EU: Kinh tế lội ngược dòng; Nới trừng phạt Syria; 'Chặn đường' TikTok; Anh khủng hoảng salad; Thiên đường tốc độ ở Đức

Kinh tế châu Âu lội ngược dòng ngoạn mục

(Ảnh minh họa).

Kinh tế châu Âu đã chứng kiến một cuộc “lội ngược dòng” ngoạn mục trong năm 2022. Năm 2023, triển vọng và thách thức của kinh tế châu Âu sẽ như thế nào?

Kinh tế châu Âu khởi sắc

Ngày 24/2 đánh dấu thời điểm tròn 1 năm Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine - một cuộc xung đột đã tạo ra nhiều biến động với kinh tế toàn cầu, mà trong đó châu Âu là một trong khu vực chịu ảnh hưởng lớn nhất.

Một trong những khó khăn chính với châu lục này chính là cơn bão giá cả xuất phát từ việc các nguồn cung năng lượng và hàng hóa gặp gián đoạn. Tiêu biểu là dầu Brent và khí đốt - hai mặt hàng năng lượng chủ lực đều đã chạm mức cao kỷ lục trong năm 2022. Bên cạnh còn đó là lúa mỳ, dầu ăn hay phân bón…

Nhiều dự báo thời điểm đó tỏ ra khá bi quan rằng, kinh tế Liên minh châu Âu khó có thể tránh được suy thoái trong giai đoạn cuối năm 2022 và kéo sang năm nay.

Tuy nhiên, bước sang năm 2023, các số liệu lại cho thấy kết quả trái ngược khi kinh tế EU tăng trưởng 3,5%, cao hơn cả Mỹ và Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp cũng ở mức thấp kỷ lục. Lạm phát hiện vẫn còn cao, nhưng cũng đã giảm tháng thứ 3 liên tiếp.

Tại sao kinh tế châu Âu tránh được suy thoái

Có thể nói là châu Âu đã chứng kiến một cuộc lội ngược dòng ngoạn mục trong năm 2022. Vậy làm thế nào mà kinh tế châu Âu tránh được suy thoái trong năm 2022 như những dự báo trước đó?

Châu Âu đã thiệt hại gần 1.000 tỷ USD do giá năng lượng tăng vọt, nhất là sau khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng nổ. Chính phủ các nước thành viên đã phải bỏ ra hơn 700 tỷ USD để hỗ trợ các công ty và người tiêu dùng song song với nỗ lực loại bỏ phụ thuộc vào nguồn cung khí tự nhiên từ Nga.

Việc đa dạng hóa nguồn cung năng lượng (như tăng nhập khẩu khí hoá lỏng, phát triển ồ ạt các dự án năng lượng tái tạo, kéo dài hoạt động của các nhà máy điện nguyên tử…) và chính sách tiết kiệm năng lượng cùng thời tiết mùa thu ấm áp, mùa đông ôn hoà, không chỉ giúp châu Âu giảm tiêu thụ khí đốt, mà dự trữ khí đốt của các nước châu Âu năm 2022 cao hơn mức trung bình theo mùa của những năm trước.

Giá khí đốt trung bình tại các nước châu Âu ghi nhận mức 55 Euro/MWh, chỉ bằng khoảng 1/7 mức kỷ lục hồi tháng 8/2022, thấp hơn cả mức trước khi chiến sự Nga - Ukraine bùng nổ.

Một trong những yếu tố chính giúp châu Âu tránh được kịch bản đình trệ kinh tế năm vừa rồi đến từ việc đa dạng nguồn cung năng lượng.

Hôm 5/12, EU chính thức cấm nhập khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển và 3 tháng sau là lệnh cấm tương tự với sản phẩm tinh chế. Căng thẳng giữa hai bên về vấn đề Ukraine cũng làm giảm mạnh dòng khí đốt từ Nga sang châu Âu. EU đứng trước bài toán phải thay thế được nguồn cung năng lượng từng là chủ lực của khối.

Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck nói: "Việc Nga giảm nguồn cung khi đốt là tín hiệu để chúng ta đẩy mạnh tối đa tiến trình giảm phụ thuộc vào năng lượng của Nga nói riêng và năng lượng hóa thạch nói chung".

Năm 2022, Na Uy đã trở thành nhà xuất khẩu khí đốt bằng đường ống lớn nhất cho "đầu tàu" EU là Đức. EU cũng đẩy mạnh nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng LNG, trong đó sản lượng từ Mỹ ước tính lên tới 55 tỷ m3, đồng thời ký hợp đồng cung cấp mới với các đối tác châu Phí hay Qatar.

Năm ngoái cũng chứng kiến sản lượng điện gió và điện mặt trời của châu Âu tăng kỷ lục và việc chuyển đổi sang năng lượng xanh ước tính đã giúp EU tiết kiệm hơn 11 tỷ Euro chi phí khí đốt.

Triển vọng và thách thức của kinh tế châu Âu trong năm 2023

Tăng trưởng GDP của châu Âu năm 2023 được dự báo cao hơn, lạm phát giảm, giúp ngân hàng trung ương các nước thành viên có thể nới lỏng các biện pháp thắt chặt tiền tệ.

So với cùng kỳ năm ngoái, giá đồng Euro không chỉ phục hồi so với đồng USD, mà còn tăng khá mạnh so với đồng Bảng Anh. Kinh tế châu Âu có thể có một vị thế tốt hơn trong năm 2023 so với lo ngại trước đây, song chưa thoát khỏi tình trạng khó khăn.

Thách thức với nền kinh tế châu Âu năm nay là bất ổn của thị trường năng lượng còn diễn biến phức tạp, giá năng lượng tại châu Âu có thể tăng do nhu cầu khí đốt của Trung Quốc tăng trở lại khi nước này tái mở cửa nền kinh tế. Điều này có thể đẩy chỉ số lạm phát ở các nước châu Âu tăng cao trở lại. Áp lực giá cả với người tiêu dùng châu Âu có thể lan rộng trong năm 2024 do chính sách tăng tiền lương của các nước châu Âu.

Đi qua năm đầu cuộc xung đột Nga - Ukraine, kinh tế châu Âu đã có thể thở phào, tuy nhiên phần còn lại 2023 vẫn đầy thách thức, khi lạm phát và bài toán năng lượng vẫn chưa thể giải quyết hoàn toàn, đòi hỏi sự linh hoạt và kiên trì từ giới chức cũng như người dân châu Âu.

(Nguồn: VTV)

EU nới lỏng trừng phạt Syria để đẩy nhanh công tác cứu trợ sau động đất

Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định tạm thời nới lỏng các biện pháp trừng phạt áp đặt với Syria để đẩy nhanh việc vận chuyển hàng cứu trợ tới nước này hơn 2 tuần sau thảm họa động đất.

Tuyên bố của Hội đồng châu Âu nêu rõ các tổ chức cứu trợ sẽ không cần xin cấp phép từ các nước thành viên EU để chuyển hàng hóa và dịch vụ cứu trợ cho các thực thể nằm trong danh sách bị trừng phạt tại Syria. Quyết định này, có hiệu lực trong 6 tháng, được đưa ra sau khi cân nhắc mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra tại Syria sau thảm họa động đất.

Thảm họa động đất xảy ra ngày 6/2 đã khiến trên 42.000 người thiệt mạng ở Thổ Nhĩ Kỳ và trên 3.600 người thiệt mạng ở Syria. EU nhấn mạnh rằng khối này và các nước thành viên đang đi đầu trong công tác cung cấp viện trợ nhân đạo cho Syria, theo đó từ năm 2011 đã đóng góp tổng cộng 27,4 tỷ euro (26 tỷ USD) cho nước này và các nước tiếp nhận người tị nạn như Thổ Nhĩ Kỳ. Trước khi xảy ra thảm họa động đất, EU đã hỗ trợ 3,5 triệu euro để đáp ứng các nhu cầu nhân đạo khẩn cấp tại Syria.

Từ năm 2011, EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Chính phủ Syria và các doanh nghiệp được cho là liên quan chính quyền nước này. Đến nay có 291 cá nhân và 70 thực thể của Syria bị hạn chế đi lại và đóng băng tài sản trong các ngân hàng của EU.

Liên quan hoạt động hỗ trợ Syria, Bộ Ngoại giao Jordan ngày 23/2 thông báo Tổ chức từ thiện Jordan Hashemite (JHCO) đã điều động một đoàn xe gồm 14 xe tải chở thuốc men, thực phẩm, chăn màn và nước uống tới Syria để giúp khắc phục hậu quả động đất. Hàng hóa viện trợ sẽ được chuyển đến các khu vực bị tàn phá ở Syria qua hệ thống vận chuyển xuyên biên giới.

Trong khi đó, tại Thổ Nhĩ Kỳ, tối 23/2, tỉnh Hatay tiếp tục hứng chịu một trận động đất có độ lớn 5. Cơ quan xử lý thảm họa và tình trạng khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ cho biết tâm chấn của trận động đất này ở độ sâu 9,76 km. Chưa ghi nhận thông tin thương vong trong trận động đất mới nhất này.

Trước đó, tối 20/2, tỉnh này cũng hứng chịu trận động đất có độ lớn 6,4 khiến ít nhất 6 người thiệt mạng và trên 200 người bị thương.

Hatay là một trong 10 tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thảm họa động đất hôm 6/2 và hiện đang nỗ lực khắc phục hậu quả.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

Sau Mỹ, đến lượt châu Âu "chặn đường" TikTok

(Ảnh minh họa).

Ủy ban châu Âu cho biết, nhân viên sẽ không thể cài đặt ứng dụng do Trung Quốc sở hữu trên các thiết bị cá nhân và của cơ quan nữa, với lý do lo ngại về cách ứng dụng này xử lý dữ liệu người dùng.

Ủy ban châu Âu cấm TikTok khỏi các thiết bị chính thức

Theo đó, Ủy ban châu Âu, cơ quan điều hành của EU, đã cấm nhân viên của mình sử dụng TikTok trên điện thoại thông minh của họ trong bối cảnh các chính phủ phương Tây lo ngại về những rủi ro mà nền tảng này có thể gây ra cho an ninh quốc gia cũng như khu vực.

Ủy ban cho biết, nhân viên cơ quan này sẽ không thể cài đặt ứng dụng do Trung Quốc sở hữu trên các thiết bị cá nhân và của cơ quan nữa, với lý do lo ngại về cách ứng dụng này xử lý dữ liệu người dùng.

Nhân viên của Ủy ban có thời hạn đến ngày 15 tháng 3 để xóa ứng dụng video dạng ngắn, thuộc sở hữu của ByteDance của Trung Quốc, khỏi các thiết bị cơ quan và mọi thiết bị cá nhân sử dụng các ứng dụng và dịch vụ của Ủy ban.

Có trụ sở tại Brussels, Ủy ban châu Âu là cơ quan hành pháp của Liên minh châu Âu, chịu trách nhiệm đề xuất và thực thi pháp luật và thực hiện điều phối ngân sách EU. Cơ quan này hiện sử dụng khoảng 32.000 nhân viên hợp đồng và cố định.

"Biện pháp này nhằm bảo vệ Ủy ban chống lại các mối đe dọa và hành động an ninh mạng có thể bị lợi dụng để tấn công mạng vào môi trường doanh nghiệp của Châu Âu", Ủy ban châu Âu cho biết trong một tuyên bố được công bố hôm 23/2.

"Sự phát triển bảo mật của các nền tảng truyền thông xã hội khác cũng sẽ được xem xét liên tục", cơ quan này cho biết thêm.

Động thái này làm nổi bật thái độ cứng rắn mà Châu Âu đã thực hiện gần đây đối với TikTok, vốn đã trốn tránh sự giám sát của cơ quan quản lý trong khối trong suốt một thời gian dài.

Có thể thấy, biện pháp này gây thêm áp lực lên TikTok, vốn đã bị cấm trên các thiết bị của chính phủ liên bang Hoa Kỳ và các thiết bị chính thức ở một số bang của Hoa Kỳ, do lo ngại rằng dữ liệu người dùng của ứng dụng có thể lọt vào tay chính phủ Trung Quốc.

Trong động thái mới nhất, Nghị viện Châu Âu cho biết họ đã biết về hành động của Ủy ban và họ đã liên hệ với Ủy ban.

Người phát ngôn Nghị viện Châu Âu cho biết: "Các dịch vụ liên quan đang bị theo dõi và việc đánh giá tất cả các vi phạm dữ liệu có thể xảy ra liên quan đến ứng dụng sẽ được Ủy ban Châu Âu đánh giá trước, trước khi đưa ra các khuyến nghị cho các cơ quan của Nghị viện Châu Âu".

Trong khi đó, các nhà lập pháp ở Hoa Kỳ đã bỏ phiếu chặn ứng dụng này vào tháng 12/2022 và một số người đang kêu gọi dịch vụ này bị cấm hẳn luôn trên toàn quốc.

Các quan chức phương Tây lo ngại về ảnh hưởng tiềm ẩn của chính phủ Trung Quốc đối với TikTok – đặc biệt là nguy cơ nó có thể cho phép Bắc Kinh theo dõi công dân. TikTok đã thừa nhận rằng, dữ liệu về người dùng châu Âu của họ có thể được truy cập bởi các nhân viên có trụ sở tại Trung Quốc, nhưng phủ nhận việc họ sẽ chia sẻ thông tin đó với chính phủ Trung Quốc.

Tháng trước, Ủy viên Liên minh châu Âu Thierry Breton đã cảnh báo ứng dụng có thể phải đối mặt với lệnh cấm nếu không tuân thủ Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số sắp tới, đạo luật này sẽ áp đặt các yêu cầu sâu rộng trên TikTok, Twitter và một số nền tảng khác vào mùa hè này để xóa nội dung bất hợp pháp, hạn chế thông tin sai lệch, và bảo vệ dữ liệu người dùng, bảo vệ trẻ vị thành niên tốt hơn.

"Việc Ủy ban Châu Âu đình chỉ TikTok trên các thiết bị của cơ quan này là sai lầm và dựa trên những quan niệm sai lầm cơ bản", Caroline Greer, người đứng đầu bộ phận chính sách cộng đồng của TikTok, cho biết trên Twitter. "Chúng tôi đã yêu cầu một cuộc họp để xác lập hồ sơ; Chúng tôi đang tiếp tục tăng cường cách tiếp cận của mình đối với bảo mật dữ liệu — thành lập ba trung tâm dữ liệu ở Châu Âu để lưu trữ dữ liệu người dùng tại địa phương; tiếp tục giảm quyền truy cập của nhân viên vào dữ liệu; và giảm thiểu các luồng dữ liệu bên ngoài châu Âu".

Trong một tuyên bố được chia sẻ với Đài CNN, một phát ngôn viên cho biết TikTok đã liên hệ với Ủy ban để "xác lập kỷ lục và giải thích cách họ bảo vệ dữ liệu của 150 triệu người trên khắp EU đến với TikTok mỗi tháng".

TikTok vẫn chưa phải là gã khổng lồ ở quy mô của các công ty như Meta, Alphabet và Amazon khi nói đến phương tiện truyền thông xã hội, quảng cáo và thương mại điện tử. Nhưng sự gia tăng của ứng dụng này trong khu vực không nên được đánh giá thấp. Nền tảng này hiện có 150 triệu người dùng ở châu Âu, theo một tuyên bố của công ty vào tuần trước.

TikTok hiện đã tìm cách xoa dịu mối lo ngại của các cơ quan quản lý bằng cách phác thảo kế hoạch chuyển thông tin của người dùng châu Âu sang các trung tâm dữ liệu đang được phát triển ở Ireland. Tuần trước, công ty đã thông báo sẽ mở một trung tâm dữ liệu thứ ba trong nước.

(Nguồn: Dân Việt)

Anh khủng hoảng salad

Chính phủ Anh hôm 23/2 cho biết người dân nước này có thể đối mặt với sự thiếu hụt nguyên liệu làm salad, bao gồm cà chua, dưa chuột và ớt, trong vòng một tháng nữa.

Tesco - tập đoàn siêu thị lớn nhất nước Anh - hôm 22/2 đã theo chân các đối thủ Asda, Morrisons và Aldi trong việc áp đặt giới hạn mua của khách hàng đối với nhiều loại rau củ sau khi nguồn cung từ Nam Âu và Bắc Phi bị ảnh hưởng, theo Reuters.

Viện dẫn cuộc thảo luận của các quan chức với nhiều nhà bán lẻ, Bộ trưởng Môi trường, Thực phẩm và Các vấn đề nông thôn Therese Coffey cho biết “tình hình sẽ kéo dài khoảng 2-4 tuần nữa”. Theo bà, điều quan trọng là cố gắng đảm bảo có các lựa chọn về nguồn cung thay thế.

Bà Coffey cho biết người Anh có thể cân nhắc thay thế bằng củ cải trồng trong nước.

Cuộc khủng hoảng này đã trở nên trầm trọng hơn do sản lượng trong các nhà kính ở Anh và Hà Lan thấp hơn vào mùa đông này, với chi phí năng lượng cao. Mạng xã hội tràn ngập hình ảnh các kệ rau và trái cây trống trơn trong siêu thị.

Justin King, lãnh đạo nhà bán lẻ Marks & Spencer và từng điều hành Sainsbury's trong một thập kỷ, nhận định sự thiếu hụt là do chính phủ đã không hỗ trợ hóa đơn năng lượng của những nông dân Anh.

Minette Batters, người đứng đầu Hiệp Hội Nông dân Quốc gia, hôm 21/2 dự báo sản lượng của những nguyên liệu làm salad có thể giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1985.

“Càng thiếu hụt nguồn cung, lạm phát lương thực càng tăng”, bà Batters nói với BBC.

Bên cạnh đó, theo ông King, hầu hết siêu thị ở Anh vẫn có nguồn cung cấp salad tốt, nhưng nhìn chung cả nước đang thiếu hụt.

Ông cho biết có khả năng nhiều nhà hàng và cửa hàng tạp hóa phải đến siêu thị để lấy hàng do gặp khó khăn về nguồn cung tại các chợ đầu mối.

Ông King cũng cho biết Brexit đã gây ra sự gián đoạn đáng kể. Trong khi đó, các nhà lập pháp ủng hộ việc Anh rút khỏi khối EU bác bỏ ý kiến cho rằng nước này phải chịu trách nhiệm cho cuộc khủng hoảng hiện nay.

(Nguồn: Zing News)

Thiên đường tốc độ tại Đức bắt nhịp chuyển đổi xanh

(Ảnh minh họa).

Đức nổi tiếng với hệ thống đường cao tốc quy mô và hiện đại hàng đầu thế giới – Autobahn.

Theo hãng CNN, những chiếc ô tô chạy tốc độ cao trên hệ thống đường cao tốc dài 7.200 dặm (khoảng 11.587km) là một phần không thể thiếu trong thần thoại nước Đức. Lái xe trên cao tốc được xem là một trải nghiệm ngoạn mục đối với những tín đồ mê tốc độ ở Đức. Tốc độ 241 km/h, 322 km/h hoặc hơn, không có điểm dừng, không trạm thu phí, không dành cho người yếu tim là những điều khiến trải nghiệm này trở nên đặc biệt.

Trong nhiều thập kỷ, những người lái xe ở Đức (chủ yếu là nam giới) đã tận hưởng tốc độ vô hạn này, những tín đồ mê tốc độ đã lái ô tô của các nhãn hiệu nổi tiếng như Volkswagen, BMW và Mercedes Benz cũng thỏa mãn đam mê trên cao tốc Autobahn.

Ở bối cảnh hiện tại, cuộc khủng hoảng khí hậu đang khiến người dân Đức phải suy nghĩ lại về những cuộc đua trên đường cao tốc – được ví như thiên đường tốc độ. Theo các chuyên gia, lượng khí thải carbon trong lĩnh vực giao thông vận tải của Đức hầu hết là do ô tô và xe tải với tốc độ càng cao thì lượng khí thải càng lớn. Những con đường có tới 4 hoặc 5 làn xe đang bị ảnh hưởng khi EU lên tiếng cấm sử dụng khí đốt và dầu diesel vào năm 2035.

Tất nhiên, xe điện (EV) cũng cần có những con đường tốt nhưng vì mã lực và tốc độ tối đa của chúng thường thấp hơn xe chạy bằng khí đốt hoặc cần nhiều trạm sạc hơn trên đường đua nên sẽ gây rắc rối hơn cho các tín đồ mê tốc độ.

Theo CNN, trong tương lai, xu hướng xe chạy bằng khí đốt sẽ không còn chỗ đứng ở thế kỷ 21 khi thế giới đang chạy đua để giảm thiểu phát thải carbon. Liên minh châu Âu (EU) cũng đặt mục tiêu giảm lượng khí thải ít nhất 55% vào năm 2030. Tuy nhiên, lượng khí thải giao thông vận tải của EU đã tăng đều đặn trong nhiều năm. Ở Đức, xu hướng này thậm chí còn tồi tệ hơn: tỷ lệ khí thải giao thông vận tải đã tăng gần 1/2 từ năm 1990 đến năm 2022 trong khi lượng khí thải ở hầu hết các lĩnh vực khác, bao gồm cả ngành công nghiệp đã giảm. Đức có nhiều ô tô lưu thông trên đường nhất so với bất kỳ quốc gia EU nào (gần 49 triệu ô tô).

Cơ quan Năng lượng Quốc tế đã lên tiếng kêu gọi Đức cũng như mọi quốc gia khác - đã gắn liền với văn hóa ô tô từ lâu – nên bắt tay ngay vào cuộc cách mạng giao thông bền vững. Thỏa thuận xanh của EU cũng đặt kỳ vọng châu Âu sẽ là lục địa trung hòa carbon đầu tiên trên thế giới vào năm 2050. Và chỉ trong tháng này, Ủy ban EU đã đề xuất mục tiêu không phát thải đối với xe bus thành phố mới vào năm 2030 và giảm 90% lượng khí thải đối với xe tải mới vào năm 2040./.

(Nguồn: Tổ Quốc)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang