Khổ sở vì nạn đốt rác, đổ trộm phế thải; Cúm gia cầm lây sang người; Đàn chim gây ô nhiễm chung cư

Người dân Hà Nội khổ sở vì nạn đốt rác, đổ trộm phế thải

Tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng với quy mô lớn đang diễn ra tại khu đất thuộc dự án Đề pô xe điện đoạn Nhổn - ga Hà Nội trên địa bàn phường Xuân Đỉnh, Hà Nội.

Không chỉ gây mất mỹ quan đô thị, việc tập kết trái phép phế thải xây dựng ở đây còn khiến những người dân xung quanh phải hứng chịu khói bụi do nạn đốt rác kèm theo. Nếu không ngăn chặn kịp thời thì hoạt động này sẽ tạo ra tiền lệ xấu cho nạn đổ phế thải, đốt rác bừa bãi diễn ra ngay giữa nội đô Hà Nội.

Vị trí vốn dĩ là Đầm Sen, thuộc diện đất nông nghiệp giao cho các hộ dân trên địa bàn phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm thầu khoán, nhưng giờ hiện trạng khu đầm như bị biến dạng. Nạn đổ trộm phế thải xây dựng đã dần xóa sổ diện tích mặt nước còn sót lại, biến dải đất rộng hàng nghìn m2 thành một nơi tan hoang.

"Bãi rác thải kia xưa không hề có. Khoảng 2 năm về đây, nó phình nhanh một cách kinh khủng. Đổ rác ngày đêm, nó to, đẩy ra ngoài hồ. Tại sao lại có chuyện đổ phế thải ra lấp cả một cái hồ giữa lòng thành phố như vậy. Đấy là điều mình rất ngạc nhiên", một người dân chia sẻ.

Không cần chờ đến tối, ngay giữa ban ngày, hoạt động đổ phế thải vẫn diễn ra. Nhìn từ trên cao cho thấy, có ít nhất 5 điểm đổ phế thải đang tồn tại. Một thủ đoạn chung, sau khi đổ, các đối tượng nhanh chóng san gạt tạo mặt bằng để biến thành nơi tập kết kinh doanh vật liệu xây dựng. Có vị trí, bãi trông xe và rửa xe trái phép đã được mọc lên.

Vì trong phế thải xây dựng, ngoài phần gạch đá, trạc thải…, còn lẫn đủ thứ rác bẩn. Những gì không san lấp được hoặc không tận dụng để bán được thành tiền thì được đốt ngay tại chỗ.

Vì ở kế bên, nên bao nhiêu bụi, khói độc, hàng nghìn hộ dân ở khu đô thị Ciputra đều phải hít thở. Nhiều lá đơn đã được gửi đi, nhưng đâu cũng vào đấy, nên việc duy nhất họ có thể làm là ghi hình làm bằng chứng để tố cáo về nạn đốt rác bừa bãi ở đây.

"Cái ngày họ đốt nhiều, khói đen kịt, nồng nặc cả khu. Trẻ con chạy vào hết", một cư dân sống tại Khu đô thị Ciputra cho biết.

"Không thể nào chịu được. Tất cả mọi người phải đóng cửa vào. Như tôi bị xoang, hơn 2 năm nay bị nặng hơn rất nhiều", một cư dân khác cho hay.

"Không có việc bảo kê. Đâu đó có việc người dân tận dụng đất dự án làm việc không đúng pháp luật thì chúng tôi sẽ giao cho công an kiểm tra vị trí phản ánh của người dân", ông Nguyễn Tự Mạnh, Phó Chủ tịch UBND phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, nhận định.

Dù chỉ là phỏng đoán của người dân, nhưng khi nhóm phóng viên tiếp xúc với một người làm nhiệm vụ đếm xe chở phế thải tại một bãi đổ trộm, có thêm khá nhiều thông tin.

Đổ phế thải với quy mô lớn và đốt rác, hoạt động vi phạm này lặp lại từ ngày này qua ngày khác. Một thực tế dễ nhìn, dễ thấy, nếu cơ quan quản lý trên địa bàn "không biết" thì chỉ có thể là "con voi chui lọt lỗ kim".

Cảnh báo nguy cơ cúm gia cầm lan sang người

Sau nhiều năm vắng bóng, cúm A/H5N1 lại xuất hiện. Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, dịch cúm trên gia cầm vẫn xảy ra rải rác tại các địa phương. Đặc biệt, thời tiết trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển.

Dịch cúm gia cầm vẫn được ghi nhận rải rác

Theo thông tin từ Cục Thú y, dịch cúm gia cầm vẫn được ghi nhận rải rác trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương trên cả nước. Từ đầu năm 2024 đến nay ghi nhận 6 ổ dịch cúm gia cầm tại 6 tỉnh, thành phố gồm: Bắc Ninh, Ninh Bình, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang.

Bộ Y tế nhận định, trong thời gian tới vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người. Hiện tại chưa có bằng chứng cho thấy cúm A/H5N1 lây từ người sang người, tuy nhiên, virus A/H5N1 là chủng cúm độc lực cao, người bị nhiễm thường diễn tiến nặng và tử vong với tỉ lệ cao khoảng 50%.

Ngày 25.3, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thông tin về trường hợp bệnh nhân nam, 21 tuổi, cư trú tại thôn Tân Ninh, xã Ninh Trung, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa tử vong do cúm.

Ngày 19.3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa đã lấy mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân để xét nghiệm; theo kết quả xét nghiệm ngày 20.3, bệnh nhân dương tính với cúm A/H5 và kết quả khẳng định của Viện Pasteur Nha Trang ngày 22.3 xác định bệnh nhân dương tính với cúm A/H5N1. Do bệnh tình diễn tiến nặng, bệnh nhân đã tử vong vào ngày 23.3.

Theo kết quả điều tra dịch tễ, vào dịp trước và sau Tết Nguyên đán 2024, bệnh nhân có đi bẫy chim hoang dã ở gần khu vực bệnh nhân sinh sống; xung quanh khu vực gia đình bệnh nhân sinh sống không có hiện tượng gia cầm ốm, chết. Các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân được lập danh sách và theo dõi sức khỏe hằng ngày; đến nay chưa phát hiện thêm trường hợp mắc mới.

Đây là trường hợp mắc cúm A/H5N1 thứ 2 kể từ năm 2014 sau nhiều năm không ghi nhận trường hợp mắc bệnh trên người tại Việt Nam.

Giám sát, phát hiện sớm ca bệnh

PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam - cho biết, cúm A có 15 loại kháng nguyên H (từ H1-H15) và 9 loại kháng nguyên N (N1-N9). Trong đó, virus A/H5N1 là chủng cúm rất nguy hiểm do có độc lực cao.

Hơn 20 năm qua, sự bùng phát của virus H5N1 đã làm hàng chục triệu gia cầm nhiễm bệnh và chết. Chúng có thể kết hợp với virus cúm ở người tạo ra một loại virus mới có đầy đủ tính năng của 2 loại virus cũ, dễ dàng tạo ra đại dịch cúm cho người với tỉ lệ biến chứng nặng, nguy cơ tử vong rất lớn.

Để phòng chống cúm lây từ gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân không giết mổ, sử dụng gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân; không buôn bán, sử dụng thịt, trứng và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; không ăn tiết canh, không ăn thịt, trứng gia cầm chưa được chế biến kỹ. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết phải kịp thời báo cho chính quyền địa phương.

Bệnh cúm gia cầm trên người hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vaccine phòng bệnh.

Hiện tại chưa có bằng chứng cho thấy cúm A/H5N1 lây từ người sang người, virus cúm A/H5N1 là chủng cúm độc lực cao, người bị nhiễm thường diễn tiến nặng và tử vong với tỉ lệ cao.

Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Đàn chim gây ô nhiễm chung cư ở TP.Thủ Đức

Đàn chim bồ câu cả trăm con gây ô nhiễm, ảnh hưởng đời sống của 262 hộ dân sinh sống tại chung cư TDH Trường Thọ (P.Trường Thọ, TP.Thủ Đức, TP.HCM). Bức xúc tình trạng này, người dân làm đơn cầu cứu chính quyền địa phương, nhờ xử lý.

Ký đơn tập thể, cầu cứu chính quyền địa phương

Ngày 26.3, các hộ dân sinh sống tại chung cư TDH Trường Thọ (đường số 4, P.Trường Thọ, TP.Thủ Đức) cho biết đã ký đơn tập thể gửi UBND P.Trường Thọ, UBND TP.Thủ Đức, Sở Y tế TP.HCM, cầu cứu về việc ô nhiễm môi trường bởi... đàn chim bồ câu.

Theo ông T.V.V (hộ dân sống tại chung cư nói trên), thời gian qua tại chung cư xuất hiện đàn chim bồ câu sinh sản và phát triển cả trăm con. Chim làm tổ, đậu khắp các nơi trong chung cư; phân chim bồ câu xuất hiện dày đặc khắp các ban công, lam cửa sổ, sân thượng… gây mất vệ sinh. Đáng lưu ý, mùi hôi của phân chim bồ câu gây ô nhiễm không khí tại chung cư này (tại đây có 262 hộ dân).

Tình trạng mất vệ sinh, ô nhiễm từ đàn chim bồ câu nói trên ảnh hưởng người dân tại chung cư diễn ra thời gian dài. "Đàn chim bồ câu không nuôi nhốt, bay và đậu khắp nơi trong chung cư. Ngoài ô nhiễm môi trường, còn lo ngại nguy cơ lây nhiễm, bùng phát dịch cúm A/H5N1, nguy hiểm tính mạng người dân", ông V. nói.

Trong đơn, người dân cho rằng đàn chim bồ câu sinh sống trong căn nhà tại lầu 8, block B chung cư TDH Trường Thọ. Tại căn hộ này, chủ nhà dùng mành tre che hết ban công và chừa những ô hở để chim bồ câu ra vào, làm tổ sinh sản. Ông T. chủ căn hộ có chim bồ câu sinh sống thường xuyên mang thức ăn cho đàn chim bồ câu ăn.

Chức năng xử lý thuộc về chính quyền địa phương

Thực trạng đàn chim bồ câu gây ô nhiễm, nhiều lần người dân đã phản ánh lên Ban Quản lý, Ban Quản trị chung cư TDH Trường Thọ để tìm cách giải quyết. Những lần họp, ông T. chủ căn hộ nói trên không thừa nhận đàn chim bồ câu này do mình nuôi. Ông cho rằng, vì ông hay cho chim bồ câu ăn nên đàn chim tập trung về nhà ông. Bức xúc việc này, nhiều người dân tập trung trước nhà ông T., lớn tiếng yêu cầu ông dừng việc cho bồ câu ăn, nhưng ông T. không thực hiện.

Liên quan đến việc này, UBND P.Trường Thọ cho biết đã tiếp nhận đơn cầu cứu của người dân tại chung cư TDH Trường Thọ. UBND P.Trường Thọ đã mời ông T. lên làm việc. Ông T. không thừa nhận đàn chim bồ câu tại chung cư là do mình nuôi. UBND P.Trường Thọ tiếp tục vận động ông T. không cho đàn chim ăn và thực hiện vệ sinh khu ban công nhà, tránh gây mất vệ sinh cho các căn hộ xung quanh. Đồng thời đảm bảo việc phòng chống dịch cúm A/H5N1.

Trao đổi với PV Thanh Niên, một cán bộ Chi cục Thú y TP.HCM cho biết, bồ câu được đưa vào danh sách chim cảnh. Hiện nay, các quy định về việc nuôi chim cảnh chưa rõ ràng nên rất khó để xác định và xử lý. Trường hợp đàn chim bồ câu gây mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường, nguy cơ lây nhiễm dịch cúm A/H5N1 tại chung cư TDH Trường Thọ thì chức năng xử lý của chính quyền địa phương. UBND cấp phường đối chiếu các quy định về vật nuôi, chim cảnh xác định người nuôi, từ đó có hình thức xử lý phù hợp, phòng chống dịch cúm A/H5N1 tại địa phương.

Nguồn: Môi trường & Đô thị; Lao Động; Thanh Niên

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang