Đức: Thống nhất bầu cử Hạ viện sớm vào tháng 02.2025; Chênh lệch kinh tế Đông Tây; Mượn xe tăng Nga huấn luyện lính Kiev

CHÍNH PHỦ ĐỨC THỐNG NHẤT BẦU CỬ SỚM VÀO THÁNG 02.2025

Dự kiến

Chính phủ Đức thống nhất sẽ tổ chức cuộc bầu cử  Hạ viện sớm vào ngày 23.02.2025. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng đề xuất sẽ bỏ phiếu tín nhiệm tại Hạ viện ngày 16.12 tới.

Quyết định trên được đưa ra sau cuộc họp đặc biệt của Ủy ban Giám sát bầu cử Quốc hội Đức. Phát biểu tại cuộc họp đặc biệt này, bà Ruth Brand - Chủ tịch Cơ quan Thống kê Liên bang chịu trách nhiệm tổ chức và giám sát bầu cử, khẳng định cuộc bầu cử vào tháng 2 năm tới sẽ an toàn về mặt pháp lý và có thể kiểm soát được các thách thức phát sinh do tổ chức bầu cử sớm bất thường.

Bà cho biết thêm thời hạn tổ chức bầu cử ngắn hơn là một thách thức nhưng bà tin tưởng rằng tất cả các cơ quan bầu cử, chính quyền địa phương, nhân viên bầu cử và những người liên quan sẽ nỗ lực tối đa để đảm bảo chuẩn bị tốt nhất cho cuộc bầu cử, bất kể sự kiện này diễn ra vào thời điểm nào.

Dự kiến ngày 11.12, Thủ tướng Olaf Scholz sẽ đệ trình kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm lên Quốc hội. Cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội chỉ có thể thực hiện được sau ít nhất 48 giờ và dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 16.12.

Theo Hiến pháp Đức

Thủ tướng đề xuất với Tổng thống Liên bang Frank-Walter Steinmeier giải tán Hạ viện và Tổng thống sẽ có 21 ngày để làm việc này. Khi Tổng thống Liên bang giải tán Hạ viện, ông cũng ấn định ngày tổ chức các cuộc bầu cử mới.

 

 

CHÊNH LỆCH KINH TẾ 2 MIỀN ĐÔNG - TÂY

Kết quả nghiên cứu

Nghiên cứu mới đây của các trường đại học Leipzig và Zittau-Görlitz về giới tinh hoa Đức trong các lĩnh vực như chính trị, kinh doanh, quân đội và hành chính chỉ ra rằng, dù người Đông Đức chiếm 19% dân số cả nước, nhưng chỉ có 12% các vị trí lãnh đạo quan trọng ở Đức thuộc về họ. Sự phân biệt này đặc biệt rõ ràng trong chính trị. Đơn cử ở bang Thüringen, Björn Höcke – lãnh đạo đảng cực hữu – là người miền Tây, giống như cựu thủ hiến tiểu bang Bodo Ramelow.

Điều này càng nhấn mạnh sự bất bình đẳng. Gần 70% số người Tây Đức cho rằng người Đông Đức tự cảm thấy mình là công dân hạng hai và con số này lên đến gần 80% trong số những quan chức sinh ra ở Đông Đức.

Nguyên nhân từ di cư

Giới phân tích chỉ ra một trong những nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt này là cuộc di cư lớn từ Đông Đức sang Tây Đức sau khi thống nhất đất nước. Từ năm 1990 đến nay, hơn 5 triệu người Đông Đức đã di cư sang Tây Đức, trong khi chỉ có 3 triệu người Tây Đức chuyển đến Đông Đức. Bộ trưởng phụ trách các vấn đề của Đông Đức Carsten Schneider giải thích rằng sự mất mát dân số ở Đông Đức rất lớn, đặc biệt đối với phụ nữ trẻ, và việc thiếu vắng lớp dân số này đã gây ra những ảnh hưởng lâu dài.

Chênh lệch tiền lương

Dù Tây Đức đã chi tới 1.600 tỷ euro hỗ trợ Đông Đức kể từ khi thống nhất, nhưng sự chênh lệch về thu nhập vẫn rất rõ rệt. Lương ở Đông Đức thấp hơn gần 30% so với Tây Đức và ở nhiều bang như Sachsen hay Thueringen, cứ 3 lao động thì có một người làm việc ở khu vực lương thấp. Dù khoản trợ cấp xã hội đã làm giảm khoảng cách thu nhập xuống còn 25%, nhưng chênh lệch về tài sản và thu nhập trong các tầng lớp giàu có vẫn rất lớn.

Chênh lệch tài sản

Sự giàu có của người Tây Đức, đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh, vẫn vượt xa so với người Đông Đức. Mặc dù tỷ lệ hộ gia đình sở hữu doanh nghiệp ở cả 2 miền gần như tương đương nhau (khoảng 8%), nhưng thu nhập từ các công ty ở Đông Đức thấp hơn do nhiều công ty đã bị tư nhân hóa từ sớm và thường được các nhà đầu tư Tây Đức tiếp quản.

Về tài sản, trung bình các hộ gia đình ở Đông Đức chỉ sở hữu chưa đến một nửa tài sản của các hộ gia đình ở Tây Đức. Trong khi đó, khoảng cách về việc làm đã được thu hẹp đáng kể. Tỷ lệ thất nghiệp ở Đông Đức hiện là 7,8%, so với 5,8% ở Tây Đức. Sự thay đổi này có liên quan đến sự phát triển mạnh mẽ của ngành bán dẫn ở Sachsen và sự tăng trưởng kinh tế ở Brandenburg nhờ tác động từ Berlin. Tuy nhiên, vấn đề già hóa dân số ở Đông Đức vẫn là một thách thức lớn.

Thực trạng trên cho thấy sự cấp thiết của việc tìm ra giải pháp phù hợp. Tuy nhiên trong bối cảnh chính trường Đức đang rối ren như hiện nay, đây sẽ là bài toán khó trong thời gian sắp tới.

 

 

ĐỨC ĐỀ XUẤT MƯỢN XE TĂNG NGA ĐỂ HUẤN LUYỆN LỰC LƯỢNG UKRAINE

Xe tăng Liên Xô cũ

Xe tăng từ các bảo tàng đã được sử dụng để huấn luyện quân đội Ukraine về những chiến thuật mà binh sĩ Nga sử dụng trên chiến trường, Trung tướng Andreas Marlow, người đứng đầu Bộ chỉ huy Huấn luyện đặc biệt của Liên minh châu Âu (EU) gần Berlin (Đức) cho biết.

Theo ông Marlow, các giảng viên từ 17 quốc gia đã tham gia đào tạo khoảng 18.000 quân nhân Ukraine tại Đức về kỹ năng vận hành xe tăng và hệ thống phòng không chính xác.

Quân đội Đức thậm chí đã đào hệ thống chiến hào theo tiêu chuẩn của Nga và mượn xe tăng Liên Xô trong bảo tàng để nâng cao trải nghiệm thực tế cho các binh sĩ Ukraine.

"Những hệ thống vũ khí Liên Xô đang được phía Nga sử dụng, và đôi khi họ đặt bẫy mìn trong những thiết bị bị bỏ lại", ông Marlow nói.

"Việc giới thiệu về những phương tiện như vậy trong quá trình huấn luyện giúp lực lượng Ukraine dễ dàng hình dung nơi nào họ cần thận trọng, để đảm bảo họ không vô tình kích hoạt một vụ nổ nếu tìm thấy xe tăng Liên Xô trên chiến trường và mở cửa".

Bộ chỉ huy từ chối cho biết những chiếc xe tăng được mượn từ đâu, hoặc có bao nhiêu chiếc đang được sử dụng.

Không chỉ huy động những phương tiện thời Liên Xô, các giảng viên còn tích cực sử dụng hình nộm công nghệ cao, máy bay không người lái trong quá trình huấn luyện.

Khóa huấn luyện ở Đức hiện cũng bao gồm việc nghiên cứu các hệ thống chiến hào của Nga, mà ông Marlow cho biết thường được xây dựng theo một sơ đồ cố định.

Bộ chỉ huy Huấn luyện đặc biệt

Là một phần trong chiến dịch của Liên minh châu Âu được thành lập năm 2022 để huấn luyện quân đội Ukraine đối phó với các hoạt động quân sự của Nga.

Tuần trước, chiến dịch đã được gia hạn thêm hai năm, khi quân đội Ukraine phải đối mặt với lực lượng Nga đang tiến quân với tốc độ nhanh nhất từ đầu xung đột.

 

Nguồn: VOV; Hải Quan Online; Tiền Phong

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Luật Pháp

Nhập cư

Người Việt ở Đức

Chính trị - Xã hội

Lên đầu trang