Võ Văn Thưởng thôi chức Chủ tịch nước; Lại đề xuất 'cứu' BOT thua lỗ; Phố cổ Hội An gặp khó; Cao tốc Mai Sơn – QL45 lộ bất cập

TRUNG ƯƠNG ĐỒNG Ý ÔNG VÕ VĂN THƯỞNG THÔI CHỨC CHỦ TỊCH NƯỚC

Ban Chấp hành Trung ương đồng ý để ông Võ Văn Thưởng thôi giữ các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng khóa 13, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng An ninh nhiệm kỳ 2021-2026, theo nguyện vọng cá nhân.

Quyết định được Ban Chấp hành Trung ương thống nhất tại hội nghị bất thường chiều 20/3, sau khi xem xét đơn xin thôi giữ các chức vụ của ông Võ Văn Thưởng.

Thông cáo của Văn phòng Trung ương Đảng phát ngay sau cuộc họp cho biết Ban chấp hành Trung ương đánh giá ông Võ Văn Thưởng là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, được đào tạo cơ bản, trưởng thành từ cơ sở, được phân công giữ nhiều chức vụ lãnh đạo quan trọng.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, ông Thưởng đã vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

"Những vi phạm, khuyết điểm của ông Võ Văn Thưởng đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân. Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, ông Thưởng đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công và nghỉ công tác", thông cáo nêu.

Đây là hội nghị bất thường lần thứ 6 của Ban chấp hành Trung ương kể từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026.

Hơn một năm trước, ngày 2/3/2023, ông Võ Văn Thưởng lúc đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026, thay ông Nguyễn Xuân Phúc xin thôi nhiệm vụ. Chủ tịch nước là chức danh do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội, do đó quy trình miễn nhiệm Chủ tịch nước với ông Võ Văn Thưởng sẽ do Quốc hội thực hiện.

Ông Võ Văn Thưởng 54 tuổi, thạc sĩ Triết học, quê huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, là Chủ tịch nước trẻ tuổi nhất khi nhậm chức. Ông được bầu làm Ủy viên Trung ương dự khuyết khóa 10 lúc 36 tuổi; Ủy viên Trung ương ba khóa liên tiếp 11, 12, 13; đại biểu Quốc hội ba khóa 12, 14, 15; Ủy viên Bộ Chính trị hai khóa 12, 13.

LẠI ĐỀ XUẤT DÙNG HƠN 10.600 TỶ ‘CỨU’ BOT THUA LỖ

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa tiếp tục có tờ trình Chính phủ đề xuất giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại 8 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT (xây dựng- kinh doanh - chuyển giao). Ngoài mổ xẻ bệnh, bộ này cũng đưa phác đồ điều trị “bơm tiền”.

Chia 3 nhóm “bệnh”

Theo thông tin từ Bộ GTVT, về cơ bản, những khó khăn, vướng mắc hiện nay tập trung chủ yếu tại các dự án triển khai giai đoạn trước năm 2015. Đây là những dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác nhưng chưa thu phí, hoặc không thể thu phí do vị trí đặt trạm thu phí bị người dân phản đối hoặc dự án đã thu phí nhưng doanh thu thực tế thấp hơn 30% so với phương án tài chính của hợp đồng…

Bên cạnh đó, một số dự án BOT gặp vướng mắc về huy động vốn tín dụng (như Dự án BOT Xây dựng đường ven biển Hải Phòng); khó khăn về bố trí vốn tham gia của Nhà nước, công tác giải phóng mặt bằng, lãi suất vốn vay cao và biến động lớn; tỷ lệ vốn từ ngân sách nhà nước tham gia gặp khó khăn trong thu hút nhà đầu tư; chưa có hướng dẫn cụ thể đối với các dự án PPP đang triển khai buộc phải dừng thực hiện để chuyển sang đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước…

Để giải quyết những khó khăn tồn đọng lâu năm, Bộ GTVT đề xuất Chính phủ giải pháp tháo gỡ cho 8 dự án BOT theo 3 nhóm. Theo đó, nhóm thứ nhất là sửa đổi hợp đồng, bổ sung vốn ngân sách để hỗ trợ 2 dự án có doanh thu sụt giảm không có khả năng phục hồi với tổng nhu cầu vốn cần bố trí là 1.557 tỷ đồng.

Cụ thể, Bộ GTVT đề xuất bổ sung 522 tỷ đồng cho dự án BOT Xây dựng cầu Việt Trì - Ba Vì (cầu Văn Lang). Dự án này có tổng mức đầu tư đã được kiểm toán, quyết toán là 1.088 tỷ đồng. Dự kiến thời gian hoàn vốn khoảng 22 năm và hiện nhà đầu tư đã thống nhất giảm 50% lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu.

Với dự án BOT Đầu tư xây dựng cầu Thái Hà vượt sông Hồng (đường nối tỉnh Thái Bình, Hà Nam với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình), Bộ GTVT đề xuất bổ sung 1.024 tỷ đồng để hỗ trợ, thời gian hoàn vốn khoảng 25 năm.

Nhóm thứ hai mà Bộ GTVT đề xuất là điều chỉnh cơ chế hỗ trợ của Nhà nước. Giải pháp này áp dụng đối với dự án BOT Xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả. Theo đó, Bộ GTVT đề xuất bố trí khoảng 2.280 tỷ đồng từ nguồn thu phí trên đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan sang hỗ trợ dự án. Dự kiến thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 28 năm 4 tháng. Tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan sẽ nghiên cứu phương án thu phí nộp ngân sách.

Nhóm thứ ba gồm 5 dự án là BOT Nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 91, TP Cần Thơ (không được thu phí tại trạm T2), dự án BOT Xây dựng tuyến đường Thái Nguyên- Chợ Mới và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3 đoạn Km75 - Km100 (không được thu phí tại trạm Quốc lộ 3); Dự án BOT Nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn Km1738+148 - Km1763+610 (tỉnh Đắk Lắk), Dự án BOT Xây dựng cầu đường sắt Bình Lợi và cải tạo luồng sông Sài Gòn; Dự án Đường vành đai phía Tây TP Thanh Hóa đoạn Km0 - Km6. Với những dự án này, Bộ GTVT đề xuất Chính phủ bố trí hơn 6.810 tỷ đồng để chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.

Đảm bảo không phát sinh thêm lỗ

Ông Lê Thanh Vân - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, không nên dùng ngân sách để mua lại các dự án BOT. Theo ông Vân, dự án BOT thua lỗ, việc đầu tiên phải xem xét là trách nhiệm cá nhân, tập thể đã cho lập, thẩm định và quyết định triển khai dự án. Bên cạnh đó, trong dự toán chi ngân sách cho đầu tư công và chi thường xuyên cho phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đều không có dự toán cho việc mua lại các dự án BOT.

“Việc chi ngân sách để mua lại dự án BOT sẽ tạo tiền lệ xấu để nhà đầu tư cứ thực hiện dự án không hiệu quả là đẩy trách nhiệm sang Nhà nước”, ông Vân nói, đồng thời cho rằng, Chính phủ cần cân nhắc kỹ lưỡng đề xuất này, thậm chí nếu cần thiết cũng cần giải pháp “chấp nhận thà đau một lần”. Còn trong trường hợp quyết định mua lại được thực hiện, Bộ GTVT cần giải trình và đảm bảo rằng các dự án sẽ được quản lý và vận hành hiệu quả để tránh lỗ thêm trong tương lai.

Theo TS Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông, khi dự án BOT bị thất bại, giải pháp đưa ra thường là các bên tham gia dự án gồm Nhà nước, nhà đầu tư và ngân hàng phải chia sẻ rủi ro. Tuy nhiên, ngân hàng không ký hợp đồng với Nhà nước mà đứng sau nhà đầu tư, nên chỉ còn lại Nhà nước và nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án.

Ông Đức cho rằng, những khó khăn của các dự án BOT đang được đề xuất gỡ vướng có lỗi thuộc về phía Nhà nước, chẳng hạn như việc điều chỉnh quy hoạch. Ví như, trên 5km sông Hồng, đoạn chảy qua các tỉnh Hà Nam, Hưng Yên và Thái Bình, cơ quan chức năng đã phê duyệt đầu tư dự án BOT cầu Thái Hà rồi, nhưng tiếp tục phê duyệt đầu tư cầu Hưng Hà bằng vốn vay ODA dẫn tới người dân lựa chọn lưu thông miễn phí trên cầu Hưng Hà chứ không bỏ tiền đi qua cầu BOT Thái Hà. Do đó, theo ông Đức, Nhà nước nên tìm giải pháp để các nhà đầu tư đỡ thiệt thòi. Ngoài giải pháp mua lại dự án như đề xuất của Bộ GTVT, có thể áp dụng giải pháp kéo dài thời gian thu phí, đồng thời có thể giảm thuế, ưu đãi tín dụng hay sử dụng công cụ tài chính khác,…

PHỐ CỔ HỘI AN ĐỐI DIỆN NHIỀU THÁCH THỨC

Di sản Văn hóa thế giới - đô thị cổ Hội An đang tồn tại nhiều nguy cơ, thách thức lớn, trong đó có những nguy cơ đe dọa trực tiếp đến sự sống còn của di sản

UBND tỉnh Quảng Nam vừa trình Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa thế giới - đô thị cổ Hội An (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

4 nguy cơ, thách thức lớn

Theo nội dung đề án, thời gian qua, với sự nỗ lực của trung ương và địa phương, việc xây dựng và phát triển TP Hội An đạt được nhiều kết quả nổi bật, nhất là công tác bảo tồn, phát huy giá trị của đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hóa thế giới và Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù lao Chàm - Hội An. Hiện nay, Hội An đang là một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn của cả nước và thế giới, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, Quảng Nam trong thời kỳ hội nhập, phát triển.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, Hội An vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế sẵn có; công tác quy hoạch và huy động nguồn lực đầu tư không theo kịp yêu cầu của sự phát triển; chưa bảo đảm cân bằng giữa nhiệm vụ bảo tồn và phát triển; thiếu nguồn lực đầu tư để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của di sản. Đặc biệt, Hội An đang tồn tại nhiều nguy cơ, thách thức lớn, trong đó có những nguy cơ, thách thức đe dọa trực tiếp đến sự sống còn của di sản.

Đó là nguy cơ mất cân bằng giữa quy hoạch bảo tồn tài nguyên di sản văn hóa với phát triển du lịch - dịch vụ. Hiện nay, tài nguyên di sản văn hóa chủ yếu khai thác tập trung trong khu phố cổ trong khi quy mô khu phố cổ tương đối nhỏ. Nhu cầu đa dạng của du khách dẫn đến hệ thống công trình dịch vụ - du lịch ngày càng nhiều, tạo áp lực cho hạ tầng. Quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, một số công trình phục vụ du lịch áp sát khu phố cổ với sự khác lạ về công năng, quy mô, hình khối dẫn đến phá vỡ không gian vốn có, đối kháng giữa cũ và mới, làm suy giảm bản sắc riêng của đô thị di sản, mất dần bản sắc kiến trúc và hình thái đô thị đặc trưng vốn có...

Thứ hai, nguy cơ về sức ép môi trường như chất thải, khói bụi, hỏa hoạn, mối mọt, côn trùng gây hư hại công trình kiến trúc và thiên tai tác động của quá trình biến đổi khí hậu.

Thứ ba, nguy cơ tác động từ du lịch với biến đổi giá trị văn hóa. Đó là tình trạng biến dạng kiến trúc và công năng sử dụng di tích phục vụ mục đích kinh doanh du lịch. Sự biến động về cơ cấu dân cư, nghề nghiệp, môi trường sống, tâm lý xã hội... từ tình trạng thay đổi chủ sở hữu, cho thuê mặt bằng kinh doanh dẫn đến những biến đổi trong nếp nhà, lối sống, giềng mối cố kết cộng đồng cư dân phố cổ vốn được coi là hồn cốt của văn hóa Hội An.

Thứ tư, nguy cơ mất đi tính chân xác trong hoạt động bảo tồn di sản. Bởi Hội An là "bảo tàng sống", nhiệm vụ bảo tồn di sản phải gắn với đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân, vừa gắn với nhiệm vụ phát triển đa lĩnh vực về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường… vừa đòi hỏi giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa quan điểm về bảo tồn nguyên gốc với quan điểm bảo tồn thích nghi, phát triển bền vững.

Yêu cầu cấp thiết với Hội An

Trong nội dung đề án, mục tiêu tổng quát tỉnh Quảng Nam đưa ra là bảo vệ tính toàn vẹn, tính chân xác, giá trị nổi bật toàn cầu của di sản đô thị cổ Hội An; bảo đảm tính thống nhất và hài hòa giữa công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản với phát triển kinh tế - xã hội; góp phần tạo sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển tại khu vực vùng lõi, vùng đệm và khu vực xung quanh. Tiếp tục nghiên cứu, nhận diện những giá trị mới làm phong phú thêm giá trị lịch sử - văn hóa và giá trị đương đại của di sản.

Tỉnh Quảng Nam phấn đấu đến năm 2030, 100% di tích phố cổ Hội An đã được xếp hạng được trùng tu, tôn tạo; 100% di sản văn hóa phi vật thể và di sản tư liệu có giá trị được nhận diện, kiểm kê, quản lý bằng hồ sơ khoa học và bảo tồn, phát huy giá trị; 100% di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu được UNESCO ghi danh; di sản văn hóa phi vật thể được ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; các di tích xếp hạng được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số…

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An, cho biết tỉnh Quảng Nam xác định xây dựng Hội An trở thành thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch, hướng đến xác lập vai trò động lực trong phát triển du lịch - dịch vụ của khu vực duyên hải miền Trung và cả nước, vươn tầm ra khu vực châu Á, là điểm đến hấp dẫn của thế giới.

Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, nhìn nhận việc trình Thủ tướng phê duyệt đề án là rất quan trọng và có ý nghĩa vì Hội An là đô thị đặc thù, đô thị di sản. Đề án được phê duyệt là cơ sở pháp lý để hoàn thiện quy hoạch TP Hội An, xây dựng các cơ chế, chính sách bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới và phát triển TP Hội An trong thời gian tới theo hướng thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch theo đúng tinh thần Nghị quyết 31 của Tỉnh ủy Quảng Nam ban hành năm 2023.

Cần 1.670 tỉ đồng thực hiện đề án

Theo nội dung đề án, dự toán tổng kinh phí thực hiện là 1.670 tỉ đồng. Trong đó, nguồn vốn đầu tư công của trung ương, tỉnh Quảng Nam và TP Hội An 1.290 tỉ đồng; nguồn chi thường xuyên của tỉnh Quảng Nam và TP Hội An 180 tỉ đồng; nguồn vốn tài trợ, ODA 200 tỉ đồng.

CAO TỐC MAI SƠN - QL45 NHIỀU BẤT CẬP, NGUY CƠ TAI NẠN: CHỦ ĐẦU TƯ NÓI GÌ?

Theo Ban Quản lý dự án Thăng Long, hiện các nút giao trên cao tốc Mai Sơn - QL45 đang trong giai đoạn về đích, chuẩn bị hoàn thành đưa vào hoạt động nên việc hàng rào công trường lấn lòng đường cao tốc là khó tránh khỏi.

Liên quan đến thực trạng bất cập về hạ tầng đường sá và nguy cơ tai nạn giao thông trên tuyến cao tốc 2 làn xe /chiều Mai Sơn (Ninh Bình) - QL45 (Thanh Hóa) báo Tiền Phong đã phản ánh, đại diện Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ GTVT - chủ đầu tư) cho biết, dự án đã thông xe dịp 30/4/2023 và đến nay đã trải qua gần 1 năm khai thác .

Trong giai đoạn 1 của dự án (giai đoạn phân kỳ đầu tư), tuyến đường được Bộ GTVT đồng ý cho đưa cả 7 nút giao vào khai thác (Mai Sơn, Đồng Giao, Gia Miêu, Hà Lĩnh, Thiệu Giang, Đông Xuân, Đồng Thắng). Tuy nhiên, tại thời điểm thông xe hai nút giao Thiệu Giang (tại huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) và nút giao Đồng Thắng (huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) chưa thi công xong nên chưa thể đưa vào sử dụng cùng với thời gian thông xe của dự án.

Lý giải vì sao hai nút giao này chưa xong, đại diện Ban Quản lý dự án (QLDA) Thăng Long cho rằng, đây là 2 nút giao của giai đoạn hoàn thiện dự án (giai đoạn 2). Hiện, hai nút giao này được Bộ GTVT và Chính phủ đồng ý để UBND tỉnh Thanh Hóa làm chủ đầu tư và thi công, Ban QLDA Thăng Long chỉ giám sát việc thi công, đảm bảo công tác an toàn giao thông đối với hạ tầng, toàn bộ hành lang cao tốc.

Theo Ban QLDA Thăng Long, các dự án này đang trong giai đoạn về đích, chuẩn bị hoàn thành đưa vào hoạt động nên việc hàng rào công trường lấn lòng đường cao tốc là khó tránh khỏi. Với tình trạng xe công trường đi vào cao tốc, thậm chí công nhân thi công và người dân còn dỡ rào băng qua cao tốc, đại diện Ban QLDA Thăng Long cho biết, sẽ tăng cường kiểm tra, yêu cầu các đơn vị thi công có giải pháp ngăn chặn.

Cao tốc chỉ 2 làn xe và vẫn chưa có trạm dừng nghỉ

Đại diện UBND tỉnh Thanh Hóa cũng vừa cho biết, theo tiến độ cam kết từ nay đến 30/4, các nút giao trên sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng để tăng kết nối với cao tốc và chấm dứt tình trạng hàng rào thi công tồn tại trên cao tốc Mai Sơn – QL45 qua địa bàn Thanh Hóa. Lý giải về nút giao Thiệu Giang được cam kết tiến độ hoàn thành ban đầu là 31/12/2023 nhưng đến nay công trường vẫn ngổn ngang, đại diện UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, do vướng mặt bằng và hạn chế của một số đơn vị thi công nên đến nay dự án vẫn chưa được UBND huyện Thiệu Hóa (đơn vị được giao làm đại diện chủ đầu tư) hoàn thành.

Với nút giao Đồng Thắng, đại diện UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, địa phương đề xuất xây dựng để đưa vào sử dụng ở giai đoạn 1, còn công trình trong nút giao trong đó có cầu vượt đều do Ban QLDA Thăng Long thi công.

Cao tốc Mai Sơn (Ninh Bình) - QL45 (Thanh Hóa) đã thông xe được gần 1 năm (30/4/2023), đây là một trong những cao tốc chỉ 2 làn xe/ chiều đường và không có làn khẩn cấp. Toàn tuyến có 7 nút giao được Bộ GTVT duyệt cho triển đưa vào khai thác giai đoạn 1. Cùng với đó, Bộ GTVT cũng yêu cầu trong 6 tháng tuyến đường được thông xe, chủ đầu tư là Ban QLDA Thăng Long phải triển khai hệ thống trạm dừng nghỉ, tiếp nhiên liệu phương tiện, để khai thác tuyến đường đồng bộ, an toàn.

Tuy nhiên, đến nay đã một năm trôi qua, hiện mới chỉ có 5 nút giao được đưa vào hoạt động, hai nút giao gồm Thiệu Giang (do UBND huyện Thiệu Hóa thực hiện) và nút giao Đồng Thắng (do Ban QLDA Thăng Long thực hiện) vẫn chưa thi công xong, công trường đang chiếm dụng phạm vi cao tốc, gây ảnh hưởng đến tốc độ phương tiện (tốc độ xe được phép chạy đến 90km/h nhưng đoạn qua các công trường bị hạ xuống 40km/h) và an toàn giao thông.

Thậm chí, nhiều đoạn hàng rào lan can bảo vệ cao tốc còn đang bị cắt, đào, thay thế vào đó là hàng rào công trường được là những ụ nhựa được căng dây để liên kết với nhau trải dài hàng trăm mét trên đường cao tốc. Khi các công trường xây dựng hết ca, giờ làm công nhân thi công và người dân lại dỡ các hàng rào này để băng qua đường, rất nguy hiểm cho người đi bộ và phương tiện đi với tốc độ cao trên cao tốc. Với hệ thống trạm dừng nghỉ và tiếp nhiên liệu cũng chưa được chủ đầu tư triển khai, kể cả khi có chỉ đạo của Chính phủ thời gian qua.

Nguồn: Vnexpress; Tiền Phong; CafeF; Soha

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang