EU: Sản xuất tấm pin mặt trời gặp khó; Cú sốc năng lượng vì LNG; Khó thu hồi tài sản Nga; Anh mở lại tuyến đường sắt lịch sử

CÁC CÔNG TY SẢN XUẤT TẤM PIN NĂNG LƯỢNG MẶT TRỜI Ở CHÂU ÂU GẶP KHÓ

Theo Reuters, nhà máy ở thành phố Freiberg, miền Đông nước Đức của công ty sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời Meyer Burger (Thụy Sĩ) đóng cửa vào giữa tháng 3 vừa qua, khiến 500 lao động bị mất việc.

Trước đó, các cuộc đàm phán giữa Meyer Burger với Chính phủ Đức nhằm bảo đảm tương lai cho nhà máy đã kết thúc mà không đạt kết quả như mong đợi. Bộ Kinh tế Đức cho biết họ nhận thức được “tình hình rất nghiêm trọng” của công ty và đã xem xét các phương án tài trợ trong hơn một năm. Đức đồng ý cấp cho Meyer Burger khoản hỗ trợ xuất khẩu nhưng không cứu được cơ sở tại Freiberg. Việc nhà máy ở Freiberg đóng cửa đã làm giảm 10% sản lượng tấm pin năng lượng mặt trời của châu Âu, bất chấp sự bùng nổ về năng lượng gió và mặt trời ở khu vực này.

Trong năm qua, ít nhất 10 nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời ở châu Âu đã buộc phải đóng cửa hoặc di chuyển địa điểm hoạt động do gặp khó khăn về tài chính. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, công suất năng lượng tái tạo đang tăng với tốc độ kỷ lục. Tuy nhiên, các nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời có trụ sở tại châu Âu đang chịu sức ép cạnh tranh lớn từ các công ty Trung Quốc và Mỹ vốn nhận được nhiều sự hỗ trợ từ Chính phủ các nước này.

Trung Quốc đang mở rộng sản lượng năng lượng mặt trời và hiện chiếm 80% công suất sản xuất năng lượng mặt trời của thế giới. Các khoản trợ cấp của Mỹ được công bố như một phần của Đạo luật giảm lạm phát năm 2022, cho phép một số nhà sản xuất năng lượng tái tạo và nhà phát triển dự án yêu cầu các khoản tín dụng thuế. Điều này đang thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài Liên minh châu Âu (EU). Công ty Meyer Burger cho biết họ có kế hoạch mở một nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời ở bang Arizona và một nhà máy ở bang Colorado của Mỹ. Tương tự, công ty pin Freyr đã ngừng hoạt động một nhà máy ở Na Uy và tập trung vào kế hoạch xây dựng nhà máy ở bang Georgia, Mỹ.

Diễn biến này đặt ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan đối với Chính phủ các nước châu Âu vốn đang muốn tăng cường hành động chống biến đổi khí hậu. Họ cần phải cân nhắc kỹ lưỡng hai phương án: Cung cấp sự hỗ trợ nhiều hơn cho các nhà máy để bảo đảm sản xuất trong nước có thể duy trì khả năng cạnh tranh hoặc cho phép nhập khẩu số lượng lớn tấm pin năng lượng mặt trời để đáp ứng nhu cầu lắp đặt.

CHÂU ÂU ĐỐI MẶT CÚ SỐC NĂNG LƯỢNG VÌ LNG NGA, MỸ CŨNG BẤT LỰC

Đoạn tuyệt nguồn cung năng lượng Nga là điều không dễ đối với các quốc gia châu Âu cho dù họ rất nỗ lực.

Cơ quan Hợp tác Điều tiết Năng lượng Châu Âu (ACER) cho biết, Liên minh châu Âu (EU) vẫn cần nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga, bất chấp sự phản đối của một số quốc gia trong khối.

Điều này sẽ giúp tránh được một cú sốc năng lượng, tờ Financial Times (FT) cho biết.

Ấn phẩm FT nhấn mạnh đến thực tế là Moskva hiện đứng thứ hai về nguồn cung cấp LNG cho châu Âu, đứng sau Hoa Kỳ, trong khi Qatar chỉ giữ vị trí thứ ba.

ACER cho biết, những nỗ lực nhằm hạn chế mức nhập khẩu LNG kỷ lục của Nga vào EU “cần được thực hiện một cách thận trọng”.

Theo khuyến cáo từ các nhà phân tích, EU cần phải giảm dần nguồn cung từ Liên bang Nga, bởi vì dòng khí đốt qua đường ống sẽ gần như bị chấm dứt vào cuối năm nay.

Bên cạnh đó, ACER cũng bày tỏ quan ngại về mong muốn của một số thành viên EU đó là tạm thời hạn chế nguồn cung khí đốt từ Nga.

Cơ quan này gọi bước đi như vậy là bất cẩn vì chúng có thể gây tổn hại đến các hợp đồng dài hạn, việc vi phạm sẽ dẫn đến khoản tiền phạt khổng lồ mà những công ty châu Âu phải đối mặt.

Tổ chức này khẳng định Liên minh châu Âu vẫn khó tìm được sự cân bằng giữa an ninh năng lượng và mong muốn giáng một đòn mạnh vào tình hình tài chính của Moskva.

Thị trường nhiên liệu hóa thạch toàn cầu tiếp tục căng thẳng, phần nào được thúc đẩy bởi cuộc xung đột leo thang ở Trung Đông, điều này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh năng lượng của châu Âu, càng khiến EU chưa thể đoạn tuyệt với LNG cũng như khí đốt theo đường ống của Nga.

Phương Tây lo ngại những cuộc tấn công của UAV Ukraine nhằm vào hạ tầng năng lượng Nga sẽ gây thêm khó khăn cho bản thân họ.

PHƯƠNG TÂY GẶP KHÓ TRONG VIỆC THU HỒI TÀI SẢN PHONG TỎA CỦA NGA

Châu Âu phản đối Mỹ về điều mà họ coi là một hành động mạo hiểm khi EU nắm giữ phần lớn tài sản của Nga và bất kỳ sự trả đũa nào của Moskva có thể sẽ nhắm vào châu Âu chứ không phải Mỹ.

Các nước phương Tây đã tăng cường nỗ lực tạo ra khuôn khổ pháp lý để tịch thu tài sản của Nga một cách “hợp pháp”. Các bộ trưởng tài chính và giám đốc ngân hàng trung ương của các quốc gia G7 tuyên bố sau cuộc họp mới đây rằng họ vẫn đang nỗ lực tìm cách sử dụng số tiền này để hỗ trợ Ukraine. Trong khi đó, các nghị sỹ Mỹ đang xem xét một dự luật vào ngày 20/4 cho phép Tổng thống nước này tịch thu tài sản của Nga.

Tờ Izvestia của Nga dẫn lời các chuyên gia cho rằng sẽ không sớm có thỏa thuận về cơ chế thu giữ tài sản bị phong toả của Moskva. Tổng Giám đốc Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga Ivan Timofeev giải thích: “Không quốc gia G7 nào ngoại trừ Canada hiện có cơ chế pháp lý cho phép họ tịch thu tài sản nhà nước bị phong tỏa của Nga và giao lại cho Ukraine. EU đang thảo luận về một công cụ để thu lợi nhuận từ tài sản thuộc chủ quyền của Nga và gửi đến Ukraine. Tuy nhiên, hiện tại không có cơ chế nào để tịch thu tài sản chính phủ bị phong tỏa. Để làm được điều đó, EU sẽ phải thay đổi một số luật cơ bản. EU chưa sẵn sàng làm việc này. Mỹ cũng không có công cụ như vậy vì Washington lo ngại về tác động mà nó có thể gây ra đối với xếp hạng tín dụng và đầu tư".

Cuộc tranh luận về nhu cầu sử dụng tài sản của Nga để hỗ trợ Kiev đang nóng lên trong EU khi Quốc hội Mỹ vẫn chưa thông qua gói viện trợ mới cho Ukraine. Giữa những chỉ trích về sự chậm trễ, Mỹ đưa ra một số dự luật về hỗ trợ Ukraine, trong đó đặc biệt đề cập đến việc sử dụng tài sản của Nga. Kế hoạch này bao gồm luật cho phép tổng thống Mỹ tịch thu toàn bộ hoặc một phần tài sản có chủ quyền của Nga thuộc quyền tài phán của Mỹ để chuyển chúng sang quỹ hỗ trợ Ukraine dự kiến sẽ được thành lập.

Chuyên gia Timofeev chỉ ra: “Những dự luật như vậy cứ liên tục được đưa ra. Tuy nhiên, không phải sáng kiến nào cũng được thông qua. Hơn một trăm dự luật liên quan đến lệnh trừng phạt Nga đã được khởi xướng trong 4 năm qua nhưng đáng chú ý, chỉ có 5% số dự luật trừng phạt được thông qua”.

Trong khi đó tờ Washington Post ngày 20/4 đưa tin, các quan chức Mỹ đã dành các cuộc họp trong tuần qua với các nhà lãnh đạo Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới để tìm cách "buộc Nga phải trả giá" cho chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Tại cuộc họp mùa xuân thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới ở Mỹ vào tuần trước, các quan chức Nhà Trắng đã thúc đẩy những nước châu Âu sử dụng một phần trong số 280 tỷ USD dự trữ của ngân hàng trung ương Nga mà các đồng minh phương Tây đã đóng băng trong những ngày đầu của cuộc xung đột ở Ukraine.

Trong vài tháng qua, các nhà ngoại giao Mỹ và EU đã xem xét nhiều đề xuất khác nhau, bao gồm tịch thu tài sản và chuyển chúng cho Kiev hoặc sử dụng lợi nhuận từ các khoản đầu tư của Nga để hỗ trợ cho khoản vay hoặc phát hành trái phiếu. Quyết định cuối cùng về đề xuất tái sử dụng tài sản của Nga đang chờ cuộc họp thượng đỉnh vào tháng 6 tới của Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo G7 khác ở Italy.

“Họ đã tranh cãi trong một thời gian dài. Bây giờ vấn đề là phương Tây có thể hoàn thành được việc đó không?” Clay Lowery, Phó Chủ tịch điều hành của Viện Tài chính Quốc tế và cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ cho biết.

Tốc độ ra quyết định chậm chạp làm nổi bật một thực tế khó chịu đối với Ukraine: Bất chấp sự đột phá rõ ràng trong tuần này tại Quốc hội Mỹ, Ukraine vẫn phải đối mặt với những thách thức định kỳ để giành được sự trợ giúp tài chính. Theo ước tính chung của Chính phủ Ukraine, Ngân hàng Thế giới và Ủy ban châu Âu, chi phí bồi thường cũng như tái thiết hiện tại là 486 tỷ USD và đang tăng lên. Trong khi đó, nền kinh tế đang gặp khó khăn của Ukraine vẫn phụ thuộc vào sự hỗ trợ quốc tế.

Các quan chức châu Âu đã ngần ngại tịch thu tài sản của Nga vì lo ngại việc này có thể vi phạm luật pháp quốc tế, khiến các nhà đầu tư không còn tin tưởng vào đồng euro và khiến Moskva trả đũa.

Christine Lagarde, người đứng đầu Ngân hàng Trung ương châu Âu, cho biết tuần trước rằng các đề xuất khai thác tài sản bị đóng băng của Nga để mang lại lợi ích cho Ukraine có nguy cơ “phá vỡ trật tự pháp lý quốc tế mà phương Tây muốn bảo vệ”.

Các quan chức châu Âu cũng phản đối sự khăng khăng của Mỹ về điều mà họ coi là một hành động mạo hiểm khi họ nắm giữ phần lớn tài sản và bất kỳ sự trả đũa nào của Nga có thể sẽ nhắm vào châu Âu chứ không phải Mỹ.

Theo Eswar Prasad, Giáo sư Đại học Cornell, người từng giữ chức vụ trưởng bộ phận nghiên cứu tài chính tại IMF, các bộ trưởng tài chính châu Âu cũng lo ngại rằng việc tịch thu tài sản của ngân hàng trung ương Nga có thể gây ra một làn sóng thoái vốn toàn cầu khỏi lục địa này.

SAU 60 NĂM, VƯƠNG QUỐC ANH SẼ TÁI KHỞI ĐỘNG LẠI TUYẾN ĐƯỜNG SẮT LỊCH SỬ

Tuyến đường sắt đóng cửa trong 60 năm tại Anh được khởi động lại để thúc đẩy du lịch vùng phía Đông Bắc đất nước.

Mùa hè sắp tới, tuyến đường sắt được cho là “lịch sử” của Vương Quốc Anh sẽ được hồi sinh sau khi ngừng hoạt động từ năm 1964. Đây là một tuyến đường vô cùng đặc biệt. Nhờ tuyến đường sắt này, du khách có thể dễ dàng ghé thăm một số thành phố rẻ nhất đất nước nằm cách xa London.

Với chi phí khoảng 200 triệu USD, tuyến xe lửa dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào mùa hè này với tổng cộng 6 nhà ga mới. Trong đó, các chuyến tàu đến phía Đông Bắc của đất nước sẽ có giá cả phù hợp cho đại chúng. Khám phá khu vực rẻ hơn của đất nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cả du khách và nền kinh tế địa phương.

3 trạm tàu dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong mùa hè năm 2024:

Ashington

Newsham

Seaton Delaval

Thành phố Newcastle là điểm dừng cuối cùng và là điểm kết nối chính của tuyến mới, khởi hành từ Ashington, dừng ở Newsham, sau đó là Seaton Delaval và kết thúc chuyến đi 35 phút tại Ga Newcastle.

Hiện chưa có ngày chính thức được công bố nhưng Blyth Bebside, Bedlington và Northumberland Park sẽ là 3 điểm dừng tiếp theo được hoàn thiện trong tương lai. Trong khi điểm đến Newcastle giúp khách địa phương và du khách có cảm giác phiêu lưu dễ tiếp cận, thì khu vực Northumberland đang còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác.

Nguồn: Quân Đội Nhân Dân; CafeF; Báo Tin Tức; VTV

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang