Giám sát cung ứng xăng dầu 5 tỉnh; Đóng cửa sân bay Điện Biên; Đột phá hạ tầng giao thông; TQ đặt trạm tên lửa ở Hoàng Sa

GIÁM SÁT CUNG ỨNG XĂNG DẦU TẠI 5 TỈNH, THÀNH PHỐ ĐỂ NGĂN ĐẦU CƠ, GĂM HÀNG

(Ảnh minh hoạ).

Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ việc cung ứng xăng dầu tại Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Hải DươngHải Phòng, không để xảy ra tình trạng đứt gãy, thiếu hụt xăng dầu, găm hàng chờ tăng giá.

Cây xăng tự ý đóng cửa, nâng giá bán

Theo Tổng cục Quản lý thị trường, ngày 25.1, tổ công tác do Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Hoàng Ánh Dương làm tổ trưởng, đã đi kiểm tra, giám sát tình hình cung ứng xăng dầu ở 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng.

Qua kiểm tra, lực lượng quản lý thị trường phát hiện nhiều cây xăng có vi phạm.

Tại Hà Nam, tổ công tác phát hiện Cửa hàng xăng dầu số 1 Vực Vòng (Công ty TNHH Chiến Dưỡng), đặt tại tổ dân phố Vực Vòng (P.Đồng Văn, H.Duy Tiên) đóng cửa không bán hàng.

Ngay sau đó, tổ công tác đã chỉ đạo Đội Quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Nam) kiểm tra, làm rõ. Kết quả, cửa hàng xăng dầu này đã tự ý đóng cửa, ngừng bán hàng trong khoảng từ 11 giờ đến 11 giờ 45 ngày 25.1.

Cửa hàng này không thực hiện việc bán xăng dầu theo thời gian quy định (từ 5 giờ đến 23 giờ cùng ngày) mà không có lý do chính đáng. Đội Quản lý thị trường số 2 đã lập biên bản vi phạm, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 15 triệu đồng.

Tại Hải Phòng, tổ công tác ghi nhận Cửa hàng xăng dầu Hương Phát (Công ty TNHH Trung Linh Phát) đặt tại khu công nghiệp Tràng Duệ (P.An Dương, Hải Phòng) treo biển hết hàng. Ngay sau đó, tổ công tác đã yêu cầu đo bồn chứa xăng dầu, đồng thời chỉ đạo Cục Quản lý thị trường TP.Hải Phòng tiếp tục kiểm tra, làm rõ.

Tại Hà Nội, qua giám sát, tổ công tác phát hiện Cửa hàng bán lẻ xăng dầu Châu Can tại khu vực Cầu Giẽ (xã Châu Can, H.Phú Xuyên) đóng cửa, ngừng kinh doanh. Tổ công tác yêu cầu Đội Quản lý thị trường số 21 (Cục Quản lý thị trường TP.Hà Nội) tiếp tục giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu của cửa hàng và lập hồ sơ đề nghị Sở Công thương TP.Hà Nội thu hồi giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu.

Cũng tại Hà Nội, trong ngày 24.1, lực lượng quản lý thị trường phát hiện một cửa hàng xăng dầu ở phố Ba Thá (xã Viên An, H.Ứng Hòa) tự ý nâng giá bán xăng dầu cao hơn 1.000 đồng/lít so với giá niêm yết theo quy định; đồng thời ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 7,5 triệu đồng.

Không để đứt gãy, thiếu hụt xăng dầu

Ông Hoàng Ánh Dương cho biết, trong thời gian nghỉ tết Nguyên đán 2023, Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo cục quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tiến hành trực 24/24 giờ nhằm giám sát, kiểm tra, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.

Đặc biệt, trong dịp này, Tổng cục Quản lý thị trường cũng thành lập các tổ công tác do lãnh đạo tổng cục trực tiếp làm tổ trưởng, tiến hành kiểm tra, giám sát việc kinh doanh tại các cửa hàng xăng dầu tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước.

Trong đó, tổ công tác của ông Hoàng Ánh Dương trực tiếp giám sát tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng... kết hợp kiểm tra công vụ, tình hình trực tết của lực lượng quản lý thị trường.

Trong ngày đầu tiên đi kiểm tra, giám sát, tổ công tác phát hiện một số trường hợp vi phạm với các hành vi: bán lẻ xăng dầu không đúng giá quy định, vi phạm về thời gian bán hàng đã đăng ký với sở công thương...

"Đối với các địa phương nói trên, trong thời gian tới, tổ công tác tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo nguồn cung xăng dầu liên tục, ổn định; không để xảy ra tình trạng đứt gãy, thiếu hụt xăng dầu hay tình trạng các cửa hàng đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá", ông Dương khẳng định.

(Nguồn: Thanh Niên)

ĐÓNG CỬA SÂN BAY ĐIỆN BIÊN ÍT NHẤT 6 THÁNG

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, sân bay Điện Biên sẽ đóng cửa 6 - 7 tháng để triển khai thi công đầu tư, xây dựng mở rộng,

Thời gian dự kiến đóng cửa bắt sân bay Điện Biên bắt đầu từ cuối tháng 3 tới.

Đại diện ACV thông tin thêm, tháng 3 tới sẽ hoàn thành lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng gói thầu số 30 thi công xây dựng nhà ga hành khách và các công trình phụ trợ, gói thầu 34 Giám sát thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách...

Tháng 4, tiến hành khởi công trước và dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2023.

Tháng 6 tới sẽ hoàn thành thi công giai đoạn 2 công trình hàng rào an ninh. Tháng 12 sẽ hoàn thành công trình đường cất hạ cánh (CHC), đường lăn, sân đỗ máy bay.

Đại diện ACV cho hay, hiện một số vị trí chưa thi công được do chưa giải phóng xong mặt bằng; một số vị trí khi thi công chặn đường dân sinh và hệ thống kênh mương tưới tiêu của dân nên người dân cản trở, không cho thi công.

Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ chung của dự án.

Ngoài ra nguồn vật liệu cho thi công dự án (đất đắp, cát) hiện tại rất hạn chế, không đủ trữ lượng cho việc thi công dự án. Thủ tục cấp phép các mỏ vật liệu mới đòi hỏi phải có thời gian. Chính vì vậy cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ của dự án.

Để đảm bảo tiến độ triển khai dự án theo kế hoạch, ACV kiến nghị UBND tỉnh Điện Biên sớm hoàn thiện công tác giải phóng mặt bằng cũng như sớm hoàn thành các công trình phụ trợ phục vụ dân sinh (đường đi lại, hệ thống tưới tiêu), tránh để người dân cản trở việc thi công xây dựng công trình.

ACV cũng đề nghị UBND tỉnh Điện Biên có phương án bổ sung các nguồn vật liệu nhằm đảm bảo đủ trữ lượng, khả năng cung cấp cho dự án triển khai đúng tiến độ.

Trước đó, hồi tháng 9/2022, ACV đã khởi công đường băng, đường lăn, sân đỗ máy bay thuộc Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên.

(Nguồn: Vietnamnet)

ĐỘT PHÁ VỀ HẠ TẦNG GIAO THÔNG

(Ảnh minh hoạ).

Năm 2022 Hà Nội đã có những chuyển biến mạnh mẽ trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT), nhiều công trình quan trọng dần được hiện thực hóa, mang đến kỳ vọng rất lớn góp phần giảm ùn tắc giao thông cho TP.

Năm 2023 sẽ là năm Hà Nội phải tập trung hành động mạnh mẽ để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, tiếp tục đưa thêm nhiều dự án từ trên giấy ra thực địa.

Ưu tiên dự án giao thông khung

Hạ tầng giao thông khung của Hà Nội bao gồm những tuyến đường vành đai, đường trục hướng tâm, liên khu vực; các đầu mối chính của giao thông tĩnh và đường sắt đô thị, có vai trò định hình toàn bộ hệ thống KCHTGT của TP.

Ví dụ như các tuyến vành đai: 2; 2,5; 3; 3,5; 4 và 5 - được coi là những hợp phần tối quan trọng, đáp ứng nhu cầu lưu thông cả trong nội bộ lẫn quá cảnh khu vực Hà Nội. Đường sắt đô thị (ĐSĐT) cũng được coi là một hợp phần của giao thông khung vì nó đi kèm cả một hệ thống hạ tầng, tín hiệu riêng; khối lượng trung chuyển trên mỗi chuyến lớn gấp hàng trăm lần xe buýt.

Nhiều năm qua, hàng loạt dự án giao thông khung của Hà Nội phải nằm im trên bản đồ quy hoạch, trong khi áp lực giao thông gia tăng nhanh chóng, quá sức chịu đựng của hệ thống KCHTGT hiện có. Một số dự án đã triển khai xây dựng thì vướng mắc do nhiều nguyên nhân, có thời điểm phải “đắp chiếu” như Vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng – Quốc lộ 1; tuyến ĐSĐT số 3 Nhổn - Ga Hà Nội; hầm chui Kim Đồng; Quốc lộ 1 cũ; Quốc lộ 6…

Nhưng trong năm 2022, Hà Nội đã thể hiện một quyết tâm mạnh mẽ, đồng lòng trên dưới, từ Thành ủy, HĐND, UBND TP, các sở, ban, ngành cho đến người dân để tháo gỡ hàng loạt khó khăn, tồn tại cho nhiều dự án KCHTGT khung quan trọng.

Trong đó dự án có ý nghĩa đặc biệt nhất là Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Đây là dự án mang nhiều tâm huyết, quyết liệt nhất của hệ thống chính trị từ TP đến T.Ư. Chưa từng có một dự án giao thông nào được lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Hà Nội quan tâm sát sao, tỉ mỉ và hậu thuẫn lớn như Vành đai 4. Đây vốn dược xem là con đường chiến lược giảm tải cho Vành đai 3, kết nối Hà Nội với Vùng Thủ đô và cả nước, kỳ vọng sẽ mang đến nguồn lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, cũng như phục vụ đắc lực cho các mục đích an ninh, quốc phòng, văn hóa.

Cùng với đó, vướng mắc kéo dài nhiều năm của hàng loạt dự án đã và đang bị bỏ lại phía sau dưới bàn tay chèo lái của chính quyền TP, sự nỗ lực của các đơn vị, địa phương liên quan. Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đã khởi công, các hợp phần còn lại của Quốc lộ 1 cũ đang được triển khai; tuyến ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội đã giải quyết dứt điểm mọi vướng mắc về mặt bằng, chuẩn bị đưa vào vận hành đoạn tuyến trên cao.

Bước sang năm 2023, việc đầu tư xây dựng KCHTGT khung cần tiếp tục được Hà Nội quan tâm hơn nữa để tiếp tục hoàn thiện cả hệ thống giao thông. Đặc biệt các dự án đã được khơi thông bế tắc không thể chủ quan, buông lỏng, phải duy trì quyết tâm và sự tập trung cao nhất để tranh thủ thời cơ, sớm hoàn thiện.

Các chủ đầu tư, nhà thầu tại mỗi dự án giao thông cần có tinh thần mạnh mẽ, đột phá như Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã thể hiện tại lễ khởi công dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6, đoạn Ba La – Xuân Mai. Chủ tịch UBND TP không tự hài lòng với mục tiêu đảm bảo tiến độ (hoàn thành vào năm 2027) và yêu cầu phải rút ngắn thời gian thực hiện dự án, vượt tiến độ hoàn thành công trình (vào năm 2026). Đó phải là tinh thần chủ đạo của Hà Nội trong đầu tư, thực hiện các dự án KCHTGT khung trong năm 2023 và giai đoạn tiếp theo.

Song hành phát triển đường đô thị

Song song với việc đầu tư hệ thống KCHTGT khung, Hà Nội đã dành nhiều công sức, nguồn lực cho các dự án đường đô thị, liên khu vực, đường kết nối giữa các vành đai, cao tốc và quốc lộ. Những dự án có vai trò đặc biệt quan trọng như: Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2; Vành đai 2 đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở… đang băng băng về đích, trong năm 2023 này sẽ trở thành trợ lực cho giao thông Thủ đô.

Hàng loạt dự án bế tắc nhiều năm như: Đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ); đường nối Nguyễn Xiển - Xa La; đường nối Lê Trọng Tấn - Nguyễn Trãi… đã tìm ra cách khắc phục khi lãnh đạo TP Hà Nội lắng nghe, rà soát đưa ra những giải pháp rất cụ thể, đôn đốc thực hiện ngay. Với các dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư (loại hợp đồng BT) đang vướng mắc sẽ được chuyển sang đầu tư bằng ngân sách. Những nút thắt về giải phóng mặt bằng được chỉ đạo giải quyết dứt điểm để dự án tiếp tục triển khai, quy trách nhiệm rõ ràng cho các địa phương nếu không đảm bảo đúng tiến độ bàn giao mặt bằng.

Nhiều dự án đường đô thị từ trên giấy đã bắt đầu hiện diện tại thực địa như cải tạo nâng cấp tuyến Hồ Tùng Mậu - Xuân Thủy, tăng cường khả năng kết nối của tuyến ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội; nối dài Đại lộ Thăng Long đến cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình…

Đặc biệt, một số dự án có kết nối chặt chẽ với tuyến Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã được phê duyệt, chuẩn bị thủ tục đầu tư. Các cầu vượt sông Hồng nằm trên tuyến Vành đai 4 (Hồng Hà, Mễ Sở) lọt vào danh sách ưu tiên chuẩn bị triển khai. Điều đó cho thấy Hà Nội đã thay đổi rất nhiều trong tư duy phát triển KCHTGT, không chỉ tập trung nguồn lực cho các dự án lớn như trước đây, mà song hành đầu tư cả đường trục chính lẫn đường ngang kết nối để khi hoàn thiện sẽ ngay lập tức đồng bộ hạ tầng, phát huy tối đa hiệu quả về giao thông. Tuy nhiên, việc triển khai đầu tư nhiều dự án trong cùng một giai đoạn cũng mang đến những áp lực vô cùng lớn cho chính quyền TP cũng như các đơn vị, địa phương liên quan.

Đặc biệt với các dự án đường đô thị đi qua những khu vực đông dân cư, lưu lượng giao thông lớn, vừa phải thi công đảm bảo chất lượng, tiến độ, vừa phải giải quyết bài toán lưu thông, đối diện với áp lực dư luận, sẽ càng nhiều thách thức, khó khăn. Áp lực đó chỉ được giải quyết khi lãnh đạo Thành ủy, UBND TP duy trì sự quan tâm, đôn đốc quyết liệt đối với từng dự án, khơi dậy tinh thần trách nhiệm và sáng tạo của từng tổ chức, cá nhân.

(Nguồn: Kinh tế & Đô thị)

TRUNG QUỐC ĐẶT TRẠM TÊN LỬA CỐ ĐỊNH Ở HOÀNG SA

Hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy một cơ sở phòng không của Trung Quốc được đặt tại quần đảo Hoàng Sa. Các nhà phân tích nhận định rằng điều này cho thấy Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã có tên lửa đất đối không sẵn sàng đặt ở mức cố định tại cả hai quần đảo đang tranh chấp với các nước láng giềng ngoài Biển Đông.

Quần đảo Hoàng Sa hiện do Trung Quốc chiếm giữ và quản lý là đối tượng tranh chấp giữa Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan. Trung Quốc chiếm được toàn bộ quần đảo này từ Việt Nam sau một cuộc hải chiến hồi năm 1974.

Trường Sa là quần đảo đang tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.

Một hình ảnh vệ tinh mới được đăng trên Twitter hồi tuần này cho thấy dường như một tiểu đoàn tên lửa mới xây đã hoàn thành trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Hình ảnh thuộc Maxar Technologies được cho là chụp vào tháng 4 năm ngoái cho thấy có bốn toà nhà với mái có thể tháo rời tại Phú Lâm, đảo lớn nhất tại Hoàng Sa.

Một trong số các toà nhà này có mái mở bán phần cho thấy các giàn phóng tên lửa đất đối không (SAM) ở bên trong.

ImageSat International - một công ty về thông tin tình báo không gian - đã phát hiện lần đầu sự xuất hiện của các giàn phóng tên lửa HQ-9 SAM trên đảo Phú Lâm hồi năm 2016.

Hình ảnh vệ tinh mới mà RFA chưa thể xác định một cách độc lập cho thấy quân đội Trung Quốc đã hoàn tất việc xây dựng một cơ sở phòng không giống như những cơ sở đã được nước này xây dựng trên các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đã hoàn toàn quân sự hoá trước đó.

Các cấu trúc tương tự với mái được tháo rời cũng được phát hiện ở Đá Subi, Vành Khăn, Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa, theo chuyên gia Tom Shugart thuộc Trung Tâm An ninh Mỹ mới viết trên Twitter.

Các cơ sở cố định này có thể được dùng để chứa các tên lửa tầm xa giúp Trung Quốc mở rộng tầm với của mình tới các vùng đang tranh chấp.

(Nguồn: RFA)

(Xem thêm:

=> Thuế suất giao dịch BĐS; 'Điểm nóng' tác động BĐS 2023; 2 thành phố trực thuộc HN; Chống tham nhũng năm 2023 ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang