Đức: Thủ tướng họp 2 bộ trưởng để thu hẹp bất đồng; Nội bộ chia rẽ vì Ukraine

THỦ TƯỚNG TỔ CHỨC HỌP VỚI 2 “TƯ LỆNH NGÀNH” ĐỂ THU HẸP BẤT ĐỒNG

Kế hoạch trái ngược nhau

Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ nhanh chóng tổ chức cuộc họp với Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner và Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck để tìm tiếng nói chung sau khi họ đưa ra các kế hoạch trái ngược nhằm khắc phục nền kinh tế đang suy yếu của đất nước.

Ngày 4-11, kế hoạch thúc đẩy cắt giảm thuế và kỷ luật tài chính mà Bộ trưởng Christian Lindner xây dựng đang tạo ra thách thức đối với kế hoạch đầu tư trị giá hàng tỷ euro do Bộ trưởng Robert Habeck đưa ra chỉ vài ngày trước.

Bế tắc này là sự leo thang mới nhất trong cuộc tranh cãi về chính sách kinh tế và công nghiệp giữa đảng Dân chủ tự do (FDP), đảng Xanh và đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng Olaf Scholz, làm dấy lên đồn đoán về khả năng sụp đổ của liên minh cầm quyền, chưa đầy 1 năm trước khi diễn ra cuộc bầu cử.

Nguyên nhân

Triển vọng kinh doanh ngày càng xấu đi ở Đức đã làm gia tăng sự chia rẽ trong liên minh cầm quyền về các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng, bảo vệ việc làm trong ngành công nghiệp và củng cố vị thế của Đức như một trung tâm công nghiệp toàn cầu.

Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck muốn thành lập quỹ để kích thích đầu tư và lách các quy tắc chi tiêu tài chính nghiêm ngặt của Đức, trong khi Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner ủng hộ việc cắt giảm thuế để thúc đẩy nền kinh tế và dừng ngay lập tức mọi quy định mới.

Trong một cuộc phỏng vấn với báo chí, lãnh đạo SPD Lars Klingbeil đã ra tín hiệu cởi mở thảo luận về các đề xuất của ông Christian Lindner, nhưng cũng cho biết đảng của ông sẽ không chấp nhận một số nội dung. SPD đã công bố kế hoạch kinh tế của riêng mình vào đầu tháng 10.

Hệ quả

Các đảng đối lập, bao gồm đảng Dân chủ Thiên chúa giáo bảo thủ (CDU) và đảng Cực hữu đã kêu gọi tổ chức bầu cử sớm.

Theo luật pháp nước này, nếu một trong 3 đảng cầm quyền rút khỏi liên minh, Thủ tướng có thể kêu gọi bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ trước quốc hội, nếu không được thông qua, tổng thống sẽ kích hoạt cuộc bầu cử trước thời hạn.

 

 

NỘI BỘ NƯỚC ĐỨC TIẾP TỤC CHIA RẼ VÌ ỦNG HỘ UKRAINE

Sự đồng thuận chính trị ở Đức về việc ủng hộ quân sự cho Ukraine, một lập trường vững chắc trong những tháng đầu của cuộc chiến tranh, đang dần bị xói mòn.

Những tranh luận xoay quanh việc tiếp tục cung cấp vũ khí cho Kyiv hay tìm kiếm các giải pháp hòa bình đã tạo ra những rạn nứt trong chính trường Đức, đặc biệt với sự nổi lên của Liên minh dân túy cánh tả Sahra Wagenknecht (BSW).

Đảng BSW

BSW, được thành lập vào tháng 1.2024 bởi Sahra Wagenknecht, nhanh chóng trở thành tâm điểm của chính trị Đức. Đảng này là đảng cánh tả duy nhất, ngoài đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD), công khai phản đối việc cung cấp vũ khí cho Ukraine. Trong khi AfD bị hầu hết các đảng chính thống cô lập, BSW đã đạt được sự ủng hộ đáng kể, đặc biệt tại các tiểu bang phía đông như Brandenburg, Thüringen, Sachsen.

Kết quả bầu cử mạnh mẽ của BSW tại các khu vực này đặt họ vào vị trí quan trọng trong việc hình thành các liên minh cầm quyền địa phương. Điều này cho phép BSW đòi hỏi những nhượng bộ lớn từ các đảng chính thống, như yêu cầu các đối tác liên minh tiềm năng phải đồng ý với lập trường phản chiến của họ. Đây là nguồn cơn cho những mâu thuẫn ngày càng lớn trong đảng Dân chủ xã hội (SPD) của Thủ tướng Olaf Scholz, làm căng thẳng nội bộ chính phủ ba bên với đảng Xanh và đảng Dân chủ tự do (FDP).

SPD

Là một ví dụ điển hình khi họ đã đồng ý ký một tuyên bố chung với BSW, kêu gọi chấm dứt việc cung cấp vũ khí cho Ukraine và chỉ trích kế hoạch triển khai tên lửa tầm xa của Mỹ tại Đức. Động thái này gây ra phản ứng mạnh từ nhiều thành viên SPD và bị các đối tác liên minh chỉ trích. Agnieszka Brugger, nhà lập pháp cấp cao của đảng Xanh, cáo buộc SPD khuất phục trước "đường lối dân túy và hoài nghi" của BSW, cho rằng việc chấm dứt hỗ trợ quân sự cho Ukraine là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh Đức và châu Âu.

Mặc dù chính quyền tiểu bang không có ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách đối ngoại, sự phản đối ngày càng lớn đối với viện trợ quân sự cho Ukraine phản ánh sự thay đổi trong tâm lý xã hội. Các cuộc thăm dò cho thấy người dân Đức ngày càng mất kiên nhẫn với cuộc chiến tranh khi Nga vẫn giữ thế chủ động trên chiến trường và tình hình chính sách của Mỹ trở nên không chắc chắn trước cuộc bầu cử vào đầu tháng 11.

Sự trỗi dậy của BSW cũng khơi dậy sự ủng hộ từ cánh tả thân Nga trong SPD. Việc bổ nhiệm Matthias Miersch, một nhân vật cánh tả, làm Tổng thư ký SPD làm gia tăng lo ngại rằng SPD có thể đang quay trở lại với những giá trị thân Nga cũ, đặc biệt khi cựu Thủ tướng Gerhard Schroeder, người từng làm việc cho Gazprom và có quan hệ thân thiết với Tổng thống Nga Vladimir Putin, lại được nhắc đến.

Lập trường thân Nga và chống NATO

BSW đã khẳng định lập trường chống NATO và thân thiện với Nga, điều này giúp họ thu hút nhiều cử tri ở miền Đông nước Đức. Miền Đông từng là nước Cộng hòa dân chủ Đức (Đông Đức), nơi chính quyền có mối quan hệ thân thiết với Liên Xô. Sahra Wagenknecht đã khéo léo khai thác tâm lý bài Mỹ vẫn còn tồn tại ở đây. Bà chỉ trích kế hoạch triển khai vũ khí tầm xa của Mỹ, cho rằng điều này sẽ biến Đức thành mục tiêu chính của tên lửa Nga, và sử dụng luận điểm này để làm điều kiện cho các cuộc đàm phán liên minh.

Bà Wagenknecht khẳng định: “Những vũ khí này không thu hẹp khoảng cách phòng thủ mà là vũ khí tấn công khiến Đức trở thành mục tiêu chính của tên lửa hạt nhân Nga”. Nhiều nhà phân tích cho rằng đây chỉ là chiến lược tranh cử, vì quyết định triển khai vũ khí không thể được thực hiện ở cấp tiểu bang. Tuy nhiên, bà này đã khơi dậy được nỗi lo ngại của công chúng, đặc biệt là những người bất mãn với chính sách an ninh quốc gia hiện tại.

Ngoài ra, bà Sahra Wagenknecht là một chính trị gia dân túy khôn khéo, có khả năng tạo ra các tuyên bố gây chú ý và khai thác bất mãn xã hội. Từng là một lý thuyết gia theo chủ nghĩa Lenin, bà luôn biết cách chạm đến tâm lý của cử tri, đặc biệt là khi chỉ trích tầng lớp tinh hoa và chính quyền mặc dù bản thân bà được xem là một phần của giới chính trị.

“Bà ấy luôn là người theo chủ nghĩa dân túy”, Ursula Munch, giám đốc Học viện Giáo dục chính trị Tutzing (Đức), một nhà phân tích chính trị, nhận xét. “Bà ấy giỏi trong việc khuấy động tâm trạng chống lại chủ nghĩa tinh hoa, dù về mặt giáo dục và ngôn ngữ, bà ấy là một phần của chế độ. Khả năng nắm bắt và khai thác nỗi sợ hãi và bất mãn trong dân chúng đã làm Wagenknecht trở thành một nhân vật không thể xem thường”, Munch nói.

Triển vọng chính trị của BSW

Với tỷ lệ ủng hộ dự đoán từ 7 - 9% trong các cuộc bầu cử liên bang sắp tới, BSW đang trở thành một nhân tố không thể xem thường. Chiến lược của BSW là tập trung vào những người dân bị các đảng chính thống bỏ rơi. Đảng này đã đạt được những kết quả ấn tượng, đặc biệt là ở miền Đông nước Đức, nơi di sản chính trị từ thời “Đông Đức” vẫn còn ảnh hưởng mạnh mẽ. BSW không chỉ thu hút những người ủng hộ truyền thống của đảng cánh tả mà còn cả những cử tri từng bất mãn với các chính sách của SPD, đảng Xanh và các đảng trung hữu khác. Sự thành công ban đầu của đảng cho thấy một nhu cầu rõ ràng đối với các quan điểm khác biệt, đặc biệt trong các vấn đề liên quan đến chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia.

Tuy nhiên, tương lai của BSW vẫn còn bấp bênh. Mặc dù đảng này đã tạo ra sức ảnh hưởng đáng kể trong thời gian ngắn, nhưng vẫn có những câu hỏi về khả năng duy trì sự gắn kết và ý chí chính trị trong dài hạn. Quá khứ của bà Wagenknecht với các phong trào chính trị không ổn định là dấu hiệu cảnh báo rằng BSW có thể phải đối mặt với những thách thức tương tự.

Tóm lại, đảng BSW đã làm thay đổi cục diện chính trị Đức, tạo áp lực buộc các đảng chính thống phải tái định vị chiến lược của mình. Dù vậy, tương lai của BSW vẫn chưa chắc chắn, và thành công của đảng sẽ phụ thuộc vào khả năng biến các tuyên bố dân túy thành chính sách cụ thể và duy trì sự đoàn kết nội bộ. Trong bối cảnh này, tương lai của sự ủng hộ đối với Ukraine vẫn rất bấp bênh, những quyết định liên quan đến viện trợ Ukraine tiếp tục gây tranh cãi và có thể định hình lại bối cảnh chính trị Đức trong thời gian tới.

 

Nguồn: Hà Nội Mới; 1 Thế Giới

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Luật Pháp

Nhập cư

Người Việt ở Đức

Chính trị - Xã hội

Lên đầu trang