Đức: Kinh tế đang đối mặt những thách thức nào; Tổng thống mất bình tĩnh vì những cáo buộc và chỉ trích trong vụ Nord Stream

KINH TẾ ĐỨC ĐANG ĐỐI MẶT NHỮNG THÁCH THỨC NÀO?

Sự sụp đổ của liên minh cầm quyền tại Đức sẽ mang đến nhiều đau đớn hơn về mặt kinh tế trong những tháng tới và Đức chỉ còn một tia hy vọng là có thể dẫn đến một chính phủ mới với các chính sách mạch lạc hơn.

Cú sốc từ chính trường

Ngày 6/11 (giờ địa phương) liên minh cầm quyền Đức đã tan rã sau nhiều năm căng thẳng lên đến đỉnh điểm trong một cuộc tranh cãi về cách lấp đầy lỗ hổng hàng tỷ euro trong ngân sách và phục hồi nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Sự tan rã diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với Đức, chỉ vài giờ sau khi ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, làm dấy lên nỗi lo về một cuộc chiến thương mại với đối tác thương mại chính của Đức.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã sa thải Bộ trưởng Tài chính vào ngày 6/11, mở đường cho một cuộc bầu cử bất ngờ sau nhiều tháng bất hòa trong liên minh 3 đảng của ông, điều này càng làm tổn hại thêm niềm tin vào một nền kinh tế đang phải vật lộn với chi phí năng lượng cao và khả năng cạnh tranh đang suy giảm.

Nền kinh tế Đức đã tụt hậu so với mức trung bình của EU

Mức tụt hậu trên bắt đầu từ năm 2021 và liên tiếp các năm sau tới hiện tại năm 2024, khiến nước này trở thành nền kinh tế hoạt động kém nhất trong nhóm 7 nền kinh tế lớn thế giới (G7). Sự sụp đổ của liên minh cầm quyền có thể sẽ giáng một đòn nữa vào tiêu dùng và đầu tư trong những tháng tới tại Đức, vốn đã có nguy cơ suy giảm khi 1/3 các công ty Đức cho biết trong một cuộc khảo sát gần đây rằng, họ có kế hoạch thu hẹp quy mô.

"Kết hợp với chiến thắng của ông Trump, niềm tin kinh tế có khả năng giảm đáng kể và khiến nền kinh tế có khả năng suy thoái cao hơn trong quý IV" - ông Carsten Brzeski, Giám đốc kinh tế vĩ mô toàn cầu tại ING nói và cho biết, quý tiếp theo sẽ có nhiều điểm yếu hơn, có thể là suy thoái hơn nữa, nhưng cũng có thể là động lực mới rất cần thiết.

"Với cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 3, hy vọng là chính phủ mới sẽ chấm dứt tình trạng tê liệt kinh tế và cuối cùng đưa ra định hướng và sự chắc chắn về chính sách kinh tế" – ông Brzeski hy vọng.

Chờ đợi một khởi đầu mới

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sự ra đi của Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner có thể cho phép chi tiêu nhiều hơn để hỗ trợ nền kinh tế đang trì trệ. Ông Lindner - thuộc Đảng Dân chủ Tự do (FDP) - đã phản đối kế hoạch đình chỉ các biện pháp phanh nợ để hạn chế nợ công của Thủ tướng Scholz.

Trong phát biểu hôm 6/11, Thủ tướng Scholz lập luận rằng, Đức có đủ khả năng chi tiêu mà không ảnh hưởng đến sức khỏe tài chính của mình. "Trong số tất cả các nền dân chủ lớn mạnh về kinh tế, chúng ta có mức nợ thấp nhất. Có những giải pháp để chúng ta có thể tài trợ cho các thể chế công và trách nhiệm của mình một cách hợp lý" - Thủ tướng Scholz nói.

Nợ công của Đức được dự kiến ở mức 64% sản lượng kinh tế vào năm 2024 với thâm hụt ngân sách là 1,75% tổng sản phẩm quốc nội, thấp hơn nhiều so với giới hạn 3% của EU. Trong khi đó, Pháp dự kiến tỷ lệ nợ trên GDP của nước này sẽ đạt 113% trong năm nay và Italy là 135%.

Bên cạnh dự thảo ngân sách, Chính phủ của Thủ tướng Scholz cũng thông qua một gói tăng trưởng gồm 49 biện pháp mà họ cho rằng có thể tạo ra mức tăng trưởng bổ sung hơn 0,5 % vào năm 2025. Các kế hoạch phải được Quốc hội phê duyệt trong năm nay để được thực hiện, nghĩa là chính phủ liên minh cần có phiếu bầu từ những người bảo thủ đối lập tại Thượng viện, đại diện cho 16 tiểu bang của Đức.

Dự báo

Các dự báo hiện tại cho thấy, nền kinh tế Đức đang chuẩn bị cho tình trạng trì trệ hoặc suy thoái hơn nữa vào năm tới, điều này sẽ khiến đây là giai đoạn dài nhất không có tăng trưởng kinh tế kể từ khi nước Đức thống nhất vào năm 1990. Trong khi ông Brzeski của ING hiện dự kiến mức suy thoái 0,1%, thì ông Schmieding lạc quan hơn rằng, một khởi đầu mới với chính phủ mới có thể giúp nền kinh tế phục hồi sau sự suy thoái có thể xảy ra trong nửa đầu năm.

 

 

TỔNG THỐNG ĐỨC MẤT BÌNH TĨNH VÌ NHỮNG CÁO BUỘC & CHỈ TRÍCH TRONG VỤ NORD STREAM

Chỉ trích

Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier được cho là đã mất bình tĩnh với nhà văn nổi tiếng Marko Martin vì những lời chỉ trích của ông đối với tổng thống liên quan đến đường ống dẫn khí Nord Stream.

Vụ việc xảy ra sau khi nhà văn Martin chỉ trích chính trị gia kỳ cựu này vì đã phê duyệt các dự án trong thời gian ông làm bộ trưởng ngoại giao.

Theo đó, đường ống Nord Stream 1 và 2 được xây dựng dưới biển Baltic để vận chuyển khí đốt tự nhiên của Nga trực tiếp đến Đức. Cả hai đều bị phá hủy bởi vụ nổ dưới nước vào tháng 9/2022.

Trước đó, các quan chức cấp cao của Mỹ, bao gồm cả Tổng thống Joe Biden, đã nhiều lần chỉ trích dự án này.

Nhà văn Martin kể lại việc ông được mời đến phát biểu tại một sự kiện kỷ niệm cuộc cách mạng dân chủ ở Ba Lan tại Cung điện Bellevue ở Berlin. Người này được cho là đã chỉ trích gay gắt các quan chức cấp cao trước đây và hiện tại của Đảng Dân chủ Xã hội, bao gồm cả Tổng thống Steinmeier.

Ông Martin chỉ trích họ vì đã thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn với Nga trước khi xung đột Ukraine leo thang vào tháng 2/2022.

Nhà văn Martin đã lập luận rằng, sự tham gia của chính phủ Đức vào Nord Stream có thể đã khuyến khích Nga phát động chiến dịch quân sự chống lại Ukraine.

Tổng thống tức giận

Các nhân chứng cho biết, Tổng thống Steinmeier tỏ ra rất tức giận khi nghe bài phát biểu của ông Martin, liên tục cáo buộc Martin phỉ báng mình. Tổng thống Steinmeier cuối cùng cáo buộc Martin và những người trí thức khác không biết công việc của một chính trị gia khó khăn đến mức nào.

Người phát ngôn của Tổng thống Đức đã xác nhận cuộc trò chuyện "gây tranh cãi" đã diễn ra, nhưng cho biết, đó chỉ là cuộc trò chuyện "mang tính công việc".

Truyền thông Đức và Mỹ từng đưa tin rằng, một nhóm gồm sáu thợ lặn người Ukraine trên một du thuyền nhỏ đã đặt các thiết bị nổ làm vỡ đường ống Nord Stream.

Nga đã bác bỏ điều này, cho đó là không hợp lý, khi Tổng thống Putin lập luận rằng, các vụ nổ được thực hiện bởi những kẻ chuyên nghiệp được "toàn quyền của nhà nước" hỗ trợ, và rằng, Mỹ "có thể" đứng sau vụ việc.

Nguồn: Đại Đoàn Kết; Giáo dục & Thời đại

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Luật Pháp

Nhập cư

Người Việt ở Đức

Chính trị - Xã hội

Lên đầu trang