Đức: Thời điểm mấu chốt với kinh tế; Không đàm phán khôi phục Nord Stream 2; Bài toán khó khi muốn giảm phụ thuộc Mỹ

THỜI ĐIỂM MẤU CHỐT VỚI NỀN KINH TẾ

Hầu như không tăng trưởng kể từ khi xảy ra đại dịch COVID-19

Nền kinh tế đã suy giảm trong năm 2023 và 2024, ghi nhận mức giảm hàng năm liên tiếp đầu tiên kể từ đầu những năm đầu thập niên 2000. Và năm 2025, theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), kinh tế Đức sẽ tăng trưởng ở mức khiêm tốn 0,3%.

Trong khoảng thời gian từ năm 2005- 2019, nền kinh tế hướng đến xuất khẩu của Đức đã phát triển mạnh mẽ, được thúc đẩy bởi khí đốt tự nhiên giá rẻ từ Nga, thị trường Trung Quốc khổng lồ và một môi trường thương mại toàn cầu tương đối ít cạnh tranh.

Thách thức mới

Tuy nhiên, thế giới đã thay đổi đáng kể kể từ đó, cộng thêm việc Tổng thống Trump trở lại Nhà Trắng đặt ra thách thức mới cho các nhà xuất khẩu quan trọng của Đức.

Jacob Kirkegaard, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, một nhóm nghiên cứu có trụ sở tại Washington, D.C, cho biết: "Một thế giới mà thương mại tự do không phải là... câu thần chú kinh tế chủ đạo sẽ là vấn đề lớn đối với Đức".

Cải cách kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng không chỉ là điều mà cử tri Đức mong muốn - và các cuộc thăm dò cho thấy kinh tế là một trong hai mối quan tâm hàng đầu của họ - mà còn rất quan trọng đối với sự thịnh vượng của các thế hệ hiện tại và tương lai của Đức, đặc biệt là đối với số lượng người về hưu ngày càng tăng.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, nếu không được cải cách, kinh tế Đức sẽ là nền kinh tế trì trệ, già cỗi và cứng nhắc.

Động lực tăng trưởng "chập chờn" với ngành ô tô

Xuất khẩu từ lâu đã là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng của Đức. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2023, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ chiếm hơn 43% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia này, tỷ trọng lớn nhất trong số các nền kinh tế lớn. Theo Cơ quan thống kê liên bang Đức, ô tô và phụ tùng, máy móc và sản phẩm hóa chất là những mặt hàng xuất khẩu chính của Đức năm ngoái.

Việc dựa vào nhu cầu nước ngoài mang lại nhiều lợi nhuận khi nền kinh tế khổng lồ của Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng và người tiêu dùng nước này thích mua ô tô chất lượng cao của Đức, chẳng hạn như Volkswagen, hơn là của các công ty mới thành lập trong nước.

Tuy nhiên, kinh tế Trung Quốc đã phát triển chậm lại trong những năm gần đây, trong khi các nhà sản xuất ô tô của nước này, chẳng hạn như các nhà sản xuất xe điện BYD và Xpeng, đã giành được thị phần từ các đối thủ phương Tây, cả trong và ngoài nước, khi cái gọi là "cuộc cách mạng" xe điện đang diễn ra nhanh chóng.

Ở một mức độ nào đó, ngành công nghiệp ô tô Đức đã trở thành "nạn nhân của chính thành công của mình", chuyên gia Kirkegaard cho biết. Các thương hiệu như BMW, Mercedes và Audi, những thương hiệu vốn nổi tiếng về xe động cơ đốt trong, "hoàn toàn miễn cưỡng khi phải tự hủy hoại thành công của mình và chi rất nhiều tiền vào việc phát triển xe điện".

Các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc, cũng như Tesla (TSLA) của Mỹ, "đã chứng minh rằng họ làm tốt hơn nhiều trong việc... mở rộng quy mô để sản xuất hàng triệu chiếc ô tô", ông Kirkegaard nói thêm.

Nguyên do thay thế khí đốt Nga

Trong khi đó, các công ty công nghiệp ngốn nhiều năng lượng của Đức đang phải trả nhiều tiền hơn cho nhiên liệu chính, là khí đốt tự nhiên, so với trước khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine năm 2022, khiến châu Âu phải thay thế khí đốt nhập khẩu từ Nga bằng khí đốt từ những nơi xa hơn. Hậu quả là nhiều công ty Đức đã cắt giảm sản lượng và một số thậm chí đã đóng cửa. Có thể nói, nền kinh tế Đức đang trong quá trình phi công nghiệp hóa và đây là điều đáng lo ngại đối với một nền kinh tế vốn được thúc đẩy bởi các công ty công nghiệp chuyên môn hóa cao.

Thuế khóa và phanh nợ kìm hãm

Lars Kroemer, nhà kinh tế trưởng tại Gesamtmetall, hiệp hội của các nhà tuyển dụng trong ngành kỹ thuật điện và kim loại, cho biết, ngoài chi phí năng lượng cao, thuế suất cao và các quy định nặng nề cũng đã giáng một đòn mạnh vào ngành công nghiệp của Đức.

Các giới hạn nghiêm ngặt đối với việc vay nợ của Chính phủ Đức, được gọi là "phanh nợ", đã kìm hãm đầu tư cần thiết, bao gồm cả vào cơ sở hạ tầng và các dịch vụ công trực tuyến. Tốc độ số hoá chậm chạp và gánh nặng hành chính là những vấn đề lớn ở Đức.

Đòn thuế quan của Tổng thống Trump

Trong nhiều tháng, Tổng thống Trump đã đe dọa sẽ áp thuế cao hơn đối với hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ. Kể từ khi nhậm chức vào tháng Một, ông đã chứng minh rằng mình sẵn sàng hành động, ví dụ như tuyên bố áp thuế 25% đối với tất cả các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu, có hiệu lực từ tháng Ba.

Tuần trước, ông Trump đã ra lệnh điều tra xem Mỹ có nên áp thuế quan trả đũa đối với hàng hóa nhập khẩu hay không, tức là áp dụng mức thuế tương ứng với mức thuế mà các quốc gia khác áp dụng đối với các sản phẩm của Mỹ. Và ngày 18/2, ông cho biết có kế hoạch áp dụng mức thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu, chip bán dẫn và dược phẩm sớm nhất là vào tháng Tư.

Nếu các nhà sản xuất nước ngoài chuyển hầu hết các mức thuế mới cho khách hàng Mỹ của họ, sản phẩm của họ có thể trở nên kém cạnh tranh hơn so với các sản phẩm tương đương do Mỹ sản xuất.

Điều đó sẽ gây tổn hại cho các nhà xuất khẩu Đức nói riêng vì Mỹ là thị trường lớn nhất của họ, chiếm 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của Đức, theo số liệu chính thức.

Ảnh hưởng tới việc làm ở Đức

Theo Prognos, một công ty nghiên cứu của Thụy Sỹ, khoảng 1,2 triệu việc làm ở Đức phụ thuộc trực tiếp hoặc gián tiếp vào hoạt động xuất khẩu sang Mỹ, chiếm 2,6% tổng số việc làm trong cả nước, theo dữ liệu mới nhất của chính phủ.

Mức độ mà nền kinh tế Đức nói chung sẽ bị ảnh hưởng bởi thuế quan mới của Trump sẽ phụ thuộc một phần vào mức thuế cuối cùng.

Nguy cơ từ Mỹ tăng thuế

Ngân hàng trung ương Đức đã xem xét một kịch bản trong đó ông Trump áp dụng mức thuế quan chung là 10% và thuế 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, điều mà ông đã nói đến trong chiến dịch tranh cử. Chủ tịch Ngân hàng trung ương Joachim Nagel cho biết trong một bài phát biểu mới đây rằng tăng trưởng kinh tế Đức sẽ "bị ảnh hưởng đáng kể".

Ngay cả khi không bị áp thuế trực tiếp, Đức vẫn sẽ bị ảnh hưởng vì thuế quan áp dụng đối với các quốc gia khác.

Kể từ khi nhậm chức, ông Trump cũng đã công bố mức thuế 25% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Mexico và hầu hết các sản phẩm từ Canada, và mức thuế bổ sung 10% đối với hàng hóa Trung Quốc. Nhưng một số nhà sản xuất ô tô Đức, bao gồm cả Volkswagen, xuất khẩu ô tô sang Mỹ từ các nhà máy của họ ở Mexico.

Michael Böhmer, nhà kinh tế trưởng tại Prognos, cho biết: "Nền kinh tế toàn cầu giống như một mạng lưới, vì vậy nếu áp dụng thuế quan hoặc rào cản... tại một thời điểm nào đó, ít nhiều toàn bộ nền kinh tế thế giới sẽ cảm nhận ảnh hưởng". Ông nói thêm rằng việc Mexico, Canada và Trung Quốc có thể chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường mới để tránh thuế quan lại có khả năng cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa Đức tại các thị trường đó.

Việc thúc đẩy tăng trưởng của Đức trong vài năm tới và xa hơn nữa sẽ quan trọng hơn là tìm cách đối phó trước mắt với thuế quan của ông Trump. Toàn bộ mô hình kinh doanh của Đức có thể cần phải được đại tu, như một số người đã lập luận.

 

 

KHÔNG ĐÀM PHÁN ĐỂ KHÔI PHỤC NORD STREAM 2

Độc lập khí đốt với Nga rất quan trọng

Hôm thứ Hai 3/3, Bộ Kinh tế Đức cho biết sự độc lập về năng lượng của Đức khỏi Moscow là rất quan trọng, do đó nước này sẽ không đàm phán với Nga về khả năng cung cấp khí đốt của Nga qua đường ống Nord Stream 2.

Đây là quan điểm mà Bộ này muốn phản hồi lại bài báo cuối tuần trước trên tờ Financial Times, đưa tin một đồng minh lâu năm của Tổng thống Nga Vladimir Putin đang vận động Hoa Kỳ xem xét khởi động lại dự án trị giá 11 tỷ đô la.

Trong nhiều thập kỷ, Đức đã phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt của Nga, tuy nhiên Na Uy đã trở thành nhà cung cấp lớn nhất của Đức, sau khi xung đột ở Ukraine khiến nước này phải đa dạng hóa nguồn cung.

Bộ Kinh tế Đức cho biết trong một tuyên bố: "Việc độc lập khỏi khí đốt của Nga có tầm quan trọng chiến lược đối với Chính phủ Đức về mặt chính sách an ninh, do đó Đức đang kiên trì theo đuổi chính sách này".

Các nước ủng hộ chủ trương Đứ độc lập kí đốt với Nga

Đồng minh của Đức trong NATO và EU là Estonia cũng lên án mọi nỗ lực tái khởi động xuất khẩu khí đốt thông qua Nord Stream 2, coi đây là một bước đi sai hướng đối với an ninh năng lượng châu Âu.

"Nơi thích hợp cho Nord Stream 2 là dưới đáy biển", Bộ trưởng Ngoại giao Estonia Margus Tsahkna cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Hai 3/3.

Estonia là nước láng giềng của Nga và từng là một phần của Liên Xô. Tháng trước, cùng với các quốc gia Baltic khác là Lithuania và Latvia, Estonia đã hoàn tất việc chuyển đổi từ điện của Nga sang hệ thống của EU để độc lập khỏi Moscow.

Nord Stream 2 thuộc sở hữu của Gazprom của Nga, đã bị dừng lại vào năm 2022 sau khi Nga chính thức công nhận hai khu vực ly khai ở miền đông Ukraine.

Vào tháng 9/2022, một trong hai tuyến đường ống - được đồng tài trợ bởi Shell, Wintershall Dea, Uniper, Engie và OMV - đã bị phá hủy trong vụ nổ, chỉ để lại một tuyến còn nguyên vẹn.

Vào tháng 1 năm nay, một tòa án Thụy Sĩ đã gia hạn thời hạn tái cơ cấu nợ của Nord Stream 2 đến ngày 9/5, đồng thời họ nhấn mạnh nếu không đáp ứng được thời hạn đó, doanh nghiệp này sẽ bị tuyên bố phá sản.

Trước đó, người phát ngôn của Chính phủ Đức cho biết đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 qua biển Baltic không được chứng nhận và do đó không thể sử dụng. Việc chứng nhận này phải được Bộ Kinh tế Đức chấp thuận.

 

 

BÀI TOÁN KHÓ KHI MUỐN GIẢM PHỤ THUỘC MỸ

Khỏi đầu tự sự kiện tranh cãi giữ Trump và Zelensky

Sau cuộc gặp đầy căng thẳng giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky, nước Đức đang đứng trước bước ngoặt chiến lược, cân nhắc đầu tư hàng trăm tỷ euro nhằm tăng cường khả năng quốc phòng độc lập.

Theo Đài phát thanh Quốc tế Đức Deutsche Welle ngày 4/3, cuộc tranh cãi căng thẳng giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky tại Nhà Trắng vào ngày 28/2 đã đặt nước Đức vào tình thế phải tái định hình chiến lược an ninh quốc gia. Các đảng chính trị hàng đầu tại Đức đang xem xét việc đầu tư hàng trăm tỷ euro vào quốc phòng, nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng minh Mỹ.

Mối quan hệ với Mỹ đang thay đổi cơ bản

"Trong tương lai gần, Mỹ sẽ không phải là đối tác đáng tin cậy của châu Âu về mặt giá trị và lợi ích", nhà khoa học chính trị Carlo Masala từ Đại học Bundeswehr ở Munich nhận định trong cuộc phỏng vấn với đài phát thanh công cộng Deutschlandfunk. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý: "Trong một số trường hợp, họ chắc chắn sẽ có nhiều lợi ích chung với chúng tôi hơn là với các quốc gia khác".

Trong bối cảnh này, chuyên gia Masala đề xuất một hướng đi mới: "Trong những trường hợp như vậy, tôi tin rằng châu Âu sẽ hấp dẫn hơn đối với Mỹ như một đối tác nếu họ độc lập".

Sự thay đổi trong quan hệ Đức - Mỹ diễn ra sau vụ việc gây chấn động khi Tổng thống Trump công khai chỉ trích Tổng thống Zelensky trước truyền thông và từ bỏ mọi biểu hiện đoàn kết. Theo chuyên gia Claudia Major thuộc Viện các vấn đề quốc tế và an ninh Đức, điều này đồng nghĩa với việc "chúng tôi phải nhận ra rằng đồng minh quan trọng nhất của chúng tôi không còn hành động như một đồng minh nữa mà thay vào đó đang trở thành mối đe dọa an ninh đối với châu Âu".

Cuộc khủng hoảng này xảy ra vào thời điểm đặc biệt nhạy cảm ở Đức

Bởi Đức đang trong quá trình thành lập chính phủ mới sau cuộc bầu cử liên bang cách đây hơn 1 tuần. Chính phủ mới nhiều khả năng sẽ do ông Friedrich Merz, lãnh đạo đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) bảo thủ, một chính trị gia chưa từng giữ chức vụ công, đứng đầu.

Trong giai đoạn chuyển tiếp này, Thủ tướng sắp mãn nhiệm Olaf Scholz (SPD) đã không thể hiện vai trò nổi bật trong các cuộc thảo luận quốc tế. Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Keir Starmer đã tổ chức cuộc họp ở London để bày tỏ sự ủng hộ đối với Kiev và thảo luận về khả năng đề xuất lệnh ngừng bắn giữa Nga và Ukraine.

Dù vậy, có những lý do chính đáng khiến Đức phải thận trọng. Trong thời kỳ chuyển tiếp giữa các chính phủ, thủ tướng sắp mãn nhiệm thường sẽ hạn chế đưa ra các quyết định và tuyên bố chính trị có tầm ảnh hưởng sâu rộng.

Nỗ lực tăng cường quốc phòng

Lãnh đạo Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) Lars Klingbeil, người được dự đoán sẽ trở thành Bộ trưởng Ngoại giao tiếp theo của Đức, đã nhấn mạnh trách nhiệm của chính phủ Đức tương lai: "Đức sẽ cùng với Ba Lan và Pháp để tạo ra sự ổn định ở châu Âu", đồng thời gọi vụ việc tại Nhà Trắng trên là một "lời cảnh tỉnh".

Các cuộc thảo luận về một khoản đầu tư khổng lồ cho quân đội Đức đang diễn ra sôi nổi tại Berlin. Mục tiêu là cho phép quân đội nước này có khả năng tự bảo vệ mà không cần đến sự hỗ trợ của Mỹ, đồng thời duy trì hỗ trợ cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.

Các khoản đầu tư được đề xuất lên đến 400 tỷ euro (khoảng 419 tỷ USD), một con số khổng lồ mà Đức sẽ phải vay. Khoản tiền này được gọi là "quỹ đặc biệt". Tuy nhiên, việc thông qua sẽ đòi hỏi đa số hai phần ba phiếu trong Quốc hội Đức, điều khó thực hiện trong Quốc hội mới ghi nhận sự trỗi dậy của phe cực hữu.

Áp lực để đạt được thỏa thuận về tăng cường quốc phòng cao hơn bao giờ hết. Ông Merz đã bày tỏ ý định thành lập chính phủ liên minh giữa CDU, đảng liên kết Bavarian CSU và SPD vào lễ Phục sinh. Tuy nhiên, ông thừa nhận: "Chúng tôi muốn làm điều gì đó cho quân đội Đức, một vấn đề đã trở nên rõ ràng hơn vào cuối tuần trước sau các sự kiện tại Nhà Trắng. Nhưng chúng tôi vẫn chưa đạt được thỏa thuận".

Vào ngày 5/3, Thủ tướng Olaf Scholz sẽ gặp ông Merz để thảo luận riêng về các bước tiếp theo. Cuộc gặp này sẽ tập trung vào câu hỏi quan trọng nhất: Làm thế nào để Đức đảm bảo an ninh của chính mình, một nhiệm vụ mà Mỹ đã đảm nhận kể từ khi Thế chiến II kết thúc vào năm 1945?

Như vậy, trong bối cảnh địa chính trị đang thay đổi nhanh chóng, Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - đang phải đối mặt với thách thức chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Lạnh: xây dựng một chính sách đối ngoại và quốc phòng độc lập hơn trong khi vẫn duy trì vai trò then chốt của mình trong việc hỗ trợ Ukraine.

 

Nguồn: Bnews; Năng Lượng Quốc Tế;; Báo Tin Tức

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Luật Pháp

Nhập cư

Người Việt ở Đức

Chính trị - Xã hội

Hội Phụ nữ Việt Nam Leipzig tổ chức Lễ hội ngày Quốc tế phụ nữ 08.03.2025

Hội phụ nữ Việt Nam tại thành phố Leipzig CHLB Đức đã tưng bừng tổ chức kỉ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 08.03.2025 vào ngày 09.03.2025. Lễ hội đã thu hút đông đảo chị em và khách mời với một chương trình văn nghệ cộng đồng sôi động.

Bài Tập Ép Bụng làm Mạnh Tỳ Vị Gan Khoẻ hạ Chỉ Số Đường Chữa Khỏi Tiểu Đường

Sau khi ăn cơm xong, hoặc đợi 1 tiếng, rồi uống 2-3 thìa cà phê đường cát vàng. Xong tập bài thể dục ép bụng sẽ hiệu quả. Mỗi ngày ăn 3 bữa chính thì thực hiện cả 3 lần.

Nguồn: Tadoco - Thuốc thảo dược

Hội Người Việt Nam Leipzig e.V. tổ chức TẾT ẤT TỴ 2025

Tết Ất Tỵ của cộng đồng người Việt Leizig & Vùng Phụ cận đã được Hội Người Việt Nam Leipzig tổ chức tưng bừng, hân hoan, náo nhiệt vào Chủ Nhật, ngày 26.01.2025 tại Hội trường, Trường Đại học Uni, Thành phố Leipzig, được coi là một sự kiện trọng đại mở đầu cho một năm mới 2025, năm đánh dấu cột mốc tròn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức.

https://www.youtube.com/watch?v=z3eDznU75b8

Đức Việt Online

Lên đầu trang