HN mưa đá, giông lốc kinh hoàng; Hàng trăm xe thủng săm, nổ lốp; Tàu chở khách đâm phà; Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

MƯA ĐÁ, GIÔNG LỐC KINH HOÀNG TẠI HÀ NOOIJU: 70 CÂY XANH BẬT GỐC

Trận mưa đá, giông lốc tại Hà Nội tối qua đã làm hơn 70 cây xanh bị bật gốc. Nhiều xe máy, ô tô đỗ ở vỉa hè, lòng đường bị hư hại do cây xanh ngã đổ vào…

Ngày 21-4, ông Nguyễn Đức Mạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Công viên cây xanh Hà Nội cho biết, trận giông lốc mạnh đêm qua (20-4) khiến hàng loạt cây xanh trên địa bàn quận Long Biên, Hoàn Kiếm, Gia Lâm bị đổ, gãy.

“Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, trận giông lốc đêm qua khiến hơn 70 cây xanh trên địa bàn Hà Nội bị bật gốc, trong đó có nhiều cây to với đường kính từ 40-50 cm. Nhiều xe máy, ô tô đỗ ở vỉa hè, lòng đường bị hư hại do cây xanh ngã đổ vào”, ông Mạnh thông tin.

Lãnh đạo Công ty Công viên cây xanh Hà Nội cũng cho hay, sau khi trận giông lốc xảy ra, công ty này đã huy động nhân lực, vật lực để dọn dẹp đường xá, di chuyển những cây xanh bị ngã đổ.

Đến sáng nay, cây xanh đổ ra lòng đường, vỉa hè trong nội thành cơ bản đã được dọn dẹp để không ảnh hưởng đến người điều khiển phương tiện giao thông.

Giông lốc kèm mưa lớn cũng khiến nhiều điểm tại khu vực nội thành Hà Nội úng ngập cục bộ. Báo cáo của Công ty Thoát nước Hà Nội cho thấy, lượng mưa đo được trên địa bàn trung bình từ 20-76 mm. Trong đó, các địa bàn có lượng mưa lớn nhất là Hoàng Mai với 76,2 mm, Hà Đông là 55,8 mm, Hoàn Kiếm là 48 mm…

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, chiều tối và đêm 21-4, trên địa bàn Hà Nội sẽ có mưa rào và giông rải rác, cục bộ có mưa to. Do vậy, Công ty Thoát nước Hà Nội tiếp tục thực hiện công tác ứng trực thoát nước ở toàn thành phố, đặc biệt là vận hành hợp lý trạm bơm Yên Sở, Đồng Bông, Cổ Nhuế…

Trước đó, vào tối ngày 20-4, trận giông lốc ở Hà Nội kéo dài khoảng 30 phút (từ 19 giờ 30 đến 20 giờ) đã khiến nhiều cây xanh bật gốc. Đi kèm theo giông lốc là mưa lớn, nhiều quận huyện xuất hiện mưa đá…

Ngoài hiện tượng giông lốc, tại Hà Nội cũng xuất hiện mưa đá tại một số khu vực ở các quận, huyện Chương Mỹ, Ứng Hoà, Mỹ Đức, Gia Lâm, Cầu Giấy…

Trên mạng xã hội, người dân tại các địa phương đăng tải hạt mưa đá với đường kính từ đầu đũa, đến 1-2 cm. Chính quyền địa phương các khu vực trên vẫn đang ghi nhận tình hình, thống kê thiệt hại.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định, chiều tối và đêm 21-4, miền Bắc tiếp tục mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 20-40 mm, có nơi trên 70 mm.

Ngoài ra, ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên đêm 20-4, chiều tối và tối ngày 21-4 cũng có mưa rào và giông cục bộ; trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc và tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho biết, tháng 4-5 là thời gian giao mùa ở các tỉnh miền Bắc. Sự cạnh tranh giữa các khối khí nóng lạnh thường gây ra các đợt mưa giông dữ dội, kèm theo nguy cơ lốc sét, mưa đá và gió giật mạnh.

KHÔNG CHỈ CAO TỐC CAM LỘ - LA SƠN, TÌNH TRẠNG XE NỔ LỐP DIỄN RA MỌI NƠI

Sau khi nhiều ô tô bị nổ lốp trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn, theo tìm hiểu của phóng viên, tình trạng này cũng xảy ra tại nhiều tuyến cao tốc khác.

Thống kê của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, trong 3 tháng đầu năm nay VEC ghi nhận trên 4 tuyến cao tốc xảy ra 265 vụ xe thủng săm, nổ lốp.

Trong đó, cao tốc Nội Bài - Lào Cai có 81 vụ, Cầu Giẽ - Ninh Bình có 43 vụ, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây 17 vụ và cao nhất là Đà Nẵng - Quảng Ngãi với 124 vụ.

“Các sự cố giao thông trên tuyến ngay lập tức đều được đơn vị vận hành và lực lượng chức năng khẩn trương giải phóng hiện trường, phối hợp điều tiết giao thông hiệu quả…”, đại diện VEC cho hay.

Riêng đối với tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn, trao đổi với VietNamNet, đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho biết, hai tuần gần đây (sau đợt xảy ra nhiều xe nổ lốp), tình trạng này đã giảm đáng kể.

“Có lẽ do sau đợt đó có rất nhiều cảnh báo nên chủ phương tiện cũng cẩn trọng hơn. Ngoài ra thời tiết 2 tuần gần đây cũng dịu hơn nên hiện tượng nổ lốp đã giảm đáng kể”, đại diện Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh nói.

Vị này cho rằng “không tránh khỏi” bởi thực tế này cũng xảy ra trên các tuyến cao tốc ở phía Nam. Đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh giải thích, hiện nay một số tuyến cao tốc chưa có trạm dừng nghỉ.

“Hiện Bộ GTVT đã chỉ đạo ban quản lý các dự án phải làm trạm dừng nghỉ tạm, hoàn thành trước dịp nghỉ lễ 30/4- 1/5 để phục vụ người dân. Khi các trạm dừng nghỉ tạm đưa vào phục vụ, xe có điều kiện nghỉ ngơi, không phải chạy liên tục trong thời tiết nắng nóng sẽ giảm nguy cơ nổ lốp”, vị đại diện Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh thông tin.

Ông Vũ Ngọc Oánh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cho rằng, có ba nguyên nhân dẫn đến nổ lốp xe: Lốp quá hạn sử dụng, chở quá tải, lốp không đảm bảo tiêu chuẩn (bơm không căng…).

“Một trong ba nguyên nhân nêu trên nếu kèm với thời tiết nắng nóng nhiệt độ cao, hay tài xế phải xử lý tình huống bằng cách phanh gấp dẫn đến nổ lốp ngay. Thậm chí đường chật hẹp, nhiệt độ cao mà tài xế rà phanh liên tục thì nguy cơ này cũng rất cao”, ông Oánh nói.

Chung quan điểm này, đại diện Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh thông tin, qua đánh giá từ các phương tiện bị nổ lốp trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn thời gian qua cho thấy, đa số xe gặp sự cố là do lốp đã cũ mòn hoặc không đạt tiêu chuẩn.

“Bên cạnh các yếu tố trên còn kết hợp với nắng nóng đầu mùa, xe chạy trên đường dài…là nguyên nhân xảy ra tình trạng nổ lốp trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn thời gian qua. Tuy nhiên, hơn hai tuần gần đây thời tiết dịu hơn, chủ phương tiện sau khi nhận được khuyến cáo cũng đã tính toán di chuyển phù hợp nên tình trạng này đã gần như không còn”, đại diện Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh nói.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam chia sẻ, nhà sản xuất trước khi cho ra sản phẩm đều phải thử nghiệm lốp trong môi trường có nhiệt độ rất cao, nếu hơn 60 độ C sẽ không làm nổ lốp.

“Tuy nhiên, nếu lốp cũ, thiếu hơi hoặc thừa hơi, va đập trên đường với các vật sắc nhọn như đinh, đá, kim loại thì hoàn toàn có thể gây nổ lốp, nhất là khi xe chạy tốc độ cao, thời gian dài…”, ông Quyền nói.

Là người dạy lái xe nhiều năm, anh Trần Việt Trung (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, nhà sản xuất thường khuyến cáo về thời gian sử dụng cho lốp xe và số km đã chạy. Chủ xe phải thay lốp mới để lốp xe không bị xuống cấp, gây nổ. Đặc biệt trước khi lên cao tốc, cần kiểm tra lốp, bởi nếu nổ lốp trong khi xe di chuyển với vận tốc lớn có thể gây ra tai nạn nghiêm trọng.

HỐT HOẢNG BỎ CHẠY SAU KHI TÀU CHỞ KHÁCH ĐÂM PHÀ, 3 NGƯỜI THƯƠNG VONG

Cơ quan chức năng bước đầu nhận định, lỗi do người điều khiển tàu chở khách du lịch không giảm tốc độ, không giữ khoảng cách an toàn dẫn đến va chạm với phà, gây tai nạn khiến 3 người bị thương.

Chiều 20/4, Công an thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang có báo cáo vụ tại nạn giao thông đường thủy nội địa, xảy ra tại thuỷ phận sông Tiền thuộc ấp 1, xã Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu).

Theo đó, khoảng 16h45 phút ngày 19/4, ông Phan Thành Được (SN 1982, ngụ xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) điều khiển tàu khách du lịch số hiệu AG-23338 của Công ty CP Du lịch Hàng Châu, trên tàu có 42 khách du lịch người nước ngoài, cùng 2 thuyền viên. Đoàn khách du lịch nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương chiều cùng ngày.

Ông Được điều khiển tàu khách trên sông Tiền từ cửa khẩu Vĩnh Xương đến thị xã Tân Châu thì va chạm với phà số AG-21477, do ông Võ Văn Nhân (SN 1975, ngụ xã Phú Xuân, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) điều khiển. Trên phà có khoảng 30 hành khách di chuyển từ hướng xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp về hướng xã Vĩnh Xương.

Hậu quả, vụ tai nạn làm ông Ab Dol Ro Zak (SN 1988, ngụ xã Châu Phong, thị xã Tân Châu , An Giang) là hướng dẫn viên bị đa chấn thương : Đứt lìa cẳng tay phải, chấn thương 2 chân, vùng ngực và vùng đầu. Hiện ông Ab Dol Ro Zak đang được cấp cứu, điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM).

Ông Koehler Dietmar Heinz (SN 1957, quốc tịch Đức) bị rách vùng cẳng chân và đầu gối trái; xây xát da vùng ngực trái. Giám định tỷ lệ thương tật khoảng 6%.

Bà Kormann Pascale Aline (SN 1967, quốc tịch Pháp) cũng bị rách cẳng chân trái; gãy 1/3 xương mác cẳng chân trái. Giám định tỷ lệ thương tật khoảng 8%. Hiện 2 hành khách quốc tịch nước ngoài đang điều trị tại bệnh viện Việt - Pháp (TPHCM).

Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng

Vụ tai nạn khiến tàu khách bị hư hỏng nặng, ước tính thiệt hại ban đầu khoảng 300 triệu đồng

Theo Công an thị xã Tân Châu, ngay sau khi tiếp nhận vụ việc, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra nồng độ cồn, ma tuý đối với ông Võ Văn Nhân và Phan Thành Được là 2 người điều khiển phương tiện, kết quả không có cồn và ma tuý.

Bước đầu cơ quan chức năng nhận định, lỗi do ông Phan Thành Được điều khiển tàu khách không giảm tốc độ khi có phà đi cắt ngang phía trước; không giữ khoảng cách an toàn, dẫn đến va chạm với phà gây tai nạn.

Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục tiến hành xác minh để xử lý theo quy định.

TĂNG CƯỜNG KIỂM TRA, XỬ LÝ NGHIỆM PHÒNG KHÁM NAM KHOA CHUI

Ba tháng đầu năm 2024, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM ban hành 74 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức và cá nhân vi phạm với số tiền xử phạt hơn 2,7 tỉ đồng.

Báo Thanh Niên số ra các ngày 15, 16, 17 và 18.4 đăng loạt bài Loạn phòng khám nam khoa "chui" phản ánh tình trạng nhiều phòng khám nam khoa không phép quảng cáo không đúng sự thật về điều trị bệnh sinh lý nam..., ngay sau đó, Sở Y tế TP.HCM cũng vào cuộc kiểm tra, xử lý quyết liệt.

PGS-TS Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, khẳng định Sở tăng cường công tác quản lý nhà nước trên địa bàn với nhiều giải pháp, đồng thời cần thêm sự hỗ trợ, vào cuộc của các sở, ngành quận, huyện, TP.Thủ Đức, người dân và báo chí…

Đánh vào tâm lý "đẹp, rẻ, nhanh"

Sở Y tế đã và đang rất quyết liệt kiểm tra, xử lý phòng khám "chui" nhưng vì sao càng quản lý, càng xử phạt thì phòng khám "chui" vẫn quảng cáo rầm rộ? Trả lời câu hỏi này, PGS-TS Nguyễn Anh Dũng cho rằng hiện việc quản lý quảng cáo trái phép, giả mạo trên mạng xã hội vẫn là một thách thức lớn, đòi hỏi sự chú ý đặc biệt từ cơ quan quản lý nhà nước, các nền tảng mạng xã hội và cộng đồng người dùng.

Ông cho biết những vấn đề nổi cộm được Sở Y tế phát hiện và xử lý trong thời gian qua, gồm: quảng cáo sản phẩm, dịch vụ y tế chưa được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung, vi phạm pháp luật về quảng cáo trong lĩnh vực y tế; lan truyền phổ biến các thông tin không đáng tin cậy về các sản phẩm y tế, dịch vụ khám chữa bệnh (KCB) hoặc phương pháp điều trị không được kiểm chứng khoa học.

Trong đó, có nhiều quảng cáo trái phép, thậm chí giả mạo, được thiết kế nội dung và hình ảnh rất giống quảng cáo của các cơ sở y tế chính thống, đánh vào tâm lý một số người muốn sử dụng dịch vụ y tế "đẹp, rẻ, nhanh" hoặc đang gặp các vấn đề sức khỏe thầm kín. Những cơ sở này đưa ra những cam kết nghe rất "kêu" về tính hiệu quả của những phương pháp họ sử dụng để dẫn dụ người có nhu cầu đến những nơi không đảm bảo điều kiện hoạt động và hành nghề KCB. Cụ thể, các cơ sở này sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác), gây tổn hại về tài chính, sức khỏe và tính mạng của người sử dụng dịch vụ.

Những phòng khám "chui" này có thể chẳng có bất kỳ giấy tờ pháp lý nào hoặc chỉ có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh (chẳng hạn dịch vụ spa, chăm sóc da, chăm sóc sắc đẹp...), giấy chứng nhận đăng ký công ty (có mã ngành, nghề kinh doanh liên quan đến y tế nhưng không được Bộ Y tế, Sở Y tế TP.HCM cấp giấy phép hoạt động)... Ngoài ra, có trường hợp cơ sở y tế có giấy phép hoạt động của Sở Y tế trong phạm vi một chuyên khoa nhất định nhưng lại triển khai các dịch vụ "chui" khác không được phép hoặc một địa chỉ nhưng cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau của những ngành, nghề kinh doanh khác nhau với nhiều giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh khác nhau nên dễ gây nhầm lẫn cho người sử dụng dịch vụ.

Các cơ sở hoạt động "chui" thường hoạt động lén lút, che giấu, do đó rất khó khăn để phát hiện. Việc xử lý các cơ sở vi phạm này còn gặp vướng mắc do thiếu chế tài xử phạt mạnh mẽ, đồng thời còn gặp khó khăn trong việc thu thập bằng chứng vi phạm.

Cần có sự phối hợp liên ngành chặt chẽ

Theo lãnh đạo Sở Y tế, một trong những hoạt động trọng tâm của Sở trong năm 2024 là triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để giúp phát hiện sớm, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm về quảng cáo có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, đặc biệt là quảng cáo trên mạng xã hội.

Trong quý 1/2024, Thanh tra Sở Y tế đã ban hành 74 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức và cá nhân với số tiền xử phạt hơn 2,7 tỉ đồng, trong đó hầu hết vi phạm đều liên quan đến quảng cáo trên mạng xã hội, về điều kiện hoạt động, điều kiện hành nghề...

Công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính đã có kết quả tốt như trên là nhờ sự triển khai thực hiện nghiêm túc và thanh tra Sở Y tế đã tập trung nguồn lực cho công tác này. Quy trình phản ứng nhanh và công tác phối hợp phát huy hiệu quả kịp thời của Sở Y tế với lực lượng chức năng tại chỗ (gồm: phòng y tế, UBND phường, công an phường, công an quận, huyện và sự hỗ trợ của Công an TP.HCM), đặc biệt qua tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân và của cơ quan truyền thông báo chí. Tuy nhiên, quảng cáo trái phép, giả mạo trên mạng xã hội vẫn là một vấn đề phức tạp và đa dạng, người dân vẫn khó nhận biết đâu là quảng cáo trái phép hay quảng cáo chính thống, đáng tin cậy.

Để tăng cường hiệu quả trong giải quyết vấn đề này, ngoài sự nỗ lực của Sở Y tế, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng như Công an TP.HCM, Sở TT-TT, Sở KH-ĐT, UBND quận, huyện, Đội quản lý thị trường... trong việc quản lý, phát hiện và xử lý nghiêm hoạt động liên quan đến KCB "chui". Bên cạnh đó, còn cần sự hợp tác, phối hợp của các nền tảng mạng xuyên biên giới cũng như sự cảnh giác, xem xét kỹ lưỡng thông tin quảng cáo của cộng đồng người tiêu dùng.

Ngoài kiểm tra định kỳ, Sở Y tế cũng đẩy mạnh phối hợp hiệu quả với các sở, ban ngành có liên quan, UBND quận, huyện, TP.Thủ Đức... trong công tác thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ các quy định pháp luật trong hành nghề y, dược. Đặc biệt là phối hợp với Công an TP.HCM chọn những "vấn đề nóng" để phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm có trọng điểm... Thanh tra Sở Y tế cũng đã lập danh sách các cơ sở hoặc địa chỉ có những vi phạm lặp lại, coi thường pháp luật để tiến hành các hoạt động kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm và xử lý nghiêm hoặc chuyển đến cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngày 15.4, Giám đốc Sở Y tế cũng đã có quyết định thành lập tổ công tác đặc biệt về quản lý quảng cáo trái phép trong lĩnh vực y tế trên mạng xã hội để ưu tiên nguồn lực và tăng cường các giải pháp sáng tạo nhằm phát huy hiệu quả cao hơn. Trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ tăng cường tuyên truyền, phổ biến các dấu hiệu nhận biết quảng cáo trái phép, không đáng tin cậy trên mạng xã hội để người dân cảnh giác. Đồng thời, Sở Y tế phối hợp với Sở KH-CN, Sở TT-TT... nghiên cứu sử dụng trí tuệ nhân tạo và máy học để tự động hóa quá trình phát hiện và loại bỏ quảng cáo y tế trái phép trên mạng xã hội. Tiếp tục phổ biến, tuyên truyền luật KCB, nghị định, thông tư hướng dẫn đến doanh nghiệp và người dân.

Nguồn: Pháp Luật; Vietnamnet; Kenh14; Thanh Niên

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang