Nông sản trúng lớn; DN than trời vì chờ 'một cửa'; Chung cư bán chục năm vẫn 'chết lâm sàng'; 'Méo mặt' vay ngân hàng ôm đất

NÔNG SẢN TRÚNG LỚN, XUẤT SIÊU TĂNG GẦN 100%

Ba tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản, lâm thủy sản ước đạt 13,5 tỉ USD; xuất siêu 3,36 tỉ USD, tăng 96,5% so với cùng kỳ năm trước.

Theo thông tin Bộ NN&PTNT vừa công bố thì trong ba tháng đầu năm, các nhóm hàng nông sản xuất khẩu đều tăng so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, xuất khẩu nông sản tăng hơn 31% với kim ngạch 7,46 tỉ USD; lâm sản tăng gần 19% với 3,61 tỉ USD; thuỷ sản tăng nhẹ 1,9% với 1,86 tỉ USD; chăn nuôi 113 triệu USD, tăng 4,8%; đầu vào sản xuất 481 triệu USD, tăng 8,3%.

Bộ NN&PTNT cho hay, quý 1, đã có bốn mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỉ USD. Đó là gỗ 2,32 tỉ USD; rau quả 1,23 tỉ USD; gạo 1,37 tỉ USD; cà phê 1,9 tỉ USD.

Đáng chú ý, giá xuất khẩu bình quân một số nông sản cũng tăng. Giá gạo xuất khẩu tăng 5% đạt 661 USD/tấn; giá cà phê tăng gần 7% với hơn 2.300 USD/tấn; giá cao su tăng hơn 5% với gần 1.500 USD/tấn; giá hạt tiêu tăng chóng mặt tới 35% với hơn 4.100 USD/tấn.

Thị trường xuất khẩu tiếp tục được đa dạng, nhưng tập trung vào ba thị trường truyền thống là Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản. Giá trị xuất khẩu sang thị trường trung Quốc (chiếm 20,2%) tăng 18%; Hoa Kỳ (chiếm 19,9%) tăng 28%; Nhật Bản (chiếm 7%) tăng 4,6%.

Tại thị trường trong nước, giá các mặt hàng nông sản không có biến động lớn. Trong tháng 3, giá lúa tiếp tục giảm ở các tỉnh miền Tây. Giá lúa IR50404 là 7.540 đồng/kg, giảm 7,8% so với tháng trước; giá lúa OM5451 là 7.457 đồng/kg, giảm 7,2% so với tháng trước.

Thị trường trái cây giảm so với tháng trước do cầu tiêu thụ giảm. Xoài cát Hòa Lộc tại Tiền Giang là 54.000 đồng/kg, giảm 7.867 đồng/kg; thanh long ruột đỏ giảm 1.357 đồng/kg, xuống còn 27.643/kg và thanh long ruột trắng giảm 738 đồng/kg, xuống còn 24.929 đồng/kg.

Giá heo hơi có tín hiệu tốt khi giá có xu hướng tăng ở cả ba miền với mức tăng trung bình 1.000-2000 đồng/kg.

Giá tôm thẻ chân trắng (loại 55 con/kg) là 160.556 đồng/kg (giảm 5,6% so với tháng trước); giá cá tra là 28.000 đồng/kg, (tăng 4,5% so với tháng trước).

DOANH NGHIỆP THAN TRỜI VÌ CHỜ ĐỢI ‘MỘT CỬA’

Tổng giám đốc Khu công nghiệp Long Bình (Loteco) đề nghị tỉnh Đồng Nai rà soát lại quy trình và thời gian cấp phép theo cơ chế một cửa. Hiện Loteco và một số khách hàng của Loteco đang gặp nhiều khó khăn khi hồ sơ nộp lên một cửa.

Ngày 28.3, UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức Hội nghị gặp gỡ, trao đổi với các doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh.

Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp đã phản ánh những khó khăn, vướng mắc, bất cập ở nhiều vấn đề và mong tinh Đồng Nai hỗ trợ, tháo gỡ.

Cụ thể, ông Atsumi Kazuhiko, Tổng giám đốc Khu công nghiệp Long Bình (Loteco) đề nghị tỉnh Đồng Nai rà soát lại quy trình và thời gian cấp phép theo quy trình một cửa. Loteco và một số khách hàng của Loteco đã và đang gặp nhiều khó khăn khi hồ sơ nộp lên một cửa.

"Chúng tôi nộp hồ sơ xin ý kiến cục thuế về việc công trình có phải đóng thuế hay không. Chúng tôi được biết quy trình chỉ 5 ngày nhưng hồ sơ của Loteco và một số khách hàng đã kéo dài gần 3 tháng. Chúng tôi hỏi Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) thì nhận được trả lời là chưa có ý kiến từ cục thuế", ông Atsumi Kazuhiko nói.

Vì vậy, ông Atsumi Kazuhiko đề nghị cần phải kiểm tra, giám sát quy trình một cửa sao cho hiệu quả nhất. Nếu tình trạng này tiếp tục xảy ra thì doanh nghiệp không biết phải liên hệ cơ quan nào để giải quyết.

Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Tấn Phát, đại diện Công ty Terumo BTC Việt Nam (Khu công nghiệp Long Đức) phản ánh quá trình lắp đặt điện mặt trời áp mái gặp khó khăn, ách tắc. Tình trạng này không chỉ xảy ra với Terumo BCT Việt Nam mà còn nhiều doanh nghiệp khác tại Khu công nghiệp Long Đức. Công ty Terumo BCT Việt Nam đề nghị các ngành chức năng Đồng Nai tiến hành thanh, kiểm tra việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái tại Khu công nghiệp Long Đức.

Ngoài ra, hội nghị cũng ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Amata, Khu công nghiệp Sông Mây phản ảnh việc chậm được bàn giao đất để doanh nghiệp mở rộng sản xuất. Và một số ý kiến về các vấn đề khác lưu trú của chuyên gia, thủ tục thuế…

Thuế "đổ" qua, Sở Tài nguyên - Môi trường "đá" lại

Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã trực tiếp giải đáp nhiều thắc mắc của doanh nghiệp. Bà Hoàng yêu cầu các sở, ngành liên quan trả lời, giải đáp những thắc mắc của doanh nghiệp.

Theo Ban quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai, tỉnh gặp nhiều khó khăn liên quan đến giải phóng mặt bằng tại Khu công nghiệp Amata, Khu công nghiệp Sông Mây. Hiện trên phần đất đã quy hoạch khu công nghiệp còn nhiều hộ đang sinh sống.

Đối với việc lắp đặt điện năng lượng mặt trời áp mái, Ban quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai cho hay đến nay đã cấp phép cho 28 doanh nghiệp và đang tiếp tục giải quyết hồ sơ của các doanh nghiệp khác.

Về vấn đề của Loteco, ông Nguyễn Văn Viện, Phó cục trưởng Cục Thuế Đồng Nai giải thích do hồ sơ còn thiếu nên đã chuyển lại Văn phòng Đăng ký đất đai (thuộc Sở TN-MT) đề nghị bổ sung.

Tuy nhiên, ông Trần Trọng Toàn, Phó giám đốc Sở TN-MT Đồng Nai lại cho rằng thời gian Cục Thuế Đồng Nai phản hồi rất chậm, có khi 2 - 3 tháng trong khi quy trình tại Sở TN-MT Đồng Nai gửi qua là đề nghị trong vòng 5 ngày Cục Thuế Đồng Nai phải có ý kiến.

CHUNG CƯ BÁN GẦN CHỤC NĂM VẪN 'CHẾT LÂM SÀNG', NGƯỜI MUA NGÓNG TỪNG NGÀY XÂY LẠI

Mua căn hộ tại dự án Park Vista, huyện Nhà Bè, TP.HCM từ năm 2016 nhưng đến nay, hàng trăm khách hàng vẫn chưa nhận được nhà do chủ đầu tư vướng loạt sai phạm.

Dự án 'đứng hình', chủ đầu tư liên tục thất hứa

Bảy năm qua, bà L.K.P (ngụ Q.7, TP.HCM) không nhớ rõ đã bao nhiêu lần cùng với những người mua nhà tại dự án Nhà ở tái định cư kết hợp kinh doanh tại Phân khu 11b đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM (tên thương mại là Park Vista) đi đòi nhà.

Dự án này có quy mô 680 căn hộ, do Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại sản xuất Xây dựng Đông Mê Kông (Công ty Đông Mê Kông) làm chủ đầu tư. Mở bán từ năm 2016 và dự kiến bàn giao nhà vào năm 2019, thế nhưng đến nay dự án Park Vista vẫn chưa hoàn thành.

Chia sẻ với PV VietNamNet, bà P. cho biết năm 2017 bà ký hợp đồng mua căn hộ tại block B dự án Park Vista, giá 1,7 tỷ đồng với Công ty Đông Mê Kông. Sau khi thanh toán 500 triệu đồng, bà làm thủ tục vay vốn ngân hàng nhưng bị từ chối vì dự án chưa đáp ứng thủ tục pháp lý.

Tương tự bà P., nhiều khách hàng khác cũng đã thanh toán tiền mua căn hộ cho Công ty Đông Mê Kông đúng thoả thuận theo hợp đồng mua bán. Tuy nhiên, những gì họ nhận lại từ chủ đầu tư là không ít lần thất hứa về thời điểm thi công trở lại, thời hạn bàn giao nhà.

Ông M.S.H. (ngụ Q.7) chia sẻ, ông mua căn hộ tại block E dự án Park Vista từ giữa năm 2017 với giá 1,8 tỷ đồng. Dự án khởi công từ năm 2016 và đến năm 2018 thì “đứng hình”, trong khi ông và nhiều khách hàng khác vẫn thanh toán tiền đều đặn.

Ông H. cho hay, từ giữa năm 2019, chủ đầu tư ngưng thi công dự án. Trong nhiều buổi tiếp xúc với khách hàng sau đó, Công ty Đông Mê Kông hứa sẽ thi công trở lại nhưng hết lần này đến lần khác vẫn không thực hiện. Đến nay, dự án chưa có dấu hiệu tái khởi động.

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, dự án Park Vist mới chỉ thi công phần thô block A đến tầng 17, block B đến tầng 18, block E đến tầng 14, block F đến tầng 12. Bên cạnh đó, block C và D mới chỉ ép cọc, chưa thi công hầm.

Những sai phạm của Công ty Đông Mê Kông tại dự án Park Vista từng được Thanh tra TP.HCM kết luận vào năm 2020.

Cụ thể, chưa được cơ quan thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng Công ty Đông Mê Kông đã thế chấp gần 23.000m2 đất thuộc Phân khu 11B cho Ngân hàng VPBank vào năm 2016.

Ngoài ra, chủ đầu tư đã bán 289 căn hộ tại dự án Park Vista khi chưa được cơ quan thẩm quyền xác nhận đủ điều kiện mở bán. Đồng thời, Công ty Đông Mê Kông hợp tác cùng CTCP Kinh doanh Quốc tế Anpha bán 298 căn hộ tại dự án nhưng không kê khai doanh thu, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trong khi chờ xác định lại giá trị quyền sử dụng đất tại dự án, Thanh tra TP.HCM yêu cầu Công ty Đông Mê Kông nộp 50 tỷ đồng theo thông báo của Cục thuế TP và quyết định thu hồi tiền của cơ quan thanh tra.

Chủ đầu tư còn nợ hơn 200 tỷ đồng tiền sử dụng đất

Tháng 8/2023, UBND TP.HCM đã có chỉ đạo sau cuộc họp nghe báo cáo về việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của Công ty Đông Mê Kông tại dự án Park Vista.

Thực hiện chỉ đạo, ngày 18/9, các cơ quan liên quan đã có cuộc họp và thống nhất đề nghị chủ dự án Park Vista nộp cho đủ 289 tỷ đồng tiền sử dụng đất, làm cơ sở để Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND TP.HCM giải quyết dứt điểm vướng mắc.

Về 289 tỷ đồng tiền sử dụng đất của dự án Park Vista, ông Trần Mạnh Thắng, Giám đốc Công ty Đông Mê Kông cho biết công ty đã nộp 81,5 tỷ. Còn gần 208 tỷ, công ty chưa rõ sẽ nộp cho cơ quan nào.

Theo ông Thắng, nếu phải nộp 50 tỷ đồng theo kết luận của Thanh tra TP.HCM thì đề nghị cơ quan này ban hành thông báo số tiền và tài khoản để công ty thực hiện. Còn 158 tỷ đồng, công ty đã đề nghị Cục thuế TP.HCM có văn bản hướng dẫn để công ty chấp hành.

Tuy nhiên, ông Thắng phân bua, công ty đang gặp vướng mắc, như: Tháng 5/2019, Cục Thuế TP.HCM đã có quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp thông báo hoá đơn công ty không còn giá trị sử dụng; hay tháng 10/2018, Chi cục Thuế huyện Nhà Bè ra quyết định cưỡng chế thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản ngân hàng của công ty.

“Việc huy động số tiền lớn này để nộp thuế, trong hoàn cảnh hiện tại của doanh nghiệp, là rất khó khăn. Nếu bị ngăn chặn hoá đơn, cưỡng chế thuế, phong toả tài khoản thì công ty khó huy động vốn từ các kênh chính thống. Do đó, rất cần được cơ quan thuế cho phục hồi các tài khoản ngân hàng và thông báo hoá đơn có giá trị sử dụng”, đại diện Công ty Đông Mê Kông nói.

Đến nay, gần nửa năm trôi qua theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, nhưng các vướng mắc pháp lý tại dự án Park Vista vẫn chưa có hướng tháo gỡ.

Mới đây, đại diện hơn 300 người mua nhà tại dự án Park Vista đã có đơn kiến nghị lãnh đạo UBND TP.HCM xem xét, có hướng chỉ đạo Cục Thuế TP và Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn Công ty Đông Mê Kông thực hiện nghĩa vụ tài chính 289 tỷ đồng, sớm khởi động lại dự án.

NHÀ ĐẦU TƯ “MÉO MẶT” VAY NGÂN HÀNG ÔM ĐẤT NGỘP CHỜ HƯỞNG CHÊNH LỆCH

Lãi suất xuống sâu, đất giảm giá khiến không ít nhà đầu tư “tất tay” để ôm hàng chờ thời. Nhiều người kì vọng giá đất nền sẽ bật tăng nhanh trở lại vào trong vòng 06 tháng đến 1-năm tới. Thế nhưng, không phải trường hợp nào vay ngân hàng ôm đất giá ngộp cũng suôn sẻ.

Theo ghi nhận, thời gian vừa qua khi thị trường đất nền có tín hiệu hồi phục sức cầu ở một vài khu vực cũng là lúc nhà đầu tư “nhấp nhổm” muốn lướt chênh. Tìm kiếm các nền đất giá ngộp, giảm từ 300-500 triệu so với giá thị trường, không ít nhà đầu tư (bao gồm cả môi giới) đã chấp nhận “tay không bắt giặc”. Nghĩa là, nhà đầu tư vay ngân hàng với tỉ lệ cao kì vọng sẽ ra được sản phẩm giá chênh tốt khi thị trường phục hồi hoặc dự tính lướt sóng từ 3-6 tháng. Tính toán mức lợi nhuận và số tiền phải trả ngân hàng hàng tháng, nhiều người cho rằng, mức hưởng chênh lệch khi giá đất tăng vẫn khá tốt, nhất là lúc mà lãi suất vay đang thấp như hiện nay.

Thế nhưng, theo tìm hiểu, không ít người “méo mặt” khi chỉ ôm đất được vài tháng là phải bán ra. Số khác dù đã xác định đầu tư 1-2 năm nhưng cũng “nóng lòng” vì số tiền vay ngân hàng lớn nhưng khó xác định được thời điểm đất bật tăng giá. Theo đó, gần đây thị trường đất nền phía Nam đã xuất hiện tình trạng, nhà đầu tư “thoát hàng giá ngộp”, nghĩa là đã mua được sản phẩm giá tốt nhưng vẫn phải bán ra với giá thấp hơn giá mua vào trong vài tháng.

Một số nhà đầu tư không đủ dòng tiền để ôm đất trong lâu dài. Trường hợp vay ngân hàng dù lãi suất thấp nhưng thu nhập không ổn định cũng khiến nhà đầu tư khó cầm cự. Chưa kể, tín hiệu thị trường đất nền khó khởi sắc trong ngắn hạn cũng là nguyên nhân khiến một số nhóm đầu tư phải ra hàng sớm hơn dự định. Mặc dù ngay từ ban đầu nhà đầu tư có tính toán đến lãi suất để trả cho khoản vay thấp hơn mức độ tăng giá đất trong tương lai nhưng mức độ tăng giá cũng chỉ là phỏng đoán của nhà đầu tư; còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác của thị trường. Trong bối cảnh nhìn chung còn khó khăn, việc vay ngân hàng với tỉ lệ cao để ôm nhà đất rất dễ mang lại rủi ro cho nhà đầu tư.

Gần đây, một số môi giới kiêm nhà đầu tư đất nền cũng bắt đầu “canh me” các sản phẩm giá tốt rồi sẵn sàng vào “ôm”. Nếu lướt được sóng hưởng chênh lệch liền tay là điều tốt. Nếu không lướt được, môi giới sẽ vay ngân hàng để “xuống tiền” và chờ thêm thị trường. Theo phân tích của một chuyên gia trong ngành, không phải trường hợp ôm đất nào cũng bán ra suôn sẻ, đặc biệt là hầu hết phải đi vay ngân hàng với tỉ lệ cao thì thời gian cầm cự của nhà đầu tư chắc chắn không dài. Trong bối cảnh thị trường đất nền chỉ mới thoát giai đoạn “ngủ đông”, khó sốt nóng trở lại thì việc vay ngân hàng ôm đất kì vọng hưởng chênh lệch cao là điều không dễ.

Hiện thị trường đang có tín hiệu tốt lên, thậm chí tín hiệu nhanh hơn dự đoán trước đó nên nhà đầu tư mang kì vọng rằng đất nền sẽ có sự bứt phá về giá từ giữa năm 2024 trở đi. Trong 3 tháng đầu năm 2024, thị trường đất nền xuất hiện các nhóm đầu tư “cá mập” đi săn đất nền số lượng lớn. Động thái này được kì vọng sẽ đẩy chu kỳ tăng giá đất nền đến sớm hơn.

Tuy vậy, theo vị chuyên gia này, sự phục hồi chung toàn thị trường còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó liên quan đến thu nhập, dòng tài chính của người dân và cả niềm tin vào thị trường. Vì thế, nhà đầu tư nên cân nhắc sử dụng đòn bẩy tài chính với tỉ lệ cao để vào thị trường ở giai đọan này.

Dự đoán về diễn biến của phân khúc đất nền trong thời gian tới, ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc Mảng dịch vụ tư vấn & Phát triển dự án DKRA Group cho rằng, với Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Đất đai Luật Đất đai đã được thông qua gần đây, hoạt động phân lô bán nền sẽ được quản lý chặt chẽ hơn.

Cụ thể, luật mới quy định, không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản cho cá nhân xây dựng nhà ở thuộc khu vực phường, quận, thành phố của đô thị loại đặc biệt, loại I, loại II và loại III; thuộc trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất để đầu tư dự án xây dựng nhà ở theo quy định của Luật Đất đai.

Đối với các khu vực còn lại, UBND cấp tỉnh căn cứ điều kiện của địa phương để xác định các khu vực chủ đầu tư dự án được chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật cho cá nhân tự xây dựng nhà ở.

Điều này cho thấy Nhà nước đã bắt đầu siết chặt, hướng tới hạn chế việc phân lô bán nền. Vì thế, trong tương lai khi thị trường hồi phục trở lại (giai đoạn 2025 - 2026) đất nền sẽ có cơ hội tăng giá với mức độ nhất định. Thế nhưng, khác với những chu kỳ trước, ở chu kỳ bất mới lần này sẽ không còn hiện tượng sốt ảo đất nền, giá tăng nóng nhằm hạn chế xảy ra tình trạng bong bóng bất động sản. Việc nhà đầu tư kì vọng quá lớn vào việc bùng nổ giá đất nền cũng khó diễn ra trong giai đoạn tới.

Nguồn: Pháp Luật; Thanh Niên; Vietnamnet; CafeF

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang