Kết quả thu được sau phong trào đình công tại các sân bay Đức: Tăng lương 5,5%, bù lạm phát 340 Euro

Đình công tại sân bay Berlin Brandenburg ngày hôm qua

Tất cả các chuyến bay khởi hành từ sân bay Berlin Brandenburg của Đức trong ngày 24/4 đã bị hủy do cuộc đình công kéo dài 1 ngày của các nhân viên an ninh. Dự kiến, một số chuyến bay đến sân bay này cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Sân bay Berlin Brandenburg ngày 22/4 thông báo sẽ hủy tất cả các chuyến bay khởi hành trong ngày 24/4, trong khi các chuyến bay hạ cánh cũng sẽ bị ảnh hưởng sau khi nghiệp đoàn Verdi kêu gọi nhân viên an ninh tiến hành cuộc đình công kéo dài 1 ngày nhằm gây sức ép với giới chủ và kết thúc vào nửa đêm. Theo người phát ngôn sân bay, trong ngày 24/4 có khoảng 240 chuyến bay cất cánh từ sân bay Berlin Brandenburg.

Nghiệp đoàn Verdi cho biết đang tiến hành đàm phán với hiệp hội an ninh hàng không BDLS để thúc đẩy tăng lương cho các nhân viên làm việc vào ban đêm, cuối tuần và dịp nghỉ lễ.

Tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang diễn ra làn sóng đình công phức tạp nhất trong nhiều thập kỷ qua khi các nghiệp đoàn gây áp lực yêu cầu tăng lương để theo kịp tốc độ lạm phát hiện nay.

Tuần trước, hoạt động tại các sân bay ở Duesseldorf, Hamburg, Köln, Bonn và Stuttgart cũng bị ảnh hưởng do đình công.

Đình công đòi tăng lương ở Đức thu được kết quả

“Với quyết định tham gia vào thỏa hiệp này, chúng tôi đã đi đến giới hạn chịu đựng của mình”, người đứng đầu Nghiệp đoàn ngành dịch vụ công Verdi cho biết.

Công nhân khu vực công của Đức đã giành được mức tăng lương 5,5% để giúp bù đắp lạm phát. Thỏa thuận – đạt được sau các cuộc đàm phán vào đêm muộn ngày 22/4 – sẽ giúp làm giảm khả năng xảy ra các cuộc đình công tiếp theo ở nền kinh tế số 1 châu Âu.

Người sử dụng lao động và các nghiệp đoàn đại diện cho người lao động đã đạt được một “thỏa thuận tốt và công bằng về tiền lương”, Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser cho biết trong một tuyên bố.

Thỏa thuận này được đưa ra sau nhiều tuần bế tắc và các cuộc đình công lặp đi lặp lại của các nhân viên bưu điện, vận tải và y tế đòi tăng lương để đối phó với chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ

Theo thỏa thuận, khoảng 2,5 triệu công nhân khu vực công của Đức sẽ được tăng lương 5,5% hoặc ít nhất 340 Euro/tháng kể từ tháng 3/2024.

Từ tháng 6/2023, khoản thanh toán bù lạm phát miễn thuế trị giá 3.000 Euro cho người lao động sẽ được trả thành nhiều đợt.

Thỏa thuận kéo dài trong 2 năm, phần lớn tuân theo khuyến nghị trọng tài được công bố một tuần trước.

“Sự thỏa hiệp này sẽ không thể thực hiện được nếu không có nhiều cuộc đình công cảnh cáo và biểu tình trong vài tháng qua”, ông Ulrich Silberbach thuộc nghiệp đoàn DBB cho biết.

Verdi - Nghiệp đoàn đại diện cho công nhân các ngành dịch vụ và giải trí, đã yêu cầu tăng 10,5% tiền lương hàng tháng hoặc ít nhất 500 Euro/tháng.

Nghiệp đoàn này là một trong những lực lượng chính đứng sau cuộc đình công toàn quốc vào cuối tháng 3 làm tê liệt ngành giao thông ở Đức.

“Với quyết định tham gia vào thỏa hiệp này, chúng tôi đã đi đến giới hạn chịu đựng của mình”, ông Frank Werneke, người đứng đầu nghiệp đoàn Verdi, cho biết.

Lạm phát ở Đức đứng ở mức 7,4% trong tháng 3 – vẫn là mức cao, mặc dù đã giảm từ mức đỉnh 8,8% trong tháng 10 năm ngoái.

Các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra trong các lĩnh vực khác, chẳng hạn như vận tải đường sắt, với việc công nhân ngành này đã tổ chức đình công nửa ngày hôm 21/4.

Công nhân bưu chính ở Đức đã nhận được mức tăng trung bình hàng tháng là 11,5% trong tháng 3. Hồi tháng 11 năm ngoái, IG Metall, nghiệp đoàn lớn nhất của Đức, đã giành được mức tăng lương tổng cộng 8,5% cho gần 4 triệu nhân viên.

Nhân viên an ninh sân bay dự kiến sẽ đình công tại sân bay Berlin Brandenburg vào ngày 24/4

Nguồn: Báo Tin Tức, Người Đưa Tin

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Luật Pháp

Nhập cư

Người Việt ở Đức

Chính trị - Xã hội

Lên đầu trang