ LƯƠNG DỊP TẾT

(Ảnh minh họa).

Theo kết quả khảo sát của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thanh Hóa, có 3 doanh nghiệp nợ lương hơn 500 lao động do khó khăn phải tạm ngừng hoạt động trong dịp Tết.
Cụ thể, theo kết quả khảo sát của Sở Lao động, Thương binh và xã hội Thanh Hoá về tình hình nợ lương năm 2022 của doanh nghiệp cho thấy, trong dịp Tết Nguyên đán, có 3 doanh nghiệp chưa giải quyết tiền lương cho hơn 500 lao động, với số tiền lương còn nợ là hơn 4,2 tỷ đồng do doanh nghiệp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động.
Trong đó, Xi măng Công Thanh (thị xã Nghi Sơn) tạm dừng hoạt động từ đầu tháng 12/2022, nợ lương của hơn 460 người lao động từ tháng 11/2022 với số tiền nợ khoảng 4 tỷ đồng; hai doanh nghiệp tại huyện Quảng Xương là Công ty TNHH may xuất khẩu Lê Anh và Công ty TNHH MTV dệt may BH Vina nợ lương của 90 lao động, với tổng số tiền nợ là 220 triệu đồng.
Trước đó, Sở Lao động, Thương binh và xã hội Thanh Hoá đã tổ chức khảo sát, nắm bắt tình hình chế độ tiền lương năm 2022 và kế hoạch thưởng Tết năm 2023 tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo kết quả khảo sát tại 1.508 doanh nghiệp (thuộc 4 loại hình doanh nghiệp) sử dụng 216.171 lao động, Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100 % vốn điều lệ có mức tiền lương bình quân 7,6 triệu đồng/người/tháng (tăng 1,1 triệu đồng so với năm 2021). Công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước có mức tiền lương bình quân 8,7 triệu đồng/người/tháng (tăng 1,3 triệu đồng so với năm 2021); doanh nghiệp dân doanh có mức tiền lương bình quân 6,3 triệu đồng/người/tháng (bằng năm 2021). Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có mức tiền lương bình quân 7,3 triệu đồng/người/tháng (tăng 1,2 triệu đồng so với năm 2021).
Mức tiền lương cao nhất là 359,3 triệu đồng/người/tháng tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; thấp nhất là 3,4 triệu đồng/người/tháng tại doanh nghiệp dân doanh...
Ngày 28/1/2023, trao đổi nhanh với Tiền Phong, ông Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn - xác nhận: Việc xi măng Công Thanh tạm ngừng hoạt động do khó khăn về giá nguyên vật liệu đầu vào tăng dịp trước Tết. Hiện nhà máy xi măng Công Thanh đã hoạt động trở lại, số tiền lương mà doanh nghiệp này nợ của lao động cũng đã được doanh nghiệp giải quyết một phần.
Xi măng Công Thanh được biết đến là chủ nhà máy sản xuất xi măng công suất trên 6 triệu tấn/năm tại thị xã Nghi Sơn (huyện Tĩnh Gia trước đây), tỉnh Thanh Hóa từ năm 2015. Tại thị xã Nghi Sơn và địa bàn khác của tỉnh Thanh Hoá, doanh nghiệp này cũng mở rộng đầu tư sang các lĩnh vực khác như dự án du lịch, cảng biển, văn phòng cho thuê... Tuy nhiên, nhiều dự án chậm tiến độ, phải gia hạn, chưa thể đưa vào vận hành.

(Nguồn: Kenh14)

SẮP HẾT NGÀY "MÙNG", GIÁ MỘT SỐ MẶT HÀNG VẪN CÒN CAO

Các tiểu thương cho biết theo thông lệ, phải đến sau rằm tháng Giêng, giá cả thị trường mới trở về mức bình thường.
Ngày 29-1 (mùng 8), chợ đầu mối Bình Điền (quận 8, TP HCM) ghi nhận lượng hàng về chợ vẫn còn thấp, bằng khoảng 60%-70% so với ngày thường của trước Tết Nguyên đán. Trong các khu nhà lồng chợ, nhiều ô vựa còn đóng cửa nghỉ Tết.
Ông TSàn A Sìn, Phó Giám đốc chợ đầu mối Bình Điền, thông thường mọi năm, khoảng sau rằm tháng Giêng, hải sản tươi sống tại chợ đầu mối mới phong phú trở lại. Lý do là thời điểm đó các tàu, ghe đánh bắt hải sản mới vào bờ, hải sản đánh bắt tươi từ các tỉnh mới đưa về TP HCM tiêu thụ.
Hiện tại, tiểu thương chợ đầu mối Bình Điền chủ yếu kinh doanh hải sản đông lạnh và thủy, hải sản nuôi. Số lượng cung ứng cũng còn hạn chế nên giá một số mặt hàng thủy hải sản vẫn còn neo ở mức cao.
Tương tự, tại các chợ lẻ, giá hầu hết các mặt hàng đã ổn định trở lại gần bằng mức giá thời điểm trước Tết.
Đơn cử, tại chợ Hòa Bình (quận 5), giá khổ qua giảm còn 25.000 đồng – 27.000 đồng/kg (cao điểm Tết khoảng 50.000 đồng – 60.000 đồng/kg); các mặt hàng cà chua, xà lách, rau thơm, dưa leo, bắp cải… cũng đồng loạt giảm 10.000 đồng – 15.000 đồng/kg, ở mức 30.000 đồng - 35.000 đồng/kg.
Trong khi đó, giá một số loại hải sản vẫn còn khá cao: tôm thẻ loại lớn (30 con/kg) giá 200.000 đồng – 220.000 đồng/kg), tôm càng xanh (còn sống) giá 280.000 đồng – 300.000 đồng/kg. Cua thịt loại 4 con/kg giá dao động 360.000 đồng– 380.000 đồng/kg.
"Mức giá này đã giảm nhẹ so với giá chợ 29 Tết nhưng vẫn cao hơn giá ngày thường. Đến ngày Vía Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng), giá tôm, cua… có thể tăng thêm chút ít vì nhu cầu tiêu thụ tăng, sau đó sẽ giảm dần trở lại" – chị Thu Ba, tiểu thương ngành hàng thủy sản chợ Hòa Bình, cho biết.
Trước diễn biến giá thị trường những ngày đầu năm, một bộ phận người tiêu dùng chọn mua sắm tại siêu thị, cửa hàng để được mua rau củ, thịt heo, trứng gà/vịt... giá bình ổn thị trường.
Ngoài ra, nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống đang được các hệ thống siêu thị áp dụng chương trình khuyến mãi nên rẻ hơn giá thị trường ít nhất 10%-20%.

(Nguồn: Người Lao Động)

XUẤT KHẨU HÀNG HOÁ SANG TRUNG QUỐC TRỞ LẠI BÌNH THƯỜNG SAU KỲ NGHỈ TẾT

(Ảnh minh họa).

Sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, hoạt động thông quan hàng hoá ở các cửa khẩu tại tỉnh Lạng Sơn đã trở lại bình thường.

Theo thông tin từ Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn), từ ngày 28-1 (mùng 7 Tết Quý Mão 2023), hoạt động thông quan tại các cửa khẩu, gồm: Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma, Cốc Nam đã khôi phục hoàn toàn sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán.

Theo đó, các hoạt động giao thương, xuất nhập khẩu hàng hoá giữa Việt Nam và Trung Quốc qua các cửa khẩu tại tỉnh Lạng Sơn đã trở lại bình thường.

Trước đó, theo thông báo từ cơ quan chức năng phía Trung Quốc, thời gian nghỉ Tết Nguyên đán từ 21-1 (tức 30 Tết). Tuy nhiên, từ ngày 24-1 (Mùng 3 Tết) đến ngày 27-1 (Mùng 6 Tết), thực hiện thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu đã có đăng ký trước.

Trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão, để đảm bảo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu trước, trong và sau tết, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn đề nghị các lực lượng chức năng, cơ quan, ban ngành bố trí đầy đủ nhân sự trực, làm việc tại các cửa khẩu.

Đồng thời, thông báo, tuyên truyền cho các cá nhân, doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn nắm được, chủ động các kế hoạch kinh doanh.

Theo cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn, tính riêng ngày 27-1 (mùng 6 Tết), tại 4 khu vực cửa khẩu đường bộ, gồm Hữu Nghị, Chi Ma, Tân Thanh, Cốc Nam đã có 242 xe hàng xuất nhập khẩu. Trong đó, xuất khẩu 177 xe chủ yếu là hoa quả, nhập khẩu 65 xe.

Tổng lượng xe chờ xuất khẩu đến tối 27-1 là 149 xe, trong đó lượng xe chở hoa quả chờ xuất khẩu là 139 xe (chiếm khoảng 93% tổng lượng xe chờ xuất khẩu)

Tại Lào Cai, theo Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Lào Cai (Cục Hải quan Lào Cai), dịp nghỉ Tết Quý Mão 2023, trong 7 ngày nghỉ Tết, Chi cục giải quyết thủ tục cho 263 tờ khai, với tổng lượng hàng hóa 9.000 tấn, tổng kim ngạch gần 3,6 triệu USD, hàng hóa xuất nhập khẩu chủ yếu là nông sản.

(Nguồn: Soha)

BAO GIỜ ĐẤT VƯỜN LẠI “SỐT”?

Đây có lẽ là loại hình bất động sản (BĐS) chịu ảnh hưởng thanh khoản mạnh nhất từ thời điểm siết tín dụng đến nay.

Đất vườn từng sốt sau Tết 2022

Còn nhớ, đầu năm 2022, sau thời điểm Tết Nguyên đán, đất vườn và đất nông nghiệp xa trung tâm, diện tích lớn “điên đảo” trong cơn sốt. Giá liên tục tăng. Giao dịch diễn ra chóng vánh giữa các nhà đầu tư với nhau.

Những ngày sát Tết và ngoài Tết nguyên đán năm 2022, đất vườn tại khu vực như Ba Vì, Đắc Lắc, Đồng Nai, Bình Thuận, Ninh Thuận…lập mặt bằng giá mới. Các nhà đầu tư khắp nơi đổ về mua – bán. Không ít người kiếm tiền trăm đến hàng tỉ đồng nhờ buôn đất đất.

Thực tế, hiện tượng sốt đất vườn, đất nông nghiệp đã diễn ra từ cuối năm 2021 sau đợt dịch Covid-19 lần 4. Nhu cầu tìm mua đất vườn, thổ cư ngày càng tăng sau giai đoạn giãn cách xã hội đã đẩy giá đất các địa phương lân cận Tp.HCM, cũng như một số tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ tăng mạnh. Mức tăng thấp nhất từ 10%-20% trong vòng vài tháng. Thậm chí có khu vực mức tăng ghi nhận 50-60% trong vòng nửa năm.

Thời điểm đó, Lâm Đồng với những khu đất đồi ở Bảo Lộc, Bảo Lâm, Lâm Hà… giá liên tục nhảy múa. Đặc biệt trong 3 năm, giá đất những khu vực này tăng trung bình 7-8 lần, nhiều nơi tăng 10-15 lần dù là đất nông nghiệp hay thổ cư. Người dân ở khắp nơi, nhất là Tp.HCM đổ xô về đây nhằm tìm một mảnh đất để dành nghỉ dưỡng. Nhiều người nhanh tay thu gom những mảnh đất lớn, sau đó tiến hành phân lô, tách sổ diện tích từ 500-1.000 m2/nền để bán. Họ đã lời gấp nhiều lần so với giá mua trước đó.

Vào khoảng đầu năm 2022, thực tế tại một khu vực sát Tp.Bảo Lộc được biết, nếu có tầm tiền 3-4 tỉ đồng, nhà đầu tư phải đi xa hơn để mua đất vườn. Những vị trí sát Tp.Bảo Lộc rất khó để mua được đất đẹp có giá tầm này. Thời điểm đó, nhà đầu tư cũng khó mua được đất trực tiếp từ người dân tại khu vực. Sau khoảng thời gian, nhận thấy thị trường sôi động, tăng giá, nhiều người dân có đất đã “găm hàng” và chờ đợi. Họ căn theo giá thị trường để bán ra, hoặc bán giá cao, hoặc không bán.

Sau này, khi các cơ quan chức năng vào cuộc, tình trạng sốt nóng tại khu vực này mới hạ nhiệt.

Tình hình cũng diễn ra tương tự tại Định Quán, Đồng Nai. Nhiều mảnh đất vườn giá vài trăm triệu đồng/mảnh, tăng lên hàng tỉ đồng sau khoảng thời gian ngắn. Hiện tại, mặt bằng giá đứng im so với thời điểm giữa năm 2022, thậm chí một số khu vực nhà đầu tư đang rao bán dưới giá vốn, nhưng thanh khoản chậm.

Lịch sử “nóng sốt” có lặp lại?

Theo dự đoán của người trong cuộc, loại hình đất vườn, đất nông nghiệp sẽ mất nhiều thời gian để phục hồi hơn các loại hình BĐS khác.

Thực tế, có không ít nhà đầu tư thắng đậm khi đầu tư đất nông nghiệp, đất vườn nhưng cũng nhiều nhà đầu tư mắc cạn khi tham gia vào loại hình này. Rủi ro có thể đến từ việc đón đầu dự án, đón đầu quy hoạch nhưng trong nhiều trường hợp, quy hoạch không diễn ra hoặc chậm diễn ra khiến nhà đầu tư mắc kẹt, ở không được, bán cũng chẳng xong.

Theo Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính, sang năm 2023, khi có room tín dụng mới, thị trường BĐS sẽ dần phục hồi. Song, sẽ không có chuyện “sốt đất” xảy ra như đầu năm 2022. Dòng tiền room tín dụng mới tuy không nhiều nhưng giúp thị trường có thêm giao dịch từ người mua nhà thực và các nhà đầu tư BĐS nhỏ lẻ.

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương dự báo, năm 2023, thị trường bất động sản sẽ sang trang mới khi những vướng mắc về pháp lý được tháo gỡ; nhiều luật liên quan dự kiến được sửa đổi và thông qua như: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai.

Thị trường BĐS trong quý 1/2023 sẽ vẫn dễ thở, tuy nhiên giao dịch ít, chủ yếu vẫn là cuộc chơi của những nhà đầu tư bắt đáy. Nếu phía chủ đất giảm giá gặp nhà đầu tư có tiền mặt thì mới có giao dịch. Tuy nhiên, giá nhà phố sẽ không giảm, chỉ có giá đất nền, căn hộ chung cư có thể giảm khoảng 15%-20%.

Theo đánh giá của các chuyên gia, nền kinh tế Việt Nam sẽ bớt khó khăn từ quý 2 và có sự tăng trưởng tích cực từ quý 3 khi các dự án đầu tư công giải ngân và làn sóng vốn FDI đổ vào bắt đầu thấm dần vào nền kinh tế. Như vậy, phải bắt đầu từ quý 3/2023, các dự án BĐS mới bắt đầu rục rịch bán hàng trở lại.

Với dự báo như vậy thì khả năng cuối năm 2024 thị trường mới có thể phục hồi như bình thường. Tuy nhiên, để sôi động, mua bán đầu tư nhộn nhịp, giá tăng thì phải đến năm 2027, 2028. Còn các tháng đầu năm 2023, thị trường không sôi động như những năm trước nên khả năng không có đột biến nào về nguồn cầu.

Theo lý giải của các chuyên gia để tạo nên các cơn sốt đất thì thị trường cần có quá trình hội tụ nhiều yếu tố về cung cầu, thông tin, hạ tầng, dòng vốn…. Quá trình đó cần thời gian khoảng 4-5 năm.

Một chuyên gia trong ngành cho rằng, thị trường BĐS Việt Nam giai đoạn này hoàn toàn không lặp lại chu kỳ khủng hoảng giai đoạn năm 2012. Hiện nay, phát triển đô thị cao, đầu tư hạ tầng diễn ra mạnh, cùng với đó nhu cầu về nhà ở, đầu tư kinh doanh BĐS lại rất cao. Đây là những yếu tố tạo nên động lực lớn cho khả năng hồi phục của thị trường. Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư lại đang thận trọng hơn khi quan sát thị trường. Hơn nữa, thị trường thứ cấp (mua đi bán lại) cũng ảm đạm do siết dòng vốn tín dụng. Vì thế, việc mà sốt nóng BĐS ở giai đoạn này là khó xảy ra.

(Nguồn: CafeF)

(Xem thêm:

=> Vật vã mua vé máy bay; Tiêu dùng trực tuyến lên ngôi; Loạt đại gia vướng lao lý 2022; Môi giới BĐS nghỉ Tết dài ngày ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang