Shipper bị cướp xe và 80 đơn hàng; Xin nước rồi đánh chết cụ ông; Nhóm tín dụng xuyên quốc gia; Đường dây làm giấy khám sức khỏe giả

CẶP VỢ CHỒNG KHỐN KHỔ VÌ BỊ CƯỚP XE VÀ 80 ĐƠN HÀNG

Mất chiếc xe máy và thùng hàng hơn 80 đơn khiến hai vợ chồng nam shipper rơi vào hoàn cảnh khốn đốn. Định về thăm con gái và bố mẹ già trong dịp lễ nhưng giờ ý định đó sẽ không thực hiện được vì hai vợ chồng anh không có tiền.

Anh Huỳnh Văn Sơn (34 tuổi, quê Vĩnh Long) chính là nạn nhân bị mất chiếc xe và hơn 80 đơn hàng trong 1 đoạn clip được trích xuất từ camera của người dân. Sự việc xảy ra vào khoảng 12h trưa ngày 21/4, khi anh Sơn đang tranh thủ ngồi ăn trưa trên đường Hàng Tre (phường Long Thạnh Mỹ) thì bất ngờ tên cướp rồ ga chạy mất mang theo cả thùng hàng đang giao dở của anh Sơn.

“Lúc sáng tôi có giao được 25 đơn rồi, còn 81 đơn tôi định ăn sáng xong sẽ đi giao liền. Nghe người dân hô hoán, tôi chạy ra nhưng lúc đó không kịp, sự việc xảy ra một cách chớp nhoáng, chỉ tầm 10 giây”, anh Sơn kể.

Sau dịch Covid - 19, hai vợ chồng anh Huỳnh Văn Sơn “khăn gói” lên TPHCM để kiếm việc làm, cả hai bắt đầu với công việc làm nhân viên giao hàng. Tổng thu nhập hàng tháng của cả hai vợ chồng được ngót nghét hơn 10 triệu, phần để gửi về quê lo cho con cái học hành, nuôi bố mẹ già, phần để anh chị trang trải cho cuộc sống trên thành thị.

“Tháng này chắc phải đi vay mượn thêm để gửi về cho con học hành dưới quê rồi

Sống tạm trong căn nhà lợp mái tôn nóng bức, giá thuê mỗi tháng khoảng gần 2 triệu đồng. Cả căn phòng chắc được chiếc tủ lạnh là có giá trị nhất. Anh định ráng làm ở trên này có chút vốn rồi hai vợ chồng sẽ về quê đoàn tụ cùng con cái. Nhưng chẳng may lại xảy ra sự việc như thế, số tiền mất mát quá lớn so với khả năng kinh tế của hai vợ chồng.

“Xảy ra việc này là mất đi hơn nửa phần thu nhập rồi, chỉ có mình vợ tôi đi làm. Hai vợ chồng tối nào cũng buồn, làm đã không dư dả được bao nhiêu rồi giờ còn phải đi xoay sở vay mượn thêm nữa, thiếu thốn quá. Mình cũng khuyên vợ là việc đã xảy ra rồi thì giờ cố gắng làm để lấy lại thôi”, anh Sơn bùi ngùi chia sẻ.

Anh Sơn còn cho biết thêm, chiếc xe máy bị mất anh mua cách đây 4 năm với giá trị là hơn 50 triệu đồng, cộng thêm giá trị của 81 đơn hàng là 11.936.000đ. Vay mượn bạn bè xung quanh cũng hy vọng đủ để mua lại một chiếc xe khác, tiếp tục kế sinh nhai.

Từ hôm xảy ra sự việc đến nay, ngoài thời gian đi phụ vợ giao hàng, anh Sơn chỉ quanh quẩn ở trong nhà. Lúc nào cũng day dứt vì sự chủ quan của bản thân. “Không nghĩ là vì một lúc lơ là mà mình làm mất đi cả chén cơm của gia đình. Tháng này chắc phải xin chủ nhà khất tiền chồng qua 2 tháng luôn, rồi mượn thêm để gửi về cho con học hành dưới quê”, anh Sơn nói.

Chỉ còn vài hôm nữa là đến kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài 5 ngày, anh Sơn cùng vợ vốn dự tính sẽ về quê thăm con gái, bố mẹ nhưng với tình hình này chắc sẽ không về được nữa. Thậm chí anh còn dấu người thân chuyện mất tài sản vì không muốn họ thêm lo lắng. “Ông bà ngoại tuổi cao rồi, mình cũng không muốn ông bà lo lắng thêm rồi lại sinh bệnh. Tính lễ về quê thăm gia đình mà chắc phải nói dối là ở lại cày lễ thôi”, anh Sơn nghẹn ngào nói.

Bây giờ, hai vợ chồng anh chỉ hy vọng vay mượn đủ tiền để mua xe rồi tiếp tục đi làm chứ cũng không mong đợi gì nhiều.

BỰC TỨC VÌ KHÔNG XIN ĐƯỢC NƯỚC ĐÁ, TÊN CÔN ĐỒ ĐÁNH CỤ ÔNG TỬ VONG

Ngày 24/4, lãnh đạo UBND xã Phong Thạnh Đông (thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) xác nhận, cơ quan công an đang điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ án mạng xảy ra trên địa bàn, khiến một người tử vong.

Theo thông tin ban đầu, vào khoảng 20h ngày 23/4, T.V.G. (37 tuổi), ngụ ấp 11, xã Phong Thạnh Đông, thị xã Giá Rai đi vào nhà của ông T.V.T. (68 tuổi), ngụ ấp 12, xã Phong Thạnh Đông để xin nước đá uống.

Lúc này, ông T.V.T. nói nhà không có nước đá, chỉ có nước nóng, bất ngờ G. xông vào đánh ông T.

Sau khi đánh xong, G. bế ông T.V.T. vào nhà. Đến sáng 24/4, người nhà phát hiện ông T. tử vong. Vụ việc sau đó được gia đình trình báo với cơ quan chức năng.

Ngay sau khi nhận được tin báo, lực lượng công an địa phương phối hợp cùng Công an tỉnh Bạc Liêu và ngành chức năng có liên quan khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi để điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc.

Kết quả khám nghiệm tử thi bước đầu cho thấy, ông T. tử vong do tác động ngoại lực, dẫn đến gãy be sườn đâm vào phổi.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan công an đã bắt giữ T.V.G. để phục vụ công tác điều tra.

Ổ NHÓM TÍN DỤNG XUYÊN QUỐC GIA

Theo Cơ quan CSĐT, đây là nhóm tội phạm có tổ chức do người nước ngoài cấu kết với người Việt Nam, hoạt động xuyên quốc gia thu lợi bất chính số tiền đặc biệt lớn.

Ngày 24/4, thông tin từ Công an thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Công an quận 4 vừa phối hợp các đơn vị nghiệp vụ của Công an thành phố Hồ Chí Minh triệt phá băng nhóm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự xuyên quốc gia, thu lợi bất chính số tiền đặc biệt lớn.

Theo đó, qua công tác nghiệp vụ và tin báo tố giác tội phạm, Công an quận 4 phát hiện một nhóm chuyên cho vay nặng lãi. Nhóm này hoạt động có tổ chức, quy mô rất lớn, núp bóng dịch vụ cầm đồ, tư vấn tài chính.

Ban giám đốc Công an thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Công an quận 4 xác lập chuyên án để tập trung lực lượng, biện pháp xác minh, điều tra, xác định toàn bộ đối tượng, thủ đoạn hoạt động.

Qua điều tra, Công an quận 4 xác định nhóm cho vay lãi nặng này hoạt động tại Công ty TM 24H và Công ty ATM Online, thông qua trang web cho vay tiêu dùng trực tuyến trái pháp luật.

Cả hai công ty nói trên đều do Đỗ Minh Hải, 39 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh điều hành và cùng hoạt động tại địa chỉ 261 - 263 Phan Xích Long, phường 2, quận Phú Nhuận.

Để quản lý và điều hành, Hải thuê Trần Đình Triển, 50 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận làm Giám đốc, đại diện pháp luật Công ty TM 24H; Verevkin Vladimir, quốc tịch Nga, 34 tuổi, ngụ thành phố Thủ Đức làm giám đốc vùng tại Việt Nam.

Nguyễn Thị Thuý Diễm, 42 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai là Giám đốc khối vận hành và Đỗ Thị Minh Hiếu, 31 tuổi, ngụ tỉnh Lâm Đồng là Trưởng nhóm tư vấn, thẩm định vay.

Nhằm qua mặt lực lượng chức năng, các đối tượng hoạt động núp bóng doanh nghiệp tư vấn tài chính, dịch vụ cầm đồ; sử dụng công nghệ cao để thực hiện hoạt động cho vay trực tuyến, lưu trữ hồ sơ khách hàng trên mạng internet; không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh; lập các hợp đồng cho vay cầm cố, hợp đồng tư vấn, hợp đồng cầm cố tài sản (với nội dung thuê lại tài sản cầm cố) không có thật, nhằm chia nhỏ lãi suất thành lãi suất cơ bản nhỏ hơn 20%/năm; phí dịch vụ tư vấn, phí dịch vụ, phí nền tảng, phí cầm cố tài sản hơn 80%/năm.

Qua đó, hoạt động cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự của nhóm đối tượng trên không bị phát hiện trong một thời gian dài.

Theo cơ quan điều tra, bước đầu xác định Đỗ Minh Hải và đồng phạm đã cho vay trên 738.933 lượt vay, với tổng số tiền giải ngân hơn 3.900 tỷ đồng; tổng số tiền thu về là 4.600 tỷ đồng.

Ngày 26/3, Cơ quan CSĐT Công an quận 4 đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Đỗ Minh Hải, Trần Đình Triển, Verevkin Vladimir, Nguyễn Thị Thuý Diễm và Đỗ Thị Minh Hiếu.

Hiện Cơ quan CSĐT đang củng cố chứng cứ, mở rộng điều tra, xác định, làm rõ vai trò của các đối tượng có liên quan, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

BĂNG NHÓM LÀM GIẢ HÀNG NGHÌN GIẤY KHÁM SỨC KHỎE, CÓ CẢ BÁC SĨ VÀ BẢO VỆ

Lợi dụng nhiệm vụ được giao, bảo vệ cùng nhiều bác sĩ của trung tâm y tế ở Kiên Giang đã móc nối, làm giả hàng nghìn giấy khám sức khỏe để làm hồ sơ thi sát hạch lái xe.

Ngày 24/4, sau thời gian nghị án, TAND tỉnh Kiên Giang đã tuyên phạt 4 bị cáo là bác sĩ và bảo vệ Trung tâm Y tế huyện Gò Quao (TTYTGQ), cùng 4 bị cáo khác tổng cộng 68 năm tù về tội “giả mạo trong công tác”.

Theo cáo trạng, từ năm 2019 đến năm 2021, Trần Thanh Phong (43 tuổi), Huỳnh Long (45 tuổi), Lâm Thị Minh Phụng (53 tuổi) và Danh Chánh Tuy (56 tuổi) lợi dụng nhiệm vụ được giao nhằm mục đích vụ lợi cá nhân.

Trần Thanh Phong (khi đó là nhân viên bảo vệ TTYTGQ) đã trao đổi, thỏa thuận với các bị cáo Long, Phụng, Tuy (đều là bác sĩ TTYTGQ) để nhận làm giả giấy khám sức khỏe mà không có người đến khám trực tiếp, bổ sung hồ sơ thi sát hạch lái xe hạng A1. Những giấy khám sức khỏe "khống" này do 4 bị cáo khác "đặt hàng".

4 bị cáo đó là: Nguyễn Thị Huyền Nga, Lê Hoàng Xuân - cùng là cộng tác viên Trung tâm dạy nghề Thanh niên Kiên Giang; Nguyễn Chí Lợi và Lê Thị Hồng Gấm - là cộng tác viên Trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú Kiên Giang. Trung tâm dạy nghề Thanh niên Kiên Giang và Trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú Kiên Giang là những nơi có đào tạo lái xe.

Mặc dù biết không được phân công nhiệm vụ nhưng các bị cáo Long, Phụng và Tuy đã thực hiện việc ký xác nhận kết luận khống gần 1.700 giấy khám sức khỏe cho 4 bị cáo nói trên, thu lợi bất chính hơn 48 triệu đồng.

Riêng Phong, lợi dụng việc được giao giữ chìa khóa tủ con dấu của TTYTGQ, đã sử dụng dấu và đóng vào các giấy khám sức khỏe khống, thu lợi bất chính gần 23 triệu đồng.

Biết việc không trực tiếp đến khám sức khỏe là sai quy định, nhưng Nga, Lợi, Gấm, Xuân vẫn làm vì muốn thu hút học viên đến học lái xe, để được hưởng lợi trong quá trình dạy.

Bên cạnh việc "đặt hàng" nhóm Phong, Long, Phụng và Tuy như đã nói ở trên thì nhóm Nga, Lợi, Gấm, Xuân còn cấu kết riêng với Phong và Phụng, làm khống gần 750 giấy khám sức khỏe khác cho học viên dự thi giấy phép lái xe hạng A1. Việc này thu lợi bất chính gần 17 triệu đồng.

HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Phong 13 năm tù; 3 bị Phụng, Long, Nga mỗi bị cáo 12 năm tù; Tuy 8 năm tù, Lợi 7 năm tù, Gấm 3 năm tù và Xuân 1 năm tù về tội “Giả mạo trong công tác”.

Đồng thời, HĐXX buộc các bị cáo nộp lại số tiền thu lợi bất chính để sung vào công quỹ nhà nước.

Nguồn: Soha; Kenh14; Người Đưa Tin; Vietnamnet

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang