Ngôi nhà 'án ngữ' giữa đường; Học sinh ngất tại sân trường rồi tử vong; 'Máu rừng' xứ Thanh vẫn chảy

Lý do ngôi nhà 'án ngữ' giữa đường ở Quảng Ninh

Ngôi nhà 'án ngữ' giữa đường ở TX Đông Triều (Quảng Ninh) xuất phát từ việc chưa thống nhất trong phương án bồi thường đất và tái định cư năm 2021.

Trao đổi với VietNamNet, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất TX Đông Triều Lưu Trường Sơn thông tin, dự án đường nối ngã ba đường tránh Hưng Đạo đến khu đô thị Hồng Phong phải thu hồi đất của 151 hộ gia đình, cá nhân và tổ chức (gồm 99 hộ dân và tổ chức tại phường Hưng Đạo và 51 hộ dân tại phường Hồng Phong).

Đa số đều là đất trồng cây lâu năm, chỉ có 3 hộ gia đình ảnh hưởng đất ở, trong đó có gia đình bà Nguyễn Thị Luyến (65 tuổi, khu Mễ Xá 2, phường Hưng Đạo).

Theo Trung tâm phát triển quỹ đất TX Đông Triều, đã có 150/151 hộ dân bàn giao mặt bằng để phục vụ việc thi công dự án và đưa vào sử dụng tuyến đường. Hiện tại chỉ còn gia đình bà Nguyễn Thị Luyến chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, bàn giao mặt bằng.

Cũng theo ông Sơn, toàn bộ 305m2 đất của gia đình bà Luyến thuộc diện thu hồi với đơn giá bồi thường là 8,7 triệu/m2, căn nhà 2 tầng với 175m2 diện tích mặt sàn bồi thường 1,2 tỷ cùng cây trồng trên đất. Tổng số tiền chính quyền bồi thường cả diện tích đất thu hồi và cơ sở vật chất trên đất là hơn 4 tỷ đồng nhưng gia đình bà Luyến không đồng ý.

Về việc tái định cư, nhà bà Luyến có 2 thế hệ chung sống nên thuộc diện được 2 suất tái định cư. Năm 2021, UBND TX Đông Triều đã bố trí 2 khu vực tái định cư cho gia đình bà Luyến bằng với diện tích đất bị thu hồi. Khu vực tái định cư này gần Trung tâm Y tế TX Đông Triều, tuy nhiên, do thấy chưa phù hợp nên chính quyền thị xã đã huỷ bỏ và bố trí tái định cư cho gia đình bà Luyến ở khu dân cư phía Bắc trụ sở UBND phường Hưng Đạo.

Tại đây, cả 2 suất đất tái định cư đều ở vị trí có 2 mặt tiền với đơn giá bằng đơn giá bồi thường là 8,4 triệu/m2. Gia đình bà Luyến không đồng ý mà muốn được bố trí 2 suất tái định cư có vị trí đẹp nhất khu dân cư phía Bắc với đơn giá khoảng 14 triệu/m2 nhưng không phải nộp thêm tiền.

Ngoài ra, bà Luyến cho rằng, khu dân cư phía Bắc chưa có cơ sở hạ tầng như điện, nước và tình trạng đổ rác thải xây dựng khiến mặt bằng không đảm bảo. Vấn đề này, ông Sơn thừa nhận là có và đang khắc phục.

"Phía chính quyền tạo mọi điều kiện, động viên gia đình bà Luyến nhận tiền bồi thường, ngoài ra sẽ dùng nguồn vốn xã hội hóa để chi trả tiền thuê nhà ở tạm trong thời gian chờ xây xong nhà mới nhưng gia đình bà Luyến vẫn không đồng ý", ông Sơn cho biết.

Sang tuần, lãnh đạo UBND TX Đông Triều sẽ có buổi đối thoại với gia đình bà Luyến để giải quyết việc này. Trong trường hợp gia đình bà Luyến vẫn không đồng ý với phương án bồi thường, tái định cư, chính quyền thị xã sẽ huỷ bỏ quyết định phê duyệt phương án và quyết định thu hồi đất của năm 2021, làm lại quy trình từ đầu để đủ điều kiện cưỡng chế.

Còn theo bà Nguyễn Thị Luyến, với đơn giá bồi thường đất là 8,7 triệu/m2 và sang khu tái định cư ở khu dân cư phía Bắc phải mua với giá hơn 14 triệu/m2, gia đình bà không đủ kinh tế để bù thêm tiền và xây nhà mới.

"Tôi rất mong chính quyền thị xã Đông triều giải quyết thỏa đáng để 11 người trong gia đình tôi có chỗ ở mới, không phải lo lắng khi sợ ngày nào đó ô tô sẽ húc vào nhà, đêm ngủ cũng không ngon giấc vì tiếng xe", bà Luyến nói.

Như VietNamNet đã đưa tin, tại tuyến đường liên xã, phường Hưng Đạo, TX Đông Triều đoạn qua khu Mễ Xá 2 xuất hiện một ngôi nhà 2 tầng chiếm gần hết lòng đường khiến giao thông đi lại qua đây khó khăn.

Ngôi nhà này chỉ cách cổng trụ sở UBND phường Hưng Đạo khoảng 30m và thuộc sở hữu của vợ chồng ông Nguyễn Văn Đoàn và bà Nguyễn Thị Luyến. Gia đình ông Đoàn và bà Luyến đã sinh sống ở căn nhà này nhiều năm trước khi tuyến đường liên xã được đầu tư và đưa vào sử dụng năm 2021.

(Nguồn: Vietnamnet)

Học sinh lớp 3 ngất xỉu tại sân trường rồi tử vong

Trước khi tử vong, em H. ở nhà vẫn ăn uống sinh hoạt bình thường và đến trưa được cha đưa đến trường đi học như hằng ngày.

Chiều 17-3, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đức Hòa, tỉnh Long An đã có báo cáo về việc một học sinh lớp 3 bị tử vong tại Trường Tiểu học Huỳnh Văn Tạo, xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa.

Theo báo cáo, vào khoảng 12 giờ cùng ngày, một nhân viên tạp vụ phát hiện em H.M.H (9 tuổi, học sinh lớp 3 của trường) ngất xỉu, nằm gần cột cờ của trường nên đã tri hô. Một số giáo viên chạy đến thì thấy em H. có biểu hiện trào ngược thức ăn từ mũi và miệng ra ngoài, quần ướt giống biểu hiện tiểu trong quần và ngưng thở.

Ngay lập tức, giáo viên và nhân viên bảo vệ bế em H. đưa đến Trạm Y tế xã Đức Hòa Thượng (cách trường khoảng 500 m) để cấp cứu; đồng thời điện thoại báo công an xã và gọi xe cấp cứu chở em lên Bệnh viện Hậu Nghĩa. Tại đây, các bác sĩ tổ chức sơ cứu nhưng em H. đã tử vong trước đó.

Sau khi công an trích xuất camera của nhà trường thấy em H. được cha đưa đến trường lúc 11 giờ 50 phút, sau khi em vô lớp bỏ cặp thì ra ngoài chơi với các bạn. Lúc 12 giờ, H. chạy đùa giỡn với một em học sinh khác. Sau đó, em dừng lại và ngồi xuống gần cột cờ. Khoảng một phút sau, em đứng lên thì té xuống, ngất xỉu.

Theo thông tin từ gia đình, em H. không có tiền sử bệnh lý nào, thể trạng khỏe mạnh. Sáng cùng ngày, em ở nhà vẫn ăn uống sinh hoạt bình thường, đến trưa được cha đưa đến trường đi học như hằng ngày.

Hiện công an đang tiến hành điều tra vụ việc.

(Nguồn: Soha)

“Máu rừng” xứ Thanh vẫn chảy...

Thời gian qua, tình trạng phá rừng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn phức tạp, nhiều cây rừng vẫn bị đốn hạ một cách không thương tiếc.

Dường như, công tác quản lý, bảo vệ rừng tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh có lúc còn lơ là... Phá rừng là tội của “lâm tặc”, song chủ rừng và các cơ quan bảo vệ rừng cũng không thể vô can.

Theo thống kê, từ tháng 1/2023 đến nay, trên diện tích rừng do Ban Quản lý Rừng phòng hộ Thường Xuân (BQL RPH Thường Xuân) quản lý xảy ra 4 vụ vi phạm (tương ứng 66% tổng số vụ vi phạm trên toàn địa bàn huyện Thường Xuân trong cùng kỳ), bao gồm 1 vụ phá rừng, 3 vụ khai thác rừng trái pháp luật.

Tổng diện tích rừng bị phá 3.367 m2; khối lượng lâm sản thiệt hại 14,418 m3 gỗ thông thường các loại; 1.040 cây nứa; cả 4 vụ vi phạm nêu trên đều do lực lượng Kiểm lâm kiểm tra, phát hiện; BQL RPH Thường Xuân không kiểm tra, phát hiện kịp thời, không báo cáo với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng để xử lý vụ việc theo quy định pháp luật.

Để xảy ra tình trạng nêu trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Thanh Hóa xác định, nguyên nhân chủ yếu là do lãnh đạo BQL RPH Thường Xuân thực hiện không hết trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ rừng được quy định tại Điều 74 Luật Lâm nghiệp 2017. Có biểu hiện buông lỏng quản lý, không chủ động kiểm tra an ninh rừng, để rừng bị phá, bị khai thác trái pháp luật trong thời gian dài, gây mất ổn định an ninh rừng.

Ngoài ra, các Trạm bảo vệ rừng lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của BQL RPH Thường Xuân chưa thực hiện hết chức trách, nhiệm vụ được giao. Chưa thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra an ninh rừng; chưa chủ động phối hợp với các lực lượng và chính quyền địa phương để tổ chức tuần tra, kiểm tra an ninh rừng nên không kịp thời phát hiện vi phạm.

Mới đây, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa yêu cầu: Giám đốc BQL RPH Thường Xuân tổ chức kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm Giám đốc, Phó Giám đốc phụ trách, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ rừng và các cá nhân có liên quan trong việc thực hiện chức trách nhiệm vụ công tác bảo vệ diện tích rừng được Nhà nước giao.

Thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của chủ rừng theo quy định tại Điều 74 Luật Lâm nghiệp; các quy định trong Quy chế quản lý rừng tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP, ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp bảo vệ rừng được nêu trong phương án quản lý rừng bền vững đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Củng cố lại hoạt động của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng; tập trung đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn cho viên chức, người lao động thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng trong đơn vị, đảm bảo đủ sức đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ rừng ngay từ cơ sở.

Chủ động phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Thường Xuân, các lực lượng chức năng khác và chính quyền địa phương nơi có rừng thuộc BQL, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về lâm nghiệp đến cộng đồng dân cư, để nhân dân biết, thực hiện; thường xuyên tuần tra BVR, phát hiện sớm các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, để kịp thời có phương án xử lý ngay khi vụ việc mới phát sinh, không để vụ việc tương tự tái diễn.

Trước đó, từ ngày 7 - 9/1/2023, Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Lang Chánh đã tiến hành kiểm tra 50 lô rừng thuộc thôn Tráng và thôn Yên Thành. Sau kiểm tra, phát hiện 198 cây gỗ (gồm 12 cây gỗ cao su, cây gỗ vườn nhà; 73 cây gỗ tự nhiên tái sinh trên đất trống, trong rừng trồng keo, luồng; 113 cây trong rừng tự nhiên nghèo kiệt phục hồi là rừng sản xuất) thuộc loại gỗ thông thường từ nhóm VII - VIII bị khai thác chỉ còn lại gốc. Đa số cây có đường kính mặt cắt gốc trung bình 20 - 25cm và một số cây 30 - 40cm. Phần lớn gỗ, củi đã được lấy khỏi hiện trường. Số còn lại được cắt thành 130 khúc dạng củi, đường kính đầu lớn 8 - 9cm, dài 1m, trọng lượng 1,1 tấn (tương đương 1,1m3).

Khối lượng 186 cây gỗ tự nhiên (được áp dụng phương pháp xác định thể tích thân cây gỗ chỉ còn lại gốc chặt cắt ngang mặt đất theo Tiêu chuẩn Việt Nam, TCVN 13459:2021) là 22,698m. Các cây gỗ bị khai thác nằm rải rác trên diện tích của 50 lô rừng, được giao cho 12 hộ gia đình, 4 nhóm hộ (gồm 18 hộ gia đình) và Công ty TNHH MTV Cao su Thanh Hóa.

Tiếp tục mở rộng kiểm tra ở 14 lô rừng khác, lực lượng chức năng phát hiện 146 cây gỗ thông thường thuộc rừng tự nhiên tái sinh nghèo và trung bình (đa số cây ưa sáng mọc nhanh từ nhóm VII - VIII) có đường kính mặt cắt gốc trung bình 12 - 20cm; một số cây đường kính gốc 30 - 40cm. Phần lớn gỗ, củi sau khai thác đã được đưa ra khỏi rừng. Số còn lại được cắt ngắn (dạng củi) dài 50 - 60cm, hình thù phức tạp, trọng lượng 5,5 tấn (tương đương 5,5 m3) trong đó, đã thu hồi 3,0 tấn, đang tiếp tục thu hồi 2,5 tấn.

Đoàn kiểm tra xác định, khối lượng các cây gỗ bị khai thác trái phép chỉ còn lại gốc chặt bằng phương pháp tính trên cơ sở Tiêu chuẩn Việt Nam, TCVN 13459:2021 là 10,209m. Diện tích rừng nói trên, đã được giao cho 9 hộ gia đình. Qua vết chặt, gốc cây và số củi còn tại rừng xác định thời gian khai thác từ tháng 8/2022 đến tháng 12/2022.

Kết quả về phúc tra và kiểm tra mở rộng, lực lượng chức năng đã kiểm tra 64 lô, 16 khoảnh, 4 tiểu khu; số chủ rừng là 21 hộ gia đình, 4 nhóm hộ (gồm 18 hộ gia đình) và Công ty TNHH MTV Cao su Thanh Hóa; có 332 cây gỗ thông thường thuộc rừng tự nhiên bị khai thác trái phép; trong đó có 73 cây tái sinh trên đất trống và trong rừng trồng; 259 cây tái sinh trong tự nhiên nghèo và trung bình là rừng sản xuất; khối lượng gỗ củi tính theo cơ sở Tiêu chuẩn Việt Nam, TCVN 13459:2021 là 32,90m; số còn tại rừng 2,5 tấn dạng củi (tương đương 2,5m3); số đã thu hồi 4,1 tấn (tương đương 4,1m3).

Trả lời báo chí, ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa cho biết, đã yêu cầu Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lang Chánh, Phó Hạt trưởng phụ trách tuyến, địa bàn; Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Yên Thắng, Kiểm lâm viên công tác tại địa bàn xã Yên Thắng trong việc chưa thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo; quản lý địa bàn, phối hợp tuần tra, kiểm tra an ninh rừng để rừng bị khai thác trái pháp luật nhưng phát hiện chậm, xử lý không dứt điểm.

(Nguồn: Môi trường & Đô thị)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang