EU: Truy quét mafia; Cấm cửa 1 phần ngũ cốc Ukraine; ECB sắp tăng lãi suất; Vụ biểu tình ở Pháp; TBN hạn hán kỷ lục

Hơn 130 người bị bắt trong chiến dịch truy quét mafia ở châu Âu

(Ảnh minh họa).

Nhiều nước phối hợp truy quét băng nhóm mafia giàu nhất ở Ý và khét tiếng về buôn lậu cocain từ Nam Mỹ vào châu Âu.

Tờ The Guardian ngày 3.5 đưa tin cảnh sát vừa bắt giữ hơn 130 người trong đợt truy quét mafia quy mô lớn tại 6 nước châu Âu, trong chiến dịch nhằm vào băng nhóm tội phạm có tổ chức 'Ndrangheta ở Ý.

Các nghi phạm chủ yếu bị cáo buộc về các hành vi rửa tiền, trốn thuế, lừa đảo, tàng trữ, sản xuất và buôn lậu ma túy, tội phạm kiểu mafia và tàng trữ, buôn lậu vũ khí, theo giới chức Đức.

Lực lượng chức năng ở Ý tiến hành bắt giữ 108 người trên cả nước sau cuộc điều tra tại vùng Calabria phía nam, căn cứ lâu nay của 'Ndrangheta, băng nhóm đã vượt qua Cosa Nostra ở vùng Sicily để trở thành băng nhóm mafia hùng mạnh và giàu có nhất, kiểm soát phần lớn dòng chảy cocain vào châu Âu.

Ngoài ra còn có thêm 15 người khác bị bắt giữ tại cảng Genoa ở Ý, một người bị bắt giữ tại thành phố Malaga (Tây Ban Nha). Tại Đức, hơn 1.000 cảnh sát lục soát nhiều nhà cửa, văn phòng, cửa hàng tại nhiều bang và tạm giữ khoảng 30 người.

Các công tố viên tại Bỉ cho biết cảnh sát lục soát hơn 20 địa điểm, trong cuộc điều tra kéo dài 3 năm mang mật mã Eureka. Các địa điểm này được lục soát bởi lực lượng chuyên đối phó phạm có tổ chức ở Đức, Bỉ, Pháp, Ý, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.

Tại Đức, chiến dịch truy quét nhằm vào các mục tiêu tại các bang North Rhine-Westphalia, Bavaria, Thuringia, Saarland và Rhineland-Palatinate. Bộ trưởng Nội vụ Đức Michael Ebling ca ngợi chiến dịch là "cú đấm hiệu quả" nhằm vào tội phạm có tổ chức.

Giới chức Ý và Bỉ cho rằng băng nhóm tội phạm này bị nghi buôn lậu gần 25 tấn cocain từ Nam Mỹ vào châu Âu, bằng các tàu container đến các cảng từ tháng 10.2019-1.2022.

Cơ quan chức năng các nước châu Âu từ lâu luôn nhắm vào 'Ndrangheta, một trong những tập đoàn tội phạm giàu nhất thế giới, được cho là hoạt động tại hơn 40 nước.

(Nguồn: Thanh Niên)

Châu Âu cấm cửa một phần ngũ cốc Ukraine, Nga bác cáo buộc tàu cá gián điệp

Một lệnh cấm tạm thời vừa được Ủy ban châu Âu (EC) áp đặt lên 4 loại ngũ cốc quan trọng của Ukraine từ ngày 2-5 đến ngày 5-6.

Theo TASS và The Kyiv Independent, EC đã đưa ra lệnh cấm kéo dài một tháng đối với lúa mì, ngô, hạt cải dầu và hạt hướng dương để "giảm bớt tắc nghẽn hậu cần" liên quan đến những hàng hóa này ở 5 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) gồm Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Romania và Slovakia.

Đổi lại, Bulgaria, Hungary, Ba Lan và Slovakia cam kết hủy bỏ các giới hạn đơn phương của họ đối với các sản phẩm này và các sản phẩm khác từ Ukraine, vốn được đưa ra vào tháng 4-2023.

Nguyên nhân được các nước này đưa ra là sự dư thừa về nguồn cung các sản phẩm này đang làm ảnh hưởng đến thị trường nội địa, đẩy nông dân địa phương đến bờ vực điêu đứng.

Tuyên bố từ EC cũng nhấn mạnh: "Trong thời gian này, lúa mì, ngô, hạt cải dầu và hạt hướng dương có nguồn gốc từ Ukriane có thể tiếp tục được phát hành đều lưu thông tự do ở tất cả các quốc gia thành viên EU ngoài 5 quốc gia trên"; đồng thời nêu rõ trách nhiệm của 5 quốc gia trên trong việc để ngũ cốc Ukraine quá cảnh để xuất khẩu sang các nước khác.

Đại sứ quán Nga tại Đan Mạch: Cáo buộc "tàu cá gián điệp" là ác ý

Theo hãng tin TASS, Đại sứ quán Nga tại Đan Mạch hôm 2-5 vừa bác bỏ thông tin cho rằng tàu cá Nga được sử dụng để làm gián điệp khi hoạt động ở vùng biển quanh Quần đảo Faroe, một nhóm đảo nằm trong vùng biển Na Uy, phía Bắc Đại Tây Dương, ở giữa Iceland, Na Uy và Scotland.

Tuyên bố được đưa ra sau khi truyền hình nhà nước chiếu bộ phim tài liệu mang tên "War in the Shadows" ở Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy và Phần Lan.

Đại sứ Nga tại Đan Mạch Vladimir Barbin cáo buộc "War in the Shadows" chứa đựng những tuyên bố vô căn cứ về sự tham gia của các tàu cá Nga trong các hoạt động tình báo. Các luận điểm này lan truyền trên các phương tiện truyền thông Đan Mạch, trở thành chủ đề của các cuộc thảo luận.

Ông Barbin khẳng định rằng các cáo buộc nhắm vào tàu cá Nga được đưa ra bởi những người "không có kiến thức" và "ác ý" nhằm phá hủy sự hợp tác cùng có lợi kéo dài hàng thập kỷ giữa Nga và Quần đảo Faroe trong lĩnh vực thủy sản.

(Nguồn: Soha)

ECB có thể sẽ tăng lãi suất lần thứ bảy liên tiếp

(Ảnh minh họa).

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ tăng lãi suất tại cuộc họp thứ bảy liên tiếp vào ngày 4/5, tiếp tục nỗ lực kéo dài nhằm kiểm soát lạm phát, nhưng lãi suất tăng ở mức nào vẫn là điều còn được tranh luận.

ECB đã nâng lãi suất kỷ lục 350 điểm cơ bản kể từ tháng 7/2022. Tuy nhiên, ECB sẽ mất nhiều năm để đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%, khiến các nhà hoạch định chính sách không có lựa chọn nào khác ngoài việc lại tăng lãi suất trong tháng này và sau đó.

Khả năng cao nhất là ECB sẽ tăng lãi suất 25 điểm cơ bản, sau ba lần tăng 50 điểm cơ bản liên tiếp, dù mức tăng mạnh hơn là có thể khi đây gần như chắc chắn không phải là lần tăng cuối cùng.

Các nhà hoạch định chính sách ủng hộ việc tăng mạnh lãi suất nghiêng về mức tăng lớn hơn, nhưng lãi suất cũng có thể tăng nhẹ hơn nếu ECB phát tín hiệu rằng lần tăng lãi suất trong tháng này không phải là lần tăng cuối cùng, ngay cả khi một số ngân hàng trung ương khác, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), có thể đang tiến tới mức lãi suất đỉnh.

Các thị trường nhận định có 80% khả năng ECB tăng lãi suất 25 điểm cơ bản, trong khi đại đa số các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters cũng dự đoán ECB sẽ thực hiện mức tăng lãi suất trên.

Trong khi đó, Fed tăng lãi suất 25 điểm cơ bản sau cuộc họp trong hai ngày 2-3/5 và phát tín hiệu có thể sẽ dừng tăng lãi suất.

Kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) tăng trưởng nhẹ trong quý I/2023 và số liệu về các khoản vay cho thấy nhu cầu tín dụng giảm mạnh nhất trong một thập kỷ, dấu hiệu về tác động của việc tăng lãi suất đến nền kinh tế.

Sự giảm sút trên có thể trở thành một cuộc khủng hoảng tín dụng, từ đó gây sức ép lên tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, lạm phát vẫn quá cao và có thể vẫn vượt mục tiêu của ECB, trừ phi có những hành động quyết liệt hơn.
Rủi ro lạm phát cao gia tăng khi thị trường lao động thắt chặt, nhất là khi tăng trưởng lương nhanh hơn dự kiến và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp kỷ lục.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

55% dân Pháp ủng hộ biểu tình chống cải cách hưu trí của ông Macron

Trong cuộc biểu tình ở Paris vào Ngày Quốc tế Lao động 1/5, 540 người bị bắt giữ và 406 cảnh sát bị thương trong các cuộc đụng độ bạo lực.

Đa số người dân ủng hộ các làn sóng biểu tình và đình công mới nhằm phản đối cải cách hưu trí của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Bloomberg đưa tin, dẫn một cuộc thăm dò được công bố hôm 4/5.

Khi được hỏi liệu các cuộc biểu tình có nên tiếp tục hay không, 55% số người ở Pháp tham gia cuộc khảo sát do Ifop thực hiện cho đài phát thanh Sud Radio trả lời rằng họ nhiệt tình ủng hộ điều này.

Ifop đã thăm dò 1.008 người vào ngày 2-3/5. Biên độ sai số dao động từ 1,4-3,1 điểm phần trăm.

Cuộc thăm dò được tiến hành trước khi Tòa án Hiến pháp Pháp ra phán quyết bác bỏ nỗ lực tổ chức trưng cầu dân ý lần thứ hai về cuộc cải tổ hưu trí của ông Macron, trong đó có quy định nâng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 trên toàn nước Pháp.

Trong một phán quyết được công bố hôm 3/5, Hội đồng Hiến pháp Pháp cho biết, yêu cầu tổ chức trưng cầu dân ý không đáp ứng các điều kiện cần thiết. Phán quyết này là một đòn giáng mạnh vào các nghiệp đoàn lao động và những người phản đối cải cách.

Các nghiệp đoàn đã kêu gọi một đợt tổng biểu tình và đình công mới toàn quốc vào ngày 6/6 tới, và đây sẽ là làn sóng phản đối thứ 14 kể từ tháng Giêng. Đợt tổng hành động gần đây nhất là vào Ngày Quốc tế Lao động (1/5).

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin nói với đài truyền hình BFMTV hôm 1/5 rằng 540 người đã bị bắt giữ trong cuộc biểu tình ở Paris, trong khi 406 cảnh sát cũng bị thương trong các cuộc đụng độ với người biểu tình.

Các cuộc biểu tình bắt đầu vào sáng sớm tại các thành phố Nantes, Lyon, Marseille và Strasbourg, trong khi một cuộc biểu tình lớn diễn ra vào buổi chiều ở Paris, nhật báo Le Figaro của Pháp đưa tin.

Căng thẳng gia tăng giữa cảnh sát và người biểu tình ở Paris, và các sĩ quan cảnh sát đã sử dụng hơi cay, truyền thông địa phương cho biết. Trong các cuộc đụng độ, cửa sổ của một số cửa hàng đã bị đập vỡ, đồ đạc trên đường phố bị phá hoại và các thùng rác bị đốt cháy

(Nguồn: Người Đưa Tin)

Tây Ban Nha đang trải qua đợt hạn hán “trăm năm có một”

(Ảnh minh họa).

Hàng nghìn người Tây Ban Nha tổ chức lễ cầu mưa sau khi nhiệt độ lập kỷ lục, hạn hán nghiêm trọng ở nhiều vùng tại quốc gia châu Âu này.

Nhà chức trách Tây Ban Nha vừa qua cho biết, nước này phá vỡ kỷ lục nhiệt độ trong tháng 4, khi trải qua đợt nắng nóng sớm bất thường. Theo cơ quan thời tiết quốc gia Tây Ban Nha (Aemet), nhiệt độ đạt 38,8 độ C tại sân bay ở thành phố Cordoba, miền Nam Tây Ban Nha vào hôm 27/4, đánh bại kỷ lục 38,6 độ C trước đó ở thành phố Elche.

Trước bối cảnh nắng nóng lập kỷ lục, các giáo dân ở thành phố Jaen, phía nam Tây Ban Nha đã tổ chức lễ rước kiệu tượng Chúa Kitô mang tên "El Abuelo" để cầu mưa lần đầu tiên kể từ năm 1949.

Các số liệu cho thấy hàng nghìn người đã tham dự lễ diễu hành này. Theo các chuyên gia thời tiết, một số vùng của Tây Ban Nha đang ở vào tình trạng khô hạn nhất trong một nghìn năm qua, hạn hán làm cạn kiệt các hồ chứa tại nhiều nơi ở quốc gia này.

Ricardo Cobos, thành viên tham gia lễ cầu mưa nói: "Chúng tôi đang ở vào đợt hạn hán dai dẳng và mục đích của cuộc diễu hành này là cầu xin Chúa giúp đỡ và cứu rỗi chúng tôi".

Trong khi đó, với đôi mắt hướng lên bầu trời, Antonia Contreras - người tham gia lễ cầu mưa, cho biết: “Tôi đến để gặp Chúa và tôi rất tin tưởng rằng Ngài sẽ ban nước cho chúng tôi”.

Ngày 25/4, Tây Ban Nha yêu cầu Liên minh châu Âu cấp quỹ khẩn cấp để giúp nông dân nước này đối phó với hạn hán nghiêm trọng đe dọa mùa màng.

Các hồ chứa nước ở Tây Ban Nha hiện chỉ còn một nửa công suất và hiệp hội nông dân Tây Ban Nha (COAG) cho biết 60% đất nông nghiệp đang "nghẹt thở" vì thiếu mưa.

Tây Ban Nha là nước xuất khẩu dầu ô liu lớn nhất thế giới và là nguồn cung cấp rau quả chính của châu Âu. Số liệu của Liên hợp quốc cho thấy gần 75% đất đai của Tây Ban Nha dễ bị sa mạc hóa do biến đổi khí hậu.

Năm 2022 là năm nóng nhất ở Tây Ban Nha kể từ kỷ lục nắng nóng vào năm 1961, và cũng là năm khô hạn thứ sáu của nước này bất chấp sự hiện diện của hiện tượng thời tiết La Niña, làm giảm nhẹ nhiệt độ trung bình toàn cầu.

Tờ Washington Post nhận định sức nóng ở Tây Ban Nha và các khu vực xung quanh bị khuếch đại bởi một trong những đợt hạn hán tồi tệ nhất từng được ghi nhận ở khu vực này. Hạn hán đã diễn ra ở các vùng của Tây Ban Nha trong 5 năm, khiến 27% diện tích quốc gia rơi vào tình trạng khẩn cấp hạn hán.

Các chuyên gia cho biết biến đổi khí hậu do hoạt động của con người đang thúc đẩy cường độ và tần suất hiện tượng thời tiết cực đoan, chẳng hạn sóng nhiệt, hạn hán và cháy rừng.

(Nguồn: Môi trường & Đô thị)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang