Xử 'trùm' website gái gọi; Nguy cơ trẻ bị xâm hại; Vụ bé 3 tuổi bị ép hút ma túy; Mẹ chồng gả con dâu đi bước nữa

“Ông trùm” website gái gọi và thuộc cấp lĩnh án

(Ảnh minh họa).

Lập trang website, tuyển gái bán dâm về trướng của mình rồi tổ chức cho “khách làng chơi” mua dâm tại các nhà nghỉ, “ông trùm” và thuộc cấp phải trả giá.

Ngày 19/5, TAND TP Hà Nội đưa bị cáo Dương Thị Tuyền (SN 1982, ở Đông Anh, Hà Nội) ra xét xử về tội “Chứa mại dâm”. Tuyền là chủ hai nhà nghỉ chứa mại dâm ở Đông Anh.

Theo hồ sơ vụ án, ngày 10/6/2022, Tổ công tác của Công an huyện Đông Anh tiến hành kiểm tra hành chính 2 nhà nghỉ do Dương Thị Tuyền làm chủ. Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tại 3 phòng có 3 đôi nam nữ đang thực hiện hành vi mua bán dâm. 3 gái bán dâm là Trần Thanh Giang, Lò Thị Vĩnh và Lương Thị Hồng Mỹ.

Đấu tranh tại chỗ, những người này khai vào nhà nghỉ để mua, bán dâm, giao dịch qua trang web “gái gọi đông anh.com”. Ngoài ra, ở 2 phòng khác còn 2 khách đang đợi gái bán dâm đến để mua dâm và 1 phòng có khách vừa mua bán dâm xong.

Quá trình điều tra đã xác định, khoảng tháng 6/2021, Nguyễn Hữu Hải (SN 1989, ở Bắc Giang) có bàn bạc, thống nhất với Vương Đăng Kiên (SN 1996, ở Bắc Giang) là Hải sẽ lên mạng internet thuê người lập trang web “gaigoidonganh.com”. Sau đó, họ sử dụng nhiều trang tài khoản Zalo khác nhau để đăng ảnh gái khiêu dâm kèm theo nhiều số điện thoại đường dây nóng. Mục đích để khách có nhu cầu mua dâm sẽ liên hệ với Hải.

Họ thuê một căn hộ ở Khu đô thị Dương Nội, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội để ở và làm địa điểm đặt máy tính, điện thoại để trả lời khách mua dâm. Trong đó, Hải có nhiệm vụ hướng dẫn khách mua dâm đến các nhà nghỉ, khách sạn có gái bán dâm hoạt động để lấy phòng. Sau khi thuê được phòng, khách mua dâm sẽ nhắn lại số phòng cho Hải, Hải sẽ thông báo cho Kiên qua ứng dụng Letstalk để Kiên điều gái bán dâm đến bán dâm cho khách và trực tiếp thu tiền.

Hải và Kiên thống nhất với gái bán dâm, một lần đi khách là 400.000 đồng/đi nhanh, 700.000 đồng/giờ và 1,5 triệu đồng/qua đêm. Gái bán dâm được hưởng 1/2 tiền bán dâm và chuyển khoản 1/2 số tiền còn lại cho Kiên qua tài khoản ngân hàng.

Sau khi nhận được tiền Kiên sẽ thanh toán 1/2 số tiền còn lại cho Hải bằng đồng tiền ảo USDT qua ví tiền điện tử Trust Wallet với mức quy đổi khoảng 23.000 đồng/1 USDT tùy từng thời điểm.

Còn Vương Đăng Kiên có nhiệm vụ tuyển gái bán dâm, đưa về các nhà nghỉ tại các khu vực xác định sẽ hoạt động mại dâm. Kiên đã liên hệ với Dương Thị Tuyền là chủ nhà nghỉ, đặt vấn đề cho gái bán dâm của Kiên thuê phòng ở và hoạt động tại nhà nghỉ của Tuyền. Mục đích là để thu hút khách vào nhà nghỉ nhằm hưởng lợi tiền thuê phòng…

Với hành vi nêu trên, Hải, Kiên, Long, Tuyền… bị HĐXX TAND huyện Đông Anh tuyên phạt mức án từ 30 tháng đến 48 tháng tù về tội “Môi giới mại dâm”, “Chứa mại dâm”. Cho rằng 36 tháng tù về tội “Chứa mại dâm” mà cấp sơ thẩm đã tuyên là quá nặng, bị cáo Tuyền đã kháng cáo xin giảm nhẹ.

Tại phiên tòa phúc thẩm tại TAND TP Hà Nội, bị cáo Tuyền thành khẩn khai báo hành vi của mình, tỏ ra ăn năn, hối hận. Bị cáo còn đưa ra một số tình tiết mới để xin giảm nhẹ: bản thân có bệnh ung thư, đã khắc phục hậu quả… nên được HĐXX cấp phúc thẩm chấp nhận kháng cáo, giảm cho bị cáo xuống còn 27 tháng tù./.

(Nguồn: Soha)

Nguy cơ trẻ em bị xâm hại do bố mẹ khoe các con trên mạng

Bố mẹ cần bảo vệ con trên môi trường internet, khai thác tốt thế mạnh của công nghệ, hạn chế cho trẻ tiếp xúc thông tin xấu độc...

Ngày 18/5, tại Hội nghị tập huấn Tháng hành động vì trẻ em năm 2023, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, nguy cơ trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng ngày càng phức tạp, khó lường.

Thời gian gần đây liên tục xảy ra tình trạng lừa đảo gọi điện báo con trẻ cấp cứu, yêu cầu phụ huynh chuyển tiền. Vấn đề là những thông tin rất riêng ở đâu ra để đối tượng lừa đảo lợi dụng? Thực tế cho thấy, không ít bố mẹ vẫn vô tư chia sẻ hình ảnh, thông tin con học trường nào, đang có hoạt động gì, thậm chí còn định vị địa điểm của con đăng tải lên mạng xã hội.

Theo ông Nam, mạng xã hội có hai mặt, chúng ta phải hiểu để khai thác mặt tích cực, như giải trí lành mạnh, kiến thức về bảo vệ trẻ em, và có biện pháp hạn chế tối đa mặt tiêu cực tới trẻ.

“Chúng ta không thể cấm trẻ sử dụng mạng internet hay mạng xã hội vì bố mẹ dùng hằng ngày. Vậy nên sẽ hiệu quả hơn khi bố mẹ có kiến thức để khai thác hiệu quả mạng xã hội”, ông Nam nói.

Theo ông Nam, vừa qua, Bộ Công an, Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Thông tin và Truyền thông đã hợp tác hình thành mạng lưới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Mạng lưới phối hợp này sẽ phát hiện, phòng ngừa, xử lý, gỡ bỏ nhanh nhất các nội dung, thông tin độc hại với trẻ em.

Dù vậy, trách nhiệm của gia đình, bố mẹ trong bảo vệ trẻ trên môi trường mạng rất quan trọng.

Cục trưởng Cục Trẻ em nêu thực tế, có cha mẹ vô tình làm lộ thông tin của con thông qua chụp bằng khen, giấy chứng nhận thành tích học tập với đầy đủ thông tin của trẻ, hoặc đưa ảnh các hoạt động gia đình lên mạng.

"Thông tin của trẻ lộ từ đấy, cha mẹ chưa nên đổ lỗi cho ai, cơ quan nào, mà chính từ gia đình. Trước tiên, bố mẹ, gia đình phải biết và có trách nhiệm bảo vệ trẻ em, phải học làm bố mẹ”, ông Nam nói.

Đại diện Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, năm 2022, bộ đã rà soát, ngăn chặn 18 nhóm trên mạng xã hội có nội dung xâm hại trẻ em. Các nhóm này có hơn 9,7 triệu thành viên, trong đó có 30% số thành viên tham gia các nhóm này là trẻ em, hơn 40% là thanh thiếu niên…

Để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, ngành Thông tin - Truyền thông sẽ tiếp tục rà soát, kiên quyết xử lý, gỡ bỏ các thông tin xấu độc trên mạng xã hội như Facebook, Youtube... Bộ cũng yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, Youtube tuân thủ pháp luật Việt Nam, có giải pháp quản lý các nội dung dành cho trẻ em.

Theo số liệu từ tổ chức ChildFund Việt Nam, năm 2023, Việt Nam có gần 78 triệu thuê bao internet, hơn 66 triệu tài khoản Facebook và hơn 49,8 triệu tài khoản Tiktok. Trong đó có 87% số tài khoản trên sử dụng internet hằng ngày, người dùng ngày càng trẻ hoá.

Khảo sát từ các tổ chức quốc tế cho thấy, tại 30 quốc gia được khảo sát, có 1/3 trẻ em nói đã bị bắt nạt qua mạng, hơn 750 nghìn cá nhân thực hiện tìm kiếm trên internet để kết nối với trẻ vì mục đích tình dục trên phạm vi toàn cầu.

(Nguồn: Vietnamnet)

Bé trai 3 tuổi nghi bị ép hút ma túy: Khởi tố người mẹ và nhân tình

(Ảnh minh họa).

Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố người tình và mẹ ruột bé T.N.A.T. (SN 2020 - ngụ huyện Hóc Môn) về tội hành hạ người khác.

Ngày 18/5, liên quan vụ bé trai 3 tuổi ở Hóc Môn nghi bị ép hút ma túy, trả lời VTC News, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP.HCM cho hay, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và lệnh tạm giam Lê Văn Bậm (SN 1979 - người tình của mẹ bé K.) về tội tàng trữ trái phép chất ma túy và tội hành hạ người khác.

Đồng thời, Cơ quan CSĐT cũng khởi tố bị can Nguyễn Thị Thảo Nguyên (SN 2000, mẹ ruột bé K.) về tội hành hạ người khác và ra quyết định thay thế biện pháp ngăn chặn từ tạm giữ sang cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can do Nguyên đang mang thai 31 tuần.

Như VTC News đưa tin, lúc 10h30 ngày 24/3, Công an TP.HCM tiếp nhận, giải quyết tin báo về tội phạm của anh T.M.T. (SN 1993) - cha ruột cháu bé về việc phát hiện các đoạn clip ghi lại cảnh con ruột của anh là bé T.N.A.T. (SN 2020) có dấu hiệu bị bạo hành và dụ dỗ, xúi giục sử dụng trái phép chất ma túy tại địa chỉ số 50/9 Hậu Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn.

Do mâu thuẫn gia đình nên từ năm 2021, vợ anh T. là Nguyễn Thảo Nguyên mang theo 2 con nhỏ (cháu T.N.A.N., SN 2018 và cháu T.N.A.T.) bỏ đi. Nguyên chung sống như vợ chồng với Lê Văn Bậm, thường trú đường Cách Mạng Tháng Tám, phường 15, quận 10).

Cuối năm 2022, sau khi nghe thông tin Nguyên sử dụng trái phép chất ma túy nên anh T. đã đến đón cháu T.N.A.N. về sống chung, riêng bé T.N.A.T. tiếp tục sống cùng với Nguyên và Bậm.

Đến 22/3, anh T. phát hiện đoạn clip quay lại hình ảnh nghi vấn cháu T.N.A.T. bị Nguyên và Bậm ép sử dụng ma túy nên trình báo cơ quan công an, đồng thời đăng tải các clip trên lên mạng xã hội.

Sau khi các đoạn clip ghi lại cảnh cháu T.N.A.T. có dấu hiệu bị bạo hành và dụ dỗ, xúi giục sử dụng trái phép chất ma túy được đăng trên mạng xã hội khiến dư luận phẫn nộ, Bậm và Nguyên đã xóa tài khoản Facebook, đưa cháu A.T. bỏ trốn.

Sau gần 2 ngày truy xét theo dấu vết “nóng” của 2 đối tượng trên tại các địa điểm nghi vấn, đến 15h30 ngày 26/3, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM phát hiện, bắt giữ Lê Văn Bậm và Nguyễn Thảo Nguyên khi đang lẩn trốn tại địa chỉ số 181/10 đường 355 ấp Hậu, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi.

Khám xét chỗ ở của Lê Văn Bậm, công an phát hiện, thu giữ 0,21g ma túy Methamphetamine cùng dụng cụ sử dụng trái phép chất ma túy và một số tang vật khác liên quan.

Xét nghiệm nhanh phát hiện Lê Văn Bậm và Nguyễn Thảo Nguyên dương tính với ma túy; riêng cháu T.N.A.T. âm tính với ma túy. Cháu bé được Công an TP.HCM đưa đi kiểm tra sức khỏe tại Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM với kết quả tình hình sức khỏe ổn định, chưa có dấu hiệu bất thường.

(Nguồn: VTC)

Mẹ chồng nặng lòng khi gả con dâu đi bước nữa, khóc suốt 10 ngày

Lê tâm sự, nhiều lúc cô còn thân với 2 mẹ chồng hơn cả mẹ ruột. 10 năm qua, Lê luôn biết ơn trước tình cảm và sự tử tế của 2 mẹ dành cho cô.

Mẹ chồng cũ nặng lòng, không nỡ gả con dâu đi

Nhân vật chính trong câu chuyện nhân văn này là Nguyễn Huỳnh Lê (29 tuổi), ở Bình Chánh, TPHCM. Chồng Lê mất khi cô vừa tròn 19 tuổi. Lê để tang chồng 3 năm, mỗi ngày đều siêng đi chùa, cúng cơm, ăn chay. Bà Nguyễn Thị Phụ (SN 1960, ở Bình Chánh) thương cảnh con dâu còn trẻ mà góa phụ nên đồng ý gả con đi bước nữa.

Mẹ chồng mới của Lê là bà Võ Thị Mỹ Nô (64 tuổi) rất thông cảm cho hoàn cảnh của của nàng dâu và chào đón Lê về nhà bằng tất cả tình thương.

Suốt hơn 10 năm làm dâu, Lê khắc ghi từng kỷ niệm, sự quan tâm của 2 mẹ dành cho cô. Nhớ năm 19 tuổi, Lê chân ướt chân ráo về gặp bà Phụ, cô lo lắng khi biết mẹ chồng là người vô cùng khó tính. Gặp chuyện không vừa ý, bà Phụ thường quăng đồ, trách mắng khiến Lê tủi thân khóc.

"Thôi xong, mẹ khó quá rồi. Nhiều khi mặt mẹ nghiêm lắm, lúc vui mẹ ừ, lúc không vui mẹ không trả lời luôn. Em lại không biết nữ công gia chánh nữa", Lê nhớ lại.

Bà Phụ cũng thừa nhận bản thân có phần khắt khe với nàng dâu: "Lúc đó nó nhỏ xíu, công chuyện nhà mình làm bù đầu bù cổ mà nó không biết cái gì hết". Về sau, bà Phụ nghĩ, thôi thì con trai phải thương dâu nữa, khó quá cũng tội con. Dần dần bà nhẹ nhàng hơn, chỉ bảo Lê làm từng thứ một.

Mấy năm sau ngày chồng qua đời, Lê về báo với mẹ đang quen một người đàn ông cùng huyện, giờ lỡ có em bé. Ban đầu bà Phụ hỏi dò: "Người đó có vợ chưa? Nếu có bầu thì cứ để mẹ nuôi". Nhưng phía nhà thông gia vẫn muốn được đón rước Lê về đàng hoàng. Nghe tin ấy, bà Phụ tuy vui nhưng nặng lòng, không nỡ để con đi.

"Nhà có 2 mẹ con, giờ tôi gả nó đi thì tôi nói chuyện với ai. Tôi cắn răng bảo con, thôi con ráng tìm hiểu tính tình hắn sao, tìm hiểu xong mới quyết định trả lời nhà người ta. Tôi sợ bên con dâu sau về bên đó nhà chồng mới không được như mình. Nếu dạy được thì dạy, không được thì gửi về tôi chứ đừng ăn hiếp, tội nó", bà Phụ rầu rĩ.

Ngày gả con đi, bà Phụ khóc suốt 10 ngày. Cứ dăm bữa, bà lại chạy xuống nhà chồng mới của Lê thăm hỏi vì nhớ quá.

Hai mẹ chồng thay phiên chăm cháu giúp nàng dâu

Về nhà chồng mới, Lê may mắn khi được cả nhà chồng bù đắp sự yêu thương. Trái ngược với mẹ chồng cũ, Lê cảm nhận mẹ chồng thứ hai vô cùng dễ tính. Lê không rành việc nhà, không biết chuyện cơm nước, bà Nô đứng ra quán xuyến hết, để cho con dâu ngủ tới tận trưa.

"Nó vụng về thiệt, nhưng nghĩ con làm dâu được mấy bữa, về lại ốm nghén, thôi tôi bảo để tôi làm hết. Nhà cửa, bếp núc, khỏi làm, thức dậy là có đồ khô mặc", bà Nô kể.

Thời điểm Lê mang bầu, 2 bà mẹ chồng túc trực chăm sóc, bồi bổ cho con dâu liên tục. Bà Phụ thường gọi hỏi Lê thích ăn gì mẹ mua. Biết Lê thích ăn cay, bà mua chục trái ớt trữ sẵn trong tủ lạnh, tới bữa cắt sẵn cho con ăn. Lê không thích ăn cơm, bà hiểu ý liền đổi sang bún gạo, thêm cả tôm, mực cho ăn. Ở cữ kiêng gội đầu, bà Phụ nấu nước trực tiếp gội luôn cho con dâu.

Đến khi đẻ bé thứ 2, Lê nhớ nhất kỷ niệm lần tắc tia sữa, chồng không ở cạnh, bà Nô đã không ngại "thông" luôn giúp con dâu. Hai đứa con của Lê đều do 2 bà nội chăm từ tấm bé. Thậm chí bé đầu rất quấn bà Phụ, tối nào bé cũng đòi lên nhà bà ngủ.

"Thằng cháu nội ruột mà nó không theo bà nội, nó theo tôi không à. Cứ ở bà nội nó quậy, còn lên tôi thì nó lại ngoan", bà Phụ nói.

Mối quan hệ giữa hai phía thông gia cũng rất khăng khít. Hai nhà gần nhau, bà Nô vẫn thi thoảng kêu bà Phụ qua chơi. Chồng mới của Lê cũng rất tâm lý, sợ bà Phụ nhớ con, nhớ cháu nên anh mua cả iPad, chỉ cho bà cách gọi video lúc rảnh.

Lê luôn cảm thấy biết ơn vì sự tử tế của chồng. Nàng dâu gửi lời nhắn nhủ tới ông xã: "Anh tốt với mẹ con tôi là điều quá bình thường, nhưng anh cũng tốt với cả mẹ Phụ luôn. Anh hay kêu về trên cho mẹ tiền đi em. Nhiều lúc tôi ngại, sợ anh suy nghĩ này kia, nhưng anh kêu cứ cho đi, ai cũng là mẹ, là cha. Anh không bao giờ tính toán hết. Tôi được như ngày hôm nay là nhờ anh, tôi rất thương và biết ơn anh".

(Nguồn: Kenh14)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang