Kỷ luật Bộ trưởng Đào Ngọc Dung; Khai trừ Đảng Phó bí thư tỉnh Vĩnh Phúc; Đắk Nông khổ vì hạn mặn; Đồng Nai thành tâm bệnh dại

BỘ TRƯỞNG ĐÀO NGỌC DUNG BỊ KỶ LUẬT KHIỂN TRÁCH

Bộ Chính trị vừa quyết định thi hành kỷ luật khiển trách với ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng một số cán bộ khác của Bộ này.

Ngày 19/4/2024, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trịBan Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.

Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhận thấy: Ban cán sự đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhiệm kỳ 2011 - 2016 vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và Quy chế làm việc.

Thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, để Bộ và một số tập thể, cá nhân thuộc Bộ có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong tổ chức mua, chuyển giao các bộ chương trình, đào tạo giáo viên dạy nghề; trong tham mưu ban hành, sửa đổi, tổ chức thực hiện Đề án chuyển giao các bộ chương trình; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; đào tạo thí điểm các nghề trọng điểm (Đề án 371), Đề án phát triển trường nghề chất lượng cao (Đề án 761).

Làm trái quy định pháp luật trong tổ chức thực hiện đặt hàng, tạo điều kiện cho Công ty cổ phần Tiến Bộ quốc tế (AIC) tham gia vào các gói thầu có giá trị lớn để thu lợi bất chính.

Vi phạm của Ban cán sự đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhiệm kỳ 2011 - 2016 mang tính hệ thống, kéo dài trong nhiều năm, là nguyên nhân dẫn đến các vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện nhiều gói thầu đặt hàng từ năm 2011 đến năm 2021, nguy cơ thất thoát, lãng phí rất lớn về thời gian, nguồn nhân lực và ngân sách nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng, khó khắc phục, dư luận bức xúc, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Ban cán sự đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhiệm kỳ 2016 - 2021 vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, không phát hiện được việc Bộ và một số tập thể, cá nhân thuộc Bộ tiếp tục có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong tham mưu sửa đổi, bổ sung, tổ chức thực hiện Đề án 371, Đề án 761; trong tổ chức thực hiện các gói thầu do AIC và các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái AIC thực hiện.

Vi phạm của Ban cán sự đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhiệm kỳ 2016 - 2021 mang tính hệ thống, diễn ra trong thời gian dài, gây nguy cơ thất thoát, lãng phí rất lớn về thời gian, nguồn nhân lực và ngân sách nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng, khó khắc phục, dư luận bức xúc, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Bên cạnh đó, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhận thấy, ông Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, Quy chế làm việc; buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, để Bộ và một số tập thể, cá nhân thuộc Bộ có nhiều vi phạm, khuyết điểm, nguy cơ thất thoát, lãng phí rất lớn ngân sách nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng, khó khắc phục, dư luận xấu, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Bà Phạm Thị Hải Chuyền khi giữ cương vị Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, Quy chế làm việc; buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, để Bộ và một số tập thể, cá nhân thuộc Bộ có nhiều vi phạm, khuyết điểm; làm trái quy định pháp luật trong tổ chức thực hiện đặt hàng, tạo điều kiện cho Công ty AIC tham gia các gói thầu, nguy cơ thất thoát, lãng phí rất lớn ngân sách nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng, khó khắc phục, dư luận xấu, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Ông Huỳnh Văn Tí khi giữ cương vị Ủy viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, Quy chế làm việc, gây hậu quả nghiêm trọng, nguy cơ thất thoát, lãng phí rất lớn ngân sách nhà nước, gây dư luận xấu, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm của tổ chức Đảng và các cá nhân nêu trên; theo Quy định của Đảng về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật khiển trách ông Đào Ngọc Dung; cảnh cáo bà Phạm Thị Hải Chuyền và ông Huỳnh Văn Tí.

Ban Bí thư cũng quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo Ban cán sự đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhiệm kỳ 2011 - 2016; khiển trách Ban cán sự đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhiệm kỳ 2016 - 2021.

PHÓ BÍ THƯ THƯỜNG TRỰC TỈNH VĨNH PHÚC BỊ KHAI TRỪ KHỎI ĐẢNG

Ông Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Ngày 19/4/2024, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.

Theo đó, sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhận thấy ông Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, vi phạm Quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận bức xúc, ảnh hưởng rất xấu đến uy tín của tổ chức đảng, chính quyền địa phương.

Vì vậy, Bộ Chính trị quyết định đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Phạm Hoàng Anh.

Ngoài ông Phạm Hoàng Anh, ông Lê Viết Chữ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi; Doãn Hữu Long, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk; Đặng Gia Dũng, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư Đảng uỷ, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đắk Nông; Ma Ly Phước, Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy Bình Phước cũng bị quyết định kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng.

Trước đó, ông Phạm Hoàng Anh bị bắt do liên quan vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn về tội Nhận hối lộ.

Bộ Công an xác định ông Phạm Hoàng Anh đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu (tức Hậu "Pháo", Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn) để tạo điều kiện cho doanh nghiệp của Hậu thực hiện dự án Chợ Đầu mối Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc.

Liên quan vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, Bộ Công an đã khởi tố 15 bị can về nhiều tội danh.

DÂN ĐẮK NÔNG KHỔ SỞ VÌ HẠN MẶN

Nhiều điểm trồng cà phê của người dân ở huyện Đắk Mil (Đắk Nông) héo khô vì hạn hán, nhiều hồ thuỷ lợi, suối, ao hồ ở địa phương này cũng cạn trơ đáy khiến người dân đứng ngồi không yên.

Huyện Đắk Mil là vùng trọng điểm về cây cà phê của tỉnh Đắk Nông với hơn 21.000 hecta. Đây cũng địa bàn bị thiệt hại về nắng hạn nhất trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Thống kê cho thấy, toàn huyện Đắk Mil có 17/46 công trình thuỷ lợi bị cạn kiệt nguồn nước, hơn 5.100 ao, hồ trơ đáy, gần 2.000 giếng khoan cũng đang bắt đầu thiếu nước trầm trọng.

Điều này khiến hàng loạt diện tích cà phê trên địa bàn huyện Đắk Mil đang héo rũ, nhiều diện tích cây đã chết khô.

Theo ông Nguyễn Bá Luân, thôn Đắk Thọ (xã Đắk Lao), đây là năm hạn nặng nhất trong vòng mấy chục năm qua. Đã hơn 5 tháng không có giọt mưa nào mà thời tiết ngày càng nắng nóng khiến các nguồn nước đều cạn kiệt.

"Hiện tại đình tôi đã phải mua 33 cuộn ống (mỗi cuộn dài 50m) kéo bơm ra hồ thuỷ lợi cách nhà hơn 1,5km, cố gắng vét số nước ít ỏi cuối cùng để cứu vườn cà phê 2 hecta. Tuy nhiên, do lượng nước ít mà người bơm thì đông nên không ăn thua", ông Luân chia sẻ .

Bà Lê Thị Quyên, ở đội 4, xã Thuận An (huyện Đắk Mil) cho biết, vườn cà phê của gia đình đã hơn 5 năm tuổi, hiện đang bước vào thời kỳ kinh doanh nhưng gặp hạn nặng khiến vườn cây bị héo khô.

“Nhìn vườn cây dần khô héo mà xót hết ruột gan, giờ các đập thuỷ lợi, giếng khoan cũng hết nước nên chỉ chờ có mưa mới mong cứu được cây nào hay cây đó”, bà Quyên cho hay.

Ông Phan Xuân Vinh - Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Lao cho biết, toàn xã có hơn 9.000 hecta cà phê (gồm cả diện tích Công ty cà phê Đức Lập). Nếu thời tiết nắng nóng kéo dài 1 tuần đến 10 ngày thì khả năng 85% diện tích cây cà phê trên địa bàn toàn xã sẽ mất mùa.

Ông Nguyễn Tường Duy - Phó Giám đốc Công ty khai thác công trình thuỷ lợi tỉnh Đắk Nông thông tin, thời gian trước đơn vị còn điều tiết nước từ các hồ chứa lớn sang các khu vực lân cận để cứu cây trồng. Nhưng thời điểm này, việc điều tiết nước là bất khả thi. Những khu vực còn nước phải giữ để phục vụ nhu cầu tại chỗ. Những khu vực hết nước, đành chấp nhận buông tay.

Theo thống kê, toàn tỉnh Đắk Nông hiện có 31/307 công trình thuỷ lợi hết nước. Các hồ còn lại lượng nước chỉ còn chừng 40% và đang giảm nhanh. Việc này đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, cây trồng, vật nuôi của bà con nhân dân.

ĐỒNG NAI TRỞ THÀNH TÂM BỆNH DẠI

Tỉnh Đồng Nai vừa ghi nhận ổ dịch dại trên chó thứ 2 tại xã Bàu Cạn. Như vậy, đây là ổ dịch dại thứ 8 của toàn tỉnh kể từ đầu năm 2024 đến nay.

Trung tâm y tế huyện Long Thành (Đồng Nai) cho biết tối ngày 13-4, bà N.T.H.N. (41 tuổi, ngụ ấp 7, xã Bàu Cạn) tháo dây xích cho chó thì bị chó nhà nuôi cắn vào mu bàn tay trái, vết thương nông, chảy máu ít.

Khoảng 4 giờ sau đó, con chó cắn bà N. chết. Nạn nhân đã đến trạm y tế xã để xử trí vết thương. Ngày hôm sau, bà N. đi tiêm vắc-xin và huyết thanh kháng dại tại Trung tâm y tế huyện Long Thành.

Qua xét nghiệm tại Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Đồng Nai, con chó dương tính với virus dại. Trong số 3 con chó còn lại của gia đình bà N. có 1 con đã bị con chó dại nói trên cắn, hiện con chó này đang được nuôi nhốt để theo dõi 14 ngày.

Theo điều tra nhanh của lực lượng chức năng, khu vực xung quanh nhà bà N. có 24 hộ gia đình nuôi 84 con chó. Trong đó, 81 con đã được tiêm phòng dại, số còn lại chưa tiêm.

Để phòng ngừa bệnh dại lây lan trên diện rộng và giảm tối đa hậu quả do dịch bệnh dại gây ra, lực lượng chức năng đã vận động các thành viên trong gia đình bà N. và các hộ gần kề đến cơ sở y tế để được tư vấn tiêm phòng trước phơi nhiễm bệnh dại.

Nguồn: Soha; CafeF; Vietnamnet; Kenh14

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang