Đình công tiếp nối đình công làm tê liệt các sân bay Đức

Các cuộc đình công lớn nhất trong ngành hàng không tại Đức trong vài thập kỷ qua sẽ tiếp tục kéo dài sang tuần này sau khi công đoàn Verdi - lớn thứ hai nước Đức kêu gọi người lao động tiếp tục đình công, làm tê liệt sân bay ở thủ đô Berlin ngay trong ngày thứ Hai đầu tuần.

Trong thông báo đưa ra trong ngày 22/4, công đoàn Verdi, tổ chức công đoàn trong các lĩnh vực dịch vụ công với số thành viên lên tới 1,9 triệu người, lớn thứ hai nước Đức, kêu gọi các lao động tại sân bay quốc tế Berlin-Brandenburg tại thủ đô Berlin tiếp tục đình công toàn diện trong ngày thứ Hai, 24/4 nhằm gây sức ép buộc giới chủ tăng lương. Toàn bộ lao động làm việc trong các bộ phận an ninh sân bay, kiểm tra hành khách, kiểm tra hành lý được kêu gọi đình công từ 3h sáng cho đến nửa đêm ngày 24/4. Công đoàn Verdi cũng đồng thời kêu gọi giới chủ đưa ra các đề nghị đàm phán mới về việc tăng lương, nếu không các cuộc đình công sẽ lan rộng với quy mô lớn hơn.

Nguồn tin từ ban lãnh đạo sân bay cho biết, với tình hình hiện nay, sẽ không có bất cứ chuyến bay nào cất cánh từ sân bay Berlin-Brandenburg trong ngày thứ Hai, 24/4. Các chuyến bay đến vẫn có thể hạ cánh, tuỳ theo lựa chọn của các hãng hàng không.

Các bất đồng liên quan đến đòi hỏi tăng lương của lao động làm việc trong lĩnh vực hàng không tuần vừa qua đã khiến nước Đức chứng kiến các cuộc biểu tình lớn nhất tại các sân bay trong vài thập kỷ qua. Trong ngày thứ Năm, 20/4, một loạt các sân bay tại các thành phố lớn của Đức như Dusseldorf, Hamburg, Köln đã bị tê liệt vì các cuộc đình công, khiến hơn 700 chuyến bay bị huỷ. Các cuộc đình công cũng lan rộng sang các sân bay khác ở Stuttgart và Baden-Baden trong ngày 22/4.

Ông Oezay Tarim, người phát ngôn của Công đoàn Verdi cho biết: Cuộc chiến đòi tăng lương đã kéo dài hơn 2 năm, với 9 vòng đàm phán mà không đạt kết quả nên các cuộc đình công buộc phải tăng tốc nhằm sớm chấm dứt thiệt hại cho tất cả các bên. Người lao động đã nói rõ rằng những gì họ đòi hỏi hiện nay chỉ là việc tăng lương khi phải làm việc vào thời gian không thuận lợi như ngày cuối tuần, ngày nghỉ hay ban đêm. Giới chủ đã hứa hẹn bao năm nay là họ sẽ hành động nhưng họ không làm gì cả mà chỉ kéo dài thời gian và muốn rời việc thảo luận sang năm sau. Nhưng người lao động cũng đã thể hiện rất rõ rằng họ không muốn chờ đợi mà muốn các hứa hẹn này được thực hiện ngay bây giờ.

Bên cạnh các cuộc đình công trong ngành hàng không, nước Đức cũng đang chứng kiến cuộc đình công của nhân viên trong ngành đường sắt, cũng với yêu cầu tăng lương nhằm ứng phó với tình trạng lạm phát cao hiện nay tại Đức. Một cuộc tổng đình công toàn quốc trong ngành đường sắt Đức đã diễn ra hôm thứ Sáu, 21/4 vừa qua, khiến khoảng 50 công ty bị ảnh hưởng, trong đó có cả công ty đường sắt quốc gia Đức, DB (Deutsch Bahn).

Nguồn: CafeF

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Luật Pháp

Nhập cư

Người Việt ở Đức

Chính trị - Xã hội

Lên đầu trang